NHẮC NHỞ SỰ HÀNH TRÌ TU TẬP - Bất Dị Pháp Sư

25 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 15938)


ngoi_thien-content




NHẮC NHỞ SỰ HÀNH TRÌ TU TẬP


 

Các Phật tử đi Chùa tụng Kinh, niệm Phật để cầu phước và học hỏi nghe giảng Kinh điển để cầu trí huệ giải thoát. Đó là ý nghĩa chính việc đi Chùa lễ bái Kinh kệ đến với Đạo Phật của Phật tử. Ngoài việc này ra là xen tạp pha lẫn lòng tin tà tín của ngoại đạo tà giáo.


Người có phước là:


- Thứ nhất: người luôn luôn được an lạc.

- Thứ hai: Thân thể luôn được khỏe mạnh.

- Thứ ba: Bạn bè thương mến.

- Thứ tư: Luôn đủ những điều cần thiết trong sự sống.

- Thứ năm: Phán đoán mọi việc không sai lầm.


Hiện đời ai có đủ năm phước này thì không đọa vào ba đường ác.



Trong những việc này, quan trọng nhất là phán đoán sai lầm. Khi chúng ta phán đoán sai lầm là do vô minh. Vô minh thì xuất phát do lòng tham. Người quá tham lam thì hiểu biết giới hạn và tầm nhìn rất giới hạn, hoặc có những lúc sân hận giận dữ thì tầm nhìn ta cũng giới hạn.



Trên bước đường tu hành lấy Ý làm chính, hay nói khác hơn là lấy sự suy nghĩ làm chính. Lời nói và hành động nằm bên ngoài nên dễ dàng kiểm soát. Tuy nhiên lời nói và hành động phát xuất từ ý tưởng. Ví như mình ghét ai đó thì từ ý tưởng nên mới có lời nói nặng nề; cũng từ ý tưởng mới sanh ra hành động.



Việc thọ trì đọc tụng và nghe giảng có thời lượng không quá 2 giờ đồng hồ. Tụng Kinh dài thời gian chưa hẳn là có an lành phước báo. Người nhịp chuông gõ mõ cũng vậy, phải cho lòng thanh thoát thì tiếng chuông tiếng mõ mới thanh thoát. Người dẫn lễ cũng vậy, phải cho lòng thanh thoát thì mới dẫn đại chúng tụng niệm thanh tịnh. Nếu người cầm micro dẫn chúng mà lướt hết tiếng đại chúng thì cũng chưa đúng cách. Người dẫn chúng cầm micro nhẹ nhàng hòa với chúng, đại chúng tụng mới sanh tâm hoan hỷ là có phước báo. Người cầm micro dẫn chúng mà muốn khoe chất giọng thì đại chúng nên ngồi im lặng không nên tụng.


Một khi tụng Kinh trang nghiêm thì có độ cảm nên tâm sanh hoan hỷ. Tụng Kinh cốt để có phước, có phước là có an vui. Vì vậy khi nào tụng Kinh không có phước thì không nên tụng. Chúng ta đừng mượn Phật mượn Kinh đè cái phiền não đau khổ. 


Trước khi tụng Kinh, chúng ta ngồi tĩnh tâm khoảng 5 phút, có lần tôi nhắc nhở bài kệ tịnh niệm tọa Thiền:


Chánh thân đoan tọa,

Đương nguyện chúng sanh.

Tọa Bồ đề tòa,

Tâm vô sở trước.


Người cầm chuông đánh tiếng chuông thức tỉnh:


Nguyện tiếng chuông này vang cõi pháp,

Những nơi tăm tối đều cùng nghe.

Hỡi ai lạc bước mau dừng lại,

Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.


Đánh chuông của Phật giáo từ ngoài đánh vô, bên ngoài đánh vào trong thì thoát tiếng ngân vang. Khi người đánh chuông cũng biết được người đó có quá trình tu tập hay không, có kỷ năng hay không, có chánh niệm hay không? Khi tâm mình an ổn có chánh niệm chánh định nên đánh, còn như chưa có chánh niệm chánh định không nên đánh sanh tổn phước báo.



Chúng ta đến Chùa tụng Kinh lên đến chánh điện mọi việc bỏ bên ngoài, thân nhẹ nhàng nên không có tiếng động. Khi chúng ta ngồi Tiền, tụng Kinh, niệm Phật, trì Chú đều có cách ngồi lưng thẳng, mặt hướng về phía trước, mắt mở hơn một nửa đến hai phần ba.


Khi ngồi đoan chánh về thân như vậy, hít thở nhẹ nhàng thì tất cả chúng sanh trong lòng mình, tư tưởng của mình là chúng sanh. Trong thân tâm mình chứa nhiều chúng sanh lắm, chúng sanh thương, chúng sanh ghét, hờn giận, phải quấy, tốt xấu, vui buồn, thiện ác. Tất cả chúng sanh này ẩn nấp trong tư tưởng của ta. Bấy giờ biết như vậy rồi thì phải làm sao quán chiếu hóa giải những tư tưởng cho nhẹ nhàng.


Hỡi ai lạc bước sai đường nên dừng lại, lạc bước sai đường bởi tư tưởng. Những tư tưởng sai lầm nên dừng lại đừng cho nó tới nữa. Xưa nay sai lầm bởi bản ngã. Bởi bản ngã lớn quá nên không muốn ai chê bai trách cứ nặng nhẹ. Mình muốn việc này việc nọ, muốn người ta khen mình, tâng bốc mình nên bản ngã lạc bước. Cuộc đời này có chuyện gì như ý đâu mà bản ngã muốn, mập thì chê béo, ốm thì chê gầy, lùn chê thấp, khổng thì chê cao.


Khi thương khi ghét không có cái gì là thật.



 

ĐẾN CHÙA HỌC ĐẠO THÌ NÊN….



Chùa chiền là nơi mở rộng để đón tất cả chúng sanh, cứu giúp những tâm hồn đau khổ sầu tư để họ nhận ra sự thật của cuộc sống. Chúng ta phải thể hiện hết tâm từ bi vị tha vô ngã, thể hiện nếp sống chan hòa bằng sự bình đẳng. Vì lẽ đó, người lãnh đạo tinh thần phải sáng suốt ứng dụng mọi hoàn cảnh cho mọi người có sự an vui.


Tuy nhiên với sự chấp mắc lầm tưởng của chúng sanh quá ư đa dạng, vì họ sai lầm nên họ bị xích xiềng trói buộc trong kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến. Những người chưa đắc đạo thì chưa nhận ra lẽ chân thật, họ nghe cái gì cứ tin cái đó, thậm chí họ tự nhận một khuôn mẫu nhất định và bắt mọi người phải đúng theo khuôn phép ấy. Cho nên tại sao có nhiều người đi Chùa, làm phước, bố thí cúng dường mà không có phước báu an lạc hạnh phúc là vì như nói trên.


 Thông thường do sự sai lầm của người lãnh đạo, nên dẫn tín đồ lầm lạc. Cổ nhân có câu: “Nhất manh dẫn quần manh”. Nghĩa là một người đui dẫn đàn mù. Người đui dẫn đàn mù đi thì không khỏi bề lạc lối rơi xuống hố sâu hay dẫm đạp chông gai.


Người tín đồ ngày nay phải lựa chọn những nơi tu hành. Nơi nào mình đến tu tập thấy có lợi ích an vui thì đến, còn nơi nào thấy bị chướng duyên thì tự êm lặng rút lui không có tội lỗi gì, hơn là lòng thường khó chịu cau có.


Quy y Tăng là quy y với mười phương Tăng chứ không phải chỉ một vị Thầy truyền giới hay nơi Chùa mình quy y. Nhiều vị Thầy chưa thông suốt cứ gặp ai cũng thu nhận làm tín đồ, góp lực lượng về làm của riêng. Thật ra tâm vô thường thì làm sao họ theo mình khi họ không học hỏi được gì cả? Đến Chùa chẳng những không học được cái hay cái đẹp lời Phật dạy, mà còn nghe tiếng giận hờn phiền não, nghe nói qua nói lại, dèm pha người này trắc ẩn người khác, như vậy là không nên đến nơi Chùa đó hay gần ông Thầy đó. Giá như tiếp sức hoàn cảnh như vậy là mang họa vào thân, không sớm thì muộn cũng sẽ gánh nặng phiền não.



Người đệ tử nhà Phật dầu xuất gia hay tại gia cũng phải xa lánh danh lợi buộc ràng. Danh lợi là trò đùa trêu ngươi không có lối thoát. Nếu như ta có tài năng và đức độ để lãnh đạo thì nên làm, nhưng rồi cũng phải dành thời giờ nuôi dưỡng tinh thần, mở lòng cho đức độ ngày thêm lớn.


Một mặt nào đó, xã hội ngày nay lắm người bon chen tìm cầu danh vọng địa vị. Nhiều người không khả năng đức độ mà lãnh đạo quần chúng thì là mối nguy hiểm cho Đạo giáo trong tương lai. Với các người trí giả nhìn vào là chỉ làm trò cười cho họ, bởi vì người lãnh đạo chỉ là thằng hề.


Ngày nay nhiều người đi Chùa bị sai lầm ở chỗ này, cứ cho là có phước nên đương đầu làm mọi việc. Làm hết mọi việc rồi thì mấy ông Thầy có việc đâu mà làm, ngồi mát hưởng thụ cơm bưng nước rót, vinh thân phì da không dục tình vọng tưởng sao được.


 

Thời trước chư Tổ dạy: “Nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực”. Nghĩa là: Một ngày không làm một ngày không ăn. Ngày nay thì làm ít lại ăn nhiều, tu ít lại hưởng nhiều, tìm những việc dễ làm, còn việc khó lại xa lánh. Thậm chí nhiều Thầy, nhiều Ni cô kinh doanh tính toán lỗ lời hơn người tục, khác chi người tục. Biết bao nhiêu người bố thí một mà thâu hai ba, đến độ Từ thiện bố thí là một ngành nghề để sống. Về sau những người này bị quỷ sứ nhổ thơm bến lức quất vào thân, nhổ tre gai đập vào hịch tội ăn lường.


Luật nhân quả không hề sai lệch và tha thứ thiên vị ai. Kiếp này xa sỉ gom góp của ăn được thì kiếp tiếp theo bần cùng cơ cực là mối nguy hiểm cho xã hội phải đeo mang. Người trí học Phật nên thấu suốt chỗ này, làm việc gì phải đo lường hậu quả về sau. Tham vọng của cải tài vật, bòn tro đãi trấu, cân no giạ thiếu không phải cho mình mình đâu, thì dại gì làm để mình gánh hậu quả khôn lường.



Thôi thì cuộc đời này hãy sống biết đủ là an ổn nhất, có tham quyền cũng tham làm sao cho không tội lỗi chất chồng, không phiền não lo sợ. Đêm nằm xuống không hãi hùng, không gác tay lên trán lo nghĩ bời bời là tốt đẹp.


Ta nên giữ lòng mình biết đủ,

Chớ tham nhiều do dự khổ sầu.

Chuyện đời mấy chốc bể dâu,

Thì nên hãy sống sạch làu chân tâm.


 Bất Dị Pháp Sư


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật