PHÁP PHẬT KHÓ NGHE - Ngọc Bảo

03 Tháng Tám 20201:26 CH(Xem: 2571)

sarnath_buddha_0

PHÁP PHẬT KHÓ NGHE

 

Một ngày nọ, trong khi ở vườn Kỳ Viên, Đức Phật giảng pháp cho năm người. Những người này đã đến bái kiến Đức Phật và xin ngài giảng pháp cho họ nghe. Với tâm bình đẳng Đức Phật không bao giờ phân biệt người giầu hay người nghèo, mà đều giảng chân lý cho họ từ nguồn nước thiêng của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Pháp, trong bất cứ một đề tài nào.

 

Tuy nhiên, mặc dù Đức Phật giảng pháp trong sự vô phân biệt, trong năm người đến xin nghe pháp ấy, một người thì ngủ gục, một người thì lấy tay cào đất nghịch, người thứ ba thì ngồi rung cây lắc qua lắc lại; người thứ tư thì ngồi ngắm trời mây chẳng để ý gì đến những lời Phật dạy; chỉ có người thứ năm là chăm chú ngồi nghe.

 

Tôn giả Ananda lúc ấy đang đứng quạt hầu cho Đức Phật, thấy những người này làm như vậy bèn thưa với Phật rằng:

 

“Bạch Thế Tôn, ngài giảng chân lý chánh pháp cho những người này thật chẳng khác gì tiếng sấm sét trong một trận mưa nặng hạt. Thế mà họ chẳng để ý nghe gì cả, người làm việc này, người làm việc khác trong khi ngài đang giảng nói, thật là chướng quá!”

 

Đức Phật nói:

 

“Ananda, ta nghĩ là con không biết gì về những người này.”

 

“Bạch Thế Tôn, đúng là con không biết gì về họ.”

 

“Trong năm người này, người ngồi ngủ gục trong nhiều kiếp đã là một con rắn hổ mang, và nó sẽ ngủ khi cuộn mình đặt đầu lên trên. Thế nên bây giờ hắn đang ngủ và những lời nói của ta không đến hắn được.”

 

“Bạch Thế Tôn, thế thì hắn làm như vậy trong nhiều kiếp tái sinh hay chỉ thỉnh thoảng thôi?”

 

“Trong những kiếp tái sinh có lúc hắn được sinh làm người, có lúc làm thần, có lúc lại phải sanh làm con rắn hổ mang. Nhưng một người dù thông thái thế nào cũng không thể nào gợi lại đầy đủ những kiếp đã trải qua. Có thể nói là, qua bao nhiêu kiếp nối tiếp nhau hắn đã ở trong hình thù của một con rắn hổ mang, và hắn ngủ suốt ngày, nhưng lúc nào cũng vẫn muốn ngủ. Còn người đang lấy ngón tay cào đất kia trong nhiều kiếp đã là một con giun sống chui rúc trong lòng đất. Thế nên bây giờ hắn cũng làm như vậy và chẳng nghe ta nói gì cả. Còn người đang ngồi lắc cây kia qua nhiều kiếp đã là một con khỉ - đó là thói quen của hắn đã huân tập từ nhiều tiền kiếp tới nay. Cho nên những lời nói của ta không thể nào thấm thấu qua tai hắn được. Rồi đến người đang ngồi nhìn trời mây kia, hắn đã tái sinh trong nhiều kiếp làm một chiêm tinh gia, chuyên nhìn sao trên trời. Tập khí đó vẫn còn nên cả ngày hôm nay hắn vẫn tiếp tục nhìn lên trời, và không có lời nói nào của ta xuyên thấu được tai hắn. Nhưng người ngồi chăm chú nghe ta giảng pháp vốn là một tu sĩ Bà la Môn đã tinh tấn tu hành qua nhiều đời nhiều kiếp, lầu thông kinh Vệ Đà và các ngôn ngữ linh thiêng của tôn giáo. Cho nên bây giờ ông ta chăm chú nghe ta nói, như là đang lược lại những lời chú vậy.”

 

Ananda nói:

 

“Nhưng Bạch Thế Tôn, những lời giảng của ngài rất thâm sâu đi vào lòng người như vậy, làm sao khi ngài giảng Pháp những người này lại không chịu nghe?”

 

“Ananda, chắc con tưởng rằng những lời giảng của ta dễ nghe lắm sao.”

 

“Bạch Thế Tôn, có thể nào đó là những điều khó nghe chăng?”

 

“Đúng vậy Ananda, chắc chắn đó là những điều khó nghe, và khó hiểu nữa.”

 

“Vì sao vậy?”

 

“Ananda, những điều như là Phật- Pháp-Tăng, những người này chưa từng được nghe bao giờ từ bao kiếp luân hồi vô tận. Vì thế họ không thể nghe Pháp được. Trong vòng sinh tử luân hồi nối tiếp triền miên này, những chúng sinh này sinh ra phần lớn chỉ nghe những tiếng nói của nhiều thú vật khác nhau. Chúng chỉ muốn đi tìm vui nơi những lời ca tiếng hát, những vũ điệu dập dìu, những nơi chốn ăn chơi rượu chè cờ bạc. Vì thế nên chúng không thể nghe Pháp được.”

 

“Nhưng bạch Thế Tôn, đâu là nguyên nhân chính thực sự khiến họ không nghe Pháp được?”

 

“Ananda, chính là vì lòng tham, sân và si đã khiến họ không nghe được. Không có lửa nào mạnh như lửa tham. Nó đốt cháy chúng sinh đến nỗi không còn một miếng tro tàn nào để lại. Ngọn lửa lớn của ngày tận thế bùng phát từ sự xuất hiện của bẩy mặt trời cũng đốt cháy không để lại tro tàn, nhưng điều đó chỉ là một biến cố năm thì mười họa. Còn lửa tham thì lúc nào cũng hừng hực. Vì lý do đó, ta nói rằng không có lửa nào dữ dội bằng lửa tham, không có chấp trước nào dai dẳng bằng tâm sân hận, không có lưới nào vây bủa bằng lưới si mê, và không có giòng sông nào nhận chìm bằng sông ái dục.”  

 

Rồi Phật nói bài kệ rằng:

 

“Lửa nào bằng lửa tham

Chấp nào bằng sân hận
Lưới nào bằng lưới si
Sông nào bằng sông ái! ”

 

(Kinh Pháp Cú)

 

Khi Đức Phật giảng bài pháp này xong, vị cư sĩ đã chăm chú ngồi nghe Pháp từ đầu đã chứng ngộ được nhị quả Tu Đà Hàm, và đối với những người đã được chứng ngộ, bài pháp này quả là một phước đức lớn lao.

 

 

**********************

 

 

“Thân người khó được, Pháp Phật  khó nghe”

 

Chúng ta thường nghĩ rằng sinh ra làm người là một điều hiển nhiên, và ít khi nghĩ đến ngày chúng ta sẽ xuôi tay nhắm mắt, và ngày ấy có thể đến bất cứ lúc nào. Khi không còn trên cõi thế này, chúng ta sẽ đi về đâu? Có thể nào nếu kiếp này chúng ta không lo học hỏi kinh nghiệm, tu sửa bản thân thì một khi lìa bỏ báo thân sẽ trở thành bất cứ sinh vật hèn kém nào trong quả đất này không?. Điều đó tưởng chừng như hoang tưởng, nhưng nào ai có thể chứng minh là không thể xẩy ra?

 

Cho nên kinh Phật nói rằng được sinh ra làm người, được tiếp cận với pháp Phật là sự may mắn hiếm có, như con rùa mù lênh đênh trên đại dương gặp được một bọng cây cũng trôi dạt từ biển cả phương trời khác đến và rùa đã tròng đầu vào trong bọng cây ấy được. Vì sao như vậy? Vì chỉ có sinh làm người ta mới có thể nghe được Pháp Phật, và vì nghe Pháp Phật nên ta mới biết thức tỉnh mà tu sửa bản thân để tự giải thoát mình ra khỏi vòng sinh tử trầm luân đầy đau khổ phiền não.

 

Nhưng tại sao đại đa số chúng ta không muốn nghe Pháp Phật? Pháp Phật có thực sự khó hiểu, khó nghe không? Có nhiều người nói Pháp Phật cao siêu quá nên không hiểu được và không muốn nghe. Nhưng những lời Phật dạy như trong kinh Pháp Cú đâu có gì là cao siêu huyền bí, mà phần lớn nói về đời sống con người với những phân tích về tâm đối cảnh trong muôn ngàn sự việc. Tâm ấy là tâm hàng ngày của chúng ta nhưng ta ít khi biết đến, chỉ mải lo chìm đắm trong những cảm xúc triền miên của hỷ nộ ái ố. Pháp Phật dạy chúng ta quay về nhìn lại chính mình, quán sát những trạng thái trong tâm, để rồi tự tách rời khỏi những cảm xúc si mê và nhận thức mọi việc trong sự khách quan, hiểu biết.  

 

Có những người sinh ra trong gia đình mộ đạo Phật, cha mẹ thờ kính Phật mỗi ngày nhưng con vẫn dửng dưng, sống hoàn toàn theo ý thích. Lại có những người sinh ra không biết đạo Phật là gì, nhưng vì một cơ duyên nào đó được tiếp xúc với Pháp Phật bỗng nhiên như được thức tỉnh, quyến luyến không muốn rời xa. Lại có những người sinh ra trong gia đình Phật giáo nhưng chỉ quen với những lễ nghi cúng kiếng, không được biết đến những phương diện sâu xa của đạo Phật. Ngay cả trong thời Phật còn tại thế, có những người đã gặp được Phật, được Phật thuyết pháp mà vẫn không nghe được Pháp. Phải chăng Pháp Phật chỉ dành cho một số người nào đó có căn cơ hay thiện duyên, như lời Đức Phật nói: “Phật chỉ độ người có duyên”?

 

Ta thấy rằng dù sinh ra trong một nhà, sống cùng một hoàn cảnh nhưng mỗi người đều có một cá tính khác nhau, với một trình độ tâm thức khác nhau, không ai giống ai cả. Cha mẹ sinh ra ta nhưng ta không thật sự là từ cha mẹ, mà từ nghiệp sinh ra. Trôi lăn từ kiếp này sang kiếp khác, những thói quen huân tập từ vô thủy đã làm nên một mạng lưới nghiệp giam hãm chúng ta trong đó. Nghiệp càng sâu dầy, con người càng bị ngăn cách xa hơn với Pháp Phật, dù có gặp được Phật, nghe được Pháp cũng không hấp thụ được.

 

Đa số chúng ta không muốn nghe Pháp Phật, vì Pháp Phật đi ngược lại khuynh hướng tìm cầu hướng ngoại của con người. Người ta thường thích những nơi chốn náo nhiệt hơn là yên tĩnh, thích tìm đến đám đông hơn là ở một mình. Đó là giòng nước chảy xuôi của sinh tử. Khi còn chưa học hỏi được từ những kinh nghiệm, chưa chán ngán những phiền não dẫy đầy trong cuộc sống và muốn tìm cách thoát ra, tâm ấy chưa sẵn sàng nghe Pháp Phật. Bởi vì Pháp Phật không phải chỉ là lời nói, mà chính yếu là sự hiển lộ của chân lý.

 

Đức Phật đã bỏ ra một đời để truyền dạy cho chúng ta Pháp Phật, nhưng tại sao ngài nói: “Hơn 40 năm nay ta chưa từng nói Pháp”? Bởi vì Pháp Phật không phải do Đức Phật nghĩ ra, không phải là lý thuyết suông, mà là chân lý hiện tiền trong vũ trụ. Chân lý của tánh Không, của nhân quả luân hồi, Thành Trụ Hoại Không v.v.. chẳng phải do lời nói mà thấm thấu được, chỉ được chiêm nghiệm sâu xa trong mỗi cá nhân khi có cơ duyên hoàn cảnh thích hợp. Chúng ta là một phần tử trong vũ trụ, có đồng một bản chất với vũ trụ. Năng lực làm nên vũ trụ cũng là năng lực làm nên con người chúng ta. Pháp Phật không chỉ hiện diện trong vũ trụ mà cũng hiện diện ngay trong mỗi con người. Chỉ khi nào ta hết tìm cầu hướng ngoại, quay về tìm lại cội nguồn của chính mình là ta đã về với Pháp Phật, trở lại với quê hương nguyên thủy, lội ngược dòng nước thăng trầm của luân hồi sinh tử.

 

Ngọc Bảo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật