TÂM VÀ GIÁC NGỘ - Đại sư Sogyal Rinpoche

23 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 33239)


zen-monk-content



TÂM VÀ GIÁC NGỘ


Đại sư Sogyal Rinpoche



 

Tâm và Tánh (bản chất của tâm)

 


 Phật giáo đã đem lại một cái nhìn thật cách mạng là: "Sự sống và sự chết là ở ngay trong tâm chúng ta, chứ không đâu khác". Tâm được xem như là nền tảng duy nhất cho mọi kinh nghiệm ... là tác giả của hạnh phúc và đau khổ, của cái mà chúng ta gọi là đời sống và cái chết.

 


 Tâm có nhiều mặt, nhưng có hai mặt nổi bật nhất. Thứ nhất là cái tâm trí bình thường, tiếng Tây Tạng gọi là "sem". Một vị thầy định nghĩa là: "Cái có ý thức phân biệt, có cảm giác đối đãi, bám víu hoặc chối bỏ một đối tượng bên ngoài --- đó gọi là tâm trí." Trên căn bản đó là ý thức tự phân biệt và tự liên hệ mình với một cái gì khác bên ngoài. Sem là cái tâm trí suy tư, phân biệt, viển vông, trong đó có những nhận thức, dự định của vọng thức về những điều ở bên ngoài.

 

 Vậy "sem" là cái tâm trí suy nghĩ, tính toán, ham muốn, mưu mô, khởi động sự nóng giận, tạo tác và đắm chìm trong những cơn sóng cảm xúc và ý tưởng tai hại, nhưng vẫn luôn khẳng định, đánh giá sự "hiện hữu" của nó bằng những phân tích, nhận định và những kinh nghiệm được củng cố. Cái tâm trí bình thường không ngừng bị giao động bởi những ảnh hưởng bên ngoài, theo thói quen và điều kiện ấy được cái vị thầy ví như đốm lửa của một ngọn nến để ngay giữa cửa ra vào đang mở rộng, sẵn sàng bị lay động theo tất cả những ngọn gió thổi qua.

 

 Trên một bình diện, "sem" là lung lay, rung động, bám víu, và không ngừng nhẩy vào những chuyện không đâu; năng lượng của nó bị cạn kiệt vì hướng ra ngoài quá nhiều. Đôi khi tôi nghĩ nó giống như hạt đậu nhẩy của Mễ Tây Cơ (Mexican jumping bean), hay là một con khỉ nhẩy nhót không ngừng từ cành cây này sang cành cây khác. Nhưng trên một bình diện khác, cái tâm trí bình thường ấy cũng có một sự kiên cố giả tạo, tẻ nhạt, đóng băng trong sự tự mãn và tự bảo vệ mình, một vẻ bình thản tượng đá của những thói quen đã ăn sâu. Sem quỷ quyệt như một chính trị gia bất lương đầy nghi kỵ, lúc nào cũng mưu mô và dối trá, thật "tài giỏi trong những trò chơi giả tưởng", như Jamyang Khyentse viết. Chính ở trong những kinh nghiệm của "sem", cái tâm trí hỗn tạp, rối mù, vô kỷ luật và lập đi lập lại này, mà chúng ta đã trải qua những biến đổi của đời sống và cái chết.


 

 Nhưng ta còn có Tánh, cái bản chất nguyên sơ của tâm, là phần tinh túy và sâu kín nhất, tuyệt đối không bị ảnh hưởng bởi những biến đổi của đời sống và cái chết. Tánh ấy ở khuất kín trong tâm, bị bao phủ và che lấp bởi những tư tưởng tràn ngập và những cảm xúc lộn xộn của cái "sem" bình thường. Giống như những đám mây có thể bị một cơn gió mạnh thổi dạt đi để lộ ra mặt trời chói sáng và một bầu trời rộng mở, một lúc nào đó ta có thể ở trong một hoàn cảnh đặc biệt đầy cảm hứng, làm hé lộ cho ta thoáng thấy được cái bản chất nguyên thủy của tâm này. Những cái thoáng thấy ấy có nhiều trình độ và chiều sâu khác nhau, nhưng mỗi cái đều mang một ánh sáng nào đó của trí tuệ, một nhận thức về ý nghĩa của sự tự do. Đó là bởi vì tánh nguyên thủy của tâm chính là trí tuệ. Trong tiếng Tây Tạng, nó được gọi là Rigpa, có nghĩa là ý thức nguyên thủy, thuần khiết, vừa thông thái, vừa quang minh, và luôn luôn có sự tỉnh thức. Nó có thể được coi như sự hiểu biết của tất cả những hiểu biết vậy.

 

 Đừng tưởng lầm rằng cái bản chất nguyên sơ của tâm này chỉ có ở trong tâm ta mà thôi. Nó là bản chất của tất cả mọi sự (vạn pháp). Có thể nói rằng, nhận thức được bản chất của tâm mình là nhận thức được bản chất của vạn pháp vậy.

 

 Những thánh nhân, những đạo sư trong lịch sử đã dùng những mỹ từ khác nhau để gọi sự khai ngộ của họ, nhưng trên căn bản điều họ kinh nghiệm chính là cái bản chất tinh túy nhất của tâm này. Những người theo đạo Thiên Chúa và Do Thái gọi đó là "Thượng Đế", Ấn độ giáo gọi là "Chân Ngã" hay "Shiva", "Brahman" và "Vishnu"; những đạo sĩ Sufi gọi đó là "Tinh túy tiềm ẩn"; và Phật giáo gọi đó là Tánh Phật. Trong cốt lõi của mọi tôn giáo chắc chắn đều có một chân lý làm nền tảng, và đời sống này là một cơ hội thiêng liêng cho chúng ta có thể khai triển và thực hiện chân lý đó.


 

 Khi nói tới Phật, ta thường nghĩ ngay đến vị Thái tử Ấn Độ là Tất Đạt Đa (Gautama Siddharta), người đã đạt được sự giác ngộ vào thế kỷ thứ sáu trước khi chùa Jesus ra đời. Ngài đã dạy con đường chánh đạo cho hàng bao nhiêu triệu tín đồ đi theo trên khắp cõi Á Châu, mà nay ta gọi là Phật giáo. Phật, tuy vậy, có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Đó có nghĩa là một người, bất cứ một người nào, đã hoàn toàn giác ngộ, ra khỏi vô minh và khai mở được trí tuệ bao la vô ngăn ngại. Một vị phật tức là một người đã chấm dứt được chuỗi khổ đau phiền não, đã tìm thấy được nguồn an lạc vĩnh cửu và sự an bình trong tâm.

 

 Đối với một số lớn chúng ta trong thời đại đầy hoài nghi này, điều này có vẻ như không tưởng hay chỉ là một giấc mơ, một cái gì vượt quá tầm tay để đạt tới. Nhưng nên nhớ rằng Phật cũng chỉ là một người như chúng ta mà thôi. Ngài không bao giờ tự xưng mình là thần thánh, nhưng ngài biết rằng trong tâm ngài đã có sẵn Tánh Phật, cái nhân cho sự giác ngộ, và tất cả mọi người cũng đều như vậy. Tánh Phật là bản tánh trời cho của tất cả mọi người, và tôi thường nói rằng: "Tánh Phật của chúng ta cũng không thua gì tánh Phật của tất cả các vị Phật." Đó chính là điều vui mừng mà Đức Phật đã khai thị cho chúng ta khi ngài giác ngộ ở vườn Bồ Đề, đem lại niềm hứng khởi lớn lao cho bao nhiêu người chúng ta. Cái thông điệp của ngài -- rằng giác ngộ có thể đến với tất cả chúng sanh -- cho chúng ta một hi vọng bao la rằng, qua sự tu tập, tất cả chúng ta đều cũng sẽ đạt đến sự khai ngộ. Nếu điều này là không thật, thì từ xưa đến nay bao nhiêu các vị thầy đã không đạt được sự giác ngộ đó.

 

 Truyền thuyết kể rằng khi Đức Phật giác ngộ, ngài muốn cho tất cả mọi người cũng đều thấy được cái bản tánh tự nhiên của tâm, và muốn chia xẻ hoàn toàn những điều ngài đã cảm nhận được. Nhưng ngài cũng vô cùng buồn rầu và thương cảm mà thấy rằng, điều ấy thật là khó cho chúng sinh có thể hiểu được.


 

 Tuy ta cũng có bản tánh nội tại như Đức Phật, nhưng ta không nhận thấy được vì cái tâm phàm phu trong con người chúng ta đã che lấp và bao phủ hết. Hãy tưởng tượng có một cái bình không. Khoảng không ở trong bình không khác gì khoảng không ở ngoài, nhưng cái lớp vỏ bình mong manh đã chia cách hai khoảng không đó với nhau. Tâm Phật của ta đã bị che lấp trong bức tường của cái tâm phàm phu bình thường. Nhưng khi ta đạt đến giác ngộ, ta sẽ thấy như cái bình đã vỡ tan ra từng mảnh. Khoảng không "ở trong" hòa nhập vào khoảng không "bên ngoài", chúng trở thành một: lúc đó ta mới nhận ra rằng từ trước tới nay chúng vốn không bao giờ khác nhau hay cách biệt, mà chính là đồng nhất với nhau.


 

 


Bầu trời và những đám mây



  Như thế, dù cuộc đời ta có thế nào, tánh Phật của chúng ta vẫn luôn luôn có ở đó, và luôn luôn hoàn hảo. Có thể nói rằng những vị Phật với trí tuệ bao la cũng không làm cho nó tốt hơn, mà những con người phàm tục đầy nông nổi lầm lạc cũng không làm nó hư hoại được. Cái bản chất nguyên thủy của tâm có thể ví như bầu trời, và những hỗn độn trong tâm trí bình thường của ta như những đám mây. Khi ta ở dưới đất nhìn lên, rất khó mà tin rằng có gì khác hơn những đám mây kia. Nhưng chỉ cần leo lên máy bay, ta sẽ khám phá một bầu trời trong xanh rộng lớn vô biên. Từ đó, ta sẽ thấy những đám mây, mà trước ta tưởng là tất cả, nhìn ở dưới trông thật nhỏ bé và xa vời.

 

 Ta phải luôn luôn nhớ rằng: những đám mây không phải là bầu trời, và không "thuộc về" trời. Chúng chỉ treo lơ lửng ở đó và trôi qua trong những hình thù ngộ nghĩnh và độc lập với bầu trời. Và chúng không bao giờ in dấu lên, hay để vết tích lại trên nền trời.


 

 Vậy thật ra tánh Phật này ở đâu? Chính là ở trong bản tánh bao la như trời của tâm ta. Hoàn toàn mở rộng, tự do và vô biên vô hạn, bản chất của nó là giản dị và tự nhiên đến mức không bao giờ có thể trở nên phức tạp, suy đồi, hay bị tì vết, trong sạch đến mức vượt qua khỏi khái niệm về trong sạch và không trong sạch. So sánh bản chất của tâm như bầu trời, dĩ nhiên chỉ là một giả dụ để ta có thể mường tượng được sự vô biên vô hạn của nó, nhưng tánh Phật có một đặc tính mà bầu trời không có được, đó là sự thấy biết thật trong sáng và quang minh. Như câu nói sau đây:


 "Đó là sự thấy biết thuần túy ngay trong giây phút hiện tại, không khiếm khuyết, thông suốt và rỗng lặng, như thị và sáng suốt."

 

 Dudjom Rinpoche viết rằng:


 Không lời nào có thể diễn tả được

 Không điều gì có thể đem ra ví được

 Ta Bà không làm nó xấu hơn

 Niết Bàn không làm nó tốt hơn

 Đó là sự vô sinh vô diệt

 Chưa bao giờ giải thoát

 Cũng chưa bao giờ vô minh

 Chưa từng hiện hữu hay không hiện hữu

 Là sự vô biên vô hạn

 Không thể xếp loại vào đâu được.

 

 Đại sư Nyoshul Khenpo Rinpoche nói như sau:

 

 Thâm sâu tịch tĩnh, vô chướng ngại

 Trong suốt sáng ngời và thuần khiết

 Vượt ngoài mọi nghĩ bàn suy luận

 Đó là tâm thâm diệu của bậc Giác Ngộ

 Tâm ấy không có gì để bớt

 Cũng không có gì để thêm

 Trong sạch không một chút tì vết

 Soi chiếu tự nhiên vào chính mình.


 


 

Bốn khuyết điểm


 

 Vậy tại sao chúng ta lại khó khăn đến thế khi muốn biết về chiều sâu và sự trong sáng của bản tính tự nhiên trong tâm? Tại sao đối với nhiều người đó chỉ là một ý niệm không tưởng và kỳ quái như vậy?

 

 Qua lời giảng của các bậc đạo sư, ta được biết rằng có bốn khuyết điểm đã ngăn trở không cho ta nhận biết được bản chất của tâm là:

 

 1) Bản chất của tâm quá gần gũi để thấy được - giống như ta không nhìn thấy mặt của chính mình, tâm trí cũng khó mà nhận ra được bản chất của chính nó.


 2) Quá sâu xa nên khó có thể đo lường được. Ta không có khái niệm gì về sự sâu xa của nó, nên không nhận thức được.


 3) Quá tự nhiên và giản dị nên khó tin được. Thật ra, chúng ta chẳng cần làm gì ngoài việc ở yên trong trạng thái thấy biết thuần túy, trong sáng của bản chất tự nhiên sẵn có trong tâm.


 4) Quá vi diệu nên khó ứng dụng, quá bao la rộng lớn đối với lối suy nghĩ nông cạn tầm thường của chúng ta. Ta khó thể tin, và cũng khó tưởng tượng được rằng, giác ngộ chính là bản chất thật sự của tâm.

 


 Nếu trong một xã hội như Tây Tạng, hầu như hoàn toàn chuyên chú vào việc tu tập để giác ngộ, mà bốn khuyết điểm trên đã áp dụng đúng, thì trong một xã hội văn minh hiện đại chỉ chạy theo những ảo tưởng giả tạo lại càng rõ nét hơn nhiều. Trong tất cả những cái học được phổ biến, không có một chỉ dẫn khái lược nào về bản chất của tâm. Các văn sĩ hay những nhà trí thức ít khi viết về nó, các triết gia hiện đại không nói gì về nó; đa số những nhà khoa học không tin là nó có thật. Nó không đóng vai trò gì trong nền văn hóa đại chúng: không ai hát, không ai đề cập đến trong những vở kịch; các chương trình truyền hình cũng không nói gì đến nó. Chúng ta được giáo dục để tin rằng, không có gì là thật ngoài những điều ta có thể nhận thấy rõ ràng bằng các giác quan thông thường.

 

 Nhưng mặc dù có sự chối bỏ rộng rãi như vậy, đôi khi chúng ta cũng thoáng thấy được bản chất trong tâm. Đó là khi ta có sự cảm hứng đối với một bản nhạc, khi ta nhận thấy một niềm hạnh phúc an tĩnh nhẹ nhàng nơi thiên nhiên, hay trong một số trường hợp nào đó xẩy ra trong đời sống hàng ngày. Nó có thể hiện ra dễ dàng khi ta ngắm những bông tuyết từ từ rơi xuống, khi nhìn mặt trời lặn xuống sau dãy núi, hay thấy một vệt sáng chiếu vào phòng với một vẻ kỳ bí nào đó. Những giây phút đầy ánh sáng, bình an và hoan lạc đó đến với tất cả chúng ta và lưu lại thật lạ lùng trong tâm ta.

 

 Tôi nghĩ rằng, đôi khi chúng ta cũng hiểu được nửa chừng những thoáng hiện đó, nhưng nền văn hóa tân tiến đã không cho ta một khuôn mẫu nào để thực sự hiểu chúng được. Tệ hơn nữa là, thay vì khuyến khích chúng ta tìm hiểu những cái thoáng hiện này sâu xa hơn và xem chúng xuất phát từ đâu, chúng ta lại được bảo một cách thẳng thừng hay tế nhị rằng, phải loại bỏ chúng đi. Ta biết nếu muốn chia xẻ những nhận thức đó cũng không ai tin. Vì thế, ta đã bỏ lỡ những cơ hội có thể đem lại những kinh nghiệm khai ngộ, nếu chúng ta có thể hiểu được điều đó. Có lẽ đây cũng là một khía cạnh đen tối và phiền hà của nền văn minh hiện đại - đó là sự vô minh và áp chế lên con người thực sự của chúng ta.




 

Hướng nội


 

 Bây giờ ta hãy thử làm một cuộc chuyển hướng hoàn toàn xem sao. Đừng quay về một hướng độc nhất. Suốt đời chúng ta đã quen chạy đuổi theo những tư tưởng và những dự định hướng ngoại. Ngay cả khi người ta nói về "tâm" cũng chỉ là đề cập đến những tư tưởng và cảm xúc mà thôi; và khi nghiên cứu về những vấn đề tâm trí, những chuyên viên cũng chỉ xem xét đến những suy nghĩ, dự định trong tâm. Không ai thực sự tìm hiểu về cái tâm căn bản, cái nền tảng từ đó tất cả những biểu hiện xuất phát - và điều đó đã đem lại những hậu quả tai hại. Padmasambhava đã nói:


Tuy rằng cái gọi là "tâm" đã được xem xét rộng rãi và bàn cãi đến nhiều

 Nhưng vẫn chưa ai hiểu, hay chỉ hiểu sai lạc và một chiều.

 Vì đã hiểu sai lạc, không nhận diện được thực tuớng của nó

 Nên đã có biết bao quan điểm triết lý và giả định

 Lại nữa, vì con người bình thường không hiểu được nó

 Nên họ đã không nhận ra được bản tính của mình

 Và cứ tiếp tục lang thang trong luân hồi sáu nẻo

 Trong ba cõi thế giới, để rồi hứng chịu sự đau khổ

 Vì thế, không hiểu được tâm mình là một khuyết điểm trầm trọng.


 

 Làm sao ta có thể chuyển hướng khỏi tình trạng này? Rất giản dị. Tâm ta có hai vị trí: hướng ngoại và hướng nội.


 Bây giờ chúng ta hãy hướng nội.

 

 Sự chuyển hướng nhẹ nhàng đó có thể đem lại một sự đổi khác lớn lao, có khi còn đảo ngược lại những tai họa đang đe dọa thế giới. Khi có thêm nhiều người hơn biết được bản chất trong tâm, họ sẽ cảm nhận được cái bản chất huy hoàng của thế giới đang sống, và sẽ phấn đấu kiên cường và khẩn thiết để bảo vệ nó. Trong tiếng Tây Tạng chữ Phật tử được gọi là "nangpa", có nghĩa là "người ở trong". Một người đi tìm chân lý không phải ở ngoài, mà ở ngay chính bản chất của tâm. Tất cả những điều giảng dạy và tu tập của Phật giáo đều nhằm một điểm duy nhất: đó là nhìn sâu vào bản chất tự tánh nơi tâm để tự giải thoát mình ra khỏi sự sợ hãi cái chết, và giúp ta thực hiện được chân lý của đời sống.

 

 Hướng nội đòi hỏi sự tinh tường và dũng khí lớn lao - đòi hỏi ta phải có sự chuyển hướng hoàn toàn thái độ đối với cuộc đời và tâm tư. Ta đã quen hướng ngoại tìm cầu quá nhiều để đến nỗi đánh mất lối về nội tâm bên trong. Ta sợ hãi không muốn đối diện với nội tâm của mình, bởi vì nền văn hóa của chúng ta không cho ta một ý niệm nào về những gì trong đó. Ta còn nghĩ là, nếu hướng nội ta có thể bị hiểm họa mất trí. Đây là một trong những quỷ kế cuối cùng của bản ngã để ngăn cản chúng ta không cho khám phá bản chất thật sự tự nhiên của mình.

 

 Bởi thế chúng ta đã làm cho cuộc đời mình trở nên tất bật quay cuồng để không còn có nguy cơ hướng nội nữa. Ngay cả cái ý tưởng ngồi thiền cũng làm cho nhiều người sợ hãi. Khi họ nghe những chữ như "vô ngã" hay "không", họ nghĩ là kinh nghiệm những trạng thái đó sẽ giống như bị ném ra khỏi một phi thuyền không gian để trôi nổi mãi mãi trong khoảng không đen tối lạnh buốt. Không có gì là xa sự thật hơn. Nhưng trong một thế giới chỉ chuyên vào những chuyện giải trí, sự yên lặng và tĩnh mịch làm chúng ta sợ hãi - ta tìm cách tự vệ bằng những tiếng động và sự bận rộn điên cuồng. Hướng nội tìm về bản chất của tâm là điều chúng ta muốn né tránh nhất.

 

 Đôi khi tôi nghĩ rằng, ta không thực sự muốn tìm hiểu về con người của mình, sợ rằng sẽ phát hiện ra một thực tại khác hơn là thực tại hiện nay. Sự phát hiện đó sẽ đối chiếu thế nào với cách sống từ trước tới nay của chúng ta? Bạn bè và đồng nghiệp sẽ phản ứng ra sao với những điều ta vừa khám phá ấy? Ta sẽ làm gì với sự hiểu biết mới mẻ này? Trách nhiệm thường đi kèm với sự hiểu biết. Đôi khi, cánh cửa ngục tù đã được mở ra, nhưng người bị tù vẫn không muốn trốn thoát.



 

Hứa hẹn của sự giác ngộ


 

 Trong thế giới văn minh hiện đại, rất khó tìm thấy một hiện thân của những đức tính phát xuất từ sự giác ngộ tự tánh trong tâm. Vì vậy, tưởng tượng về sự giác ngộ hay một người giác ngộ nào đã khó, huống chi là sự giác ngộ của chính mình.

 

 Với tất cả những phô trương và quảng bá các giá trị vật chất trong đời sống con người và sự đặt nặng tự do cá nhân, xã hội hiện đại đã làm cho chúng ta bị ám ảnh với quyền lực, tình dục, và tiền tài, và mỗi khi có dịp đụng chạm đến cái chết, hay với đời sống thực sự, ta thường vội vàng tìm cách khỏa lấp ngay. Nếu chúng ta được bảo, hoặc khởi sự nghi ngờ rằng mình có một tiềm năng sâu xa nào đó, ta sẽ không tin được điều ấy; và nếu ta nhận thấy có một chuyển biến tâm linh nào đó, ta sẽ cho rằng điều đó chỉ có nơi những vị thánh hay những bậc đạo sư của thời xa xưa mà thôi. Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói về sự vắng bóng của tình thương và sự tôn trọng cho chính mình trong nhiều người trên thế giới hiện nay. Bên dưới cái nhân sinh quan toàn diện của chúng ta là một niềm tin bệnh hoạn về sự giới hạn của chính mình. Điều này đã khiến ta mất đi những hi vọng được khai ngộ, và đi ngược lại lời Đức Phật đã dạy: rằng trên căn bản tất cả mọi chúng sanh đều hoàn hảo (đều có tánh Phật).


 

 Nhưng giác ngộ là điều có thật, và vẫn còn những bậc thầy giác ngộ trên quả đất này. Khi bạn thực sự có cơ duyên gặp một người như vậy, bạn sẽ cảm thấy rung động tới tận tâm can, và sẽ nhận ra rằng những từ ngữ như "hào quang" và "trí tuệ" mà xưa nay chỉ là những ý niệm, đều là có thực. Mặc dù có những hiểm nguy, thế giới ngày nay cũng có nhiều điều phấn khởi. Tâm hiện đại của chúng ta đang từ từ mở ra đón nhận những viễn ảnh khác nhau của thực tại. Những bậc thầy vĩ đại như Đức Đạt Lai Lạt Ma hay Mẹ Teresa có thể được thấy trên truyền hình; nhiều vị đại sư từ phương Đông đang đến giảng dạy tại các phương trời Tây, và những sách nói về các truyền thống tâm linh huyền bí đủ loại đang thu hút thêm một số lớn độc giả. Tình trạng báo nguy của quả địa cầu này đã dần dần thức tỉnh con người và đưa đến sự cần thiết phải chuyển hóa trên một mức độ toàn cầu.

 

 Sự giác ngộ, như tôi đã nói, là điều có thật, và mỗi người chúng ta, bất kỳ là ai, nếu gặp được nhân duyên thích hợp cũng đều có thể thực hiện được, và sẽ hiểu ra rằng trong thân vô thường giả tạm này đã sẵn có một cái gì bất tử và trong sáng bất tận. Đó là điều hứa hẹn của tất cả những truyền thống tín ngưỡng trên thế giới, đã và đang được thực hiện trong bao nhiêu ngàn đời sống con người.

 

 Cái kỳ thú của điều hứa hẹn này là đó không phải là một cái gì xa xôi huyền bí, hay chỉ cho một thành phần ưu tiên nào đó, mà cho tất cả nhân loại, và các vị thầy nói rằng, khi chúng ta thực hiện được sẽ thấy nó thật bình thường không ngờ. Chân lý tâm linh không phải là một cái gì cầu kỳ và huyền bí, mà chính là tâm bình thường ở sâu trong chúng ta. Khi ta nhận thức được bản chất của tâm, những lớp vỏ mê lầm sẽ bị tróc ra. Ta không thực sự "trở thành" Phật, mà chỉ dần dần thôi không mê lầm nữa. Và trở thành phật không phải là trở thành một siêu nhân đầy quyền năng tâm linh nào, mà chỉ là trở thành một con người thực sự.


 

 Một trong những truyền thống Phật giáo lớn nhất gọi bản chất của tâm, hay tự tánh, là "trí tuệ của sự bình thường". Thật là khó diễn tả: cái bản chất tự nhiên của ta và của tất cả chúng sinh không phải là một điều gì phi thường. Điều mỉa mai là cái ta cho là thế giới bình thường lại chính là những ảo ảnh phi thường, huyễn hoặc và phức tạp trong cái nhãn quan sai lạc của cõi ta bà. Chính những ảo ảnh "phi thường" đó đã che lấp không cho ta thấy cái bản chất "bình thường" tự nhiên, cố hữu của tâm. Hãy tưởng tượng, nếu những vị Phật ở trên có nhìn xuống, họ sẽ buồn rầu và lấy làm lạ cho những mê lầm thật phức tạp, tinh xảo mà độc hại của chúng ta.

 

 Đôi khi, bởi vì chúng ta quá phức tạp vô lối, nên dù có gặp được một vị thầy hướng dẫn cho ta đến bản chất tự nhiên trong tâm, ta cũng khó thể tin được vì nó gần gũi quá. Cái tâm phàm tình bảo rằng không thể như vậy được, phải có cái gì hơn thế nữa. Chắc chắn đó phải là một điều gì "huy hoàng" hơn, nào là hào quang chiếu sáng mọi nơi, rồi những thiên nhân tóc vàng óng ánh bay xuống đón mừng ta, và một giọng nói trầm hùng ngân vang: "Bây giờ ngươi đã được hướng dẫn vào bản chất của tâm rồi!" Thật ra không có gì là ghê gớm như vậy cả.

 

 

 Bởi vì nền văn hóa của chúng ta đánh giá quá cao về trí thức, nên ta tưởng tượng rằng sự giác ngộ đòi hỏi một con người thông thái khác thường. Có một ngạn ngữ Tây Tạng như sau: "Nếu bạn quá khôn khéo, bạn có thể hiểu sai lạc hoàn toàn." Patrul Rinpoche nói rằng: "Cái tâm trí biện luận có vẻ hay đấy, nhưng lại là cái nhân của sự lầm lẫn." Người ta có thể bị ám ảnh với những giả thuyết của riêng họ, và hiểu sai lạc tất cả mọi thứ. Ở Tây Tạng chúng tôi nói rằng: "Những giả thuyết giống như những miếng vá trên áo, một ngày nào đó chúng sẽ rách hết." Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện lý thú sau đây:

 

 Một đại sư ở thế kỷ trước có một đệ tử thật là đần độn. Vị đại sư này đã dạy đi dạy lại, cố gắng hướng anh ta đến cái bản chất tự tâm nhưng đệ tử kia vẫn không hiểu được. Cuối cùng, vị thầy giận quá nói với anh: "Đây, ta muốn ngươi đem cái bao lúa mạch này lên đỉnh núi trên kia. Nhưng ngươi không được nghỉ chân phút nào. Cứ đi liên tục cho tới khi lên được đỉnh núi thì thôi." Đệ tử kia là một người chất phác, nhưng có một lòng tin và sự sùng kính tuyệt đối nơi sư phụ, nên anh làm đúng theo lời thầy dạy. Cái bao lúa mạch thật là nặng. Anh ta vác nó lên rồi bắt đầu leo núi, không dám ngừng lại nghỉ ngơi phút nào. Anh đi mải miết, và cái bao càng ngày càng nặng hơn. Đi thật là lâu, mãi rồi anh mới lên được đỉnh núi. Anh ném cái bao xuống và ngồi phịch xuống đất, kiệt sức hoàn toàn, nhưng cũng thấy thoải mái vô cùng. Không khí trong lành của núi rừng phả hơi lạnh lên da mặt của anh. Tất cả những cưỡng chống bỗng tan biến hết, và tan theo đó là cái tâm phàm tình của anh. Mọi sự dường như ngưng đọng lại. Trong giây phút đó, anh chợt nhận ra được bản chất tự tâm của mình. "A! đây chính là điều thầy đã cố chỉ cho mình đó mà!" Vừa nghĩ vậy, anh vội vàng chạy xuống núi và, bất chấp lễ nghi, nhẩy xổ vào phòng của thầy.


 "Sư phụ ơi! Con chắc là đã thấy nó rồi... con thấy nó thực rồi!"


 Sư phụ của anh mỉm cười hiểu biết: "Ngươi đã có một cuộc leo núi thật lý thú, phải không?"


 

 Bất cứ bạn là ai, bạn cũng có thể có được cái kinh nghiệm như người đệ tử kia đã trải qua trên đỉnh núi, và kinh nghiệm đó sẽ cho bạn dũng khí để đối phó với đời sống và cái chết. Nhưng đâu là cách tốt nhất, nhanh và hữu hiệu nhất để đạt được điều đó? Bước đầu tiên là thực tập tọa thiền. Trong tọa thiền cái tâm trí phàm tình của ta sẽ được thanh lọc, những lề lối suy nghĩ hành xử và những ảo tưởng sẵn có sẽ bị bào mòn và tháo gỡ, để rồi trong một lúc nào đó, khi có đủ duyên, ta sẽ trực nhận được chân lý nơi chính mình.

 


Ngọc Bảo


Trích dịch từ "The Tibetan Book of Living and Dying" - Sogyal Rinpoche


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật