TUỆ GIÁC VÀ VÔ MINH - Ngọc Bảo dịch

21 Tháng Sáu 202010:03 CH(Xem: 3357)
an_lac


TUỆ GIÁC VÀ VÔ MINH

 

Một buổi chiều tối sau khi La Hầu La đã hoàn tất thời công phu thiền, tôn giả đến gặp Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, làm sao để điều ngự hơi thở trong một tâm tỉnh giác, và điều đó có ích lợi gì?”

Đức Thế Tôn trả lời:

“Này La Hầu La, hãy đi đến một bụi rậm, dưới gốc cây, hay một ngôi nhà hoang nào đó ngồi thẳng lưng tọa thiền với tâm chánh niệm. Dù đang thở ra hay hít vào, hãy luôn giữ một tâm nhất quán; khi thở hơi dài, biết mình đang thở hơi dài; khi thở hơi ngắn, biết mình đang thở hơi ngắn.

Khi đang thở ra một hơi dài, hãy ý thức mình đang làm điều đó. Khi thở ra một hơi ngắn, hãy ý thức mình đang làm điều đó. Con sẽ ý thức được toàn thân khi hít vào thở ra như vậy. Con sẽ cảm thấy an ổn nơi thân khi hít vào thở ra như vậy. Con sẽ được hưởng niềm hỷ lạc khi hít vào thở ra như vậy. Con sẽ luyện để có một tâm an bình khi hít vào thở ra.

Khi hít vào thở ra như vậy con sẽ xa rời được những bám víu chấp thủ. Con sẽ quán chiếu sự vô thường và sự tự do giải thoát trong khi hít vào thở ra. Nếu con luôn chú tâm vào hơi thở, và tập luyên liên tục như vậy, con sẽ được lợi lạc lớn; đó là khi trút hơi thở cuối cùng, hơi thở ấy sẽ không tan biến vào đám mây mù của vô thức, mà ở ngay trong sự tỉnh giác thấy biết mọi sự.

Này La Hầu La, đó chính là phương cách để rèn luyện hơi thở trong tỉnh giác. Ngoài ra, con còn phải chuyên cần luyện tập pháp Bình Đẳng Như Nước. Nếu con hành trì được pháp này, tâm con sẽ không bị dính nhiễm vào những cảm xúc yêu thích hay ghét bỏ. Như khi chúng ta bỏ một vật gì trong sạch hay ô nhiễm vào trong nước, nước không bầy tỏ sự yêu thích hay ghét bỏ- chúng ta hãy luyện tâm mình cũng được như thế.

Này La Hầu La, lại nữa con hãy tu luyện lòng từ bi, hỷ xả. Nếu con chuyên cần luyện được tâm từ, con sẽ tránh được sự giận dữ - nếu con chuyên cần luyện được tâm bi, con sẽ tránh được đau khổ.

Nếu con luyện được tâm hỷ, con sẽ tránh được những tức tối bực bội ; nếu con luyện được tâm xả hay tâm bình đẳng, con sẽ tránh được những khởi niệm muốn làm hại người. 

Này La Hầu La, trong khi thiền định hãy tập quán chiếu miên mật những đối tượng bất tịnh và tính vô thường. Nếu con quán chiếu miên mật về những bất tịnh, lòng tham sẽ tan biến ; nếu con quán chiếu miên mật về Vô Thường, tính chấp ngã sẽ tan biến. Này La Hầu La, đó là những lợi lạc lớn mà con sẽ nhận được qua pháp quán hơi thở trong tỉnh giác.

La Hầu La vui mừng đón nhận những lời dạy của Đức Thế Tôn.

(trích dịch bài “Wisdom and Ignorance từ Daily Zen)

 

Vài lời mạn bàn:

Trong thời buổi nhiễu nhương đầy bất an hiện nay, hơn bao giờ hết chúng ta cần có sự tỉnh giác và một tâm an định để nhận diện thực chất của những điều đang xảy ra trước mắt.

Những lời dạy của Đức Thế Tôn một lần nữa nhắc nhở chúng ta vai trò chính yếu của hơi thở trong sự tu tập Thiền định. Điều ngự được hơi thở là điều ngự được tâm. Sự chú tâm vào hơi thở sẽ đưa ta trở về với chính mình, cho ta cảm nhận vô thường trong sự hiện hữu của từng giây phút biến đổi trong giòng thời gian trôi qua không ngừng của quá khứ hiện tại vị lai.  

Tập trung vào hơi thở là phương tiện hữu hiệu nhất để ngăn lại những tư tưởng đang dấy lên tràn ngập trong tâm. Trong Thiền đó là Chỉ (làm ngừng lại) những khởi động trong tâm. Sự điều ngự tâm cần có Chỉ phối hợp với Quán, tức hướng tâm tập trung vào một đối tượng nào đó như quán công án, quán vô thường hay tánh Không v.v.. và trong sự tập trung nhất quán đó, tâm sẽ được an định và phát sinh trí tuệ.  

Trí tuệ không phải là kiến thức uyên bác về những hiện tượng bên ngoài, mà là tuệ giác thấy biết thực chất của đời sống qua sự thấy biết chính mình. Sự thấy biết vô thường và tánh Không trong bản thân mình và tất cả chúng sinh sẽ giúp chúng ta phát triển lòng từ bi hỷ xả, phát niệm lành xây dựng một thế giới an bình hạnh phúc cho muôn loài.

Tuệ giác và vô minh chỉ cách nhau trong từng hơi thở: hơi thở có ý thức là tuệ giác, và hơi thở không có ý thức là vô minh. Ý thức nhận biết trong ngoài của tuệ giác sẽ đưa chúng ta vững bước trên con đường sinh tử, không bị chìm đắm trong những mây mù của dục lạc để rồi trôi lăn trong những đau khổ triền miên của vòng luân hồi bất tận.

 

Ngọc Bảo


Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Tư 20212:37 SA
Khách
Cám ơn. Đã rút ra được bài học:
Điều ngự hơi thở điều ngự tâm
Nương theo hơi thở để gặp mình
Hít vào thở ra là đang sống
Không biết mình thở thị vô minh.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc