PHÙ TANG TẠP LỤC - Y YÊN/ TƯỞNG NHỚ Y YÊN- Vũ Đăng Khuê

26 Tháng Hai 20198:40 CH(Xem: 2663)
hoa_anh_dao


Dạo này tôi hay dùng thì giờ nhàn rỗi tìm đọc lại những bài viết năm xưa, nhất là của những người đã khuất bóng. Lục lọi trong núi những file còn xót lại, may quá tôi tìm được lại bài này của Y Yên có đánh máy đàng hoàng. Chắc là ông viết trước khi tìm cái chết vì nợ đời bế tắc. Bài ông viết tháng nào năm nào thì tôi không rõ, nhưng theo nội dung thì tôi đoán là viết vào mùa thu năm 1995.Ông viết nhiều bài lắm lúc tôi là người trách nhiệm tờ báo ở đây, tôi muốn đăng lại toàn bộ nhưng mất công.... quá vì phải đánh máy lại.  Ông mất khoảng tháng 5/1997.

Gửi bạn ta 2 bài, 1 bài của ông mà tôi đặt tên là Phù Tang Tạp Lục (theo tiêu đề quyển sách mà ông đã xuất bản dưới cái tên Vi An) vì nội dung toàn là những chuyện Tạp Lục của xứ Phù Tang thời đó, và 1 bài của tôi tưởng nhớ ông. Nhớ ông nhiều lắm: Y Yên.


Vào Thu

           Rồi cũng sắp hết mùa hè, vầng tà dương không còn tỏa sức nóng khó chịu, rực vàng không gian một màu nắng oi bức nữa. Bây giờ cuối hạ sen nở nốt, thưa thớt đó đây vài cánh sen hồng cố ngoi lên trên mặt nước đầy những lá sen héo già ven các bờ hồ thơ mộng. Mặt trời đỏ ối sà xuống thật thấp phía chân trời, thấp hơn cả những toà nhà cao tầng thường thấy nơi các thành phố xứ Phù Tang, đỏ như cảnh mặt trời hoàng hôn trong phim The Red Sun có Alain Delon đóng cặp với tài tử Nhựt Bổn Toshiro Mifure.

           Tiết trời đổi mùa lúc thu sơ dễ khiến người ta... làm biếng dậy sớm. Buổi sáng ngày ra, thức giấc bằng tiếng đôi chim cu gù phía sau nhà, nghe chim ca đã đời một chặp rồi nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức ré lên, bảo đảm bạn sẽ vói tay bấm nút tắt chuông cái cụp rồi nằm lơ tơ mơ nướng thêm ít phút nữa. Cơn gió đông bắc đưa heo may về lành lạnh lọt vào cửa sổ, ve vuốt vuông ngực trần rám nắng hè khiến bạn muốn nổi da gà. Nếu trong giấc chập chờn nuôi mộng ấy, khuôn mặt nhăn nhăn nhó nhó của... lão chủ không hiện ra, e bạn sẽ vào sở trễ giờ với nụ cười ngượng ngập bởi cái tội "nê-bô, ngủ nướng", một cái lỗi rất thường tình của mọi con người phàm tục mà dân tộc chuộng sự "lao động vinh quang" như dân Nhật không chấp nhận.

           Vào thu, dân chúng toàn cõi Phù Tang thở phào nhẹ nhõm. Không như một vài vùng trên thế giới năm nay mới chịu cái nóng kinh người dịp giữa hè, dân Nhựt đã được hưởng nỗi khổ nhiệt tuốt từ dịp hè năm ngoái lận. Kể cũng quái lạ, năm kia thì hè lạnh, lạnh đến mức phải khoác áo len ra đường, mấy tiệm bán đồ điện than trời như bọng vì air-con, máy lạnh chẳng ma nào chịu mua hết. Thế rồi đùng một cái, năm ngoái nắng như thiêu, hạn hán to không một giọt mưa; hồ Bi-wa, chiếc hồ đẹp nổi tiếng vùng cố đô Kyoto năm nào Thái tử Nhật Hiro dẫn công nương Masako đi dạo mát ngắm hoa sóng mùa trăng mật, bị cạn gần hết nước. Những đập chứa nước vơi đi già nửa, nhiều tỉnh phía nam áp dụng biện pháp cúp nước, chỉ mở cho dân xài vài giờ vào ban đêm, báo hại lắm người phải... ở dơ cả tháng không có nước tắm! Các nhà máy phát điện ở những vùng thiếu nước đã phải nhờ công ty tàu biển vận tải nước mua từ Nam Dương đến Nhật để dùng vào việc xối nước làm nguội máy. Thiếu hẳn loại chuyên gia "đỉnh cao trí tuệ loài người" làm cố vấn giùm như đám thủy lợi ở VN sau ngày "giải phóng" đã hô hào: "Thằng trời đứng lại một bên, Để cho thủy lợi đứng lên làm trời", các kỹ sư Nhật đành cố gắng phát minh ra máy "thay trời làm mưa". Họ đặt những giàn máy lớn bên cạnh các đập nước, ngày đêm liên tục đốt và nhả một loại khí quái quỉ gì đó lên bầu trời khô hạn với hy vọng nếu gặp mây, sẽ gây phản ứng lạnh khiến mây "vắt ra nước" và rơi xuống. Nhưng hỡi ôi, "thằng trời" cứ ì xác ra, chẳng chịu mưa cho một giọt, công toi!

           Tiếp đến là ông thần bão "Taifu, đại phong". Kể từ hồi giáng cho quân xâm lược Nguyên Mông mấy đòn chí tử cuối thế kỷ 13, được dân Nhật gọi một cách cung kính là "Kamikaze, Thần phong", ổng vẫn đến thăm xứ Hoa Anh Đào rất đều đặn. Vậy mà năm rồi, Thần phong đến hẹn vẫn không lên. Cả thảy 26 cơn bão phát xuất từ nam Thái Bình Dương cứ kéo tới gần nước Nhật là bẻ quặt, hướng về Đại Hàn hoặc bờ biển Trung Hoa. Giá gặp mấy nước văn minh kỹ thuật xẻng, cuốc "đứng lên làm trời" như nước CHXHCN Việt Nam ta chẳng hạn, hạn hán nắng nôi đến thế chắc là đói to rồi bạn à. Điều khó có thể ngờ, ngược hẳn với luật tự nhiên "nắng tốt dưa, mưa tốt lúa" đã xảy ra: Nhờ hệ thống máy bơm nước tối tân, trừ một ít vùng trung du quá khô hạn, đất nứt nẻ; đa số ruộng ở các miền đồng bằng lúa xanh tươi tốt. Từ mùa lúa năm 94, Nhật Bản thu hoạch vượt chỉ tiêu, dư lúa đem xuất-cảng

           Chịu không nổi với mùa nóng, khắp nước Nhật có khoảng non ngàn người ngã bệnh, phải nhập viện; cỡ 5, 6 mống hai-năm-mươi, không đáng là bao so với con số hơn 500 người lăn đùng do khí trời quá oi nồng như bên Chicago, Mỹ quốc.

          Các nhà khoa học đã báo động từ nhiều năm về trước rằng địa cầu sẽ ngày càng nóng, nguyên do bầu khí quyển che chở trái đất đã bị ô nhiễm trầm trọng vì khói nhà máy, khói xe, bụi phóng xạ từ những vụ thử bom nguyên tử, v.v. Chỉ béo thêm cho những nhà sản xuất máy lạnh, "cù-rà" (cooler). Giữa hè năm nay, gần 7 triệu chiếc máy điều hoà không khí được đẩy cái vèo, được dân Nhật "đón nhận ấm áp" hơn toàn năm 94 là 5 triệu chiếc.

           Mùa nắng, thần bão vẫn chưa ghé đến, tuy nhiên mưa dông, mưa lũ rơi khá đều đặn nên chuyện khan hiếm nước đã không thành vấn đề dù khắp mọi siêu thị trên toàn quốc hết sức lo xa, bày đầy tủ đầy kệ những chai nước suối thiên nhiên chở tận bên Canada xa xôi về phục vụ nhu cầu khách hàng với giá rẻ rề, 1 đô 1 lít. Đúng ra, mùa bão Taifu chính thức tới Nhật vào cuối hè, đầu thu, lúc loại cây ăn quả mùa hè như đào, lê đã gần tàn, nhường chỗ cho táo và quít (mi-kan). Quít xứ Phù Tang vỏ mỏng màu vàng, đa phần rất ngọt và có công năng bổ máu bổ phổi, tăng cường sinh lực. Từ lâu nay, người Nhật vẫn truyền tụng câu: "Hễ quít vàng, mặt thầy thuốc trở nên xanh". Cớ sau mặt thầy thuốc lại xanh? Xin thưa: Vì... đói ăn, vì không có bệnh nhân! Nhưng việc người ta ăn táo, ăn quít trở nên khoẻ mạnh hồng hào, ít bệnh là chuyện quá xưa rồi. Cứ như lối sống hỗn tạp, cách ăn uống sinh hoạt bừa bãi ngày nay, chả có mùa nào là mùa thầy thuốc mặt xanh nanh vàng ráo trọi. Kìa, bạn hãy nhìn xem từng đoàn bệnh nhân sắp hàng trước phòng mạch của quí đốc-tờ đợi phiên khám bệnh, kẻ đến người đi không lúc nào ngơi - dẫu là đang mùa quít chín vàng ươm trên cành - là đủ rõ!

 Lời tự thú trước hoàng hôn

           Trung tuần tháng 8 năm nay, ông Vương Bình 64 tuổi, khăn gói quả mướp từ bên Tàu đáp máy bay sang thủ đô Đông Kinh tham dự một buổi họp tố cáo tội ác Phát-xít Nhật do hội Nhân quyền bảo trợ. Bao năm nay, lòng ông nung nấu quyết tâm rửa hận "Ngộ phải páo thù" cho người cha bị quân Nhật sát hại năm xưa.

           Cũng tại giữa lòng thành phố Tokyo, nhiều năm rồi, ông Mio Yutaka ngủ không yên do những cơn ác mộng đêm đêm hiện về. ìng Mio cách đây 50 năm từng phục vụ ở Trung Hoa trong ngành Hiến binh Nhật (Kempei). Đám Hiến binh này được xem như hung thần ác sát đối với dân Tàu thuở ấy. Trước buổi hoàng hôn xám xịt của cuộc đời mình, nghĩ lại những hành vi đã làm ngày trước, ông Mio cực kỳ hối hận. Nghe tin ông Vương Bình đến Nhật, ông Mio bèn tìm tới. ìng ta cần tự thú đôi điều cho lương tâm bớt cắn rứt. Đứng đối diện ông Vương Bình, viên cựu hiến binh Kempei thố lộ: "Thưa ông, năm nay tôi đã 81 tuổi rồi. Tôi là kẻ đã nhúng tay vào việc giết hại cha của ông. Tôi đã bắt ông Vương Doãn, một người Trung Hoa chống Nhật vào tháng 10 năm 1943 gần Bắc Kinh rồi giải giao cho đơn vị Tử Thần 731..."

           Mới nghe nhiêu đó lời, máu uất xông lên, ông Vương Bình nghiến răng trèo trẹo. Giận run người khi nhận ra kẻ thù, ông quát: "Xéo ngay, tôi không muốn thấy mặt, không muốn nói với tên sát nhân như ông!" Vẫn đứng nghiêm, chắp hai bàn tay lại, ông Mio lạy lia lịa: "Van ông thứ lỗi, lúc đó tôi chỉ là kẻ thừa hành phận sự; hơn nữa, tôi không hề biết rằng đơn vị 731 của tướng Ishii Shiro dùng người làm vật thí nghiệm sống. Chính Ishii mới là thủ phạm giết hại cha ông. Lạy ông tha lỗi cho tôi, tôi biết lỗi của tôi lắm rồi, tôi ăn năn lắm!"

           Suốt một tiếng rưỡi đồng hồ nghe ông Mio lạy lục, phân trần; cuối cùng ông Vương Bình khóc nấc. Lời tự thú trước hoàng hôn quả có tác dụng làm con tim cay hận của ông mềm lại. ìng Vương Bình đã chịu đưa tay ra bắt lấy bàn tay run rẩy của ông già 81 tuổi Mio: "Vâng, nếu ông tâm nguyện đem nốt quãng đời còn lại của mình góp phần vào công cuộc ngăn chặn nạn quân phiệt Phát-xít tái bành trướng ở Nhật thì chúng ta sẽ trở thành bạn hữu".

           Theo nguồn tin mới nhất do các nhà khảo cứu lịch sử ở Mỹ tiết lộ, trong số 1500 tù binh Mỹ bị nhốt ở Phi Luật Tân, có nhiều người đã bị đem sang Mãn Châu cho đơn vị Tử thần 731 "nghiên cứu". Sau thế chiến II, thỏa thuận đổi chác tài liệu với tướng Ishii Shiro, sở Tình Báo Mỹ đã ém nhẹm tin này vì sợ công chúng Mỹ phản đối. Riêng tại Nhật, Giáo sư Masuzawa dạy môn lịch sử Trung Hoa, Đại học Waseda, Tokyo, vừa khám phá và cho xuất bản một tập tài liệu mật của quân đội Hoàng gia Nhật bao gồm nhiều hình ảnh ghê rợn cùng những thủ đoạn tàn tệ của đơn vị 731. Một trong các ca điển hình là trường hợp một tù binh Tàu bị lôi ra bắn vào ngực. Các chuyên gia 731 sau đó xúm vào truyền máu cho nạn nhân, máu được truyền là loại máu khác với máu anh Tàu nọ. Khoảng 12 tiếng đồng hồ sau, bọn "chuyên gia quái vật" ấy tặng nạn nhân một viên đạn đồng vào sọ. Bản báo cáo được viết: Truyền máu kiểu đó không bị ép-phê ngược gì cả. Giáo sư Masuzawa cho rằng thí nghiệm này được tiến hành vì quân Phát-xít Nhật cần cứu thương binh trong chiến cuộc Nhật-Nga.

 "Mỗi ngày ta chọn một niềm dzui"

           Nhờ tóm bắt được tên Okazaki, 34 tuổi, cựu chức sắc ẻ-um (AUM) ma giáo, dựa vào lời thú tội của y, cảnh sát Nhật đã nắm được đầy đủ chi tiết về vụ án gia đình Luật sư Sakamoto bị ám hại năm 1989. Nhận phụ trách truy tố ẻ-um giáo về tội dụ dỗ trẻ vị thành niên, ông Sakamoto bị ma giáo thù ghét. 3 giờ sáng đêm 4 tháng 10 năm 89, theo lệnh thủ tiêu của Asahara, 6 tên bộ trưởng thuộc "chánh quyền kách mệnh ẻ-um" đột nhập vào nhà viên luật sư nhờ cửa không khoá (ở Nhật tương đối an ninh, ít trộm cắp nên dân chúng nhiều khi lơ là, không khoá cửa). Bọn chúng chích thuốc độc potassium chloride vào người vợ chồng viên luật sư cùng đứa con trai 1 tuổi và đập đầu các nạn nhân bằng... búa.

           Thượng tuần tháng 9, cả ngàn nhân viên cảnh sát ra sức đào bới suốt mấy hôm ròng rã một khu vực rừng núi tỉnh Nagano, tây bắc Phú Sĩ sơn. Dù đã bị chôn gần 6 năm, xương cốt ba nạn nhân xấu số vẫn còn khá nguyên vẹn, đặc biệt sọ ông Sakamoto còn sót một ít tóc và da giúp chuyên viên dễ dàng nhận diện.

           Theo dõi liên tục cuộc bới xác trên hệ thống truyền hình, toàn dân Nhật một lần nữa lại kinh tâm táng đởm, xôn xao bàn tán về cách hạ thủ tàn độc của bè nhóm ẻ-um. Trước những chứng cớ tội ác rành rành như trên, ma đầu Asahara vẫn tiếp tục lì lợm chối tội: "Ta không có chi để ngôn hết". Một trong những cựu vệ sĩ kiêm tài xế của Asahara, tên Tamura, 35 tuổi, giỏi Thái cực đạo, vừa ra khai trước toà Tokyo: ẻ-um giáo chủ chỉ là một tên thô bỉ tục tằn, có đời sống tầm thường, không thần thánh gì cả. Asahara thích ăn sang mặc đẹp, thích đi nhà hàng đớp thịt cá, bò bí-tết và nhai sashimi cá sống rau ráu. Y bắt tài xế lái xe bừa bãi, bất chấp luật lệ giao thông, hễ nghi ngờ tài xế điều chi là y sai tà-lọt đè ra chích thuốc nói sự thật. Người ngợm tổ sư cứ càng ngày càng béo phị ra bởi tha hồ đớp hít giữa lúc chúng đệ tử ẻ-um ngày một còm nhom vì bị giáo luật cấm ăn đủ thứ. Mỗi ngày, ẻ-um sư tổ chọn một niềm vui, chọn nhà hàng ngon ăn cho khoái khẩu cũng như chọn nạn nhân để làm tiền, làm... thịt.

           Tamura đã phải dâng cúng trọn vẹn chương mục 150 ngàn đô Mỹ cho ẻ-um. Lời cuối tại buổi hầu toà của tay gạc-đờ-co ẻ-um này như sau: "ẻ-um đúng là một bọn ác quỉ, một bầy ma giáo. Xin toà hãy kết án tử hình Asahara!"


 Cha đẻ Karaoke

           Như quí bạn đã biết, hai thành phố cảng sát nách nhau Osaka và Kobe được coi như đất mẹ đẻ của phong trào Karaoke. Tuy vậy, nền văn học sử bình dân ở xứ Hoa Anh Đào vẫn chưa dám ghi rõ tên người đầu tiên sáng chế ra môn Karaoke bởi có khá nhiều người vỗ ngực kể công: "Tui, chính tui mới là cha đẻ Karaoke".

           Theo một số tin đồn, môn chơi này do chủ nhân một quán Su-nak-ku (Snack bar) tên Inoue Taiyu nghĩ ra, nhưng rồi lần lượt các "cha đẻ" khác lại đều đều xuất hiện, đôi kẻ còn trưng bằng cớ để chứng minh cho luận cứ của mình. Như đầu hè vừa qua, ông Takashiro, giám đốc một cơ sở sản xuất dụng cụ trang bị cho giàn máy Karaoke ở Osaka cho biết: Cách nay chừng hơn 25 năm, khi mát cát-sét thu băng bắt đầu thịnh hành, ai cũng có thể hát hay đệm nhạc vào băng rồi quay lùi băng đặng nghe lại tiếng ca, điệu nhạc của chính mình. Thuở đó, các quán Sì-nách-ba thường kê một cây ọt (organ) trong góc quán, mướn người chơi. Khách muốn hát phải trả từ 5 tới 10 đô một bản. Nhận thấy phương cách này bất tiện, đắt đỏ quá nên ông Takashiro đêm ngày nặn óc tìm cách chế tạo ra một loại máy đệm nhạc, chỉ lấy mỗi bản 1 đô thôi để câu khách. ìng kể lại rằng đã tự chế ra được một số máy chơi băng Karaoke hồi 1975, bán vèo một cái hết nhẵn bởi hầu như mọi chủ quán Su-nak-ku đều khoái máy có khả năng chơi được 400 bản nhạc; khách tới tham gia hát hò đông đến mức quán gỡ được tiền mua máy chỉ trong vòng 3 tháng đổ lại. Cha đẻ mới nhất của Karaoke hãnh diện tuyên bố: "Nền văn hoá phổ thông luôn luôn đến từ quần chúng bình dân. Môn bắn bi Pachinko xuất xứ tại Nagoya, miền trung bộ; Karaoke ra lò ở vùng Quan Tây Kansai. Chúng không hề đến từ thủ đô Đông Kinh, nơi đầy dẫy dân thượng lưu quí phái". 

          Giáo sư môn Xã hội Ogawa thuộc học viện Momoyama giải thích lý do tại sao Karaoke lan mau chóng khắp nước Nhật: "Ngay từ xửa từ xưa, dân tộc Phù Tang đã có nhu cầu ca hát, điển hình là tập truyền Utage, một thể thức hát giúp vui trong các buổi tiệc tùng, họp mặt. Tiền thân của giàn Karaoke hiện đại chính là những máy đút tiền vào khe để chơi dĩa (Juke box) rất thịnh hồi 1950-1960, rồi cặp loa ra đời và tiếp đến là cát-sét, máy chơi Karaoke". Bị chỉ trích, phê phán vì quá ồn, gây phiền nhiễu cho lân bang chòm xóm mỗi khi chơi, môn Karaoke đã phải trải qua "mười năm tình lận đận" trước khi được mọi giới chấp nhận và chính thức bước lên đài vinh quang kể từ 1985.

Y Yên

----------------------------------

 


Tưởng nhớ Y Yên

Y YênY Yên 1

 


 Y Yên – và di bút

Đầu tháng 5, cứ như thường lệ thì loạt bài của Y Yên sẽ được gửi đến bằng đường bưu điện, sang đến giữa tháng vẫn không thấy, đang dự định viết hagaki để đốc thúc thì ngày 21/5, một nhân viên của sở cảnh sát quận Tatetabayashi (tỉnh Gunma) đã điện thoại đến văn phòng Hiệp Hội hỏi thăm tin tức về một người Việt Nam tên Lê Quốc đã tự tử tại nhà riêng.

Lê Quốc chính là “Y Yên” hoặc “Vi An” hoặc “Lượm”, một cây bút rất quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ, Canada và Nhật Bản đã qua đời tại Gunma, hưởng dương 40 tuổi.

Đến Nhật khoảng năm 1982 với tư cách thuyền nhân, chỉ sau một thời gian ngắn là anh đã cộng tác ngay với tạp chí Đường Sống dưới tên Lê Cửu Bị. Những loạt bài dưới hình thức tin tức, đoản văn của anh chuyển đi từ Nhật đã được nhiều người mến mộ. Năm 1992, sau khi tạp chí Đường Sống đình bản vì số người tị nạn tại các trại Đông Nam Á giảm đi khiến chương trình trợ giúp của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc cho tờ Đường Sống bị đình chỉ, anh đã tiếp tục viết cho các báo khác tại hải ngoại như tờ Saigon Nhỏ, Đuốc Từ Bi tại Hoa Kỳ, nguyệt san Làng Văn tại Canada trong mục “Phù Tang Tạp Lục” dưới bút hiệu Vy An. Cũng vào thời điêm này, anh đã cho ra mắt tác phẩm đầu tay của mình là quyển “Phù Tang Tạp Lục”. Ngoài ra, anh còn là đặc phái viên cho các đài phát thanh chương trình Việt Ngữ tại Hoa Kỳ, Úc Châu, cộng tác viên của tờ Phụng Vụ Lời Chúa, Bản Tin Thân Hữu tại Nhật.

Từ tháng 9/1994, anh bắt đầu cộng tác thường xuyên với Nguyệt San Hiệp Hội. Bằng lối viết dí dỏm, nhanh cũng như cách dịch phóng khoáng, những truyện ngắn của anh như “Đèn Kéo Quân”, “Những quả nậm của Thanh Bình”.... đã thu được nhiều sự chú ý của độc giả. Sự chú ý đã biến thành lôi cuốn khiến anh ..... mang nợ. Có lẽ thời gian này là thời gian bận bịu và vui nhất của anh vì: ngoài việc trả nợ áo cơm, tôi còn phải trả nợ cho độc giả nữa. Thiếu nợ thì chả ai khoái cả, nhưng thiếu nợ bài để độc giả đòi thì đâu phải ai cũng được.

Anh có lối nói chuyện mang tính cách áp đảo, nói nhiều hơn người đối diện và luôn luôn chất dứt trước khi người đối diện kịp tỏ bày ý kiến, điều này đã khiến nhiều người khó chịu, nhưng nếu có thời gian quan sát, tiếp xúc và nghe anh tâm sự, một sự thông cảm chắc chắn sẽ đến, vì những điều anh muốn hoặc sắp làm đều không phải cho cá nhân anh, mà không ít thì nhiều là những đóng góp cho tập thể, cho cộng đồng. Trái lại với những bay bướm, dí dỏm trong thơ văn, anh thật dứt khoát: đối với việt cộng không có chuyện nhân nhượng và giao lưu. Cũng vì thế mà văn phong sau 17 năm dù có khi ẻo lả, dí dỏm nhưng rất quyết liệt với một tập đoàn đã đẩy gia đình, bạn bè, đồng bào ta xuống vực thẳm.

Vào khoảng 1 năm trước, được sự khuyến khích của bạn bè, anh thật sự “bốc” khi dự định thực hiện một loạt chương trình như: làm băng đọc truyện, dịch lời bài hát từ Nhật sang Việt, thu thập những bài viết của “phe ta” tại Nhật làm thành tuyển tập.... trước là để... mua vui sau là góp phần làm cho sinh hoạt của cộng đồng thêm tươi mát.

Nhưng ..... tất cả mọi việc đã được gác lại vì “một số những văn hữu của chúng ta bên Hồng Kông đang gặp nguy hiểm, sắp bị trả về”. Anh quyết định thành lập Trung Tâm Văn Bút Á Châu, liên kết với các Trung Tâm Văn Bút khác trên thế giới để đánh “cộng” trên mặt văn hóa cũng như để cứu những văn hữu tị nạn tại Hồng Công.

Ngày 9 tháng 12 năm 1995, Văn Bút Á Châu do anh làm chủ tịch được thành lập và làm đơn xin gia nhập Văn Bút Hải Ngoại có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ. Từ đó anh liên lạc với các Trung Tâm Văn Bút khác trên thế giới để hoạch định chương trình làm việc, và cũng chính từ những sự tìm hiểu sau đó đã làm anh thận trọng hơn vì “tôi đã hiểu ra nhiều chuyện” và anh quyết định “Trung Tâm Văn Bút Á Châu tạm thời rút đơn xin gia nhập Văn Bút Hải Ngoại”. Cũng chính từ việc này, cuộc đời anh đã bị phiền nhiễu, anh đã bị một số báo chí ở hải ngoại của các phe liên hệ “đánh” liên tiếp, họ đánh anh trên báo chí, họ nhờ người của họ tại Nhật đánh tiếp bằng cách gửi thư vu khống anh là “khùng điên”, “mắc bệnh tâm thần”, điện thoại của anh reo vang suốt đêm nhưng bắc lên thì lại không có ai..... Có lần anh than thở: “Tôi phải làm sao đây, việc trước tiên để tránh họa là tôi phải đành giải tán Trung Tâm Văn Bút Á châu, sẽ không sử dụng điện thoại nữa, có gì liên lạc với tôi bằng thư”. Hơn nữa, cũng chính vào thời điểm này (khoảng tháng 2/1996) anh đã bỏ việc vì bất mãn với công ty, nơi anh đang làm việc. Những chuyện không may dồn dập ập lên đầu nhưng chẳng có ai biết để chia sẽ cả vì khi có dịp liên lạc với bạn bè anh lại “nói ngược”: công việc tôi ổn định rồi, được chủ hãng cho lên kakaricho coi cả một khâu”. Có lần, Nguyệt San Hiệp Hội liên lạc với anh để hoàn trả số tiền bán 20 quyển “Phù Tang Tạp Lục”, nhưng anh vẫn bô bô: “Tôi biết quá mà, mấy ông làm gì có tiền, thôi giữ đó đi để làm chuyện khác”. Chẳng những thế, dù là người đóng góp thường xuyên cho tờ báo đã không tiền nhuận bút mà anh lại còn trả lệ phí mua báo như một độc giả dài hạn.

Theo lời kể từ những người bạn của anh ở gần đó thì suốt cả năm ngoái, anh đã sống hoàn toàn trong cô đơn, khủng hoảng cả về 2 mặt tài chánh lẫn tinh thần. Có khi cả tháng trời, buổi tối nhà anh không bao giờ bật điện, đã có lúc người hàng xóm báo cảnh sát, nhưng lúc cảnh sát đến nhà thì anh vẫn bình thường, hỏi lý do tại sao buổi tối không thắp đèn thì anh cho biết là ngay cả tiền ăn cũng không có thì lấy tiền đâu trả tiền điện. Bạn bè gần đó có tặng anh một số tiền và đề nghị anh chuyển vào trại tị nạn Akatsuki Mura, hoặc xin nhà chung cư, anh chỉ ầm ừ cho qua chuyện.

Lần này cũng thế, đã gần cả tháng nhà không thắp đèn, thùng thư thì đầy ắp, thấy kỳ lạ người xung quang báo cho cảnh sát đến nhà thì khám phá anh tự kết liễu cuộc đời, để lại mảnh giấy có ghi hàng chữ: “Tôi bế tắc cuộc đời nên đã tìm cách chấm dứt Nợ Đời! Xin báo dùm cho số 110. Rất cảm ơn”. Theo sự khám nghiệm của bác sĩ, có lẽ anh chết vào khoảng những ngày cuối tháng tư hoặc đầu tháng năm.

Lễ hỏa táng đã được cử hành trong đơn giản, chỉ vài người bạn ở trại tị nạn cũ và một ít bà con ở quanh vùng tại nhà thờ Tatebayashi ngày 24/5.

Thay lời cuối, Nguyệt San Hiệp Hội xin gửi đến anh lời cảm ơn chân thành nhất vì những đóng góp vô vu lợi của anh cho NSHH nói riêng và cho cộng đồng người Việt tại Nhật nói chung.

Vĩnh biệt anh, một văn tài được cộng đồng người Việt mọi nơi yêu mến. Cầu nguyện hương hồn anh được yên nghỉ thảnh thơi nơi chín suối.

 

Tháng 6/1997


Vũ Đăng Khuê

------------------

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc