THIỀN HỌC- Trịnh Khải Hoàng

23 Tháng Năm 20227:34 CH(Xem: 1306)
thien hoc -tkh

Xưa mỗi ngày sư Bách Trượng thăng tòa giảng Phật Pháp, thì dưới hàng thính chúng thường có một cụ già chăm chỉ nghe cho tới hồi cuối giải tán mà cụ vẫn chưa muốn rời khỏi thính đường. Sư thấy vậy bèn hỏi:

- Ông còn muốn hỏi gì chăng ?

Cụ già kính lễ chấp tay trước ngực và thưa:

- Tôi chẳng phải thân người. Đời trước vốn làm sư trụ trì. Có người cầu học hỏi tôi:” Bậc đại tu hành có còn rơi vào nhân quả không “ ? Tôi đáp:” Không rơi vào nhân quả”. Do câu trả lời sai lầm chân lý, mang khẩu nghiệp này, tôi bị đọa làm kiếp chồn tinh hoang dã đã 500 kiếp. Nay xin Hòa Thượng từ bi chỉ giáo để tôi được lãnh hội chánh ngữ mà giải thoát khỏi thân dã hồ tinh.

Sư Bách Trượng nói:

- Ông hỏi lại ta.

- Bậc đại tu hành có còn rơi vào nhân quả không ?

- Không lầm nhân quả.

Cụ già bèn quì xuống đãnh lễ Hòa Thượng và thưa rằng:”Nay nương theo chánh ngữ của Hòa Thượng. Tôi đã liễu ngộ và thoát khỏi kiếp dã hồ tinh. Tôi ở hang dã sơn phía sau chùa. Ngày mai xin Hòa Thượng cho chúng đệ tử nhặt lấy xác chồn tôi và cũng xin lấy lễ tống táng như một nhà sư”.

Quả thật vậy, sáng ngày hôm sau, sư Bách Trượng cho gọi đệ tử ra dã sơn tìm hang chồn thì thấy xác con chồn trắng nằm chết tại miệng hang… Sư cho làm lễ, tụng kinh siêu độ và tống táng với lễ nghi như một nhà sư.

   Nay với tâm cầu học và cố gắng tránh ít nhiều nghiệp quả, nên tôi chỉ dám mạo muội viết đoạn tiểu tự lạm bàn về Thiền học cho một vài đứa con của tôi và bạn hữu thân tình, xem như đóng góp một chiếc giày cỏ cho người tạm dùng và tìm một chiếc giày khác nữa cho đủ đôi, hoặc tốt hơn nữa là có tầm trí tuệ cao thâm để ngõ hầu có thể bước đi cô thân trên đường thiên lý Phật Đạo. Tôi cũng chân thành đảnh lễ quí bậc Thiện Tri Thức cao minh lượng thứ và chỉ giáo cho thoát khỏi mê mờ.

Thành kính.

   Những người mới bắt đầu tập hành Thiền, không nên tu tập vào buổi tối vì thời gian cõi âm thịnh, các vong linh là chúng sinh cõi âm mà người thế gian gọi là ma, quỉ có thể ảnh hưởng  không tốt. Thực ra họ là nhiều loại chúng sinh từ cõi Người sau khi thân hoại, mạng chung, chập Tử Cận Tâm chấm dứt, tức thì vài satna kế tiếp dòng tâm chuyển kiếp sẽ theo Nghiệp Lực dẫn dắt trong vô thức, không có khả năng chọn lựa nơi tái sanh; ngoại trừ các bậc tu hành chứng đắc Đạo - Quả cao thượng, vốn là thành quả của tiến trình tu chứng Thiền Pháp, hoặc các bậc Thánh tu chứng, Chư Thiên, Đại Phạm Thiên với hạnh nguyện Bồ Tát, chuyển thế có thể chọn cho mình nơi chốn để chuyển kiếp … Do vậy nếu “thần thức” của người vừa mãn phần có nghiệp tốt, thì có thể tái sanh trở lại kiếp người hoặc các cõi trời, nếu có chứng đắc Thiền Định thâm sâu với phước báu cao dày, thì tái sanh ở những cõi Chư Thiên - Deva tuỳ theo trình độ cao thấp, nhiều hay ít… Ngoài ra có những bậc thánh Tăng tu hành Thiền Vipasana -Thiền Tuệ đắc Tứ Thánh Đạo Quả Niết Bàn-Nibana, hạng Thánh Tăng nầy rất hiếm, hằng triệu vị Sư tu Thiền, hoạ chăng có được một vài vị chứng Tứ Thánh Đạo và Quả cao thượng.

   Những ai hoa ngôn nói vị nầy chứng, vị kia đắc Thiền, hay thầy của tôi chứng đắc Tứ Thánh Đạo, phần lớn là không thật ! Chính Đức Phật Sidhatha Gautama Sakyamuni đã giảng  về nhiều kiếp quá khứ tu hành của chính Ngài cho hai vị đệ tử là Ananda (Anan) và Sāriputta (Xá Lợi Phất) rằng Ngài đã phải trải qua tới bốn (4) ATăng Kỳ Kiếp và 100 000 (một trăm ngàn) Đại Kiếp (Kalpa) sinh diệt của trái đất mới thành bậc chánh đẳng, chánh giác Phật - Samma Sambuddhassa, một A Tăng Kỳ là chuỗi dài thời gian được tính cứ một 100 năm chỉ bằng thể tích một hột cải, và phải trải tất cả những hạt cải đó phủ khắp trên một diện tích 1.5 Km2 (đơn vị đo đạt ngày nay). Tóm lại, Ngài phải tu hành qua quá trình dài đăng đẳng như thế mới thành Đạo. Vậy, những ai tu hành muốn đắc Đạo và Quả để được giải thoát như đức Phật thì quả thật là có mấy người? Trong Đạo Phật giải thoát là đoạn lìa tất cả tất cả mọi nghiệp lực dẫn tới tái sanh, và chữ Giác Ngộ không để chỉ cho hạng phàm phu lý sự khoa ngôn. Nhưng từ sau khi Đức Phật giảng dạy và để lại Giáo Pháp cho tất cả chúng sinh các cõi giới, trong đó có người trần gian chúng ta… Giáo Pháp là Phật Pháp như bản đồ hành trình tu học mà chúng ta tầm học nghiệm, để thoát ra khỏi thứ tục đế qui ước tạm bợ mà lần ra chân đế vận hành qui luật thiên nhiên trong vũ trụ, từ thô tới vi tế là sự trực ngộ tướng trạng vạn vật, vạn pháp tánh chân như mà giải thoát khỏi hệ lụy phiền não trói buột kiếp người. Tuệ giác tự buông xã rốt ráo không hư mất, không ngã, không vô thường, không khổ đau là Niết Bàn (Nibana). Chúng ta có thể nương theo Giáo Pháp mà “tu hành” và chứng ngộ Tuệ Giác Giải Thoát này ngay trong đời này. Trong Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya chính Đức Phật đã giảng dạy và ngài Ananda đã “Evam me sutam” Tôi nghe như vậy. 

   Nên hành Thiền vào khoảng thời gian từ 5 – 7 giờ sáng là tốt nhất. Hành thiền vào ban đêm thường dành cho những người đã học hiểu biết thâm sâu Kinh Điển Nikaya - Tam Tạng Kinh Phật Giáo Nguyên Thủy – Theravada do chính Đức Phật Sakyamuni giảng dạy, và có ít nhiều thành quả của Pháp sinh chứng tự thân nguồn Thiền Pháp Vi Diệu, và tri chứng những Thế Giới Quan chung quanh từ nội thân tới ngoại giới, có trình độ Tâm định vững mạnh, vô úy xem những cảnh giới ngoài thế gian như cõi Âm gồm có: Sinh linh, quỉ thần, phi nhân và cảnh trời Chư Thiên (Deva, Tiên) ở cõi Sắc Giới có hình tướng đẹp hơn loài người, và vẫn còn dục tánh với hệ nam nữ, vợ chồng, con cái… Chư Thiên cõi Vô Sắc Giới không có hình tướng như: Bramma là Phạm Thiên bậc Thiên Chủ cai quản nhiều cõi trời vi diệu bao la, và Maha Bramma - Đại Phạm Thiên bậc Đại Thiên Chủ vô lượng phước báu, có tuổi thọ rất dài tưởng chừng như bất tử… Nhưng thật là tuổi thọ bậc Đại Phạm Thiên này vẫn có hạn và phải “chết”. Trên tận cùng của các cõi là Nibbana - Niết Bàn. Đức Phật đã giảng dạy trong Tam Tạng Kinh điển như: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya, Tăng Chi Bộ Kinh – Anguttara Nikaya, Pháp Cú Kinh – Dhammapadattakattha, Tiểu Bộ Kinh – Khuddaka Nikaya, Trung Bộ Kinh – Majjima Nikaya, Tương Ưng Bộ Kinh – Samyutta Nikaya, Vi Diệu Pháp – Abhidammatthasangaha…  và còn nhiều nữa … Nói tóm lại muốn có kiến thức căn bản về Đạo Phật thì phải đọc để học những bộ Kinh nói trên. Không những như thế, nếu muốn học và siêng năng hành Thiền cho tới tâm Định, cũng chỉ là bước khởi đầu trên tiến trình hướng tới Tuệ xã hành rốt ráo là “thành quả” của Thiền Vipassana minh sát với Tứ Niệm Xứ : Thân – Thọ - Tâm – Pháp.

   Hành Thiền cần phải thấu đáo giáo pháp trong Kinh, hành Thiền không có vị Thiền Sư am tường và chứng đắc Thiền Pháp hướng dẫn thì khi Tâm phát sinh trong 12 tướng của Ngủ Uẩn: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức nhất là Tưởng phát sinh thì ảo tưởng sinh cảnh trí, thiếu hiểu biết nhầm tưởng là mình có kết quả và thấy cảnh thần tiên rồi sinh ham thích, và dẫn tới thấy cảnh chúng sinh ở cõi Âm, lại thêm phát sinh ảo tưởng hại thân đáng tiếc !  Hiện tại trong giới Chư Tăng Việt Nam, tôi biết có một vị Thiền Sư thật sự là ngài Kim Triệu Panno ở Thích Ca Thiền Viện mà thôi, ngoài ra hầu hết những “vị” Sư đang dạy Thiền chung quanh đây thì tôi “kính nhi viễn chi” và thật sự không bén chân tới chổ thế sự mang mang phiền não làm gì ! Hòa thượng Viên Minh trụ trì Bửu Long là bậc Trí Giả lịch lãm trong giáo pháp Đạo Phật và Triết Học Đông Phương và với pháp hành… Ngài đã dẫn giảng đề tài “ Tất Cả Các Pháp Đều Vô Ngã. Vậy Chúng Ta Tu Cái Gì”? Quả thật đây là một “vấn sự” như tiếng sấm trời nổ bên tai ? Muốn hiểu biết câu hỏi như “công án” kiểu “tự Đại Thừa – Mahayana” không đơn giản cho người không có trình độ am tường Tam Tạng Kinh Phật Giáo Nguyên Thủy – Theravada và trình độ “tu chứng” pháp Thiền ! Vốn dĩ hành Thiền để “đắc” cái Vô Ngã – Anattã thì phải dụng Tâm Sở (Cetasika) là một tự Ngã đặt để yên lên một Tâm Sở khác ở thời gian dài lâu là định Tâm, thì tự bản chất cũng là “tất cả các Pháp đều Vô Ngã” thì Định hay Thiền Định cũng tự là Vô Ngã. Vậy chúng ta cần tu làm gì ? “Nói” một cách khác tất cả các Pháp trên thế gian này tự Vô Ngã rồi, và như thế cũng đồng nghĩa với thực tánh vạn Pháp như nhiên hoàn hảo, và vận hành theo nguyên lý cũng là chân lý ? Tuy vũ trụ bao la vô thủy, vô chung mà vạn pháp hằng chuyển theo dòng nhân duyên bất tận… Những ai hành Thiền cho tới thật “thấy” Pháp hiện tiền trong mỗi một satna, tất tự ngộ và Tuệ “thấy biết” chân đế vượt qua khỏi bình diện vật chất của thế gian “hiện hữu” này. Vì trình độ Phật Pháp và pháp hành Thiền của bản thân còn giới hạn, khiếm khuyết … Nên tôi tự nhận xét Tuệ giác chỉ “phát sinh” qua tiến trình và thành quả của Thiền Tuệ (Vipassana). Nhưng trong Kinh Nikaya do đức Phật giảng dạy. Xưa kia, có những người đời thường không có đạo hạnh cao dày, thành quả học thuật cao thâm, uyên bác, hay hành Thiền lâu ngày, dài tháng … Nhưng chỉ với “chữ” nhân duyên hay phước duyên được dịp gặp Đức Phật và lắng nghe Ngài giảng pháp, thì họ chứng đắc Đạo – Quả cao thượng sau thời giáo pháp. Do vậy Tuệ giác chính là cái “thấy – biết” thật tánh của Pháp vốn tự hoàn hảo ngay hiện thời và đang là ? Những người có tích chứa nhiều sở học, đôi khi lại là mang trong tâm thức nhiều tri chướng tồn đọng làm trở ngại để giác ngộ.

    Đức Phật hành Thiền Minh Sát hay còn gọi là Thiền Tuệ - Vipassana dưới cội cây Bodhi và chính ngài đã thấy những cảnh ma vương, yêu quái hiện ra quấy nhiễu Ngài trong đêm thành đạo… Có phải chăng là chính tự Tâm của hằng bao nhiêu kiếp sống quá khứ của Ngài biến hiện ra trong thời khắc cuối cùng ? Cũng có thể nói đấy là báo nghiệp hay chập Tưởng cuối cùng của những tiền kiếp trôi lăn như miên viễn và chấm dứt trong hiện tại bởi Tuệ Minh Sát ?  Loài người như chúng ta cho dù có thông minh học thuật cao thâm tới uyên bác cũng chỉ được ở hạng Trí và có thể Thức mà thôi, còn Tuệ hay Tuệ Giác là thành quả của Thiền không dễ có được. Vì Thiền là dụng Tâm lực chiếu soi hay còn gọi là “chiếu – kiến” thậm thâm vào satna hiện tại và “thấy” vạn pháp Chân Đế như “nó” đang là, vượt qua tất cả mọi ý niệm, quan niệm của qui ước Tục Đế. Đức Phật là bậc Thầy chỉ dạy cho chúng ta thấy, hiểu biết chân lý hiện tiền như “nó” đang là và cho dù có Đức Phật sinh ra đời hay không, Chân Lý vốn đã hiện tiền trong thế gian này. Xin chớ “nhìn” Đức Phật như một vị thần linh.

(Trịnh Khải Giác Hoàng – Paramahansa Cita)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc