PARASITE, ĐÔI HIA BẢY DẶM ĐIỆN ẢNH HÀN - Nghiêm Nguyễn

01 Tháng Ba 20204:58 CH(Xem: 2324)

    Parasite, đôi hia bảy dặm điện ảnh Hàn

 

                                                    Nghiêm Nguyễn (Tổng Hợp)


Parasite

  Đoàn phim Parasite ăn mừng thắng lớn tại Oscar 2020

 

Lần đầu tiên trong 92 năm lịch sử giải Oscar, một phim không nói tiếng Anh đoạt giải phim hay nhất. Ngoài giải phim hay nhất (Best Picture), bộ phim Hàn quốc “Parasite- Ký Sinh Trùng” còn đoạt thêm 3 giải thưởng khác nữa:  Đạo diễn xuất sắc nhất (Best Director), Phim Ngoại Quốc Hay Nhất (Best International Picture Film) và kịch bản gốc hay nhất (Best Original Screenplay). Trước đó bộ phim đã giành được hàng loạt giải thưởng lớn:  Cành Cọ Vàng (Palme d'Or) tại Liên hoan phim Cannes tháng 5.2019, Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (the Golden Globe Award for Best Foreign Language Film), Giải thưởng BAFTA cho Phim Hay Nhất không phải bằng tiếng Anh (the BAFTA Award for Best Film Not in the English Language). Chiến thắng của phim Parasite là bất ngờ đối với nhiều người, ngay cả nhà đạo diễn phim Bong Joo-ho. Khi lên nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất, ông đã nửa đùa, nửa thật phát biểu rằng sau khi đoạt 2 giải thưởng: kịch bản gốc hay nhất và phim ngoại quốc hay nhất, ông tưởng là đã xong, không phải bước lên sân khấu lần nữa. Tuy nhiên không những ông phải lên sân khấu một lần mà là hai lần nữa. Một số người đã đoán có lẽ phim “1917” của Sam Mendes sẽ đoạt giải phim hay nhất. “1917” mặc dù rất ấn tượng với người xem về mặt technique, bộ phim được quay với những cảnh quay dài (long takes) và những chuyển động máy được dàn dựng công phu để tạo hiệu quả của một cảnh quay liên tục duy nhất (a single continuous shot), khiến người xem có cảm giác nhập cuộc hơn với những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Về mặt hình ảnh với phần cinematography, và phần dựng cảnh (production design), các nhà quay phim và thiết kế đã đạt được độ chân thật về lịch sử  trong bối cảnh Đệ Nhất Thế Chiến, lại vừa đạt được yêu cầu của đạo diễn là làm cho bộ phim có vẻ như được quay liên tục. Nhưng dù sao cốt truyện của “1917” vẫn bị mỏng.

Trong khi đó, phần mạnh của “Parasite” là toàn bộ từ cốt truyện, chi tiết (mọi chi tiết đưa ra đều có chuẩn bị kỹ, khớp vào nhau, không có chi tiết nào thừa), phần diễn xuất, và sự pha trộn tài tình giữa chất bi-hài và cả hồi hộp, bạo lực của thể loại phim kinh dị khôi hài đen (dark comedy thriller film).

Bối cảnh bộ phim “Parasite” là đất nước Hàn Quốc thời hiện đại. Nhân vật chính trong phim là một gia đình nghèo gồm bốn thành viên. Ông bố Kim Ki-taek (Song Kang-ho) và bà mẹ Choong-sook (Jang Hye-jin) thất nghiệp ở nhà, hàng ngày nhận gấp hộp bánh pizza kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Parasite 2                 Sự phân hóa giàu - nghèo trong Parasite” là nguyên nhận dẫn đến bi kịch

Cậu con trai cả Ki-woo (Choi Woo-sik) lúc này ở nhà phụ việc sau bốn lần thi trượt đại học. Còn cô em gái Ki-jung (Park So-dam) cũng đã nghỉ học do không đóng nổi học phí. Cả gia đình bốn thành viên cứ thế chen chúc trong một căn hộ tồi tàn dưới tầng hầm của khu nhà cho thuê, túng thiếu đến mức điện sinh hoạt bị cắt, ăn thì phải chạy từng bữa. Một ngày nọ, Ki-woo được người bạn thân giới thiệu làm gia sư tiếng Anh cho con gái của một gia đình giàu có. Choáng ngợp trước cơ ngơi của gia chủ, cậu bèn lên kế hoạch, lập mưu kế đưa cả gia đình mình thâm nhập vào ngôi nhà giàu có nhưng dễ tin người kia. Bằng cách này hay cách khác, lần lượt từng người trở thành một phần của gia đình giàu có dưới các vai trò khác nhau. Những tưởng họ sẽ nhanh chóng đổi đời khi có thể ăn bám nhà đại gia, song có những biến cố nằm ngoài dự liệu. Gia đình nhà Kim phát hiện ra mình không phải người duy nhất bám vào nhà Park để sống, từ đó dẫn đến bi kịch đẫm máu và nước mắt .

Tổng thể, chủ đề của “Parasite” là sự phân hóa giàu – nghèo, xung đột giai cấp và bất bình đẳng xã hội. Hàn Quốc là một xã hội tư bản, và là nơi bất động sản chiếm phần lớn của cải. Theo đó, ngôi nhà giống như tượng trưng cho địa vị xã hội và sự giàu có của chủ nhân.

Trong phim, vấn đề giai cấp được phân định bằng ba không gian: tầng trệt, tầng bán hầm và tầng hầm. Ngoài ra, “Parasite” đồng thời còn xây dựng sự xung đột thù ghét giữa các nhân vật.

Các nhà phê bình phim và chính Bong Joon-ho đã coi bộ phim là sự phản ánh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trần trụi, và một số người đã liên kết nó với thuật ngữ "Hell Joseon", một cụm từ đã trở nên phổ biến, đặc biệt là với giới trẻ, vào cuối những năm 2010 để mô tả những khó khăn của cuộc sống ở Hàn Quốc. Bộ phim cũng phân tích việc sử dụng các kết nối, các mối quan hệ để đi lên, đặc biệt không chỉ là đối với các gia đình giàu có mà còn cho cả những người nghèo như Kim.

 Đạo diễn Bong Joon-ho đã gọi “Parasite” là một tầng trên/tầng dưới hoặc "phim cầu thang, trong đó cầu thang được sử dụng như một mô típ để đại diện cho vị trí của các gia đình đối lập như Kim và Park, cũng như của bà quản gia Moon-gwang. Trong phim, gia đình ông Kim Ki Taek sống trong một căn nhà bán tầng hầm tại khu phố nghèo của thành phố Seoul. Bối cảnh của phim được đặt tại một khu dân cư có thật có tên Guryong nằm bên cạnh "khu phố nhà giàu" Gangnam. Đây là khu ổ chuột lớn nhất thủ đô Seoul nói riêng và Hàn Quốc nói chung. Báo chí nước ngoài từng gọi Guryong là biểu tượng điển hình của sự phân hóa giàu nghèo tại xứ sở kim chi.

Khu ổ chuột Guryong nằm núp dưới bóng các tòa cao ốc của khu Gangnam, cách "phố nhà giàu" của Hàn Quốc chỉ 20 phút đi bộ. Làng Guryong được thành lập cuối thập niên 1980, tới nay có khoảng 2.500-4.000 dân. Đa phần cư dân ở đây đều là những người bị giải tỏa nhà đất để lấy chỗ xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội Seoul 1988. Ngoài ra, một số cư dân khác tới đây sống sau khi bị phá sản, phải "trôi dạt" tới Seoul với hy vọng kiếm được công việc đổi đời.

Tất cả những căn nhà ở Guryong đều được dựng lên tạm bợ với chiều cao chạm đầu người. Vì môi trường ẩm thấp, nhiều rác thải nên không khí trong làng luôn có mùi khó chịu. Những người sống ở trong làng bị mùi hôi này ám vào trong người, áo quần. Đạo diễn Bo đã dùng phép ẩn dụ trong phim gọi mùi hôi này là “mùi tầng hầm”, ám chỉ giai cấp nghèo hèn. Các hộ gia đình hầu như không có nhà vệ sinh riêng. Cả khu phố phải sử dụng nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng. Vẻ lụp xụp, nhếch nhác của các căn nhà ở đây tương phản mạnh mẽ với các tòa nhà cao tầng tráng lệ của Gangnam (Seoul) phía sau.

Parasite 3                                                        Khu ổ chuột Guryong

 

 Nhà ở của các hộ dân thường xuyên rơi vào tình trạng sụt, lún, hở tường. Họ phải vá tạm bợ bằng các tấm bạt, biển quảng cáo. Vì nằm ở khu vực trũng, Guryong thường bị ngập lụt mỗi khi trời đổ mưa. Đạo diễn đã dùng cảnh lụt lội của khu phố trong một đêm mưa bão để khắc họa cảnh đời nghèo khổ của người dân đang sống ở đó mà gia đình Ki-taek là trong số những người này.

Thật ra chiến thắng của Bong Joon-Ho không hẳn là sự bất ngờ nếu nhìn lại cả chặng đường sự nghiệp của ông.

Bong Joon-ho, đạo diễn và nhà biên kịch phim sinh năm 1969, không phải là một cái tên xa lạ gì đối với với những người yêu điện ảnh nói chung và điện ảnh Hàn Quốc nói riêng.

Để đi đến chiến thắng lịch sử của điện ảnh Hàn và cả lịch sử của giải thưởng Oscar ngày hôm nay, đạo diễn Bong Joon-ho đã thực hiện nhiều phim thành công lớn, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Các bộ phim của Bong Joon-ho đa dạng về thể loại. Gần như mỗi phim, Bong Joon-ho lại thử nghiệm một thể loại mới. “Barking Dogs Never Bite” (2000) là dark comedy-drama, “Memories of Murder” (2003)-crime-dramma film, “The Host” (2006)-monster film, “Mother” (2009) và "Sea fog" (2014)-drama film, “Snowpiercer” (2013)-science fiction thriller film, “Okja” (2017)-action-adventure film, “Parasite” (2019)- dark comedy thriller film.

Trong khi  nền điện ảnh Hàn quốc mang đôi hia bảy dặm thì nền điện ảnh Viêt Nam còn đi những bước ngắn ngủi. Việt Nam có những lợi thế là cả một kho đề tài với chất liệu phong phú, đa dạng và phức tạp của một quốc gia đã và vẫn đang trải qua quá nhiều bi kịch, cả thời chiến lẫn thời bình. Các nhà làm phim VN không cần phải tưởng tượng, hư cấu gì, cuộc sống xã hội với quá nhiều mâu thuẫn, quá nhiều phi lý trớ trêu, bất công xã hội hay tội ác diễn ra hàng ngày…đủ cho mọi thể loại phim. So với những bi-hài kịch trong xã hội VN thì mâu thuẫn giàu nghèo, giai cấp trong “Parasite” thực sự chưa là gì cả. Việt Nam cũng không thiếu đề tài. Cái mà nền điện ảnh VN đang thiếu là môi trường thuận lợi để phát triển,để có được những tên tuổi lớn và tác phẩm lớn.  Là có một nền công nghiệp điện ảnh phát triển từ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, phim trường. Là khâu đào tạo: trường lớp, giảng viên, tài liệu, điều kiện học tập, thực hành...những người làm điện ảnh có cơ hội học hỏi, tiếp cận với những nền điện ảnh khác nhau trên thế giới và những tác phẩm điện ảnh tinh hoa từ xưa đến nay… Và thiết yếu hơn hết là sự tự do sáng tác, không bị trói tay bịt mồm bởi một chế độ kiểm duyệt ngu xuẩn, thiển cận, hẹp hòi. Điều này khó xảy ra khi VN còn nằm dưới một thể chế độc tài do đảng CS lãnh đạo. Không chỉ   riêng về điện ảnh mà tất cả các lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, văn học… mọi tài năng đều không có cơ hội để thăng hoa, cất cánh.

 Ngày mà một đạo diễn VN bước lên sân khấu để nhận lãnh những giải thưởng điện ảnh lớn quốc tế chắc còn xa lắm. Mong lắm thay.

Cuối tháng Hai, 2020

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc