NHỮNG ĐIỀU NGỘ NGHĨNH TRONG NGÔN NGỮ - Trần Thụ Ân

22 Tháng Bảy 20229:43 CH(Xem: 1230)
ngon ngu

NHỮNG ĐIỀU NGỘ NGHĨNH TRONG NGÔN NGỮ


1) Tatsu no otoshigo (竜の落とし子)

Tatsu no otoshigo, từ khi biết chữ tiếng Nhật này là “con cá ngựa” (sea horse) lúc nào tôi cũng cảm thấy buồn cho nó vì nếu dịch sát nghĩa thì là:
“đứa con rơi của con rồng”

Tội nghiệp không! Sao lại là đứa con rơi? Vậy con nào là con không-rơi của con rồng? Chẳng lẽ vì cá ngựa ở trong biển. Vậy con rồng ở đâu? Hay vì cá ngựa rất nhỏ, bề dài chỉ chừng 2cm ~ 35cm? Vậy con rồng bao lớn?

Neko

2) Neko ni koban (猫に小判, đồng tiền cho con mèo)

Có người bạn gởi cho câu kotowaza (tục ngữ) trên. Nếu dịch thử bằng tục ngữ tiếng Việt Nam có lẽ câu “Đàn khẩy tai trâu” là hợp lý nhất.

Lật tự điển Nhật Anh thì thấy câu tục ngữ tương xứng như vầy:
Cast pearls before swine (Ném trân châu trước mặt con heo).

Cùng một ý tưởng nhưng ba ngôn ngữ dùng ba con khác nhau: con mèo, con trâu, con heo, để ví von. Lạ thay!


3 monkeys

3) Sanzaru (三猿, tam viên:ba con khỉ)

Bức tranh phù điêu, “ba con khỉ” Sanzaru ở trên là một trong tám bức tranh phù điêu của ba con khỉ treo ở đền Tôshôguu (Đông Chiếu Cung,東照宮) ở Nikkô (Nhật Quang,日光), Nhật Bản.

Trong tiếng Nhật xưa:

Mizaru (見ざる) không nhìn 
Kikazaru (聞かざる) không nghe
Iwazaru (言わざる) không nói

“Saru” (Viên, 猿) là con khỉ;  khi ghép với chữ đi trước phải đổi âm thành “zaru” trong văn phạm tiếng Nhật gọi là daku-on (trọc âm,濁音), nghĩa là âm đục.

Kết hợp hai điều này, người Nhật dùng những bức tranh, những bức phù điêu, những bức tượng ba con khỉ che mắt, che tay, che miệng để khuyên răng người ta không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái. Trong tiếng Anh, thường được dịch là "see no evil, hear no evil, speak no evil".

Trần Thụ Ân
( 07/2022)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc