BÁC BA ĐI NAM - Lê Trần

26 Tháng Sáu 202111:46 SA(Xem: 1161)


phụ nữ Việt

Bác Ba đi Nam



Xe ngựa nhong nhong

Bác Ba đi Nam

Mua kẹo bống kẹo vừng

Cho chú Hùng ăn


Mỗi lần nhớ tới mấy câu hát nựng trẻ con này, tôi lại nhớ tới bên ngoại và tỉnh Ninh Bình, những ngày ấu thơ sống êm đềm ở đó với bà ngoại và các bác các dì.

Thuở ấy phương tiện di chuyển giữa các tỉnh chưa có xe buýt, đường xe lửa chưa tới những tỉnh nhỏ xíu như Ninh Bình, cho nên phải dùng xe ngựa,  hay xe kéo,  đi Nam, vì khoảng cách giữa hai tỉnh không xa lắm. 

Nam đây là Nam Định, chứ không phải Nam Kỳ của miền Nam Việt Nam nước mình. Đó là một thành phố hạng trung ngoài Bắc, trên bờ sông Hồng, có nhiều khu phố buôn bán sầm uất, có bến nước tấp nập tầu bè từ khắp nơi tới đổ hàng,  phân phối hàng đi các tỉnh nhỏ và làng mạc phụ cận. 

Bà ngoại tôi có một cửa hàng tạp hóa bên phố chợ ở Ninh Bình. Bà Ba là bà trẻ của tôi. Bà Ba có nhiệm vụ phải đi Nam Định mỗi năm vài lần để mua hàng về bán lại cho dân tỉnh,  và mỗi lần, bà đi bằng xe ngựa . 


Ngày xưa, ông ngoại tôi, tên là Lê Đình Sán, đi thi Đình đỗ phó bảng , được bổ làm Đốc Học tỉnh Ninh Bình. Khi về hưu, ông mua một căn nhà ở phố chợ, giao khoán một số tiền cho mấy bà vợ làm ăn buôn bán , làm sao cho đủ nuôi đại gia đình thì làm .... Rồi cụ rút lên ở một phòng rộng trên gác, có ban công nhìn ra đường , vui thú điền viên, đi mây về gió. 


Tôi không được biết ông ngoại lúc sinh thời ra sao, vì khi ông qua đời thì mẹ tôi phải làm đám cưới chạy tang. Mẹ tôi phải về nhà chồng tận Hà Nội, xa lắc xa lơ. Lúc bấy giờ bà mới có mười chín tuổi, còn trẻ lắm.  Lần đầu tiên xa nhà, chắc mẹ tôi lúc đó sợ hãi vô cùng. Bỗng nhiên bị bứt gốc tới một nơi lạ hoắc để sống vơí một gia đình đầy những người chưa bao giờ biết, ở với môt ông chồng chưa bao giờ gặp, cha chết không được tiễn đưa ....mẹ tôi lúc đó chẳng khác gì một con chim lạc đàn,  buồn xé ruột mà chẳng biết than thở cùng ai !  Cũng may bà nội tôi rất hiền,  nên mẹ tôi không phải chịu khổ sở trong cảnh sống mẹ chồng nàng dâu. Trái lại bà tôi rất khoan dung, và đã giúp mẹ tôi lớn lên và khôn ngoan hơn. 


Khi chị em tôi sinh ra đời, thì ông ngoại không còn nữa. Trí nhớ duy nhất của tôi về ông  là bức chân dung  trong chiếc ảnh thờ,  ông đội mũ cánh chuồn, tay cầm hốt , rất oai nghi.


Ông có ba bà vợ.

Bà cả là con gái một vị quan Ngự Sử. Bà hiếm muộn chỉ sinh được hai gái : bác Nghị Xương có con là chị Thiết và bác Cả Soạn có con là anh Lê Đình Lục.

Bà thứ thất, con gái nhà họ Nghiêm, sinh được bốn người con, ba gái, một trai:

- Bác Nhân là con gái lớn,  chồng là Nguyễn Quý Hán, sinh được một gái hai trai (Nguyễn Bích Vân, Nguyễn Hải Bằng, Nguyễn Khánh Long)

-Kế đó là bác Lê Đình Nho, vợ là Tuyết,  coi như con trai trưởng họ Lê Đình, có hai trai hai gái (Lê Đình Tuấn, Lê Đình Khôi, Lê Tuyết Trinh, Lê Tuyết Mai)

-Thứ ba là bác Sơn,  chồng là Trần văn Sính, sinh được bốn trai, một gái (Trần Mộng Hải, Trần Quý Trung, Trần thị Loan, Trần văn Khang, Trần văn Dương)

-Mẹ tôi thứ tư là Lê thị Thạch,  chồng là Lê văn Trí, sinh được bẩy con (Dung Nhan Hòan Hùng Tuấn Châu Bảo). 

Chúng tôi chưa hề biết bà ngoại họ Nghiêm ra sao, có lẽ cả mẹ tôi cũng thế.  Nghe kể thì khi ông ngoại tôi đi Huế thi Đình, có gặp một ông họ Nghiêm. Trong khi trèo đèo lội suối cùng nhau , hai ông đàm luận văn chương, ngâm thơ vịnh phú rầt tương đắc. Sau khi cả hai cùng chiếm bảng vàng, trên đường về,  ông họ Nghiêm nhất định gả cô em gái cho ông họ Lê làm thứ thất.  Nghe đâu bà được ông rất sủng ái, nhưng vắn số mất sớm,  để lại đàn con cho bà cả nuôi nấng dậy dỗ.

 Bà ba sinh được hai gái là cô Lê Hồng Nhung, sau đổi là Lê thị Thụy, và cô Lê thị Chín, ở nhà quen gọi là  cô Mười.  Ba Ba có sinh được một trai là cậu Tám, nhưng chẳng may cậu bị tai nạn  qua đời từ năm mười một tuổi . Nghe đâu hôm đó cậu lên núi Thúy Sơn chơi, leo cây làm sao mà ngã từ trên cao xuống sông , rồi chết đuối. Thảm kịch này đã là một ám ảnh não nề cho cuộc đời bà Ba,  đã sẵn vất vả, lại càng thêm buồn thảm.   Khi lấy ông tôi, bà còn trẻ lắm, còn bà cả đã già,  nên mọi việc trong ngoài, từ buôn bán đền chợ búa bếp núc đều do một tay bà gánh vác. 


Ninh Bình là một tỉnh nhỏ hiền lành dễ thương, dựa bên núi Cánh Diều và Non Nước. Cảnh trí đúng là non xanh nước biếc. Mùa xuân,  hoa đào nở đầy sườn núi, nhuộm hồng thung lũng có con sông đào chẩy ngang, đẹp đến nỗi khách qua đường tưởng như mính là Từ Thức lạc thiên thai. Có lẽ vì thế mà ông tôi chọn nơi này làm nơi di dưỡng tuổi già, chứ không về quê là làng Mọc ở Hà Đông  chăng ? 

Khu buốn bán của tỉnh Ninh Bình gồm bốn dẫy phố bao quanh nhà chợ, tọa lạc ở trung tâm thành phố. Chợ hình vuông, có tường thấp bao quanh. Bốn phía có mở lối ra vào. Ống cống chạy dọc theo bờ tường, xây bằng xi măng và đào rất sâu. Ngồi ở cửa hàng nhà, có thể nhìn thấy chợ bên kia, lúc nào cũng ồn ào nhộn nhịp và đầy mầu sắc. 

Cửa hàng của bà tôi là một cửa hàng tạp hóa, bán thượng vàng hạ cám, từ gạo đậu đường muối dầu ăn dầu thắp cho tới mâý món quà vặt như kẹo bột kẹo vừng, chè lam, đường phèn, ô mai…Dọc hai bên tường là hai dẫy tủ kính cao tới trần nhà, chứa đầy vật dụng thờ cúng như hương nến, kim tiền, vàng mã, quần áo giấy cho tang ma và giỗ tết.  Sát tủ kính bên tay phải là một phản gỗ cao. Bà tôi hàng ngày ngồi đó, nhai trầu bỏm bẻm, vừa để mắt coi hàng vừa sai bảo con cháu làm việc nhà. Cái phản gỗ này cũng là chỗ cả nhà ngồi ăn cơm và cũng là chỗ ngủ khi tối đến. Tôi còn nhớ trên cái phản này có một hòm nhỏ bằng gỗ nâu láng. Mặt hòm rạch một lỗ thủng dài để bỏ tiền khi có khách mua hàng . Cái hòm này là ghế của riêng tôi, vào mỗi bữa ăn. Ngồi cao chênh vênh trên hòm như bà chúa con, vừa ăn vừa nhìn ra đường xem người qua lại, chưa bao giờ tôi lại có cảm tưởng vui thú như lúc đó.


Khi chúng tôi còn bé,  vài năm một lần,  vào dịp hè hay nghỉ lễ,  me tôi lại cho chị em tôi về thăm bà ngoại, lần nào cũng ở cả tháng. Lúc đó, nhà Ninh Bình bắt đầu vắng, chỉ còn bà , bác ba và hai cô Thụy Mười. Bác Nhân, bác Sơn và me tôi đã đi lấy chồng xa.  Bác Nho, ông con trai độc nhất, sau khi học ở Pháp về, cũng không sống ở tỉnh nhà, mà làm việc cho nhà Đoan ở Hà Nôi. Bác Cả Soạn góa chồng sớm,  lúc ở chùa Mía, lúc thì đi buôn ở tận đâu đâu. Thỉnh thoảng bác về, thì cả nhà vui như tết.  Nhà toàn người lớn, cho nên khi tụi nhóc chúng tôi tới là được chiều chuộng hết mực !  Muốn ăn gì cũng có. Kẹo bánh ở cửa hàng ê hề, được ăn thả cửa, hết đường phèn lại đến ô mai. Thích nhất là mơ phơi chưa khô, hãy còn tai tái, cắn vào thịt mơ vàng rợi vừa ngọt vừa chua lại dai dai, thật là tuyệt hảo !  Hàng năm, đến mùa mơ chin, là bác Ba  đi mua sọt lớn sọt nhỏ mơ tươi mang về rửa sạch , ướp muối rồi phơi khô. Bác thường phơi luôn ở hè đường trước nhà. Chờ đến khô thật khô, mơ thành ô mai, bác đổ chúng vào những lu thật to , cất trong nhà kho để bán dần.  Nhà kho của bác lúc nào cũng khóa, nên trẻ con cũng khó ăn vụng lắm !


Ninh Bình là thiên đàng của tuổi thơ tuyệt diệu, kho tàng Ali BaBa tràn ngập quà bánh và truyện cổ tích.  Có những trưa hè, tỉnh dậy từ giấc ngủ ngày trên chiếc chiếu hoa, trải bên cạnh cửa thông vào hành lang dẫn tới nhà sau, tôi mở mắt ra là đã thấy ngay bên cạnh, lúc thì con cua bể luộc đỏ au, lúc thì bánh giò bánh ít, trái cây thơm ngọt …

Ban ngày ăn uống phủ phê, hết quà vặt lại tới những bữa cơm hàng ngày của bác Ba, thanh đạm mà  ngon.  Buổi tối lên giường nằm sẵn, chờ cô Mười hay bác Cả kể truyện đời xưa. Bác Cả có nguyên một kho truyện tếu về mấy ông phú hộ, bác vừa kể vừa cười ha hả. Cô Mười thì toàn truyện thần tiên,  trẻ con nghe mê man không chán. Khi nào túi truyện của cô cạn, thì cô bịa ra những truyện khác, có khi còn hoang đường và hấp dẫn hơn cả truyện trong sách ! 


Thời gian chúng tôi ở Ninh Bình lâu nhất là lúc chạy bom Mỹ.

Năm đó là năm 1944. Thầy tôi lúc bấy giờ đang làm lieutenant medecin cho quân đội Pháp. Me tôi có mang cậu Tuấn, gần đến lúc sinh. Lúc đó gia đình tôi đang ở phố Charron, đằng sau nhà Diêm, gần phố Huế, Hà Nội .

Thế giới chiến tranh thứ hai (1939-45) đã đưa quân phát xít Nhật tràn vào khắp Đông Nam Á, vào cả Việt Nam nhỏ bé. Những trận oanh tạc của quân Đồng Minh, nhất là của quân đội Mỹ, đã làm dân chúng sống trong các tỉnh lớn hoang mang lo sợ. Các trường ở Hà Nội phải tản đi Hà Đông hay các làng lân cận khác. Nhiều gia đình lo đưa vợ con đi tránh bom ở những tỉnh nhỏ xa hơn, như gia đình tôi chẳng hạn. Vào một đêm không trăng, chúng tôi bốn đứa Dung Nhan Hoàn Hùng, cùng me tôi,  âm thầm về Ninh Bình trong một xe nhà binh bít bùng.

Chị Dung lúc đó 12 tuổi, học lớp Moyen II, tôi lên mười học lớp Élémentaire. Cô Hoàn lên bốn, Hùng lên hai.  Hai đứa bé đang tuổi bắt đầu biết nói biết đi, lại trắng trẻo mũm mĩm dễ yêu, nên các bà các cô đều mê lăn, xúm lại cưng chiều .  Trẻ con lại ưa ngọt, nên anh chàng Hùng ta được ăn đường phèn mệt nghỉ, cứ líu lo gọi món đó là kẹo bống. Mỗi khi nó khóc là mọi người dỗ : ngoan rồi bác Ba đi Nam mua kẹo bống cho chú Hùng ăn…Nói hoài thành bài hát ru cho thằng bé ngủ  ! 

Me tôi sinh Tuấn ở đó. Ít lâu sau me tôi về Hà Nội, mang theo Hùng Hoàn Tuấn, để lại chị Dung và tôi  cho đến hết năm học.

Hè năm đó tôi đỗ được cái bằng Sơ Học Yếu Lược, tuy cũng chẳng nhớ là có học hành gì không ?!  Chương trình lúc đó nửa tây nửa ta. Lên lớp Moyen I là bắt đầu phải làm Toán bằng tiếng Pháp . Lớp Élementaire của tôi cũng đã có lecture và dictée bằng tiếng Pháp rồi. Thế giới của tuổi thơ thời đó không hoàn toàn tươi đẹp vô tư, đã có những vụ lớn hiếp nhỏ, cậy quyền thế và phân chia giai cấp. Con bà giáo tự phụ là có mẹ thống trị lũ nhóc bạn, làm bộ làm tịch, mặt cứ vác lên trời. Còn con cụ Tuần thì oai nữa, ngay cả bà giáo cũng phải đặc biệt o bế. Thời đó Bắc Kỳ hãy còn thuộc quyền bảo hộ của Pháp. Ông Công Sứ Pháp và quan tuần phủ Việt là hai chức vụ lớn nhất tỉnh, nắm quyền cai trị dân. Mỗi lần thấy các cô con cụ tuần ngồi xe kéo đi ngang phố, quần là áo lượt, ai cũng trầm trồ suýt soa, y như thấy vua thấy chúa.  

Cô Mười lúc đó mới mười sáu, đã học xong lớp nhất và có bằng tiểu học. Cô nổi tiếng học giỏi. Tôi còn nhớ cô làm những bài luận bằng tiếng Pháp thật hay, dài tới bốn trang. Chỉ tiếc là nhà nghèo,  nên cô không được lên Hà Nội vào trường Đồng Khánh học tiếp, trong khi bạn thân của cô là con cụ tuần học kém hơn, nhưng có tiền và thần thế, lại đưọc lên trung học. 


Ơ Ninh Bình, nhà bà ngoại tôi toàn là đàn bà. Người nào cũng được đi học, nhưng chỉ học tới lớp nhất, thi đậu xong bằng Tiểu học là phải ở nhà. Một lũ con gái ở không như  vậy mà bà tôi không bắt tập làm cơm hay khâu vá thêu thùa gì ráo trọi,  chỉ suốt ngày xem truyện !  Thành ra mọi việc  bác Ba đều phải quán xuyến cả  ! 

Bằng Tiểu Học ngày xưa trình độ khá cao. Tiếng Pháp đủ để đọc viết. Có thể dùng bằng này để xin dậy học tại các trường tiễu học, như bác Nhân đã làm một thời gian trườc khi lấy chồng.  Chỉ có bác Nho là con trai được học tới nơi tới chốn. Xong tú tài, ông được học bổng đi Pháp, đỗ cử nhân Luật rồi về nước làm cho nhà Đoan, ăn lương tây rất nhiều tiền. Ông sống rất phong lưu, nổi tiếng ăn chơi. Vì là con trai độc nhất, mỗi lần ông về thăm nhà là cả nhà mừng rỡ xôn xao, xúm lại chiều chuộng phục vụ, chẳng khác gì một ông vua nhỏ. Ông lúc nào cũng ăn mặc lịch sự chỉnh tề. Các cháu đứa nào cũng sợ ông một phép, vì ông rất nghiêm khắc.

Năm 1944,  cô Thụy đã có cửa hàng bán len và đan len. Cô xinh đẹp, tháo vát, vui vẻ và hay nói, ưa tự lập, thích văn chương thi phú. Nhờ cô , tôi mới biết được thơ Xuân Diệu và Huy Cận.  Lúc bấy giờ nhiều người hâm mộ cô lắm,  nhưng cô chẳng thích ai ! Còn cô Mười thì trầm lặng hơn, mơ mộng và hơi nhút nhát. Tuy vậy cô Mười lại nhiều bạn hơn cô Thụy. Không được đi Hà Nội học tiếp, chả có việc gì làm, cô, chị Dung và tôi cứ dắt nhau đi chơi lang thang. Hết leo núi Non Nước xem vết chân khổng lồ mà người ta đoán là của Phù Đổng Thiên Vương, lại hẹn hò họp bạn ăn uống. Tôi nhỏ nhất hay bị sai đi mua ngô nướng hay sắn luộc để các cô làm tiệc. Tôi cũng có nhiệm vụ giữ xe cho các cô tập xe đạp. 

Thường là tập vào buổi tối dưới ánh đèn đường hay ánh trăng. Có khi phải chạy theo xe các cô đến tận núi Thúy Sơn. Ngoài việc ăn uống và tập xe đạp, chúng tôi còn giải trí khác là tập hát. Thời đó thịnh hành những bài hát kích thích lòng yêu nước như Bạch Đằng Giang, Thăng Long thành, Hai bà Trưng, sự tích vua Đinh Tiên Hoàng ở đất Hoa Lư, v.v. . đến bây giờ tôi vẫn chưa quên. Nhưng cái thú cô cháu tôi mê nhất vẫn là đọc truyện. Hình như đó là bệnh của họ Lê.  Lần đầu tiên tôi làm quen với truyện kiếm hiệp là ở Ninh Bình. Đó là quyển Hoàng Giang nữ hiệp với đôi bạn Ngọc Cầm Kiếm Thu. Nhà bà ngoại tôi có một căn gác bỏ hoang ở phía sau, có cầu thang riêng, lúc nào cũng đóng cửa im ỉm.  Đó là một phòng rộng , chứa các đồ cũ không dùng đến. Đồ đạc vỏn vẹn một cái giường và một kệ sách đầy bụi. Tôi hay trốn trong đó, lục lọi tìm đồ chơi hay sách truyện để xem, tình cờ khám phá ra kho sách của Tự Lực Văn Đoàn. Đấy là lần đầu tôi biết Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Hoàng Đạo … 


Nhà Ninh Bình khá rộng. Đằng trước là một phòng lớn làm cửa hàng, có hai cửa mở vào phía trong. Cửa bên phải vào phòng bà ngoại. Đồ đạc gồm một cái giường kê cạnh cửa sổ, đối diện là một bàn nhỏ cẩn xà cừ với hai cái ghế để tiếp khách. Cầu thang đưa lên gác ở cuối phòng. Cửa bên trái từ cửa hàng thông ra một lối đi lộ thiên dẫn vào một căn phòng tối thui, một phần quây lại làm nhà kho. Phòng bà tôi cũng có cửa thông vào căn đó, nhưng cách nhau bởi một sân nhỏ, có bể chứa nườc và kệ rửa mặt .

Căn phòng tối thui này đưa tới bếp. Nhà này thót hậu, nên cái bếp như cái ống, hẹp chiều ngang và rất dài. Sau bếp là nhà tắm, nhà củi, rồi sau cùng mới tới cầu tiêu nhìn ra một bãi đất hoang. Tôi không nhớ nhà có cửa sau không, mà cứ mỗi sáng đang ngủ thì lại phải mở cửa đằng trườc cho người ta đổ thùng. Gánh phân đi qua suốt nhà, mùi hôi thối thật là kinh khủng !  

Từ cầu thang phòng bà lên, là phòng cô Thụy. Phía tay phải có cửa thông với phòng ngoài rất rộng, có ban công nhìn ra phố chợ. Phòng này rất thoáng mát, có cửa sổ hai bên. Tôi đoán ngày  xưa ông ngoại tôi ở đây . Bây giờ dùng làm phòng thờ cúng tổ tiên. Ngoài bàn thờ, đồ đạc chỉ có một cái giường . Lâu lâu con bác Cả là anh Lục từ Hà Nội về, thì mới có bóng người. Phía tay trái phòng cô Thụy là cửa đưa ra hành lang dẫn tới căn gác bỏ hoang bên trong. 

Nhà rộng như vậy mà không hiểu tại sao mọi người cứ xúm xít ở dưới nhà ? Riêng cái phản ngoài cửa hàng, có đến bốn người nằm ngủ là bác Ba, cô Mười, chị Dung và tôi ! Bà ngoại nằm một mình ở phòng trong. Thỉnh thoảng bác Cả về thì nằm với bà.

Nói đến bác Cả là nói đến chùa Mía. Bác rất thân với mấy sư cô chùa này. Ngoài những lúc đi buôn bán xa, bác hầu như ở đấy quanh năm. Mỗi lần về thăm nhà là có một ni cô gánh hộ cho bác một gánh quà. Chùa này có nhiều cây ăn trái, nên bác mang về đủ loại trái tươi lẫn khô.  Bác ở nhà là cả nhà vui như Tết, xúm lại nghe bác kể chuyện lạ đường xa, chuyện tiếu lâm cười bể bụng.

 Sự hiện diện của bác Cả, lúc vui lúc buồn, đều ồn ào chóng qua. Khác hẳn sự trầm lặng khiêm nhường của bác Ba, một tay thu vén công việc trong ngoài, cực nhọc đến đâu , nào ai có biết ?  Ôi, những bữa cơm thanh đạm mà ngon tuyệt vời của bác, những săn sóc âu yếm bác dành cho lũ cháu, sao mà quên được ! 


Năm 1944 là năm cuối cùng tôi được ở Ninh Bình, trong căn nhà đầy kỷ niệm này.
Năm 1946, khi tản cư qua đó, tỉnh xưa chỉ còn là một đống gạch vụn, theo chiến dịch vườn không nhà trống của Cộng sản. 

Thật đúng như bà huyện Thanh Quan đã ngậm ngùi than :


Tạo hóa gây chi cuộc hý trường ?

Đến nay thấm thoắt mấy tang thương !

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương !


Bà ngoại tôi mất ở Hải Phòng năm 1952.

Còn bác Ba phải trải qua cuộc di cư vào Nam năm 1954, với bao nhiêu khó khăn lúc đầu lập nghiệp, nhưng sau đó cũng đã có một thời gian sung sướng hạnh phúc. 

Chỉ kinh khủng nhất là cuộc di tản sang Mỹ khi Cộng Sản chiếm đóng miền Nam năm 1975 !  Đất lạ quê người, tiếng tăm lạ hoắc, tự nhiên bị bứt rễ khỏi quê hương yêu dấu thân quen, chỉ những sợ và nhớ thương day dứt cũng đủ chết nửa cõi lòng ! 

Chắc có nhiều lúc bác mộng thấy tiếng xe ngựa lọc cọc đưa bác đi Nam, tiếng chuông chùa vọng đâu đây trên miền đất Hoa Lư cỏ lau chất ngất, để quên thực tại cô đơn lạc lõng của cuộc sống lưu vong sống gửi chết nhờ. 


Bác chỉ sống được một năm ở Mỹ.

Bác mất năm 1976, ở Chicago. 


 Lê Trần
Hoa Thịnh Đốn, tháng 2 năm 1998

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc