NHỮNG CHUYỆN LOANH QUANH - Vũ Đăng Khuê

10 Tháng Mười 20219:52 CH(Xem: 1259)



Những chuyện loanh quanh!

Tôi thì thích và muốn “Theo văn Dõi”câu chuyện “Đường vào Tình Yêu có Trăm lần vui có vạn lần sầu” của chàng tóc dài búi tó Komuro, nhất định giữ vẹn câu thề như bài hát của Yoshida Takuro “Khi tóc anh dài đến vai, giống tóc của em, tụi mình tới luôn em nhé” trong khi nàng Mako đang mắc chứng bệnh PTSD thì ngậm ngùi tâm sự bài “Niệm Khúc Cuối” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: “Dù cho mưa em xin theo anh đến cuối cuộc đời”.

Nhưng cho đến hôm nay chỉ thấy “Masako sama” xuất hiện trên màn hình để nhận huy chương cao quý của xứ Paraguay, nơi nàng đã từng “công vụ” vào năm 2016 và để lại xứ này nhiều lòng cảm mến, còn Komuro thì chưa thấy xuất hiện vì đang bận “cách ly”. Không biết chàng đã “xuống tóc” giống như ngày xưa hay vẫn còn búi tó theo kiểu tóc của chồng cũ Angelina Jolie là Brad Pitt, ngoài ra thì “tình hình miền Tây vẫn yên tĩnh” nên chưa thấy có gì mới mẻ để “Trình Văn Bày” đến bạn ta cả. Phải đợi đến hết ngày 26/10 thì sự việc sẽ chuyển động khi và tên gọi của “Mako Sama” sẽ biến thành “Mako san”. Tạm thời mời bạn ta đọc “đỡ” một Chuyện Chính Trường đang râm ran suốt mấy ngày nay trên các hệ thống truyền thông mà tôi cũng chả biết cánh nào là cánh hữu và cánh nào là cánh tả. 

----------------


Masako

Công chúa Mako nhận huy chương từ đại diện xứ Paraguay


Brad PittKomuro -

Brad Pitt “tóc vàng sợi nhỏ” - Komuro “tóc đen búi tó” –


-------------------


Chuyện Chính Trường!


Suga

Cựu Thủ Tướng Suga

KishidaTân Thủ Tướng Kishida

nội các Kishida

Tân nội các Kishida


“Nắm quyền” sau 384 ngày thì ông Suga cặm cụi, hiền hòa đã ra đi và quyết định gác kiếm, ông không ra tranh chức vụ Chủ Tịch Đảng Tự Do Dân Chủ mà trao kiếm lại cho người khác. Người được ông Suga trao kiếm là ông Kishida Fumi sau một cuộc đọ sức khá gay go với 3 người cùng đảng.


Sáng ngày 4/10, Nội Các của ông Suga đã tổng từ chức, và cũng 1 giờ trưa cùng ngày thì quốc hội đã bầu chọn Thủ Tướng mới mà kết quả đã là điều biết trước: ông Kishida là Thủ Tướng thứ 100 của Xứ Mặt Trời Mọc. Ông thành lập ngay một nội các gồm 3 thành phần: “Lão-Tráng-Thanh老―壮―青” có nghĩa là những “Lão” (Đắc Cử nhiều kỳ), những “Tráng” niên (nhiều kỳ… Đắc Cử) và những “Thanh” niên“ (Đắc cử tử 3 kỳ trở xuống, còn gọi là wakate 若手). và 3 nữ lưu. Tên tuổi của các vị này thì xin cho phép lướt qua vì dài dòng văn tự mất công kể lể lắm.

Một cuộc thăm dò cho thấy mức ủng hộ cho Tân Thủ Tướng này chưa tới 50%, thua cả 2 vị tiền nhiệm Abe và Suga. Sở dĩ có vụ “xuống” này vì “quốc dân” Nhật Bản tỏ vẻ không hào hứng với những khuôn mặt “bình mới rượu cũ” ảnh hưởng bởi 3 ông có cái tên bắt đầu từ chữ A: Amari Akira- Tổng Thư Ký Đảng, Abe Shinzo (cựu Thủ Tướng), Aso Taro (Phó Chủ Tịch Đảng).

Nội các của ông Suga đi trước ngắn ngủi với 384 ngày, thì nội các của ông mới Kishida có thể còn ngắn ngủi hơn, hoặc dài hơn tùy theo kết quả bầu cử Hạ Nghị Viện sắp tới.

Nhiệm kỳ của đảng Tự Dân lần này mãn nhiệm là ngày 21/10, nhưng Tân Thủ Tướng đã quyết định giải tán Hạ Nghị Viện sớm 1 tuần vào ngày 14/10. Ngày 31/10 “quốc dân” Nhật sẽ “Rủ nhau đi bầu, tay cầm lá phiếu tự do”, một cuộc chiến “bất cân xứng” giữa liên minh đảng cầm quyền Tự Dân-Công Minh và những đảng đối lập mà tôi gọi là “linh tinh đảng”. Gọi là thế vì chỉ là tập hợp của những đảng nhỏ, đảng vừa chia, vừa kết hợp, loạn cào cào, nào là Lập Hiến, Cộng Sản, Duy Tân, Xã Dân, Quốc Dân... thật là... linh tinh. Rồi cũng lại sẽ có một màn bầu chọn Tân Thủ Tướng mới và có lẽ 180% Liên minh Đảng Cầm Quyền sẽ thắng với tỷ số “Khít Khao” hay “Áp Đảo” và nội các của ông Thủ Tướng thứ 100 sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi nào thì tôi…. không biết!

Chuyện kết quả bầu cử và đường lối của các đảng nên “để dành” cho một bài khác sau ngày 31/10 sẽ chi tiết và tường tận hơn.

Nhân dịp này giới thiệu bạn ta vài hàng về cách vận hành của 2 viện quốc hội mà có thể bạn đã biết và có thể bạn không biết.

-------------------------------


Quốc hội Nhật Bản và cách vận hành

 

Quốc hội Nhật Bản (国会) là cơ quan lập pháp  gồm có 2 viện: Hạ Viện (衆議院、Chúng Nghị Viện) và Thượng Viện (参議院 tham nghị viện).

Hạ Viện (衆議院): có 465 ghế (tiểu khu tuyển 289, khu tỉ lệ 176) được bầu từ 130 đơn vị, trên nguyên tắc có nhiệm kỳ là 4 năm, nhưng vì một lý do nào đó, giữa chừng Thủ Tướng (chủ tịch đảng cầm quyền) có quyền giải tán (解散選挙) để bầu ra một Hạ Viện mới. Tính cho đến nay, trong tất cả 48 nhiệm kỳ tính từ (1892-2021) chỉ có 1 nhiệm kỳ thứ 25 (năm 1976) là được duy trì đúng 4 năm, còn hầu hết là giải tán giữa nhiệm kỳ, tính trung bình là 1 nhiệm kỳ là 2 năm rưỡi.

Bất cứ công dân nào trên 25 tuổi đều có thể ứng cử.


Thượng Viện (
参議院): có 248 (tiểu khu tuyển cử là 148, khu tỉ lệ là 100) ghế được chọn từ 47 đơn vị bầu cử, có nhiệm kỳ cố định là 6 năm và cứ 3 năm một lần sẽ được bầu lại để chọn một nửa là 124 ghế gọi là bầu cử bán phần. Khác với Hạ Viện không có việc giải tán nửa chừng. Số tuổi tối thiểu để có tư cách nộp đơn ứng cử là 30.

 

Vai trò của 2 viện

Nói chung thì vai trò của 2 viện là làm chung một công việc: thảo luận những dự án dưới nhiều góc độ rồi thông qua hoặc phủ quyết. Nói rõ hơn thì Hạ Viện thảo luận và biểu quyết, còn Thượng Viện thì có nhiệm vụ xem xét lại những dự án đã được thông qua. Các dân biểu Hạ Viện là những chính trị gia thuần túy, còn nghị sĩ Thượng Viện bao gồm nhiều thành phần nổi tiếng được nhiều người biết đến như học giả, nhà kinh doanh, nghệ sĩ, nhà thể thao…. Sở dĩ có sự phân chia như thế là vì nghị sĩ Thượng Viện là đại diện nhiều tầng lớp nhân dân không có chân trong đảng phái nào nên việc xem xét, check lại những phán quyết của Hạ Viện bằng cách nhìn của người dân sẽ chính xác và công bình hơn. Nhưng đó chỉ là hình thức và là chuyện xa xưa, trên thực tế thì đảng nào cũng cố đưa người của mình vào cả 2 viện sao cho quá bán để tránh trường hợp một bên thì thông qua, còn một bên thì phủ quyết. Tiếng Nhật gọi tình trạng này là “quốc hội nejiri” (quốc hội chồng chéo) ねじり国会 (*) Hơn nữa sự có mặt của những người nổi tiếng như ca sĩ, tài tử, lực sĩ chẳng hạn như bên Hạ Viện có cái cô Yawara (vô địch nhu đạo), Imai Mariko (Thần tượng của giới trẻ một thời trong ban nhạc Speed).... sẽ thu được nhiều phiếu hơn từ những fan của những người nổi tiếng này.

 

Sự khác biệt giữa Hạ Viện và Thượng Viện về mặt phán quyết:

-        Đối với các dự luật về pháp luật, nếu phán quyết của 2 viện không giống nhau thì dự luật sẽ chuyển lại Hạ Viện để xem xét lại một lần nữa và sẽ được thông qua khi có 2/3 dân biểu hiện diện chấp thuận...

-        Đối với 3 dự luật đặc biệt: ngân sách, điều ước, chỉ định Thủ Tướng. Nếu phán quyết của 2 viện không giống nhau, thì phán quyết của Hạ Viện sẽ coi là ưu tiên và tự động thông qua sau khi qua một vài thủ tục đơn giản..

-        Đối với việc sửa đổi hiến pháp (憲法改正)hoặc việc bổ nhiệm các nhân sự quan trọng của ngân hàng quốc gia, viện kiểm soát tài chánh, viện nhân sự, phái cử lực lượng tự vệ đội ra nước ngoài v.v... thì phải được sự đồng ý của 2 viện

-        Chỉ Hạ Viện là có thể ra quyết nghị để phủ quyết việc bất tín nhiệm (不信任) hay thông qua nghị quyết bất tín nhiệm nội các chính phủ, trường hợp này thì nội các phải từ chức. Còn Thượng Viện thì chỉ có thể ra nghị quyết “khiển trách nhân sự của nội các” (官僚など問責決議)hoặc “khiển trách thủ tướng (首相問責決議),  các nghị quyết này chỉ là một hình thức cảnh cáo chứ không có bắt buộc phải thi hành..

Nhìn qua những sự khác biệt trên, ta thấy rằng Hạ Viện có ưu tiên hơn Thượng Viện. Điều này đã được giải thích là:


1/ nhiệm kỳ của Hạ Viện (tuy là 4 năm) nhưng trên thực tế thì ngắn hơn nhiều, nên sẽ có những dự luật đi sát với người dân hơn vì tình hình đôi khi xảy ra rất nhanh chóng.


2/ Thượng Viện chỉ giữ vai trò check lại và khuyến cáo, nên nếu có quyền như Hạ Viện thì những dự án cần thiết như ngân sách, chỉ định thủ tướng v.v… sẽ không bao giờ thực hiện được nếu Thượng Viện nhất định phủ quyết.


Tuy nhiên, xét về mặt tích cực thì dù cả 2 không có cùng phán quyết và cuối cùng Hạ Viện sẽ cũng thông qua, nhưng những chỉ trích của Thượng Viện sẽ làm cho dự luật hoàn hảo hơn, vì khi được biểu quyết lại tại Hạ Viện thì dự luật được biểu quyết này sẽ có thêm hoặc bỏ bớt những điều mà Thượng Viện chỉ trích. Hơn nữa nhiệm kỳ của Thượng Viện thì cố định nên không có việc các dự luật cần thiết phải xếp xó vì Hạ Viện bị giải tán giữa chừng.

Đã có nhiều ý kiến của nhiều giới cho rằng: vai trò của Thượng Viện thực ra không cần thiết. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này thì ý kiến này vẫn chưa được đồng tình vì những lý do nêu trên.

Cách bầu cử 2 viện

Cả 2 viện được bầu theo thể thức: tiểu khu tuyển cử (小選挙区), nghĩa là bầu trực tiếp cho ứng cử viên tại khu tuyển cử, ai cao phiếu nhất thì người đó đắc cử, và theo khu tỉ lệ (比例区), nghĩa là bầu bằng tên của đảng mình chọn hoặc tên ứng cử viên của đảng mình chọn, theo phương thức Victor D’Hondt.  Số phiếu đạt được là tổng số phíếu bầu  tên đảng và bầu tên ứng cứ viên, được chia cho 1, 2, 3, 4, 5 hoặc hơn nữa theo số ghế đắc cử đã qui định tại từng khu tuyển cử. Kết quả đắc cử sẽ được tính theo tỷ lệ ứng cử viên có số phiều nhiều hay ít.

Lấy thí dụ trong 1 khu tuyển cử sẽ chọn 10 ghế có 4 đảng A, B, C, D có kết quả: đảng A được 1500 phiếu, B là 700, C là 300 và D là 200. Nhìn theo bảng dưới thì 10 ứng cử viên có số phiếu cao nhất là 1500, 750, 500, 375, 300, 250 (đảng A), 700, 350, 233 (đang B), 300 (đảng C) sẽ đắc cử. Cách bầu cử này có điều lợi là những đảng nhỏ (C) có số phiếu thấp nhất cũng có thể có chân trong quốc hội.

 

Đảng A

Đảng B

Đảng C

Đảng D

Chia cho 1

1500 (1)

700 (3)

300 (7)

200

÷ 2

750 (2)

350 (6)

150

 

÷3

500 (4)

233 (10)

450

 

÷ 4

375 (5)

175

225

 

÷ 5

300 (7)

 

 

 

Cho 6

250 (9)

 

 

 

Cho 7

214

 

 

 


Kỳ họp của quốc hội:
Mỗi năm có từ 2 đến 3 kỳ họp được chia thành:

Họp thông thường (通常国): thời gian họp là 150 ngày bắt đầu từ trong tháng giêng đến cuối tháng 6, có thể kéo dài nhưng chỉ 1 lần
Họp lâm thời: 臨時会: được triệu tập khi được 1/4 dân biểu, nghị sĩ của 1 trong 2 viện hoặc nội các chính phủ yêu cầu để đáp ứng với tình hình, thời gian sẽ được quyết định bởi dân biểu, nghị sĩ của 2 viện, có thể kéo dài tối đa là 3 lần.
Họp đặc biệt (特別会): được triệu tập trong vòng 30 ngày kể từ khi bầu cử Hạ Viện, có mục đích chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội và Thủ Tướng….

-----------------------

Tham khảo:

Điều 96
: (Sửa đổi hiến pháp)

1/ phải có 2/3 số phiếu của cả 2 viện đồng ý (議院において、それぞれ総議員の3分の2以上による賛成)
2/ phải được trên quá bán trên tổng số người đi bầu đồng ý. (国民投票による過半数の賛成)

(1)  Điều 9: Người dân Nhật Bản thành tâm mưu cầu một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh, không đe dọa bằng vũ lực, không hành sử vũ lực như là một phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế.

Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục, hải và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.

第9条 日本国民は、正義と秩序を基調とする国際平和を誠実に希求し、国権の発動たる戦争と、武力による威嚇又は武力の行使は、国際紛争を解決する手段としては、永久にこれを放棄する。


前項の目的を達するため、陸海空軍その他の戦力は、これを保持しない。国の交戦権は、これを認めない。


(2) 
(*) ねじり国会: là tình trạng đảng cầm quyền có số ghế chỉ đạt quá bán trong Hạ Viện, còn Thượng Viện thì không. Vì thế một dự luật dù được Hạ Viện thông qua nhưng nếu bị Thượng Viện phủ quyết thì phải chuyển lại Hạ Viện thảo luận một lần nữa.

----------

Nói lại một lần nữa là sẽ có bản tường trình chi tiết về mối tình khắn khít khi “lá thu đổ xuống đôi tình nhân trẻ” ngày 26/10 và kết quả của cuộc bầu cử “tay cầm lá phiếu tự do” sau ngày 31/10 này nếu lên....cơn, còn không thì cũng xin ngàn lần thông cảm nhé bạn ta!

Sayonara

V.Đ.K

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc