LY CỐC CHÉN CHUNG - Lê Thiệp

02 Tháng Hai 20237:11 CH(Xem: 589)


Ly – Cốc – Chén – Chung!

Mở đầu bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có câu: “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi”. Gần cuối bài hát lại có câu: “Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do”. Tôi không bàn đến nội dung hay ý nghĩa bài hát này nữa vì bạn ta đã biết. Tôi chỉ chú ý đến 2 chữ “chén” và “ly” tác giả dùng trong bài hát.

“Chén” và “Ly” đều là những đồ dùng để uống hay….nhấp. Theo nghĩa rộng thì “Chén” còn dùng để ăn cơm theo tiếng Nam,tiếng Bắc gọi là “Bát”. Nó là danh từ. Ca dao Việt Nam có những câu:

*“Cơm ăn ba chén lưng lưng”.

*“Chén cơm đôi đũa nằm ngang
Thiếp thấy mặt chàng, đói cũng như no”

----------------------

Ăn một bát cơm,
Nhớ người cày ruộng,
Ăn đĩa rau muống,
Nhớ người đào ao,

Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi

Nếu là động từ thì “Chén” lại mang ý nghĩa một bữa ăn, bữa nhậu…thoải mái, thường dân miền Bắc hay dùng.

“Hôm nào rỗi, gặp nhau “Chén” một bữa cho đã”.

Ngoài ra “Chén”còn có nghĩa là một thang thuốc Bắc(một hỗn hợp chung của nhiều vị thuốc Bắc sắc chung với nhau trong một lần thành thuốc uống)

“Mấy ngày nay cái lưng đau quá”, phải đi ông Lang cắt một “chén” thuốc,

Nói tóm lại thì “Chén” mang nhiều ý nghĩa và được sử dụng tùy theo theo trường hợp.

Còn “Ly” thế nào?

“Ly” là đồ dùng bằng thủy tinh duy nhất dùng để uống hay…nhấp chứ không lỉnh kỉnh như “Chén”. Tiện lợi hơn thì ta dùng một ly giấy, ly nhựa.  Ly cũng là Cốc (theo cách nói miền Bắc). Tuy ý nghĩa hẹp hơn “Chén”, nhưng cũng phải dùng đúng chỗ, đúng nơi, đúng lúc. Buổi sáng mà nhâm nhi cà phê nóng với cái ly nhựa thì coi như mất toi...buổi sáng, phải dùng ly hay cốc bằng thủy tinh. Tại những tiệm fast food họ còn dùng ly giấy, cũng tạm được. Tôi chưa thấy nơi nào dùng ly nhựa uống cà phê nóng, cà phê đá thì….may ra. 

Trong bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, “Chén” và “Ly” là đồ dùng đựng chất….Cồn, có thể là bia là rượu, chứ không thể là ….nước.

Tôi nhớ có một lần đi chung với Lê Thiệp và Ngô Chí Dũng gặp một nhà báo Nhật, nói chuyện xong ông này rủ tụi tôi vào quán nhậu. Tôi thì không lạ, nhưng LT có vẻ lạ có lẽ thấy lần đầu. An tọa xong, thì một nhân viên trong tiệm bước đến. Ông nhà báo nói ngay: Cho tụi tôi hai chai bia. 4 cái ly được đưa ra và người này rót cho người kia, nâng ly lên và ….ực. Xong thủ tục này, ông nhà báo mới hỏi từng người:

“Ông uống gì, whisky hay sake”.

Điều này chứng tỏ những chai bia đầu tiên chỉ dùng để “Chào Nhau”, xong rồi mới đi vào nội dung chính. LT chọn sake nóng, tôi thì uống bia, Ngô Chí Dũng cũng sake nóng. Và mỗi người lại được “trang bị” thêm một cái “Chén” hay “Chung” theo kiểu Nhật. Uống sake phải nhấp từng ngụm, mới thấm chứ không 100% như quân ta nốc bia (tiếng Nhật gọi là 一気ikki)

Bạn ta nên nhớ từ ngữ “sake” nguyên nghĩa là “Chất Cồn, Rượu”. Nếu là rượu Nhật thì phải nói là Nihon shu (日本酒), nhưng có lẽ dùng riết rồi quen, như quân ta hay gọi xe gắn máy là Honda và người Nhật gọi điện thoại cầm tay là keitai (携帯 có nghĩa là mang theo người), bỏ hẳn 2 chữ điện thoại.

Hôm kia có một bà bạn hỏi về ý nghĩa của vài chữ trong bài viết dưới đây của Lê Thiệp cũng cùng tựa đế, nên tiện thể giới thiệu luôn với quân ta vì thấy có chút ít liên quan. Bạn ta đọc nhé.

V.Đ.K

-------

Ly, Cốc, Chén, Chung

Hai người phụ nữ ăn mặc rõ là từ Hà Nội mới qua, gọi món ăn rặt giọng Kẻ Noi không trộn đi đâu được:
 - Cho hai tô tái chần.

 

Người hầu bàn trẻ lịch sự hỏi:

- Thưa có uống gì không ạ?

Người phụ nữ lớn tuổi buông sõng:

- Hai cốc nước.

Khi người hầu bàn đem hai ly Coca-Cola ra, những người Hà Nội dẫy nẩy.

Phải dăm phút sau hai bên mới thông cảm.

Người hầu bàn bưng hai ly đá lạnh ra, lẩm bẩm:

- Đá lạnh thì nói mẹ nó đá lạnh. Gọi Coke rồi lại cãi, nói muốn đá lạnh. Đúng là dân Hà Nội!

***

 
Ly, chung là của miền Nam. Cốc, chén là của miền Bắc. Cụ Yên Đổ chỉ

“Dăm ba chén đã say nhè.” Nhạc sĩ Tuấn Khanh gốc miền Bắc nhưng di cư vào Nam nên đã hòa mình vào với miệt vườn:

“Rượu cạn ly, uống say lòng còn giá.”

Việt Nam nghèo, đồ dùng để uống - đây chỉ nói về rượu - cũng giản dị và nghèo nàn. Để đựng rượu có hũ, bầu, be, chai, cút, xị... Những thứ này hoặc bằng sành, sứ như bầu, be, hũ bình hoặc bằng thủy tinh như chai, cút, xị. Hai tiếng đặc biệt hơn cả là cút và xị. Xị có thể phát xuất từ cái chai xá xị của hãng BGI ở Saigon. Cút là cái chai đựng thứ nước ngọt vàng vàng (kem Soda) có vẽ hình con hươu rất phổ thông ở miền Bắc trước 1954. Cả hai chai này có dung tích chính xác là 23 centilitre, tức gần 1/4 chai một lít, rất lý tưởng cho những bữa đế độc ẩm vào buổi chiều tối sau một ngày làm việc mệt nhọc. Hai tiếng xị và cút nghe thật bắt.

- “Ê cho một xị coi ” hoặc

Sang nhà ông Bác nói để cho bố cút rượu.”

Nó đi sâu vào đời sống của người dân mộc mạc hiền lành. So với thiên hạ thì dân nhậu Việt Nam thiệt thòi nhiều quá. Cứ thử ngó sang Tàu là nước láng giềng thì thấy rõ. Cái gì của Tàu cũng thường được phóng đại tô màu, kiểu chủ tịch Mao vĩ đại và thường bao phủ rất nhiều tuồng tích huyền thoại. Căn bản rượu Tàu giống y Việt Nam đa phần được cất từ ngũ cốc nhưng Tàu có cả trăm tên khác nhau. Thiệu Hưng, Nhi Nữ Hồng, Lê Hoa, Trúc Diệp Thanh, Trạng Nguyên Hồng, Bách Hoa Tửu.. Rượu Thiệu Hưng - hoặc như Nhi Nữ Hồng, Trạng Nguyên Hồng - chẳng qua là rượu nếp của Việt Nam nhưng được tinh cất hơn và không quá ngọt, nó gần giống với Sake của Nhật.

Nhưng qua văn chương thi phú, qua những giai thoại có Đường thi Lý Bạch, có Kinh Kha vượt sông Dịch, nó trở nên một huyền thoại khiến người chưa được thử lòng lúc nào cũng thấp thỏm, đến khi được nếm thì “a, giống như nếp cẩm của ta”. Hay Mao Toại nữa. Trước khi ông Nixon đi Tàu, chẳng ai để ý gì đến cái rượu đế của chú Ba này vì nó chưa chắc thơm và có hậu như Đế Bà Điểm. Nhưng sau bữa đại yến của Mao Hoàng Đế, báo chí thế giới kháo ầm lên và bỗng nhiên Mao Toại nổi tiếng khắp hoàn vũ.

Nhớ Kim Dung? Trong các bộ kiếm hiệp của ông, rượu đóng góp một phần không nhỏ. Trong giới giang hồ đó, Tiêu Phong đáng mặt tửu đồ. Chỉ vì mê uống rượu không thèm để mắt đến một người đàn bà sắc nước hương trời như Mã phu nhân, cuộc đời của Bang chủ Cái Bang sau đó đã trải qua thiên ma bách chiết để rồi phải tự tử ở Nhạn Môn Quan. Tiêu Phong uống rượu hào sảng, không câu nệ tiểu tiết xứng đáng là một tửu đồ. Nhưng đến Lệnh Hồ Xung thì Kim Dung có hơi quá chén khiến rượu xa vời thực tế để trở thành câu chuyện trà dư tửu hậu. Ông bảo khỉ biết nấu rượu và một tên khất cái rình mãi mới ăn trộm được một bầu thì có khi hơi quá chăng?

Còn cái nước Thổ Lồ Phồn là nước nào? Tứ Trang Chúa Đan Thanh trong Mai Trang Tứ Hữu đem rượu Thổ Lồ Phồn ra đãi Lệnh Hồ Xung. Cứ như lời đối đáp của hai tay tửu đồ này thì Thổ Lồ Phồn là xứ cực nóng, ngày xưa Huyền Trang đi thỉnh kinh ở Ấn Độ phải đi qua nước này. Rượu của Thổ Lồ Phồn được tải vào Trung Quốc bằng ngựa qua ngả Tây Tạng. Đứng về phương diện địa dư thì nó nằm đâu đó giữa Ấn Độ và Trung Hoa ngày xưa. Nhưng rượu này màu đỏ được cất bằng nho và nồng độ rượu phải khá cao để “vừa mở nắp ra, hương thơm sực nức” khiến tay kiếm sĩ Thi Lệnh Oai mới ngửi đã say. Rượu lại phải cất và ướp tới bốn lần.

Vậy rượu Bồ Đào đó là rượu gì, của xứ nào? Cứ như thiển ý thì đây là rượu Port - được viết là Porto - vốn của Bồ Đào Nha. Khi Anh và Pháp đánh nhau, dân Ăng Lê không có rượu nho để nhâm nhi. Phớt tỉnh như Ăng Lê, dân Anh quay sang uống rượu nho của Portugal - Bồ Đào Nha. Nhưng rượu nho của Bồ Đào Nha không chịu nổi cảnh vận chuyển xa vời, đến được Anh quốc thì hư, bị chua. Quân ta bèn pha thêm Cognac vào để nồng độ rượu cao hơn, chịu được nỗi gập ghềnh trên đường vạn dậm. Từ đó có một thứ rượu vang được mệnh danh là Port. Nho của Bồ Đào Nha không phải là thứ nho tốt vì đúng như Kim Dung nói, xứ này nóng quá. Nho nơi đây thô, vỏ rất dày, nhiều tanin nên cho dù có pha thêm Cognac vào, rượu Bồ Đào Nha vẫn phải để lâu năm mới ngon. Vintage Porto trung bình phải cỡ 20 năm mới đáng thưởng thức. Vậy nếu rượu của Tứ Trang Chúa đãi Lệnh Hồ Xung là Port thì nước Thổ Lồ Phồn phải là Portugal. Nếu như vậy thì sao rượu này lại vào Trung Quốc qua ngả Tây Tạng? Port chính thức có trên thị trường vào năm 1670 tại thị trấn Oporto và rượu Porto - chữ o câm - để phân biệt với Port của các nơi khác. Loại rượu này hơi ngọt, nồng độ cao hơn vang đỏ, thường uống sau bữa ăn, dùng với cà phê và xì gà. Uống thẳng không pha thêm. Kim Dung cho Hắc Bạch Tử xử dụng âm công Hắc Phong Chỉ biến nước thành băng đá để ướp lạnh rượu Port thì e có hơi kỳ chăng? Hay chỉ có dân Tàu uống Port với nước đá? Xem ra cũng giống như dân Mít ta uống Cognac XO pha với Soda và đá cục vậy.

Cái ông hiếu sự Kim Dung khi viết về rượu đã không quên nói về ly chén. Tổ Thiên Thu ba hoa chích chòe về tửu dụng để lừa Lệnh Hồ Xung uống thuốc. Cứ như Tổ Thiên Thu thì rượu Phồn phải dùng chén ngọc, rượu trắng thì uống bằng chén tê ngưu, bồ đào thì dùng chén dạ quang, rượu cao lương uống bằng chén tước bằng đồng đúc, rượu bách hoa dùng chén cổ đắng làm bằng gỗ cây song cổ, rượu Thiệu Hưng thì dùng chén sành Bắc Tống, rượu Lê Hoa phải có chén phỉ thúy... Đấy là những dật sự.

Một người Tàu Tây học nổi tiếng là ông Lâm Ngữ Đường xem ra không bị cái chủ nghĩa Đại Hán ám ảnh, cái gì của Trung Hoa cũng nhất, cũng vĩ đại. Ông Lâm trong cuốn sách nổi tiếng “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” đã thú nhận rằng về rượu và tửu dụng, Tàu thua Tây xa vì Tàu chỉ có rượu làm bằng ngũ cốc và cách nấu, cách cất không tinh vi bằng rượu của Tây phương.

 

***
“Rượu là lộc hậu của trời ban. Bậc đế vương dùng rượu để di dưỡng thiên hạ, dùng vào việc cúng tế để cầu phước. Rượu còn giúp người khí huyết suy vi, điều dưỡng kẻ có tật bệnh. Cơ thể giao thông được là nhờ ở rượu.”

Đây là câu chép trong Hán Thư của Tàu. Nếu đồng ý như vậy thì cứ mỗi ngày làm dăm ba chung đế Bà Điểm, hai ba chén hạt mít rượu tăm, há chẳng vui ư, há chẳng giúp cơ thể máu huyết lưu thông ư? Chung, chén, ly, cốc - hoặc như Tàu của Kim Dung với dạ quang, phỉ thúy gì gì đi nữa e chỉ là cái phụ chăng?

Lê Thiệp

Trích trong Chân Ướt Chân Ráo do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản

Địa chỉ liên lạc: P.O.Box 4653 Fall Church VA 22044 USA

 

Hình chỉ có tính cách minh họa.

rượu
Rượu 1
Rượu 2

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc