OSHINO - VỢ NGƯỜI VÕ SĨ / Akutagawa Ryunosuke- Quỳnh Chi dịch

11 Tháng Bảy 20215:24 CH(Xem: 1290)
samurai wife

Oshino

(Vợ người võ sĩ)

 Akutagawa Ryunosuke/Quỳnh Chi dịch

 

Đây là bên trong một ngôi giáo đường. Thường ngày thì vào thời khắc này ánh nắng hãy còn rọi qua khung cửa kính màu. Nhưng hôm nay là một ngày có mây mù giữa mùa mưa, nên bên trong giáo đường cũng mờ tối chẳng khác nào lúc trời về chiều. Trong bóng tối ấy chỉ mơ hồ thấy những thân cột nhà kiểu gô tích bằng gỗ sáng bóng bao quanh chiếc kệ để Thánh Kinh thật cao. Tận trong góc thánh đường có một ngọn đèn dầu được thắp thường xuyên soi sáng bức tượng thánh đứng yên trong hốc tường. Người đi lễ chẳng có ai.

Trong giáo đường u tối ấy chỉ có một vị linh mục người tây phương đang cúi đầu cầu nguyện. Linh mục là một người đàn ông tuổi chừng bốn lăm bốn sáu, trán thấp, gò má cao, hàm râu quai nón rậm rạp. Tà áo choàng kéo lê trên sàn nhà, chuỗi tràng hạt quấn một vòng nơi cổ tay buông xuống những hạt đá xanh .

Trong giáo đường im vắng, vị linh mục quỳ gối bất động hồi lâu. Đúng lúc đó có một người đàn bà Nhật khẽ bước vào. Người đàn bà mặc chiếc áo mỏng nhuộm hoa văn đã cũ, thắt chiếc đai lưng dường như là màu đen, có vẻ như là một bà có chồng con nhà võ.  Người đàn bà áng chừng ngoài ba mươi, nhưng thoạt nhìn thì có vẻ già hơn tuổi nhiều. Nhất là sắc mặt thì lạ thay thật xanh xao, quanh mắt lại có quầng thâm, nhưng khuôn mặt mắt mũi nói chung có thể nói là đẹp. Không, phải nói là hết sức cân đối, đến nỗi thành ra sắc sảo là khác.

Người đàn bà vừa nhìn với ánh mắt lạ lẫm nào chậu nước thánh nào hàng ghế có kệ để qùy xuống cầu nguyện,  vừa rụt rè bước vào và tiến mãi tới gần bàn thờ trong giáo đường. Tức thì người đàn bà nhận ra có  một linh mục đang quỳ gối trước bàn thờ mờ tối, bà liền đứng sựng lại có vẻ hơi ngạc nhiên. Thế nhưng hình như người đàn bà cũng nhận ngay ra được là vị linh mục đang cầu nguyện, nên cứ đứng yên mà nhìn ông ta.

Giáo đường vẫn tĩnh lặng. Vị linh mục vẫn như pho tượng bất động, người đàn bà thì không cả một cái nhíu mày, thời gian cứ thế trôi qua một lúc lâu.

Lát sau linh mục mới cầu nguyện xong, cuối cùng cũng cất mình đứng lên. Ông nhìn quanh thì thấy có một người đàn bà đang đứng yên có vẻ như muốn thưa gửi điều gì. Không hiếm gì những kẻ tò mò vào giáo đường chỉ để xem Đức Phật bị đóng đinh trên thập tự giá. Nhưng người đàn bà này đến đây có vẻ như không chỉ vì tò mò. Linh mục bèn vừa mỉm cười vừa hỏi, gần như là bập bẹ, bằng tiếng Nhật.

-         Bà có chuyện gì ạ?

-         Vâng,  tôi muốn xin nhờ ngài chút việc.

Người đàn bà tuy ăn mặc nghèo nàn, nhưng mái tóc búi kiểu quấn vào một thanh trâm cài ngang của quý bà, cúi xuống chào thật lễ phép. Linh mục mỉm cười đưa mắt chào, tay vẫn lần chuỗi tràng hạt có những viên màu xanh, lúc quấn vào lúc buông ra khỏi những ngón tay.

-         Thưa ngài, tôi là Shino, vợ góa của Ichibangase Hanbei. Tôi có đứa con trai tên Shinnojo, đang bị bạo bệnh.

Người đàn bà hơi ngập ngừng nhưng sau đó bắt đầu nói thật trôi chảy, như thể đang thao thao đọc một bản văn.   Shinnojo năm nay 15 tuổi. Từ dạo mùa xuân đến nay, không biết vì sao sinh ra đau ốm. Bị ho, biếng ăn, rồi nóng sốt. Shino đã ra sức tìm thầy chạy thuốc, tìm đủ mọi cách chữa trị, nhưng chẳng thấy hiệu nghiệm chút nào. Không những thế, Shinnojo lại ngày một yếu dần. Hơn nữa  gần đây còn không thể nào chữa trị như ý muốn được nữa. Nghe đồn linh mục ở giáo đường có tài y học chữa được bách bệnh, xin ngài hãy cứu giùm mạng sống của Shinnojo…

         -Ngài có thể đến khám bệnh cho con tôi được không?

Người đàn bà nói, mắt vẫn đăm đăm nhìn vị linh mục.

Trong đôi mắt ấy không hề có ý khẩn khoản, cũng không có vẻ gì là đang trĩu nặng âu lo, mà hầu như chỉ cho thấy một sự  bình thản gần như là cứng cỏi. 

-Được, tôi sẽ đến xem cho bà.

Linh mục vừa vuốt râu vừa gật gù ra dáng trầm ngâm suy nghĩ. Người đàn bà không đến xin ông cứu rỗi linh hồn, mà đến xin cứu chữa thể xác. Nhưng thiết nghĩ cũng không có gì đáng trách. Thể xác là ngôi nhà cho linh hồn trú ngụ. Cứ  lo sửa sang nhà cửa thì cũng dễ dàng đẩy lui được bệnh tật cho gia chủ. Cũng đã có thầy trợ lễ như Fabien đã vì vậy mà kính lạy Thánh giá là gì. Biết đâu, đây cũng là thánh ý đã khiến người đàn bà này tìm đến đây.
-Con bà có đến đây được không?

-Chắc là không được ạ…

-Vậy thì bà hãy đưa tôi đến đấy.

Đó là khoảnh khắc mà đôi mắt người đàn bà sáng rỡ vì vui mừng. Linh mục cảm thấy một sự xúc động thật êm đềm. Là vì phải đến khoảnh khắc ấy, mới thấy được một người mẹ đích thực trên gương mặt gần như là chiếc mặt nạ tuồng Nô của người đàn bà. Người đàn bà đứng trước mặt ngài không còn là người đàn bà cứng cỏi có chồng là con nhà võ. Không, cũng không phải là đàn bà Nhật. Mà đã thành một bà mẹ cũng giống như Đức Bà trên nước trời giàu lòng từ bi nhân ái dịu hiền, xưa kia đã cho Đức Giê su trong máng cỏ bú bầu sữa đẹp đẽ của bà. Linh mục vươn vai ưỡn ngực, vui vẻ nói với người đàn bà:

       -Xin bà yên tâm.  Về bệnh tật thì tôi cũng có biết qua. Tôi xin lãnh trách nhiệm cứu mạng cho con bà. Tôi sẽ cố làm hết sức mình. Nhưng nếu sức người có hạn thì còn có……..

Người đàn bà ôn tồn đáp:

-         Ồ không, chỉ cần ngài đến thăm bệnh cho một lần, rồi sau đó dù có thế nào tôi cũng không còn ân hận gì nữa. Cuối cùng, chỉ còn biết xin đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở chùa Kyomizudera độ trì mà thôi.

Quan Thế Âm Bồ Tát!

Mấy tiếng này liền khiến sắc mặt vị linh mục lộ rõ vẻ tức giận. Linh mục đăm đăm nhìn như xoáy vào mặt người đàn bà vẫn vô tình chẳng biết gì, đoạn lắc đầu giảng giải:
 -Bà hãy coi chừng! Những thứ mà các người thờ lạy như Quan Âm, Thích Ca,  Hachiman, Thần Tenjin, chỉ là những bức tượng bằng gỗ đá. Vị thần thực sự, Chúa thực sự chỉ có một mà thôi. Con của bà phải chết hay được cứu sống đều là do ý Chúa. Bức tượng không biết đâu. Nếu bà yêu quý con mình, thì đừng cầu khẩn với bức tượng nữa.

Thế nhưng người đàn bà chỉ kéo cổ áo lên che cầm mà nhìn vị linh mục, ra chiều kinh ngạc, không rõ là bà có hiểu được sự tức giận trong câu nói của ông ta hay không. Vị linh mục chẩu mặt, chìa hàm râu rậm rạp ra, mà tiếp tục ra sức dạy bảo, gần như là quở trách:

-   Bà hãy tin vào Chúa thực sự là Chúa. Chúa thực sự là Đức Giê su Cứu thế đã ra đời ở làng Bê Lem xứ Do Thái. Ngoài ra không có thần thánh nào cả. Cái mà các người tưởng là thần thánh chính là ma quỷ. Đó là hóa thân của các thiên thần bị sa ngã. Để cứu rỗi chúng ta, Đức Giê su đã đem chính thân mình ra chịu nạn đóng đinh trên thập giá. Bà hãy xem kia, hình dáng của Người.   

 

Linh mục kính cẩn giơ tay ra chỉ vào bức ảnh ghép bằng thủy tinh mầu trên khung cửa sổ sau lưng. Đúng lúc tia nắng nhạt chiếu vào làm, hình ảnh Chúa Giê su thụ nạn nổi bật trong bóng tối giáo đường. Hình ảnh Đức Bà Maria và các đệ tử đang than khóc dưới chân thánh giá cũng nổi bật lên. Người đàn bà chắp tay lại theo kiểu Nhật và lặng lẽ quay lại nhìn khung cửa ấy.

-Đó là Đức Phật Như Lai của người tây phương mà thiên hạ vẫn đồn đãi phải không ạ? Miễn là con trai tôi được cứu mạng, tôi sẽ thờ lạy Đức Phật bị đóng đinh suốt đời cũng chẳng sao. Xin ngài hãy đọc kinh cầu xin cho con tôi được ơn cứu độ.

Giọng người đàn bà từ tốn mà tràn đầy xúc động. Linh mục hơi ngửa mặt, như thể ra chiều đắc thắng, lại nói tiếp, còn thao thao hùng biện hơn trước.

-Đức Giê su hạ sinh xuống trần thế là để rửa sạch tội lỗi của chúng ta, cứu rỗi linh hồn chúng ta. Bà hãy nghe đây về cả cuộc đời chịu khổ nạn của Ngài.

Vị linh mục lòng tràn đầy niềm xúc động thiêng liêng, vừa đi vòng quanh vừa kể lại thật nhanh về cuộc đời của Đức Giê su. Từ chuyện thiên thần đến truyền tin cho trinh nữ Maria nhân đức vẹn toàn biết mình sẽ thụ thai, chuyện Người giáng sinh trong chuồng ngựa, chuyện các nhà thông thái phương đông theo ánh sao là điềm báo tin Chúa giáng sinh đến dâng trầm hương, chuyện Đại đế Herod vì sợ Đấng Cứu thế ra đời nên đã giết các hài nhi, chuyện thánh Goan chịu lễ rửa tội rồi lên núi giảng đạo, chuyện Chúa Giê su làm phép biến nước thành rượu nho, làm cho người mù được sáng mắt, trừ khử được bảy con quỷ ám nàng Maria Ma đa lê na, làm cho Lazaro là người đã chết sống lại được, đã bước đi trên mặt nước, cưỡi lừa tiến vào thành Giê ru sa lem,  dự bữa tiệc cuối cùng buồn thảm, rồi cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu.. …..

Giọng nói của vị linh mục vang lên trong giáo đường mờ mờ tối, tựa hồ lời Chúa. Người đàn bà mở to đôi mắt sáng rỡ, lặng yên nghe như nuốt lấy từng lời.

  -Bà hãy thử nghĩ xem. Đức Giê su đã bị đóng đinh trên cây thập giá cùng với hai  tên kẻ trộm. Cho đến tận bây giờ, cứ nghĩ đến nỗi buồn khổ của Người lúc ấy, ta không khỏi rùng mình kinh hãi. Nhất là lời kêu than cuối cùng với Đức Chúa Trời của Đức Giê su từ trên cây thập giá ấy mới đáng quý làm sao. Eli, Eli, Lema Sabachthani? Câu này có nghĩa là  “Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Chúa bỏ tôi?.....”

Bất giác linh mục ngừng lại, vì chợt nhìn thấy người đàn bà đang xanh mặt lại cắn môi dưới mà nhìn ông. Hơn nữa ánh mắt ấy chẳng hề loé lên một tia xúc động thiêng liêng nào cả. Mà đó là một sự lạnh lùng khinh miệt cùng với mối ác cảm thấm vào  tận xương tủy. Vị linh mục chớp mắt liên hồi, ngơ ngác hồi lâu  đến không nói được nên lời.

  -Có thật là Thiên Chúa, Đức Phật Như Lai của người tây phương, là như thế sao?

Khác hẳn với dáng vẻ khiêm tốn nẫy giờ, người đàn bà lạnh lùng nói như hạ xuống một nhát gươm chí tử.

-Chồng tôi, Ichibanse Hanbe chỉ là gia nhân của ngài Sasaki, nhưng chưa bao giờ quay lưng bỏ chạy trước kẻ địch. Ngày trước, khi thành Choukoji bị tấn công, bấy giờ chồng tôi vì thua canh bạc đã mất cả ngựa lẫn áo giáp,  nhưng trong ngày giao tranh, đã bó sát người chiếc áo  giấy  có viết  hàng chữ Nam Mô A Di Đà Phật thật to, cắm sau lưng cây tre còn cả cành lá thay cho cờ hiệu, tay phải  tuốt đại đao dài hơn một thước, tay trái xòe chiếc quạt đỏ, miệng vừa cao giọng nghêu ngao đùa bỡn rằng “Đã đoạt tình lang của người, ta chẳng sợ bị lấy đầu”  vừa xông vào phá thế trận của  Shibata có tiếng là dũng tướng của ngài Oda. Thế mà đường đường là Thiên Chúa, cho dù có bị  treo mình trên thập giá,  sao lại cất tiếng kêu than, thật đáng khinh nhờn.

Thờ lạy một kẻ hèn nhát như thế phỏng có ích gì? Còn ngài đi truyền đạo cho kẻ hèn nhát ấy, thì tôi không thể đưa ngài đến trước bài vị của chồng, hay cho ngài đến khám bệnh cho con  trai tôi được. Shinnojo là con trai của Hanbei, kẻ đã lấy đầu quân địch, nếu phải uống thuốc của một kẻ hèn nhát thì thà tự mổ bụng còn hơn. Chỉ tiếc là nếu biết thế, tôi đã chẳng bỏ công tới đây.

 

Người đàn bà vừa nuốt nước mắt vừa xoay mình quay lưng lại vị linh mục, bước vội ra ngoài bỏ đi mất, như thể tránh làn gió độc. Bỏ lại vị linh mục còn đang sững sờ ngơ ngác…………….

Akutagawa Ryunosuke (Tháng 3 năm 1923)

Quỳnh Chi dịch (8/7/2021)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc