NHỚ BỐ - Vũ Đăng Khuê

16 Tháng Năm 202212:01 CH(Xem: 724)

Nhớ Bố!

 

47 năm kể từ ngày quê hương đổi chủ, thành phố mang tên xác người. Cũng hơn 27 năm từ ngày bố tôi ra đi, không hiểu tại sao năm nay tôi lại có ý định ghi lại nhưng kỷ niệm của bố mẹ tôi và gia đình về những chuyện đã qua, một thời gian khá dài trong sự đổi thay liên tục của lịch sử. Tôi mở những cuộc họp với gia đình, tôi tìm và hỏi những gì có liên quan và tôi biết được ra khá nhiều điều mới lạ về bố tôi. Xin có vài cảm nghĩ rất chủ quan về bố mình.

 

Giao hoang

 Ông được ân sủng Chúa ban trước khi nhắm mắt: Hôn tay Đức Giáo Hoàng (1994) tại Roma

 

 

Bố tôi là một người rất cẩn thận, chi tiết. Ông thường ghi lại những điều gì xảy ra trong ngày vào một cuốn sổ tay. Lúc ông mất, khi chia “gia tài”, tôi chỉ giữ được một phần mà hầu hết là ông viết từ sau khi tới Nhật. Có lần, tôi đã đọc được quyển sổ tay của ông ghi hàng ngày, chẳng hạn:

 

Ngày….tháng…đó.

 “Đêm nay Khuê ho hơi nhiều, hôm qua thì ngủ lại văn phòng,” ….”sáng mai, xếp hàng đi chung với mẹ để mua hàng bán rẻ”….. “Chú sắp thi, cầu nguyện cho chú” và còn nhiều lắm.

Khi đón ông sang Nhật, ông hỏi nhà thờ có gần đây không và linh mục ở đây thế nào? ông nói: bây giờ ba chỉ cần làm một ông từ giữ nhà thờ và làm bất cứ việc gì”. Nhà tôi đến nhà thờ chỉ cách 10 phút xe hơi, nhưng đi bộ cả đi cả về mất khoảng 60 phút, nếu không bị lên cơn suyễn hay những chuyến “công du” cùng với anh em trong Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật…. thì hầu như hàng ngày ông vẫn đi bộ đều đặn đến nhà thờ để trò chuyện với cha xứ ở đó vốn là người Pháp. Ở nhà, tôi thấy ông hay qua đi lại trong một căn phòng nhỏ hẹp, tay cầm chuỗi tràng hạt, miệng lẩm nhẩm mấy bài kinh.

 

Ông hay liên lạc các bạn bè các nơi để hỏi thăm về tình hình tôn giáo ở quê nhà. Ông rất chịu khó ghi lại những câu chuyện về vua Hùng, ông luôn soạn trước những bài văn tế quốc tổ và những bài đọc của ông trong vai trò đại diện. Ông góp ý, soạn thảo các chương trình với các anh em Hiệp Hội, Mặt Trận làm cách nào để cộng đồng phát triển.

 

Ông cũng có thói quen là mỗi tối nghe các chương trình Việt Ngữ của VOA, BBC để theo dõi tình hình. Ngoài ra, ông có quen với một người Nhật, bạn già cùng tuổi, được Hội Nanmin Tasukerukai giới thiệu để hướng dẫn ông học tiếng Nhật. Hai ông rất là “tâm đắc”, không biết nói chuyện như thế nào, bằng tiếng gì. Có lần khi gặp ông Nhật, tôi hỏi: “cụ nói chuyện với bố tôi có khó khăn không”. Ông cụ này trả lời: “Tụi tôi không hiểu nhau thì viết chữ Hán, thế nào cũng hiểu mà.

 

Môn thể thao mà ông khoái nhất là sumo, wrestling (đấu vật), ở phòng bên cạnh, cứ khoảng chiều hay sáng thứ bảy, chủ nhật thế nào tôi cũng nghe được những “reo hò”, “ủng hộ” của ông:

 

- “Ấy, tránh qua một bên, bẻ tay nó lại”

 

Hoặc

 

“phải dùng chân đứng trên nhảy xuống thì mới được chứ, nhanh lên…..”

 

Tôi nghĩ là những ngày sống ở Nhật đều là những ngày ông cố gắng sống bù đắp những “bức xúc” bị kềm kẹp khi còn ở quê nhà.

-----


Tháng 1/1995 thì ông mất nhưng chắc vẫn còn tiếc nuối đúng theo nhận định của người bạn (Huỳnh Việt) khi viết về ông:

 

“Tôi biết Cụ đã cố gắng chống chọi với bệnh tật, không chỉ vì để kéo dài thêm cuộc sống trên trần thế này, nhưng để chờ một dấu hiệu; chỉ cần một sự thay đổi nào đó ở giải đất bên kia bờ Thái bình dương... là sẽ làm cho Cụ an lòng nhắm mắt. Đau lòng thay! Qui luật trời đất, đời người có hạn, Cụ đã không thể nào chờ đợi được hơn. Hồn nước anh linh theo Cụ qua lá cờ vàng phủ trước thân già, lá cờ mà suốt một đời Cụ cống hiến”..

 

Hôm nay, ngồi đọc lại những giòng chữ của ông, tôi buồn khôn tả. Tôi tin là ông vẫn đang thong dong nơi chốn ấy.

 

Ông đã sống và làm theo đúng tiêu chuẩn mà ông đã được học hỏi từ các cha, các thầy:

“Tu sĩ thì Thiên Chúa, Tổ Quốc và tha nhân

- Khi ra đời thì Thiên Chúa, Tổ Quốc (gồm có tha nhân) và Gia Đình.

 

Hiện nay tôi vẫn nhắc nhở con cháu tôi những tiêu chuẩn đó”.

 

-----------------

 

Tôi hãnh diện đã có một người bố, nhưng tôi cảm thấy quá xấu hổ vì tôi đã không làm được những gì mà ông đã hay tâm sự với vợ tôi: “con nhắc Khuê phải giữ đạo đàng hoàng” và Ước mơ của ông về quê hương đất nước sao vẫn còn xa quá.

 

“Con xin lỗi bố, bố ơi!”

 

Vũ Đăng Khuê

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc