TƯ TƯỞNG TAM BẢO TINH KHÍ THẦN - Tùng Sơn

21 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 28068)



Tư Tưởng Tam Bảo - Tinh Khí Thần



 Tại sao gọi Tam Bảo? Vậy thì Tam Bảo là gì? Ở đây Tam bảo không có nghĩa Phật, Pháp, Tăng như trong giáo lý nhà Phật. Theo Y học Đông Phương Tam Bảo ở đây là ba điều quý giá mà mỗi con người khi ra đều thừa hưởng để giúp cho việc sinh tồn, biết suy nghĩ và làm việc. Những người biết duy trì, luyện tập, tu dưỡng Tam Bảo thì sẽ có sức khỏe, trường thọ, còn người phung phí, lạm dụng Tam Bảo thì sẽ chết yểu và bệnh tật.



 Trong tác phẩm cổ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên có viết:



 “Thân thể là cái miếu của sự sống. Năng lượng là sức sống. Tinh thần là người chăm sóc sự sống. Nếu một trong ba điều vừa nêu ra mất quân bằng, cả ba sẽ bị tổn thương. Khi tinh thần đóng vai chủ động, thân thể sẽ theo đó một cách tự nhiên, sự phối hợp này mang lại lợi ích cho tam bảo. Khi thân thể đòi đi một đường, tinh thần đi hướng khác, điều này sẽ gây tổn hại cho Tam Bảo”

 


 Theo Đạo giáo , Tam Bảo hình thành sự sống gồm có ba phần là Tinh, Khí và Thần, có thể xem như tư tưởng dưỡng sinh, phát xuất từ quan niệm “Tam hợp dĩ nhất”. Nói cách khác Khí sinh ra tinh, tinh sinh ra thần, thần sinh ra minh, tức là muốn sống trường thọ phải phối hợp điều hòa ba yếu tố tinh, khí, thần thành một.



 Tinh

 


  Tinh có nghĩa thành phần vật chất tinh luyện cao độ cấu tạo thành cơ thể con người, cũng có nghĩa là sức sống hay sinh khí, chia thành hai phần một là Tiên Thiên, một là Hậu Thiên. Phần tinh tiên thiên là sức sáng tạo nguyên thủy của vũ trụ, trời đất thúc đẩy sự sinh sản tiếp tục mãi mãi về sau không bao giờ hết. Con người khi sinh ra nhận phần nào tinh tiên thiên từ cha và mẹ, và chứa đựng ở thận, nằm ở đan điền phía dưới rốn, có công năng điều hành sự phát triển cơ thể.


 Tinh hậu thiên là chất do đồ ăn, thức uống đã được toàn bộ hệ thống tiêu hóa tinh lọc, điều chế dưới các dạng như chất kích thích cho sự phát triển (hormones), chất hữu cơ kích thích tạo thành trong các tế bào(enzyme), chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters),dịch não tủy( cerebrospinal fluid),dịch bạch huyết (lymphatic fluid) v.v. Tinh hậu thiên nằm ở xương cùng mang quan hệ mật thiết với cơ năng tiêu hóa và tính dục.

 

 


 Khí

 
 

 Khí trong phạm trù y học có nghĩa là sức sống tràn ngập khắp mọi tế bào, tác động mọi cơ quan mọi bộ phận trong cơ thể, nói cách khác:”Có khí thì sống, không khí thì chết”. Khí giống như dòng điện chạy trong máy vi tính, nếu không có điện thì tất cả sẽ ngừng hoạt động ngay tức khắc.



 Về mặt khí Tiên Thiên hay còn gọi là nguyên khí là sức năng lượng đầu tiên khởi thủy của toàn vũ trụ được biểu hiển qua sức nóng, ánh sáng, những chuyển động và những năng lượng vũ trụ khác Năng lượng vũ trụ như không khí vào cơ thể qua sự điều tức. ánh sang được hấp thụ qua làn da và thị giác.


 Khí tiên thiên nguyên thủy của con người phát xuất từ hai nguồn. Một là sự chuyển biến từ tinh tiên thiên chứa ở tuyến thượng thận cũng còn được gọi là nguyên khí, bất cứ ai cũng có cả. Muốn đạt được điều này cấn phải có công phu tu luyện. Nguồn thứ hai là năng lượng vũ trụ như trình bày ở trên.



 Về mặt khí hậu thiên hay còn gọi là đất do đồ ăn, nước uống, và những chất cần thiết cho dinh dưỡng biến thành. Hai nguồn khí tiên thiên và hậu thiên hòa hợp lẫn nhau tạo thành sức sống, nguồn sinh khí vận hành khắp toàn thân, mọi mạch máu,có tác dụng bảo vệ, chống đỡ tà khí xâm nhập, lực căn bản tối cần thiết cho đời sống con người.


 Thần


 Thần ở đây ám chỉ Tâm Đạo và mọi hoạt động thuộc về tư tưởng, ý thức và tâm linh con người.


 Thần tiên thiên còn gọi là nguyên thần, là linh hồn bất tử, là ánh sáng khởi thủy cho ý thức. Nó cũng chính là tia lửa vĩnh cửu của nhận thức, không có sự sinh cũng như sự chết, không có hình thù, cháy sáng và ngự trị ở trong tim.


 Thần của hậu thiên được biểu hiện qua những ý tưởng, cảm giác, cá tính con người. Thần hậu thiên là những sinh hoạt thuộc về não bộ và nằm ở trên đầu. Thần hậu thiên trong phạm trù tư duy có nghĩa là trạng thái tâm con người được chia thành hai phần, một phần là cảm nhận trú ngụ ở tim tương ứng với hỏa khí.


 Theo đạo giáo gọi là thần, hay tâm đạo, phật giáo gọi là phật tánh. Đức tính này nằm tiềm ẩn trong tất cả chúng ta nhưng luôn luôn che lấp bởi vọng niệm, bởi cảm giác ảo tưởng của ngũ quan. Vì thế có những người không hề hay biết hay không có khả năng đánh thức nó dậy cho đến khi chết. Nó là tấm gương sạch không một vết bụi có thể phản chiếu mọi sự vật trên thế gian. Trái lại tâm con người hay tâm chúng sinh là tấm gương đầy tì vết, phủ đầy bởi tấm màn vô minh, dục vọng, hằn lên bởi tư tưởng hữu vi. Để trở về tâm uyên nguyên, tâm trong sáng chỉ bằng cách thực hành chứ không bằng sách vở, bằng cách quên đi những ý nghĩ, tư duy và để chúng ra đi chứ không giữ lại, bằng sự tổng hợp những quan niệm mâu thuẫn chứ không phải những khác biệt giáo lý các trường phái. Chính vì thế Lão Tử đã mở đầu Đạo Đức kinh bằng câu:” Đạo Khả đạo phi thường đạo.” Có nghĩa khi nói cái gì đó là Đạo thì sẽ không còn là Đạo nữa.


 Để áp dụng tư tưởng này vào dưỡng sinh, gìn giữ sức khoẻ, tăng thêm tuổi thọ, hành gi phải hiểu rõ tính chất tập luyện thường xuyên, phòng bệnh chứ không phải chờ đến khi bệnh rồi mới chữa. Đó cũng chính là nguyên tắc tu dưỡng quân bằng Tinh, Khí, Thần, dung hợp với vận chuyển vũ trụ, hài hòa với trời đất.


 Do đó tu tập thiền và khí công để quân bằng, phối hợp điều hòa tinh, khí, thần, thường xuyên lau chùi những lớp bụi che lấp tâm đạo, kiểm soát những cảm giác ngũ quan, biết kiềm chế những cảm xúc, tránh xa những ham muốn không cần thiết, để đạt đến trạng thái thanh tịnh cao nhất và làm sống lại tâm đạo, thần khí của tiên thiên. Người đạt đến cảnh giới này thì tâm luôn luôn “biết vui với trời, không oán trời, không chê người, không lụy vật”, hơn thế nữa “cùng cũng vui, thông cũng vui”. Bởi vì hành gi đã hòa cùng một nhịp với trời và đất.

 


Tùng Sơn


Xuân Canh Dần

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Nhan nai Lan