CHUYỆN HEO NĂM HỢI - Ngọc Bảo

02 Tháng Hai 20198:43 CH(Xem: 2831)

Chuyện heo năm Hợi

 

 tranh lợn













Trong thế giới chúng sinh muôn loài của quả địa cầu bé nhỏ này, không biết từ bao giờ con người đã thuần thục hóa được một số con vật và đem về nuôi dưỡng, xử dụng cho những mục đích khác nhau. Người ta thường gọi “lục súc” để nói đến những con vật điển hình cùng sát cánh với con người trong đời sống hàng ngày. Đó là trâu ngựa, dê chó, heo gà – trong số đó có lẽ con heo, hay con lợn theo như người Bắc gọi, là đáng thương nhất, vì sinh ra chỉ để cho người ta giết lấy thịt. Đã vậy lại có ngoại hình xấu xí thô kệch, trông rất là “phàm phu tục tử”, cho nên hay bị gán những tiếng xấu như là tham ăn, bẩn thỉu, lười biếng, ngu dốt (ngu như lợn) v.v... Nuôi heo là nguồn lợi tức chính của một số gia đình, heo càng đẻ nhiều càng tốt, nên việc chính của heo chỉ là ăn và ...đẻ, vì thế heo lại còn mang thêm một tiếng xấu nữa là dâm dục (con lợn lòng).  Hồi giáo xem heo là con vật ô uế nên không ăn thịt, nhưng ở các nước trên thế giới, nhất là các nước Á Châu như Trung Hoa, Việt Nam .. thịt heo là món ăn rất thông dụng.

 

Thế nhưng hình ảnh của một con heo lúc nào cũng được nuôi cho béo, hết ăn lại nằm... lại cũng được coi như biểu tượng của sự sung túc, phồn vinh, con cháu đầy đàn,  điển hình cho một gia đình đông vui với nhiều phước lộc. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, tranh Đông Hồ thường vẽ con lợn đang vục đầu ăn như biểu tượng của sự may mắn, đầy đủ. Trên mình lợn có vòng xoáy Âm-Dương ngụ ý sự phát triển, sinh sôi nẩy nở, với con lợn mẹ và một bầy lợn con lúc nhúc dưới chân.  

 

Trong “Tây Du Ký” câu truyện thần kỳ bất hủ của  Trung Hoa dựa trên sự tích nhà sư Huyền Trang đời nhà Đường đã trốn triều đình đi về phía Tây, quê hương của Phật Tổ để thỉnh kinh, có nhân vật Trư Bát Giới. Trư cũng có nghĩa là lợn, vốn là một yêu quái có tướng nửa người nửa lợn đã từng tác yêu tác quái gây nhiều tội lỗi, sau được thần phục vào làm đệ tử đi theo bảo vệ Đường Tăng trong chuyến đi đẩy gian hiểm, cùng với hai đệ tử khác là Tôn Ngộ Không và Sa Tăng. Tây Du Ký được coi như một đại tác phẩm trong văn học cổ điển của Trung Hoa, nổi tiếng không chỉ vì những tình tiết ly kỳ cuốn hút, mà còn mang nhiều ẩn ý trong đó. Ngoài ngụ ý chính trị được gán vào sau câu truyện, người ta thường cho rằng Tây Du Ký mang nhiều ý nghĩa sâu xa của đạo Phật, không chỉ là một câu truyện hư cấu. Mỗi nhân vật là một biểu tượng cho một khía cạnh của con người trên con đường tìm đạo, tích cực hay tiêu cực. Bạch Long Mã tượng trưng cho thân, phương tiện để tu học đạo; Tôn Ngộ Không tượng trưng cho lý trí hay trí tuệ, Trư Bát Giới tượng trưng cho lòng tham dục, Sa Tăng là đức tính kiên trì, nhẫn nại, và Đường Tăng là tình cảm từ bi, độ lượng, nhưng đôi khi vì theo cảm tính mà trở thành u mê, sai lầm.   

 

Trong ca dao tục ngữ Việt Nam, heo (hay lợn) thường được đem ra để ví von, diễn tả những tình cảnh, trạng huống trong đời sống. Câu ca dao nằm lòng của trẻ con dưới đây cho thấy hình ảnh thân thuộc của những gia súc trong gia đình, được nuôi để lấy thịt:

 

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Bà ơi, đi chợ mua tôi đồng giềng.

 

Cảnh tượng của những người đàn bà tần tảo ngược xuôi nuôi cả chồng lẫn con, đem lợn đi bán chẳng được gì lại quay về:

 

"Ba bà đi bán lợn con
Bán đi chẳng được lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn sề
Bán đi chẳng được chạy về lon ton"

 

Con lợn đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho đám cưới, nói lên sự  khá giả của nhà trai. Cô gái con nhà nghèo bị mẹ tham tiền ép duyên, cám cảnh thân phận than trách như sau:

 

"Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng."

Lời tỏ tình kín đáo của chàng trai muốn cầu hôn khi gặp được người vừa ý:

 

"Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
May xong anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho
Anh giúp một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm...
Anh giúp đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đáp đôi tằm em đeo
Anh giúp quan tám tiền cheo..."

 

Cũng có những đôi trẻ biết an phận nghèo, chẳng đòi hỏi chi đám cưới cao sang, chỉ cần về với  nhau bằng tấm lòng chân thật.

 

Người ta thách lợn, thách gà
Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang

 

Dưới xã hội phong kiến, cảnh đàn ông năm thê bẩy thiếp thường xẩy ra trong những gia đình khá giả, không khỏi có những cảnh xào xáo, ghen tuông hờn giỗi của các bà vợ, rồi đổ lên đầu ông chồng. Lúc ấy ông chồng  chỉ có nước ra làm bạn với con heo. Tình cảnh này thuộc loại “oan ơi ông Địa”, tưởng oan mà không oan tí nào:

 

Một vợ nằm giường lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm

 

Ngoài ra còn có những câu tục ngữ rất phổ thông mà ngày nay người ta vẫn thường dùng:

 

-         Lợn lành chữa thành lợn què.

-         Mượn đầu heo nấu cháo

-         Nói toạc móng heo

-         Mập như heo

-         Phường chó lợn

-         Treo đầu heo bán thịt chó

-         vv.. và vv...

 

Nói đến “mập như heo” , tôi lại liên tưởng đến một số “quan chức” Cộng Sản xuất thân bần cố nông bỗng nhiên nhờ “đấu tranh giai cấp” mà trở thành giai cấp lãnh đạo, ăn ngập đầu,  tiền bạc như núi, nên càng ngày càng phát triển chiều ngang, bộ mặt thịt phì nộn trông chẳng khác gì con heo. Thế nên chưa hẳn tướng heo đã là tướng xấu, theo ý nghĩa vật chất.  Chỉ tội cho con heo tự nhiên lại bị đồng hóa với những kẻ vừa tham lam, vừa gian ác.

 

Người ta thường “trông mặt mà bắt hình dong”, thấy con heo xấu xí thô bỉ là gán cho đủ mọi tiếng xấu, nói là “ngu như lợn”,  nhưng thật ra con heo không ngu chút nào, mà theo khảo cứu gần đây, heo được kể là con vật thông minh nhất, hơn cả chó và tinh tinh (chimpanzee). Theo một nhóm nghiên cứu thuộc đại học Emory ở Mỹ, heo có trình độ thông minh IQ cao hơn chó trên khả năng nhận thức, suy nghĩ, và chúng có tình cảm, trí nhớ lâu dài, có thể chơi được những trò chơi khó như ghép những mảnh vụn thành bức tranh (puzzle) hoặc tìm đường ra khỏi mê hồn trận (maze). Chúng cũng có tinh thần cộng đồng, thích đùa nghịch, biết cảm nhận những buồn vui của đối tượng. Có những người nuôi heo như nuôi chó, đều nhận thấy chúng rất thông minh, biết hiểu ý của con người, biết giữ vệ sinh sạch sẽ nếu được huấn luyện.   

 

Nói đến năm Hợi, người ta thường thích có con trong năm Hợi, vì nghĩ rằng tuổi Hợi sẽ được nhàn nhã, sung túc. Nhưng đó chỉ là quan niệm phiến diện và chủ quan. Vận mệnh con người do nhiều yếu tố hợp thành,  trong đó ngoài vai trò quan trọng của nghiệp quả, còn tùy thuộc rất nhiều vào cá tính của mỗi người. Một người biết chịu thương chịu khó làm việc chắc chắn sẽ thành công hơn một người lười biếng, chỉ biết hưởng thụ. Nhân quả vẫn là yếu tố quyết định vận mệnh của con người. Biết sống theo luật nhân quả, người ta sẽ vượt qua và chuyển đổi được những tình huống xấu đang xẩy ra.

 

Nhưng dù sao, khi năm hết Tết đến, ai cũng đều mong muốn có sự đổi mới tốt đẹp hơn cho chính mình và người thân. Đó cũng là ý nghĩa của mùa xuân.

Ngọc Bảo

Tết Kỷ Hợi - tháng 1, 2019


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc