TỊNH CHƯ NGHIỆP CHƯỚNG- Diệu Huyền

21 Tháng Tư 201812:00 SA(Xem: 4855)



buddha_under_tree-content



TỊNH CHƯ NGHIỆP CHƯỚNG


 

 Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng

 Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

 


Phật và chúng sanh vốn cùng một tánh, nhưng tại sao Phật thì sáng suốt thanh tịnh, còn chúng sanh lại u mê ám chướng, quanh quẩn mãi trong vòng luân hồi nghiệp bào không ra khỏi được, và không thể ngộ nhập được tánh Viên Giác vốn sẵn đầy đủ nơi mình?

 

Đó cũng là câu hỏi mà Bồ Tát Tịnh Nghiêp đặt ra cho Đức Thế Tôn trong kinh Viên Giác:


Nếu chúng ta có tâm Viên Giác vốn sẵn thanh tịnh, vì nhân duyên gì mà nhiễm ô và khiến cho chúng sanh mê muội, không nhập được tánh Viên Giác ấy?



Nguyên nhân của vấn đề theo như Đức Như Lai đã giải thích trong phẩm “Tịnh Chư Nghiệp Chướng” là như sau:


Chúng sanh do vọng tưởng điên đảo, chấp có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả mà cho mình là thật, rồi khởi tâm thương ghét. Như vậy là từ căn bản hư giả lại chồng chất thêm hư giả, tạo ra nghiệp đạo luân hồi, vọng thấy mình ra vào sanh tử. Đến khi chán ghét luân hồi lại vọng đến một cõi Niết Bàn, là vẫn còn ở trong cái thương ghét của vọng tưởng. Và khi còn vọng thì chưa thể nhập được tánh Viên Giác vốn có sẵn, chứ chẳng phải Viên Giác tự nó có thể cản trở không cho nhập được.


 

Vọng tưởng điên đảo do đâu mà có? Phật nói:


Do bởi vô minh đã khởi sẵn và làm chủ tể từ vô thủy. Chúng sanh vốn không có con mắt trí tuệ nên không nhận biết thân tâm mình là vô minh. Vì ngã tướng do vô minh sanh, nên không đủ can đảm tự tiêu diệt ngã tướng, cũng như con người không thể nào tự giết mình được.


Vì chấp thân tâm thực là mình, nên cảnh nào thuận thì thương, cảnh nào nghịch thì ghét. Do tâm thương ghét này lại tiếp tục nuôi dưỡng vô minh, vì thế chúng sanh cầu Đạo không thể thấy được Đạo.

 


Như thế, nguyên nhân chính gây trở ngại cho sự thể nhập Viên Giác là cái chấp kiến của tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng Sanh và tướng Thọ Mạng trong tâm.

 


Tướng Ngã do đâu mà có?


Như chúng ta đã biết, con người do duyên hợp mà thành, và sự kết hợp của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức bắt nguồn từ một chuỗi nhân duyên khởi đầu từ Vô Minh. Như Phật nói, “Ngã tướng do vô minh sanh”, nên từ nguyên thủy khi mới sanh ra một đứa bé đã có sẵn mầm móng của ngã tướng, và có những biểu lộ riêng biệt cho cái Ngã đó, như được chiều ý thì vui vẻ tươi cười, nghịc ý thì khó chịu khóc lóc. Lớn lên một chút, cái Ngã càng ngày càng kiên cố thêm theo những liên hệ tương quan trong môi trường sống.


Tướng Ngã là cái thấy trong tâm xem mình như một thực thể riêng biệt, thấy có cái Ta độc nhất vô nhị trên cõi đời này. Vì thấy cái Ta đó là thật nên sanh tâm Ái Ngã thương quý, luôn luôn muốn gìn giữ, bảo tồn nó. Vì Ái Ngã nên khi được thuận lợi vừa ý thì vui vẻ, gặp nghịch cảnh trái ý thì phiền não.


Cái Ngã hiển hiện nơi con người chúng ta qua mọi hình thức, từ thô đến tế. Cái Ngã thô lậu được thấy trong tư tưởng, lời nói và hành động chỉ coi trọng mình và những gì liên quan đến mình trước hết. Cái Ngã vi tế hiện ra trong phản ứng trước những lời khen chê, được khen thì vui thích, bị chê bai thì phiền lòng.


Đối với người tu, cái Ngã bình thường dường như không lộ rõ ra khi mọi sự êm xuôi, thân thể điều hòa, không gặp điều gì trái ý – nhưng khi mang bệnh hay gặp phải những nghịch cảnh như gai đâm, lửa đốt thì cái Ngã hiện ra rất rõ rệt.


Vi tế hơn nữa là cái Ngã hiển hiện nơi những người tự thấy mình có chứng ngộ. Điều này thường được thấy nơi những hành giả tu Thiền. Bạch Ẩn Đại Sư, một thiền sư Lâm Tế hàng đầu của Nhật Bản trong thế kỷ thứ 18, đã tả trong tự truyện của ngài những kinh nghiệm thứ lớp đã trải qua trong tiến trình giác ngộ đến viên mãn. Sự chứng ngộ đầu tiên đem lại một cảm giác hân hoan, phấn khởi lạ thường, nhưng cùng lúc ấy cũng có thể sinh tâm cao ngạo, thổi phồng cái Ngã, cho mình đã ở một vị thế ưu việt khác người. Vì thế, trong bước đường tu mà còn thấy mình có chứng, có đắc là còn có “Ngã Tướng”.


 

Thế nào là Tướng Nhân? Tướng Nhân là sự nhận biết ta là người, và cái nhìn ra ngoài thấy những người khác cũng là người. Cái thấy Tướng Nhân đã vượt qua một phần nào sự hạn hẹp vị kỷ của cái thấy Tướng Ngã, nhưng còn có tính cách đối đãi, phân biệt giữa ta và người, giữa chủ thể và đối tượng.


Bố thí ba la mật là bố thí mà không thấy mình, không thấy người, không thấy có vật bố thí. Đó là đã ra khỏi sự chấp thủ của tướng Ngã, tướng Nhân. Còn bố thí hay làm việc thiện mà thấy mình làm phước, thấy có người nhận sự cứu giúp của mình thì vẫn còn vướng trong tướng Ngã, tướng Nhân, chỉ tạo được quả tốt mà không ra khỏi sinh tử luân hồi.


Đi sâu thêm một bước, theo kinh Viên Giác, nếu trong tâm còn có một chút ngộ rằng: đã chứng ngộ đầy đủ, thì vẫn còn là nhân tướng. Cái ngộ của nhân tướng vượt qua sự chứng đắc của ngã tướng. Tâm cho đến khi ngộ được Niết Bàn là vẫn còn Ngã, nên sự chứng đắc ban đầu là còn đầy ngã tướng. Đến khi không còn chấp vào Ngã tướng, mà vẫn còn thấy có người giác ngộ, thì đó là Nhân Tướng.


 

Thế nào là tướng Chúng Sanh?


Ra khỏi tướng Ngã, tướng Nhân, nhưng còn thấy mình là chúng sanh, thì đó là tướng Chúng Sanh. Tướng chúng sanh trong kinh Viên Giác có nghĩa là sự thấy biết của ý thức trong tâm, nên sâu xa, tế nhị hơn trong các kinh điển khác.


Chúng sanh theo nghĩa bình thường là muôn loài sinh vật trên cõi giới này, cũng có nghĩa là người chưa tỏ ngộ, còn đang ở trong mê mù vô minh. Như trong kinh Kim Cương, Đức Phật nói: “Chúng sanh chẳng phải là chúng sanh, cũng chẳng phải là chẳng chúng sanh. Bởi vì sao? Chúng sanh ấy là chúng sanh, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy là chúng sanh.” Đó có nghĩa là, chúng sanh và Phật tuy hai mà không phải hai, vì đều cùng một tánh mà ra. Chúng sanh trong ba cõi đều có sẵn tánh Giác đầy đủ diệu huệ, nên vốn chẳng phải chúng sanh, nhưng vì chưa tỏ ngộ được tánh Giác ấy nên tạm gọi là chúng sanh. Bởi vậy, bậc Bồ Tát diệt độ vô số vô biên chúng sanh mà chẳng thấy có chúng sanh nào được diệt độ cả.


Theo kinh Viên Giác, cái thấy tướng Chúng Sanh đã vượt ra khỏi sự đối đãi của tướng mình, tướng người, không còn thấy có chứng đắc, không còn thấy có người chứng ngộ, nhưng vẫn còn niệm thấy biết rõ ràng trong tâm, thì niệm thấy biết ấy là tướng Chúng Sanh. Kinh nói: “Chỉ những chúng sanh liễu tướng, liễu ngộ đều là ngã nhân. Mà tướng ngã nhân không thể đến được. Còn có một chỗ liễu, thì đó là tướng chúng sanh.”


 

Thế nào là tướng Thọ Mạng? Theo nghĩa thông thường, tướng Thọ Mạng là thấy có sanh mạng đang tồn tại tương tục. Nhưng trong kinh Viên Giác, tướng Thọ Mạng được định nghĩa như sau:


“Các chúng sanh tâm chiếu soi đã thanh tịnh, nhưng còn cái “Trí Giác Ngộ” tương tục tu tập các nghiệp vô lậu, chưa thể tự trừ được, cũng như mạng căn tương tục không thể tự đoạn được, nên gọi là “Thọ Mạng Tướng”.


Điều đó có nghĩa là, khi đã đến chỗ không còn chấp thấy tướng Ngã, tướng Nhân, không còn vướng mắc trong ý thức nhận biết của tướng Chúng Sanh, trong tâm đã có trí tuệ soi chiếu thanh tịnh, nhưng trong trí đó lại có sự tự chiếu, thấy có cái Giác, thì vẫn còn năng và sở, còn ở trong vòng đối đãi trần cấu. Còn có năng và sở, còn cái chiếu và cái bị chiếu chưa dứt tuyệt được, là vẫn còn mạng căn của Thọ Mạng Tướng.


Ví như đem nước nóng làm tan băng, đến khi toàn băng là nước thì không còn nước nóng, cũng không còn băng, cả hai đã nhập lại làm một. Nhưng nếu còn một chút nước nóng và băng, là vẫn còn “năng” của nước nóng làm tan băng, và “sở” của băng bị tiêu, thì nước vẫn chưa được thuần nhất. Cũng thế, nếu còn lấy Giác để chiếu Giác, thì còn chưa rời được bốn tướng, chưa thể nhập Viên Giác.


Xưa Đức Thích Ca trong tiền kiếp đã bố thí thân mạng cho cọp mẹ để cứu cọp con, các vị Tổ như Tổ Sư Tử, Tổ Huệ Khả trước cái chết vẫn an nhiên bất động, đó là các ngài đã lìa được tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng Sanh, tướng Thọ Mạng, thấy rõ sự huyễn hóa của Sanh Tử nên không còn bị chao đảo trong Sanh Tử.



Từ Ngã Tướng đến Thọ Mạng Tướng, theo như kinh Viên Giác, là cả một quá trình giác ngộ từ thô đến tế, trở về đối thân để rồi buông thân, trở về đối tâm để rồi buông tâm. Ngã tướng, Nhân tướng là cái thấy của thân, Chúng Sanh tướng, Thọ Mạng tướng là cái thấy của tâm. Trong nhà Thiền thường hay nhắc đến sự cần phải “buông bỏ cả thân lẫn tâm” thì mới hoàn toàn tỏ ngộ được tánh Giác viên mãn. Sự buông bỏ ấy là sự buông bỏ toàn diện, không còn một chút vướng mắc nào nơi tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng Sanh, và tướng Thọ Mạng, tỷ như người bị cọp đuổi đến vực thẳm, không còn lối nào thoát, chỉ có nước lao xuống vực, dù nơi đó cũng đang có sẵn cọp khác chờ đợi ở dưới đáy vực. Nhưng chính khi buông bỏ Thọ Mạng tướng ấy mới nhận ra được cái không sanh không diệt, không được không mất vẫn mênh mang hiện diện nơi mình, như ý nghĩa của câu “Buông tất cả thì được tất cả” vậy.


 

Nhưng chúng ta sống trong thế giới hiện tượng, làm sao buông bỏ được tướng Nhân, tướng Ngã?


Nếu chỉ biết đến những hình tướng hữu vi trước mắt, thì bỏ tướng Ngã cũng tựa như đánh mất mình vậy, thật là đáng sợ vì không biết nương tựa vào đâu. Nhưng vì có Pháp Phật chỉ cho ta thấy chân lý, nên nhờ đó mà trong bóng tối dầy đặc của vô minh đã có những tia sáng le lói, mở mang trí tuệ cho ta thấy được thực tướng của cái Ngã. Ngã tướng chúng ta là do sắc tướng và hoàn cảnh môi trường sống lập nên. Nếu chúng ta sinh ra với một thân tướng khác, ở trong một hoàn cảnh gia đình xã hội khác, ta sẽ có Ngã tướng khác biệt với Ngã tướng của chúng ta hiện giờ. Không những vậy, trong cuộc đời cái Ngã cũng thay đổi theo thời gian, tuổi tác và kinh nghiệm. Vì vậy, Ngã tướng là hoàn toàn vô thường, bất định như một cái bóng huyễn ảo, thay đổi theo cảnh sắc hiện có. Như trong kinh Bát Nhã đã nói: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc”.


Nhưng dù biết Ngã là Không, ta cũng không thể nói là không có Ngã, mà chỉ có thể nói rằng cái Ngã hiện có là giả tạm, huyễn hóa. Vậy làm sao để không rơi vào sự chấp tướng, chấp ngã, mà cũng không rơi vào chấp Không? Kinh Kim Cương có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nếu chúng ta ở trong sắc tướng mà không trụ vào sắc tướng, không bị lôi cuốn theo trần cảnh của thanh, hương, vị, xúc, pháp thì sẽ lìa được sắc tướng, và như vậy trí tuệ Bát Nhã sẽ hiển lộ toàn vẹn.

 

Xưa kia tổ Bát Nhã Đa La hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma rằng:

- Thế nào là vô tướng?

Đạt Ma trả lời:

- Không khởi niệm là vô tướng.

Như vậy, tướng chính là niệm trong tâm vậy.

 

Trong Tuyệt Quán Luận, Duyên Môn hỏi thầy là Nhập Lý rằng:
- Nếu không còn thấy thân ngã, vậy ai là người đi đứng nằm ngồi?

 Nhập Lý trả lời:

- Cứ đi đứng nằm ngồi, cần gì phải thắc mắc là có thấy thân ngã hay không.

- Nhưng nếu không có ai tồn tại ở đó, làm sao suy ngẫm về nghĩa lý được?

- Nếu còn tâm tính toán, dù có không suy nghĩ cũng vẫn là có. Còn nếu hiểu được vô tâm, dù có suy tư cũng vẫn là không. Vì sao? Vi cũng như thiền sư ngồi tĩnh tọa thấy biết những khởi niệm trong tâm, dù cho có cuồng phong loạn động cũng vẫn vô tâm như thường.


 

Trong chốn trần lao, chúng sanh bị bốn tướng Ngã, Nhân, Chúng Sanh, Thọ Mạng làm điên đảo đã đành, nhưng người đi theo con đường tu tập giải thoát cũng bị Ngã tướng che lấp, đưa đến chỗ sai lạc. Phật đã đưa ra những cảnh cáo như sau:


Tu hành mà không bỏ được tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng Sanh, tướng Thọ Mạng thì dù có cố gắng khổ hạnh đến đâu cũng chỉ được những quả hữu vi, không giải thoát luân hồi sinh tử được.


Vì sao? Vì còn cho là có chứng, có đắc tức là còn cái Ngã muốn được. Còn ghét sanh tử, yêu Niết Bàn là còn tâm thương ghét của cái Ngã. Đâu ngờ thương ghét chính là gốc của sanh tử, là gốc của phiền trược.


Như vậy, tưởng mình chứng đắc, tưởng mình thành tựu Niết Bàn chính là nhận Ngã làm Niết Bàn, cũng như nhận giặc làm con, rồi sẽ bị nó phá cho tán gia bại sản.


Cái Ngã ẩn nấp thâm sâu trong tàng thức chúng ta, ra vào sáu căn luôn luôn làm tâm nhiễu loạn. Tỷ như có người đến khen ngợi thán phục, hành giả lấy làm đắc ý vui mừng, muốn độ cho người đó; còn hễ có ai chê bải hủy báng thì đem tâm sân hận. Bởi không dứt được Ngã tướng nên không thể nhập được Viên Giác thanh tịnh.


Muốn biết mình được vô ngã chưa thì cứ xem khi bị người phỉ báng hủy nhục mà không thấy có người bị phỉ báng hủy nhục, ấy là được vô ngã. Trái lại, trong lúc thuyết pháp mà thấy mình đang thuyết pháp độ người, thì đó là Ngã tướng chưa đoạn, và cả ba tướng kia cũng vậy.



Bởi vậy, Ngã tướng là trọng bệnh của hành giả. Song chúng sanh không hề biết đến bệnh, mà lại tưởng mình chứng được Niết Bàn, rồi cố cầu, cố tu cho bằng được, càng tu chừng nào càng thêm bệnh chừng nấy! Vì thế nên không nhập được Viên Giác thanh tịnh.


Nếu chưa đạt Đạo lại nói mình đạt Đạo, chưa chứng quả là nói mình đã chứng quả, thấy người tinh tấn tu hành thì đem lòng ghen tức, thế là chưa trừ được Ngã Ái, nên không nhập được Viên Giác thanh tịnh.


Chỉ nói đến thành đạo mà không cầu cho ngộ đạo, cố thu thấp kiến thức cho nhiều chỉ để nói suông, là chỉ làm tăng trưởng thêm Ngã tướng.

 

Trên đường tu hành, phải cầu Thiện Tri Thức hướng dẫn mói khỏi bị tà kiến. Nhưng nếu đối với Thiện Tri Thức lại sanh tâm đối đãi, phân biệt sang hèn, ưa hay ghét, thì hành giả cũng không thể nhập được Viên Giác.


Muốn tu hành chân chính, hành giả phải phát tâm đại dũng mãnh, hàng phục phiền não. Pháp lành chưa chứng phải tinh tấn tu cho được, pháp ác chưa đoạn phải mau tinh tấn đoạn trừ, kiểm soát tâm độc tham, sân, si, không cho chúng lộng hành, khi đối cảnh giữ cho tâm vắng lặng, không còn phân biệt hơn thua giữa nhân và ngã, ta và người, thương và ghét v.v... Được như vậy, Như Lai sẽ ấn chứng cho thành tựu Viên Giác.


 

Diệu Huyền


Lược giải phẩm “Tịnh Chư Nghiệp Chướng”, kinh Viên Giác.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật