TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

29 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 32410)



quan_am_10-content



T
Ứ VÔ LƯỢNG TÂM


 

Tứ Vô Lượng Tâm, tức Từ Bi Hỷ Xả, là bốn hạnh cao quý nhât trong đạo Phật. Nếu không có từ bi hỷ xả thì đạo Phật sẽ không còn là đạo Phật nữa. Lòng từ bi thông thường không ít thì nhiều ai cũng có, nhưng dám xả mình hi sinh cho người chắc ít ai làm được. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh bất ngờ nào đó, lòng từ bi và sự can đảm dám xả thân mình để cứu người bỗng phát xuất trong con người , chứng tỏ tâm ấy đã có sẵn trong tự thân, chỉ là vì không có cơ hội để phát triển ra mà thôi.

Từ Bi Hỷ Xả của đạo Phật không chỉ là cứu giúp, thương xót người trong vị thế ng
ười cho và người nhận, mà là lòng từ bi phát xuất tự nhiên từ Trí Tuệ Vô Ngã, thấu suốt được tánh Không trong vạn pháp, thấy ta và người là một, hay nói đúng hơn, cứu người như cứu mình, đó mới là Từ Bi đích thực.

Chúng ta hãy đọc lại những lời vàng góp nhặt về Tứ Vô Lượng Tâm, để có thêm năng lượng tích cực, tự chuyển hóa bản thân và chuyển hóa người khác
.


NB




Tâm Từ (Metta)

 

Trích dịch từ Metta Sutra (kinh Từ Bi):

 

Nguyện cầu cho tất cả chúng sinh

Đều được an bình và hạnh phúc

Bất kỳ chúng sanh nào ở đâu

Dù là mạnh hay là yếu

To lớn, trung bình, hay thấp nhỏ

Nhìn thấy được hay không nhìn thấy được

Ở xa hay ở gần

Đã sinh ra hay sắp được sinh ra

Tất cả đều được an lành !

Cầu cho không có chúng sanh nào đem tâm lừa dối

Hoặc khinh rẻ người khác, dù họ ở trong tình trạng nào

Không có ai vì giận dữ hay ác ý

Mà khởi tâm muốn làm hại người

Như người mẹ sẵn sàng bảo vệ đứa con

Bằng cả sinh mạng mình

Hãy mở rộng trái tim vô hạn

Trải tình thương tới tất cả chúng sanh

Cho ánh sáng từ bi tỏa chiếu khắp thế giới

Lên thấu trời cao, và xuống tới đất sâu

Giải thoát tất cả mọi hận thù xấu ác

Trong đi đứng nằm ngồi, đều luôn được tỉnh giác

Phải luôn hành trì, an trụ nơi pháp vô thượng.

Không chấp trước, không thành kiến

Người có tâm thanh tịnh nhìn thấu suốt mọi việc

Không còn bị sáu căn ràng buộc

Thoát ly được luân hồi sinh tử

 


 


Tâm Từ


(trích từ Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Narada Maha Thera)

 


Tâm Từ quan trọng nhất trong các pháp Ba La Mật.


Từ (phạn ngữ là Metta) nghĩa trắng là cái gì làm êm dịu lòng người. Từ là tâm trạng của một người bạn tốt, lòng thành thật ước mong tất cả chúng sanh đều được sống an lành vui vẻ.


So sánh tâm Từ với tình mẫu tử trong đoạn kinh Từ Bi, Đức Phật không đề cập đến lòng trìu mến ít nhiều vị kỷ của người mẹ, mà nhằm vào sự mong mỏi thành thật của bà mẹ hiền muốn cho đứa con duy nhất của mình được sống an lành.


Tâm Từ không phải là sự yêu thương nhục dục, cũng không phải lòng luyến ái với người khác. Tình dục và luyến ái là gốc của mọi phiền não.


Tâm Từ không phải là tình thương riêng biệt đối với người nào, vì người có tâm Từ không phân biệt người thân kẻ sơ.


Tâm Từ không phải là tình đồng chí, tình đồng chủng, tình đồng hương, hay tình đồng đạo.


Tình đồng hương, đồng chủng đưa đến sự kỳ thị giữa những người khác chủng tộc, khác quê hương, đôi khi đem đến chiến tranh tiêu hủy hàng triệu sanh linh. Tình đồng đạo giữa những người cùng tôn giáo là sự hiểu biết hẹp hòi, khiến bao nhiêu đầu đã rơi máu đã chẩy, bao nhiêu chiến tranh đã xẩy ra làm hoen ố lịch sử nhân loại. Con người ghen ghét nhau, thù hận, chém giết lẫn nhau, chỉ vì không cùng sống chung được dưới một nhãn hiệu. Nếu vì không đồng tín ngưỡng mà những người khác tôn giáo với nhau không thể coi nhau như anh chị em trong một đại gia đình, thì sứ mạng của tất cả các vị giáo chủ trên thế gian này đã thất bại chua cay.


Tâm Từ êm dịu vượt hẳn lên trên những tình thương hẹp hòi ấy. Phạm vi hoạt động của tâm Từ không bờ bến, không biên cương, không hạn định. Tâm Từ không có bất luận một loại kỳ thị nào. Nhờ tâm Từ mà ta có thể xem tất cả chúng sanh là bạn hữu, và khắp nơi trên thế gian này như quê hương của chúng ta.


Tựa hồ như ánh sáng mặt trời bao trùm vạn vật, tâm Từ cao thượng trải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hỏng hay đạo đức, người hay thú.


Người có tâm Từ vô lượng vô biên như thế ấy là Đức Phật. Ngài đã tận tâm tạo an lành hạnh phúc cho tất cả những người yêu kính Ngài cũng như những người ganh tỵ, oán ghét, và cả những người âm mưu ám hại Ngài.


Người thực hiện tâm Từ đến mức tột cùng sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sanh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là “ta” hay “tự ngã” dần dần hòa tan vào khắp càn khôn vạn vật. Mọi phân biệt chia rẽ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng. Vạn vật trở thành đồng thể, đồng nhất.


Thật ra không có ngôn ngữ nào tả hết được nghĩa Metta trong tiếng Phạn. Thiện ý, từ ái, hảo tâm, bác ái, là những danh từ tạm gọi là đồng nghĩa với Metta mà thôi. Nghịch nghĩa với tâm Từ là sân hận, ác ý, hận thù, oán ghét. Tâm Từ và sân hận không thể phát sanh cùng một lúc. Thù oán cũng không thể chứa đựng tâm Từ.


Đức Phật dạy rằng: “Không thể lấy hận thù để giải hận thù, chỉ có tâm Từ mới dập tắt được hận thù”.


Không những dập tắt được lòng sân hận, tâm Từ còn diệt trừ được những mầm móng tư tưởng bất thiện đối với người khác. Người có tâm Từ không bao giờ nghĩ đến làm hại, làm giảm giá trị, bài bác ai, cũng không bao giờ sợ ai , hay làm cho ai phải sợ mình.


Kẻ thù gián tiếp thường mang lốt bạn của tâm Từ một cách sâu kín bất ngờ là lòng trìu mến vị kỷ. Nếu quan niệm không đứng đắn, tâm Từ có thể trở thành luyến ái. Kẻ thù gián tiếp này thật là tế nhị và cũng thật hiểm độc. Nó hành động như người ẩn nấp trong rừng sâu hay ở sau một sườn núi để chờ hại một người khác. Trìu mến đem lại phiền não, tâm Từ chỉ đem lại an lành hạnh phúc.


Đây là một điểm tế nhị mà ta không nên hiểu lầm. Cha mẹ thương yêu trìu mến con, con trìu mến cha mẹ; vợ mến chồng, chồng mến vợ; tình luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự kiện tự nhiên. Thế gian không thể tồn tại được nếu không có tình thương. Nhưng tình thương giữa cá nhân luôn luôn vị kỷ, hẹp hòi, không thể sánh được với tâm Từ là tình thương vô phân biệt đối với mọi chúng sanh.


Người có tâm Từ sẽ được nhiều điều phúc như sau:


- Giấc ngủ đến dễ dàng, an vui, ngủ với tâm trạng thơ thới, không giận hờn không lo sợ, không chiêm bao mộng mị những điều xấu xa, ghê sợ, nếu có nằm mộng cũng thấy điều lành.

- Khi ngủ với tâm lành, tự nhiên lúc thức dậy cũng với tâm lành, gương mặt vui vẻ

- Người có tâm Từ sẽ gặt hái được nhiều cảm tình của mọi người


Một thi hào người Anh đã viết những dòng thơ rất ý nhị và đẹp đẽ:


“Nhìn anh qua kính hiển vi của sự chỉ trích, tôi thấy anh thật thô lỗ, tồi tệ, vụng về

 Nhìn anh qua viễn vọng kính của sự khinh bỉ, tôi thấy anh thật ti tiện, thấp hèn, bỉ ổi

 Nhưng nhìn anh qua tấm gương trong của Chân Lý, lại thấy anh và tôi đều cũng giống nhau; trên bản thể nhất nguyên, chúng ta không có khác biệt gì với nhau cả.”


 

Con người dù tốt đến đâu cũng có những khuyết điểm, và ngược lại dù xấu đến đâu cũng có những ưu điểm. Vậy tại sao ta cứ tìm những khuyết điểm của người khác mà không để ý đến ưu điểm của họ? Nếu mọi người đều biết nhìn vào phần tốt đẹp của nhau, nhân loại này sẽ tràn đầy hạnh phúc.



- Người có tâm Từ chắc chắn là bạn thân của mọi người mà cũng là bạn thân của mọi chúng sanh. Loài cầm thú cũng thấy vui thích khi được sống gần những bậc hiền nhân. Các tu sĩ sống một mình ở chốn rừng sâu, giữa sài lang hổ báo, nhưng nhờ có tâm Từ bảo vệ mà vẫn được bình an.


Đức Phật có lần nói rằng: “Như Lai sống trong núi thẳm, giữa đám sư tử, cọp beo, nai hươu, các thú dữ, giữa rừng rậm hoang vu, không một con vật nào sợ Như Lai và Như Lai cũng không sợ con vật nào. Chính là nhờ oai lực của tâm Từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp Như Lai sống được yên ổn.”


- Khi được thực hành đúng mức, tâm Từ có năng lực nhiệm mầu chuyển dữ hóa lành. Thuốc độc không hại được người có tâm Từ, ngoại trừ người ấy phải trả một nghiệp xấu đã gây trong quá khứ. Tâm Từ giúp tăng cường sức khoẻ và ngăn ngừa những ảnh hưởng độc hại. Tư tưởng độc ác đầu độc con người. Tư tưởng trong sạch giúp thanh lọc cơ thể con người trở nên lành mạnh.


- Người có tâm Từ có một gương mặt tươi sáng vì gương mặt là phản ảnh của nội tâm. Lúc giận, máu trong cơ thể phải chạy mau gấp ba lần bình thường, trở nên nóng, dồn lên, làm đỏ mặt tía tai. Tâm Từ trái lại làm cho tinh thần vui vẻ, thân có cảm giác an lành, máu được trong sạch và gương mặt hiền từ dễ mến. Sách chép rằng sau khi Đức Phật đắc đạo, trong lúc Ngài chỉ quán tham thiền về tương quan nhân quả, tâm Ngài hoàn toàn an trụ và máu trong cơ thể Ngài hết sức trong sạch. Lúc ấy từ bên trong phát ra những ánh hào quang xanh, vàng, đỏ trắng và cam bao quanh thân Ngài.

 

- Người có tâm Từ luôn luôn được chư Thiên hộ trì.


- Tâm Từ an trụ được dễ dàng vì không bị những tư tưởng mâu thuẫn lộn xộn khuấy động. Người có tâm an trụ sẽ được sống ở cõi Trời, và cõi Trời ấy là do chính ta tạo ra.


- Người có tâm Từ sẽ được chết an lành, vì trong lòng không chứa chấp tư tưởng sân hận. Sau khi tắt thở, gương mặt tươi tỉnh ấy là phản ảnh của sự ra đi vui vẻ an bình. Chết an vui, người có tâm Từ sẽ tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp. Nếu đã đắc Thiền, sẽ tái sanh vào cõi trời Phạm Thiên.


 

 Ngoài những lợi ích vật chất, tâm Từ có một hấp lực mạnh mẽ phi thường. Người có tâm Từ có thể gieo những ảnh hưởng tốt đẹp từ xa đến một người khác. Mọi người đều cảm thấy an vui khi ở gần người lành.

 

 Chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn loạn, tình thế căng thẳng, luôn luôn lo sợ hiểm họa chiến tranh. Các quốc gia ngày nay ráo riết vũ trang những vũ khí hủy diệt hàng loạt, khiến nhân loại không ngớt phập phồng lo sợ. Trong giờ phút này, thế gian ắt đang trông cậy vào một tâm đại từ cứu khổ để mọi người đều được sống an vui trong cảnh thái bình và thuận hòa trong tình huynh đệ.


 Tâm Từ của Phật giáo là một khí giới ôn hòa và hữu hiệu để ngăn ngừa bom đạn. Nếu các quốc gia hiếu chiến chịu đem tâm Từ thay thế vũ khí để cai trị thế gian bằng công lý và tình thương, thay vì bạo lực và cường quyền, thì nhân loại sẽ được an cư lạc nghiệp và hạnh phúc lâu dài.


 


Tâm Bi (Karuna)

 


Bi là lòng bi mẫn, cảm thương cho những bất hạnh, khổ não của chúng sanh, và muốn giúp họ thoát khỏi sự đau khổ ấy. Tâm Bi bao trùm những chúng sanh đang đau khổ; Tâm Từ bao trùm cả những chúng sanh đau khổ lẫn an vui .

 


Trích dịch lời của đại sư Shantiveda:

 

Bất cứ niềm vui nào trên thế giới này

Cũng xuất phát từ ước nguyện muốn cho người khác được hạnh phúc

Bất kỳ sự đau khổ nào trên thế giới này

Cũng xuất phát từ ước nguyện muốn cho mình được hạnh phúc


 

Và lời nguyện của Bồ Tát với tâm đại bi như sau:

 

“Cầu cho tôi trở thành đồ ăn, thức uống cho những người đang đói khổ trên thế gian này trong thời kỳ có nạn đói


Cầu cho tôi là y sĩ, y tá và thuốc cho tất cả những ai đang bị bệnh trên thế giới này, cho đến khi tất cả đều được chữa khỏi.


Cầu cho tôi trở thành kho báu vô tận để cung ứng cho chúng sanh được hưởng những điều họ đang mong ước.


Cầu cho tôi là một người hướng dẫn cho kẻ không có người hướng dẫn, người chỉ đường cho những người đang đi đường, một chiếc thuyền để đưa người qua sông, là tất cả tầu bè, những chiếc cầu, những công viên đẹp đẽ cho những người muốn điều đó, và là ánh sáng cho những người cần được soi sáng.


Cầu cho tôi trở thành chiếc giường cho người cần nghỉ ngơi, là một người hầu cho những người cần được hầu hạ.


Cầu cho tôi cũng trở thành những trợ duyên căn bản cho tất cả chúng sanh, như đất, như trời, không thể hủy diệt được.


Cầu cho tôi là những trợ duyên cho sự sinh tồn của tất cả chúng sanh, cho đến khi tất cả đều được giác ngộ.” 

 

 


 

 Bình luận về Từ Bi và Trí Tuệ


 (trích từ Bồ Tát Đạo hay Con đường lý tưởng của Minh Đức- Thanh Lương)


 

Lời Phật dạy: “Sinh ra là khổ”, nhưng ta chớ nên coi đó là một thông điệp chán đời.


“Sinh ra là khổ” nhắm vào thực trạng ở đời đầy những cảnh thương đau, khổ hận, đầy nước mắt oán than, già nua, bệnh chết, chứ không phải thấy đời là khổ để ngồi khóc than ai oán, rồi đắm chìm, chết ngộp trong bể khổ. Biết đời là khổ thì phải nhận lấy thực trạng ấy, để rồi từ chỗ khổ đau cố vươn lên ra khỏi khổ đau.


Ai không đau khổ thì không thể nào giải thoát được, cũng như muốn có một lưỡi kiếm báu, phải đem thanh sắt tôi luyện vào lò nung đến một nhiệt độ thật cao, cho sắt mềm nhũn ra, và bao nhiêu chất cặn bã tạp nhạp được phế thải hết, chỉ còn lại thép nguyên chất thì mới sắc bén.


Phiền não là hạt giống của Như Lai. Có phiền não khổ đau thì mới có trí tuệ Bát Nhã. Cho nên cần lấy thân tâm làm ruộng đất, lấy phiền não làm hạt giống, lấy trí tuệ là mầm mống, còn quả vị Phật được ví như thóc lúa, hoa trái thơm ngon.


Hàng phàm phu không có trí tuệ bị vô minh che lấp chân tâm nên thường chấp Ngã, chấp Pháp. Ở trong vọng chấp Có, Không, Thường, Đoạn nên mới sinh ra nghiệp quả sâu dầy gây thành tội ác, phải trôi lăn trong bể sinh tử.


Người có Đạo tâm thì dù ở trong cảnh khổ cũng không cảm thấy đau khổ, mà còn chia xẻ nỗi thống khổ của muôn loài, làm vơi dòng lệ bỏng của nhân loại.


Tâm Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm bao trùm hết thảy và coi chúng sinh như nhau, không hề có phân biệt. Đó là một thứ tình thương vô giới hạn, tuyệt đối và vô điều kiện, không giống bất cứ một thứ tình yêu nào của thế gian cả.


Tình thương yêu cũng có nhiều cung bậc cao thấp trầm bổng khác nhau. Thương yêu càng đòi hỏi ít điều kiện lại càng rộng lớn cao thượng bấy nhiêu.


Tình thương yêu trong tôn giáo có mức độ cao siêu hơn tình yêu đối với cá nhân, gia đình hay tổ quốc, vì những thứ này đều bị ràng buộc và giới hạn trong vòng nhân loại và trong không gian và thời gian.


Nhưng ngay cả trong tôn giáo tình thương yêu cũng vẫn còn bị hạn chế, vướng mắc, vì nhiều tôn giáo thường dạy tín đồ chỉ nên kính thờ Thượng đế hay Đấng Chí Tôn của họ, mà không được theo ngoại đạo, tà giáo. Giới hạn này ẩn tàng trong những giáo điều của mọi tôn giáo trong nhân loại xưa và nay.


Duy trong Phật giáo, tình thương yêu tuyệt đối và vô điều kiện vượt ra ngoài giáo điều, chỉ thành tựu nhờ sự giác ngộ hoàn toàn chân lý “Không” (Sunyata).


Từ bi tối thượng chỉ đạt được khi nào đã có Trí tuệ tối thượng. Nói cách khác thì Từ bi tuyệt đối chỉ phát sinh khi nào phá hủy được ranh giới giữa Ngã và Phi Ngã, nhờ giác ngộ trọn vẹn được chân lý về sự ảo hóa (maya) và về tính Không trong mọi hiện tượng.


Từ bi của Phật giáo phát khởi một cách tự nhiên nhờ sự ngộ nhập sâu xa về Chân Như và Thực Tướng của vạn pháp, phá tan màn vô minh ám chướng, và gạt bỏ mọi chấp trước, kể cả cái chấp vào quả Phật, ngay sau khi thành tựu quả Phật. 


Tình thương yêu của Phật vĩ đại, bao la, trùm khắp muôn loài. Tình thương ấy được kết hợp chặt chẽ với toàn Trí. Bi Trí đồng nhất và cùng khởi lên một lúc được phát xuất từ một sự giải thoát trọn vẹn khỏi mọi chấp trước và chướng ngại. Thứ tình yêu đó khác xa lòng Bác Ái chỉ ở trong phạm vi nhân loại hạn hẹp của một kiếp này, không như Bi Trí của Phật giáo lan rộng ra muôn loài và ước mong cho chúng sinh thoát khỏi nghiệp quả vĩnh viễn, được hưởng sự giải thoát khỏi tam giới trong nhiều kiếp nhiều đời.


Đại Trí thì sáng tác (chiếu), còn Đại Bi thì tịnh quán (tịch). Chiếu tức Tịch mà Tịch tức Chiếu, tuy hai mà là một, tất cả đều viên dung ở điểm siêu tuyệt của “Đương Xứ” , ngay bây giờ và ở đây, mà thời gian tức là không gian. Sự tương dung tương nhập đặc thù của pháp giới không thể đem tri thức suy luận để phân tích, chia chẻ và phán xét, mà phải trở về điểm xuất phát đầu tiên, nghĩa là từ nguồn tâm Đại Bi thương cảm.


Có tâm Đại từ Đại bi mới xóa nhòa được mọi thù hận, lấp kín hố chia cách giữa mọi cái Ta ngăn ngại và thực hiện được sự đại đoàn kết cần phải có giữa muôn loài chúng sanh.


Các vị Bồ Tát cùng một hạnh nguyện cứu khổ chúng sinh như Bồ Tát Quán Thế Âm vì các ngài nhận rõ chân lý: “Một là tất cả, tất cả là một” và thấy rõ nguồn năng lực kích động Pháp giới sự sự vô ngại chính là tâm Đại Bi rộng lớn vô biên. Các ngài có đầy đủ cả Bi lẫn Trí nên hành động không vì ta, cũng không vì người, và chỉ khi nào không còn thấy có ta, có người mới đạt đến chỗ cứu cánh của lòng đại từ đại bi và trì tuệ Bát Nhã.


Những ai chỉ cầu được Trí tuệ rộng lớn mà không chịu bồi đắp tâm Bi cho thật toàn vẹn thì không bao giờ đạt được lợi ích viên mãn, bởi vì động cơ thúc đẩy hành động của những người ấy chỉ là sự lợi ích cho chính mình, mà không kể đến lợi ích của người khác. Cũng tựa như khoa học phát triển mà không có ngọn đuốc Từ Bi chỉ lối đưa đường sẽ có nguy cơ đưa nhân loại đến chỗ hủy diệt, tàn sát lẫn nhau.



Cũng như các đức tính Ba la mật khác, Từ Bi có hai loại: hữu tướng và vô tướng.


Từ Bi hữu tướng là lòng từ bi phát xuất từ đáy lòng mình khi ta đứng trước một thảm cảnh. Lòng từ bi ấy khởi đầu phát ra cho những người thân yêu, bạn bè, rồi đến các người xa xôi khác, ngay cả đến các kẻ thù nghịch với mình. Từ Bi hữu tướng còn thấy có mình, có người, còn ranh giới phân biệt giữa cái “ta” và “ngoài ta”.


Từ Bi vô tướng là lòng xót thương sẵn có nơi bản tính con người, không cần phải có đối tượng mới phát khởi. Từ Bi vô tướng không còn thấy có mình có người, có cái “ta” và cái “ngoài ta”. Từ Bi vô tướng chỉ có được nơi các vị đã hoàn toàn giác ngộ được tánh Không.


Tâm mà đạt tới chỗ “Chân Không” thì “Không” đó chính là Từ bi vô lượng. Muôn loài muôn vật đều cùng chung một thể tánh Không như nhau. Lòng Từ Bi khởi phát khi thấy mình với tất cả chúng sinh đều là một, tựa như những ngón tay ngắn dài cùng chung một bản thân, hoặc những làn sóng cao thấp nhấp nhô ngoài biển khơi, tuy sai biệt nhưng cùng chung một thể nước.


Nếu tâm Từ Bi không phải phát xuất từ tánh Không, thì đó chỉ là lòng tự thương mình, hoặc thương kẻ đồng cảnh ngộ, còn ai sung sướng thì lại ghét ghen. Tình thương đó là do sự chấp Ngã và ái Ngã, nếu còn tâm ấy thì dù có phát tâm muốn độ chúng sanh cũng sẽ dễ dàng thối chí, nản lòng, vì tưởng rằng chúng sinh vô biên là có thực, không biết phải độ cho đến bao giờ mới xong.


Trong lúc quán Từ Bi phải hiểu rằng chúng sinh đều giả huyễn, do Thức biến, như hoa đốm hư không, như bóng hình trong giấc mộng. Đại Từ, Đại Bi vô lượng nên phải là “Không”, bởi nếu rời “Không” ra thì Từ Bi sẽ nhỏ hẹp, hạn lượng, đâu có thể thâu đạt được lợi ích vô hạn, và như vậy đâu có thể gọi được là Đại Từ, Đại Bi vô lượng vô biên đâu?

 

 


Tâm Hỷ & Xả (Mudita & Upekkha )

 

(Trích kinh Pháp Cú, phẩm An Lạc):

 

Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống không hận thù!

 

Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống không ốm đau.

 

Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn, giữa rộn ràng;
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống không rộn ràng.

 

Vui thay chúng ta sống,
Không gì, gọi của ta.
Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư thiên Quang Âm.

 

Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh an lạc.
Bỏ sau mọi thắng bại.

 

Lửa nào sánh lửa tham?
Ác nào bằng sân hận?
Khổ nào sánh khổ uẩn,
Lạc nào bằng tịnh lạc.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật