CHƠI CHỮ - Trần Vĩnh Thuận

15 Tháng Giêng 20209:14 CH(Xem: 2618)
ong do nho


Chơi chữ

 

Thuở xưa, khi Tết đến, người Việt Nam thường làm câu đối và dán trước cửa nhà để đón Xuân.

 

Trong cảnh hàn vi, Nguyễn Công Trứ cũng không quên tục lệ này, nên đã chua chát:

 

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.


Trần Tế Xương lúc thấy thiên hạ thi nhau đốt pháo, vẽ vôi, cảm cảnh đất nước bị ngoại bang đô hộ đã có câu đối:

 

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế vẫn bôi vôi


Vào dịp Tết, người nhà quê thường rắc vôi hình cung, tên … ở những gốc cây chung quanh nhà để trừ ma quỷ.

 

 Các thi nhân khác cũng đều có câu đối Tết.

 

Kiếm một cơi trầu thưa với cụ
Xin đôi câu đối để thờ ông
(Nguyễn Khuyến)

 

Tối ba mươi, khép cánh càn khôn ních chặt lại, kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một, lỏng then tạo hoá mở toang ra, cho thiếu nữ rước Xuân vào     
(Hồ Xuân Hương)


Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu, ủa ủa Tết
Sáng mồng một, lắng tai nghe tiếng pháo, à à Xuân
(Nghè Tân)


Ba chục triệu đồng bào, híp mắt no say ba bữa Tết
Bốn ngàn năm tổ quốc, ôm lòng chờ đợi một ngày Xuân
(Ngô Đức Kế)


Câu đối cổ sau đây được nhắc nhở tới luôn vì đã đưa ra được những nét đặc sắc của Tết Việt Nam:

 

Nêu cao, pháo đỏ, bánh chưng xanh
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

 

Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều câu đối trong những bài thơ xưa. Trong các bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, câu 3, 4 và câu 5, 6 là những cặp đối nhau.

 

Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài
(Hồ Xuân Hương)


Câu thơ được chửa, thưa rằng được
Chén rượu say rồi, nói chửa say
(Nguyễn Khuyến)


Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Bà Huyện Thanh Quan)


Ngoài phần đối về bằng trắc, nghệ thuật chơi chữ đã được các tác giả dùng thật khéo léo. Trong các bài hát nói, các tác giả cũng thường chêm vào câu đối.

 

Trong bài “Hàn Nho Phong Vị Phú” (“Cảnh học trò nghèo”), Nguyễn Công Trứ đã có câu:

 

Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngõ


Nguyễn Khuyến thì than thân lúc vợ chết bằng câu:

 

Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.

Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm?


Trong văn chương bình dân, chúng ta cũng có được những câu đối thật hay; hay ở chỗ tác giả đã khéo léo dùng những từ ngữ có hai nghĩa và những từ ngữ có nghĩa tương phản.

 

Ô! quạ tha gà
Xà! rắn bắt ngoé


Ô và Xà vừa là tiếng kêu vừa có nghĩa là quạ và rắn.

 

Con ruồi đậu mâm xôi đậu
Cái kiến bò đĩa thịt bò

 

Và câu đối sau đây làm nổi bật nét đặc thù trong tiếng Việt:


Con cóc leo cây vọng cách
Nó rơi xuống cọc, nó cạch tới già

Con công đi qua chùa Kênh
Nó nghe thấy cồng, nó kềnh cổ lại


Dùng những chữ CÔNG KÊNH, CỒNG KỀNH để đối với CÓC CÁCH, CỌC CẠCH, không gì hay bằng.

 

Đất không phải chồng, đem gửi thịt xương sao đặng
Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng

Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới
Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên


NGHÈ có hai nghĩa là đình và người đậu kỳ thi Hội. CỐNG có hai nghĩa là mương và người đậu kỳ thi Hương.

 

Nước lỗ trâu chảy ra khổng mạnh
Củi văng võ đốt cháy thành than


Khổng Tử người nước Lỗ, Mạnh Tử người nước Châu. Vua Văn thời nhà Thành, vua Võ thời nhà Thang.

 

Tám giờ xe lửa huýt
Hai cẳng nằm ngay đơ


Hai: đơ (deux), tám: huýt (huit)

 

Sắc hỏi huyền: “ngã nặng không ?”
Rê sỉ sol: “Mi là đồ phá "


Vế trên là 6 dấu của tiếng Việt, vế dưới là 7 nốt nhạc.

 

Nói tới câu đối, chúng ta không sao bỏ qua những giai thoại mà làm cho người trong cuộc giở khóc giở cười.

 

Một ông Tú tên Cát tự hào về tài hay chữ của mình bèn ngâm nga:

 

Trời sinh ông Tú Cát.

 

Trạng Quỳnh nghe được bèn đối lại:

 

Đất nứt con bọ Hung

CÁT và HUNG là 2 quẻ xăm tốt và xấu.


Chuyện kể, lúc nhỏ Cao Bá Quát ra tắm ở Hồ Tây, đúng vào lúc vua Minh Mạng tuần du ở đó, ai ai cũng phải tránh xa, riêng cậu Quát cứ tự do vùng vẫy. Lính đến bắt lôi lên bờ, cậu tự khai là học trò, vì trời nực ra tắm mát. Vua nhìn xuống hồ thấy cá lớn đang đuổi đàn cá con, liền ra câu đối bắt đối lại:

 

Nước trong leo lẻo, cá đớp cá.

 

 Cậu Quát ứng khẩu ngay:

 

Trời nắng chang chang, người trói người

 

Vua phục tài cậu học trò, tha không đánh đòn.


Về câu đối châm biếm, Trần Bình cũng để lại các câu đối thật tài tình. Ông diễu cợt hai ông quan dưới thời Pháp thuộc, ông Vi có bộ răng đẹp như răng giả, ông Quốc có hai vợ nhưng lúc đó lại giở chuyện tu hành.

 

  Hàm răng mang nặng: hàm răng giả
  Túi đạn theo thừa: túi đạn chay


Và dưới đây là câu đối châm biếm cha con cô Tư Hồng:

 

  Bốn chữ sắc phong, hàm cụ lớn
  Ba thuyền tế độ, của bà to


HÀM nghĩa là phẩm hàm của triều đình, nhưng cũng có nghĩa là quai hàm. CỦA nghĩa là của cải nhưng ở đây còn một nghĩa khác. Nguyên năm đó, tỉnh Quảng Bình mất mùa, cô Tư Hồng từ Bắc chở ba thuyền gạo vào định bán lấy giá cao, nhưng chính quyền biết ý ra lệnh tịch thu. Cô liền tuyên bố là đem gạo vào để phát không cho dân đói. Sau vụ này cha cô được vua ban hàm tứ phẩm.



Nguyễn Khuyến cũng là người có tài làm câu đối châm biếm. Ông đã tặng người chột mắt vừa mới đậu khoa thi võ bằng câu:

 

Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi


Văn chương Việt Nam ảnh hưởng nặng nề của Nho học, nên có rất nhiều câu đối mà vài chữ trong đó có cả hai nghĩa Nho và Nôm. Những câu đối loại này rất khó làm. Truyện kể rằng có một cậu học trò nghèo lấy được vợ con nhà quan. Cha vợ muốn thử tài chàng rể bèn ra câu đối:

 

Con rể nết na xem tử tế   (Tế tử: con rể)


Chàng rể đối không được, hẹn đến ngày hôm sau. Chàng phải tìm đến vị hôn thê hỏi và nàng đã gạ cho chàng:

 

          Ông chồng cay đắng kể công phu    (Công phu: ông chồng)

Tương tự giai thoại trên, một người con gái tên Miên có ra câu đối kén chồng như sau:

  Cô Miên ngủ một mình


Câu này thật khó đối. CÔ là một mình, MIÊN là ngủ; Miên lại là tên. Lúc đó có một ông Cai Tổng tên Thịnh mới đối lại là:

 

Tổng Thịnh tóm nhiều đứa


TỔNG là tóm, THỊNH là nhiều đứa, Thịnh lại là tên. Câu đối này lại rất chỉnh về bằng trắc. Câu đối này đã khiến cô Miên ưng thuận làm vợ ba của ông Tổng Thịnh (không còn ngủ một mình nữa).


Học trò nghèo ngày xưa thường hay bị thử tài. Có một anh học trò nghèo túng quá phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không biết nhà giàu là một hưu quan. Hưu quan mới ra câu đối để thử tài anh học trò:

 

 Quân tử cố cùng, quân tử cùng, quân tử cố.

 

Nghĩa: người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng, quân tử bền lòng. Câu này lấy chữ trong sách luận ngữ, lại khó vì ở đây chữ CỐ nghĩa Nôm là CẦM CỐ và chữ CÙNG nghĩa Nôm là CÙNG KHỔ.  

Anh học trò nghèo đã trích Tam Quốc đối lại:

 

 Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm


Nghĩa: Khổng Minh bắt tha, Khổng Minh tha, Khổng Minh bắt. Trong truyện Tam Quốc, Khổng Minh bắtlại tha Mạnh Hoạch đến 7 lần. Câu đối rất hay vì ở đây CẦM nghĩa Nôm là CẦM CỐ và chữ TÚNG nghĩa là túng tiền. Nhờ câu đối trên, anh học trò đã được vị hưu quan tặng một số tiền.

 

Như chúng ta đã thấy, dùng những từ ngữ có hai nghĩa Nôm và Nho để ra vế câu đối thì thật là khó đối lại.


Dưới đây là vế câu đối mà chưa ai đối lại được. Truyện kể một hôm bà Đoàn thị Điểm đang tắm, Trạng Quỳnh mon men lại đòi tắm chung. Bà Đoàn thị Điểm biết nếu cãi vã với Trạng Quỳnh cũng không làm thay đổi được bản tính đùa giai của ông bèn ra điều kiện là phải đối được câu sau đây:

 

Da trắng vỗ bì bạch


Trạng Quỳnh tìm hoài nhưng chẳng ra câu để đối lại nên lặng lẽ bỏ đi. Về sau đã có những vế đối:

 

Giấy đỏ viết chỉ chu
Nhà vàng ngồi đường hoàng
Mâm vàng thấy bàng hoàng
Trời xanh màu thiên thanh


Vì trong câu của bà Đoàn thị  Điểm, chữ  BÌ BẠCH có nghĩa là “da trắng” nhưng cũng là một tiếng trạng từ chỉ âm thanh nên những câu đối này thật ra cũng chưa chỉnh về ý nghĩa (ba câu trên) và về tự loại (câu cuối).

Vua Tự Đức cũng để lại một vế câu đối bất hủ:

 

Nửa đêm đi bán dạ hành

Dạ hành là tên một món ăn ở Huế (?) BÁN DẠ HÀNH, chữ Hán có nghĩa là nửa đêm đi.


Câu sau đây cũng thật khó đối:

 

Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử

HỒI HƯƠNG và PHỤ TỬ vừa là tên hai vị Thuốc Bắc vừa có nghĩa là “về quê”  và “cha con”.


Ngoài những câu dùng chữ Hán kể trên, những câu dưới đây cũng thật là khó đối nhờ ở cách dùng điệp tự thật tài tình:

 

Vợ Cả, vợ Hai, hai vợ đều là vợ cả


Bắt con cá rô, bỏ trong rổ, nó nhảy rồ rồ


Thưở xưa các cụ nhà ta cũng thường ra cả một bài thơ để người khác đối lại, gọi là hoạ. Vần của bài thơ hoạ phải giống với vần của bài thơ xướng.Hẳn chúng ta còn nhớ giai thoại về Nguyễn Trãi và Thị Lộ.  Nguyễn Trãi một hôm đi chầu về, giữa đường gặp một người con gái rất đẹp đang gánh chiếu đi bán, ông bèn đọc giỡn một bài thơ, người con gái hoạ lại. Ông thấy thông minh mới lấy nàng làm hầu.

 

Bài xướng

Ả ở đâu nay bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?

Bài họa

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con!


Bà Hồ Xuân Hương bị một vố khá đau cũng vì lối xướng hoạ này. Nguyên bà có mượn của Chiêu Hổ năm quan, nhưng Chiêu Hổ lại đưa có ba quan, bà mới mắng đùa Chiêu Hổ nói láo như cuội bằng bài sau đây:

 

Sao nói rằng năm lại có ba?
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa


Chiêu Hổ là một tay không vừa mới đối lại:

 

Rằng Gián thì năm, Quý có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ, rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa

 

Ba quan tiền Quý (tiền Cảnh Hưng) ăn năm quan tiền Gián (tiền Hồng Đức).

 

Trong Văn Học Sử Việt Nam, Tôn Thọ Tường và Phan văn Trị là hai người có nhiều bài xướng hoạ với nhau, chẳng hạn như bài Tôn Phu Nhân quy Thục tiêu biểu sau đây:

 

Bài xướng

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,

Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông!

Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc,

Về Hán, trau tria mảnh má hồng

Son phấn thà cam dày gió bụi,

Đá vàng chi để thẹn núi sông .

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn:

Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng

Tôn Thọ Tường

 

Bài họa

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,

Mặt ngã trời chiều biệt cõi Đông.

Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng,

Duyên về đất Thục đượm màu hồng.

Hai vai tơ tóc bền trời đất,

Một gánh cang thường nâng núi sông

Anh hởi! Tôn Quyền: anh có biết?

Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng

          Phan văn Trị

 

 Ngoài lối thư xướng hoạ, trong văn chương Việt Nam cũng còn nhiều lối thơ cũng chơi chữ như :


-Thủ vĩ ngâm: lối thơ có câu đầu câu cuối giống nhau.

 

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lãnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quảy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói e mồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành Tết khác
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
(Tết, Trần Tế Xương)


-Tiệt hạ: lối thơ câu nào cũng bỏ lửng như bị ngắt bớt ở cuối, nhưng ý nghĩa rõ rệt, người đọc đoán mà hiểu được

 

Thác bức rèm châu chợt thấy mà …
Chẳng hay người ngọc có hay đà…
Nét thu dợn sóng hình như thể …
Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là…
Khuôn khổ ra chiều người ở chốn…
Nết na xem phải thói con nhà …
Dở dang nhắn gửi xin thời hãy…
Tình ngắn lời dài chút nữa ta…
(vô danh)

 

- Vĩ tam thanh: lối thơ mà bất cứ câu nào ba tiếng cuối cùng cũng có âm giống nhau.

 

Ta nghe à gáy tẻ tè te
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè
Non một chồng cao von vót vót
Hoa năm sắc nở loẻ loè loe
Chim tìm bầu bạn kia kìa kỉa
Ân nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè
Danh lợi mặt người ti tí tỉ
Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe
(vô danh)


-Song điệp: mỗi câu mà mỗi câu có đặt hai cặp điệp tự

 

Vất vất vơ vơ cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn người
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại chết xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi
(vô danh)


-Thuận nghịch đọc: lối thơ đọc ngược đọc xuôi đều thành câu có nghĩa.

 

Bài đọc xuôi:

Linh uy tiếng nổi thật là đây
Nước chắn, hoa rào, một khoá mây
Xanh biếc nước soi , hồ lộn bóng
Tím bầm rêu mọc, đá tròn xoay
Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng
Khách vắng khi đưa xạ nhát bay
Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng
Rành rành nọ bút với nghiên này

Bài đọc ngược:


Này nghiên với bút nọ rành rành
Thắng cảnh…

(Đền Ngọc Sơn, vô danh)


Nhà nho thuở xưa cũng có lối chơi chữ hoàn toàn bằng chữ Hán. Nguyễn Công Trứ mở đầu bài “chữ nhàn” với câu:

 

 Thị tại môn tiền náo             門 前 閙
 Nguyệt lai môn hạ nhàn       門 下 


Nghĩa: chợ ở trước cửa thì huyên náo, trăng đến trước cửa thì ra vẻ an nhàn.

Cùng một chữ môn, nếu để chữ thịvào trong thì thành ra chữ náo, nếu để chữ nguyệtvào thì thành ra chữ nhàn.


Sử chép rằng văn nhân Trung Hoa muốn thử tài người Việt Nam mới đưa ra bài thơ sau đây để đố mà chẳng nói thêm gì cả.

 

 Lưỡng nhật bình đầu nhật              両 日 平 頭 日

 Tứ sơn điên đảo sơn                       四 山 顛 倒 山

 Lưỡng vương tranh nhất quốc        両 王 爭 一 國

 Tứ khẩu tung hoành giang              四 口 縱 橫 江

 

Trạng nguyên Nguyễn Hiền lúc đó mới có 9 tuổi xem xong chỉ viết có chữ điền để giải đáp. Nếu chú ý đến cách ghép chữ ta sẽ hiểu ra dễ dàng. Hai chữ nhậtđặt ngang đầu nhau sẽ thành chữ điền. Bốn chữ sơnđặt thành điên đảo cũng thành chữ điền. Hai chữ vươngđặt chéo nhau cũng thành chữ điền.
Và cuối cùng là bốn chữ khẩuđặt ngang dọc (tung hoành) cũng thành chữ điền.


Trở lại lối chơi chữ thuần tuý Việt Nam, “nói lái”, một thứ “trò chơi trời cho”. Dùng thể nói lái để ra câu đối thì rất khó đối lại.

 

Để đối với:

 

Có vài cái vò

 

Người ta phải đối lại là:

 

Kia mấy cây mía

Và nhiều câu khác như:

 

Bà Trưng bưng trà
Bà Xẩm bầm sả

Thi đua chỉ thấy thua đi mãi
Kháng chiến càng thêm khiến chán thôi

Con mỏ kiến nằm trên miếng cỏ
Chim vàng lông đáp dựa vòng lang

 

Còn những câu sau đây bạn sẽ đối như thế nào?

 

Thầy giáo tháo giầy, vấy đất vất đấy


Thầy tu thù Tây, đi tàu đau tì


Tựa cây bông xem công bay


Con cá đối nằm trong cối đá


Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo


Trong một buổi họp mặt, tôi bỗng nhận ra là lấy tên hai người bạn và nói lái lại thì thành tên hai người bạn khác cũng có mặt ở đó. Từ đó tôi nghĩ có thể áp dụng cách nói lái này vào tên gọi động vật, thực vật… Chẳng hạn như:

 

Con cua con rồng - con công con rùa

Con trăn con rái - con trai con rắn
Con cáo con sóc - con cóc con sáo
Con sâu con trùn - con sùng con trâu
Con sáo con bò - con sò con báo
Con cóc con sam - con cam con sóc
Con báo con cò - con bò con cáo
Con ốc con công - con ong con cóc
Con cóc con sò - con cò con sóc


Nếu con trai - con gái cũng kể là động vật thì ta có:

 

Con gái con trâu - con gấu con trai


Thử tìm vài câu nói lái tên gọi thực vật, tôi tìm ra được mấy cặp sau đây:

 

Cây trà cây dâu - cây trầu cây da

Cây hạnh cây tre - cây hẹ cây tranh


Năm hết Tết đến, nếu ta không làm được câu đối Tết thì hãy tìm thử đôi ba câu nói lái cũng tạm gọi là chơi Xuân.


Trần Vĩnh Thuận
(Osaka, đầu năm 1976)


Tài liệu tham khảo:

- 50 năm báo chí đất Thần Kinh, Thời Nay 151 – 152
- Từ một đồng tiền Cảnh Hưng, Hà Xuân Liêm, Thời Nay 151 – 152
- Chơi câu đối, Toan Ánh, Bách Khoa, 387
- Văn Học Việt Nam, Dương Quảng Hàm
- Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc