NGUYỆN ƯỚC VỚI TRĂNG SAO - Quỳnh Chi

25 Tháng Mười Hai 20223:41 CH(Xem: 574)
Nguyệt thực

Nguyện ước với trăng sao

Đêm nguyệt thực toàn phần vào tối thứ ba ngày 8 tháng 11 năm nay được các đài truyền hình thông báo trước vầ sau đó trực tiếp truyền hình với phần tường thuật thật hồ hởi của các phóng viên. Nguyên nhân của sự hồ hởi là vì nguyệt thực lần này có một điều hy hữu, đó là cùng với mặt trăng, còn có cả một ngôi sao khác cũng bị bóng quả đất che khuất. Các đài truyền hình xôn xao báo trước rằng hiện tượng mặt trăng và một hành tinh khác cũng đồng thời bị che khuất này hiếm khi xảy ra. Lần trước là cách đây 442 năm, và hành tinh bị che khuất cùng lúc xảy ra nguyệt thực khi đó là Sao Thổ. Còn năm nay là Sao Thiên Vương. Cũng theo các nhà thiên văn học, phải đợi 322 năm sau mới lại xảy ra hiện tượng đồng thời- và khi đó sẽ lại là Sao Thổ.

Trên màn ảnh tivi trực tiếp truyền đi từ các viễn vọng kính quan sát hình ảnh mặt trăng bị che khuất, cũng như giây phút điểm sáng rất nhỏ của sao Thiên Vương đi vào phía sau bóng tối của mặt trăng. Đồng thời họ cũng trực tiếp truyền hình cảnh mọi người nô nức đứng chờ xem từ các cung Thiên văn, hay ngoài đường phố.

Có lẽ trên khắp nước Nhật đang có không ít người ngước nhìn trời để xem nguyệt thực. Trong đó những người xem bằng viễn vọng kính chắc hẳn cũng không ít. Một trong những món bút chỉ văn phòng mà phụ huynh hay người thân thường mua làm quà tặng cho trẻ em có cả viễn vọng kính. Viễn vọng kính lớn nhất mà các học sinh có thể dùng được có đường kính tới hơn 10cm, và có chân chống hẳn hoi.

Ngoài ra thời bây giờ còn có thể theo dõi qua live stream trên trang web. Trang mạng của một tờ báo lớn live stream suốt buổi tối nguyệt thực từ 6 giờ chiều cho đến 10 giờ tối, lúc trăng sao sáng trở lại. Theo dõi qua live stream có một điều thú vị là xem được phản ứng của đông đảo người theo dõi hiện ra liên tục ở phần cảm tưởng. Tình cờ có một kênh nào đó của Việt Nam cũng live stream đêm nguyệt thực nên có thể đồng thời theo dõi và biết được phản ứng của người dân của hai nước.

Qua các dòng cảm tưởng của người theo dõi, có thể thấy là hầu hết người Việt ở các nơi đều báo cho mọi người biết từ tỉnh thành của họ- thời tiết ra sao, có xem được nguyệt thực hay không, và diễn tiến của mặt trăng đang dần dần bị khuyết như thế nào v.v. Có lẽ đó cũng là phản ứng thông thường của mọi người trên thế giới khi quan sát nguyệt thực.

Trong khi đó phản ứng từ phía người Nhật thì đa dạng hơn. Một số ít cũng thông báo cho biết hiện tượng nguyệt thực quan sát được từ địa phương của mình, có rõ hay không và diễn tiến theo thời gian lúc bị che khuất dần lúc nhả ra sáng dần trở lại v.v... Một số khác thì tỏ ra hào hứng, hết lời khen ngợi hiện tượng kỳ thú và hy hữu này, có người cứ viết đi viết lại lời chúc “Omedeto Gozaimasu” (Chúc mừng) biểu lộ niềm vui. Nhưng có thể nói còn lại tuyệt đại đa số thì viết ra những nguyện ước của họ. Cầu xin thi đỗ, xin tìm được việc, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho gia đạo bình yên, cầu duyên, cầu cho khỏi bệnh, cầu cho được như ý, thuận buồm xuôi gió, tốt đẹp về chuyện này chuyện kia – có cơ man bao nhiêu chuyện của thế nhân thì có bấy nhiêu lời nguyện ước.

Sự khác biệt này quả là thú vị.

Là vì thật ra vào thời xa xưa người Nhật rất sợ những đêm nguyệt thực. Sử liệu cho biết vào thời đại Kamakura (thế kỷ thứ 12) vị tướng quân đầu tiên của Mạc phủ Kamakura là Minamoto no Yoritomo đã đi ẩn nấp trong đêm nguyệt thực. Lại có người thì đóng chặt cửa mà đọc kinh, cầu cho tai qua nạn khỏi. Và chỉ vào khoảng vài tháng sau đêm nguyệt thực 442 năm trước, vị danh tướng lẫy lừng nhất Nhật Bản là Oda Nobunaga đã bị bầy tôi ám hại ở chùa Honnoji tại Kyoto- một biến cố đã làm thay đổi cả lịch sử Nhật Bản- khiến người Nhật thời đó càng tin rằng nguyệt thực là điềm gở.

Chữ “nguyệt thực” trong tiếng Nhật được viết bằng chữ Hán là 月食hay 月蝕 trong đó chữ “thực 食- bộ thực “ có nghĩa là ăn, còn “ thực 蝕- bộ trùng 虫” có nghĩa là mặt trời mặt trăng bị ăn, hay một vật gì bị sâu mọt gậm nhấm.

Khi chưa có được những hiểu biết về vũ trụ, làm sao con người không khỏi hoang mang sợ hãi trước thiên nhiên hùng vỹ và vũ trụ bao la. Điều lo sợ ấy cũng dễ hiểu.

Không chỉ sợ mặt trăng bị gậm nhấm, người Nhật thời xưa còn sợ cả ánh sao rơi.

Sao băng


Vào thời xa xưa, người Nhật kết hợp hiện tượng sao băng với quái vật Tengu có cái mũi thật dài, và tin rằng sao băng là điềm gở, như điềm báo trước sẽ thua trận, vị tướng cầm quân sẽ bị tử trận.

Tư liệu thời Edo cho biết năm 1685 có mưa sao băng ở vùng Kansai miền tây Nhật Bản, thì đó cũng là năm Thiên Hoàng Gosai băng hà. Và đã có những năm có sao băng kèm theo nạn mất mùa. Theo truyền thuyết ở nhiều nơi, sao băng còn báo điềm gở cho người nhìn thấy sao băng hay thân nhân của họ, ví dụ như trẻ con mà nhìn thấy sao băng thì chết yểu hay sau này không thể thành đạt, hoặc trong một đêm thấy sao băng ba lần thì sẽ có người thân qua đời.

Tuy nhiên càng về sau suy nghĩ về sao băng tại các địa phương của Nhật lại cho thấy họ có khuynh hướng quên đi điềm gở, để vừa nhìn sao băng vừa cầu nguyện thật nhanh trước khi sao băng vụt tắt, để cầu được điều lành. Ví dụ như ở tỉnh Aomori ở phía Bắc Nhật Bản, tương truyền khi thấy sao băng hãy nói thật nhanh chữ “ Hassun “ ( Tám tấc) thì sẽ sau này thân thể sẽ cao lớn, nói “Kanehoshi“ ( Muốn có tiền ) thì sẽ được giàu có. Hoặc theo truyền thuyết ở tỉnh Shizuoka, hễ nói kịp đủ ba lần tên người con gái mình yêu thì sẽ cưới được cô ta. Còn ở tỉnh Fukui, vừa nhìn sao băng vừa làm dáng điệu cầm kim may thì sẽ giỏi về môn nữ công.

Không biết là từ khi nào từ việc sợ hãi coi như đó là một điềm gở, người ta chuyển sang cầu nguyện với sao băng như vậy.

Thật ra thì người Nhật cũng có thói quen nguyện ước với hai vì sao trong đêm Thất tịch, đó là sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ. Họ viết những điều ước lên các mảnh giấy gọi là tanzaku buộc vào cành tre để cho qua đêm Thất tịch rồi mới gỡ ra. Trong ý nghĩ của người Nhật, đêm Thất tịch là một đêm sao sáng cho cuộc hội ngộ của Ngưu Lang Chức Nữ, chứ không phải là mưa gió sụt sùi vì nước mắt của vợ chồng Ngâu như thường thấy trong thơ ca của người Việt.

Như vậy, cũng có thể là từ thói quen cầu nguyện với hai ngôi sao trong đêm Thất tịch, người ta bèn cầu nguyện với cả sao băng, còn việc cầu nguyện trong khoảng thời gian nguyệt thực cũng tương tự với việc cầu nguyện thật nhanh trong khoảng thời gian trước khi sao băng vụt tắt, hay chăng.

*Nguyệt thực 1

Trong đêm nguyệt thực, sau khoảng 2 giờ đồng hồ bị che khuất, trăng sáng dần trở lại vì đêm mồng 8 tháng 11 nhằm vào đúng độ trăng tròn. Có lẽ vì cảm hứng với đề tài ánh trăng, đài truyền hình quốc gia còn phát lại một chương trình đã chiếu vào dịp trung thu về cảnh trăng rằm tuyệt đẹp đó đây trên khắp cả nước. Trăng rằm trên đỉnh núi Phú sĩ, trăng lên trên thành cổ, trên rừng tre ở cố đô Kyoto, và cả trên triền núi ở xứ tuyết.

Ngày xưa sợ hãi và đi trốn như Minamoto no Yoritomo, ngày nay thì hồ hởi đón xem và thành tâm cẩu khẩn trong đêm nguyệt thực …Vượt qua nỗi sợ hãi để đi đến niềm tin, gửi gấm điều mơ ước vào trăng sao quả là phù hợp với đặc điểm nhất quán của người Nhật qua các thời đại, đó là luôn gần gũi gắn bó với thiên nhiên. Thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ, nên một số từ ngữ chỉ mùa (gọi là kigo )– yếu tố luôn phải có trong bài thơ haiku- cũng được dùng làm lời chào ờ đầu thư từ hàng ngày, ngay cả trong thư tín giao dịch thương mại.

*
Sang thu rồi vào đông, bầu trời trong và thấy được nhiều sao hơn dù ở trong thành phố. Mong là bầu trời đêm nay đầy sao để có thể ngửng nhìn trời với những nguyện ước như trong bài hát nổi tiếng “Miagete goran yoruno hoshiwo (Hãy nhìn lên bầu trời sao)”.

Em hãy nhìn lên bầu trời sao
Những ngôi sao nhỏ bé trên cao
Li ti muôn ánh sao lấp lánh
Cũng vô danh tựa như chúng mình

Nắm tay cùng đuổi theo ước mơ
Gian khó rồi cũng sẽ thoáng qua
Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trần thế
Đầy trời sao đồng ca chúc lành

歌謡曲:見上げてごらん夜の星を【昭和名曲/歌詞あり】 - YouTube

Quỳnh Chi
(22/12/2022)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc