VẤN ĐẠO VỚI AJAHN CHAH - Diệu Huyền dịch

16 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 25674)


ajahn_chah



VẤN ĐẠO VỚI AJAHN CHAH


 

Hỏi: Con đã cố gắng chuyên cần tu tập bao lâu nay mà chẳng đi đến đâu cả.

 

Đáp: Điều quan trọng trong sự tu tập là đừng có cố kỳ vọng mình sẽ đi đến đâu. Chính cái ước muốn mong cầu giác ngộ ấy lại là trở ngại cho sự giải thoát của bạn. Bạn có thể cố gắng nỗ lực tu tập ngày đêm theo ý nguyện, nhưng nếu còn mang một ước muốn chứng ngộ, bạn sẽ chẳng thể có được sự an bình. Ước muốn đó có năng lực tạo ra sự nghi ngờ và bất an trong tâm. Dù có tu tập chuyên cần tới đâu, khi vẫn còn sự ham muốn thì chưa có thể phát sinh trí tuệ. Vì vậy, hãy buông xả đi. Quán sát thân tâm của mình trong sự tỉnh giác nhưng đừng cố đạt được điều gì. Đừng vướng mắc ngay cả vào việc tu tập để đạt được giác ngộ.

 

Hỏi: Thế còn ngủ nghỉ thì sao? Con có thể ngủ bao lâu trong ngày?

 

Đáp: Đừng hỏi điều đó, tôi không trả lời được. Trung bình mỗi đêm ngủ bốn tiếng là được rồi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải theo dõi và biết rõ chính mình. Nếu cố giảm thiểu giấc ngủ nhiều quá, cơ thể sẽ mệt mỏi và khó giữ được sự tỉnh giác. Còn ngủ nhiều quá lại làm cho tâm trí bạc nhược hay bị xung động. Vậy hãy tự tìm sự quân bình cho chính mình. Hãy cẩn thận theo dõi thân tâm và biết nhu cầu ngủ nghỉ của mình như thế nào để định số thời lượng tối hảo nhất. Nếu bạn thức dậy mà còn lăn qua lăn lại cố ngủ nướng thêm thì đó là tâm còn ô nhiễm. Ngay khi vừa mở mắt thức dậy hãy giữ sự tỉnh giác.

 

Hỏi: Vấn đề ăn uống thì sao? Con có thể ăn được bao nhiêu?

 

Đáp: Hãy xem đồ ăn của mình như thuốc. Bạn có ăn nhiều quá đến nỗi cảm thấy buồn ngủ sau bữa ăn và càng ngày càng mập hơn không? Hãy ngừng lại! Xem xét lại thân tâm của mình. Không cần phải nhịn ăn, nhưng hãy điều chỉnh lại số lượng thức ăn của mình, tìm thế quân bình tự nhiên cho cơ thể. Trộn hết thức ăn vào trong bình bát theo như cách tu khổ hạnh, bạn sẽ biết được số lượng thức ăn là bao nhiêu. Hãy tự quán sát mình trong khi ăn, nhận biết chính mình. Tinh tuý của sự tu chỉ là như thế. Không có điều gì đặc biệt lạ thường nào phải làm cả. Chỉ là quán chiếu, tự xét mình, quán tâm mình. Rồi bạn sẽ biết được thế nào là sự quân bình tự nhiên trong việc tu.

 

Hỏi: Có cần phải đọc và nghiên cứu kinh điển trong tu tập không?

 

Đáp: Pháp Phật không thể tìm thấy trong sách vở. Nếu bạn thực sự muốn tự mình thấy được những điều Đức Phật nói, đừng bận tâm nhiều đến kinh điển. Hãy quán tâm mình cho rõ. Quán sát những cảm giác đến đi như thế nào, tư tưởng khởi lên rồi lặn xuống ra sao. Đừng vướng mắc vào bất cứ cái gì. Hãy chỉ dùng sự tỉnh giác để quán sát những gì đang khởi hiện. Làm như thế sẽ có thể ngộ ra chân lý Pháp Phật. Hãy để mọi sự đến tự nhiên. Tất cả những gì bạn làm trong cuộc đời đều có thể là cơ duyên để học đạo. Tất cả đều là Pháp Phật. Khi bạn làm những công việc vặt, hãy cố giữ tỉnh giác. Khi bạn đang làm công việc dọn dẹp vệ sinh như đổ ống nhổ hoặc chùi rửa bồn cầu, đừng nghĩ là bạn đang làm ân huệ gì cho ai cả. Trong việc đổ ống nhổ cũng có Pháp Phật ở đó. Đừng nghĩ là bạn chỉ tu khi ngồi tréo chân yên lặng tọa thiền. Có một số người than phiền rằng không có đủ thì giờ để ngồi thiền. Vậy có đủ thì giờ để thở không? Tu thiền chính là sự tỉnh giác, sự tự nhiên trong bất cứ những gì bạn làm.

 

Hỏi: Tại sao chúng con không thể diện kiến với thầy mỗi ngày để hỏi đạo?

 

Đáp: Nếu có gì thắc mắc, bạn có thể đến hỏi đạo bất cứ lúc nào. Nhưng ở đây chúng ta không cần phải diện kiến để hỏi đạo mỗi ngày. Nếu tôi trả lời tất cả những câu hỏi lặt vặt của bạn, bạn sẽ không hiểu được tiến trình tạo lập khối nghi trong tâm. Điều cốt yếu là bạn phải học quán sát chính mình, tự thẩm tra chính mình. Vài ngày một lần, khi nghe giảng pháp hãy chú ý lắng nghe thật kỹ, rồi tìm cách ứng dụng trong sự tu tập của mình, xem có gì tương đồng không, hay khác biệt gì không? Tự xét xem tại sao mình có sự nghi ngờ? Ai là người đang nghi ngờ? Chỉ qua sự quán chiếu chính mình bạn mới có thể hiểu được.

 

Hỏi: Đôi khi con có những lo âu trong việc hành trì giới luật của tăng sĩ. Nếu con tình cờ giết các loại côn trùng, điều đó có xấu không?

 

Đáp: Sila hay giới luật là cốt yếu trong sự tu tập của chúng ta, nhưng bạn không nên vướng mắc vào đó một cách mù quáng. Trong việc giết hại sinh vật hay phạm những giới luật khác, điều quan trọng là có chủ ý hay không. Hãy biết tâm của mình như thế nào. Bạn không nên quan tâm quá đáng đến những giới luật của tăng sĩ. Nếu chúng được dùng một cách thích đáng, điều đó sẽ trợ giúp cho sự tu tập, nhưng có những người lo âu quá nhiều về những giới luật nhỏ nhặt đến nỗi họ không thể ngủ yên được. Giới luật không nên được mang như một gánh nặng. Sự tu tập của chúng ta ở đây nền tảng dựa trên giới luật, kỷ luật bản thân phối hợp với những luật lệ riêng của cách tu khổ hạnh. Giữ tỉnh giác và thận trọng hành trì những giới luật phụ cũng như 227 giới luật căn bản sẽ có những lợi lạc lớn. Điều đó sẽ làm cho cuộc đời đơn giản hơn. Không phải thắc mắc nhiều về cách ứng xử như thế nào, bạn sẽ tránh được những nghĩ ngợi trong tâm và chỉ cần giữ sự tỉnh giác. Giới luật làm cho chúng ta có thể sống chung hòa hợp, cộng đồng hoạt động êm thắm. Ở ngoài mặt tất cả mọi người đều thể hiện giống nhau, hành động giống nhau. Kỷ luật và đạo đức là những viên đá lót đường cho sự nhất quán và phát huy trí tuệ sâu xa hơn. Bằng cách hành trì thích hợp kỷ luật bản thân cũng như giới luật trong pháp tu khổ hạnh, chúng ta buộc phải sống đơn giản, giảm thiểu những sở hữu cho mình. Từ đó ta có thể tu tập hoàn toàn theo pháp tu của Phật: tránh làm điều ác, năng làm điều lành, sống giản dị với những nhu cầu căn bản, thanh tịnh thân ý. Đó là sự theo dõi quán sát thân tâm trong tất cả những thế đi đứng nằm ngồi, nhận biết chính mình.

 

Hỏi: Con phải làm gì với những nghi hoặc trong tâm? Có những ngày con bị dằn vặt với những nghi ngờ về pháp tu, hay về sự tiến triển của mình, hay về vị thầy.

 

Đáp: Nghi hoặc là điều tự nhiên. Tất cả mọi người đều khởi đầu bằng sự nghi hoặc. Bạn có thể học hỏi rất nhiều từ đó. Điều quan trọng là bạn đừng tự đồng hóa mình với mối nghi: có nghĩa là, đừng bị vướng mắc vào đó, nếu không tâm bạn sẽ xoay tròn trong những vòng quay vô tận. Thay vào đó, quán sát tiến trình của những mối nghi hoặc, những thắc mắc trong tâm. Xem ai là người đang nghi hoặc. Xem những mối nghi đến và đi như thế nào. Lúc ấy bạn sẽ không còn là nạn nhân của những mối nghi, mà bước ra khỏi đó và tâm trí bạn sẽ được lắng yên. Bạn sẽ thấy được mọi việc đến và đi như thế nào. Chỉ cần buông xả những gì bạn đang vướng mắc vào. Buông xả những nghi ngờ và chỉ cần quán sát chúng. Điều đó sẽ làm cho những nghi hoặc chấm dứt.

 

Hỏi: Những pháp tu khác thì thế nào? Hiện nay có quá nhiều thầy dạy những phương pháp hành thiền khác nhau nên con thấy rất phân vân.

 

Đáp: Thì cũng giống như đi lên phố vậy. Có người đi từ phía bắc, người đi từ phía đông nam, từ nhiều đường khác nhau. Thường thì những pháp tu này chỉ khác nhau bề ngoài thôi. Dù đi đưởng nào, nhanh hay chậm, nếu tỉnh giác thì tất cả đều giống nhau. Có một điểm cốt yếu mà tất cả những pháp tu chân chính đều phải đưa tới - đó là sự xả ly. Tối hậu thì mọi phương pháp tu tập đều phải được buông bỏ. Cũng không nên bám víu vào một vị thầy nào. Nếu pháp tu nào dẫn đến sự buông xả, không dính mắc, đó là chánh pháp. Bạn có thể muốn đi vân du tìm thầy khác học đạo, thử các pháp tu khác. Có một số người đã làm như vậy. Đó là một ước muốn tự nhiên. Bạn sẽ nhận ra là cả ngàn câu hỏi được đặt ra và kiến thức thâu thập về nhiều pháp tu khác nhau sẽ không làm cho bạn ngộ nhập được chân lý. Dần dà rồi bạn sẽ chán nản. Bạn sẽ thấy rằng, chỉ khi nào ngừng lại và quán chiếu tâm mình thì mới hiểu được những lời Đức Phật dạy. Không cần phải đôn đáo tìm cầu những gì ở ngoài mình. Dần dần bạn sẽ phải trở về đối diện với bản tánh đích thực của mình, đó là nơi cho bạn hiểu được Pháp Phật.

 

Hỏi: Nhiều lúc con thấy có những vị tăng chẳng tu tập gì cả. Họ có vẻ buông lung hay không được tỉnh giác. Điều đó khiến con bứt rứt quá.

 

Đáp: Không nên xét đoán người khác. Điều đó sẽ chẳng giúp gì cho sự tu tập của bạn. Nếu bạn thấy phiền lòng, hãy quán sát sự phiền lòng đó trong tâm. Nếu có người không biết giữ giới hay không phải là một tu sĩ tốt, điều đó cũng chẳng để cho bạn phải phán xét. Xem xét người khác sẽ không làm cho bạn phát huy trí tuệ. Giới luật tăng là phương tiện để giúp bạn tu hành . Đó không phải là vũ khí để chỉ trích hay bắt lỗi người khác. Không ai có thể tu tập thay cho bạn, cũng như bạn không thể tu tập thay cho ai cả. Chỉ cần tỉnh giác với những điều mình làm. Đó là cách để học đạo.

 

Hỏi: Có cần phải ngồi thiền thật lâu không?

 

Đáp: Không, ngồi thiền hết giờ này sang giờ khác là không cần thiết. Có những người nghĩ rằng ngồi càng lâu là càng thêm trí tuệ. Tôi thấy mấy con gà ngồi cả ngày trong ổ của chúng, vậy thì sao? Trí tuệ phát sinh từ sự tỉnh giác trong mọi lúc đi đứng nằm ngồi. Mới mở mắt dậy là bạn phải bắt đầu tu, và tiếp tục như thế cho đến khi đi ngủ trở lại. Đừng quan tâm nhiều về việc ngồi thiền bao lâu. Điều quan trọng chỉ là lúc nào cũng giữ cho mình có sự tỉnh giác, dù là đang làm việc, đang ngồi hay đang đi vào phòng tắm. Mỗi người có một tiến trình tự nhiên riêng cho mình. Có người sẽ chết vào năm 50 tuổi, có người đến 65, hay 90 tuổi mới chết. Cũng thế, sự tu tập của chúng ta không ai giống ai cả. Đừng nghĩ ngợi hay lo lắng gì điều đó. Hãy cố giữ cho được tỉnh giác và để mọi sự đi theo tiến trình tự nhiên. Như thế tâm bạn sẽ được an định hơn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi tâm trở thành yên tĩnh như cái ao trong vắt nơi rừng sâu, tất cả những loài vật quý hiếm diệu kỳ sẽ đến uống nước trong ao. Bạn sẽ thấy được rõ ràng bản chất của vạn pháp trong thế giới này. Bạn sẽ thấy những điều lạ lùng và kỳ diệu đến rồi đi, nhưng tâm bạn vẫn tĩnh lặng. Nếu có những vấn đề khởi lên, bạn sẽ có thể nhìn thấu được chúng ngay tức thì. Đó là niềm an lạc của Phật.

 

Hỏi: Con vẫn còn suy nghĩ nhiều lắm. Tâm trí con còn vọng động rất nhiều mặc dầu con đã cố giữ để được tỉnh giác.

 

Đáp: Đừng lo lắng gì chuyện đó. Hãy cố giữ cho tâm mình ở ngay trong giây phút hiện tại. Nếu có gì khởi lên trong tâm, chỉ quán sát rồi buông bỏ. Đừng mong là sẽ diệt được vọng tưởng. Cứ để cho tâm trở về với trạng thái tự nhiên của nó. Không nên khởi niệm phân biệt tốt xấu, nóng lạnh, nhanh chậm. Không nghĩ gì đến ta và người, không nghĩ gì đến cái ngã của mình. Coi tất cả chỉ là như thị, là như vậy thôi. Khi bạn đi khất thực, chẳng cần phải làm điều gì đặc biệt cả. Chỉ cần bước tới và ghi nhận điều gì đang xẩy ra. Không cần phải chấp trước vào sự biệt cư, biệt tĩnh một mình. Dù bất cứ ở đâu, cũng nhận biết chính mình một cách tự nhiên trong sự tỉnh giác. Nếu có mối nghi khởi lên, hãy nhìn chúng đến và đi. Chỉ giản dị như vậy thôi. Không dính mắc vào bất cứ gì cả. Giống như là bạn đang đi trên một con đường. Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp phải những chướng ngại. Nếu có những tư tưởng ô nhiễm khởi lên, hãy chỉ quán sát và vượt qua chúng bằng cách buông chúng đi. Đừng nhớ nghĩ gì về những chướng ngại mà bạn đã vượt qua, cũng đừng lo lắng về những gì có thể gặp phải. Hãy an trụ trong hiện tại. Đừng nghĩ đến bề dài của con đường đi hay về cái đích đang tới. Tất cả mọi sự đều chuyển biến. Bất cứ những gì đã đi qua đều không nên dính mắc vào đó. Dần dần, tâm bạn sẽ đạt tới mức quân bình tự nhiên, và sự tu tập trở thành tự động. Tất cả mọi sự đều tự đến và đi như vậy.

 

Hỏi: Làm sao để vượt qua được sự giận dữ? Con phải làm gì khi cảm thấy cơn giận đang nổi lên?

 

Đáp: Phải dùng lòng từ bi để đối trị lại. Khi quán thấy trạng thái giận dữ đang khởi lên trong tâm, hãy quân bình lại bằng cách phát triển lòng từ bi. Nếu có ai làm điều gì xấu hay giận dữ với bạn, đừng phản ứng bằng sự giận dữ. Nếu làm vậy, bạn lại còn mê muội hơn cả người ta. Hãy dùng trí tuệ, khởi lòng từ bi mà nghĩ rằng chính người ấy đang đau khổ. Cho lòng từ bi tràn ngập trong tâm đối với người ấy như đối với anh em của mình vậy. Hãy tập trung vào những cảm giác thương xót như một đề tài để thiền quán, và trải đến tất cả chúng sinh trên thế giới này. Chỉ qua lòng từ bi mà hận thù mới hóa giải được. Đôi khi cũng có những vị tu sĩ hành xử thật xấu, làm cho bạn thấy phiền lòng. Không cần thiết phải phiền não như vậy. Bạn có thể nghĩ rằng những người ấy không biết giữ giới như bạn, họ là những tu sĩ xấu. Nghĩ vậy là bạn đã mê lầm. Đừng so sánh, đừng phân biệt hơn thua. Hãy buông xả những định kiến của mình bằng sự quán sát chúng và quán sát chính mình. Đó mới là đúng như Pháp. Bạn không thể nào làm cho tất cả mọi người hành xử theo ý bạn muốn hay như mình được. Ý muốn ấy chỉ làm cho bạn phiền não mà thôi. Nhiều hành giả đã mắc phải sai lầm này, nhưng xem xét người khác sẽ không làm cho bạn phát triển được trí tuệ. Chỉ cần quán sát chính mình, những cảm giác của mình. Làm như thế bạn mới hiểu được.

 

Hỏi: Những ô nhiễm như tham sân là hư giả hay là thực?

 

Đáp: Chúng là cả hai. Những ô nhiễm gọi là dục vọng hay tham, sân, si đều chỉ là giả danh, hiện tướng. Cũng như ta gọi một cái bình bát là lớn, nhỏ, đẹp hay bất cứ gì khác. Đó không phải là thực, mà là khái niệm ta dựng nên theo sự thèm muốn của mình. Nếu ta muốn một bình bát lớn, ta gọi cái bình bát này là nhỏ. Sự ham muốn làm cho ta khởi tâm phân biệt. Sự thực chỉ là những gì hiện ra như thế thôi. Hãy nhìn như thế này. Bạn có phải là người nam không? Bạn có thể trả lời là phải. Nhưng đó chỉ là hiện tướng thôi. Thực sự ra bạn là một tập hợp của nhóm ngũ uẩn luôn luôn chuyển biến. Nếu tâm không lặng thì không có sự phân biệt trong đó. Không có lớn hay nhỏ, ta hay người. Không có gì cả : đó là sự vô ngã. Nói cho cùng, chẳng có gì là ngã, cũng chẳng có gì là vô ngã.

 

Hỏi: Thầy có thể giảng thêm một chút về nghiệp không?

 

Đáp: Nghiệp là tạo tác. Nghiệp là chấp trước. Thân, khẩu, ý đều tạo nghiệp khi chúng ta chấp trước. Chúng ta làm nên những thói quen có thể gây đau khổ cho mình về sau. Đó là cái quả của những chấp trước, mê lầm trong quá khứ. Tất cả những chấp trước này khiến gây tạo nghiệp quả. Nói ví dụ, trước khi đi tu bạn là một tên trộm. Hành động trộm cắp của bạn gây đau khổ cho người khác, cho cha mẹ của bạn. Bây giờ tuy đã là một tăng sĩ, nhưng khi nhớ đến trước đây bạn đã làm cho người khác đau khổ như thế nào, bạn sẽ cảm thấy phiền não đau khổ ngay trong hiện tại. Hãy nhớ rằng, không chỉ qua hành động, mà qua lời nói và ý nghĩ cũng có thể tạo nên những nhân duyên cho quả báo về sau. Nếu trong quá khứ bạn đã làm được điều gì tốt và bây giờ nhớ lại, bạn sẽ thấy vui sướng. Trạng thái vui sướng đó là quả của nghiệp trong quá khứ. Tất cả mọi sự đều do nhân duyên tạo thành, vừa trong một thời gian lâu dài, nhưng khi nghĩ đến thì lại vừa trong từng giây phút. Nhưng bạn không cần phải để tâm gì nhiều đến quá khứ, hiện tại hay tương lai. Chỉ cần quán sát thân tâm của mình. Bạn phải tự xét đến nghiệp của mình. Quán tâm, tu hành, bạn sẽ thấy rõ được. Tuy nhiên, phải tự nhắc nhở là nghiệp của người khác hãy để cho họ lo. Đừng chấp trước, cũng đừng soi mói đến họ. Nếu tôi uống độc dược, tôi sẽ chịu khổ. Bạn không cần phải hứng chịu chung với tôi điều ấy! Hãy thọ dụng những gì tốt lành do người thầy trao cho, bạn sẽ được an bình, tâm bạn sẽ trở thành như tâm của thầy. Nếu tự mình quán sát, bạn sẽ thấy được. Ngay cả bây giờ nếu chưa hiểu, nhưng khi tu hành, bạn sẽ thấy rõ được. Bạn sẽ tự mình liễu ngộ được. Đó gọi là tu hành theo Pháp Phật. Khi ta còn trẻ, cha mẹ thường dùng kỷ luật răn đe và nổi giận với chúng ta. Nhưng thực ra là họ muốn giúp chúng ta. Về lâu về dài bạn sẽ thấy được điều ấy. Cha mẹ, thầy cô trách mắng khiến chúng ta bực bội. Nhưng về sau chúng ta sẽ biết được nguyên do là gì. Sau thời gian tu hành lâu dài bạn sẽ biết được. Những người khôn lanh quá thường bỏ cuộc sau một thời gian ngắn. Họ không bao giờ học được gì cả. Bạn phải khai trừ cái khôn lanh của mình đi. Nếu bạn nghĩ là mình giỏi hơn người khác, bạn sẽ chỉ phiền não. Thật là đáng thương! Không có gì cần phải bực bội. Hãy chỉ quán sát thôi. 

 

Hỏi: Con hay buồn ngủ quá. Vậy nên con cảm thấy rất khó để thiền.

 

Đáp: Có nhiều phương cách để vượt qua sự buồn ngủ. Nếu bạn ngồi trong bóng tối, hãy dời ra chỗ sáng hơn. Mở mắt ra. Đứng dậy đi rửa mặt hay đi tắm. Nếu bạn buồn ngủ, đổi thế ngồi hay thế đứng khác. Đi đi lại lại thật nhiều. Đi bước ngược lại. Nỗi sợ sẽ vấp phải cái gì đó sẽ khiến cho bạn tỉnh ngủ. Nếu điều đó còn không được nữa, đứng yên lại, cho tâm lắng xuống và tưởng tuợng như đang ở giữa ban ngày. Hay là ngồi trên bờ của một ghềnh đá cao, một cái giếng, bạn sẽ không dám ngủ! Nếu không còn có gì giúp được nữa, bạn hãy đi ngủ. Thận trọng nằm xuống, cố giữ tỉnh giác cho đến khi chìm trong giấc ngủ. Rồi khi thức dậy, hãy dậy ngay. Đừng có nhìn đồng hồ hay nằm nán thêm. Bắt đầu tập tỉnh giác ngay trong giây phút bạn thức dậy. Nếu bạn thấy mình mỗi ngày đều buồn ngủ, hãy thử ăn ít hơn. Hãy tự xét nghiệm lấy mình. Nếu vừa ăn năm muỗng đầy đã bắt đầu thấy no, bạn hãy ngừng lại. Sau đó uống nước cho đến khi thấy no vừa đủ. Ngồi quán sát sự buồn ngủ và cơn đói của mình. Bạn phải tập điều hòa ăn uống. Khi tu hành nhiều hơn bạn sẽ tự nhiên thấy mạnh mẽ hơn và ít đói hơn. Nhưng bạn phải biết tự điều hòa cho mình.

 

Hỏi: Tại sao ở đây chúng ta lậy Phật nhiều thế?

 

Đáp: Lậy Phật rất quan trọng. Đó là một nghi thức bên ngoài của sự tu tập. Nghi thức này phải được thực hành cho đúng. Phải đê đầu xuống tận đất. Hai khuỷu tay gần đầu gối và lòng bàn tay úp trên mặt đất cách nhau 3 inches. Quỳ xuống lậy từ từ, ý thức đến thân của mình. Đó là một cách đối trị tốt cho sự ngã mạn của chúng ta. Chúng ta phải quỳ lậy thường xuyên. Khi cúi xuống quỳ lậy ba lần hãy tưởng nhớ trong tâm những tính chất tốt đẹp của Phật Pháp Tăng, đó là tính thanh tịnh của tâm, sáng ngời và an tĩnh. Như thế, chúng ta dùng tướng bên ngoài để luyện tập tánh bên trong. Thân và tâm trở nên hòa hợp. Đừng mắc sai lầm khi nhìn người khác lậy Phật như thế nào. Nếu có người lậy vụng về hay không tỉnh giác, đó không phải là điều cho bạn phán xét. Luyện tập con người có thể là điều khó khăn. Có người học nhanh, nhưng cũng có người học chậm. Phán xét người khác chỉ làm tăng thêm ngã mạn cho mình. Hãy tự quán sát mình trước. Lậy Phật thường xuyên, buông bỏ sự kiêu mạn. Người đã thực sự hòa nhập được với Pháp sẽ vượt khỏi những hình tướng bên ngoài. Tất cả những gì họ làm đều biểu hiện cho sự lậy Phật. Đi cũng lậy, ăn uống cũng lậy. Đó là bởi vì họ đã vượt qua được cái ngã vị kỷ của mình.

 

Hỏi: Ngài có bao giờ đọc quyển Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục tổ Huệ Năng không?

 

Đáp: Trí tuệ của Lục Tổ Huệ Năng rất sâu sắc. Giáo lý của ngài thật là thâm diệu, những người sơ cơ khó có thể hiểu được. Nhưng nếu bạn tu tập chuyên cần và nhẫn nại, nếu bạn tập buông bỏ những chấp trước, bạn sẽ dần dần hiểu được. Có lần tôi có một đệ tử sống trong một chòi tranh. Trong mùa mưa đó trời mưa liên miên và một ngày nọ, một ngọn gió lớn thổi bay nóc nhà của anh ta. Anh ta cũng chẳng buồn sửa lại, cứ thế chịu cho mưa trút xuống dầm dề. Vài ngày trôi qua, tôi hỏi thăm anh về mái chòi tranh, anh trả lời là đang thực tập buông bỏ. Đó là sự buông bỏ không có trí tuệ, cũng giống như sự vô tâm ù lì của một con trâu nước. Nếu bạn sống một đời sống tốt và giản dị, kiên nhẫn và không vị kỷ, bạn sẽ hiểu được trí tuệ của Lục tổ Huệ Năng. 

 

Hỏi: Trước đây thầy có nói là định và tuệ cũng giống nhau. Xin thầy giảng cho rõ hơn.

 

Đáp: Giản dị thôi. Định và Tuệ liên hệ chặt chẽ với nhau. Đầu tiên tâm sẽ lắng yên khi tập trung vào một đối tượng thiền. Tâm sẽ chỉ yên lặng khi bạn ngồi tĩnh tọa. Đó là định, và dần dần, nền tảng định này sẽ là nhân cho trí tuệ, hay minh sát tuệ phát sinh. Lúc đó tâm sẽ an định dù bạn đang ngồi tĩnh tọa hay đang đi giữa thành phố tấp nập bận rộn. Ví dụ thế này: trước đây bạn là một đứa trẻ, bây giờ là một người trưởng thành. Đứa trẻ và người trưởng thành đó có giống nhau không? Bạn có thể nói là có, nhưng nhìn dưới một góc cạnh khác, cũng có thể nói là khác nhau. Cũng thế, định và tuệ nhìn vào thấy như riêng biệt với nhau, giống như đồ ăn và chất thải trong người chúng ta vậy, nhưng tuy khác mà là một. Đừng vội tin những gì tôi nói, hãy tự mình tu tập và nhận biết lấy. Không cần phải làm gì đặc biệt cả. Nếu bạn quán sát định và tuệ đến như thế nào, bạn sẽ tự ngộ được chân lý. Hiện nay có nhiều người chấp vào danh xưng chữ nghĩa. Một số tự nhận là tu minh sát tuệ, coi nhẹ vai trò của định. Một số khác lại cho là mình tu định, chủ trương rằng định phải có trước hết rồi mới có tuệ được. Tất cả đều là vớ vẩn. Đừng nên suy nghĩ theo chiều hướng đó. Hãy chỉ tập trung tu hành thôi, rồi bạn sẽ tự mình thấy được.

 

Hỏi: Vấn đề chướng ngại lớn nhất của các đệ tử của thầy là gì?

 

Đáp: Là những thành kiến, quan niệm về tất cả mọi sự, về bản thân họ, về phương pháp tu, và về giáo lý Đức Phật. Có nhiều người có quyền cao chức trọng đến đây, lại có những người là thương gia giầu có, thành phần trí thức, giáo sư hoặc viên chức chính quyền. Đầu óc họ đầy ắp những định kiến về mọi thứ. Họ thấy mình quá tài giỏi để nghe theo người khác. Cũng giống như nước trong một cái tách vậy. Nếu tách này đầy những nước vẩn đục, thiu rồi thì chẳng dùng được gì nữa. Chỉ khi nào đổ bỏ nước ấy đi thì cái tách mới dùng được. Bạn phải buông bỏ những quan niệm, định kiến trong tâm trí thì bạn mới ngộ được. Pháp tu của chúng ta vượt lên trên sự đối đãi của khôn và dại. Nếu bạn nghĩ rằng "tôi giỏi, tôi giầu, tôi quan trọng, tôi hiểu hết về Phật Pháp", bạn sẽ che đậy sự vô ngã của mình. Tất cả những gì bạn thấy chỉ là bản ngã, tôi, của tôi. Nhưng đạo Phật chủ trương buông bỏ cái ngã, là trở về với Không, Niết Bàn.

 

Hỏi: Thầy có thể lược lại những điểm chính trong buổi nói chuyện này được không?

Đáp: Bạn phải tự quán sát mình. Biết mình là ai, biết thân và tâm bạn chỉ qua sự tự quán. Lúc ngồi, lúc ngủ, lúc ăn, đều phải biết giới hạn của mình. Phát huy và xử dụng trí tuệ. Tu tập không phải là để đạt được một điều gì. Chỉ cần tỉnh giác với những gì trước mắt. Pháp tu thiền của chúng ta là trực chỉ quán tâm. Bạn sẽ nhận biết sự khổ, nguyên nhân gây khổ và sự giải trừ như thế nào. Nhưng bạn phải rất nhẫn nại và chịu đựng. Dần dần rồi bạn sẽ học được. Đức Phật bảo các đệ tử phải ở với thầy của họ trong ít nhất là năm năm. Bạn phải học để biết giá trị của sự cho đi, của tính nhẫn nại và sự tận tâm tận lực như thế nào. Đừng có quá ép mình vào những kỷ luật nghiêm khắc. Đừng dính mắc nơi hình tướng. Xem xét người khác là việc làm xấu. Hãy để mọi việc tự nhiên và nhìn chúng như vậy thôi. Giới luật tăng đoàn và kỷ luật tu viện rất quan trọng, vì chúng tạo nên một môi trường sống giản dị và hài hòa. Hãy hành trì giới luật cho thích đáng, nhưng phải nhớ rằng, điều cốt yếu của giới luật tăng là xem xét những tác ý của mình qua sự quán sát tâm. Bạn phải có trí tuệ, không được kỳ thị phân biệt. Bạn có bực bội với một cây nhỏ trong rừng vì nó không cao và thẳng như một số cây khác không? Đó là vớ vẩn. Đừng phán xét người khác. Con người tất cả đều khác nhau. Không cần phải mang gánh nặng cho ai hay ước là mình sẽ thay đổi họ tất cả. Vậy, hãy kiên nhẫn. Tu tập để cho có đạo đức và sống đời giản dị, tự nhiên. Luôn quán sát tâm mình. Đó là pháp tu sẽ đưa ta đến sự an lạc, vị tha.

 

Diệu Huyền dịch


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật