KHƯƠNG TĂNG HỘI - Lê Mạnh Hùng dịch

23 Tháng Hai 20208:57 CH(Xem: 2743)
Khuong Tang Hoi

Khương tăng Hội

Dẫn Nhập: Viên Quán có thể là một vị sư không có thực, nhưng Khương tăng Hội thì chắc chắn là một nhân vật có thật. Ông cũng là một thiền sư có quan hệ mật thiết với việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Đây là một trong những tài liệu hiếm có còn lại về cuộc đời của vị thiền sư này, được lấy từ “Cao tăng truyện”.

Khương tăng Hội

Khương tăng Hội, (có nghĩa là vị sư người Khương tên Hội) tổ tiên vốn là người Khang Cư, đời đời sống tại Thiên Trúc. Đến đời thân phụ ông, vì lý do buôn bán di cư sang Giao Chỉ. Khi ông đuợc mười tuổi, bố mẹ lần luợt chết, sư lo việc hiếu để tang cho bố mẹ. Sau khi mãn tang, sư xuất gia. Trong khi tu hành, sư nghiêm túc tuân thủ giáo quy, đối với người ta khoan dung đại độ lại có kiến thức. Sư hiếu học cần cù tìm hiểu không những tinh thông Tam Tạng (chữ Phạn tripitaka tức ba phần tinh túy của Phật Giáo bao gồm: kinh, luật và luận. Kinh bao gồm các bài giảng của chính đức Phật hoặc các đệ tử của ngài; luật bao gồm lịch sử phát triển Phật giáo cũng như là những giới luật của người xuất gia; luận chứa đựng các quan điểm của đạo Phật về triết học, tâm lý học và những hiện tượng tự nhiên khác) mà còn hiểu biết rộng rãi về lục kinh (sáu kinh chính của đạo Nho bao gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân thu). Còn như thiên văn, địa lý các loại khác, sư cũng biết đủ về tổng thể. Tóm lại ngoài việc nắm vững thực chất tinh hoa của Phật pháp, sư còn có một khả năng văn học không kém.

Lúc đó, Ngô chủ Tôn Quyền đã khống chế được vùng Giang Đông, nhưng Phật pháp còn chưa được lưu hành rộng rãi. Trước đó có một vị ưu bà tắc (tiếng Phạn upasaka có nghĩa là người phụng sự, chỉ người tu hành nhưng không xuất gia làm sư) tên là Chi Liêm, tự là Cung Minh, còn có tên là Việt đến truyền bá Phật pháp. Chi Liêm vốn là người Nguyệt Thị (đất nước tại miền tây tỉnh Cam Túc, Trung Quốc hiện nay, sau bị người Hán đánh thua phải di cư về phía tây và nam), nay đi chơi đất Hán.

Đầu tiên, dưới các triều Hán Hoàn Đế. Hán Linh Đế, Chi Liêm bắt đầu dịch nhiều kinh Phật. Có người học trò tên là Chi Luợng tự Tuyệt Minh đến xin học, Chi Liêm bèn thụ nghiệp cho. Chi Liêm hiểu biết rộng rãi kinh Phật không có gì mà không nghiên cứu; đối với các ngành nghề của thế gian, Chi Liêm cũng học tập nhiều, lại chuyên đọc những sách lạ, thông hiểu tiếng nói sáu nước.

Chi Liêm người cao gầy và đen, con mắt lòng trắng đặc biệt nhiều mà nhãn châu lại có mầu vàng, thành ra người đương thời mô tả Liêm bằng một câu sau:

“Chi lang nhãn trung hoàng, hình khu tuy tế thị trí nang” (Chàng Chi con mắt vàng, thân hình tuy mảnh nhưng là túi khôn).

Cuối đời Hán, vì tránh lọan, sang tỵ nạn tại Ngô. Tôn Quyền nghe danh tiếng mời đến gặp, phong làm bác sỹ, sai dẫn dậy đông cung thái tử. Liêm cùng với Vi Diệu và môt số người khác đã tận lực phò tá chính quyền Ngô, cống hiến cho nước Ngô không nhỏ, nhưng vì Liêm là người nước ngòai nên không đuợc sử sách nước Ngô ghi lại.

Liêm nhận thấy tuy rằng đại pháp đã đuợc lưu hành, nhưng kinh phần nhiều vẫn bằng chữ Phạn, chưa được dịch sang Hán văn, thành ra chúng sinh không hiểu hết được những lẽ huyền diệu. Vì vậy Liêm thu thập các lọai kinh Phật dịch sang chữ Hán. Bắt đầu từ năm Hoàng Vũ nguyên niên triều Ngô đến năm Kiến Hưng, dịch xong các bản kinh “Duy Ma”, “Đại Ban Nhược” “Nê Hòan”, “Pháp Cú”, “Thụy Ứng bản kỷ” tổng cộng được bốn mươi chín bản kinh thư. Những bản kinh Liêm dịch đã diễn tả khéo léo, truyền đạt lại phong thái của nguyên văn, không những vậy, văn từ đẹp đẽ. Liêm lại căn cứ “Vô Lượng Thọ Kinh”, “Trung Bản Khởi kinh” sáng tác bộ “Tán Tụng Bồ Tát liên khúc” ba quyển, đồng thời chú giải bộ “Bản Tiên Tử Kinh”. Những bản dịch này hay vẫn còn được lưu hành.

Đất Ngô tuy rằng như vậy là đã bắt đầu biết đến đạo Phật, nhưng ảnh hưởng còn chưa rộng. Tăng Hội muốn đạo Phật chấn hưng nơi Giang Đông, muốn ở nơi đây xây dựng phù đồ, chùa miếu, bèn cầm cây tích trượng đông du. Năm Xích Ổ thứ mười triều Ngô, sư tới Kiến Nghiệp (nay tức là Nam Kinh), dựng một căn nhà cỏ, bầy biện Phật tượng và bắt đầu hành đạo.

Vào lúc đó, dân Ngô lần đầu tiên thấy trang phục sa môn, lại không biết bao nhiêu về đạo lý Phật giáo, thành ra hòai nghi cho là dị đoan. Có người lên báo với Ngô chủ Tôn Quyền rằng:

 “Có một kẻ lại tiến vào đất Ngô ta. Y tự xưng là sa môn. Hình dáng phục sức đều không giống người thường. Chuyện này cần phải điều tra.”

 Tôn Quyền nói:

“Truớc kia Hán Minh Đế năm mơ thấy người vàng bay từ phía tây tới, tự xưng là Phật. Những chuyện mà người này làm mà ngươi kể lại phải chăng là di phong của Phật?”

Rồi lập tức cho triệu sư đến hỏi:

“Đạo ngươi đi theo có gì linh nghiệm?”

Sư trả lời:

“Như Lai viên tịch đã trên ngàn năm, nhưng Xá Lợi di cốt vẫn vĩnh viễn quang chiếu vô cùng. Ngày xưa vua A Dục xây dựng chùa tháp tám vạn bốn ngàn tòa mà những chùa tháp này vẫn còn hưng vượng cho thấy rõ uy thừa của Phật tổ lớn thế nào.”

Quyền cho đó là những lời khoe khoang vô bằng, bèn nói với sư rằng:

“Nếu lấy được Xá Lợi ta sẽ vì ngươi dựng chùa tháp. Nhưng nếu lấy lời nói láo lừa người, coi chừng đã có quốc pháp”

Sư xin hạn bảy ngày. Về chùa nói với các môn đồ:

“Đạo pháp hưng phế chính vào lúc này. Hiện tại nếu không chí thành cầu Phật, về sau có hối cũng không kịp.”

Rồi cùng chúng môn đồ quét dọn trai phòng sạch sẽ, đặt hũ đồng nơi hương án, trai giới tinh khiết, sau đó đốt hương làm lễ, cầu nguyện Phật tổ hiển linh. Bảy ngày hạn kỳ đã hết, nhưng không hề có chút linh ứng nào cả. Xin thêm bảy ngày nữa, cũng y như bảy ngày đầu. Tôn Quyền nói:

“Đúng là nói chuyện lừa bịp”

Tính trị tội. Sư thỉnh cầu cho thêm bảy ngày nữa. Quyền bằng lòng. Sư bèn cho gọi các môn đồ đến nói:
“Trọng Ni (tự hiệu của Không tử) nói ‘Văn vương chết rồi, nhưng tinh thần của Văn vương chẳng phải vẫn còn sao. Đại pháp đáng lẽ phải giáng lâm, chỉ vì chúng ta không cảm ngộ đến. Làm gì để được vương pháp khoan dung? Chúng ta cần phải thề rằng có chết cũng không thể để vượt qua hạn kỳ này.”

Cho đến tối ngày cuối cùng của hạn kỳ bảy ngày vẫn không thấy có gì lạ xảy ra. Mọi người kinh khủng nhìn nhau. Đến nửa đêm. Bổng nhiên nghe trong hũ đồng có tiếng leng keng, sư tự mình chạy ra xem, quả nhiên là có Xá Lợi trong đó.

Ngày hôm sau. Quyền thân đến cầm lấy hũ, đổ xuống mặt bàn bằng đồng. Chỗ nào Xá Lợi rơi xuống, mặt đồng bị vỡ tan. Quyền kinh ngạc biến sắc:

“Quả thật là của báu hiếm có!”

Sư chạy đến truớc Quyền nói:

“Thần uy của Xá Lợi không phải chỉ biểu hiện có như vậy. Đem ra thiêu, lửa nóng đến đâu cũng không thiêu hủy; đá kim cuơng không làm vỡ được nó”

Quyền ra lệnh cho người ta thí nghiệm. Tăng Hội cầu nguyện khấn

“Pháp vân vừa mới đến bao phủ thiên hạ, thương sinh chờ đợi ân trạch, nguyện đại pháp giáng kỳ tích, cho thấy uy linh của Phật.”

Khấn xong lấy Xá Lợi bỏ vào một cái cối thép, ra lệnh cho lực sỹ dùng chầy dã. Kết quả cả cối lẩn chầy bằng thép đều bị khuyết một lỗ lớn còn Xá Lợi không bị hao tổn chút gì.

Tôn Quyền hết sức thán phục, đồng ý cho xây tháp. Tháp dựng xong, Đông Ngô bắt đầu mới có chùa Phật, vì vậy tòa tháp này mới có tên là Kiến Sơ Tự. Từ đó đạo Phật bắt đầu hưng khởi lên tại Giang Đông.

Đến khi Tôn Hạo lên nối ngôi, pháp lệnh hà khắc. Hạo ra lệnh phế bỏ các dâm từ, đến chùa Phật cũng muốn hủy hoại. Hạo nói:

“Chùa phật lấy lý do gì mà xây? Nếu Phật giáo giáo nghĩa là để giáo hóa dân chúng trung trinh chính trực, giống như kinh điển nho gia thì có thể để cho tiếp tục thờ phụng dậy dỗ. Nếu không phải như vậy thì phải cho phá hủy đi!”

Quần thần khuyên giải, khuyên bảo Hạo nói:

“Uy lực của Phật không giống như thần tiên. Khương Tăng Hội ngày trước cảm hóa làm Xá Lợi giáng xuống khiến Thái Hòang (Tôn Quyền) cho thành lập Phật tự. Hiện tại nếu khinh thường cho phá hủy sợ sẽ hối hận về sau.”

Hạo sai Truơng Dục đến chùa vặn hỏi Tăng Hội. Trương Dục vốn có tài hùng biện, trước mặt sư chất vấn đủ điều, nghị luận tung hòanh, đưa ra đủ các vấn đề. Tăng Hội cứ mỗi vấn đề đối phương đặt ra trả lời lưu lóat, dẫn chứng rộng rãi , lý luận thập phần cẩn mật, văn từ sắc bén, đối đáp lưu loát. Từ sáng sớm cho đến chiều tối hai bên tranh luận, Trương Dục không thể nào buộc đối phương phải chịu thua. Trương Dục cáo từ, Tăng Hội tiễn y ra đến cửa. Vào thời đó, bên cạnh chùa còn có một đền thờ ma quỷ chưa bị phá hủy. Trương Dục nói:

“Cửa Phật giáo hóa rộng rãi, những người này vì sao sống gần nơi này như vậy mà chưa được mưa móc giáo hóa?”

Tăng Hội trả lời:

“Sét có thể đánh vỡ núi, nhưng kẻ điếc vẫn không nghe thấy. Đó không phải là tiếng sét quá nhỏ. Như quả đạo lý thông thuận thì ngay cả cách xa vạn dậm cũng có thể phản ứng. Như quả bị trở tắc không thông thuận, thì dù gần như gan ruột cũng thành xa như nước sở nước Việt.”

Trương Dục trở về, khen tụng không ngớt Tăng Hội tài khí cao, mình không bằng được và khuyên Hạo nên xét lại. Hạo tụ tập những người hiền trong triều, sai xe ngựa đến đón Tăng Hội vào triều. Sau khi phân chia tân chủ ngồi xuống, Hạo bắt đầu chất vấn:

“Phật giáo dậy dỗ thiện ác báo ứng. Thế nào là thiện ác báo ứng?”

Tăng Hội đáp:

“Nếu có bậc minh chủ lấy hiếu từ để giáo huấn thiên hạ, thì sẽ có con chim đỏ điềm lành ra bay lượn và người hiền xuất hiện (lấy điển Chu Văn vương. Xích điểu chỉ chim phượng; nhờ người hiền là Khương Tử Nha giúp cho nhà Chu nổi lên). Lấy nhân đức nuôi dưỡng vạn vật thì nước ngọt chảy ra và lúa tốt mọc lên. Làm việc thiện thì sẽ có điềm lành xuất hiện, làm điều ác thì sẽ có điềm xấu. Thành ra, làm ác dù có che dấu được, quỷ thần cũng sẽ giết; làm ác mà lộ ra ngoài thì người ta biết cũng sẽ giết. Kinh Dịch viết “Tích thiện thì công đức để lại đến con cháu”. Kinh Thi ca “Cầu phúc không cần báo ơn”. Đó chính là những câu châm ngôn kinh điển của nho gia. Đó cũng là huấn từ của Phật giáo.”

Tôn Hạo nói:

“Nếu quả thực như vậy, thì Chu, Khổng đã nói rõ rồi cần gì phải có Phật?

Tăng Hội nói:

“Những lời Khổng tử nói, chỉ cho thế nhân những chuyện gần trước mắt, cho người ta những quy tắc hành xử thực dụng. Chứ còn Thích giáo tức là tiến đến những cái gì u thâm trường viễn trong ý nghĩa cuộc sống cũng như những cái vi diệu của hiện tượng. Thành ra làm ác tất sẽ khổ sở tại địa ngục trong khi làm thiện sẽ có hạnh phúc nơi thiên đường. Dùng cái đạo lý như vậy khuyên giải thế gian chẳng phải tốt sao?”

Tôn Hạo lúc đó không còn gì để cãi lại.

Tôn Hạo tuy rằng đã được nghe đạo pháp, nhưng tính tình hôn bạo cũng không vì thế mà cải biến. Sau, khi Hạo sai lính túc vệ đến hậu cung sửa sang hoa viên, đào được một kim thân Phật tượng (pho tượng bằng vàng), cao đến vài thước. Túc vệ mang lên trình cho Tôn Hạo. Hạo sai vất tượng Phật vào cầu tiêu, dùng phân và nuớc tiểu trét lên trong lúc y cùng các đại thần đứng bên cạnh cười đùa vui vẻ. Chỉ khỏanh khắc sau, Tôn Hạo toàn thân sung phù, đau đớn, đại tiểu tiện lại càng đau đớn hơn. Đau đến mức kêu trời không ngớt. Quan thái sử bói một quẻ nói:

“Đó là vì mạo phạm thần linh dẫn đến tai họa.”

Hạo lập tức sai người đến các chùa miếu cầu nguyện xin được phò trợ. Lại sai cung nữ lập tức lấy tượng Phật mang lên chính điện, dùng nước thơm tẩy rửa đến chục lần, sau đó đốt hương sám hối. Tôn Hạo quỳ dưới đất liên tục khấu đầu, tự mình kể tội trạng thỉnh cầu thần linh khoan hồng. Một chốc sau, những nổi đau trên người giảm nhẹ đi.

Tôn Hạo cho người đến chùa mời Tăng Hội đến giảng kinh Phật. Tăng Hội theo sứ giả vào cung, Tôn Hạo hỏi Tăng Hội về nguyên nhân họa phúc. Hội lập tức thuyết giảng lời lẽ thật tinh diệu. Tôn Hạo nhân vì mới trải qua một cơn trừng phạt, vui mừng thấu hiểu, bèn xin được đọc “Sa môn giới”.

Tăng Hội nhân vì giới văn được coi là bí tích, không được truyền ra cho người ngòai, nên chỉ tuyển chọn trong đó một bộ một trăm hai muơi lăm nguyện. Bộ này lại chia làm Hai trăm năm mươi sự, bao quát cả việc đi, đứng, ngồi, nằm các phương diện đều nhắm vào việc dạy bảo chúng sinh. Tôn Hạo thấy những nguyện này từ bi bao quát cả chúng sinh như vậy, lại càng làm tăng thêm ý muốn tu thiện của mình bèn đến Tăng Hội xin chịu ngũ giới. Mười ngày sau đó, tật bệnh khỏi hết. Từ đó về sau, Tôn Hạo cho sửa sang tu bổ nơi Tăng Hội ở, lại ra lệnh cho tông thất gia nhân đều phải phụng sự Phật.

Tăng Hội ở tại Ngô triều giảng giải chính pháp. Thấy Hạo tính hung hãn thô bỉ, không thể hiểu diệu nghĩa thành ra chỉ giảng những chuyện gần đời như báo ứng để mở trái tim mà thôi. Tại chùa Kiến Sơ, Tăng Hội đã dịch được nhiều kinh tỷ như “A Nan niệm Di Đà kinh”, lại soạn một số sách nhỏ như “Lục Độ tạp”, “Tạp Tích giải kinh” vân vân.. Bản dịch thể hiện được văn thể cũng như văn nghĩa của bản chính. Lại để lại “Nê Hòan Ca thanh” truyền thế, bài ca âm điệu trong cao uyển chuyển vang dội, thành khuôn mẫu cho đương thời. Trong các lọai kinh điển sư chú giải và dịch có ba loại gọi là “An Bàn Thủ Ý”, “Pháp Kính” và “Đạo Thụ”. Sư còn viết bài tự cho các kinh, văn phong điển nhã. Tất cả các kinh điển này đều được lưu truyền cho hậu thế.

Tháng tư năm Thiên Kỷ thứ tư (280) của Đông Ngô, Tôn Hạo hàng Tấn. Đến tháng chín, Tăng Hội mắc bệnh viên tịch. Năm đó là năm Thái Khang nguyên niên đời Tấn Vũ đế. Đến năm Hàm Hòa đời Tấn Thành đế, Tô Tuấn làm lọan, thiêu hủy ngôi tháp Tăng Hội xây. Tư Không Hà Xung Phục cho xây lại, Bình Tây tướng quân Triệu Tú, nhiều đời không theo Phật, ngạo mạn tam bảo, đi vào chùa, nói với chư tăng:

“Từ lâu ta vẫn nghe tháp này phóng ra hào quang, thật là hư ngụy. Muốn cho người ta tin cần phải mắt thấy. Đó là điều bọn ngươi không làm được.”

Vừa nói xong, tháp bổng phóng ra hào quang năm sắc, chiếu sáng nguyên cả chùa. Tú lặng người, lông tóc dựng cả lên. Từ đó bắt đầu tin kính Phật. Cho xây một cái tháp nhỏ ở phía đông chùa. Sự chuyển biến của Triệu Tú cũng như là những chuyện kể trước đây, nói xa là vì thần uy của Phật tổ cảm hóa, nhưng nói gần đó là vì Tăng Hội truờng kỳ truyền giáo, giảng đạo mới thành kết quả như vậy. Chính vì vậy mà có người vẽ lại hình dạng sư, truyền lại cho đến ngày nay.

(trích Thái Bình Quảng Ký)
Lê Mạnh Hùng dịch


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật