SAO ANH KHÔNG NÓI - Quỳnh Chi

31 Tháng Mười Hai 20229:47 CH(Xem: 575)
gio_dua_canh_truc-content

Sao anh không nói

Vào khoảng đầu những năm 1990, bắt đầu có nhiều người Nhật đi học tiếng Việt. Một trường sinh ngữ có lịch sử lâu đời và lớn nhất ở Tokyo có dậy hơn 50 ngôn ngữ đã mở nhiều khóa dậy tiếng Việt, đa số là cho nhân viên các công ty mậu dịch hay ngân hàng được cử đi công tác hay sang thường trú tại Việt Nam. Sau này người ta gọi đó là phong trào học tiếng Việt đợt thứ nhất, để phân biệt với đợt thứ hai sau đó (vào khoảng cuối thập niên 2000) có nhiều người đi học hơn, thuộc đủ mọi thành phần từ nhân viên của các tập đoàn kinh tế cho tới người kinh doanh cá thể tìm tới thị trường mới ở Việt Nam.

Khác với những người học tiếng Việt trong đợt thứ nhất, những người học ở đợt thứ hai được nghe kể lại - từ những người học ở đợt thứ nhất và đã thực sự sang sống ở Việt Nam - nhiều thông tin về người Việt Nam và xã hội Việt Nam hơn.

Có một học viên trong đợt thứ hai- là nhân viên cúa một cơ quan giao lưu quốc tế sắp sang thường trú ở Việt Nam-, ngay trong buổi học đầu tiên đã đặt câu hỏi như sau:

-Tôi nghe nói rằng người Việt Nam thường không bao giờ nói “Cảm ơn” hay “Xin lỗi”, có phải như vậy không, và tại sao vậy?

Đây là một câu hỏi không hề gây bất ngờ cho tôi, vì dạo ấy trên các trang web của người Việt ở hải ngoại cũng đã có nhiều bài viết nêu lên những vấn đề về những thói quen không hay của người Việt, nên rất may là tôi đã từng suy ngẫm về vấn đề này, nên mới có thể trả lời ngay cho người học viên đó như sau:

-Vâng, dĩ nhiên không phải là người Việt nào cũng thế, nhưng thực tế là có những người như vậy thật. Vấn đề là ở chỗ nếu bị khiển trách oan thì chắc chắn là họ sẽ biện bạch. Còn nếu họ im lặng, thì đó là họ đã nhận lỗi anh ạ. Nếu hiểu được như vậy, anh sẽ bớt thấy khó chịu. Và anh nên theo dõi xem sau đó những biểu hiện rất cụ thể bằng hành động cho thấy sự hối lỗi rất thành khẩn của họ. Còn về lời cảm ơn, thì có lẽ cũng có một đôi điều rất tinh tế về văn hóa ứng xử.

Và rồi tôi kể vắn tắt cho họ nghe câu chuyện về cú sốc văn hóa đầu tiên trong cuộc sống ở Nhật, cũng vì những điều tế nhị trong cách cảm ơn này.

Đó là sau một thời gian thuê phòng trọ trong một gia đinh người Nhật, tôi dọn ra khỏi ngôi nhà đó. Thời gian sống chung giống như homestay trong gia đình này, ông bà N chủ nhà rất tốt bụng, và vì không có con gái nên họ coi tôi như người trong nhà, tôi và bà chủ nhà khắn khít như hai mẹ con, tôi được bà dậy dỗ cho rất nhiều điều về nữ công gia chánh, còn ông chủ nhà thì rất ít nói nhưng thể hiện tình thương của một người cha khiến tôi vô cùng cảm động. Vì vậy sau khi dọn ra rồi, có nhiều đêm tôi thao thức vì nhớ bà chủ nhà, thương cho bà từ nay lại thui thủi một mình trong ngôi nhà toàn đàn ông (họ chỉ có 4 người con trai đã lớn) và cặm cụi lo phục dịch chồng con, bởi đàn ông Nhật thời đó không làm bất cứ việc gì trong nhà để giúp đỡ vợ hay mẹ mình. 

Sau khi dọn ra được vài tháng, tôi cầm lòng không đặng, nên đã trở lại thăm bà chủ trọ. Dĩ nhiên là bà N rất vui mừng. Theo thói quen ở Nhật, khi đến thăm nhà ai, người khách thường đem theo một món quà, nên tôi cũng đem theo trái cây đến biếu bà. Khi sắp ra về, bà N bảo tôi đứng đợi ở cửa, rồi sau đó bà chạy ra với một túi quà gồm những thứ bà mới lục lọi được trong nhà ra để trao cho tôi. Tôi hết sức ngỡ ngàng với túi quà này, vì khi tôi dọn ra bà N không đưa cho tôi một món quà nào, ví dụ như một vài thứ đồ dùng nho nhỏ thay vì sẽ phải đi mua sắm cho căn nhà mới-. Vì vậy tôi hiểu đây là quà đáp lễ lại món quà tôi vừa đem tới. Thật ra nếu không tiếp tục đi học lên tôi đã vào đời đi làm được mấy năm, đâu phải là cô học sinh bé nhỏ vừa học xong trung học, hơn nữa là một du học sinh tôi càng cảm thấy như mình là một “vị khách” trên xứ người, nên có lẽ càng cảm thấy cách mà bà N đưa quà hình như không được lịch sự. Người Việt Nam cũng có câu “Cách cho quý hơn của cho”.

Đây là cú sốc văn hóa đầu tiên của tôi khi đến Nhật. Sau này khi đi dự đám cưới người Nhật, tôi mới hiểu thêm về văn hóa đáp lễ của người Nhật, đó là khi dự tiệc cưới thì bạn đem tiền tới mừng và có người nhận ở chỗ lễ tân, thì lúc ra về bạn cũng sẽ được trao ngay một túi quà của cô dâu chú rể sắp sẵn để tặng lại cho khách đem về.

Điều này thật khác xa với văn hóa đáp lễ của người Việt. Ở Việt Nam, nhất là ở thôn quê, hôm nay tôi dự lễ cưới của bạn hay con cháu bạn, thì sau này bạn sẽ đáp lễ cho tôi bằng cách đi dự lễ cưới của tôi hay con cháu tôi. Tình cảm bè bạn là một thứ tình cảm lâu dài, nối tiếp mãi cho đến đời con cháu, làm gì có chuyện đáp lễ ngay tức khắc, như thể là tình nghĩa đôi bên chỉ có tới đây và từng đó thôi !

Xin lỗi bạn vì câu chuyện đáp lễ này chưa đi thẳng vào câu hỏi của người học viên kia về câu nói “Cảm ơn,” tại sao người Việt ít nói hay không nói “Cảm ơn” ?

Xin thưa là vì người ta có nhiều cách nói và biểu lộ, thay vì nói một lời “Cảm ơn” ngay lúc đó. (Không nói “Cảm ơn” ngay tức khắc là hay, hay dở ? Điều này chúng ta sẽ bàn tiếp sau nhé.)

Người Việt tránh những biểu lộ tình cảm bằng lời có thể bị coi là không thực lòng hoặc không bền lâu, là “đầu môi chót lưỡi”. Tình cảm nơi đầu môi chót lưỡi là thứ tình cảm không xuất phát từ đáy lòng, và nói rồi là xong chuyện, sau đó cũng chẳng còn gì đọng lại trong đáy lòng.

Từ khi còn bé, tôi thấy người nhận thường không nói “Cảm ơn”, nhưng nếu là người nhỏ tuổi hơn hay có địa vị xã hội tương đối khiêm tốn, họ sẽ nói ( khi đưa tay ra nhận một vật cụ thể)

- Cháu xin bác.
- Cho tôi xin.

Ở miền quê, khi nhận một giỏ trái cây hay hộp bánh, chủ nhà có thể quay sang nói với người nhà

-Để đem mấy cái kỉnh (biếu) ông bà trước đã.
- Bác cho nhưng để đó chờ ba di làm về rồi hãy ăn nghe con..

(Còn khi được nhận một điều gì trừu tượng như sự giúp dỡ, một ân huệ…thì nói)

-Quý hóa quá!
-Phúc đức quá!
-Xin Trời Phật gia hộ cho ông bà.


Nếu cùng vai vế, người nhận sẽ nói những câu tương tự như ...

-Chà, đúng cái mình đang cần.
-Ôi, sao bạn mua cái này đắt thế.
-Đẹp quá, bạn mua ở đâu đấy.
-Chị mà chọn là đẹp không chê vào đâu được.
-Trông ngon mắt chưa kìa..
….
Rồi một thời gian sau khi gặp lại nhau, họ sẽ nói.

-Cái.. anh tặng tôi độ ấy tôi vẫn dùng hàng ngày, đắc dụng lắm.
- Tôi dùng cái của chị tặng, ai cũng hỏi mua ở đâu mà đẹp thế.
…..

Rồi lại lâu hơn nữa, người bạn được nhận quà vẫn còn nói:

-Hôm trước tôi làm mất cái ..của anh cho độ ấy, tôi tiếc quá ! Bây giờ không tìm đâu
ra một cái tốt chắc chắn như cái anh cho.


Tôi xin cam đoan với bạn, nếu bạn sống lâu với người Việt, được nghe hay thấy cách biểu lộ sự trân trọng của người nhận đối với món quà hay sự gíup đỡ, hoặc ân huệ từ bạn, chắc hẳn là bạn sẽ hiểu ra rằng lời cảm ơn ngay tức khắc cũng không phải là điều quan trọng lắm đâu.

Sống lâu ở Nhật mới biết là người Nhật khi gặp nhau cũng có khi nói “ Senjitsu ( hay Sono setsu ) wa domo arigatou gozaimashita” ( Cảm ơn về chuyện hôm trước ) , lại có khi họ nói “Senjitsu wa shitsurei shimashita ( Xin lỗi về việc hôm trước ) “. Cả hai câu nói này cho thấy tính chu đáo của người Nhật, và có phần nào tương tự với lòng biết ơn hay sự áy náy về một việc xảy ra trước đó, tức là cũng có phần giống với cách hành xử của người Việt.

Khi đi dự tiệc cưới của cô bạn Nhật, cầm túi quà của cô dâu chú rể tặng đem về, cú sốc văn hóa đầu tiên của tôi cũng đã nguôi ngoai, và rồi khi biết thêm thói quen Cảm ơn hay Xin lỗi về chuyện hôm trước này, tôi lại có cảm tình hơn với họ. Rồi tôi nghĩ thôi thì mình cũng nên nghĩ theo hướng nên học hỏi (từ người Nhật) nhưng cái gì xét ra làm cho cuộc sống thoải mái hơn.

Ở thời đại 4.0 , người ta không muốn chờ thư qua bưu điện mà muốn nhận email hay messenger ngay tức khắc, thì có lẽ việc nói “Cảm ơn” ngay tại chỗ, và nói rõ ra hai chữ “ Cảm ơn “, sẽ làm vui lòng những người không thể kiên nhẫn chờ xem cách biểu lộ lời cảm ơn một cách rất tế nhị của bạn.

Còn về lời xin lỗi, tôi nhớ là ngày còn bé, mỗi khi làm điều gì sai, sau khi nghe giáo huấn, phải lập lại là mình sai điều gì và phải nói “Con xin lỗi..” hẳn hoi. Nhưng lớn lên vào đời, tuy cũng có gặp được người nói “Xin lỗi” ngay tức khắc, nhưng hình như đa số là người ta có lỗi mà người ta không cãi lại mình…là may cho mình lắm rồi, tức là khỏi phải đôi co cãi qua cãi lại thêm mệt! Từ đó tôi chấp nhận (mặc nhận) sự im lặng của họ như một lời xin lỗi. Hơn nữa, sau đó, khi thấy họ chịu khó (âm thầm) sửa lỗi thì phải nói là còn cảm động quá nữa chứ, đâu còn lòng dạ nào mà bắt bẻ một lời “Xin lỗi” đã nói hay chưa.

Tuy nhiên, xét trên bình diện xã hội, có lẽ cũng nên nói “ Xin lỗi” ngay, rồi sau đó bày tỏ cách hối lỗi bằng hành động sứa chữa lỗi lầm, cũng là một cách làm cho cuộc sống thoải mái ..Và lỡ mà người ta không đủ kiên nhẫn chờ xem bạn tỏ ra hối lỗi như thế nào, mà cắt đứt mối quan hệ luôn .. thì khổ lắm đó, bạn ơi!

Quỳnh Chi
(31/12/2022)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc