108 PHÁP MÔN KHAI SÁNG

18 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 27332)



duc_phat




108 PHÁP MÔN KHAI SÁNG


(108 Pháp Minh Môn)


 

 Trong kinh nói về tiền kiếp Đức Phật, trước khi hạ sanh xuống trần để trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài là Bồ Tát Hộ Minh ở cõi trời Đâu Suất, ngự trong một cung điện nguy nga rộng lớn vuông vức, trải dài đến 60 do tuần mỗi cạnh. Đã nhiều lần ngài thuyết pháp giáo hóa chúng sanh nơi cõi trời ở tại cung điện này. 


 Một hôm, ngài ngồi an trụ nơi cung điện quán chiếu về nơi sẽ sinh trong kiếp sau ở cõi người. Sau đó ngài gọi các vị thiên nhân trong cung trời Đâu Suất:


 "Này chư thiên! Sắp tới đây ta sẽ hạ sanh xuống cõi nhân gian. Ta muốn giảng cho các vị nghe một bài pháp gọi là "108 Pháp Minh Môn", là những pháp môn thiện xảo để thâm nhập tất cả các pháp và hiện tượng. Đây là bài pháp cuối cùng ta để lại cho quý vị. Vậy xin hãy lắng tâm hoan hỷ nghe bài pháp này."

 


 Nghe Bồ tát nói như thế, vô lượng trăm ngàn chư thiên trên trời Đâu Suất, cùng vô số thể nữ của họ với trang sức vàng bạc châu báu đều đến tụ hội.


 

 Khi chư thiên đã tụ hội đầy đủ rồi, trước khi giảng pháp, Bồ Tát dùng thần lực biến cung điện thành một đạo tràng cực kỳ rộng lớn, tưởng như thâu tóm toàn thể thế giới, trang hoàng với vô lượng trăm ngàn châu báu chiếu sáng rực rỡ, trông thật trang nghiêm tráng lệ, không cung điện nào ở cõi trời Dục giới đều có thể sánh bằng được. Khi các thiên nhân ở cõi trời Sắc giới thấy đạo tràng này, họ đều thấy cung điện của họ thật là tồi tàn, chỉ như một gò mả thấp mà thôi.


 

 Bồ Tát Hộ Minh từ trong nhiều kiếp đã tu tập, gieo những căn lành, tích trữ vô số thiện nghiệp trong quá khứ, thành tựu vô lượng công đức, nhờ đó ngài đã được ngự lên Tòa Sư Tử cao quý trang hoàng với vô số vàng bạc và châu báu đủ loại, trên đó có những thiên y nhẹ mỏng vô giá phủ lên, tẩm với đủ loại mùi hương kỳ diệu lan tỏa. Vô số các loại thiên hương được đốt lên trong vô lượng bình hương bằng ngọc báu, và vô số các loại thiên hoa thơm ngát được tung lên phủ đầy mặt đất. Chung quanh tòa ngồi có vô lượng trăm ngàn châu báu quý hiếm, phát ra vô lượng trăm ngàn tia sáng muôn mầu rực rỡ. Ở trên và ở dưới cung điện có một lưới đế châu bao phủ kết bằng vô số châu báu, với những chuông quý bằng vàng rung chuyển phát ra những âm thanh trong trẻo hòa nhã. Từ cung điện những vàng ngọc châu báu này chiếu tỏa ra vô số ánh sáng mầu sắc kỳ diệu. Ở phía trên cung điện, phất phới vô số dù lọng đủ các mầu sắc kỳ diệu xen nhau nhiều vòng, nhiều lớp như một cái khăn choàng phản chiếu lóng lánh.


 

 Vô lượng trăm ngàn thiên nữ đều cầm trong tay bẩy thứ châu báu vô giá, ca múa cúng dường, phát ra thiên nhạc với âm thanh vi diệu tán thán công đức của Bồ Tát trong quá khứ. Vô số trăm ngàn Tứ Đại Thiên Vương đứng hai bên phải và trái, bảo vệ cho đạo tràng. Lại có vô lượng trăm ngàn Thích Đề hoàn Nhân ở khắp chốn đi nhiễu quanh, và vô số trăm ngàn Đại phạm Thiên Vương ở muôn nơi ca ngợi. Vô lượng trăm ngàn Bồ tát cung kính nâng Tòa Sư Tử, và vô lượng chư Phật Như Lai ở khắp mười phương đều hộ niệm.


 Tòa Sư Tử này là do Bồ Tát đã tu tập thành tựu các pháp Ba La Mật từ vô lượng trăm ngàn kiếp, với vô số hạnh lành làm nên công đức không thể nghĩ bàn mới có được. Bồ Tát ngồi trên Tòa Sư Tử với tướng tốt trang nghiêm đầy đủ trăm ngàn phước đức, nói với chư thiên rằng:


 "Này chư thiên, những vị bồ tát ở trong cõi trời Đâu Suất sắp sanh xuống cõi người đều vì chư thiên mà giảng nói về các hình tướng sắp biến hóa, nêu rõ các pháp môn trong cõi trời người. Nay ta cũng vì các vị mà nói về 108 pháp minh môn. Các ông phải lắng tâm nghe kỹ, ghi nhớ và tin hiểu bài pháp này.


 

 Nay tôi giảng cho các vị: 108 pháp minh môn là những gì?


 

  1. Chánh tín là pháp môn vì khiến cho ý chí được tương tục không mất.

 

  1. Tịnh tâm là pháp môn vì khiến cho mọi vọng động vẩn đục đều tiêu tan.

 

  1. Hoan hỷ là pháp môn vì khiến tâm được an ổn.

 

  1. Ái lạc là pháp môn vì làm cho tâm được thanh tịnh.

 

  1. Thân giới (giữ giới ở thân) là pháp môn vì làm cho ba nghiệp (thân, khẩu, ý) được thanh tịnh.

 

  1. Ngữ giới (giữ giới ở miệng) là pháp môn vì làm cho xa lìa bốn thứ tội lỗi của miệng (nói lời thô ác, dối trá, thêu dệt, hai lưỡi).

 

  1. Ý giới (giữ giới ở ý) là pháp môn vì giữ cho tâm không bị ba độc (tham sân si).

 

  1. Niệm Phật là pháp môn vì khiến tâm được thanh tịnh khi tưởng nhớ đến Phật.

 

  1.  Niệm Pháp là pháp môn vì khiến tâm được thanh tịnh khi tưởng nhớ đến Pháp.

 

  1.  Niệm Tăng là pháp môn vì giúp đạt đến Phật đạo.

 

  1.  Niệm xả là pháp môn vì giúp lìa bỏ mọi mong cầu lợi lộc.

 

  1.  Niệm giới là pháp môn vì giúp hoàn tất mọi thệ nguyện.

 

  1.  Niệm Thiên là pháp môn vì khiến phát khởi tâm rộng lớn.

 

  1.  Từ là pháp môn vì bao gồm những căn lành trong tất cả mọi cõi giới.

 

  1.  Bi là pháp môn vì làm tăng trưởng tâm không hại chúng sinh.

 

  1.  Hỷ là pháp môn vì giúp xa lìa mọi u sầu.

 

  1.  Xả là pháp môn vì giúp lìa bỏ năm dục.

 

  1.  Quán vô thường là pháp môn vì giúp diệt trừ tham ái trong ba cõi.

 

  1.  Quán khổ là pháp môn vì làm cho dứt mọi mong cầu.

 

  1.  Quán vô ngã là pháp môn vì giúp xả bỏ chấp ngã.

 

  1.  Quán tịch diệt là pháp môn vì khiến lòng tham dục không dấy khởi.

 

  1.  Tàm (sám hối) là pháp môn vì khiến cho nội tâm thanh tịnh.

 

  1.  Quý (hổ thẹn) là pháp môn vì giúp diệt trừ những bất thiện đối với bên ngoài.

 

  1.  Đế (sự thực) là pháp môn vì khiến tâm không dối trá với trời, người.

 

  1.  Thực (thành thực) là pháp môn vì giúp cho mình không lừa dối.

 

  1.  Pháp hành (hành động theo pháp) là pháp môn vì khiến hành giả nương cậy vào giáo pháp.

 

  1.  Tam quy là pháp môn vì giúp vượt khỏi ba ác đạo.

 

  1.  Tri sở tác (biết lòng tốt của người khác) là pháp môn vì giữ cho căn lành không bị hủy hoại.

 

  1.  Giải sở tác (đền đáp lòng tốt của người khác) là pháp môn vì giúp giải trừ mọi nợ nần.

 

  1.  Tự tri (tự biết mình) là pháp môn vì giúp hành giả tự từ bỏ lòng kiêu căng.

 

  1.  Tri chúng sanh là pháp môn vì khiến không nói xấu khinh khi kẻ khác. 

 

  1.  Tri pháp là pháp môn vì giúp hành giả tu tập theo đúng chánh pháp.

 

  1.  Tri thời là pháp môn vì giúp nhận thức không bị si mê che lấp, cẩn trọng trong lời nói.

 

  1.  Nhẫn là pháp môn vì giúp cho trí tuệ được đầy đủ.

 

  1.  Không khởi ý bất thiện là pháp môn vì bảo vệ được cho mình và người.

 

  1.  Tâm không chướng ngại là pháp môn vì giúp dứt trừ mọi nghi ngờ khúc mắc.

 

  1.  Tin hiểu là pháp môn vì giúp sáng tỏ những vấn đề quan trọng chính yếu.

 

  1.  Quán bất tịnh là pháp môn vì khiến buông bỏ mọi ý tưởng ham muốn.

 

  1.  Bất sân là pháp môn vì giúp trừ mọi giận dữ tranh cãi.

 

  1.  Vô si là pháp môn vì diệt mọi thứ mê mờ lầm lạc.

 

  1. Cầu pháp là pháp môn vì giúp cho hành giả nương đúng vào nghĩa lý của giáo pháp.

 

  1.  Lạc pháp (yêu thích Pháp) là pháp môn vì giúp chứng đạt các pháp một cách rõ ràng.

 

  1.  Đa văn (học hỏi nhiều) là pháp môn vì quán sát rõ nghĩa lý của các pháp.

 

  1.  Phương tiện khéo là pháp môn vì giúp cho việc tu hành được chấn chỉnh đúng.

 

  1.  Biết danh sắc là pháp môn vì giúp vượt qua những tham ái chấp trước.

 

  1.  Bạt trừ nhân kiến (loại trừ các nhân tạo nghiệp) là pháp môn vì là con đường đưa đến giải thoát.

 

  1.  Đoạn tham sân là pháp môn vì khiến dứt trừ những chấp trước của si mê cấu nhiễm.

 

  1.  Diệu xảo là pháp môn vì làm cho thông suốt những hình thức của sự khổ.

 

  1.  Giới tánh bình đẳng là pháp môn vì do đó vĩnh viễn đoạn trừ mọi tập nhiễm.

 

  1.  Bất thủ (không dính mắc nơi sáu căn) là pháp môn vì giúp tinh tấn tu chánh đạo.

 

  1.  Vô sinh nhẫn (trực nhận vô sinh) là pháp môn vì giúp diệt mọi tạo tác, chứng đạt quả vị.

 

  1.  Thân niệm trụ (trụ niệm nơi thân) là pháp môn vì để giúp cho quá trình phân tích quán thân, đạt được an định.

 

  1.  Thọ niệm trụ là pháp môn vì làm cho xa lìa tất cả thọ (cảm giác).

 

  1.  Tâm niệm trụ là pháp môn vì khiến cho thấy tâm ẩn hiện chẳng khác gì bóng ma.

 

  1.  Pháp niệm trụ là pháp môn vì giúp cho trí tuệ vượt mọi chướng ngại mờ tối.

 

  1.  Tứ Chánh Cần là pháp môn vì giúp cho hành giả dứt tất cả pháp ác và tu tất cả pháp lành. (Tứ chánh cần: tinh tiến ngăn ngừa điều ác chưa phát sinh; tinh tấn dứt trừ điều ác đã phát sinh; tinh tấn khởi những điều lành chưa phát sinh; tinh tấn phát triển những điều lành đã phát sinh)

 

  1. Tứ Thần là pháp môn vì giúp cho thân tâm được khinh an. (Tứ thần túc hay tứ như ý túc: dục thần túc, cần thần túc, tâm thần túc, quán thần túc)

 

  1.  Tín căn là pháp môn vì giúp cho khỏi bị các thứ tà đạo dẫn dắt.

 

  1.  Tinh tấn là pháp môn vì giúp cho tư duy thêm sắc bén.

 

  1.  Niệm căn là pháp môn vì chính là chỗ tạo tác mọi thiện nghiệp.

 

  1.  Định căn là pháp môn vì chính là đường đi của giải thoát.

 

  1.  Tuệ căn là pháp môn vì khiến chứng được trí tuệ thấy biết như thị.

 

  1.  Tín lực là pháp môn vì giúp hành giả thắng vượt tất cả ma lực.

 

  1.  Tinh tấn lực là pháp môn vì giúp đạt pháp Bất thối chuyển.

 

  1.  Niệm lực là pháp môn vì giúp cho các pháp không bị quên sót.

 

  1.  Định lực là pháp môn vì dứt bỏ được tất cả xúc tưởng.

 

  1.  Tuệ lực là pháp môn vì giúp cho trí tuệ vượt ngoài đối đãi.

 

  1.  Niệm giác phần (an trụ nơi chánh niệm) là pháp môn vì giúp hành giả có trí tuệ biết rõ mọi việc.

 

  1.  Trạch giác phần (biết rõ thật giả, chánh tà) là pháp môn vì giúp soi sáng tất cả các pháp.

 

  1.  Tinh tấn giác phần là pháp môn vì khiến cho trí tuệ luôn dứt khoát quyết định.

 

  1.  Hỷ giác phần là pháp môn vì giúp cho pháp chánh định được an lạc.

 

  1.  Trừ giác phần (Khinh an giác phần) là pháp môn vì khiến cho các việc làm đều thành tựu.

 

  1.  Định giác phần là pháp môn vì là con đường dẫn đến sự giác ngộ tính bình đẳng của tất cả các pháp.

 

  1.  Xả giác phần là pháp môn vì giúp xa lìa mọi cảm thọ.

 

  1.  Chánh kiến là pháp môn vì đó là con đường dứt ái đạt đạo giải thoát.

 

  1.  Chánh tư duy là pháp môn vì đoạn trừ hẳn mọi chấp trước phân biệt.

 

  1.  Chánh ngữ là pháp môn vì đó là phương tiện dẫn tới tâm bình đẳng đối với mọi chữ nghĩa, âm thanh, lời nói.

 

  1.  Chánh mạng là pháp môn vì dứt bỏ mọi thứ mong cầu xa vời.

 

  1.  Chánh nghiệp là pháp môn vì dứt trừ mọi quả báo của nghiệp.

 

  1.  Chánh tinh tấn là pháp môn vì là con đường chuyên cần đạt tới bờ giải thoát.

 

  1.  Chánh niệm là pháp môn vì là cửa ngõ của vô niệm.

 

  1.  Chánh định là pháp môn vì làm cho chứng Tam muội, an trụ giải thoát.

 

  1.  Bồ Đề Tâm là pháp môn vì làm duy trì sự hưng thịnh của Tam Bảo, không để bị mai một.

 

  1.  Đại ý lạc là pháp môn vì duyên với chánh pháp Vô Thượng Bồ Đề.

 

  1.  Chánh tín là pháp môn vì giúp đạt được những pháp siêu việt nhất.

 

  1.  Phương tiện chánh hạnh là pháp môn vì giúp cho hết thảy căn lành được viên mãn.

 

  1.  Bố thí ba la mật là pháp môn vì thành tựu quốc độ Phật thanh tịnh cùng các tướng tốt giáo hóa để chúng sinh từ bỏ lòng keo kiệt bỏn xẻn.

 

  1.  Trì giới ba la mật là pháp môn vì giúp hành giả vượt qua tất cả các nẻo ác nạn, giáo hóa chúng sinh giữ giới căn.

 

  1.  Nhẫn nhục ba la mật là pháp môn vì đó là con đường vĩnh viễn lìa bỏ kiêu mạn, sân hận cùng hết thảy mọi phiền não, giáo hóa chúng sinh dứt trừ kết sử.

 

  1.  Tinh tấn ba la mật là pháp môn vì là con đường đưa đến sự thành tựu tất cả pháp lành, dạy chúng sinh trừ diệt các mầm móng biếng nhác.

 

  1.  Thiền định ba la mật là pháp môn vì đó là cội nguồn làm phát sinh thần thông thiền định, giáo hóa chúng sinh đang loạn ý.

 

  1.  Trí tuệ ba la mật là pháp môn vì giúp hành giả quét sạch vô minh, đạt tri kiến như thật, giáo hóa chúng sinh có ác tuệ đang ngu si mê muội.

 

  1.  Phương tiện quyền xảo là pháp môn vì ấy là phương pháp để chóng hiểu rõ căn tánh, chủng loại chúng sinh, tùy theo đó mà hiện oai nghi và thành tựu tất cả các pháp Phật.

 

  1.  Tứ nhiếp sự là pháp môn vì nhiếp hóa được tất cả chúng sinh hướng ý mong cầu đại pháp giác ngộ. (Tứ nhiếp: bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp, đồng sự nhiếp)

 

  1.  Thành thục chúng sinh là con đường từ bỏ lạc thú cá nhân để dốc lòng đem lại lợi ích cho người khác.

 

  1.  Thọ trì chánh pháp là pháp môn vì để dứt trừ mọi tạp nhiễm của chúng sinh.

 

  1.  Phước đức tư lương (tích lũy phước đức) là pháp môn vì là ngọn nguồn đem lại lợi ích cho tất cả muôn loài.

 

  1.  Trí tuệ tư lương là pháp môn vì để đạt viên mãn trí tuệ mười phương.

 

  1.  Thiền định tư lương là pháp môn vì là phương tiện để chứng đạt Như Lai Tam muội.

 

 100. Tri kiến trí tuệ tư lương là pháp môn vì là cửa ngõ để đạt được Tuệ nhãn.

 

 101. Vô ngại giải (hiểu biết không chướng ngại) là pháp môn vì là cửa ngõ để đạt được Pháp nhãn.

 

 102. Quyết trạch (tu tất cả các pháp) là pháp môn vì là cửa ngõ đưa đến Phật nhãn thanh tịnh.

 

 103. Đà la ni là pháp môn vì đó chính là sức mạnh để giữ gìn Phật pháp.

 

 104. Biện tài là pháp môn vì đưa đến thiện xảo trong ngôn từ, lời nói, làm cho tất cả chúng sinh được đầy đủ hoan hỷ.

 

 105. Thuận pháp nhẫn là pháp môn vì đó là con đường thuận theo pháp của tất cả Phật.

 

 106. Vô sinh pháp nhẫn là pháp môn vì đó là pháp tu để đạt được sự thọ ký đặc biệt.

 

 107. Bất thối chuyển địa là pháp môn vì là con đường làm cho tất cả Phật pháp được viên mãn.

 

 108. Chư địa tăng tiến (trí tuệ vượt qua các trình độ của bồ tát địa) là pháp môn vì làm cho đạt đến địa vị Nhất thiết trí (trí bình đẳng, giải thoát).

 

 109. Quán đảnh (rẩy nước trí tuệ trên đầu) là pháp môn vì nêu rõ quá trình của bồ tát sinh vào thai mẹ, xuất gia, tu hành cho đến giác ngộ viên mãn đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.


 

 Bồ Tát Hộ Minh sau khi đã thuyết xong những lời pháp này, nói với chư thiên rằng:


 "Này chư thiên, đấy là 108 pháp minh môn, nay ta truyền lại cho các vị. Hãy thọ trì và nhớ kỹ không quên."

 


 

Đạo Nguyên nói:

 


 Đó là bài pháp về108 pháp môn khai sáng. Theo thông lệ của thế giới Phật, những vị bồ tát đã thuyết pháp giáo hóa nhiều năm trên cung trời Đâu Suất khi sắp hạ sanh vào cõi nhân gian kiếp cuối cùng để trọn thành Phật đạo, họ đều nói bài pháp này cho chư thiên nghe.


 Bồ Tát Hộ Minh là tên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi ngài còn là một vị bồ tát đã thuyết pháp nhiều năm trên bốn cõi trời. Khi Lý Phụ Mã biên tập bộ "Thiên Thánh Quảng Đăng Lục" , ông đã ghi lại tên của "108 Pháp Minh Môn" vào quyển sách. Nhưng rất ít người học Phật biết về bài pháp này, và những người không biết đến thì nhiều như rơm rạ, như lanh, như tre, như sậy.

 

 Vì lợi ích của những người mới học Phật hay đã học lâu năm hơn, tôi đã biên soạn bài pháp này. Người nào có tâm nguyện muốn lên ngự trên Tòa Sư Tử và trở thành thầy dạy cho cõi trời người đều phải học bài pháp này một cách trọn vẹn. Chúng ta những người không ở trên cõi trời Đâu Suất và hạ sanh trong kiếp sau cùng đều không phải là Phật. Các hành giả, đừng sinh tâm kiêu mạn! Các vị bồ tát sinh ra trong kiếp cuối cùng đều không qua một trạng thái hiện hữu trung gian nào cả.


 

Ngọc Bảo trích dịch


(Từ phần phụ lục trong quyển Chánh Pháp Nhãn Tạng của Đạo Nguyên)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật