Ý XUÂN TRONG THƠ THIỀN - Tuệ Phong

10 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 57331)



 Ý xuân trong thơ thiền



 mai_tet-content Thơ tức họa và họa tức thơ, có nghĩa thơ là bức tranh, bức họa mà tác giả muốn vẽ ra, ngược lại tranh hay họa là những vần thơ không lời. Những vần thơ tuyệt tác cũng là bức tranh tuyệt hảo không thể dùng bút giấy để vẽ lên được.


 Xuân, hạ, thu, đông trong bốn mùa, mùa xuân cũng là một trong bốn mùa tạo một niềm cảm hứng cho thi nhân nhiều nhất. Có lẽ mùa xuân biểu tượng cho sự đổi mới, một chu kỳ mới bắt đầu cũng biểu tượng cho niềm tin, sức sống bừng lên, khởi sắc, hy vọng, một cái gì ấm áp của đất trời trở về sau những cái lạnh cắt da, vạn vật cuộn thu nhỏ lại của mùa đông.


 

 Trong không khí xuân biểu tượng sự trong sáng thanh tịnh, chúng ta hãy thử tìm hiểu ý nghĩa những vần thơ xuân mang hương thiền và tâm tình tác giả.

 

 

 Từ xa xưa những vị Thiền Sư thường hay dùng câu kệ hay bài thơ về thiên nhiên để diễn đạt ý thiền. Chúng ta thấy tư tưởng Thiền thẩm thấu vào toàn thể nền văn hoá viễn đông qua các bộ môn nghệ thuật như hoa đạo, trà đạo, thư đạo v.v, và tập quán đời sống. Thiền không chỉ đến với đời sống qua nghệ thuật, với khái niệm đơn sơ, giản dị, ngay thẳng và hùng tráng của Thiền có sức quyến rũ mạnh đến thành phần võ sĩ Nhật Bản. Tu tập Thiền giúp cho họ không chỉ sống hòa nhịp với trời đất, giác ngộ tinh thần vô ngã mà còn khắc phục tinh thần sợ chết. Có nhiều bài thơ đã nói lên tinh thần này của người võ sĩ, chẳng hạn như bài thơ sau trích dẫn từ “Phật Quang Quốc Sự Ngữ Lục” như sau:

 

“Càn khôn vô địa trác cô trúc.

 Thả hỉ nhân không pháp diệc không.

 Trân trọng đại Nguyên tam xích kiếm.

 Điện quang ảnh lý trảm xuân phong.

 


Phỏng dịch:


Sừng sng một mình giữa càn khôn.

 Vui thay pháp không ngã cũng không.

 Hào hùng Hiệp sĩ vung thanh kiếm.

 Nhanh như chớp cắt cả gió xuân.


 

 Vào thế kỷ thứ 11 ở Việt Nam, Thiền Sư Mãn Giác (1052-1096) thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông đời nhà Lý, được vua Lý Nhân Tông phong tước hiệu Hoài Tín Đại Sư. Theo Thiền Uyển Tập Anh, Thiền Sư đã làm bài thơ tựa “Cáo Tật thị chúng” có nghĩa thông báo với mọi người có bệnh,và đã viên tịch sau đó thọ được 45 tuổi. Bài thơ tuy chỉ có sáu câu, trải hơn ngàn năm vẫn còn được mọi người ựa thích và truyền tụng cho đến ngày hôm nay.

 

 

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai


 

春去百花落 

 春到百花開 

事逐眼前過

老從頭上來

莫謂春殘花落盡 

庭前昨夜一枝梅

 

 

Phỏng dịch


Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Dòng đời trước mặt trôi

Cái già đến đầu rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.


 

 Hai câu đầu tác giả diễn tả trạng thái tự nhiên của tạo hóa, vận chuyển thay đổi vạn vật đất trời, như gió thổi mây bay, như trăng tròn rồi lại khuyết, đông qua xuân đến rồi hoa nở, xuân đi thì hoa rụng cứ như thế liên tục đổi thay không ngừng, cũng như trái đất cùng hệ thống thái dương hệ liên tục di động vào không gian vô tận.



 Hai câu tiếp Thiền sư cũng vẽ lên cho chúng ta thấy hình ảnh tự nhiên vô thường của xã hội loài người và ngay cả chính cái kiếp nhân sinh mỏng manh như hạt sương trong buổi ban mai, sinh ra rồi già, bệnh và chết. Một quy luật bất di bất dịch của tạo hóa, cho dù có sống ở dưới bất cứ thời đại nào hay không gian nào.



 Đối với thế gian con nguời bình thường cảm thấy thương tiếc, buồn cho hoa xuân tan tác, rơi rụng sẽ không còn nữa khi mùa xuân đã qua đi. Nhưng hai câu cuối của bài thơ cho thấy với tâm thiền định,tác giả đã nhìn hoa xuân dưới con mắt hoàn toàn khác. Đó là “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hêt” mà ngược lại “Đêm qua sân trước một cành mai”. Tác giả đã hòa nhập bản ngã cùng vũ trụ, cảm nhận một mùa xuân bất tận, vĩnh cửu vượt thời gian và không gian. Một mùa xuân không bị câu thúc giới hạn bởi tuổi tác, bởi thể xác hữu hạn bởi ngũ uẩn, mà là một mùa xuân bất diệt, đầy ngát hương thơm của hoa mai sống mãi trong tâm hồn, yêu đời yêu người. Mùa Xuân không ở bên ngoài, không phải là đối tượng của sự tìm cầu, mà chính là chúng ta – dòng sinh mệnh bất sanh bất diệt từ vô thủy cho đến vô chung. Bừng tỉnh xoay trở về chính mình, trân trọng từng khoẳng khắc, ta mới nhận ra, quả thật xuân hiện diện khắp mọi nơi, và hoa mai đang tỏa ngát hương thơm.! Đó chính là tâm thiền định, là cảnh giới cao nhất của tự do tự tại.


 

 Bức tranh Thiền Sư Mãn Giác đời Lý vẽ thật là tuyệt bao gồm cảnh sắc thiên nhiên, xã hội con người và cả tâm đạo trong đó. Không biết có nhà họa sĩ nào có thể vẽ được bức họa như thế không nhỉ?


 

 Tuệ Phong


Ngày đầu Xuân Canh Dần 2010


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thieu_nu_ngam_hoa_sen