KIẾP XƯA NGÀY ẤY - Ngọc Bảo

10 Tháng Giêng 202310:14 SA(Xem: 559)

nhatrang

Kiếp Xưa Ngày Ấy

Ngọc Bảo

 

      Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, chỉ có hiện tại để sống trọn vẹn. Đời người như một giòng sông mãi mãi chảy xuôi, không quay trở lại được. “Không ai có thể tắm hai lần trong cùng một giòng nước.” Thế nhưng có lúc phải tìm về dĩ vãng, để... viết bài cho trường cũ, thể theo lời yêu cầu của người bạn xưa thân mến Huỳnh Tự Tân.

      Nhắc đến những ngày ngây thơ học trò tưởng chừng như tìm về một kiếp nào xa xôi lắm. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cảnh cũ đã hoàn toàn thay đổi, người xưa cũng không còn. Kiếp nào đã yêu nhau... kiếp nào thành người xa lạ... tất cả chỉ là phù du trong giòng thời gian trôi chảy vô tận. Quá khứ và hiện thực đều là những giấc mộng đã và đang đi qua, nối tiếp nhau tựa như những kiếp riêng biệt hợp thành vận mệnh của một đời sinh tử.

      Tới một lúc nào đó, người ta thường muốn gợi lại quá khứ, như muốn chối bỏ tuổi già đã tới. Đôi khi tôi cũng có những giấc mơ về ngôi nhà cũ của cha mẹ ở Nha Trang, ngôi nhà gần biển có tiếng sóng rì rầm ru vào giấc ngủ mỗi đêm. Biển Nha Trang trong những ngày nắng có nước xanh biếc như ngọc, những ngọn sóng lăn tăn lấp lánh dưới ánh mặt trời, phong cảnh tuyệt đẹp với hàng cây xanh dọc đường và dãy núi hùng vĩ ở bờ bên kia. Ngày đầu tiên đến Nha Trang, khi đi qua bờ biển, chúng tôi đã reo hò lên vui sướng, cảm nhận sự ấm áp trong lành tỏa ra từ ngọn gió biển hiền hòa, sau những ngày vất vả lang thang của chuyến di cư từ bắc vào nam để tỵ nạn cộng sản. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu tâm trạng của cha mẹ tôi, nhưng chắc ông bà cũng cảm thấy vui mừng và an tâm vì đã chọn đúng chỗ để gây dựng lại cuộc đời.

      Tuổi thơ của tôi in dấu vườn sau đầy bóng mát của ngôi nhà thuê tại đường Công Quán. Ngôi nhà này ở gần nơi phố thị, xế bên kia đường là rạp hát, chung quanh đầy những gánh hàng rong. Ngày nào chúng tôi cũng phải nghe tiếng loa chát chúa vang dội những bài nhạc, hay những bài hát dân ca của Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết  trước giờ chiếu phim.  Vườn sau rất rộng, có cây doi (cây mận) lớn như cổ thụ trổ đầy trái, gần đó là cái giếng nước mà chị người làm thường đem đồ ra giặt, hay rửa rau trái v.v...  Bên hàng rào lại có một cánh cửa nhỏ thông qua khuôn viên nhà bên cạnh là trường Kim Yến, thỉnh thoảng tôi lại “vượt biên” qua cánh cửa này để chơi với Minh Nhựt, cô bạn hàng xóm sau này là bạn học cùng lớp.

      Năm tôi bắt đầu vào trung học, cha mẹ tôi đã dành dụm được số tiền mua một khu đất gần biển và xây nhà trên đó. Từ nhà đi bộ đến trường Võ Tánh rất gần.  Bước chân vào trường trung học cảm thấy như mình đã lớn hẳn ra, nhưng đối với cha mẹ dường như tôi cũng vẫn còn là đứa con nít ngây thơ khờ dại. Hai năm đầu Đệ Thất và Đệ Lục, tôi học ở trường Võ Tánh, lấy Anh ngữ làm sinh ngữ chính. Lớp học có cả nam lẫn nữ, nhưng hình như phe nam có vẻ lép vế hẳn với sự đông đảo của phe nữ.

      Tôi đi học mặc áo đầm trắng, dường như vì mẹ tôi chưa may áo dài cho tôi thì phải. Tưởng mình là người duy nhất mặc áo đầm, ai ngờ có hai người khác cũng mặc đầm, thế là ba đứa chơi với nhau thật khắng khít và vẫn còn thân đến bây giờ. Đó là hai cô bạn Bích Thủy và Ngộ Khê.  Bích Thủy rất thông minh và giỏi trong mọi lãnh vực, lại có tài ăn nói hay và duyên dáng khiến ai cũng “tâm phục khẩu phục”, còn Ngộ Khê thì vui tính ngay thẳng, dễ hòa đồng.  Duyên nào đã đưa tôi gặp gỡ được hai cô này để có một tình bạn chân thật và bền vững cho đến ngày nay? 

      Năm Đệ Lục trường có tổ chức một buổi văn nghệ lớn ở rạp hát rất đông khán giả, hôm ấy bộ ba chúng tôi cũng lên trình diễn một màn vũ với bài “Alouette” trong chiếc áo đầm xinh xắn, dường như cũng được tán thưởng khá nhiều. Đây là dịp để cho các nghệ sĩ mầm non trổ tài. Tiếng hát đặc biệt của Cẩm Vân trong bài “Nhớ Mầu Hoa Tím” đã thu hút và tạo ấn tượng trong tôi ngày ấy cho đến bây giờ. Trong hậu trường lần đầu tiên tôi được nói chuyện với chị Kim Anh, em gái chị Tường Quy bạn thân với chị Hoàn của tôi. Chị Kim Anh rất đẹp, hiền lành dễ thương với mái tóc thề mơ màng buông xõa. Bỗng một thời gian ngắn sau, tôi nghe tin chị đã bị tử nạn trong một cuộc khủng bố bằng lựu đạn của Việt Cộng ở rạp hát Vĩnh Lợi tại Saigon. Thương thay cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh!

      Bắt đầu năm Đệ Ngũ, tôi rời trường Võ Tánh để chuyển qua trường Nữ Trung Học mới thành lập. Ngày đầu tiên đến trường cảm thấy “buồn 5 phút” vì đang quen với trường Võ Tánh uy nghi hoành tráng, bỗng bây giờ bị tuột dốc “từ nhà lầu xuống nhà trệt” với khung cảnh đơn sơ đạm bạc của ngôi trường mới xây.  Thế nhưng đây lại là ngôi trường mang rất nhiều kỷ niệm và những giờ phút vui tươi đáng nhớ nhất trong tuổi học trò. Lớp học đông hơn với một số bạn học từ các tỉnh chuyển về. Lực lượng giáo sư cũng khá hùng hậu, các thầy cô phần lớn tốt nghiệp từ trường sư phạm Huế, còn rất trẻ nhưng dạy dỗ tận tình với vẻ nghiêm trang mô phạm.  Sân trường nhỏ bé “đi dăm bước đã về chốn cũ”, mà ngày nào ra chơi cũng phải đi một vòng, kiểm điểm đầy đủ bộ mặt bá quan văn võ, và chiêm ngưỡng những người đẹp nổi tiếng.  Giờ thể dục cả lớp đi bộ ra bãi biển hoa chân múa tay, lớp trẻ dại như chúng tôi còn chạy nhẩy chơi đùa, chứ các đàn chị lớn hơn đã có vẻ ngại ngùng.

      Cuộc đời học sinh những năm đệ nhất cấp của tôi trôi qua lặng lẽ không có gì đặc biệt. Tôi vẫn luôn giữ vị thế “thường thường bậc trung” trong các môn học, duy chỉ có môn toán là vất vả. Cô giáo dạy toán dường như lại đặc biệt để ý đến tôi, sẵn sàng khiển trách những lỗi lầm trong các bài tập mà tôi hay gặp phải - mà đúng hơn, mỗi lần nhìn thấy mấy con số chồng chéo lên nhau như mê hồn trận là tôi bắt đầu “tẩu hỏa nhập ma” và rốt cuộc là đường chánh thì không đi, cứ đi theo đường tà... Chắc cô giáo cũng ngán ngẩm và cho tôi thuộc vào loại “hết thuốc chữa”! Ấy thế mà chuyện không tưởng được đã xảy ra, năm vào lớp Đệ Tam, chúng tôi được thầy Đốc dạy môn toán hình học. Thầy dạy rất giỏi và giải thích rõ ràng khiến học trò dễ hiểu. Trông dáng thầy tỏa ra sự uy nghiêm và có vẻ hơi “hung thần” một chút, nên tôi cũng lo sợ lắm, về nhà ráng tập tành “nghiên cứu” kỹ lưỡng những bài toán. Chẳng biết làm sao mà năm ấy tôi lại được chấm nhất môn toán của thầy! Thật là chuyện khó tin nhưng có thật...

      Bắt đầu qua những năm đệ nhị cấp, tôi chọn ban C nên việc học có vẻ khởi sắc hơn, với các môn chính là ngoại ngữ gồm cả Anh, Pháp và văn học Việt Nam. Ban C tập hợp những tâm hồn nghệ sĩ thích văn chương nghệ thuật, nên có tính cách phóng khoáng, các bạn trong lớp dễ trở thành thân thiết với nhau.  Ngồi cùng bàn của Bích Thủy và tôi là một người bạn mới rất hiền lành dễ thương, đó là Tự Tân, cựu học sinh của trường Thánh Tâm, ngôi trường tôi đã theo học trong mấy năm đầu tiên của tiểu học. Tôi đã có nhiều kỷ niệm với Tự Tân trong những dịp đi chơi biển, đi chụp hình vv.. nhất là lúc sau này khi Bích Thủy đã vào Saigon học. Ngoài ra còn những bạn khác thân thiết như Phương Phú, Bạch Võ v.v... và những bạn đã biết từ lâu như Thúy Lan, Minh Nhựt, Bích Khuê, v.v…

      Nói về văn chương, tôi vốn thích đọc sách từ nhỏ, trong nhà lại có nhiều sách đủ loại, từ sách khảo cứu cho đến những truyện tiểu thuyết tiếng Việt hay tiếng Anh, Pháp.  Vì muốn biết nội dung những truyện bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, với cuốn tự điển trong tay, tôi mầy mò vừa đọc vừa tra tự điển, lâu ngày đâm ra giỏi ngoại ngữ.  Những quyển sách này đã đưa tôi vào những nền văn hóa khác biệt với nhiều tình tiết ly kỳ, khiến tôi mơ ước một ngày nào đó sẽ được bay về một nơi chốn xa xôi, chứng kiến những điều mới lạ. Giấc mộng du học của tôi sau này cũng đã thành tựu, nhưng thay vì bay về một phương trời Âu Mỹ nào đó, các nhân duyên kết hợp đã đưa tôi qua Nhật Bản, một quốc gia có sức thu hút lạ kỳ với nền văn hóa đông phương cổ truyền hòa quyện trong một nếp sống văn minh tân tiến.

      Nhắc đến trường cũ, các giáo sư đã để lại nhiều ấn tượng nơi tôi nhất là cô Thứ và cô Cung. Đầu tiên là cô Thứ. Cô Thứ dạy công dân giáo dục, môn học không được để ý đến lắm nhưng cô đã làm cho chúng tôi phải chú ý và nhận thức được sự quan trọng của nó, qua cách giảng dạy điềm đạm mà lôi cuốn, biểu lộ kiến thức sâu rộng và tâm huyết muốn góp phần tạo dựng một xã hội an vui trật tự. Học đường là nơi đào tạo những công dân tương lai có tinh thần kỷ luật và đạo đức, biết trọng nhân phẩm và công lý cho con người. Với tiêu chỉ “Tiên học lễ, hậu học văn”, nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã góp công xây dựng một xã hội văn minh trọng pháp luật và nhân bản. Tiếc thay khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, môn học này đã bị bãi bỏ ngay lập tức và thay vào đó là nền giáo dục nhồi sọ, giáo điều, xem thường đạo đức, tạo nên một thế hệ mới có tầm nhìn nông cạn và vô cảm, chỉ biết chú trọng đến những lợi ích cá nhân.

      Đối với cô Thứ, tôi có niềm kính phục, nhưng đối với cô Cung, tôi dành hết tình cảm cho cô như một người thầy, một người chị. Năm Đệ Tam, cô ở Huế vào bắt đầu dạy môn Anh văn cho lớp C chúng tôi. Cô có cái nhìn thực tế, chú trọng vào việc tập đối thoại trong tiếng Anh hơn là những bài đọc. Cô dạy chúng tôi những chữ thông dụng và những thành ngữ để dùng trong đối thoại, nhờ đó gây sự chú ý và thích thú trong giờ học. Cô là một nhà giáo  thức thời, lại có một tinh thần phóng khoáng và nhiều tình cảm. Cô không ngại ngần tỏ lòng thương yêu của mình đối với một học trò giỏi và ngoan ngoãn.  Học trò cưng nhất của cô dĩ nhiên là Bích Thủy. Nhưng Bích Thủy chỉ học một năm đệ tam rồi sau đó chuyển vào Saigon. Khi Bích Thủy rời trường, tôi là người thứ hai “secours” để cô dành cho những cảm tình thương mến. Cô càng thương, tôi càng cố gắng học hỏi để không phụ lòng của cô. Lớp học đã trở nên như mái nhà thứ hai, trong đó có tình thầy trò, tình bè bạn trong không gian ấm cúng và thân mật.

      Năm Đệ Nhị, Trường Nữ Trung Học Nha Trang đã dọn về địa điểm mới cách trường cũ không xa, một khu đất vuông vắn trong đó xây dựng một ngôi trường nguy nga có hai tầng lầu với nhiều tiện nghi. “Nhà trệt trở về nhà lầu” nhưng tôi lại cảm thấy có điều gì xa cách, vẫn nhớ thương về mái trường cũ.

      Thời gian qua mau, vô thường đến như cơn gió thổi không ai biết trước được. Các anh chị tôi đã vào Saigon, người học đại học, người đi du học nơi xa, khiến mẹ tôi đi đi về về như con thoi, để mình tôi và cha tôi trong căn nhà cô quạnh.

      Cuối cùng cha mẹ tôi quyết định sau niên học lớp Đệ Nhị, đậu Tú Tài I xong, sẽ cho tôi về Saigon trước, ông bà sẽ dọn đi sau khi thu xếp xong công việc. Vào Saigon học là một niềm phấn khởi, nhưng cũng đem đến một nỗi buồn khó tả, nỗi buồn chia ly với những gì thân thuộc, với bạn bè thầy cô, và ngôi trường thân yêu đã ghi dấu bao kỷ niệm thời mộng mơ. Ngày cuối cùng ở Nha Trang, tôi đã mời cô Cung và các bạn đi ăn tối ở một quán ăn gần bờ biển. Lần đầu tiên ăn sơn hào hải vị, nhưng dường như có vị đắng trên môi. Chưa xa nhau mà tôi đã thấy nhớ thương tràn ngập. Lúc chia tay, cô Cung dành trả tiền, để lại cho tôi một món nợ ân tình vẫn chưa trả được.

      Vào Saigon, tôi được nhập học trường Gia Long, một ngôi trường nữ nổi tiếng ở miền Nam có lịch sử lâu dài. Những bước đầu nơi trường mới cũng còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng may mắn tôi lại được học chung với Bích Thủy trong lớp Nhất C 1, và gặp lại Phương Nga, người đầu tiên tôi kết bạn khi mới vào trường Võ Tánh chỉ trong thời gian ngắn hai tuần. Học trò Gia Long có nhiều người học giỏi, dạn dĩ và năng động. Nhìn các bạn nô đùa với nhau mà tôi nhớ đến những ngày dưới mái trường xưa ở Nha Trang, nhớ đến thời gian vui vầy êm ấm cùng các bạn. Chẳng biết các bạn ấy bây giờ ra sao, có ai nhớ đến mình không. Tôi không biết rằng, lớp Đệ Nhị C năm ấy cũng đã rời khỏi trường Nữ Trung Học để qua Võ Tánh học lớp Nhất C, và họ đã có một năm học thật vui vẻ với nhiều kỷ niệm.  

      Một trang sách đã lật qua, để tôi bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời. Nhưng ở một góc nào đó trong tâm tư, những hình ảnh tươi đẹp của thời học trò dưới mái trường Nữ Nha Trang vẫn tồn tại như những gì thân thương quý giá nhất, một phần đời đã tạo nên tôi ngày nay, để bao giờ cũng vẫn còn “một chút gì để nhớ, để thương.”

Ngọc Bảo

Little Saigon- Orange County

Cuối tháng 9, 2021
(viết cho đặc san cuối của Nữ Trung Học Nhatrang)


nhatrang


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc