Chuyện xứ Phù Tang
Vũ Đăng Khuê
Một vòng dạo quanh nước Nhật tháng 3/năm 2025
Hai mươi năm trước, tôi bắt đầu viết những bài đầu tiên cho loạt bài “Chuyện xứ Phù Tang”, với tấm lòng đầy háo hức và tò mò. Ý định ban đầu chỉ đơn giản là ghi lại những câu chuyện “giản đơn” về cuộc sống ở Nhật Bản – một xứ sở mà tôi đã chọn là nơi định cư. Thời điểm ấy, mọi thứ dường như vẫn còn trong “tầm kiểm soát”, “thuở trời đất chưa nổi cơn gió bụi”, tôi có thể thoải mái bông đùa, châm biếm mà không sợ bị cuốn vào những vấn đề quá nặng nề.
Nhưng giờ đây, vào năm 2025, sau hai thập kỷ trôi qua, ngồi lại trước bàn phím với một cảm giác vừa quen vừa lạ. “Vật đã đổi, sao đã dời” – Nhật Bản của hôm nay không còn là đất nước mà tôi từng viết với giọng điệu nhẹ nhàng nữa. Có những thứ đã thay đổi vượt ngoài dự đoán: công nghệ AI bùng nổ, xã hội chuyển mình, nhưng cũng có không ít chuyện cứ lặp đi lặp lại như một vòng tròn luẩn quẩn, một vở kịch dài tập mà đạo diễn dường như đã quên viết đoạn kết. Chỉ khác là giờ đây, mọi thứ trầm trọng hơn, dữ dội hơn, và đôi khi buồn cười đến mức khiến người ta rơi nước mắt. Chính vì vậy, tôi lại cầm bút, tiếp tục kể những câu chuyện vui buồn lẫn lộn của xứ Phù Tang – nơi mà chỉ cần một cái “hắt hơi” của một cha nội nào đó là thị trường chứng khoán đỏ rực, một câu nói hớ hênh “Thất Ngôn” lập tức biến thành “Bát Cú” gây bão dư luận ngay, một vụ bê bối tình ái “nhỏ như con thỏ” lại có thể kéo theo cả một chuỗi từ chức, tái chức, rồi lại từ chức của các ông tai to mặt lớn, chẳng hạn chuyện lăng nhăng tình ái của cái anh chàng NAKAI (Smap) khiến ông Chủ Tịch, Tổng Giám Đốc của một đài truyền hình nọ phải ngậm ngùi từ chức, đúng là cái vòng xoáy không hồi kết.
Hôm nay, xin mời bạn ta cùng tôi dạo một vòng quanh nước Nhật năm 2025, để xem tháng 3 vừa qua có gì đáng để cười, đáng để khóc, hay cả hai cùng lúc. Từ những scandal chính trị ngớ ngẩn đến những phán quyết lịch sử, rồi đến những vấn đề kinh tế đời thường – tất cả đều là những mảnh ghép trong bức tranh hỗn loạn của xứ sở mặt trời mọc.
Vụ Thủ Tướng Shigeru Ishiba và 100.000 yên phiếu mua hàng: “Quà tặng” hay “đòn chí mạng”?
Vào đầu tháng 3 năm 2025, chính trường Nhật Bản lại một lần nữa rung chuyển bởi một vụ việc mà chỉ có thể mô tả là “đỉnh cao của sự ngây thơ chính trị pha lẫn chút vụng về khó đỡ”. Thủ tướng Shigeru Ishiba, người vừa nắm quyền chưa đầy nửa năm sau khi kế nhiệm Fumio Kishida trong một cuộc bầu cử đầy sóng gió, vốn được xem là một lãnh đạo “sạch sẽ” với cam kết cải cách sâu rộng. Ông lên nắm quyền vào cuối năm 2024 với hy vọng vực dậy Đảng Dân chủ Tự do (LDP) sau thất bại ê chề trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 27/10/2024, khi LDP mất thế đa số tuyệt đối lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông đã tự đẩy mình vào một cơn bão scandal mà có lẽ chính ông cũng không lường trước được hậu quả.
Chuyện bắt đầu từ một ý tưởng tưởng chừng rất “nhân văn”. Để chào mừng 15 dân biểu trẻ tuổi vừa đắc cử trong cuộc bầu cử Hạ viện – những “lính mới” đầy nhiệt huyết của LDP – Ishiba quyết định tổ chức một bữa tối thân mật tại tư dinh của mình vào ngày 3/3/2025. Bữa tối diễn ra trong không khí ấm cúng, với những cái bắt tay nồng nhiệt, những lời khuyến khích đầy cảm hứng, và cả những ly rượu sake được nâng lên để chúc mừng tương lai tươi sáng của đảng. Nhưng điều khiến sự kiện này trở thành tâm điểm chú ý không phải là những bài phát biểu hoa mỹ, mà là những phong bì nhỏ được nhân viên của Ishiba lặng lẽ gửi đến văn phòng của 15 nghị sĩ này ngay sau bữa tiệc. Bên trong mỗi phong bì là phiếu mua hàng trị giá 100.000 yên (khoảng 670 USD theo tỷ giá thời điểm đó), kèm theo một lời nhắn nhủ đầy tình cảm: “Cảm ơn các bạn vì đã nỗ lực trong chiến dịch bầu cử, giờ thì đi mua sắm chút để thư giãn nhé!”
Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, có lẽ đây chỉ là một câu chuyện ấm lòng giữa những ngày đông lạnh giá ở Tokyo. Nhưng đời đâu có đơn giản như một bộ phim tình cảm Nhật Bản với cái kết viên mãn. Đến ngày 13/3, vài nghị sĩ trẻ – có thể vì quá ngây thơ hoặc cố tình “đánh bóng” tên tuổi – đã “vô tư” kể lại chuyện này với các phóng viên trong một buổi họp báo. Chỉ trong vài giờ, tin tức lan truyền như lửa cháy trên đồng cỏ khô. Các tờ báo lớn như Asahi Shimbun, Yomiuri Shimbun và cả những trang tin tức trực tuyến đồng loạt giật tít: “Thủ tướng Ishiba phát phiếu mua hàng 100.000 yên cho nghị sĩ mới – Hối lộ hay quà tặng?” Trên mạng xã hội X, nhanh chóng tràn ngập hàng loạt bình luận mỉa mai: “100.000 yên? Làm cả tháng chưa chắc mua nổi một bữa sushi ngon miệng!” hay “Nếu ông ấy thương dân thật, sao không phát phiếu cho cả nước mà chỉ ưu ái mấy ông nghị sĩ mới tinh?”
Công chúng phẫn nộ không phải vì số tiền 100.000 yên quá lớn – thực tế, nó chẳng thấm tháp gì so với mức sống ở Nhật Bản – mà vì sự tương phản rõ rệt giữa hành động của Ishiba và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của người dân. Lạm phát đang ở mức cao nhất trong 30 năm, đồng yên yếu đến mức được ví như “lá mùa thu rụng”, và giá cả hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, rau củ tăng chóng mặt. Trong bối cảnh ấy, hình ảnh một thủ tướng “hào phóng” tặng phiếu mua sắm cho các nghị sĩ trẻ – những người vốn đã có lương cao và trợ cấp hậu hĩnh – khiến người dân cảm thấy như bị xúc phạm. Một người dùng X viết: “Tôi đếm từng đồng để mua tô kakesoba (soba không người lái), còn các ông thì đi shopping bằng tiền thuế của tôi à?”
Phe đối lập, đặc biệt là Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), không bỏ lỡ cơ hội này. Họ nhanh chóng tổ chức họp báo, gọi vụ việc là “hối lộ trá hình” và yêu cầu ThủTướng Ishiba ra điều trần trước Ủy ban Đạo đức Chính trị Hạ viện. Lãnh đạo CDPJ, Kenta Izumi, chỉ trích gay gắt: “Đây không phải là quà tặng, đây là hành vi mua chuộc trắng trợn để củng cố quyền lực trong nội bộ LDP!” Trong khi đó, các đảng nhỏ hơn như Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) còn kêu gọi điều tra nguồn gốc số tiền dùng để mua phiếu, đặt câu hỏi liệu Ishiba có sử dụng quỹ chính trị hay thậm chí tiền công quỹ hay không.
Trước áp lực dư luận, Ishiba buộc phải lên sóng truyền hình quốc gia vào tối ngày 14/3 để thanh minh. Trong bộ vest đen chỉnh tề, ông đứng trước micro với vẻ mặt đầy căng thẳng, giải thích rằng số tiền mua phiếu hoàn toàn là “từ túi riêng” của ông, không liên quan đến quỹ chính trị hay vi phạm Luật Bầu cử Công chức. “Tôi chỉ muốn khuyến khích tinh thần các nghị sĩ trẻ, những người đã làm việc cật lực trong chiến dịch bầu cử,” ông nói, giọng điệu như một người cha bị hiểu lầm khi dúi tiền tiêu vặt cho con. Ông còn cúi đầu xin lỗi – một động thái quen thuộc của các chính trị gia Nhật Bản khi đối mặt scandal – và thừa nhận mình “thiếu nhạy cảm” với tâm tư của người dân. Nhưng lời xin lỗi ấy, như mọi lần, chỉ mang tính xoa dịu chứ không làm ai thực sự hài lòng.
Ngày hôm sau, 15/3, dưới sức ép từ cả dư luận và nội bộ đảng, 15 nghị sĩ trẻ đành ngậm ngùi trả lại phiếu mua hàng. Một số người còn công khai xin lỗi trên truyền thông, nói rằng họ “không ngờ việc nhận quà lại gây ra hiểu lầm lớn đến vậy”. Nhưng trong lòng, chắc hẳn họ không khỏi tiếc nuối những bữa sushi hảo hạng hay bộ vest mới đã lỡ lên kế hoạch mua sắm. Chuyện tưởng chừng đã hạ màn, nhưng thực tế nó mới chỉ là màn mở đầu cho một chuỗi sóng gió lớn hơn.
Vụ việc này như giọt nước tràn ly trong bối cảnh chính phủ Ishiba vốn đã mong manh sau thất bại bầu cử năm 2024. Với việc LDP chỉ còn nắm chính quyền thiểu số và phải dựa vào liên minh lỏng lẻo với các đảng nhỏ, Ishiba đang phải đối mặt với áp lực từ cả bên ngoài lẫn bên trong. Các cuộc thăm dò dư luận do 2 tờ báo Mainichi và Yomiuri thực hiện giữa tháng 3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính phủ lao dốc không phanh: từ 40% hồi tháng 2 xuống còn 23% (Mainichi) và 31% (Yomiuri). Một số nhà phân tích chính trị còn dự đoán rằng nếu không giải quyết tốt khủng hoảng này, Ishiba có thể bị chính các đồng minh trong LDP quay lưng, thậm chí đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay trong năm nay.
Công chúng thì vừa cười vừa khóc. Cười vì sự ngớ ngẩn của vụ việc – ai mà ngờ một “món quà” nhỏ lại gây ra sóng gió lớn đến vậy? Khóc vì họ nhận ra rằng đằng sau cái vẻ ngoài hào nhoáng của chính trị Nhật Bản, vẫn là những trò ban phát đặc quyền chẳng khác gì thời phong kiến. Một người dân ở Osaka chia sẻ: “LDP không bao giờ thay đổi. Họ cứ nghĩ dân chúng là con nít, chỉ cần xin lỗi là xong.” Vụ phiếu mua hàng 100.000 yên, tưởng nhỏ mà hóa ra lại là một đòn chí mạng, làm lộ rõ sự đứt gãy giữa chính quyền và người dân trong thời điểm nhạy cảm.
Phán quyết giải tán Giáo hội Thống Nhất: Khi niềm tin biến thành tiền
Ngày 25/3/2025, Tòa án Địa phương Tokyo đã làm nên lịch sử với một phán quyết gây chấn động: giải tán Giáo hội Thống Nhất – một tổ chức tôn giáo gây tranh cãi từ lâu tại Nhật Bản. Đây là lần thứ ba trong lịch sử hiện đại của nước này, một tổ chức tôn giáo bị “xóa sổ” bởi lệnh tòa án, sau vụ Aum Shinrikyo năm 1995 và một nhóm Chùa Minh Giác (明覚寺) vào đầu những năm 2000. Phán quyết này không chỉ là một cú đấm knock-out vào Giáo hội Thống Nhất mà còn mở ra một chương mới trong cuộc tranh luận về tự do tôn giáo, lòng tin của con người, và cách mà niềm tin ấy đôi khi bị lợi dụng để biến thành tiền bạc. Nghe thì nghiêm túc, nhưng câu chuyện đằng sau nó lại đầy những tình tiết vừa bi vừa hài, khiến người ta không biết nên cười vì sự phi lý hay khóc cho những nạn nhân.
Giáo hội Thống Nhất, được thành lập tại Hàn Quốc vào năm 1954 bởi Mục sư Sun Myung Moon, đã đặt chân đến Nhật Bản từ những năm 1960 và nhanh chóng thu hút được hàng chục nghìn tín đồ. Với thông điệp về hòa bình thế giới, gia đình lý tưởng và những nghi lễ kết hôn tập thể hoành tráng, tổ chức này từng được xem là một hiện tượng văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ, danh tiếng của Giáo hội dần bị bôi đen bởi vô số cáo buộc: từ việc ép buộc tín đồ hiến tặng tài sản, thao túng tâm lý, đến việc duy trì mối quan hệ mờ ám với các chính trị gia bảo thủ, đặc biệt là trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Những câu chuyện về các gia đình tan vỡ vì mẹ cha “dâng hết tiền bạc cho giáo hội” hay con cái bị bỏ rơi vì cha mẹ quá mê muội không còn là điều xa lạ.
Mọi thứ bùng nổ sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 8/7/2022 tại Nara. Hung thủ, Tetsuya Yamagami, khai rằng động cơ của hắn xuất phát từ lòng căm hận Giáo hội Thống Nhất. Theo lời Yamagami, mẹ hắn đã bị tổ chức này “tẩy não”, ép buộc hiến tặng hàng trăm triệu yên – số tiền mà gia đình tích lũy qua nhiều năm – dẫn đến phá sản và cuộc sống rơi vào bế tắc. Vụ ám sát chấn động không chỉ làm rung chuyển chính trường Nhật Bản mà còn khơi mào một cuộc điều tra sâu rộng nhằm vào Giáo hội. Và những gì được phanh phui sau đó còn vượt xa trí tưởng tượng của bất kỳ ai.
Các nhà điều tra phát hiện rằng trong suốt hơn 50 năm hoạt động tại Nhật Bản, Giáo hội Thống Nhất này đã “vắt” hàng nghìn tỷ yên từ tín đồ thông qua các phương pháp quyên góp đầy tranh cãi. Họ tổ chức những buổi lễ cầu nguyện xa hoa, nơi các tín đồ được yêu cầu “hiến tặng” tiền bạc để đổi lấy sự “cứu rỗi linh hồn” hoặc “phước lành cho gia đình”. Một số người thậm chí bán nhà, vay nợ ngân hàng, hoặc từ bỏ toàn bộ tài sản để đáp ứng yêu cầu của Giáo hội. Chưa dừng lại ở đó, các tài liệu nội bộ bị rò rỉ cho thấy tổ chức này còn duy trì một mạng lưới quan hệ chặt chẽ với hàng chục chính trị gia LDP, bao gồm cả cố Thủ Tướng Abe, thông qua các khoản tài trợ ngầm và sự hỗ trợ trong các chiến dịch bầu cử. Một báo cáo từ tờ Mainichi Shimbun tiết lộ rằng ít nhất 120 nghị sĩ LDP từ năm 1980 đến nay đã từng nhận sự giúp đỡ từ Giáo hội, đổi lại là sự bảo kê về mặt pháp lý và chính trị.
Sau vụ ám sát ông Abe, dư luận Nhật Bản sục sôi. Người dân bắt đầu đặt câu hỏi: “Tại sao một tổ chức như vậy lại được phép hoạt động tự do suốt hàng thập kỷ?” Áp lực buộc chính phủ phải hành động. Từ năm 2023, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) mở cuộc điều tra toàn diện và quyết định khởi kiện yêu cầu giải tán Giáo hội Thống Nhất theo Điều 81 của Luật Dân sự, với cáo buộc tổ chức này đã “gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích công cộng”. Phía Giáo hội phản pháo dữ dội, thuê một đội ngũ luật sư hùng hậu để bảo vệ mình, kéo vụ kiện thành một trận chiến pháp lý căng thẳng kéo dài gần hai năm. Hơn 5.000 tài liệu được trình lên tòa, 170 nhân chứng – từ các cựu tín đồ, chuyên gia tôn giáo, đến các nhà hoạt động xã hội – đã ra làm chứng, biến vụ kiện thành một trong những sự kiện pháp lý lớn nhất thập kỷ.
Đến ngày 25/3/2025, sau nhiều tháng tranh cãi, Thẩm phán Tòa án Địa phương Tokyo tuyên bố phán quyết: “Giáo hội Thống Nhất đã lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi tài chính một cách có hệ thống, gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống của hàng nghìn người dân.” Tòa ra lệnh giải tán tổ chức này, đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản – ước tính trị giá hàng trăm tỷ yên – để lập quỹ bồi thường cho các nạn nhân. Phòng xử án hôm đó chật kín người, từ các phóng viên, luật sư, đến những cựu tín đồ với đôi mắt đỏ hoe vì cuối cùng cũng thấy công lý được thực thi.
Tuy nhiên, Giáo hội này không dễ dàng đầu hàng. Ngay sau phán quyết, họ tổ chức họp báo tại Tokyo, gọi đây là “cuộc tấn công chưa từng có vào tự do tôn giáo” và tuyên bố sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Một đại diện của Giáo hội khẳng định: “Chúng tôi hoạt động dựa trên niềm tin chân chính, và phán quyết này là sự bóp méo sự thật.” Nhưng giới chuyên gia pháp lý chỉ cười khẩy. Một giáo sư luật từ Đại học Tokyo nhận định: “Bằng chứng đã rõ như ban ngày – từ lời khai của nạn nhân, tài liệu tài chính, đến các đoạn ghi âm bí mật. Kháng cáo chẳng qua là đòn kéo dài thời gian vô ích.”
Công chúng Nhật Bản phản ứng ra sao? Vừa hả hê vừa ngao ngán. Hả hê vì sau bao năm, một tổ chức bị xem là “ký sinh trùng xã hội” cuối cùng cũng bị trừng trị. Ngao ngán vì scandal này lại kéo LDP vào tâm bão, dù Ishiba không trực tiếp liên quan. Cái bóng của những nghị sĩ từng nhận tài trợ từ Giáo hội vẫn khiến đảng cầm quyền bị réo tên không ngớt trên các diễn đàn trực tuyến và báo chí. Một người dùng X viết: “Hài hước sao nổi khi cả chính trị gia cũng nhảy vào cái bẫy niềm tin này?” Một lần nữa, xứ Phú Tang chứng minh rằng ở đây, niềm tin không chỉ là thứ để cầu nguyện, mà đôi khi còn là công cụ để kiếm tiền và củng cố quyền lực.
Giá thực phẩm, gas, điện, nước tăng vọt: Người dân khốn khó, du khách lại mê mẩn!
Không chỉ có những scandal chính trị làm người dân Nhật Bản đau đầu, mà ngay cả những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống – thực phẩm, gas, điện, nước – cũng đang trở thành gánh nặng không nhỏ trong những tháng đầu năm 2025. Lạm phát cao, đồng yên yếu, và chi phí sản xuất tăng vọt đã khiến giá cả mọi thứ đồng loạt leo thang, đẩy đời sống của người dân địa phương vào cảnh khốn khó chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Nhưng điều trớ trêu là, trong khi người Nhật phải thắt lưng buộc bụng, thì khách du lịch nước ngoài lại tìm thấy một thiên đường du lịch rẻ, ngon và đầy cảnh đẹp ở xứ PhùTang.
Hãy bắt đầu với thực phẩm. Ngoài gạo – thứ mà tôi sẽ đề cập chi tiết sau – các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng giá chóng mặt. Một ký thịt bò Wagyu thượng hạng, vốn là niềm tự hào của ẩm thực Nhật Bản, giờ đây có giá trung bình 15.000 yên (khoảng 100 USD), tăng gần 30% so với năm 2024. Cá ngừ tươi, nguyên liệu không thể thiếu cho sushi, cũng đắt đỏ hơn bao giờ hết: một miếng sashimi cá ngừ chất lượng cao tại chợ Tsukiji giờ đây có thể lên đến 2.000 yên, khiến nhiều người dân phải ngậm ngùi chuyển sang các loại cá rẻ hơn như cá thu hay cá mòi. Rau củ cũng không nằm ngoài vòng xoáy này: một cây bắp cải nhỏ giờ đây có giá 500 yên, gấp đôi so với hai năm trước, còn khoai tây và cà rốt thì tăng lần lượt 40% và 50%. Nguyên nhân chính là do thời tiết thất thường làm giảm sản lượng nông nghiệp, trong khi chi phí vận chuyển và phân bón tăng cao do giá dầu toàn cầu leo thang.
Chưa dừng lại ở đó, các dịch vụ công cộng như gas, điện và nước cũng đồng loạt “đội giá”. Một hộ gia đình trung bình ở Tokyo giờ đây vào mùa Đông phải trả khoảng 25.000 yên mỗi tháng cho tiền điện – tăng 35% so với năm 2023 – do các nhà máy điện phải nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch với giá cao hơn trong bối cảnh đồng yên mất giá. Gas, thứ không thể thiếu để nấu nướng và sưởi ấm trong những ngày đông lạnh giá, cũng tăng gần 40%, với hóa đơn trung bình lên đến 10.000 yên/tháng cho một gia đình bốn người. Mẹ cháu than thở: “Mọi thứ đều tăng, từ cái ăn đến cái mặc, cái sưởi. Lương thì chẳng tăng, làm sao bây giờ bố?”. Tôi chỉ cười và nói cho qua: “Đến đâu hay đến đó bà ơi”.
Đối với người dân Nhật Bản, đây là một thực tế khắc nghiệt. Nhiều gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu, từ việc ăn ít thịt cá hơn, tắt bớt đèn điện vào ban đêm, đến việc chuyển sang dùng bếp dùng củi thay vì gas để tiết kiệm. Các quán ăn bình dân – nơi người lao động thường ghé qua để ăn trưa – cũng phải tăng giá thực đơn từ 500 yên lên 700-800 yên, khiến những bữa ăn đơn giản như ramen hay cơm cà ri trở thành thứ xa xỉ với không ít người. Một nhân viên văn phòng ở Tokyo chia sẻ: “Trước đây tôi ăn ngoài ba lần một tuần, giờ thì phải mang cơm hộp từ nhà đi làm. Nhưng ngay cả nấu ăn ở nhà cũng tốn kém hơn nhiều.”
Thế nhưng, trong khi người dân địa phương đang chật vật với cuộc sống đắt đỏ, khách du lịch nước ngoài lại nhìn thấy một nước Nhật hoàn toàn khác – một điểm đến rẻ chưa từng có, đầy ắp món ngon và cảnh đẹp. Với đồng yên yếu (khoảng 150 yên đổi 1 USD vào tháng 3/2025), chi phí du lịch tại Nhật Bản trở nên cực kỳ hấp dẫn đối với người nước ngoài. Một bữa sushi cao cấp tại Ginza, vốn có giá 30.000 yên (200 USD), giờ đây chỉ tương đương với một bữa ăn trung bình tại Mỹ hay châu Âu. Một đêm nghỉ tại ryokan truyền thống ở Kyoto, bao gồm bữa tối, chỉ còn khoảng 150 USD – mức giá mà du khách từ phương Tây hay Trung Quốc cho là “quá hời”. Vé tàu Shinkansen từ Tokyo đến Osaka, dù vẫn là 14.000 yên, nhưng đổi ra tiền đô chỉ còn chưa đến 100 USD – rẻ hơn nhiều so với các tuyến tàu cao tốc ở châu Âu.
Chưa kể, Nhật Bản vẫn giữ được sức hút vốn có: những con đường hoa anh đào rực rỡ vào mùa xuân, những ngôi chùa cổ kính ở Nara, những suối nước nóng yên bình ở Hakone, và ẩm thực đường phố tuyệt vời như takoyaki ở Osaka hay okonomiyaki ở Hiroshima. Với du khách, mọi thứ đều “ngon, bổ, rẻ”. Một du khách Mỹ đăng trên X: “Tôi vừa ăn một bữa sushi ngon nhất đời với giá chưa đến 50 đô la, lại còn ngắm hoa anh đào miễn phí. Nhật Bản đúng là thiên đường!” Trong khi đó, một người Nhật trả lời đầy chua chát: “Vui cho anh đấy, còn tôi thì đang đếm từng đồng để mua gạo.”
Sự tương phản này tạo nên một nghịch lý kỳ lạ ở xứ PhùTang năm 2025: người dân bản địa sống trong cảnh túng thiếu, còn du khách nước ngoài lại tận hưởng một kỳ nghỉ trong mơ. Ngành du lịch, không ngạc nhiên, đang bùng nổ với lượng khách quốc tế tăng kỷ lục, mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế. Nhưng với nhiều người dân, niềm vui ấy chẳng thuộc về họ. Một người bán hàng rong ở Tokyo nói: “Khách du lịch đến đông thật, nhưng tôi chẳng thấy đời mình khá lên. Họ ăn xong rồi đi, còn tôi thì vẫn phải trả hóa đơn điện gấp đôi.” Một lần nữa, Nhật Bản cho thấy rằng trong thời đại này, cái gì cũng có hai mặt – chỉ tùy vào việc bạn đứng ở phía nào mà thôi.
Trứng gà khan hiếm ở Mỹ, gạo đắt đỏ ở Nhật: Khi cái ăn cũng thành xa xỉ
Rời xa nước Nhật một chút, tôi muốn kể thêm câu chuyện về hai thứ tưởng chừng giản dị nhưng giờ đây lại trở thành “hàng hiếm” ở hai đầu thế giới: trứng gà ở Mỹ và gạo ở Nhật. Đây không chỉ là vấn đề của riêng từng quốc gia, mà còn là minh chứng cho sự mong manh của chuỗi cung ứng thực phẩm trong thời đại đầy biến động.
Ở Mỹ, giá trứng gà tăng vọt từ cuối năm 2024 đến nay, khiến người dân phải xếp hàng dài trước các siêu thị để mua với giá cao gấp ba lần so với trước đây. Nguyên nhân chính là dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh, quét sạch hàng triệu con gà đẻ trứng trên khắp các tiểu bang như Iowa, Ohio và California. Chi phí thức ăn chăn nuôi cũng leo thang do giá ngô và đậu nành tăng, trong khi chuỗi cung ứng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Một bà nội trợ ở Texas than thở trên truyền hình: “Tôi phải trả 8 đô la cho một tá trứng. Trước đây, con số đó chỉ là 2 đô la!” May mắn là gần đây, giá trứng đã bắt đầu giảm nhẹ nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhưng người dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi cái ăn hàng ngày bỗng trở thành xa xỉ.
Còn ở Nhật, gạo – linh hồn của bữa cơm gia đình – cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Năm 2025, giá gạo tăng chóng mặt, có nơi lên đến 5.000 yên cho một bao 5kg, gấp đôi so với năm trước. Thời tiết thất thường với hạn hán kéo dài và nhiệt độ cao đã làm giảm sản lượng lúa ở các vùng trồng trọt lớn như Niigata và Akita. Chính sách bảo hộ nông nghiệp cứng nhắc của Nhật Bản, vốn hạn chế nhập khẩu gạo nước ngoài để bảo vệ nông dân trong nước, giờ đây lại phản tác dụng khi nguồn cung nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu. Chi phí sản xuất cao – từ phân bón, máy móc, đến nhân công – càng đẩy giá gạo lên ngất ngưởng. Chính phủ cũng đã xuất kho dự trữ để mong giá gạo xuống, nhưng vẫn chưa thấy kết quả. Nghe nói gạo Việt Nam cũng sẽ có mặt tại những quầy bán gạo trong vài ngày tới. Người dân hai nước chỉ biết nhìn nhau mà thở dài: “Ăn uống giờ cũng thành đặc quyền sao trời?” Giải pháp thì ai cũng nói được, nhưng thực hiện lại là cả vấn đề. Trong ngắn hạn, Mỹ có thể tăng nhập khẩu trứng từ nước ngoài, còn Nhật có thể nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Thái Lan hay Việt Nam, đồng thời trợ giá cho người tiêu dùng. Về dài hạn, cả hai cần đầu tư vào công nghệ nông nghiệp, đa dạng hóa nguồn cung, và cải cách chính sách để thích nghi với thực tế mới. Nhưng ở Nhật, nông dân lo sợ mất việc nếu mở cửa thị trường, còn ở Mỹ, người ta e ngại trứng nhập khẩu không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Thế là cả hai cứ loay hoay trong vòng luẩn quẩn, trong khi người dân tiếp tục đếm từng đồng để mua gạo, mua trứng với ánh mắt xa xăm.
Câu chuyện tưởng đơn giản mà hóa ra lại phức tạp đến không ngờ.
Kết luận: Cười hay khóc đây?
Nhật Bản năm 2025 là một bức tranh hỗn độn đầy màu sắc, nơi những scandal chính trị ngớ ngẩn, những phán quyết tôn giáo lịch sử, những áp lực kinh tế đời thường đan xen vào nhau. Mỗi sự kiện là một vở kịch ngắn, vừa hài hước vừa bi kịch, khiến người ta không biết nên cười vì sự phi lý hay khóc cho những mất mát. Vụ phiếu mua hàng của Ishiba cho thấy sự ngây thơ và thiếu nhạy bén của giới lãnh đạo. Phán quyết giải tán Giáo hội Thống Nhất phơi bày mặt tối của niềm tin và quyền lực. Giá thực phẩm, gas, điện, nước tăng vọt làm đời sống người dân lao đao, nhưng lại biến Nhật Bản thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Và câu chuyện về gạo, về trứng nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những thứ tưởng chừng đơn giản nhất cũng có thể trở thành xa xỉ trong thời đại này.
Qua tất cả những biến động ấy, nhưng tôi vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở, và vẫn cố gắng làm đẹp cho đất nước mà tôi đã chọn làm quê hương thứ hai. Tôi đã đặt chân đến Nhật Bản với bao hy vọng và giấc mơ, và dù cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng – từ những ngày đầu bỡ ngỡ với ngôn ngữ, văn hóa, đến những lúc phải đối mặt với khó khăn kinh tế như hôm nay – tôi vẫn luôn mang trong lòng một niềm biết ơn sâu sắc. Tôi xin cảm ơn chính phủ và người dân Nhật Bản, không chỉ vì đã cưu mang tôi và gia đình tôi, mà còn dang rộng vòng tay đón nhận hàng ngàn, hàng vạn người Việt tị nạn khác, cho chúng tôi một cơ hội để xây dựng cuộc sống mới. Dù có những ngày giá gạo tăng cao, hóa đơn điện làm tôi giật mình, hay những cơn bão scandal làm lòng tôi chao đảo, tôi vẫn chọn ở lại đây, vẫn nỗ lực mỗi ngày để góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của xứ Phù Tang – xứ sở đã “dưỡng” tôi gần như suốt cả cuộc đời.
Sang tháng 4, có nên viết tiếp không bạn ta? À, chợt nhớ 2 câu thơ khiến cái cổ lại đau đau buốt buốt rồi cái buồn tự dưng kéo đến!
“Mỗi năm cứ đến ngày oan trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương”
Để xem cái đã! Chuyện tính sau.
V.Đ.K
Hai tấm hình hài hước trên do thằng em Chat GPT vẽ giúp đấy.