MONG CẦU CỦA NGƯỜI XUẤT GIA - Lê Huy Trứ

14 Tháng Mười 201712:00 SA(Xem: 6163)

zen-monk-content

 

Mong cầu của người xuất gia

 

Lê Huy Trứ



 Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Đoạn Dục Tuyệt Cầu (Trừ Dục Vọng, Dứt Mong Cầu,) Phật ngôn, "Xuất gia sa môn giả, đoạn dục khử ái, thức tự tâm nguyên, đạt Phật thâm lý, ngộ vô vi pháp. Nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu, tâm bất hệ Đạo, diệc bất kết nghiệp. Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng, bất lịch chư vị, nhi tự sùng tối. Danh chi vi Đạo."


Đức Phật dạy, "Những người xuất gia làm Sa Môn đoạn dục, khử ái, nhận biết nguồn tâm của mình, thông đạt đạo lý thâm sâu của Phật và tỏ ngộ pháp vô vi. Họ trong không sở đắc, ngoài không sở cầu; tâm không, ràng buộc nơi Pháp, và cũng chẳng kết nên nghiệp. Họ không nghĩ họ làm, chẳng tu chẳng chứng, không trải qua các quả vị mà tự nhiên lại cao tột bực. Đó gọi là Đạo!" Thiền Tông có câu, "Thấy Phật giết Phật, thấy ma giết ma," ý nghĩa là không chấp trước. Nếu chấp trước thì gặp Phật cũng thành ra ma, nếu chẳng chấp trước thì gặp ma củng biến thành Phật. Đó cũng là câu hỏi vừa đầy giác ngộ và vừa pha chút châm biếm đầy khỉ tính khôi hài của Tôn Ngộ Không khi hỏi Phật Quan Âm trong Tây Du Ký sau khi Quan Âm Bồ Tát biến thành yêu quái để tiện bề bắt yêu quái. Tôn Ngộ Không vòng rảo bướt, quan sát Bồ Tát yêu quái từ trên xuống dưới bằng nữa con mắt rồi cao ngạo hỏi móc, “Bồ Tát là yêu quái hay yêu quái là Bồ Tát?” Tôn Ngộ Không đề nghị Phật Quan Âm giả biến thành yêu quái để bắt yêu quái vì nếu không làm như vậy thì yêu quái thấy ngài là trốn mất tăm dạng. Ngài cũng biết trong bụng con khỉ đột này nó luôn luôn oán trách mình và hay nhìn mình như yêu quái cho nên nó dụ mình biến thành yêu quái cho vừa lòng khỉ của Ngộ Không.


Đức Quan Âm Bồ Tát đã trã lời câu hỏi này ở trong Tây Du Ký. Hình như tôi nhớ không lầm thì câu trã lời của ngài đầy tinh thần Bát Nhã: Bồ Tát là Bồ Tát; Yêu Quái là Yêu Quái! Hơn nữa, đa số chúng ta điều biết Quan Thế Âm Bồ Tát hiện ra khi nam khi nữ. Tôi cũng muốn hỏi: Bồ Tát là nam hay Bồ Tát là nữ? Căn cứ theo câu trã lời của Ngài ở trên thì tôi cũng đoán rằng ngài sẽ trã lời: Bồ Tát không là Nam; Nam không là Bồ Tát. Bồ Tát không là Nữ; Nữ không là Bồ Tát. Bồ Tát là Nam Nữ; Nữ Nam là Bồ Tát. Bồ Tát là Bồ Tát; Nữ là Nữ; Nam là Nam. Theo tôi ngài thật sự là “Quang Âm” chứ không phải chỉ “Quán Âm.” Quang đây có nghĩa là ánh sáng và Âm là âm thanh mà trong Quang có Âm nhưng trong Âm không có Quang.


Bồ Tát không chấp nhị nguyên. Cho nên, khi đã ‘Phá Chấp’ thì không phân biệt nhị nguyên, bất nhị (non-dualism,) không Ma không Phật cho nên thấy Ma hay Phật điều giết cả. “Giết” đây có nghĩa là “không chấp trước,” là diệt chấp ma lẫn phá chấp Phật chứ không phải là “giết.” Giết không phải là giết cho nên giết là giết! (Kill is not kill therefore Kill is kill! Logic of Quantum Negation, Lê Huy Trứ.) Tóm lại, tu học Phật là cầu giải thoát, cầu tự tại, tức là không còn bị ngũ dục trói buộc, nhờ vậy mới vượt ra khỏi được bờ tam giới, đến được bến cõi tịnh độ, gần gũi chư Phật và các vị Bồ Tát.


Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: Các bậc Sa Môn ‘trong không sở đắc,’ về mặt nội tâm họ không thấy có cái gì để đạt được - "vô trí diệc vô đắc" (cái "trí" cũng không có và cái "đạt được" cũng không hiện hữu.) Đối với ngoại cảnh, ngoại vật, thì các ngài ‘ngoài không sở cầu,’ chẳng có mong cầu gì cả. "Trong không sở đắc; ngoài không sở cầu" là Vô Vi Pháp.


Tri sự thiểu thời phiền não thiểu, Đáo vô cầu xứ tiện vô ưu!

(Sự đời biết ít, phiền não ít, Đạt đến "không cầu" tất hết lo!)


Giữ bề chân thật, là thiện. Tuyệt đối không hề tạo nghiệp, nhất là gây ra các nghiệp dữ. Không nhất thiết cần phải tu Đạo; song lúc nào cũng dụng công tu hành và cũng chẳng kết thêm nghiệp. 


Khi đạt đến cảnh giới vô tâm "trong không sở đắc, ngoài không sở cầu," thì an nhiên tự tại. Lúc này, không còn bất cứ vọng niệm nào cả, mà chỉ có thuần một thứ chánh niệm mà thôi. Không nghĩ, không làm! Bởi ngay cả một vọng niệm cũng không còn, nên gọi là "không nghĩ," và vì một hành vi giả dối là nhỏ nhặt cũng chẳng có, nên gọi là "không làm."


Vô tu, vô chứng (chẳng tu, chẳng chứng!) Bấy giờ, những việc cần làm đều đã làm xong, mức độ tu hành đã đến cực điểm; cho nên, không còn gì để tu học nữa, do đó gọi là "chẳng tu." Đã đạt được bổn thể của Đạo, đã chứng đắc quả vị, nên không cần phải chứng đắc lại nữa; vì thế gọi là "chẳng chứng."


Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa: Các bật thánh nhân này, không trải qua các quả vị mà tự nhiên lại được tôn sùng tột bực. Không nhất thiết phải tuần tự trải qua những quả vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa. Các ngài thoát nhiên vượt qua hết thảy, và quả vị họ đạt được lại cao cả nhất. 


Đức Phật dạy, "Tịnh tâm, thủ chí, thì có thể hiểu thấu Đạo cao tột. Ví như lau gương, chùi hết cấu bẩn thì còn lại vẻ sáng; dứt lòng tham dục, không còn mong cầu, tất sẽ đắc Túc Mạng." Tương tự như bài kệ đài gương của Thần Tú. Đức Dalai Lama nói, "Nếu một người tu mà trải qua bao tháng năm hành đạo không thấy mình tầm thường hơn, giãn dị hơn và khiêm tốn hơn thời gian ban đầu, thì có lẽ là người tu đó đã đi lạc rồi! " Đi lạc nên không gặp được Đạo nên không hiểu được Đạo, bởi đã lạc hướng thì càng chạy chỉ càng cách xa thêm mà thôi. Thực hành Đạo, giữ bề chân thật tức là giữ gìn chân lý, chứ không giữ cái pháp hư vọng, không thật. Tu hành thì phải hiểu rõ chân lý. Không hiểu chân lý thì không phải là giữ bề chân thật. Giữ được sự chân thật của vô ngã là điều tốt đẹp nhất.


Tuy nhiên, nhiều người mặc dù đã xuất gia rồi nhưng vẫn còn nặng nghiệp chưa dứt trừ được dục lạc vì họ không có sự soi xét ở nội tâm, không có sự thể nghiệm Phật Pháp, không có đạo lực nên không tiêu trừ được những cám dỗ bên ngoài, dễ bị mê hoặc bởi những tiền tài, danh vọng, thú vui trần tục, thay vì họ đạt được an vui trong chánh pháp lại luẩn quẩn trong trầm luân đau khổ. Thân mặc áo cà sa nhưng tâm mặc áo giấy.


Những thượng mạn tăng này rất chuyên nghiệp trong việc truyền bá tà ma ngoại đạo, mê tín dị đoan mà chúng ta thường thấy nhan nhãn trong thời mạc pháp, cho nên quy y tăng với mấy ông sư hổ mang đó thì còn lâu mới lên được niết bàn chỉ tiền mất, khổ mang. Đại khái, Phật Tử quy y Tăng có nghĩa là trở về với 6 căn thanh tịnh, vô úy, cũng như quy y Pháp là trở về với Trí Tuệ và quy y Phật là trở về với Giác Ngộ.


Cho nên, Phật Tử chân chánh cần phải thẳng tay thanh trừng môn hộ, can đảm quét sạch những kẻ gian tà và dối trá này ra khỏi chùa, khỏi miếu. Muốn nhận diện những gian tăng nầy rất dễ dàng qua lối giảng kinh của họ, cách ăn mặc, phương tiện di chuyển của riêng họ, điệu nói, lối nhìn, vấn đề quảng cáo gây quỹ, ... Họ là những người dung túng dị đoan, mê tín trong chùa cho tư lợi cá nhân. Họ cầu nguyện cho chính họ còn chưa xong, họ có tư cách tư cách, đạo đức, tha lực gì để cầu an, cầu phước cho mình và cho những người khác?


Ngược lại, người xuất gia chân chính phải trì chí, nổ lực tu hành để trước là được an trụ thân tâm, phát tâm từ bi hỷ xả và sau là đạt được giác ngộ rốt ráo, trước mong cầu thành Phật, sau cầu mong cứu độ chúng sinh. Bướt đầu tiên là buông bỏ mọi khen chê, thị phi, vinh nhục, hằng sống với tâm bồ đề, không mong cầu, không chấp được mất, như thế mới có thể an tâm kiến tánh mà đắc đạo để cứu độ chúng sinh. Đây mới thật sự là những thánh tăng hiếm có trên đời mà chúng ta ít được may mắn, khó được cơ duyên để quy y tăng với họ, rồi cùng được theo họ tu học Phật trong thời mạt pháp hiện nay. Hiếm nhưng không phải là không có. Cứ chuyên cần trì Tâm rồi khi duyên cơ đã chín mùi, mình sẽ tìm được họ, hay họ sẻ tìm đến mình để ấn chứng.


Quán tự tại để tự giác ngộ. “Satori - in the awakening from a dream. Awakening and self-realization and seeing into one's own being - these are synonymous.” Bruce Lee, Striking Thoughts: Bruce Lee's Wisdom for Daily Living.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật