ĐƯỜNG LÊN DỐC NÚI - Nhuận Hùng

17 Tháng Bảy 20215:00 CH(Xem: 1383)
Đường Lên Dốc Núi!

Nhuận Hùng

doc nui


…Đỉnh núi cao hay tình người cao
Cánh cửa không, ta mở lối vào..!.
Sở trường ấy chiều dày tuệ giác
Tâm ấn tâm người đã truyền trao.
Sang sông rồi thuyền bỏ lại đây
Bước ung dung tự tại như mây
Thảo am nhỏ trăng treo lơ lửng
Dấu ấn thiền hạnh ngộ Đông - Tây…”
(thơ Thanh Trí Cao)

Đúng vậy, nếu chúng ta đang đứng giữa phố phường hay dưới chân núi mà nói:
“ Đỉnh núi cao hay tình người cao.”

Xét về lý thì không hợp chút nào so với sự đo đạt tỷ lệ cao thấp. Nhưng nói theo sự thì tình cảm giữa con người và con người là chuyện khác…! Đương nhiên, tình người bao giờ cũng cao cả hơn vật chất hay núi đồi, nhưng ngược lại nếu đối đãi bất công thì tình cảm ấy sẽ như thế nào? Quý vị, cũng thừa hiểu-thừa biết! Bởi thế, dòng thơ cố thi sĩ Thanh Trí Cao tức cố Hòa Thượng thượng Quảng hạ Thanh, ngài ngầm nói lên điều đó thể hiện qua nhạc phẩm: “Dòng Sông Thấp Thoáng Con Thuyền”.

Nhưng bài viết này chỉ nói về “dốc núi” không đi sâu vào bài thơ trên.
Núi dốc hay dốc núi cũng giống nhau, điểm đến và điểm lên đỉnh núi cao cũng là gian nan khó nhọc…!
Thật ra, Hòa Thượng- Viện Chủ Chùa Phật Tổ tấm lòng rất quảng đại. Từ khi ngài bước chân đến vùng đất Nam Cali này vào năm 1999 cho đến nay. Tôi rất kính trọng ngài, vì Phật sự đa đoan ít gặp gỡ cho mãi đến khoảng đầu tháng 9 năm 2020. Nhân chuyến viếng thăm sức khỏe Viện Chủ Chùa Phật Tổ tức Hòa Thượng Thích Thiện Long, sau khi thăm viếng Hòa Thượng…!

Tiếp theo, vài tuần sau tôi lại có dịp viếng chùa Phật Tổ, lúc này Hòa Thượng nói:
-“Tình hình cuộc sống của N.H như thế nào, hiện đang ở đâu?” Có muốn lên núi sống “độc cư” để “tu tập” luyện theo pháp môn nào không?”
-“Vâng, Y giáo phụng hành” Hòa Thượng dạy sao, con nghe theo đó!
-“Được, thôi thì, hãy thu xếp hành lý lên núi ngay, địa chỉ đây….! Nếu thầy lên đó trước, thời gian sau có lẽ tôi cũng lên đó “tịnh dưỡng” và “tịnh tâm tu luyện luôn...!”
-“A Di Đà Phật”
-“Cứ như thế, mà tiến hành”
-Bạch Hòa Thượng con về…!

Rồi từ đó không hiểu cơ duyên nào đưa đẩy, tôi hoan hỷ lên núi “ẩn tu” hay “độc cư” gì đó theo lời chỉ bảo của Hòa Thượng Thích Thiện Long.
Ở trên núi cao không khí khác thường, nóng lạnh thay đổi liên miên. Đúng là đường lên dốc núi có khác với chốn phồn hoa đô thị…!
Bấy giờ, tôi mới hiểu đứng trên núi cao là mình cao hơn núi nhưng ngược lại về “tình người” thì là chuyện khác. Không thể so sánh hai việc với nhau được…! Nhưng thật tế, nhìn đằng xa tôi thấy những dãy núi kia còn cao hơn núi ở đây quá nhiều.
Thoáng qua luồng tư tưởng miên man, tôi lại nhớ câu trong sách:
“Cao nhân tất hữu, cao nhân trị”
(Mình giỏi còn có người giỏi hơn nữa)

Cũng như, núi này cao còn có núi kia cao hơn. Bởi vậy, mình luôn luôn khiêm nhường, (biết người- biết ta) thì cuộc sống dễ hòa nhập, kết nối thông cảm với nhau hơn. Đừng cậy quyền ủy thế là tốt rồi…! Được như thế, thì cuộc sống sẽ luôn luôn nở hoa và tươi tốt mãi mãi, nếu ngược lại thì sao? Nếu nói theo giáo lý Phật đà, chúng ta biết áp dụng pháp Lục Hòa trong đạo Phật.

Lục hòa - 6 điều dạy của đức Phật:
1) Thân hòa đồng trụ: (Hãy chung sống với nhau một cách hòa hợp, hãy chung lưng đấu cật, đùm bọc nhau, chứ không nên dùng võ lực để đàn áp với nhau.)
2) Khẩu hòa vô trách: (Hãy nói năng với nhau một cách dịu dàng, hòa nhã; nếu có điều gì thắc mắc cần bàn cãi,
thì cũng phải bàn cãi trong ôn hòa, lễ độ.)
 3) Ý hòa đồng diệt: (Hãy nuôi dưỡng ý tốt đẹp đối với nhau, hãy trau dồi đức hỷ xả; đừng bao giờ thù hiềm, ganh tỵ nhau.)
4) Giới hòa đồng tu: (Hãy giữ đúng giới luật như nhau, hãy lấy kỷ luật làm đầu. Vô kỷ luật thì không một đoàn thể nào có thể tồn tại được.)
 5) Kiến hòa đồng giải: (Hãy giải bày những sự hiểu biết, những ý kiến của mình cho người chung quanh. Người thông hiểu nhiều, phải có bổn phận chỉ bày cho người sau và dắt họ đi theo kịp mình.)
 6) Lợi hòa đồng quân: (Hãy chia đồng đều tài lợi thu thập được cho những người cùng sống chung với mình, để mọi người đều được thỏa mãn, vui vầy.) Bình đẳng thì trong gia đình, cha mẹ vợ chồng, anh em, đều được hòa thuận yên vui, gia nghiệp mỗi ngày một thịnh đạt; quốc gia được hùng cường thịnh trị, thế giới hòa bình an lạc.

Riêng về trong Phật tử chúng ta, nếu áp dụng đúng đắn pháp “Lục hòa”, thì sự tu học của chúng ta mau được tiến bộ, con đường giải thoát được gần hơn, và cảnh giới cực lạc không phải chỉ là một ước vọng.

Nếu làm được như thế mọi người sẽ an lạc trong cuộc sống thường nhật, tránh cảnh (hỷ - nộ- ái -ố…) thương-ghét- tình- thù, đối đãi bất công với nhau!

Thật ra, tôi không ngờ trước được Sư Ông tức Hòa Thượng Thích Thiện Long lại dời “gót ngọc” lên núi “tịnh dưỡng” vì ngài sức khỏe không tốt. Cuộc sống thanh nhàn yên tĩnh, xa lánh chốn phồn hoa đô thị. Sống trên núi đúng nghĩa: “Thâm sâu – cùng cốc”.

Ngài chọn nơi ấy an định với tháng ngày, hay nói cách khác cùng nhau “tu tập” yên tĩnh trên những đồi núi cao chót vót, bình yên cùng tháng ngày…!
Núi cao thì mặc núi cao, lòng ta không quản gian nan là gì…! Nói như thế, ý chí của con người bao giờ cũng vượt hơn cả núi cao hay sông sâu - biển rộng. Là trượng phu ý chí kiên cường không bao giờ thối thất được.

Được biết Sư Ông tuổi cũng đã bước vào (nhân sinh thất thập cổ lai hy…!) nhưng sức khỏe vẫn khả quan, tuy thân mang bệnh nhưng tinh thần luôn luôn tự tại. Thời gian tôi ở trên núi với Sư Ông ngoài giờ tu tập, hành thiền,  hằng ngày Sư Ông leo núi, nhưng vẫn bình thản trước thời tiết nóng lạnh…của núi đồi! Chứng tỏ, Sư Ông cũng là người có bản lãnh vượt qua mọi gian khó nơi thâm sơn - cùng cốc…của núi đồi.

Đúng như những gì tôi được biết , công năng leo núi hằng ngày phải vượt qua nhiều đoạn dốc đứng, gập ghềnh, sỏi đá như thế, chỗ lồi - chỗ lõm đường lên dốc núi quá nhiều nguy hiểm. Nếu không đủ sức cũng có thể trượt chân. Nhưng Sư Ông đều cố gắng vượt qua…!

Chúng ta, thường hay nghe nhiều người nói: “Đi bộ là tốt cho sức khỏe”. Hằng ngày nên đi bộ ít nhất là một giờ đồng hồ để cho máu huyết lưu thông, để đôi chân có dịp vận động. Đời sống sẽ tươi sáng hơn là ngồi một chỗ chẳng chịu vận động.

Đứng trên góc cạnh khách quan mà nhận xét, thì Sư Ông Viện Chủ Chùa Phật Tổ đã vượt quá kỷ lục leo núi. Riêng mùa Đông qua không bỏ xót ngày nào...! Thật đáng kính phục, tuy tuổi cao nhưng vẫn cố gắng tập thể dục điều độ.

Cảnh trí ở đây (núi rừng) thật là tuyệt vời đối với những ai có tính mạo hiểm , thích leo núi cao hay dã ngoại ở vùng rừng rú, đá núi cheo leo thì rất hợp. Càng đi sâu vào núi chúng ta sẽ thấy những tảng đá thật to và thật kỳ lạ không thể diễn tả cho hết vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.

Cảnh núi đá đường đi San Diego xa xa chúng ta đã rõ rồi, không thể lái xe lên được, buộc phải lội bộ leo lên dốc núi, thì mới cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên của đất trời.

Đúng là bàn tay của tạo hóa đã sắp đặt trước,  những nơi này rất hoang dã không như những thắng cảnh mang tính cách lịch sử hoặc mỹ quan để khách du lịch đến chiêm ngưỡng…! Nhưng núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, đá vẫn là đá…!

Thật ra, chuyện câu chuyện còn dài chưa muốn dứt, nhưng tạm ngừng nơi đây hẹn kỳ sau sẽ chia xẻ cùng quý vị nhiều hơn!

Sau cùng, chúc quý vị cuối mùa đại dịch Covid-19 được an lành – mạnh khỏe, vui vẻ tràn đầy. Bệnh tật tiêu trừ, đời sống sẽ nhiều hy vọng và chói sáng hơn một năm qua.

CA, Valley Center ngày 1/1/ 2021

Nhuận Hùng


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc