TÁM ĐIỀU TÂM NIỆM ĐỂ GIỮ THÂN THANH TỊNH HÀI HÒA - GS Hiếu Nguyên Nguyễn Cao Thanh

05 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 12260)

 

 

midnight_sun_0

 

 

 Tám điều tâm niệm để giữ cho thân tâm thanh tịnh hài hòa

 

 

Trước những thăng trầm thế sự đổi thay của hoàn cảnh, lòng người, phải đối phó với bao nghịch cảnh, con người muốn sống khỏe, sống hạnh phúc cần luôn luôn nhớ kỹ tám điều sau đây: vạn vật nhất thể, thân tâm nhất như, tri túc và vô úy, cung kính và trách nhiệm, hài hòa chuyển hóa, khắc khắc minh tân, hiện tại an trụ, và an thư diện mục.



1. Vạn vật nhất thể

 

 

Mười lăm tỉ năm trước đây, trong khoảng không gian bao la chân không diệu hữu, điện tử dương và điện tử trung tính cùng điện tử âm tụ lại thành nguyên tử. Để tham dự vào sự sống trên trái đất, các nguyên tử tụ lại thành bốn đơn chất căn bản: than khí, khinh khí, dưỡng khí và đạm khí kết hợp với di truyền tử DNA hay là nghiệp lực để tạo thành vạn vật. Sự phát triển tổ hợp phân công, tái sinh di truyền của DNA thực hiện được do sự tương trợ của hệ thống hai chuỗi dây xoắn nhau, chứng minh rằng các thành phần của cấu trúc cũng như vạn vật là nhất thể nên cần nương nhau mà sống chứ không phải cạnh tranh để tiêu diệt nhau.

 

Sự sống còn của nhân loại tùy thuộc sự sống còn của thảo mộc, động vật, sông biển.

 

Trên 40% thuốc bào chế lấy từ thảo mộc và động vật. Ví dụ như thuốc Taxol, thứ thuốc mới trị ung thư buồng trứng và ung thư vú, lấy ở vỏ cây thủy tùng.

 

Ngoài việc cung cấp nguyên liệu để chế thuốc men, thảo mộc còn tiêu hóa những chất vô cơ và biến thành thức ăn hữu cơ để nuôi sống sinh vật, trong đó có loài người. Nhờ diệp lục tố, cơ thể mới tạo ra được máu.


Ngoài ra biển là nguồn cung cấp dưỡng khí lớn nhất đến rừng cây. Dưỡng khí do rừng cây Nam Mỹ là nguồn cung cấp lớn thứ nhì của thế giới.


Biển mà bị ô nhiễm, rừng cây bị phá phách ảnh hưởng sâu đạm đến thời tiết, sức khỏe.


Đã đến lúc con người biết kính trọng thiên nhiên, coi thiên nhiên là một với mình.


Amino acid, thành phần của protein và di truyền tử DNA do acetic acid (dấm) và ammonia (nước đái quỷ) tạo nên. Ammonia tìm thấy trong không gian năm 1969 còn acid acetic ngày 10 tháng 6 năm 1996 do Đại học Illinois công bố. Điều này có nghĩa là những thành phần cấu tạo nên đời sống hiện hữu ở trong không gian do những sao chổi và tiểu hoặc tinh đem xuống địa cầu.


Hệ luận của lý vạn vật nhất thể là lý nhân loại nhất thể. Hiểu được lý này, nhân loại sẽ không còn chiến tranh, và thế giới sẽ mãi mãi hưởng được hòa bình.

 

Nghiên cứu tế bào, nhà sinh vật học thấy hạch của tế bào có cả gene của cha lẫn mẹ, ngoài ra còn có gene gọi là Mitochondrial DNA của người mẹ. Do đó họ đi đến kết luận nhân loại có chung một bà mẹ sống cách đây 200,000 năm.


Hiểu được lý nhân loại nhất thể, mọi người sẽ nghĩ như thánh Cam Địa (Gandhi): “Toàn thể nhân loại là một gia đình không phân chia và bất khả phân, và mỗi một người trong chúng ta đều chịu trách nhiệm về hành động bất chánh của tất cả người khác.”


 

2. Thân tâm nhất như

 

 

Sau 25 thế kỷ thử thách đau thương nhân loại mới hiểu được chân lý nhất nguyên.


Cách đây trên 3 thế kỷ, triết gia Pháp René Descartes chủ trương tâm và thân là hai thực thể riêng biệt phải điều trị riêng biệt. Cho tới bây giờ chủ trương này còn thống trị tư tưởng y giới.


Nhưng với môn tâm lý thần kinh miễn dịch học (psychoneuroimmunology – PNI), những bằng chứng lạ lùng về mối liên hệ mạnh mẽ giữa tâm và thân được biểu lộ. Não bộ ảnh hưởng bằng kích thích tốt và tín hiệu thần kinh tới các cơ quan miễn dịch. Đồng thời hệ thống miễn dịch có thể ảnh hưởng tới não bộ bằng kích thích tố. Kích thích tố ảnh hưởng tới tâm trạng và có thể gây khủng hoảng tinh thần.


 

Tâm trang tắc thể thư, tâm túc tắc dung kính.

 

Thân mệt mỏi khi con người thấy chán nản, thiếu hăng hái. Ham học hỏi, hăng say nhiệt thành, thấy sức khỏe tăng gia. Lo lắng, buồn phiền, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là nguyên nhân của chứng mất ngủ, đau tim. Vui vẻ, dễ thương, từ bi, hỷ xả, thường ăn ngon, ngủ yên.

 

Thân ta là hình ảnh thể xác 3 chiều những điều ta nghĩ. Chúng ta là tư tưởng đã học hỏi cách tạo nên bộ máy thể xác chứ không phải là bộ máy thể xác học hỏi cách thức suy nghĩ. Tế bào thần kinh tạo ra tư tưởng, tư tưởng tạo ra các tế bào thần kinh.


Một thái độ tinh thần tích cực có ảnh hưởng tốt đẹp đến sức khỏe giúp con người sống lâu.

 

Tình trạng cô đơn là một yếu tố lớn gây ra chết người có lẽ gần như nạn hút thuốc. Tình cảm ảnh hưởng đến bệnh trạng.

 

Tâm trạng ảnh hưởng lập tức và trực tiếp tới cơ thể; cơ thể con người có thể thay đổi bằng cách thay đổi tâm trạng.

 

Những khám phá mới nhất cho biết có liên hệ giữa não bộ và hệ thống miễn dịch; do đó tâm trạng ảnh hưởng tới từng tế bào.


Khả năng giải tỏa phiền não bằng thư giãn, tu thiền liên hệ trực tiếp tới khả năng duy trì mức cholesterol lành mạnh, giảm huyết áp.


Thái độ đối với bản thân và những người chung quanh là yếu tố quan trọng nhất giúp ta sống theo ý của ta.


 

Hệ thống thần kinh trung ương do não bộ làm chủ tỏa ra khắp châu thân và hóa chất do não bộ tiết ra có ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Ngoài ra cơ thể còn chịu ảnh hưởng của hệ thống miễn dịch và hệ thống tuyến nội tiết.

 

Con người có khả năng chống bệnh là nhờ hệ thống miễn dịch, một hệ thống gồm trên 12 loại bạch huyết cầu khác nhau tập trung ở tỳ tạng, hung tuyến, giao điểm huyết thanh và đi tuần khắp cơ thể qua hệ thống hồng cầu và bạch huyết cầu.

 

Trung bình có từ 5,000 đến 10,000 bạch huyết cầu trong một ly khối máu mà hồng cầu chiếm tới 5 triệu trong 1 ly khối. Trong khi hồng cầu chiếm tới 99% thì bạch huyết cầu chưa tới 1% nhưng số lượng nhỏ bé này lại rất cần thiết để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên tỉ lệ phải được thăng bằng và khi số bạch huyết cầu tăng gia dị thường thì sinh ra chứng ung thư máu thường được trị liệu bằng cách phóng xạ tỳ tạng và giao điểm huyết thanh đôi khi cả toàn thế thân để ngăn chặn sự tạo lập tế bào dị thường.

 

Khoa học mới khám phá ra các đường dây thần kinh nối trực tiếp nơi tập trung bạch huyết cầu với thị sàng hạ bộ trong não bộ tức là hệ thống miễn dịch chịu sự chi phối của tâm hoặc gián tiếp qua kích thích tố trong máu hoặc trực tiếp qua thần kinh và hóa chất thần kinh.


 

Tâm mà vững mạnh thì không can chi, như tế bào ung thư luôn luôn phát triển trong cơ thể nhưng thường bị bạch huyết cầu tiêu diệt trước khi trở nên nguy hiểm. Ung thư xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị ức chế và không đủ sức đương đầu với tình huống mới. Những người có tinh thần dấn thân sẵn sàng đối phó với thử thách mới tương đối có một số tế bào miễn dịch lớn hơn.

 

Là chiên sĩ tiền tuyến của hệ thống miễn dịch, bạch huyết cần sản xuất ra kháng thể làm vô hiệu hóa các chất ngoại xâm, có hai nhóm chính. Nhóm tế bào bảo vệ B giúp cơ thể động viên hệ thống phòng thủ và nhóm tế bào tấn công T có chức năng tiêu diệt các vi khuẩn và độc tố. Hệ thống miễn dịch do não bộ kiểm soát hoặc trực tiếp qua xung động thần kinh và hóa chất thần kinh hoặc gián tiếp qua kích thích tố.

 

Não bộ điều hòa nhịp đập của tim, hơi thở, huyết áp, thân nhiệt v.v… qua các hóa chất và thần kinh, do đó kiểm soát lực kích thích tố do tuyến yên tiết ra ảnh hưởng tới các tuyến nội tiết tức là tới lục phủ ngũ tạng.

 

Kích thích tố giúp cơ thể được quân bình, hoạt động điều hòa. Não bộ tiết ra 45 loại hóa chất như opiate chặn đau, CCK (cholecystokinin) khi mỡ và protid chuyển từ bao tử qua ruột. Người phì vì thiếu kích thích tố CCK.


 

Tim tạo ra kích thích ố làm giảm khối lượng máu, làm thư giãn mạch máu và tăng gia bài tiết muối.

 

Tuyến yên dưới não bộ tiết ra kích thích tố tăng trưởng. Trẻ em sống trong gia đình bất hòa, thiếu tình thương, thị sàng hạ bộ ngăn chặn tuyến yên sản xuất kích thích tố tăng trưởng.


Hạch thượng thận tiết ra hóa chất adrenaline kích thích lòng hăng say chiến đấu, hóa chất cortisol khiến người ta ăn kém ngon, phiền muộn, và nhút nhát, lên máu vì cơ thể giữ lại quá nhiều muối và nước.

 

Lá lách tiết ra insulin nếu thiếu hoặc không hữu hiệu sẽ gây ra chứng tiểu đường. Vào trường hợp này cơ thể vận dụng gene insulin ở bộ phận khác trong người như bao tử, máu để sản xuất insulin.

 

Khi bị căng thẳng tinh thần, thị sàng hạ bộ tiết ra CRH (corticotrophin – releasing hormone) khiến tuyến yên tiết ra ACTH (adreno-coritco-tropic hormone) kích thích hạch thượng thận tiết ra cortisol làm cho lượng đường trong máu tăng gia đẩy mạnh sự biến dưỡng căn bản và đồng thời ức chế hệ thống miễn dịch.

 

Hung tuyến sau xương mỏ ác tiết ra thymosin giúp tạo nên bạch huyết cầu và có thể phục hồi hệ thống miễn dịch nơi người bị bệnh AIDS.

 

Tuyến giáp trạng tiết ra thyroxine khi quá nhiều đẩy mạnh biến dưỡng căn bản làm cho con người nóng nảy bồn chồn tim đập mạnh và sút cân, và khi quá ít thì làm cho con người biếng nhát, trì độn, và lên cân,


 

Khoa học khám phá ra rằng tâm có ý nào thì lập tức thân phát sinh ra kích thích tố tương ứng; kích thích tố này đưa tới nhiều sự thay đổi trong sự biến dưỡng cản bản và sinh lý, như kích thích tố sợ hãi adranline và kích thích giận dữ noradrenaline.

 

Vai trò kích thích tố quan trọng như vậy mà lại chịu ảnh hương thái độ, lối xử sự của con người.


 

Những nền văn hóa đặt giá trị cao nơi chủ nghĩa ganh đua cá nhân và đấu tranh giai cấp tạo nên những xã hội phiền não. Chứng bệnh ung thư hoặc đau tim là kết quả đương nhiên của những xã hội này. Người ta bảo có ganh đua, đấu tranh mới có tiến bộ, nhưng đây có phải thực sự là tiến bộ không khi con người kết cục phải đau khổ vì đua nhau mắc chứng nan y? Đó là không nói đến những mánh khóe, thủ đoạn áp dụng khi ganh đua, đấu tranh để tranh thắng, những thủ đoạn không làm tôn vinh phẩm giá con người.


 

Phân chia tâm thần theo nhị nguyên là lạc hậu. Tâm bệnh là thân bệnh và ngược lại. Con người có khả năng sống khỏe vì tâm trị được thân, thân là ngoại mạo của tâm, tâm thay đổi, thân cũng thay đổi.

 

Do đó chữa bệnh là phải chữa cả tâm và thân. Người trị bệnh phải rành về y học, bệnh lý học v.v… nhưng trước hết phải quan trọng hơn cả là người có tâm hồn, có đủ đức tin, can đảm và lòng từ bi để truyền sang người bệnh thái độ tích cực ấy.


 

Con người chỉ có thể giải thoát bệnh tật, giải thoát đau khổ khi giải thoát tâm mình khỏi tư tưởng nhị nguyên, phân chưa tâm vật, ta và người, nhĩ ngã, bỉ thử. Phân chia tâm vật không sao mà chữa khỏi bệnh của cơ thể. Phân chia nhĩ ngã, con người sẽ phải cạnh tranh, phiền não hoài, cứ phải nô lệ thái độ của tha nhân, không được tự chủ.

 

Chỉ có quan niệm nhất nguyên, tổng hợp tâm vật, thống nhất nhĩ ngã mới đem lại an lạc cho tâm hồn, sực khỏe của cơ thể. Quan niệm nhất nguyên giúp cho con người sống thật sự dộc lập, tự chủ. Tha nhân không còn chế ngự, định đoạt được số phận của ta, không chi phối được sức khỏe của ta. Chỉ có ta mới là chủ, mới tạo được hạnh phúc cho chính ta. Thái độ đại hùng, đại lực, đại từ bi, đại hỷ xả là thái độ của người đã giải thoát cho mọi chướng ngại trên con đường tiến đến hạnh phúc tuyệt đối, con đường của con người đã giác ngộ, thấu triệt lý trùng trùng duyên khởi, lý nhân quả, luân hồi biết rằng không một lời nói, cử chỉ, việc làm nào mất đi đâu cả mà đều có ghi vào A-lại-da thức và đem theo sang kiếp sau. Tâm thân nhất như, tâm và Phật cũng nhất như. Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy: “Tâm là Phật, không có Phật ở ngoài tâm, xem sự giác ngộ và Niết bàn như sự vật ở ngoài tâm là sai lầm.”


 

3. Tri túc và vô úy

 

 

Tri túc:


Con người đau khổ cũng là vì không biết đủ, lúc nào cũng muốn hơn nữa.


Biết đủ là giàu (tri túc giả phú). Thật giàu là biết đủ, nếu không thì dù có bao nhiêu vẫn cảm thấy thiếu thốn, thấy nghèo. Biết đủ trong cái đủ mới thường được đủ (tri túc chi túc, thường túc hĩ).


Số phận chung cục bi thảm của các kẻ cầm quyền các nước độc tài vì không biết đủ về phương diện quyền hành cũng như tiền bạc, chứng minh câu nói của người xưa: “Không tai họa nào lớn hơn họa không biết đủ” (họa mạc đại ư bất tri túc). Có tri túc mới sống an vui.


Tài nguyên thiên nhiên hữu hạn mà con người chỉ lo sản xuất những sản phẩm không cần thiết, lo kiếm tiền để tiêu thụ những sản phẩm ấy thì quả là một đại họa.


Vô úy:

 

Sợ hãi gây ra những chứng bệnh như đau bụng, hay quên, đau ruột dư, ăn mất ngon, nghẹt thở, hen xuyễn, đau lưng, hói đầu, đi xe chóng mặt, bất tỉnh, đi tháo dạ, kiết lỵ, khí thũng, bệnh tê liệt, phì mập, nôn mửa, cận thị, sẩy thai, mất ngủ, chứng sung, trĩ, ợ chua, ngất, ung loát, bệnh sưng hạch cuống họng, sưng tuột, say nóng, chốc lở.


Muốn trừ được bệnh sợ hãi phải có tinh thần vô úy để sử dụng nổi toa thuốc từ, bi, hỷ, xả, diệt được tham sân, si, mạn, nghi, ác kiens do thấu triệt chân lý khổ,không vô thường, vô ngã.


“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giao không độ nhất thiết khổ ách.”


Đau khổ, yếu đuối, bệnh tật, bất hòa, bất an, chia rẽ, căm thù, đố kỵ, ganh ghét, nghi ngờ, chiến tranh, không cảm thông nhau, không đoàn kết được với nhau, không nuôi dưỡng được lòng từ bi để cùng bắt tay nhau xây dựng thế giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại là vì thiếu tinh thần vô úy, vô ngã nên không phá nổi mọi hàng rào ngăn cách ta với người.


Chúng ta hãy nghe Swami Satchidananda nói: “Nếu bạn nhận thức được rằng bạn không phải chỉ là một cá nhân nhưng là thành phần của toàn vũ trụ, thì bạn không sợ một ai. Người vô úy sống hoài, kẻ sợ hãi chết từng phút, từng ngày.”


 

4. Cung kính và trách nhiệm

 

 

Con người bệnh tật, đau khổ là vì không đủ can đảm nhận trách nhiệm về cuộc sống của mình.


Không ai có thể giúp ta sống khỏe, sống vui nếu chính ta không lãnh trách nhiệm sống điều độ, chịu khó tập luyện.


Người ở cương vị lãnh đạo lại càng phải hiểu rõ chân lý này. Cái vui, buồn, thành công, thất bại của một cá nhân, một tổ chức phần lớn là trách nhiệm của cá nhân hay người lãnh đạo tổ chức đó.


Theo lý trùng trùng duyên khởi, bất cứ sự việc xảy ra ở nơi đâu cũng đều cho tác động hỗ tương. Do đó mỗi người chúng ta đều chịu trách nhiêm về sự thịnh suy chung. Có ý thức rõ trách nhiệm của mình mới biết cố rắng tìm cách sửa đổi và nỗ lực cải thiện.


Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Những dân tộc hằng tâm niệm trách nhiệm của mình đối với sự hưng vong của quốc gia là những dân tộc thật sự có trình độ văn hóa cao và mặc dầu có chiến bại về quân sự vẫn lấy lại địa vị ưu thắng sau một thời gian.


Người thực sự có tài đức lãnh đạo là người sẵn sàng lãnh trách nhiệm không những về hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ của mình mà còn của những người thuộc quyền chỉ huy của mình. Một vị nguyên thủ quốc gia có liêm sỉ không thể đổ lỗi cho bất cứ một ai về sự suy vong của quốc gia mình. Hạm trưởng phải chết theo tàu, tướng giữ thành phải chết theo thành.


Sắp bước sang thiên niên kỷ mới, con người cũng phải ý thức rõ trách nhiệm không phải riêng đối với bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia mà còn là cả đối với toàn thể nhân loại, chúng sinh và môi trường sống.


Với tinh thần trách nhiệm, các nước kỹ nghệ cần trị tận gốc vấn đề ô nhiễm môi sinh bằng cách sửa đổi lối sống tiêu thụ phí phạm, chứ không như hiện nay mỗi năm chở khoảng 20 triệu tấn phế thải tới các nước nghèo chậm tiến. Các nước kỹ nghệ cần nghiên cứu biến chế tối đa chất phế thải, giới hạn mức phí phạm, chứ không đầu độc đất đai, sông ngòi bằng chững chất kim khí, khoa học, thuốc sát trùng, ngăn ngừa nạn tàu chở dầu hỏa bị vỡ ống chảy hết ra biển, làm cá tôm, chim hải âu chết như rạ.


Có tinh thần trách nhiệm, nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã không phá hoại hàng năm khoảng 200,000 mẫu rằng từ năm 1976 để lấy gỗ bán cho nước ngoài, đã bán và cho phép hãng thầu Đài Loan Franck International Investment Corp phá 350 mẫu rừng trong số 535 mẫu ở Thủ Đức để làm sân golf cho du khách ngoại quốc và cán bộ cao cấp làm nơi giải trí. Khu rừng này trên thực tế là một lá phổi của Saigon nay bị cắt đi ảnh hưởng tai hại đến sức khỏe của dân chúng. Ngoài ra nhà cầm quyền còn ký hợp đồng cho phép Trung Quốc Cộng Sản tự do khai thác Bauxíte vùng Tây Nguyên trung phần, không chỉ làm hủy hoại môi trường sinh thái thiên nhiên còn gây nhiều chứng bệnh cho người dân sống trong vùng.



Thiếu tinh thần trách nhiệm là do lòng thiếu thành thực trong suy tư nếp sống, thái độ và được biểu lộ bằng sự thiếu cung kính trong ngôn ngữ, cử chỉ, diện mạo.


Thành thực biết mình không phải là thánh thiện nên mới có thái độ cung kính và lãnh trách nhiệm sửa đổi cho mỗi ngày tốt đẹp hơn.


Đã thành thì không có gì là không kính, không phân biệt người thiện và người bất thiện như Lão tử: “Thiện giả ngộ thiện chi; bất thiện giả ngộ diệc thiện chi. Tín giả ngô tín chi; bất tin giả ngô diệc tín chi”


bởi vì: “Thiện nhân giả bất thiện nhân chi sư,

 Bất thiện nhân giả thiện nhân chi tư,

 Bất quý kỳ sư, bất ái kỳ tư tuy trí đại mê.”


Người sống khỏe mạnh, hạnh phúc có thái độ cung kính đối với chính con người họ và đối với tha nhân. Cung kính đối với bản thân tức là cung kính đối với tha nhân, luôn luôn thận trọng lời nói, cử chỉ, việc làm sao cho phải lễ, không làm tổn thương lòng tự ái của người khác.


Nhà lãnh đạo chân chính biết sống khỏe, sống hạnh phúc, sức khỏe liên hệ, mât thiết tới tình cảm. Giúp người là giúp mình; giúp người trước hết phải kính trọng người; kính trọng người vì biết rằng không có người giúp mình thì không một ai, dù tài giỏi đến đâu cũng có thể làm nên việc lớn.


Nhà lãnh đạo chân chính là người có tinh thần trách nhiệm cao độ và cũng là người biết kính trọng, quý mến người khác.


Thái độ bông lơn, ngông nghênh tự cao tự đại, mục hạ vô nhân, không phải là tư cách của người lãnh đạo chân chính.


Cung kính giúp cho con người bình tĩnh sáng suôt, tạo niềm thông cảm khiến mọi người gần gũi đoàn kết. Ngay cả trời cũng chỉ thân với người biết cung kính: “Duy thiên vô thân, khắc kính duy thân.”


Cung kính không phải chỉ là một hình thức bề ngoài mà có một sức mạnh tâm lý, giá trị tâm linh quan trọng đến mức nhà Phật đặt ngang hang với sự cúng đường bằng tài lợi như hương, hoa, đồ ăn, thức uống và sự cúng đường bằng hạnh lành thọ trì diệu pháp tu hành.


Câu vấn đáp dưới đây nói lên tầm quan trọng của sự cung kính đối ngay cả đối với hàng Bồ Tát.


Ngài Phú-Lâu-Na hỏi ngài Xá-Lợi-Phất: “Có phải Bồ Tát chỉ kính trọng Bồ Tát chứ không kính trọng chúng sanh nào khác? Ngài Xá-Lợi-Phất trả lời: Bồ Tát phải kính trọng hết thảy chúng sinh cũng như kính trọng Như Lai. Bồ Tát phải kính trọng hết thảy các Bồ Tát và hết thảy chúng sinh, không nhìn chúng sinh bằng con mắt ngạo mạn. Bồ Tát phải thật tâm kính trọng chúng sinh cũng như cung kính Như Lai.


 

5. Hài hòa và chuyển hóa

 

 

Sức khỏe, hạnh phúc và trí tuệ sở dĩ có được là nhờ quân bình giữa các thành phần cấu tạo con người toàn diện. Muốn có quân bình hài hòa thì phải tùy thời biến đổi. Cổ nhân đã dạy: “Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai!”


Con người đã biết thay đổi và phát triển khoa học kỹ thuật để giải quyết nhiều vấn đề hầu như nan giải như sự giới hạn giữa của cải vật chất, và nhu cầu mỗi ngày một gia tăng của con người. Với siêu vi kỹ thuật, con người có thể chế tạo các vật liệu và cấu trúc nhỏ tới mức chỉ bằng một phần tỉ một thuớc, mức tương đương với vài ngàn nguyên tử, di chuyển từng nguyên tử một. Con người có khả năng lập lại thế quân bình giữa nhu cầu và vật liệu như thu nhập và dự trữ ánh sáng mặt trời để đáp ứng như cầu năng lượng làm dây cáp nhỏ tới độ không nhìn thấy được nhưng lại có sức mạnh gấp 100 lần thép, sản xuất máy phân tử tự động đi tuần trong mạch máu để chống bệnh hoặc chế tạo tế bào lấy từ con bò để tái tạo thành thịt giải quyết nạn thiếu thực phẩm.


Tuy nhiên, siêu vì kỹ thuật có khả năng vô biên trong địa hạt đời sống vật chất cần được phát triển song song với khoa siêu vi tâm lý học mới giải quyết các vấn đề của con người toàn diện, mới duy trì được thế quân bình hài hòa tâm vật và con người mới mãi mãi sống khỏe, sống hạnh phúc, sống khôn ngoan.


Con người khỏe mạnh, hạnh phúc và có trí tuệ là con người hoàn toàn cả bên trong hài hòa với tạo vật bên ngoài.


Cơ thể là một tiểu vũ trụ và sức khỏe là sự hài hòa âm dương, nên con người cần luôn luôn thay đổi chuyển hóa để duy trì thế quân bình.


Sức khỏe, hạnh phúc không ở trong tình trạng tĩnh. Cơ thể luôn thay đổi theo hoàn cảnh, chịu ảnh hưởng môi trường thiên nhiên. Không thích ứng được với hoàn cảnh mới, với sự thay đổi thời tiết hay sự xâm nhập của vi khuẩn, con người ngã bệnh,


Cơ thể gồm có lục phủ: mật, bao tử, ruột non, ruột già, bàng quang, tam tiêu là bộ phận dương để chuyển hóa thức anh thành năng lượng và bài tiết cặn bã. Ngũ tạng gồm có tim, phổi, gan, thận, lá lách là bộ phận âm kiểm soát việc tàng trữ chất liệu nuôi sống con người.


Chữa trị sự mất quân bình những bộ phận trong cơ thể, nhà châm cứu kích thích huyệt trên đường kinh lạc tương ứng. Chải và cạo lưỡi cũng có tác dụng tương tự vì lưỡi liên hệ trực tiếp tới tạng phủ.


William James: “Một trong những khám phá vĩ đại nhất của thế hệ tôi, là con người có thể thay đổi cuộc đời bằng cách thay đổi thái độ.”


Chuyển hóa hài hòa thức thứ sau: “ý Thức” thành Diệu quan sát trí có năng lực trấn ngự các thứ khác.


Chuyển hóa hài hòa Mạt-na thức thành Bình Đẳng tánh trí giải thoát khỏi nhiều phiền não và A-lại-gia thành Đại Viên Cảnh Trí xa lìa hẳn biệt nghiệp và cộng nghiệp khổ đau luân hồi.


 

6. Khắc khắc minh tân

 

 

Bộ óc con người cứ mỗi giây đồng hồ biến đổi tư tưởng thành bao ngàn hóa chất. Cứ 5 tuần có bộ da mới, 6 tuần có lá gan mới, 3 tháng có bộ xương mới.


Hàng năm 98% nguyên tử trong cơ thể được thay đổi.


Heraclitus: “Bạn không thể dẫm xuống cùng một dòng sông hai lần.”


Thân tâm con người đổi mới nhưng đổi mới theo chiều hướng nào tùy thuộc ý chí con người.



7. Hiện tại an trụ

 

 

Con người sống bệnh hoạn, khổ đau vì không sống với hiện tại, không nhận thức được rằng chỉ hiện tại mới là thực còn ngoài ra quá khứ và tương lai đều là ảo vọng. Không sống với hiện tại nên chỉ luyến tiếc dĩ vãng mà không hiểu rằng dĩ vãng không thể sửa đổi được. Không sống với hiện tại mà chỉ trông chờ ở tương lai mà không biêt rằng tất cả những sự chờ mong, trông đợi chỉ đi đến thất vọng. Những ai muốn mưu cầu hạnh phúc cho bản thân hay cho quốc gia, xã hội cần nhớ rõ điều này: đừng luyến tiếc dĩ vãng, chớ mong đợi tương lai mà phải hành động ngay trong hiện tại.


Muốn thân tâm khỏe thì phải tu tâm, luyện thân ngay trong hiện tại, ngay giờ phút này không thể chần chờ.


Hiểu rõ đoàn kết là vũ khí mạnh nhất khiến đối phương và đồng minh phải kính nể thì hãy thực hiện một việc làm, biểu lộ một cử chỉ, nói lên một tiếng nói đoàn kết ngay bây giờ và ở đây. Không thể trông đợi ở bất cứ một ai, kể cả người thân nhất của mình có thể giúp ta sống vui, sống khỏe cũng như không thể chờ mong ở nơi ai, ở một biến cố gì có thể giúp cho dân ta sống tự do, hạnh phúc. Mỗi người phải bắt đầu công việc xây dựng sức khỏe và hạnh phúc tự bản thân và ngay trong hiện tại, cái hiện tại vô thủy vô chung và con người sẽ được hưởng hạnh phúc vô cùng.


Lần lữa, chần chừ là thiếu thực tế, là uổng phí thời gian, phí phạm cuộc đời.


Thời gian là tài sản, của cải quý nhất. Không ai có thể tạo được thời gian cho chúng ta. Thời gian là của báu không thê thay thế được. Người biết quý đời mình là biết quý thời gian. Biết quý thời gian là biết dùng thời gian ngay trong hiện tại để cải thiện đời mình.


Cuộc sống khỏe, sống hạnh phúc không tùy điều kiện ngoại tại mà hoàn toàn do nơi chúng ta, do ý chí chúng ta, do đó không phải đợi đến cùng một thời gian nào trong tương lai vì tương lai là ảo tưởng, chỉ có hiện tại là hiện thực, là vốn liếng duy nhất của chúng ta. Đợi đến tương lai là tiếp nối thời gian khổ đau sống bệnh hoạn, không hạnh phúc. Tất cả những sự chuyển tâm và chuyển thân thực sự có giá trị đều phải thực hiện trong thực tại.


Sống ngay trong hiện tại, không còn bị chi phối bởi cái tâm phân chia thời gian làm ba giai đoạn giả tạo trong quá khứ, hiện tại và vị lai, là sống với cái hiện tại vô thủy vô chung, chứ không phải sống trong quá khứ hay ở tưởng lai, là sống không lo âu, không sầu muộn, là sống tỉnh thức, an lạc.


Như một châm ngôn phạn ngữ nói: “Hôm qua chỉ là một giấc mơ, ngày mai chỉ là ảo tưởng. Nhưng hôm nay mà sống trọn vẹn tốt đẹp sẽ khiến cho mỗi một hôm qua thành giấc mộng hạnh phúc và mỗi một ngày mai thành một nguồn hy vọng. Do đó hãy chú tâm kỹ đến ngày hôm nay.”


Trong một chuyến ngao du sơn thủy, Vua Lý Thái Tông có gặp nhà sư và hỏi: “Ngài ở đây từ bao lâu rồi?” thì Thiền lão thiền sư (mất năm 1073 ở huyện Tiên Du) trả lời: “Đăn tri kim nhật nguyệt, thùy thức cựu xuân thu”(Hôm nay biết hôm nay, xuân thu trước ai hay làm gì) để nói lên tính quan trọng của nguyên lý hiện tại an trụ.


Ngài Tổ Huệ Năng cũng nhấn mạnh: “Tĩnh tâm tuyệt đối là ở trong hiện tại. Tuy ở trong hiện tại nhưng vì không có giới hạn cho hiện tại nên ở tại nơi đây có an lạc trường cửu.”



Và Đức Thế Tôn cũng dạy : “Không than việc đã qua, không mong việc sắp tới,

 Sống nay với hiện tại, do vậy sắc thù diệu

 Do mong việc sắp tới, do than việc đã qua,

 Nên người ngu héo mòn, như lau xanh rời cảnh.”

(Hòa thượng Tâm Châu dịch)


Ngay bây giờ và ở đây, ta có khả năng thoát khỏi khổ đau luân hồi.



8. An thư diện mục

 

 

Sức khỏe, hạnh phúc và trí tuệ tùy thuộc vào cuộc nói chuyện thường xuyên, sự thông cảm hài hòa giữa chúng ta và những tế bào tạo nên con người chúng ta. Câu chuyện đó vui hay buồn có giá trị quyết định tình trạng sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Đây là cuộc nói chuyện quan trọng nhất bởi vì chúng ta nói chuyện cùng một lúc với cử tọa đông nhất, nhạy cảm nhất thế giới: 100 ngàn tỉ nhân vật, bằng chính ngôn ngữ của họ. Nhưng cho tới nay chúng ta đã lơ là không để ý đến.


Bây giờ chúng tôi mời quý vị hãy thay đổi thái độ mà can đảm nói chuyện với cử tọa hết sức quan trọng ấy. Quí vị hãy nghĩ đến sự vui sống và biểu lộ niềm vui ấy bằng an thư diện mục. Ngay lúc ấy, một hóa chất truyền cảm nghĩ của quý vị thành một chút vật chất tương ứng khiến cho 100 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể đều hiểu ngay tiếng nói của quý vị và vui theo.


Nhà bác học Alexis Carrel khẳng định: “Tâm núp trong vật chất sống” sự kiện này bị các nhà sinh lý học và kinh tế học hoàn toàn bỏ qua, và các thầy thuốc không để ý đến. Vậy mà đây là sức mạnh khổng lồ nhất thế gian này.


An thư diện mục là thường xuyên nói chuyện xây dựng với tâm núp trong 100 ngàn tỉ tế bào, là biểu lộ thái độ tự tri, tự trọng, tự chế, tự tín, tự độ và tự thể hiện của người đã trừ được tham, sân, si và đang dũng mãnh tinh tiến trên con đường tới bến giác ngộ qua sáu pháp môn: bố thí, trì giới, nhẫn nhúc, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.


Theo khoa học, từ khối lượng 400 cm3 sọ của loài rasmapithecus được coi là thủy tổ của loài người cách đây 5 triệu năm, đã tiếp tục phát triển tới khối lượng khoảng 2000 cm3 sọ của người hiện đại Hôm Sapiens cách đây 100,000 năm, con người quả đã tiến xa trên đường phát triển.


Gương mặt an thư điều hòa lưu lượng máu tới 80 cơ mặt và não bộ, dưỡng khí cũng như mức độ dưỡng khí và thần kinh truyền tử. Với gương mặt an thư, ta không những không còn bị nô lệ ngoại cảnh mà còn chế ngự ngoại cảnh. Những khổ đau của cuộc đời không còn làm khô héo tâm hồn ta.



Thế giới này sẽ hoàn toàn đổi mới tốt đẹp hơn nhiều nếu 6 tỉ người trên trái đất, đặc biệt là các nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, dù ở trong hoàn cảnh nào, thành công hay thất bại, vẫn giữ được an thư diện mục.


Thực tại của cuộc đời là khổ, không, vô thường, vô ngã. Gương mặt an thư giúp ta đổi thực tại ấy thành thường, lạc, ngã, tịnh, thể hiện tâm từ bi, là gương mặt đẹp nhất thế gian này.


Gương mặt an thư vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của một cuộc sống giải thoát, như Count Keyserling đã quả quyết tuyên bố trong cuốn: “The travel Diary of a philosopher” “Tôi nhận thức rằng trong cõi đời này không có gì vĩ đại bằng gương mặt của Đức Phật, biểu tượng toàn bích của hoa sen trong bùn, của Niết Bàn tại thế gian.”



Hiếu Nguyên Nguyễn Cao Thanh


(Trích từ quyển "Bí Quyết Sống Khỏe, Sống Hạnh Phúc, Sống có Trí Tuệ")


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Nhan nai Lan