CÁI CHÂN NGỰA - Akutagawa Ryunosuke / Quỳnh Chi dịch

14 Tháng Chín 20215:46 CH(Xem: 1244)
autumn_rain


Cái chân ngựa

Nguyên tác “Uma no ashi” của Akutagawa Ryunosuke

 

Nhân vật chính trong câu chuyên này là một người đàn ông tên là Oshino Hanzaburo. Đáng tiếc hắn không phải là nhân vật tai to mặt lớn, mà chỉ là nhân viên khoảng trên dưới ba mươi tuổi, ở phân xã Bắc kinh của công ty Mitsubishi. Sau khi tốt nghiệp đại học thương mại được hai tháng thì Hanzaburo tới Bắc kinh. Nhận xét của cấp trên hay bạn đồng liêu về Hanzaburo không có gì đặc biệt để gọi là tốt, nhưng cũng không phải là xấu.  Tóm lại là tầm thường, cũng như cái vẻ bề ngoài của hắnvậy. Nhân thể nói thêm về chuyện gia đình của Hanzaburo.

Hai năm trước đâyHanzaburo đã lấy một cô tiểu thư.  Tên cô này là Tsuneko. Chuyện hôn nhân này cũng đáng tiếc không phải là lấy nhau vì tình. Mà là nhờ một đôi vợ chồng già trong họ mai mối cho. Tsuneko không thể nói là đẹp, nhưng cũng không phải là xấu. Chỉ là có đôi má phúng phính lúc nào cũng mỉm cười. Chỉ trừ lúc đáp chuyến tàu đêm từ Phụng Thiên đến Bắc kinh bị rệp đốt, còn thì lúc nào Tsuneko cũng mỉm cười. Nhưng bây giờ thì cũng không còn phải lo bị rệp đốt nữa. Là vì trong căn hộ ở ký túc xá của công ty trên phố xxđã có để sẵn hai hộp hoa cúc trừ sâu bọ côn trùng, nhãn hiệu hãng Con dơi.

Tôi đã nói rằng cuộc sống gia đình của Hanzaburo rất đỗi bình thường. Quả đúng là như vậy. Hắn chỉ có việc ngày ngày ăn cơm với Tsuneko, mở máy hát ra nghe, hay đi xem xi-nê…. Cuộc sống không khác gì với tất cả các nhân viên công ty ở trong khắp thành phố Bắc Kinh. Tuy vậy, cuộc sống của đôi vợ chồng này cũng không tránh khỏi bị số mệnh đưa đẩy. Vào buổi trưa định mệnh ấy, sự đơn điệu trong cuộc sống gia đình hết sức bình thường ấy đã bị giáng một đòn làm cho vỡ tan tành. Oshino Hanzaburo, nhân viên công ty Mitsubishi bị đột tử vì chảy máu não.

Trưa hôm ấy, Hanzaburo đang chăm chú xem các giấy tờ trên bàn giấy của công ty tọa lạcgần cổng Đông. Các bạn đồng liêu ngồi cùng bàn đối diện với hắn cho biết cũng không thấy có triệu chứng gì bất thường. Thế nhưng, tuy là trông có vẻ rất ổn đấy,  nhưng khiHanzaburo miệng vẫn còn ngậm điếu xì gà đang định đánh diêm, thì đột nhiên gục xuống mà chết. Một cái chết lãng nhách.  Nhưng rất may là người đời không mấy ai bình phẩm gì về cái cách người ta chết. Họ chỉ bình phẩm về cách người ta sống thôi. Cũng nhờ vậy mà Hanzaburo không bị chê trách gì đặc biệt cả. Ồ không, không những là không chê trách, cấp trên và bạn đồng liêu còn ngỏ lời chia buồn sâu sắc với người vợ goá của hắn là Tsuneko.

Theo chẩn đoán của tiến sĩ Yamai giám đốc bệnh viện Đồng Nhân, nguyên nhân tử vong của Hanzaburo là chảy máu não. Nhưng điều bất hạnh cho Hanzaburo là hắn không nghĩ rằng mình bị chảy máu não. Hơn nữa hắn không nghĩ là mình đã chết. Chỉ có là ngạc nhiên vì thấy mình đến một văn phòng trông khác với mọi khi.

Trong ánh nắng, làn gió thổi làm chiếc rèm buông nơi cửa sổ chầm chậm đung đưa. Hơn nữa qua khung cửa, không trông thấy gì bên ngoài. Nơi chiếc bàn ở giữa phòng, có hai người Trung Hoa khoác áo trắng ngồi đối điện với nhau đang tra sổ sách. Một người chừng chưa tới hai mươi tuổi. Còn một người nữa có chòm râu dài  bạc trắng đã ngả sang màu ngà. Lát sau, người Trung Hoa trên dưới hai mươi tuổi vừa đưa bút viết vào sổ, vừa hỏi, mà mắt vẫn không ngước nhìn lên:

-Are you Mr Henry Baret, aren't you?

Hanzaburo giật mình. Nhưng cố chậm rãi trả lời bằng tiếng Quan Thoại.

-Tôi là Oshino Hanzaburo ở công ty Mitsubishi của Nhật Bản.

-Ơ, nhà ngươi là người Nhật ư?

Người Trung Hoa bấy giờ mới ngước mắt lên, ngạc nhiên nói vậy. Người Trung Hoa nữa lớn tuổi hơncũng đang sắp viết điều gì vào sổ, ngơ ngác nhìn Hanzaburo.

-Làm sao bây giờ? Lầm người rồi.

-Phiền quá! Phiền quá đi mất. Từ thời cách mạng đến giờ, chưa bao giờ có trường hợp nào như thế này.

Người Trung Hoa lớn tuổi trông có vẻ như tức giận. Bàn tay đang cầm bút run bần bật.

-Thôi, cho hắn về ngay đi.

-Nhà ngươi….À, nhà ngươi là Oshino đấy nhỉ.  Hãy đợi đấy.

Người Trung Hoa độ trên dưới hai mươi tuổi bèn mở một quyển sổ còn mới ra, bắt đầu lẩm nhẩm điều gì trong miệng.  Nhưng khi đóng sổ lại, người ấy tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên, nói với người Trung Hoa lớn tuổi hơn.
-Hỏng kiểu. Oshino Hanzaburo chết đã ba hôm rồi.

-Chết đã ba hôm rồi?

-Hơn nữa chân đã thối rồi. Cả hai chân đều đã thối từ chỗ đầu gối trở xuống.

Hanzaburo lại một lần nữa rất đỗi ngạc nhiên. Theo những lời họ vừa trao đổi với nhau, thì trước hết là hắn đã chết rồi. Thứ nữa là chết đã ba hôm rồi. Và điều thứ ba là chân đã bị thối. Làm gì có chuyện vớ vẩn như thế chứ. Rõ ràng là chân hắn còn như thế này=======Hắn liền nhanh chân, nhưng bất giác hét toáng cả lên. Hắn hét toáng lên như thế cũng không có gì là lạ. Cả hai chân hắn trong chiếc quần trắng thật thẳng nếp và đi giầy trắng đã bị gió luồn qua cửa sổ thổi ngoẹo sang một bên!Khi nhìn thấy cảnh tượng này, hắn hầu như không tin  vào mắt mình. Nhưng khi lấy tay sờ xem thử, thì quả thực là cả hai chân hắn, từ đùi trở xuống, giống như là có lồng không khí. Đến nước này thì hắn ngã ngửa người ra. Đồng thời, hai chân hắn, hay nói đúng hơn là cái quần, giống như quả bóng cao su đã xẹp, bị tụt xuống sàn nhà.

-Được, được. Ta sẽ lo cho nhà ngươi được thôi.

Người Trung Hoa lớn tuổi như thể vẫn còn bực dọc nói thế, rồi quay sang bảo người trẻ tuổi.

-Cái này là trách nhiệm của cậu. Nghe chửa? Trách nhiệm của cậu đấy. Phải đệ trình ngay lên trên. Còn bây giờ, bây giờ trước mắt là Henry Baret đang ở đâu hả?  

-Theo chỗ tìm hiểu được thì hình như hắn có việc gấp đi Hán Khẩu rồi.

-Vậy hãy đánh điện tín đi Hán Khẩu, bảo lấy chân của Henry Baret đem về đây.

-Không, không được đâu ạ. Đem được chân từ Hán Khẩu về thì ngực của Oshino sẽ thối mất.

-Phiền quá! Phiền quá đi mất!

Người Trung Hoa lớn tuổi ngao ngán thở dài, khiến cho đến cả hàm râu của ông ta bỗng như buông dài ngoằng hơn.

-Cái này là trách nhiệm của cậu. Sẽ phải đệ trình ngay lên trên. Thế hành khách cũng không may là chẳng còn ai hay sao, hả ?

-Vâng, tàu đã khởi hành khoảng một giờ trước mất rồi ạ. Nhưng nếu là ngựa thì còn một con đấy ạ.

-Ngựa ở đâu thế?
-Ngựa ở chợ ngựa bên ngoài cổng Đức Thắng ấy ạ. Con ngựa ấy vừa mới chết xong.

-Vậy thì hãy gắn cái chân ngựa ấy vậy. Tuy là chân ngựa đấy, nhưng có còn hơn không.  Cậu đi lấy đi, chỉ cái chân thôi, lấy về đây ngay.

Người Trung Hoa trên dưới hai mươi tuổi rời chiếc bàn lớn, thoắt cái đã đi đâu mất dạng. Hanzaburo lại một phen – và lần này là lần thứ ba- giật mình. Nghe câu chuyện vừa rồi thì đâu như là hắn sẽ bị lắp chân ngựa. Cái hôm chân hắn thành ra là chân ngựa mới thật là khủng khiếp. Hanzaburo ngã ngửa người ra, cứ thế mà khẩn khoản van xin với người Trung Hoa lớn tuổi.

-Dạ bẩm, gì chứ chân ngựa thì xin miễn cho ạ. Ngựa là tôi chúa ghét ạ. Đời đời kiếp kiếp chỉ xin ông một điều này thôi, xin hãy gắn chân người cho tôi. Chân của người tên Baret gì đó cũng không sao. Dù có hơi lông lá đi nữa, nhưng miễn là chân người thì tôi cố chịu được ạ.

Người Trung Hoa lớn tuổi cúi nhìn Hanzaburo ra chiều thương hại, cứ gật đầu không biết bao nhiêu lần.

-Nếu mà có thì ta đã gắn cho nhà ngươi rồi. Nhưng mà vì không có chân người.--------Thôi thì đành vậy, cứ xem như đấy là vận hạn.  Chân ngựa thế mà khỏe ra phết. Thỉnh thoảng chỉ cần thay móng ngựa là đường núi nào cũng chẳng hề gì.

Tức thì người cấp dưới trẻ tuổi đã lại thoắt một cái không biết từ đâu bước vào, xách lủng lẳng hai chiếc chân ngựa. Giống hệt như những người bồi phòng trong khách sạn đem giầy bốt tới. Hanzaburo toan bỏ chạy. Nhưng khốn nỗi hai chân không còn nữa,nên ngay cả muốn nhấc mình lên cũng không dễ gì đã làm được.  Thế rồi, gã cấp dưới đến bên cạnh Hanzaburo, cởi đôi giầy trắng và đôi tất của hắn ra.

-Không được làm thế. Gì chứ chân ngựa thì xin miễn cho. Hơn nữa, không có luật nào cho phép chữa chân tôi mà không thông qua sự công nhận của tôi…

Trong lúc Hanzaburo gào thét như thế thì gã cấp dưới đã cắm một cái chân ngựa vào ống quần bên phải. Cái chân ngựa như thể có răng cưa, ăn khớp và dính chặt ngay vào đùi bên phải.Sau đó gã lại cắm cái chân kia vào ống quần bên trái. Cái chân này cũng lại ăn khớp và dính chặt ngay vào đùi.

-Nào, được rồi đấy.

Người Trung Hoa trên dưới hai mươi tuổi vừa nở nụ cười mãn nguyện,vừa xoa hai bàn tay có những móng dài vào nhau. Hanzaburo lơ đãng nhìn chân mình. Thì thấy không biết từ bao giờ, thò ra ngoài ống quần màu trắng là hai chiếc chân ngựa màu hạt dẻ có đóng cả móng ngựa hẳn hoi đang đứng cạnh nhau.

Hanzaburo chỉ nhớ đến đấy. Hay ít nhất là sau đó không nhớ được rõ rệt như là câu chuyện từ nẫy đến giờ. Hanzaburo mang máng nhớ hình như là hai người Trung Hoa đã cãi nhau ầm ĩ. Lại nhớ đâu như là mình ngã lăn xuống những bậc thang rất dốc. Nhưng những mẩu ký ức ấy đều không xác thực.Tóm lại là hắn đã lạc trong vùng ảo giác huyễn hoặc mãi cho đến khi tỉnh lại, thì thấy mình đang nằm trong quan tài để trong ký túc xá của công ty ở phố xx . Không những thế, đúng lúc ấy có một thầy tu đi thuyết pháp thuộc phái chùa Honganji đang làm gì như tụng kinh trước chiếc quan tài ấy.

Đương nhiên là tin Hanzaburo sống lại như thế được thiên hạ bàn tán xôn xao. Vì thế, tờ Thuận Thiên Thời Báo đã đăng bức ảnh thật lớn của hắn, và bài báo với tựa đề thật to, mà theo bài báo này thì cô vợ Tsuneko đang mặc tang phục lại càng mỉm cười chúm chím hơn mọi khi.Tiềnphúng điếu Hanzaburo nay bỏ phí, một người cấp trên cùng với các bạn đồng liêu bèn dùng để mở tiệc ăn mừnghắn sống lại. Chỉ có điều chắc hẳn là cái điệu này thì tiến sĩ Yamai đến bị mất hết uy tín thôi. Thế nhưng tiến sĩ vẫn thản nhiên vừa nhả khói xì gà thành từng vòng tròn, vừa lấy lại được uy tín một cách thật khôn khéo. Đó là tiến sĩ đã hùng hồn nói rằng thiên nhiên huyền bí đã vượt qua cả y học. Tức là, thay vì uy tín của tiến sĩ, thì uy tín của nền y học đã bị triệt hạ.

Thế nhưng chỉ có chính đương sự là Hanzaburo thì ngay cả lúc đi dự tiệc mừng hồi sinh cũng chẳng thấy mặt mày tươi tỉnh được chút nào. Dĩ nhiên là không tươi tỉnh cũng chẳng có gì lạ. Từ khi chân hắn được phục hồi, chẳng biết từ lúc nào, đã biến thành chân ngựa. Đó là thay vì những ngón chân, thì nay đã thành những cái móng ngựa của chiếc chân ngựa màu hạt dẻ. Mỗi khi ngắm đôi chân này, tâm trạng hắn thật là não nề không biết phải diễn tả thế nào. Lỡ mà có ngày công ty phát hiện ra cái chân ngựa này, thể nào Hanzaburo cũng bị đuổi việc chứ chẳng không. Bạn đồng liêu chắc hẳn thể nào cũng từ chối không giao du với hắn nữa. Còn Tsuneko ---than ôi, “Bạc bẽo là thói đàn bà“. Có lẽ Tsuneko cũng không phải là ngoại lệ, không đời nàolại chịu có người chồng là người mà chân đã thành chân ngựa. Mỗi khi nghĩ thế, Hanzaburo lại quyết phải bằng mọi cách giấu cái chân ngựa của hắn. Bỏ không mặc kimono cũng là vì vậy. Đi bốt cũng là vì vậy. Đóng cửa buồng tắm và cửa sổ thật chặt cũng là vì vậy. Thế nhưng, dù đã làm như thế rồi, hắn vẫn không ngớt cảm thấy không yên tâm.  Mà nghĩ cho cùng, cảm thấy không yên tâm cũng là điều đương nhiên thôi. Vì sao ư?

Điều đầu tiên mà Hanzaburo cảnh giác là tránh đừng để bạn đồng liêu nghi ngờ. Tuy nhiên trong những điều làm Hanzaburo khổ công đối phó, thì tương đối việc này còn là dễ không chừng. Tuy vậy, theo nhật ký của hắn, thực sự thì lúc nào hắn cũng ở trong tình trạng phải phấn đấu với ít nhiều nguy cơ rình rập quanh mình.

“Ngày....tháng 7 

Chỉ tại cái tên người Hoa trẻ tuổi đã gắn cho mình cái chân phải gió này. Có thể nói là cả hai chân mình cứ như cái tổ rận. Hôm nay, trong lúc đang làm việc, mình lại bị ngứa muốn phát điên lên được. Tóm lại là trước mắt còn phải cố hết sức tìm cách trị mấy con rận này mới được…..”

“Ngày.…tháng 8   

Hôm nay mình đến nói chuyện về công việc với người quản lý, thì trong lúc đang nói chuyện, người quản lý cứ không ngớt khịt mũi. Hình như mùi hôi từ chân mình đã bốc cả ra ngoài chiếc giày bốt.…”

“Ngày…. tháng 9

Điều khiển cái chân ngựa làm theo ý mình quả là khó còn hơn là cưỡi ngựa. Trước giờ nghỉ trưa hôm nay, mình bị giao một việc gấp, khi đi xuống cầu thang mới chạy vội. Bất cứ ai thì những lúc như thế, trong đầu chỉ nghĩ đến công việc mình phải làm. Mình cũng thế, nên đã quên khuấy cái chân ngựa. Thế là thoắt một cái, khi bước xuống, chân mình đã bỏ qua tới bốn bậc cầu thang….”

“Ngày….tháng 10
Dần dà mình đã biết cách điều khiển cái chân ngựa theo ý muốn được rồi.  Cuối cùng, sau khi đã thành thục rồi thì mới biết tóm lại là phải giữ thăng bằng ở ngang thắt lưng. Thế nhưng hôm nay mình đã thất bại. Thất bại hôm nay không hẳn là lỗi tại mình. Lúc 9 giờ sáng nay mình lên xe kéo tay để đi đến công ty. Bấy giờ, tiền xe chỉ có 12 xu, nhưng người phu xe cứ nhất định bảo phải trả 20 xu. Hắn lại còn nắm lấy mình, không cho mình đi vào trong cổng công ty. Mình tức quá, bất giác đá cho tên phu xe một cái. Tên phu xe bị bắn lên trời cứ như là quả bóng bầu dục. Dĩ nhiên là mình thấy hối hận. Đồng thời bất giác đã bật cười. Thôi thì từ nay khi cất nhắc cái chân sẽ phải hết sức chú ý. …”

 

Thế nhưng tránh làm sao cho Tsuneko đừng nghi ngờ hình như còn khó hơn cả là việc đánh lừa những bạn đồng liêu. Trong nhật ký của mình, Hanzaburo không  ngớt than thở về vấn đề nan giải này.


“Ngày....tháng 7 

Người mà mình phải lo đối phó hơn cả là Tsuneko. Mình nại cớ cần sống nếp sống có văn hóa, để cuối cùng sửa căn phòng duy nhất kiểu Nhật thành ra kiểu tây phương.Làm thế để không phải cởi giày ngay trước mắt Tsuneko. Căn phòng không còn lát  chiếu nữa, hình như khiến Tsuneko rất bất bình. Nhưng cho dù có đi tất chăng nữa, với cái chân này, mình cũng không thể nào bước đi trên sàn nhà lát  chiếu kiểu Nhật được…..”

“Ngày…tháng 9

Hôm nay mình đã bán chiếc giường đôi cho hiệu đồ gỗ. Chiếc giường này mua trong một kỳ bán đấu giá của người Mỹ. Sau buổi bán đấu giá, trên đường về, mình đi dưới bóng những hàng cây trong khu tô giới.  Những cây hòe trồng hai bên đường đang vào mùa nở hoa. Ánh sáng hắt trên mặt con sông đào sáng loáng thật đẹp. Thế nhưng ……..Bây giờ không phải là lúc để luyến tiếc những cái như thế. Tối hôm qua suýt nữa là mình đã đá vào sườn Tsuneko rồi….”

 

“Ngày ....tháng 11

Hôm nay mình tự đem đồ giặt ra hiệu thợ giặt. Hơn nữa, đó không phải là hiệu thợ giặt quen hay tới tận nhà. Hiệu thợ giặt này ở bên hông chợ Đông An. Mấy thứ này thì từ nay cũng phải làm như vậy. Vì quần đùi, ống quần tây và bít tất lúc nào cũng có dính lông ngựa….”

 

“Ngày....tháng 12

Bít tất bị rách thế mà to chuyện.  Là vì, làm sao cho có tiền mua bít tất mới mà không bị Tsuneko biết được thật là vất vả, không phải bình thường….”

 

“Ngày ....tháng 2

Dĩ nhiên là ngay cả khi ngủ, mình không bao giờ cởi bít tất hay cởi quần ra. Hơn nữa, để giấu đầu ngón chân dưới chăn cho Tsuneko không trông thấy luôn là một sự mạo hiểm không hề đơn giản. Tối qua trước khi đi ngủ,Tsuneko bảo ”Anh thật là người sợ lạnh đấy. Quấn chăn đến tận lưng à?” Điệu này, cái chân ngựa của mình sẽ bị lộ tẩy lúc nào không hay…..”

 

Ngoài ra, Hanzaburo còn gặp không biết bao nhiêu sự ngặt nghèo.  Tôi không có lòng dạ nào mà kể ra hết từng cái một. Nhưng trong nhật ký của Hanzaburo có một chuyện sau đây làm tôi ngạc nhiên hơn cả.

“Ngày ….tháng 2

 Hôm nay trong giờ nghỉ trưa mình đi xem sách trong hiệu sách cũ ở chùa Long Phúc Tự. Trước hiệu sách cũ có một chiếc xe ngựa đỗ dưới bóng nắng. Hơn nữa, đó không phải là xe ngựa kiểu tây phương. Đó là xe ngựa kiểu Trung Hoa, có che mui màu lam. Người đánh xe dĩ nhiên chắc hẳn là đang ngồi nghỉ trên xe.  Và mình cũng không chú ý gì đến chiếc xe, cứ thế định bước vào hiệu sách. Thế rồi, đột nhiên vào lúc ấy. Người đánh xe vừa vung roi vừa hô “ Su-ô, Su-ô”. “ Su-ô, Su-ô” là tiếng mà người Trung Hoa dùng để bảo ngựa lùi lại. Tiếng hô chưa dứt, chiếc xe ngựa đã lọc cọc lùi lại đằng sau. Nhưng đồng thời, làm sao mà không ngạc nhiên được chứ! Mình cũng cứ vừa nhìn hiệu sách mà từng chân một cũng bước lui lại đằng sau. Tâm trạng của mình lúc ấy không bút nào tả xiết, không biết phải gọi là hoảng sợ hay kinh ngạc.  Mình cố hết sức bước tới trước dù chỉ một chân, nhưng rồi vẫn có một sức mạnh bất khả kháng ghê gớm làm mình bước lùi lại. Và rồi, dù muốn dù không, tiếng hô “Su-ô-ô” tiếp theo sau đó của người đánh xe là một hạnh phúc cho mình.  Nhờ chiếc xe lấy đà dừng lại, nên cuối cùng mình mới không còn bước lùi nữa. Thế nhưng điều lạ lùng không chỉ có thế thôi. Mình vừa thở phào nhẹ nhõm vừa bất giác đưa mắt nhìn chiếc xe ngựa. Tức thì con ngựa- con ngựa xám kéo chiếc xe ngựa- cất tiếng hí không biết phải nói như thế nào. Không biết nói như thế nào?  --- Ồ không, không phải là không biết phải nói như thế nào. Mình cảm thấy trong tiếng hí vang rền đó, đích thị là tiếng cười của ngựa. Không chỉ con ngựa, mà ngay cả trong cổ họng của mình cũng có cái cảm giác giống như đang muốn hí. Nếu lỡ mà phát ra âm thanh ấy thì nguy to. Mình vội vàng lấy tay bịt hai tai lại và cắm đầu cắm cổ bỏ chạy khỏi nơi đó….”

 

Thế nhưng số mệnh đã sắp sẵn một đòn cuối cùng giáng cho Hanzaburo. Đó chính là chuyện sau đây. Một buổi trưa vào giữa tháng 3, đột nhiên Hanzaburo phát hiện ra rằng chân hắn khi thì đá khi thì nhẩy chồm lên.Tại sao cái chân ngựa của Hanzaburo  thình lình lại xung động như thế. Để tìm câu trả lời cho nghi vấn này, hãy đọc kỹ nhật ký của Haznaburo. Nhưng đáng tiếc là nhật ký của hắn đã kết thúc vừa đúng một ngày trước đó.  Tuy nhiên, cứ căn cứ vào những sự việc trước và sau đó, thì không phải là không suy đoán được, đại khái như sau.  Tôi có thể dựa vào các sách Mã chính ký, Mã ký, Nguyên Hưởng Liệu Ngưu Mã Đà Tạp, Bá Nhạc Tương Mã Kinh …mà biết chắc rằng chân hắn bị kích động như vậy là vì thế này.

Hôm ấy có một trận bão cát vàng rất dữ dội.  Cát vàng là đất cát từ Mông Cổ bị cuốn theo ngọn gió xuân bay về tới Bắc kinh.  Theo một bài viết của tờ Thuận Thiên Thời Báo thì đó là trận bão cát vàng mãnh liệt chưa từng thấy trong mười mấy năm qua, bài báo viết “Chỉ đi năm bước ra ngoài cổng Chính Dương Môn, ngửng nhìn lên, đã không còn thấy chiếc cổng ấy đâu nữa”, thì chắc hẳn là bão cát rất dữ dội. Trong khi đó thì cái chân ngựa của Hanzaburo là chân của con ngựa đã chết ở chợ ngựa ngoài cổng Đức Thắng, mà con ngựa ấy rõ ràng là ngựa vùng Urga của Mông Cổ, đã được đưa qua các thị trấn Trương Gia Khẩu, Cẩm Châu mà về đến Bắc Kinh. Cái chân ngựa ấy vừa đánh hơi thấy khí trời Mông Cổ liền nhẩy cẫng lên, ngẫm lại chẳng phải là điều đương nhiên hay sao.Lại thêm đó là thời điểm giống ngựa ngoài biên ải đang ra sức tìm bạn để giao phối, nên chạy ngang chạy dọc đôn đáo khắp nơi. Xem ra có thể nói rằng, cũng đáng cho ta thông cảm là cái chân ngựa của hắn không thể nào chịu ở yên được….

 

Nhưng dù cho giải thích vừa kể có đúng hay không, thực tế là trong suốt ngày hôm ấy, Hanzaburo lúc thì ở công ty, lúc thì đi khiêu vũ, lúc thì làm gì ấy, cứ đi lanh quanh không ngớt. Ngoài ra, nghe nói là trên đường từ công ty về đến ký túc xá chỉ đi qua có ba dãy phố, mà hắn đã dẫm bẹp đến bảy chiếc xe kéo. Cuối cùng, sau khi đã về đến ký túc xá rồi, theo lời Tsuneko, thì hắn vừa thở hổn hển như con khuyển, vừa loạng choạng bước vào trong nhà. Thế rồi cuối cùng khi ngồi được xuống chiếc trường kỷ,  hắn sai vợ còn đang ngơ ngác đem đến cho hắn sợi dây.Tất nhiên là Tsuneko thấy bộ dạng của chồng thì đoán là có chuyện gì ghê gớm xảy ra. Trước hết là sắc mặt rất mệt mỏi. Không những thế mà còn có vẻ như vừa cố nén bực dọc vừa lê đôi chân đi bốt. Tsuneko quên khuấy là mình vẫn thường hay buồn cười vì thế, bèn hỏi lại là cần sợi dây để làm gì mới được chứ. Nhưng người chồng chỉ vừa mệt nhọc lau mồ hôi trên trán, vừa cứ lập đi lập lại:

-Đem dây lại cho tôi mau lên, mau lên……Không mau lên thì nguy to đấy.

Bất đắc dĩ, Tsuneko bèn lấy cuộn dây dùng để buộc các thứ mà đưa cho chồng. Tức thì, hắn ta bèn lấy sợi dây ấy buộc chằng hai cẳng chân đi bốt lại với nhau. Tsuneko cảm thấy kinh hãi với cái ý nghĩ cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy chồng phát điên, là đúng vào lúc ấy, cứ chòng chọc nhìn chồng. Giọng run run, Tsuneko bèn khuyên chồng hãy nhờ tiến sĩ Yamai đến khám bệnh cho. Nhưng hắn chỉ lo buộc chân lại mà nhất định không nghe lời khuyên của vợ.

-Hạng lang băm ấy thì biết gì? Hắn chỉ là tên đạo tặc, đại bịp thì có. Mà thôi, mình hãy lại đây, làm ơn đè  tôi xuống.

Hai người ôm lấy nhau, ngồi yên trên chiếc trường kỷ. Tuồng như cơn bão cát vàng bao trùm Bắc kinh mỗi lúc một trở nên dữ dội. Lúc này, ngay cả đến ánh mặt trời lặn bên ngoài cửa sổ cũng không có vẻ gì là  ánh sáng, mà như có pha lẫn màu đỏ đục. Trong lúc đó thì chân của Hanzaburo tất nhiên là đâu có chịu ở yên. Tuy đã bị quấn đến mấy vòng dây buộc lại rồi, mà chúng vẫn không ngớt động đậy như thể đang đạp một cái bàn đạp vô hình. Tsuneko vừa như để trấn an, vừa để khích lệ, luôn miệng nói chuyện với chồng:

-Mình, mình à, sao mình lại run thế?

-Không sao, không sao cả.

- Nhưng mà mồ hôi mồ kê nhễ nhại thế này, …Hè này mình trở về Nhật nhé. Mình ạ, đã lâu rồi chúng ta cũng nên về nước một lần đi.

-Ừ, chúng ta sẽ về nước. Về sống ở trong nước vậy.

Năm, mười, hai mươi phút…Thời gian  trôi đi thật chậm với họ. Tsuneko nói với ký giả của tờ Thuận Thiên Thời Báo rằng tâm trạng của mình lúc ấy giống như tù nhân bị trói bằng xiềng xích. Nhưng được chừng 30 phút sau, cuối cùng đã đến lúc sợi xích ấy bị đứt tung. Đúng ra đó không phải là lúc cái mà Tsuneko gọi là xiềng xích bị đứt. Mà đó là khi sợi xích của con người ràng buộc Hanzaburo với gia đình bị đứt phựt. Khung cửa sổ để cát bụi màu đỏ đục lọt qua, như thể bị ngọn gió thổi thốc vào, đột nhiên rung lên kêu cành cạch. Cùng lúc đó, Hanzaburo làm gì như vừa hét lên một tiếng thật to, và tiếng thét chưa kịp dứt thì hắn đã bay vụt lên chừng hơn một mét trong không trung. Tsuneko nói rằng lúc ấy trông thấy sợi dây buộc bị đứt phựt. Còn Hanzaburo ------ Từ đây không phải là lời của Tsuneko, vì khi trông thấy chồng bay vụt lên không trung, Tsuneko đã ngất lịm trên chiếc trường kỷ. Nhưng cậu người làm người Trung Hoa trong ký túc xá đã kể lại cũng cho người ký giả này rằng, Hanzaburo đã nhảy bổ ra cửa ký túc xá, như bị ai đuổi. Chỉ trong khoảnh khắc hắn dừng lại đứng sững trước cửa. Nhưng rồi hắn rùng mình một cái, giống hệt như con ngựa lúc cất tiếng hí, hắn phát ra một âm thanh ghê rợn, đoạn cắm đầu cắm cổ chạy biến đi mất vào giữa dòng ngựa xe qua lại trong  đám bụi vàng. …

 

Hanzaburo sau đó thế nào? Đó là điều mà cho đến nay vẫn còn là nghi vấn. Cứ theo bài báo của ký giả tờ Thuận Thiên Thời Báo thì vào khoảng 8 giờ tối ngày hôm ấy, trong ánh trăng mờ mịt vì cát vàng, có một người đàn ông không đội mũ nón gì cả đã chạy theo tuyến dường sắt dưới ngọn Bát Đạt Lĩnh nổi tiếng để ngắm Vạn Lý Trường Thành. Thế nhưng dường như tin này không hẳn đã là xác thực. Là vì, lại có một ký giả khác cũng của báo này lại đưa tin rằng, cũng vào khoảng 8 giờ tối hôm ấy, có một người đàn ông không mũ nón đi trong mưa đẫm bụi cát vàng chạy trên lối đi rộng thênh thang giữa hai hàng tượng đá của khu lăng mộ Thập Tam Lăng. Như vậy phải nói rằng, sau khi Hanzaburo phóng mình ra khỏi cửa ký túc xá trong phố xx, hoàn toàn không thể xác định được là hắn đã đi đâu, làm gì.

 

Tất nhiên là việc Hanzaburo bỏ đi biệt tích cũng được đồn đãi giống như khi hắn sống lại. Nhưng Tsuneko, người quản lý, các bạn đồng liêu, tiến sĩ Yamai, và chủ bút tờ Thuận Thiên Thời Báo… ai cũng cho rằng Hanzaburo bỏ đi biệt tích là do phát điên. Quả thật, đúng là giải thích rằng do phát cuồng thì vẫn dễ hơn là giải thích rằng đó là do cái chân ngựa. Bỏ cái khó, theo cái dễ là chuyện thường tình trong thiên hạ. Tiêu biểu cho chuyện thường tình này là việc ông Mudaguchi chủ bút tờ Thuận Thiên Thời Báo, hôm sau ngày Hanzaburo bỏ đi biệt tích,  đã vung bút viết bài bình luận với lời văn đao to búa lớn, trên tờ báo nàynhư sau:

“Vào lúc 5 giờ 15 phút chiều hôm qua, ông Oshino Hanzaburo nhân viên công ty Mitsubishi đột nhiên phát cuồng, đã không nghe lời can gián của vợ là Tsuneko, một mình bỏ đi đâu mất dạng. Theo giải thích của tiến sĩ Yamai, giám đốc bệnh viện Đồng Nhân, thì mùa hè năm ngoái ông Oshino bị chảy máu não, hôn mê trong ba ngày, nên từ đó đã ít nhiều có biểu hiện dị thường về thần kinh. Ngoài ra bà Tsuneko cho biết, theo nhật ký của chồng mà bà Tsuneko phát hiện được, thì dường như ông Oshino thường bị ám ảnh bởi những ý tưởng kinh dị.  Thế nhưng theo tôi, thì cho dù bệnh của ông Oshino là bệnh gì chăng nữa, trách nhiệm vẫn là ở ông. Dựa trên chủ nghĩa gia đình, một khi đã dựa trên chủ nghĩa gia đình, thì trách nhiệm của người chủ gia đình được xem là vô cùng lớn, là điều không còn phải tranh cãi nữa. Là người chủ gia đình thì có được phát cuồng hay không? Tôi xin nhất quyết trả lời là không.

Cứ giả sử là những người chồng trong thiên hạ được có quyền phát cuồng. Họ sẽ bỏ gia đình lại mà đi hát nghêu ngao ngoài đường, hay tiêu dao sơn thủy, hoặc hưởng thụ cái hạnh phúc được ăn no mặc ấm trong bệnh viện thần kinh. Thế nhưng, chủ nghĩa gia đình, niềm tự hào với thế giới trong hai nghìn năm qua, sẽ bị băng hoại, là điều không thể nào tránh khỏi.                                                                                                                                                                                                                                      

Có câu “Ghét tội nhưng không ghét người có tội”. Theo tôi, ông Oshino vốn không phải là người tàn nhẫn. Thế nhưng, cái tội dễ dàng phát cuồng thì không thể không khua chiêng gõ trống lên mà quở trách. Ồ không, đó không chỉ là tội của ông Oshino. Chúng ta phải thay trời mà khiển trách chính sách sai lầm của các chính phủ từ trước đến nay là đã không ban hành lệnh cấm phát cuồng.

Theo lời bà Tsuneko thì ít nhất là trong vòng một năm tới, bà sẽ ở lại ký túc xá trong phố xx để đợi ông Oshino quay về.  Vì vị phu nhân trung trinh tiết liệt này, tôi xin bày tỏ sự hết lòng đồng tình với bà, và tha thiết mong những người có trách nhiệm rất sáng suốt trong công ty Mitsubishi sẽ vui lòng cứu xét, dành mọi sự thuận tiện cho bà….”

 

Thế nhưng, ít nhất là riêng Tsuneko, chỉ khoảng nửa năm sau đó,  đã phải đối mặt với một sự thực khiến không thể yên lòng tiếp tục hiểu nhầm như thế mãi được. Đó là một buổi chiều nhạt nắng vào tháng 10, khi lá vàng từ những cây liễu cây hòe ở Bắc kinh bắt đầu rơi  rụng. Ngồi trên trường kỷ trong phòng khách, Tsuneko đang bâng khuâng nhớ lại kỷ niệm. Nụ cười bất tử nay không còn nở nữa trên môi. Đôi má phính đã hóp hẳn lại không biết tự bao giờ. Tsuneko miên man nghĩ về người chồng đã bỏ đi biệt tích, về chuyện đã bán mất chiếc giường đôi, về lũ rệp. Tức thì có ai đó, có vẻ do dự, rồi bấm chuông ngoài cửa ký túc xá. Tuy thế, Tsuneko không buồn đứng lên, cứ để mặc chờ người bồi sẽ ra mở cửa. Nhưng không biết người bồi đã đi đâu mất, mãi không thấy chạy ra. Sau đó, chuông lại reo một lần nữa. Mãi đến lúc ấy, Tsuneko mới rời chiếc trường kỷ, khẽ bước ra cửa.

Trên lá vàng rơi đầy trước cửa ký túc xá, một người đàn ông không mũ nón đứng đó trong vùng tranh tối tranh sáng. Không mũ, ồ, không chỉ không đội mũ. Người đàn ông còn khoác chiếc áo rách tả tơi lấm đầy cát bụi. Tsuneko gần như cảm thấy khiếp sợ khi nhìn thấy bộ dạng của người này.

-Ông có việc gì ạ?

Người đàn ông không đáp, đầu tóc dài rũ rượi cúi xuống. Tsuneko cố nhìn cho rõ bộ dạng của người ấy, và ngập ngừng hỏi lại:

-Có việc gì không….Ông hỏi gì ạ?

Mãi đến lúc ấy, người đàn ông mới ngửng đầu lên.

-Tsuneko…..

Người ấy chỉ nói được một tiếng ấy thôi. Nhưng cũng như ánh trăng lúc ấy, chân tướng của người đàn ông mỗi lúc một rõ dần. Tsuneko nín thở, trân trối nhìn vào mặt hắn, hồi lâu không thốt được nên lời. Người đàn ông râu ria mọc dài, gầy rộc đi nên trông khác hẳn,  nhưng đôi mắt đang nhìn Tsuneko thì đúng là đôi mắt mà Tsuneko mong đợi bấy lâu.

-Mình!

Tsuneko vừa gọi, vừa toan ngã vào lòng chồng. Nhưng chưa kịp bước tới, Tsuneko đã vội nhảy lùi lại như thể dẫm phải cái gì giống như thép nóng bỏng.  Dưới ống quần rách bươm của chồng đang lộ ra đôi chân ngựa đầy lông lá. Trong ánh sáng mờ mờ tối, màu lông thấy được lộ rõ là màu hạt dẻ của chân ngựa.

-Mình!

Tsuneko cảm thấy một sự ghê tởm không biết diễn tả sao cho đúng về chiếc chân ngựa này. Thế nhưng, Tsuneko cũng cảm thấy là nếu bây giờ bỏ lỡ lần cuối cùng này thì không còn gặp được chồng một lần thứ hai. Người chồng có lẽ cũng thế, buồn rầu đăm đăm nhìn vợ.

Tsuneko lại toan ngã mình vào ngực chồng một lần nữa, nhưng cảm giác ghê tởm lại một lần nữa áp đảo, khiến nàng không đủ can đảm.

-Mình!

Đến lần thứ ba khi Tsuneko kêu lên như thế, thì người chồng đã xoay mình quay lưng lại và thoắt đã bước ra cửa. Cuối cùng, Tsuneko thu hết can đảm, cố hết sức toan đuổi theo chồng. Nhưng Tsuneko chưa kịp bước được bước nào, thì tiếng móng ngựa gõ cộp cộp đã lọt vào tai nàng. Tsuneko mặt tái mét, như thể không còn can đảm để gọi chồng dừng lại, chỉ còn biết đăm đăm nhìn theo bóng dáng chồng. Rồi ngất lịm đi trên đống lá vàng trước cửa.

Từ sau chuyện xảy ra hôm ấy, Tsuneko mới tin vào nhật ký của chồng. Nhưng những người như người quản lý, bạn đồng liêu, tiến sĩ Yamai, ông Mudaguchi thì cho đến bây giờ vẫn không tin rằng chân Oshino Hanzaburo đã thành chân ngựa. Không những thế, họ còn cho rằng cái chân ngựa mà Tsuneko trông thấy chỉ là do ảo giác. Trong thời gian tôi ở lại Bắc Kinh, tôi đã gặp tiến sĩ Yamai và ông Mudaguchi, mỗi lần như thế tôi lại tìm cách phá tan điều lầm tưởng nơi họ. Nhưng lần nào cũng chỉ nhận lại nụ cười chế riễu. Sau đó cũng thế, ồ, gần đây còn có nhà văn Okada Saburo dường như đã nghe được câu chuyện này từ người nào không biết, đã viết thư cho tôi, nói rằng chuyện chân bị biến thành chân ngựa là không thể tin được. Nhà văn Okada nói rằng nếu đó là sự thực,  thì “Có thể đó là họ lấy chân trước của ngựa mà gắn vào để biểu diễn trò gọi là đi nhanh kiểu Tây Ban Nha, thì cũng có kiểu lạ là dùng chân trước mà đá cũng không chừng. Tuy thế cũng phải là người cưỡi ngựa có tầm cỡ như thiếu tá Yuasa mới được, chứ không thì liệu là con ngựa tự nó có đá được như thế hay không, đáng ngờ vực lắm.”

 

Về điểm này thì tất nhiên là tôi cũng thấy ít nhiều không thể không nghi hoặc. Tuy nhiên, không lẽ Hanzaburo viết nhật ký chỉ vì thế hay sao, nếu bác bỏ điều Tsuneko kể lại thì có hơi vội vàng quá hay không?  Là vì theo chỗ tôi tìm hiểu, thì cũng trên trang báo của tờ Thuận Thiên Thời Báo đã loan tin Hanzaburo sống lại, chỉ hai ba giòng phía dưới có đăng mẩu tin như sau:

 

“Ông Henry Baret Hội trưởng Hội Cấm Rượu Mỹ Hoa đã bị đột tử trên chuyến xe lửa chạy đường tàu Bắc Kinh - Hán Khẩu. Ông chết khi trên tay còn cầm chai thuốc, khiến sinh nghi vấn cho là ông tự tử, nhưng kết quả xét nghiệm thuốc nước trong lọ cho thấy đó chỉ là một loại nước có chất cồn.”

 

Tháng 1 Taisho năm thứ 14
Quỳnh Chi dịch (10/8/2021)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc