CHUYỆN LOANH QUANH - Vũ Đăng Khuê

02 Tháng Sáu 20219:43 CH(Xem: 1117)

Chuyện loanh quanh!

 

Nhật Bản là một nước “Một năm có 4 mùa rõ rệt: Xuân Hạ Thu Đông”. Đúng là như thế nhưng “thiếu” một mùa nếu phân tích cho rành mạch. Đó là “Tsuyu- 梅雨” có nghĩa là mùa….mưa. Vì thế nói Nhật Bản có 5 mùa thì cũng không ai….cãi. Cái mưa của Nhật Bản cũng tương tự như Việt Nam với nhiều “chủng loại”, chỉ khác nhau tên gọi và cách diễn giải: mưa cục bộ, mưa du kích, mưa nhè nhẹ v.v….vẫn có thể biến thành “sông” thành “hồ” khi mưa lớn, khác Việt Nam chút chút là nước sẽ rút nhanh rút mạnh, chứ không phải là nơi mà quân ta có thể bơi và lội và câu…cá., nhưng cái khác lớn nhất là xứ “nước mắm” có cái mà dân “Shoyu” không có,vì những cơn mưa và cái mái che mưa, “căn nguyên” dẫn tới những mối tình thơ mộng mà chính mình đã từng là “nhân chứng”. Gần trường tôi học Toán Lý Hóa vào những năm 1969, 70 là trường Thăng Long gần cuối đường Hồng Thập Tự, lúc đó trường mới mở mà 2 thầy Vũ Bảo Ấu và Phạm Huy Ngà là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Cách trường 2 căn có một mái hiên của một tòa nhà. Sau những cơn mưa “đột xuất”, nổi bong bóng thì các PC, xe đạp mang theo những tà áo dài ướt đẫm hình như từ Nguyễn Bá Tòng hay Hưng Đạo rủ nhau ghé vào “trú ẩn”
“Nè, anh xích qua một bên cho tui trú với”.
Và lẽ dĩ nhiên:

- Được mà! Dzô đi.

Hôm sau trời cũng mưa và suốt tuần mưa… suốt và trú… suốt. Thế là từ từ sẽ có màn trao qua đổi lại, bắt đầu từ ánh mắt, bằng những câu chuyện thật bâng quơ, rồi len lén trao những quyển vở kèm theo những xác con “bươm bướm nguyện chết khô trên giấy học trò”. Rồi những chuyện gặp nhau diễn ra thường xuyên hơn, nơi hò hẹn không còn là nơi tránh mưa mà là cái Vườn Bông Khải Định đối diện với mái trú mưa chỉ cách một con đường, sau đó thì tôi….không biết. Chàng lên đường tòng quân và nàng ngóng chờ “Anh về một chiều mưa”.Từ“Giữa lòng mưa chiều người đã về đây”cho đến“Em đến thăm anh một chiều mưa” vì “Em đến chơi quên niềm cay đắng và…quên đường về”,đôi ta đã nên duyên nhờ những cơn mưa nặng hạt và cái mái che mưa. Quá tình luôn, Nhật Bản làm sao mà có được! Bởi vậy làm gì thì làm, đi đâu thì đi tôi vẫn một lòng chung thủy và “thương Việt Nam và mưa nắng hai mùa”,“….Dẫu cho khó thương” là vậy!

Hôm nay, Tokyo đã bước vào tsuyu với cơn mưa đầu mùa. Nghe tiếng “mưa rơi tí tách, mưa rơi bên mành” là “tủm tỉm”, “buồn buồn”nhớ lại chuyện “Thương nhau ngày mưa”của mộtông đàn anh đã mất tích trong cuộc đụng lớn vào những ngày cuối tháng 4/1975.

Ơ, sao lại lôi “mưa” vào chuyện vậy? Lăng nhăng quá. Câu trả lời rất rõ ràng là: chỉ có lúc này mới đủ hứng thú để tuôn ra những ký ức năm xưa nằm ở vùng nào đó trong cái đầu càng ngày càng bạc.

Phần dạo đầu đã tạm đủ xin được kể những chuyện“Ngậm ngùi vì một ngày mưa bắt đầu”.

 

“Ori-Paraオリパラ” về đâu em hỡi!

olympic

Cái tựa đề nghe ngang ngang và khó hiểu sao ấy. Dạ, thưa: đó là cái kiểu viết của dân xứ “shoyu” này,không thua gì với dân “nước mắm”, chỉ khác một chút là “dù tĩnh lược” nhưng tàm tàm hiểu chứ không như “quân ta” vừa “tĩnh lược” vừa “cắt ngắn” rồi chả hiểu gì cả như lời quảng cáo của một công ty du lịch ở xứ Đông Lào: “bạn có thể kết hợp với chuyện chích vaccin, “thăm thân, thăm thú” v.v…..”thăm thân” là cái quái gì? Vớ vẩn.

Trở lại chuyện.

olympic1                                                        nơi diễn ra lễ khai mạc Ori-para


“Ori-Paraオリパラ” là viết tắt của hàng chữ “Tokyo Gorin- Para Olympic 2020”, còn gọi là Olympic mùa hè - Olympic của những người tàn tật, một trong những Event vĩ đại hoành tráng nhất “hành tinh”. Có 2 Olympic: mùa hè và mùa đông, 4 năm tổ chức một lần, Mùa hè 1964 là lần tổ chức đầu tiên sau ngày Nhật Bản bại trận, lần lần thứ hai 2020 tại Tokyo, lần tới là tại Paris. Có sự tham dự của 153 quốc gia với 33 bộ môn với 339 trận tranh tài. Olympic mùa Đông cũng được tổ chức tại Nhật 2 lần: một là Sapporo (1972), và một là Nagano (1998).

Tìm lại chút hương xưa, đọc lại một đoạn trong bài đã viết cách đây 11 năm, có tựa đề “Niềm Vui Òa Vỡ”, khi cả nước chờ kết quả, sau chuyện đại bại trong kỳ “bầu chọn” năm 2016. lòng thấy “phấn chấn” lạ thường.

--------------------------------------------

olympic 2Tokyo 2012

olympic 3Reo hò

5 giờ 20 sáng ngày 8/9/2012 tại hội trường Buenos Aires (Á Căn Đình), khi hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Jacques Rogge, “khoan thai” mở phong thư, rồi từ từ xoay về phía đối diện một tờ giấy có ghi hàng chữ “Tokyo 2020” cùng lời phát biểu ngắn gọn: “Tokyo”, thì cả nước Nhật tưởng như nổ tung, đầu tiên là thành phần “dân-cán-chính” có mặt ngay tại hội trường mà “đầu tàu” là thủ tướng Abe, cựu thủ tướng Mori, Bộ Trưởng Ngoại Giao Kishi, đô trưởng Tokyo, Tổng Thư Ký Ủy Ban Vận Động Thế Vận Hội Tokyo, các tuyển thủ Nhật Bản, những ủng hộ viên người Nhật v.v… , tất cả hình như đã “bị” bật ra khỏi chiếc ghế đang ngồi, họ nhảy cẫng lên la hét “Ye...Ye” “Yatta”. Họ ôm nhau khóc, họ đưa hai tay đánh vào nhau, họ giong tay lên, vung tay xuống biểu lộ nỗi vui mừng có lẽ lớn hơn tất cả nỗi vui mừng nào khác. Cũng cùng vào thời điểm đó dù là lúc gà chưa gáy…. sáng, tại hàng trăm, hàng ngàn địa điểm khắp nơi trên toàn nước Nhật, trong trại lính, trong phòng tắm công cộng, trong các công sở, trong các sân vận động, trong các quán nhậu, trong các trường học, tại các “tư gia”, nói tóm lại là tại bất cứ nơi nào mà người ta có thể tụm 5 tụm 7, “dân-quân-chính” đều một lòng cất cao …. lời hát

“Cờ bay cờ bay… rợp trời trên thành phố…Tokyo
Vừa chiếm lại đêm qua …. bằng phiếu
-----------------------------.
,

nhưng chỉ được một chút thì lại thấy lòng buồn tê tái....đầy nỗi âu lo. Event vĩ đại “Ori-Para” Tokyo 2020” vẫn chưa thấy có dấu hiệu rõ ràng, dầu một phía đã hầu như dứt khoát “Go ahead”.

Từ ngày có “Cô thị Vy” tuổi tròn 19, thăm viếng vào tháng 1/2020, nó như vết dầu loang, tằm ăn dâu, ngày càng lan rộng. Nó bám như đỉa đói dứt mãi không ra, khiến Event vĩ đại phải dời lại 1 năm, tháng 7/2021. Ori-Para từ chỗ “nhất trí” biến thành “chia trí” giữa 2 bên: “Đi tới (続行)” và “Cẩn trọng - 慎重”

Bên nhất định “Đi tới” là chính phủ (Bộ Trưởng Bộ Thế Vận), Ủy Ban Quốc Tế OlympicIOC, Ủy ban tổ chức Olympic Japan JOC, thành phố Tokyo, còn bên “Cẩn trọng” là các đảng đối lập (lẽ dĩ nhiên), các nhà chuyên môn, số phần trăm đòi “dời” hay “dừng” là 80% , một tỷ lệ đầy áp đảo, chỉ có 10% là đồng tình “đi tiếp” và 10% còn lại thì....sao cũng được, qua nhiều bản thống kê.

Trong một câu hỏi được đặt ra trong nhiều cuộc tranh luận giữa hai phía:
- Các ông chọn: tổ chức olympic hay sự an toàn của người dân?
- Chúng tôi “chọn” cả hai và sẽ làm hết sức mình để bảo đảm sinh mạng người dân và cũng vận dụng tối đa sự an toàn cho việc tổ chức Event vĩ đại “Oly-Para”.

Tuy thế, bên “nhất trí” cũng có vài chuyện đá qua đá lại, chẳng hạn như từ Bộ Trưởng Thế vận: “Việc tổ chức trong tình huống này sẽ gây ra tổn hại và phần tổn hại nếu phát sinh thì thành phố Tokyo phải “phụ đảm”. Tokyo, mà người đứng đầu thành phố Tokyo là bà đô trưởng Koike thì “đáp trả”: Chúng ta phải ngồi với nhau để bàn tính chuyện này”.

Ủy Ban JOC mà bà tân Chủ Tịch Hasemoto (thay cho ông già thất ngôn Mori) cũng coi như “nhất trí” tuy có những tuyên bố “lựa lời mà nói”: Cũng lo lắm. Còn IOC thì chắc nịch: “Go ahead” qua lời tuyên bố của ông Thomas Bach (Chủ tịch ủy ban thế vận quốc tế IOC) vào ngày 22/5: “Chúng ta phải “hy sinh” một vài chuyện để tổ chức cho bằng được Ori-Para ,vì tin rằng Nhật Bản dư sức vượt qua những chướng ngại và hẹn tái ngộ vào tháng 7/2021”. Thêm một nhát búa vào ngày 25/5 chắc như đinh đóng cột của ông John Dowling Coates (Phó chủ tịch IOC): “Nhất định tổ chức bằng mọi giá dù Tokyo có nằm trong tình trạng Kinkyu 緊急”.

Một yếu tố cũng nặng ký nữa là: niềm hãnh diện của nền khoa học xứ Phù Tang sẽ được “phơi bày” trong Event vĩ đại này

Còn bên “cẩn trọng”:

-        Trả lời thế nào về con số 80% vì lòng dân muốn thế, lỡ có người chết thì sao?

Chỉ cần câu hỏi này cũng đủ để gây ra những âu lo đau đầu cho bên “nhất trí”.
Bây giờ đã là cuối tháng 5/2021, nghĩa là chưa đầy năm mươi mấy ngày, câu chuyện chẳng biết sẽ đi về đâu, vì tình hình dịch bệnh, có thể có đợt 4 không chừng, vì biết đâu lại có thêm một biến thể lạ xuất hiện

Để chứng minh cho chủ trương của mình, bên “nhất trí”đã có rất nhiều cố gắng để bảo đảm sự an toàn cho Event vĩ đại, soạn thảo một Playbook thật chi ly, từng chi tiết những hướng dẫn y tế, phòng ngừa, cách ly, phương tiện di chuyển, chỗ ăn chỗ ở đối với các đoàn tuyển thủ tham dự, huấn luyện viên, các người hướng dẫn, và “nghiêm khắc - kibishi” với giới truyền thông, số lượng “có giới hạn” khán giả trong nước tham dự, còn khách nước ngoài thì đành hẹn đến kỳ Event 2024 tại....thủ đô ánh sáng “Paris có gì lạ không em”.
Những chi tiết về Play book này thì dài giòng lắm xin phép đi qua.

Làm sao giải tỏa được nỗi lo này? Câu trả lời duy nhất mà bên “nhất trí” bám víu: phải nhanh, phải “thần tốc” trong chuyện chích vaccin song song với những đối sách cũ
Nghĩ một cách thường tình thì“Cô Vi”đã áp đảo “Toàn văn Diện” những ước mơ của các tuyển thủ trên toàn thế giới tập luyện ngày đêm, của các khán giả Nhật, ngoại quốc khắp nơi. Lo là vì còn nhiễu nỗi mà bên “nhất trí” phải khó khăn vượt qua như lấy đâu ra những con số cần thiết để có đủ số lượng bác sĩ, y tá.... Có một số các bệnh viện đã dứt khoát trả lời: “chúng tôi xin được từ chối những yêu cầu của bên “nhất trí” vì chúng tôi đã dồn toàn “tâm trí” cho người lây nhiễm mỗi ngày mỗi thay đổi chóng mặt”.

Một chiến dịch thần tốc về tiêm chủng đã bắt đầu mấy ngày nay, với mục tiêu 1 ngày 1 triệu mũi. Mong sao cho đến ngày khai mạc “Ori-Pari” sẽ có một tỷ lệ chích ngừa coi được, đủ để làm lòng dân, tuyển thủ an tâm.


Mong quá là mong, và cầu xin cho mọi chuyện thuận buồn xuôi gió.
Sang chuyện khác.



Cơm Đại Hội

Tôi viết những giòng chữ này khi đọc được bài viết mới đây của một người bạn luận bàn về món “Cơm Đại Hội” của 吉野家Yoshinomiya, nhưng bạn tôi chỉ bàn về mặt ngôn ngữ: quán sẽ thay lời chào mời khách, không như lời chào bình thường ta vẫn hay nghe, Tại sao thế? Để rõ chi tiết, xin mời bạn ta vào trang nhà dưới đây đọc bài “Konnnichi wa”:

https://www.facebook.com/damon.songcan.1

Các món tận cùng bằng chữ “don”

Tôi thì “luận” nó từ một lăng kính khác, vị giác, đặc biệt là các món ăn tận cùng bằng chữ “don”.

Nguyên thủy của chữ “don”(丼)là chữ viết tắt của chữ “Donburi”, mô tả hình hài một cái tô tròn có cái đáy sâu và trên có nắp đậy, khi cần phải di chuyển đường xa vì cái nắp sẽ giữ được độ nóng cho món ăn. Cho cơm vào hơn nửa phần “don”, phủ một món nào đó lên trên “mặt bằng” của cơm là ta có ngay “cái gì đó “don”. Nhiều lắm, ta có gyudon, katsudon , Oyakodon, Unagidon, Tempuradon và “linh tinh.... don”. Tôi thì khoái nhất là gyudon mà có ông bạn đổi tên thành “cơm đại hội”, mới nghe thì đớ người ra, giải thích một hồi mới hiểu, sở dĩ có chuyện thay tên đổi họ này là vì các phần ăn này rất tiện lợi cho những các “đại hội” đông người, nhanh và gọn chả ai “giành” ai vì một mình một chợ.

Gyudon
Gyudon


donburiOyakodon

Ngoài Yoshino. Còn có Sukiya, Matsuya...nhưng theo tôi thì Yoshino là ngon nhất vì thịt bò. Phải là thịt bò nhập từ Mỹ mới ra mùi gyodon, nghe nói Yoshino đã ký khế ước đặc biệt với nông trại nuôi bò nào đó tại Mỹ. Nó là những lát thịt ba chỉ cắt dài, xen vào nhiều vân mỡ để tạo độ mềm của thịt, có vị béo thật dễ chịu. Trông thì thấy hơi bầy nhầy, nhưng khi cho vào mồm thì nó không “sần sật”, không “tụt tụt” mà nó “uyển chuyển” mềm mại, ngậy tan trong miệng và tuột hằn vào bao tử, đánh độngthị giác, khứu giác, vị giác. Thú vị lắm.
Có dạo bò Mỹ bị.... điên (BSE), nên có lệnh cấm nhập bò Mỹ, phải thay thế bò Úc và bò Nhật, nhưng không được “ninki”. Trong lúc bò Mỹ cấm nhập, Yoshino không biết tìm đâu ra 1000 phần, và chỉ bán trong 1 ngày. Người người xếp hàng ăn cho bằng được, ai nấy đều tỏ vẻ hân hoan, Chỉ tới trưa là hết sạch.

Dạo chưa mang “họa” vào người tôi thường ghé thăm nó, một tuần ít nhất 3 lần. Sau khi “bị” khuyên tránh chất có nhiều protein, tôi mới đổi sang soba đứng.

Khoảng năm 1979 thì một Gyudon có giá hơi cao, một “don” từ 500 đến 600, nhưng từ từ bò các nước ào ào nhập khi Nhật “mở cửa”. Giá trờ thành rẻ hơn, ngay lúc “giảm phát” thì lại càng rẻ hơn nữa. 500 hay 600 cho 1 “don” của những năm 1978, thời nay ta có thể làm 1 “don”rưỡi hay 2 “don”. No bụng luôn.

Gyudon là một món ăn trở thành quá quen thuộc, bán trên Online từng bịch, về nhà chỉ cần cho vào lò viba quay chừng 3 phút, rồi phủ lên bát cơm là quân ta sẽ có một gyudon chính gốc. Tuy nhiên tôi vẫn khoái ngồi tại chỗ vì muốn trở thành....thượng đế để tùy nghi lựa chọn, chẳng hạn như lúc chờ giờ xe điện 復旧(chạy lại) khi gặp “sự cố”, thêm một chai bia kèm theo đĩa thịt bò để riêng rồi cứ thế mà nhâm nhi là thấy cuộc đời trở nên tươi đẹp, quên cả lối về.美味しくてたまらない(Ngon chịu không thấu)

Còn nhiều thứ “don” khác cũng tuyệt vời lắm, tôi xin để dành vào một dịp nào đó sẽ kể bạn ta nghe.

Thêm vài chuyện vãn “Già dê và chân dài”.


Mặc dù đã yên mồ yên mả nhưng dư luận vẫn theo dõi sát những chuyện về “Già dê”, nhất là chuyện “Chân dài S.” đã sống như thế nào trong 3 năm trời cho đến ngày bị tóm.

- Già dê có “nuôi một con chó, trông nó to bằng con chồn”. Ông yêu nó lắm, đi đâu cũng dẫn nó đi theo, lúc nào cũng quấn quít bên ông, khi vắng các “nàng”. Nó tên là “Ipu”, ngày 6 tháng 5/2018 (trước ngày ông mất khoảng 18 ngày), tự nhiên thân thể của Ipu bỗng trở nên khó ở, ông bảo tài xế đánh xe đưa Ipu ngay vào một bệnh viện ở Osaka, trên đường đi thì nó....”Tắt văn Thở”.

Cũng nghe kể lại là ông đã to tiếng với chân dài S. Vì nàng chủ trương đem thiêu, nhưng ông thì nhất định không và chôn nó ngay trong vườn nhà của ông để “lúc nào nó cũng ở bên cạnh” .

Có một vị sư trụ trì một ngôi chùa gần đó kể lại, khi ông đi cùng với “chân dài” khác không phải chân dài S. để báo cáo với thần linh ông sẽ kết hôn, lúc đó Ipu còn khỏe lắm, nhưng dạo sau này, ông cũng đến báo cáo với thần linh ông sẽ lại tiến thêm một bước với chân dài S. này, không thấy Ipu bên cạnh chỉ nghe tiếng sủa thều thào của Ipu từ chiếc xe “ngoại” trắng toát của ông

Lúc sinh tiền, có lần hứng sảng, ông bộc bạch từ “lỗ miệng”: sẽ dành hết tài sản cho người nào trông nom con chó, thế là nàng S. chăm lo chu đáo cho Ipu hơn trước.

Ông dự định sẽ làm một bữa “cúng” thật to sau 49 ngày Ipu “lìa bỏ cõi đời”, ông mời nhiều người, trong đó có cả bà Dewi, một “tarent” không ai là không biết, nguyên là vợ thứ ba của tổng thống Indonesia Sukarno. Bà Dewi kể lại:

“Ổng mời tôi và nhiều người lắm đến dự lễ cầu siêu cho con chó của ổng. Tôi nhận lời ngay. Có một hôm ổng đến nhà tôi có cả chân dài S., lúc chân dài muốn chụp hình chung với tôi, ổng len vào thì bị chân dài S, đẩy ra nói sẵng: “Ông ra đi, tôi chỉ muốn chụp với bả thôi”. Thấy vậy, tôi cũng nghi nghi về tình cảm vợ chồng này và không thích cái cô này từ đó.


DewiMệnh phụ Dewi

Ngay lúc ông dọa ly dị với chân dài S, cũng có một chân dài khác ngay bên cạnh.

Nói tóm lại, Donfan là người yêu chó và sống không thể thiếu những chân dài ở cạnh, dù “bộ phận chiến lược” của ông đã “bất khiển dụng”, chỉ cần vuốt với ve.

“Ông thay tình như thay áo”. Cũng dễ hiểu thôi. Có tiền mua tiên cũng được mà!

Ipu
Chó yêu


Còn chân dài S. sống thế nào kể từ ngày ông mất đến lúc bị bắt cũng là đề tài rất “hot”mà thiên hạ, nhất là các tuần san theo dõi từng ly từng tý. Tổng hợp nhiều câu chuyện nghe kể từ những người liên quan.

- “Nghĩ cũng tội lắm, tên tiếng đã lẫy lừng, ai cũng biết, nên đi xin việc baito ở các tiệm Seven Eleven, chẳng ai dám mướn, ngay cả nghề chính của nàng là người mẫu cũng bị chối từ.

-        Ông biết không? Cô ta phải bán chiếc xe ngoại trắng toát mà người đứng tên là ông Donfan với giá 3 triệu yen đó, không bán thì lấy gì sinh với hoạt.

-        Cô này phải chuyển nhà 7 lần, vì đi đâu là cảnh sát tỉnh Wakayama theo từng cây số. Khó sống lắm ông ơi.

-        Tôi không nghĩ là cô này lập kế hoạch để sát hại ông già này, nó phải sao đó chứ. Hỏi S. có dính dáng không, Lúc nào cũng “No”, khuôn mặt chả có biểu hiện gì thay đổi.

-        Mấy hôm trước, khi chiếc xe chưa bán, đêm nào nàng cũng xỉn, mồm nộc nừng mùa rượu, tiền đâu lắm thế?

-        Nàng vẫn tiếp tục giao du với các đại gia khác vì còn trẻ, đẹp, mới 25 tuổi mà!

-        v.v và v.v...

with ipudung dăng dung dẻ với chó yêu

Thôi nói nhiều quá cũng không thay đổi gì, ngồi đợi xem phía kiểm sát công bố lý do nàng ra tay mới biết được.

Mình đã có chuyện vô đề, chuyện linh tinh, chuyện tản mạn, chuyện tầm phào, chuyện loanh quanh.... rồi đến chuyện gì đây nữa nhỉ?

Bạn ta cho....ý kiến!


Tôi ngưng ở đây, vì đã hết vốn.

Sayonara


Vũ Đăng Khuê


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc