BÀI CA CHỨNG NGỘ - Diệu Huyền dịch

19 Tháng Ba 20195:22 CH(Xem: 3806)
dem_trang

Bài Ca Chứng Ngộ

Bình luận của Kodo Sawaki 

Diệu Huyền dịch

 

Cốt ở gốc lo chi cành,

Như ngọc lưu ly ngm ánh trăng.

 

Đạo Tâm

 

Đó là hai câu quan trọng nhất trong Chứng Đạo Ca của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác. Cổ đức nói: “Trong thời mạt Pháp, người ta không đi tìm chân lý thực tại, mà chỉ muốn được năng lực thần thông.” Chân lý thực tại mới là cội nguồn chánh yếu, còn năng lực thần thông là do công đức tạo thành. Chúng ta chỉ thích công đức mà không thích bản chất chánh yếu. Ta thích được lãnh lương mà lại không muốn làm việc; thích được phần thưởng nhưng không muốn nỗ lực.

 

Tuy nhiên, cái chánh yếu là chân lý thực tại.  Những năng lực thần thông chỉ là thứ phụ thuộc. “Cốt ở gốc, lo chi cành”. Ta phải tìm kiếm chân lý thực tại mà không nên chăm chú vào năng lực thần thông. Ta hãy nắm bắt được tinh yếu của vạn pháp; ngoài ra tất cả chỉ là thứ yếu và không quan trọng. Khi ta có được tầm nhìn bao quát và chính xác về Tự Tánh của mình, sự khen chê của người khác còn nghĩa lý gì đâu? Thế nhưng, đa số con người chỉ thích được khen tặng mà thôi.

 

Trong quyển “Học Đạo Dụng Tâm Tập” (Gakudo joshin shu) của thiền sư Đạo Nguyên có viết rằng: “Họ vứt bỏ cỗi rễ và chạy đuổi theo những cành lá... khi thấy người đời ưa thích điều gì, họ tập làm điều đó, ngay cả khi biết rằng đó là trái Đạo. Họ chống chế không muốn làm những gì không được người đời khen tặng hay danh tiếng, ngay  cả khi biết đó mới là chánh đạo. Thật buồn làm sao!”

 

Sau đó ngài giải thích lý do như sau: “Có một số người được dạy đi tìm chứng ngộ ở ngoài tâm, một số khác lại muốn tái sinh trong một cõi giới xa vời nào đó. Những chủ thuyết như thế là nguồn gốc của sự ngộ nhận và  lẫn lộn, chúng tạo nên những tư tưởng sai lầm. Tỷ như có một người nào đó đưa cho bạn một loại thuốc thật tốt mà không chỉ cách cho bạn dùng thuốc ấy, thế thì căn bệnh bạn đang mắc phải sẽ còn trở nên tệ hại hơn là bị trúng độc nữa.

 

Trong nước chúng ta, dường như từ xưa đến nay đã không có được những lương y có thể cho ra những thứ thuốc tốt,  cũng chẳng có ai kiểm chứng những hiệu quả của thuốc như thế nào. Thật khó mà dứt trừ được những đau khổ và tật bệnh của kiếp nhân sinh, không những thế chúng ta lại còn muốn trốn tránh cả tuổi già và cái chết nữa! Tất cả là do sự chỉ bảo sai lầm của các thầy dạy, không phải của các đệ tử!"

 

Chỉ có đạo tâm là quan trọng nhất. Dù cho chủ thuyết và triết lý có sâu xa thế nào, cũng không nên vướng mắc vào đó.  “Cốt ở gốc, lo chi cành”. Hãy trực chỉ đạo tâm của mình, còn tất cả những cái khác chỉ là thứ yếu. Không trụ tâm nơi hình tướng hay tìm cầu danh lợi, hãy tự xét mình xem việc tu hành có chân chánh không, nếu hoàn toàn chân chánh thì dù ai có chỉ trích hay khen tặng thế nào cũng chẳng có gì quan trọng. Câu kệ này hàm chứa ý nghĩa cốt yếu của Chứng Đạo Ca.

 

Một cái nhìn tổng quát về chân lý thuần túy

 

Như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng. Hình ảnh này tượng trưng cho người đã nắm bắt được gốc rễ và không còn phải quan tâm đến cành lá nữa. Đi ngược trở lại bài thơ này, ta đến đoạn nói rằng:  Sao bằng từ cửa vô vi ấy, Một nhảy vào liền đất Như Lai... Ba thân bốn trí thể tròn nguyên... và rồi đi đến cội nguồn là: Dứt học vô vi nhàn đạo nhân, không trừ vọng tưởng chẳng cầu chân..

Vậy cái gì là viên ngọc lưu ly trong suốt vô biên vô lượng, trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai đều đi qua? Tất nhiên, đó chính là tâm Phật của chúng ta. Viên ngọc lưu ly trong suốt sáng ngời ấy là pháp thân nguyên thủy, là tinh yếu cốt tủy, là mục tiêu sự tu tập của chúng ta.

Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận (Daijo Kishin Ron) viên ngọc lưu ly chỉ cho chân tâm nguyên thủy, là chân lý thực tại. Mỗi người nhìn thực tại một cách khác nhau, tùy theo khả năng và tính khí của họ. Bởi vì những dính mắc nơi căn trần mà chúng ta nhìn thực tại một cách sai lầm. Kinh nói rằng: “Pháp thân nguyên thủy không sinh cũng không diệt, tự nó sẽ hiển lộ nhờ năng lực của tâm đại nguyện từ bi. Nơi chân tâm nguyên thủy không có đến cũng chẳng có đi, trong khi nơi thân huyễn hóa của chúng ta tất cả chỉ là sự sinh diệt không ngừng. “

Như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng. Ta hiểu điều này qua sự lý giải của tri thức, nhưng không từ đáy tâm. Những khởi động tâm lý trong chúng ta như đám mây che phủ sự trong sáng của viên ngọc,  như những kính mầu ngăn cản tia sáng của mặt trời.  Mục tiêu trong sự tu tập của chúng ta là mài dũa lại viên ngọc, tái tạo sự trong sáng thuần khiết nguyên thủy để viên ngọc ấy, với sự trong suốt không nhuốm một mầu sắc hay tỳ vết nào, khi đặt trên một tấm lụa nền mầu xanh sẽ chiếu ra mầu xanh, khi đặt trên nền đỏ sẽ chiếu mầu đỏ, đặt trên nền trắng sẽ chiếu mầu sáng trắng. Thực ra, viên ngọc lưu ly này, tuy trong suốt không mầu sắc và không có tỳ vết, lại luôn luôn biểu hiện ra nhiều cách khác nhau.

Thiền sư Chỉ Nguyệt (Sasaki Shigetsu, 1885-1945) đã viết: “Khi biển đang động khó mà tìm ra được viên ngọc từ đáy nước”. Khi tâm chúng ta đang bị quấy động bởi những đợt sóng của ảo tưởng, ta sẽ không tìm ra được chân lý thực tại. Vai trò của đạo pháp là chỉ  cho ta thấy sự trong suốt hằng hữu này vẫn luôn hiện diện trong tâm.

Khi tâm an định

Mọi thứ chung quanh đều an định

Ngày kéo dài ra

Với sự ngây thơ của đứa trẻ

Sự yên tĩnh của núi giống như những ngày của thời xa xưa

Ngày kéo dài ra làm cho cuộc đời có ý nghĩa và chúng ta được an vui. Chiều dài của một ngày có nhiều kích thước khác nhau. Có những người sống với ngày ngắn, cũng có những người sống với ngày dài. Có những người, tuy cả năm có một lịch trình bận rộn, vẫn thực hiện được những hoạt động quân bình cho đời sống. Có những người không có thì giờ nghỉ ngơi, than phiền rằng ngày quá ngắn, nhưng khi ta nhìn những gì họ đã đạt được trong năm qua thì chẳng thấy có gì cả.

Thời gian kéo dài ra, đó là sự an vui, và đặc biệt là thời gian rất dài khi chúng ta tọa thiền, trong khi một giờ, hai giờ, hay cả đêm ngồi nói chuyện và uống rượu với bạn bè chẳng là gì cả. Khi ngày kéo dài ra như một đứa trẻ, đó là vì ngày ấy chứa đựng rất nhiều nội dung phong phú.

Người ta nói rằng trong khi tọa thiền những ảo tưởng hiện ra tràn ngập trong tâm thức, nhưng thực ra đó không phải là ảo tưởng. Đó là sự biểu lộ của những gì chứa chất trong tâm thức chúng ta, và rất nhiều khi làm cho chúng ta ngạc nhiên. “Tôi như thế à? Thật là vớ vẩn quá!”

Trong chúng ta có đủ mọi thứ, cả Ma lẫn Phật, những dục vọng và thú tính của con người; thật sự ra con người của chúng ta rất phong phú. Trong tâm thức chúng ta không có ý niệm gì về thời gian và không gian. Thiên đàng và địa ngục đều ở trong đó. Như ánh trăng thấm thấu vào viên ngọc lưu ly, bóng dáng chúng ta cũng phản chiếu hoàn toàn trên tấm gương của tâm thức.

Tâm thức chúng ta chứa đựng hàng tỷ tỷ các niệm khởi, không chỉ là ba ngàn như lời kinh nói. Như kính vạn hoa, tâm thức chúng ta phát ra vô lượng những hình ảnh kết hợp với nhau. Trong sự an tĩnh của tọa thiền, người ta nhận ra rằng tất cả những triết lý Phật giáo, từ tông phái Thiên Đài (Tendai) với ba ngàn pháp cho đến tông phái Câu Xá (Kusha) với bẩy mươi lăm (75) pháp phân loại đều không thể nào liệt kê được những gì chứa chấp trong tâm thức chúng ta. Những hiện tượng tâm linh là vô giới hạn.

Ngồi trong tư thế tọa thiền, ta biểu thị sự an tĩnh của núi trong những thời xa xưa. Tọa thiền là tư thế căn bản và vĩnh viễn không bị gián đoạn, vượt quá khứ, hiện tại và tương lai. Pháp tu ấy đã không thay đổi kể từ thời Đức Phật Thích Ca. Ngày kéo dài ra như đứa trẻ là sự mới mẻ vĩnh viễn, và trong sự an tĩnh của núi ta trở thành hình ảnh bất tuyệt của quá khứ.

Chỉ có ngồi thôi, ta trở thành Phật đang sống như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng. Chỉ câu này thôi cũng đã chứa đựng tinh yếu của Phật Pháp.

Lời bàn của Kodo Sawaki (1885-1965)

Diệu Huyền dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc