NỘI QUÁN - Ngọc Bảo phóng dịch

21 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 71637)

 

  Bạch Ẩn Huệ Hạc ( Hakuin Ekaku, 1685-1768) là một thiền sư xuất chúng của Nhật Bản trong thế kỷ 18, đã có công phục hưng và đem lại chánh pháp trở về với dòng Thiền Lâm Tế đang ở trong tình trạng suy vi thoái trào. Cuộc đời của Bạch Ẩn đại sư là một bài học của sự tinh tấn dũng mãnh, trong đó đáng kể nhất là kho tàng văn chương nghệ thuật vô giá nhuốm đầy tính giác ngộ mà ngài đã để lại. Một nét đặc biệt là căn bệnh nan y mà sư đã lâm phải, và sự chạy tìm phương thuốc chữa chạy đã đưa đến duyên gặp gỡ với một vị chân nhân, qua đóø bài học quý giá ngài đã thụ đắc được không những đã đem lại rất nhiều lợi lạc cho chính ngài, mà còn cho kẻ hậu học noi theo để chuyển hóa tâm thân. Sau đây là một trích đoạn từ trong “Trường Sinh Thảo,” tự truyện của Bạch Ẩn đại sư:


 “Ngày tôi phát tâm dâng hiến đời mình cho sự tu tập Thiền, tôi đã nguyện sẽ đem tất cả tín tâm và dũng khí để tinh tấn, kiên trì đi theo con đường Đạo. Tôi đã áp dụng những phương pháp tu thật khắc khổ, và trong mấy năm liền đã tự thúc ép mình không lơi lỏng.


 Thế rồi một hôm, mọi sự đột nhiên bùng mở, và tôi đã bước qua được ngưỡng cửa của sự giác ngộ. Tất cả những nghi vấn, những trăn trở đã đè nặng lên tôi bao nhiêu năm nay bỗng nhiên biến mất đi tới tận gốc rễ, giống như là nước đá chẩy tan ra vậy. Những nghiệp chướng thâm căn đã trói buộc tôi vào vòng luân hồi sinh tử từ vô lượng kiếp chợt tan rã như những bọt nổi trên mặt nước.


 Tôi tự nhủ thầm: “Đúng thực là, con đường Đạo không có ở xa con người.” Những câu chuyện kể về các vị thầy ngày xưa đã phải mất tới hai mươi năm, hay có khi tới ba mươi năm mới đạt được Đạo, chắc là bịa đặt cả. Trong mấy tháng sau đó, tôi như người ở trên mây, như kẻ đang cuồng điên vì vui sướng.


 Nhưng sau đó, khi bắt đầu quán xét lại những hành vi hàng ngày, tôi có thể thấy rõ ràng hai mặt trong cuộc đời – mặt hoạt động và mặt tĩnh lặng—là hoàn toàn bất quân bình. Dù làm việc gì, tôi cũng không cảm thấy tự do hay thoải mái được. Tôi nhận ra rằng mình phải khơi lại một quyết tâm dũng mãnh và một lần nữa lại lao hết mình vào trong sự chiến đấu Pháp. Hàm răng nghiến chặt, đôi mắt nhìn thẳng phía trước, tôi dốc lòng tập trung hết vào việc tu tập, bỏ cả ăn ngủ.


 Không đầy một tháng, từ tim tôi hỏa bốc ngược lên, làm khô kiệt những dung dịch thiết yếu trong buồng phổi. Chân và bắp vế tôi lúc nào cũng lạnh như đá, giống như đang bị nhúng trong những bồn tuyết. Trong tai tôi lúc nào cũng có những tiếng rì rầm, như là tôi đang đi cạnh một thác nước đang chẩy xiết. Tôi đâm ra yếu đuối rụt rè lạ thường, lúc nào cũng co rúm lại sợ hãi khi làm bất cứ việc gì. Tôi cảm thấy hoàn toàn mệt mỏi, kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Dù đang thức hay đang ngủ, tôi cũng thấy những hình ảnh lạ hiện ra trước mắt. Dưới nách tôi luôn luôn ướt đẫm mồ hôi, nước mắt thường xuyên chẩy ra. Tôi đi du hành khắp các nơi chốn, thăm viếng các vị thiền sư, tìm gặp những danh y nổi tiếng. Nhưng chẳng có phương thuốc nào được họ đề nghị đã giúp gì cho tôi cả.



Hakuyu tiên ông


 Thế rồi, ngẫu nhiên tôi được người mách về một vị tiên ông tên là Hakuyu, sống ẩn dật trong một hang động ở cao trên dẫy núi Shirakawa thuộc lãnh vực Kyoto. Nghe đồn vị này đã sống đến 370 tuổi, và hang động ngài ở cách nơi dân cư sinh sống rất xa. Tính không thích gặp ai cả, và nếu khi nào thấy có người nào tới gần, ngài sẽ chạy trốn đi chỗ khác ngay. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, khó mà đoán được ngài là một bậc trí giả hay chỉ là một cuồng nhân, nhưng dân chúng ở các vùng làng mạc lân cận lại rất sùng kính ngài như một vị thánh. Tiếng đồn rằng ngài đã là thầy của vị hiệp sĩ lừng danh Ishikawa Jozan và rất thông thạo thiên văn lý số, cũng như có kiến thức sâu rộng về y học. Những người đã đến gần được và xin thọ giáo với ngài theo đúng cung cách lễ nghĩa đã một đôi lần bắt được một vài câu nói bí ẩn của ngài, mà sau khi đã đi khỏi và suy ngẫm sâu xa về câu nói đó, người ta thường thấy chúng đem lại rất nhiều lợi lạc.


 Trung tuần tháng giêng năm thứ bẩy dưới triều đại Hoei (1710), tôi khăn gói trên vai, lặng lẽ rút lui khỏi ngôi chùa đang trú ngụ ở phía đông Mino, và trực chỉ hướng Kyoto. Đến kinh đô rồi, tôi rẽ về hướng bắc, vượt qua những đồi núi ở Hắc thung lũng (Kurodani) và tìm đường đến một thôn nhỏ ở Bạch Xuyên (Shirakawa). Tôi gởi hành lý lại một quán trọ và đi dò hỏi tin tức về hang động của Hakuyu tiên ông. Một người làng chỉ về phía đàng xa một thác nước dài mỏng như sợi chỉ đang đổ xuống cheo leo từ ngọn núi cao.


 Theo tiếng thác nước để lấy hướng đi, tôi tiến sâu vào núi rừng, đi mãi cho đến khi tới được dòng suối. Tôi đi dọc theo bờ suối khoảng thêm chừng một dặm (Nhật) , cho đến cuối đường, cuối dòng suối vẫn không thấy gì. Chung quanh không có một lối mòn tiều phu nào để chỉ lối cả. Lúc này, tôi đã hoàn toàn lạc hướng và không còn có thể tiến thêm bước nào nữa. Không biết phải làm gì hơn, tôi ngồi xuống trên một tảng đá gần đó, nhắm mắt lại, chắp hai tay trước ngực rồi bắt đầu niệm kinh. Thế rồi, như một phép lạ, tôi nghe từ đàng xa mơ hồ có tiếng đốn cây. Sau khi xuyên rừng rẽ lá về hướng của tiếng động đó, tôi thấy một người tiều phu. Ông ấy chỉ cho tôi một nơi ở trên tận đỉnh núi cao, lẫn trong đám mây mù giăng mắc. Tôi chỉ nhìn thấy được một cái đốm mầu vàng, không lớn hơn một inch vuông, khi ẩn khi hiện trong màn sương núi lung linh. Ông ấy nói đó là tấm màn chắn cửa động của Hakuyu tiên ông. Vén áo lên giắt vào lưng quần, tôi bắt đầu leo lên đoạn đường chót đưa đến nơi cư ngụ của Hakuyu. Bước qua những tảng đá gồ ghề, xuyên vượt những giàn cây leo nặng chĩu và những bụi rậm quấn quít, tuyết và băng giá gậm nhấm vào trong đôi giầy rơm tôi đang đi, những làn mây ẩm ướt lan vào áo tràng. Chuyến đi này thật là vất vả, và khi đến được điểm có tấm màn che đã thấy trước, toàn thân tôi đã nhễ nhại một lớp mồ hôi dầy.

 Bây giờ tôi đang đứng trước cửa vào hang động. Đây sẽ là một cảnh giới đẹp đẽ vô ngần, hoàn toàn vượt lên trên những trần lao thế gian tầm thường. Tim tôi run lên vì lo sợ, tôi rùng mình da nổi gai ốc, phải tựa người vào mấy tảng đá nghỉ ngơi đôi chút và đếm hơi thở mấy trăm cái.


 Sau khi rũ bớt những bụi đất bám vào và vuốt ve lại áo cho thẳng nếp, tôi cúi người xuống, ngần ngừ đẩy tấm màn sang một bên, và nhìn vào trong hang. Tôi thấy lờ mờ hình dáng của Hakuyu đang ngồi trong bóng tối. Ngài đang ngồi thật thẳng, đôi mắt nhắm lại. Mái tóc đen nhánh thật đẹp điểm những sợi bạc phủ dài xuống tới đầu gối. Nước da của ngài trông thật tốt, thật trẻ, hồng hào như một trái chà là Trung Quốc. Ngài ngồi trên một chiếu mềm đan bằng cỏ và mặc một áo ngoài lớn làm bằng sợi dệt thô. Hang động này nhỏ, không quá 5 bộ vuông, và ngoại trừ một cái bàn giấy nhỏ, chung quanh không hề thấy có một đồ đạc hay vật gia dụng nào. Trên mặt bàn, tôi nhìn thấy có ba bản văn – Chủ thuyết về phương tiện, Lão Tử, và Kinh Kim Cang.


 Tôi cố tự giới thiệu mình thật lễ độ, trình bầy chi tiết những triệu chứng cũng như nguyên nhân căn bệnh, và rồi thỉnh cầu tiên ông giúp đỡ. 



Phương thuốc

 

 Sau một lúc, Hakuyu mở mắt ra và nhìn tôi thật kỹ. Rồi, bằng một giọng nói chậm rãi từng tiếng một, ngài nói ngài chỉ là một ông già vô dụng, mệt mỏi – “chết nhiều hơn là sống”. “Tôi ở nơi thâm sơn cùng cốc này, tự nuôi sống bằng những hạt và rau quả nào có thể kiếm được. Đêm làm bạn với nai rừng, với những thú hoang. Tôi hoàn toàn chẳng biết gì khác cả, thật bối rối vô cùng cho tôi khi một nhà sư tôn quý như ngài lại lặn lội xa xôi như vậy để đến đây tìm tôi.”


 Nhưng tôi vẫn nhất định khẩn khoản cầu xin ngài giúp đỡ. Cuối cùng, ngài đưa tay ra cầm lấy tay tôi một cách tự nhiên, dễ dàng. Rồi ngài bắt đầu khám ngũ tạng của tôi, bắt mạch ở chín điểm chính. Tôi để ý thấy móng tay ngài dài gần đến một inch.


 Cau mày lại, ngài nói bằng một giọng nhuốm vẻ thương hại, “Chẳng làm được gì mấy đâu. Bạn đã mắc phải một căn bệnh trầm trọng. Vì đã quá thúc ép mình, bạn đã quên mất luật lệ chính của sự tu tập trong tôn giáo. Bạn đang bị hành hạ bởi căn bệnh thiền, mà những phương tiện y học bình thường thật cũng khó thể nào chữa được. Nếu bạn cố chữa bằng cách dùng châm cứu, hay thuốc thang, sẽ không thấy có công hiệu gì cả—dù cho có được những danh y như Pien Chiao, Tsang Kung, hay Hua To chữa cho cũng vậy. Bạn sẽ không bao giờ phục hồi lại sức khỏe được đâu, nếu không biết vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp Nội Quán. Người xưa có câu, “Khi một người đã ngã xuống tới đất đen, thì cũng từ đất đen mà người ấy đứng lên.”


 “Xin thỉnh cầu ngài,” tôi nói, “truyền cho tôi bí pháp Nội Quán này. Tôi muốn bắt đầu thực tập phương pháp đó, và học xem nó làm như thế nào.”


 Bằng vẻ mặt nghiêm trọng và uy nghi, tiên ông Hakuyu trả lời nhẹ nhàng, “A, ông bạn trẻ, bạn nhất quyết tìm cho bằng được câu trả lời cho vấn đề của bạn phải không? Được rồi, để tôi sẽ nói lại một vài điều về phương pháp Nội Quán này, mà nhiều năm trước đây tôi đã học được. Đó là một bí quyết dưỡng sinh mà rất ít người biết đến. Nếu cứ thực hành đều đặn, chắc chắn nó sẽ đem lại kết quả đáng kể. Nó cũng làm cho chúng ta được trường sinh nữa.


 Đại Đạo có hai thành phần chính là Âm và Dương. Từ sự kết hợp của chúng mà nẩy sinh ra con người và vạn vật. Có một luồng năng lượng bẩm sinh vận chuyển âm thầm trong thân chúng ta, nó đi theo những kinh mạch dẫn dắt nối liền ngũ tạng với nhau. Nguồn năng lượng bảo tồn cùng với dòng máu bồi dưỡng vận chuyển đồng hành, lên lên xuống xuống khắp toàn thân, làm thành 50 vòng tuần hoàn trong thời kỳ 24 tiếng đồng hồ.


 Phổi, vốn thuộc kim, là một tạng âm nằm phía trên hoành cách mô. Gan, vốn thuộc mộc, là một tạng dương nằm ở dưới hoành cách mô. Tim, vốn thuộc hỏa, là tạng dương lớn, nằm ở phần trên của thân mình. Thận, vốn thuộc thủy, là tạng âm lớn, nằm ở phần dưới của thân mình. Trong ngũ tạng đó chứa đựng bẩy nguồn năng lực tuyệt vời, trong đó lá lách và thận mỗi cái đều có hai.


 Hơi thở ra xuất phát từ tim và phổi; hơi thở vào đi vào qua thận và gan. Qua mỗi lần thở ra, nguồn năng lượng bảo tồn và dòng máu bồi dưỡng tiến đến 3 inches trong đường mạch của chúng; chúng cũng tiến thêm 3 inches theo mỗi hơi thở vào. Mỗi 24 giờ, nguồn năng lượng bảo tồn và dòng máu bồi dưỡng làm thành 50 lần tuần hoàn ở trong thân.


 Hỏa bản chất vốn nhẹ và giao động, luôn luôn có khuynh hướng bay lên cao, trong khi thủy bản chất là nặng và đứng yên, có khuynh hướng lắng xuống dưới. Nếu người nào không biết nguyên tắc này mà cố gắng tu thiền quá độ, hỏa trong tim người ấy sẽ bốc lên trên thật mạnh, làm đốt cháy phổi và tổn hại chức năng của chúng.


 Bởi vì có liên hệ năng sinh như mẹ với con giữa phổi, thuộc kim, và thận, thuộc thủy (kim sinh thủy), nên khi phổi bị tổn thương, thận cũng bị yếu đi và không hoạt động được. Sự băng hoại của phổi và thận làm cho những bộ phận khác trong cơ thể cũng bị trì trệ và yếu theo, làm xáo trộn sự quân bình cần có trong lục phủ. Từ đó đưa đến sự mất thăng bằng trong chức năng của bốn thành tố chính của thân (đất, nước, gió, lửa), làm cho chúng mạnh quá hoặc yếu quá không đồng đều với nhau . Từ đó mà trong mỗi thành tố này lại phát sinh ra vô số bệnh tật. Các y sĩ cũng chỉ biết khoanh tay nhìn mà thôi.”


Bảo tn s sng


 Hakuyu tiên ông lại tiếp: “Bảo tồn sự sống cũng giống như bảo tồn một quốc gia vậy. Một nhà lãnh đạo có trí tuệ hiểu biết luôn luôn nghĩ đến dân, còn một kẻ xuẩn động tầm thường lãnh đạo chỉ biết đặc quyền đặc lợi cho một thiểu số ưu đãi mà thôi. Khi một người cai trị chỉ lo mải mê với những quyền lợi ích kỷ của mình, những cận thần của ông ta cũng sẽ lo củng cố uy quyền riêng, những viên chức dưới tay họ cũng tìm đủ mọi cách để có được chút đặc ân, và rồi không một ai trong bọn họ thèm để ý gì đến sự nghèo khổ của những người dân ở dưới. Khắp nơi trong nước toàn là những gương mặt xanh xao, hốc hác; nạn đói lan tràn, khiến cho từ thành thị đến thôn quê đều rải rác những xác người nằm chết. Những bậc trí giả đều rút lui về ở ẩn, lòng dân bừng bừng nỗi căm giận, phẫn uất, các lãnh chúa miền xa bắt đầu nổi dậy, rồi kẻ địch từ biên cương cũng lợi dụng cơ hội tràn vào tấn công. Toàn dân bị chìm trong sự đau khổ triền miên cho đến khi cuối cùng quốc gia ấy phải bị suy vong.


 Còn nếu người lãnh đạo biết chú tâm xuống người dưới, biết lo cho dân thường, các cận thần cũng như viên chức đều làm việc trong sự đơn giản và tiết kiệm, luôn luôn để tâm đến những khó khăn cũng như đau khổ của dân, thì kết quả là, các nhà nông sẽ tăng gia sản xuất thực phẩm thật dồi dào, các phụ nữ tăng gia dệt thêm thật nhiều hàng vải. Những bậc trí giả sẽ tìm đến nhà lãnh đạo để xin phò trợ cho ông ta, các vị lãnh chúa miền xa cũng thần phục, người dân có đời sống thịnh vượng, quốc gia được hùng mạnh. Mọi người đều theo tôn ti trật tự, không có kẻ địch nào đe dọa ở biên cương, những tiếng giao tranh trong chiến trường không còn vang dội trên đất nước nữa. Những vũ khí dùng trong chiến tranh rồi cũng không còn được nhắc nhở tới nữa.


 Thân con người cũng vậy. Người trí giả luôn luôn giữ nguồn sinh lực của tim ở dưới thấp, cho nó tràn đầy phần dưới của thân mình. Khi phần dưới của thân mình được tràn đầy với nguồn sinh lực của tim, sẽ không còn chỗ nào ở trong cho “thất tai” hoành hành và không còn chỗ nào ở ngoài cho “tứ độc” xâm phạm. (Thất tai: vui, buồn, giận, ghét, yêu, sướng, ham muốn, được gọi như vậy vì chúng là nguyên nhân gây ra bệnh. Tứ độc: những ảnh hưởng độc hại tới thân do gió, lạnh, nóng, và ẩm gây ra). Nguồn năng lượng bảo tồn và dòng máu dinh dưỡng được sinh trưởng sung mãn, tim và trí óc được lành mạnh, cường tráng. Đôi môi sẽ không bao giờ biết đến vị đắng của thuốc; thân thể sẽ không bao giờ phải chịu sự khó chịu của những cây kim châm cứu hay những ống giác.


 Kẻ phàm phu thường lúc nào cũng để cho nguồn sinh lực của tim dâng cao không kiểm soát khiến nó lan tràn trên khắp phần trên của thân mình. Khi nguồn sinh lực này được để cho dâng cao không kiểm soát, hơi nóng bốc từ tim bên phía trái làm tổn hại đến buồng phổi ở phía phải. Từ đó ngũ quan bị áp lực, giảm bớt chức năng, và gây nhiều tổn hại trong sáu căn.


 Bởi thế, Trang Tử nói, “Chân nhân thở từ dưới gót chân, phàm phu thở từ cổ họng.”


 Hsu Chun nói, “Khi nguồn sinh lực được sưởi ấm ở phía dưới, hơi thở sẽ dài; khi nguồn sinh lực được sưởi ấm ở phía trên, hơi thở sẽ ngắn.”


 Danh sư Shang Yang nói: “Trong con người có một luồng chân khí duy nhất đem sinh lực đến cho chúng ta. Khi sinh khí này đi xuống phía dưới và được sưởi ấm ở đó, thì đó là Dương đang được phản hồi. Nếu muốn kinh nghiệm khi nào Âm hoàn tất một chu kỳ luân chuyển và bắt đầu đổi sang Dương, thì chỉ dấu lúc đó là sự ấm áp lan tỏa do nơi nguồn sinh lực được tập trung ở phần dưới thân mình.”


 Quy luật vàng của nghệ thuật dưỡng sinh là luôn luôn giữ cho phần trên của thân thể được mát và phần dưới ấm.


 Có mười hai mạch chính theo đó nguồn năng lực bảo tồn và giòng máu bồi dưỡng luân lưu qua khắp các nơi trong cơ thể. Những mạch này tương ứng với mười hai con giáp của niên vận , mười hai tháng của năm, và mười hai giờ của một ngày. Chúng cũng tương ứng với những quẻ khác nhau trong Kinh Dịch theo nhau vận hành suốt chu kỳ một năm.


 Năm hào dương phía trên, một hào âm phía dưới – quẻ “Địa Lôi Phục”—tương ứng với tiết Đông chí. Có lẽ Trang Tử muốn ám chỉ điều này khi ngài nói “vị Chân Nhân thở từ gót chân”.


 Ba hào dương ở dưới, ba hào âm ở trên – quẻ “Địa Thiên Thái”—tương ứng với tiết lập xuân, khi vạn vật đang đầy ắp nguồn sinh lực cấu tạo và vô số những mầm, những nụ hoa được luồng không khí tốt lành tẩm ướt sẽ nở tung ra muôn mầu muôn sắc. Đó là biểu hiện của vị Chân Nhân, với phần thân dưới tràn đầy nguồn năng lực bẩm sinh. Khi một người đã đến được trạng thái đó, sinh lực bảo tồn và giòng máu bồi dưỡng sẽ được tăng trưởng sung mãn và tinh thần người ấy sẽ tràn đầy chân khí năng động và dũng cảm.


 Năm hào âm ở dưới và một hào dương ở trên –quẻ Sơn Địa Bác—tương ứng với tiết mùa thu của tháng 9. Với tiết trời lúc đó, lá trong vườn và các rừng cây đều đổi mầu, những bông hoa cũng khô héo tàn lụi. Đó là biểu tượng của “kẻ phàm phu thở ra từ cổ họng”. Một người ở trong trạng thái này trông sẽ gầy mòn, hốc hác, răng cũng lung lay và rụng đi.


 Bởi thế, trong quyển “Khảo luận về thuật trường sinh” đã có câu: “ Khi tất cả sáu hào dương đều tiêu tán và con người trở thành thuần âm, thì có thể dễ dàng bị chết.” Phải nên biết rằng, bí quyết bảo tồn sinh mệnh là cần giữ cho sinh khí thường xuyên tỏa đầy nơi phần dưới của thân mình.


 

Phương thuốc bo dưỡng và trường sinh


 Hakuyu tiên ông lại tiếp: “Thời xưa, trước khi Wu Chi Chu đi gặp thầy Shi Tai, ông đã sửa soạn dọn mình chay tịnh sẵn. Rồi ông đến đó hỏi về nghệ thuật luyện đơn. Thầy Shi Tai nói với ông rằng, “Tôi có một bí quyết tuyệt vời để luyện được một loại linh dược, nhưng chỉ có người nào có tư chất hơn người mới có thể tiếp thụ được linh dược ấy.” Đây cũng chính là bí quyết mà Hoàng Đế đã được thầy Kuang Cheng truyền cho. Hoàng Đế chỉ có thể tiếp thụ được phương thuốc ấy sau khi ngài đã hoàn thành xong hai mươi mốt ngày giữ mình chay tịnh.


 Chân linh dược không ở xa Đại Đạo, Đại Đạo không ở xa chân linh dược. Đạo Phật đã có dậy về ngũ vô lậu. Một khi lục dục được giải trừ và năm căn được thu nhiếp, nguồn năng lực bẩm sinh vô phân biệt sẽ tụ lại và tăng trưởng sung mãn ngay trước mắt bạn. Đây cũng là ý của Tai Pai Tao Jen khi nói rằngï “hòa nhập sinh khí trong thân với chân khí của trời đất là trở về với bản nguyên”.


 Hãy kéo “hào khí bao la” (như Mencius nói) xuống lưu trữ ở trong lò luyện linh dược— nơi tích lũy sinh khí ở ngay vùng dưới rốn (đan điền). Giữ nó ở đấy tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, nhất tâm tồn trữ ở đấy không hề lung lay. Rồi một buổi sáng, bỗng bạn sẽ xoay chuyển được lò luyện linh dược đó, và rồi khắp mọi nơi, từ trong ra ngoài toàn thể vũ trụ này, sẽ trở thành một linh dược vĩ đại bao la.


 Khi điều đó xẩy ra, lần đầu tiên bạn sẽ nhận ra rằng chính mình là một bậc thánh hiền, không sanh như trời và đất, không tử như hư không vô tận. Lúc ấy, những nỗ lực công phu đã bỏ ra trong việc luyện linh dược này sẽ đơm hoa kết trái. Đây không phải là loại pháp thuật nông cạn như là hô phong hoán vũ, thu nhỏ không gian, hay là đi trên nước, loại pháp thuật mà những pháp sư kém cỏi hơn có thể làm được. Với bạn, đối tượng phải là quấy biển thành đề hồ (bơ), biến đất thành vàng ròng. 


Tập trung tâm ý vào phần dưới thân


 Lúc này, tôi nói với Hakuyu tiên ông: “Xin đội ơn ngài đã chỉ dẫn. Tôi sẽ bỏ tu thiền một thời gian để có thể tập trung nỗ lực vào việc thực hành Nội Quán và chữa bệnh.


 Chỉ có một điều thắc mắc là, phương pháp ngài dạy đó phải chăng là một tỷ dụ của sự “nhấn mạnh quá đáng vào những phương cách làm mát, giải nhiệt để hạ hỏa tim”, và điều đó chẳng phải là danh y sư Li Shi Tsai đã từng cảnh cáo đó sao? Và nếu tôi tập trung tất cả vào một điểm duy nhất, có thể nào sẽ làm trở ngại cho sự luân chuyển của khí lực và giòng máu dinh dưỡng, làm cho chúng bị trì trệ đi không?”


 Một nụ cười thoáng hiện trên khuôn mặt của Hakuyu tiên ông. “Không đâu,” ông nói, “Đừng quên rằng danh sư Li cũng nói là bản chất của lửa là bốc lên cao, cho nên nó phải được làm cho hạ xuống thấp, bản chất của nước là lắng xuống dưới, nên nó phải được làm cho dâng lên trên. Trạng thái của lửa đi xuống và nước đi lên ấy gọi là giao hòa. Thời gian có sự giao hòa này được gọi là Ký Tế, và thời gian lúc chưa được giao hòa gọi là Vị Tế.


 Giao hòa là làm nên sự sống. Không giao hòa là làm nên sự chết. Khi danh sư Li và những người trong trường phái của ông nói đến sự “nhấn mạnh quá nhiều đến những phương cách làm mát giải nhiệt để hạ hỏa tim” là cốt để ngăn ngừa cho những người theo trường phái của Tan Hsi khỏi bị tổn hại trong việc áp dụng quá nhiều những phương thuốc như vậy.


 Công năng của lửa được dùng qua hai cách: một như là vua, và một như là quan. Ngọn lửa vua được thấy ở phần trên của thân mình, ở trong trạng thái tĩnh . Ngọn lửa quan được thấy ở phần dưới của thân mình, ở trong trạng thái động. Ngọn lửa vua là lửa của trái tim. Ngọn lửa quan thừa hành như thuộc cấp.


 Ngọn lửa quan có hai loại, một ở trong thận, và một ở trong gan. Thận tương ứng với rồng, và gan tương ứng với sấm. Có câu nói rằng: “Tiếng nổ sấm động sẽ không bao giờ được nghe chừng nào rồng còn đang ẩn núp ở sâu dưới lòng biển cả. Rồng sẽ không bao giờ bay lên trời chừng nào sấm còn bị giữ nơi những đầm lầy.” Giả sử điều ấy là thật, và xét tới thành phần cấu tạo của biển và đầm lầy đều là nước, thì câu nói ấy chẳng phải là đã xác định rằng khuynh hướng bay lên cao của lửa đã bị chận lại đó sao?


 Cũng có câu nói rằng tim sẽ kiệt quệ nguồn năng lượng khi nó mệt và quá nóng. Khi tim bị kiệt sức, có thể làm cho khôi phục lại bằng cách cho nó xuống dưới và giao hòa với thận. Đó là sự khôi phục, tương ứng với nguyên tắc của quẻ Thủy Hỏa Ký Tế đã nói ở trên.


 Này ông bạn trẻ, bạn đã mắc phải chứng bệnh trầm kha này bởi vì lửa trong tim bạn đã bốc lên trái ngược với giòng sinh dưỡng tự nhiên. Trừ khi bạn có thể đem tim xuống vùng phía dưới được thành công, bạn sẽ không bao giờ hồi phục lại sức khỏe đâu, dù cho có dùng tất cả những phương thuốc bí truyền có trong tam giới này.


 Chắc bạn có thể nhìn tôi như một đạo sĩ . Chắc bạn cũng có thể nghĩ rằng những điều tôi nói đây chẳng có liên quan gì đến Phật giáo. Nhưng đó là sai. Những điều tôi đang giảng cho bạn nghe đó chính là Thiền. Nếu trong tương lai, bạn có được một thoáng nhìn của chân giác ngộ, bạn sẽ mỉm cười mà nhớ lại những lời nói hôm nay.”


Vô quán


 Hakuyu tiên ông nói tiếp: “Còn về vấn đề thiền quán, chân quán chính là vô quán. Giả quán là đa quán và không tập trung. Bạn đã mắc phải căn bệnh trầm trọng này do sự thực hành đa quán. Bạn không nghĩ rằng bây giờ phải tự cứu mình bằng cách không quán nữa sao? Nếu bạn lấy nhiệt trong tim, lửa trong trí óc và kéo nó xuống vùng linh dược đan điền và tới tận gót chân, bạn sẽ tự nhiên được mát mẻ tươi tắn. Tất cả những vọng động phân biệt sẽ dừng lại. Không một ý niệm mảy may nào sẽ hiện lên để khởi động những đợt sóng cảm xúc. Đấy chính là chân thiền quán—sự thiền quán thuần túy, không mê lầm.


 Vì vậy, đừng nói đến chuyện ngưng tu Thiền. Chính Đức Phật đã dạy rằng chúng ta phải “chữa trị tất cả các chứng bệnh bằng cách đem tim xuống tận gót chân.” Kinh A Hàm có dạy một phương pháp dùng đề hồ trong đó. Đó là một cách siêu việt nhất để trị sự suy yếu của tim.


 Trong quyển “Ma Ha Chỉ Quán” của tông Thiên Thai, những nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh cũng như các phương pháp chữa trị đều được trình bầy thật chi tiết. Mười hai cách thở được chỉ bầy để chữa trị hữu hiệu rất nhiều chứng bệnh. Cũng có một cách khác quán tim như một hạt đậu nằm trên lỗ rốn. Nói cho cùng, tất cả những phương pháp này chủ yếu là đem lửa của tim xuống dưới và hòa nó vào trong vùng linh dược và xuống dưới gót chân. Không những đó là một cách trị bệnh thật hữu hiệu, mà còn cực kỳ ích lợi cho sự tu thiền.


 Tôi tin rằng, có hai cách chỉ quán: chỉ quán vào chân lý tối thượng (đại chỉ quán) và chỉ quán vào chân lý tạm thời (tiểu chỉ quán). Cách thứ nhất là sự quán chiếu đầy đủ và toàn hảo bộâ mặt thực của vạn pháp, còn cách thứ hai đặt trọng tâm vào việc tập trung nguồn năng lượng của tim xuống dưới vùng linh dược đan điền. Những hành giả nào thực tập những cách chỉ quán này sẽ được lợi lạc rất nhiều.


 

Khởi phát năng lc nơi tâm


 Hakuyu tiên ông lại tiếp: “Đạo Nguyên, vị tổ khai sáng của chùa Eihei-ji, đã từng đi qua Trung Quốc tu học với thiền sư Ju Ching tại thiền viện Tien Tung. Một ngày nọ, khi ngài đến phòng thiền sư Ju Ching để được thọ giáo, Ju Ching nói, “Khi tọa thiền, phải đặt tâm mình vào lòng bàn tay trái.”


 Điều đó tương ứng với pháp tiểu chỉ quán của tông Thiên Thai.


 Trong quyển “Tiểu chỉ quán tọa thiền pháp yếu”, đại sư Trí Khải kể lại nhân duyên nào ngài đã bắt đầu chỉ dạy phương pháp bí truyền Nội Quán này (tiểu chỉ quán) và làm sao bào huynh của ngài đang mắc phải căn bệnh trầm trọng khi thực hành phương pháp này đã thoát chết được.


 Đại sư Po Yun nói, “Tôi luôn luôn giữ cho tim hạ xuống tràn đầy nơi phía dưới bụng. Lúc nào tôi cũng làm như vậy – dù đang dạy học, đang hướng dẫn một khóa tu, tiếp khách, trong những lần tham vấn nơi phòng, trong khi đang bận rộn thuyết giảng đủ mọi vấn đề –không bao giờ bỏ cả. Bây giờ đã đến tuổi già, tôi lại càng thấy lợi ích của nó nhiều hơn.”


 Thật đáng khen thay! Những lời của Po Yun chẳng khác gì với lời dạy trong quyển Su Wen: “Nếu bạn đang yên lặng và không có những vọng niệm quấy nhiễu, năng lực của chân khí sẽ kết tụ lại. Chừng nào bạn còn giữ được năng lực ấy ở trong, sẽ không có chỗ cho bệnh tật xâm nhập được.”


 Cốt yếu của sự tồn giữ năng lực ấy ở trong là khiến cho nó tăng trưởng và tỏa ra khắp các nơi trong toàn thân – trải rộng ra đến tất cả ba trăm sáu mươi điểm nối và đến khắp 84000 lỗ chân lông trong da. Bạn phải biết đây chính là bí quyết tối thượng để bảo tồn sự sống.


 Peng Tsu nói: “Hãy tự nhốt mình vào một phòng kín không bị ai quấy nhiễu. Trải chiếu nệm đã được sưởi ấm lên và một cái gối cao khoảng chừng 3 inches. Nằm ngửa mặt với thân hình thật thẳng. Nhắm mắt lại và dồn năng lực của tâm ở trong ngực. Để một lông vũ lên trên mũi. Khi hơi thở của bạn không làm lay động lông vũ, đếm đến 300 hơi thở. Một khi đã đến được trình độ tai không nghe, mắt không thấy, bạn sẽ không còn bị khó chịu bởi nóng lạnh; những nọc độc của ong và bò cạp cũng không thể làm hại bạn được. Khi đã thọ được đến 360 tuổi, bạn sẽ tiến rất gần đến quả vị Chân Nhân.”


 Su Tung Po cho lời khuyên sau đây: “ Khi đói, hãy ăn, nhưng phải ngừng ăn trước khi cảm thấy no. Ra ngoài đi tản bộ thật lâu, cho tới khi thấy thèm ăn trở lại, rồi đi vào một căn phòng yên tĩnh ngồi thật ngay thẳng. Bắt đầu thở ra thở vào, đếm hơi thở – từ mười cho đến trăm, từ trăm cho đến ngàn. Đến khi nào bạn đã đếm tới một ngàn hơi thở, thân mình bạn sẽ cứng cáp vững vàng như một tảng đá, tâm bạn sẽ yên tĩnh và bất động như bầu trời trong.


 Nếu bạn cứ tiếp tục ngồi như thế một thời gian lâu dài, hơi thở của bạn sẽ ngưng lại. Bạn sẽ không còn thở ra hay thở vào. Hơi thở của bạn sẽ tỏa ra như mây , bay lên như sương khói, từ 84000 lỗ chân lông trong da thịt. Bạn sẽ nhận ra hoàn toàn rõ ràng rằng tất cả những chứng bệnh đã hoành hành trước đây, từng cái một trong vô số những tật bệnh đã đến với bạn từ vô thủy tới nay, đều đã tự tan biến sạch. Bạn sẽ như một người mù bỗng dưng lấy lại được ánh sáng và không còn cần phải nhờ đến người khác chỉ đường nữa.


 Điều phải làm là giảm bớt những lời nói và tập trung toàn bộ vào việc gìn giữ năng lực bẩm sinh của mình. Từ đó có câu rằng: “Người nào muốn tăng cường cái thấy của họ thì nhắm mắt lại. Người nào muốn tăng cường cái nghe thì tránh các tiếng động. Người nào muốn bảo tồn năng lực trong tâm thì giữ im lặng.”



Phương pháp đề h


 Đến đây, tôi (Bạch Ẩn) hỏi: “Ngài đã đề cập đến một phương pháp dùng đề hồ (bơ), xin có thể cho biết thêm được không?”


 Hakuyu tiên ông trả lời: “ Khi một hành giả hành thiền thấy kiệt sức nơi thân và tâm vì tứ đại bị mất quân bình, người ấy phải lấy lại tinh thần mà thực hành cách quán sau đây:


 Quán rằng có một miếng bơ mềm, mầu sắc và hương thơm thật thuần khiết, có hình dáng và tầm cỡ như một quả trứng vịt, bỗng nhiên nằm ở trên đỉnh đầu bạn. Trong khi miếng bơ này từ từ chẩy ra, nó đem lại một cảm giác thật tuyệt vời, tưới đẫm đầu bạn từ trong lẫn ngoài. Rồi nó tiếp tục chẩy xuống dưới, tẩm ướt vai, khuỷu tay, và ngực của bạn; thấm thấu qua phổi, lồng ngực, gan, dạ dầy, và ruột già; lưu chuyển trong xương sống xuyên tới hông và bàn tọa.


 Lúc đó, tất cả những chỗ bế tắc tích tụ trong ngũ tạng và lục phủ, tất cả những đau đớn trong bụng và các nơi liên hệ khác, đều đi theo trái tim chìm dần xuống phần dưới của thân. Trong khi ấy, bạn sẽ nghe rõ ràng một âm thanh như nước chẩy từ một điểm trên cao xuống dưới thấp. Nó sẽ chuyển xuống phần thân dưới, lan tỏa đến chân trong một nhiệt lượng ấm áp tốt lành, cho đến khi đến tận lòng bàn chân thì ngừng lại.


 Hành giả lúc đó lại phải quán lại từ đầu. Trong khi nguồn sinh lực tràn xuống phía dưới, nó sẽ dần dần đầy ngập nơi đan điền ở phần dưới thân mình, thấm thấu và lan tỏa nơi đó một sức nóng, làm cho hành giả cảm thấy như đang ngồi ngâm tới rốn trong một bồn nước nóng pha trộn đầy những dược thảo quý hiếm và thơm tho, do một vị y sĩ tài ba đã làm ra.


 Bởi vì tất cả đều do tâm tạo, nên khi thực hành sự quán tưởng này, mũi sẽ thực sự ngửi mùi thơm tuyệt vời tinh khiết của miếng bơ mềm; thân sẽ cảm thấy một cảm giác nóng chẩy thật tuyệt diệu. Toàn thân và tâm sẽ hòa hợp hoàn toàn. Bạn sẽ thấy khang kiện và khỏe hơn cả khi còn trong tuổi hai mươi hay ba mươi. Lúc này, tất cả những tích lũy xấu hại ở trong các tạng phủ của bạn sẽ tiêu tan đi. Hệ thống tiêu hóa sẽ điều hòa hoàn hảo. Bạn sẽ không kịp nhận ra rằng, da bạn sẽ sáng rỡ khỏe mạnh. Nếu bạn tiếp tục kiên trì thực hành pháp quán tưởng này, sẽ không có bệnh nào mà không chữa khỏi, không có hạnh nào mà không làm được, không có bậc đạo quả nào mà không tới, không có pháp tu nào mà không thấu triệt được. Những kết quả ấy có đến nhanh hay chậm là tùy thuộc vào cách thực hành của bạn tinh tấn tới mức nào.


 Hồi nhỏ tôi là một thiếu niên ốm yếu, trông tệ hơn bạn bây giờ nhiều. Tôi đã trải qua những đau khổ gấp mười lần bạn bây giờ. Các y sĩ rốt cuộc chỉ còn nước bó tay chịu thua. Tôi đã tự mình nghiên cứu cả trăm cách chữa trị, nhưng chẳng có cách nào làm bớt đi được. Tôi bèn cầu xin đến ơn trên. Cầu tất cả các vị tiên thánh trên trời, dưới đất, xin họ nhủ lòng thương mà cứu độ. Và tôi đã được cứu độ thật nhiệm mầu. Họ đã trải rộng sự hổ trợ và độ trì đến nơi tôi. Tôi đã bắt gặp được phương pháp quán tưởng đề hồ thật nhiệm mầu này. Thật là vui mừng không tả xiết. Ngay lập tức tôi đã thực hành nó với một quyết tâm toàn diện. Chưa quá một tháng, tất cả những vấn đề của tôi đã hoàn toàn biến mất. Và từ đó tới giờ, tôi chưa bao giờ bị bất cứ một căn bệnh nào quấy nhiễu, dù cả ở trong thân lẫn trong tâm.


 Tôi trở thành một kẻ vô tâm, hoàn toàn không còn chút âu lo. Tôi quên đi thời gian trôi qua. Chẳng bao giờ tôi biết đến ngày tháng là gì, năm ấy có phải năm nhuận hay không. Dần dần tôi chẳng còn thích thú gì đến những điều mà thế gian này xem là quan trọng, và chẳng mấy chốc tôi cũng hoàn toàn quên mất những hi vọng, ước vọng và những tập quán của một người nam người nữ bình thường. Trong những năm trung niên, vì hoàn cảnh tôi bắt buộc phải xa rời Kyoto về ở ẩn trên miền núi rừng của vùng Wakasa. Tôi đã sống ở đó gần 30 năm, mà không có ai biết tới. Nhìn lại quãng thời gian đó, thấy thoáng qua và huyễn ảo như cuộc đời trong giấc mộng kê vàng của Lu Sheng.


 Bây giờ tôi sống nơi hẻo lánh này trong vùng đồi núi Shirakawa, xa rời tất cả các nơi dân cư. Tôi có một hai lớp áo quần để che cái thân già khô héo này. Nhưng ngay cả giữa mùa đông rét mướt, trong những đêm mà cơn giá buốt gậm nhấm qua lớp áo bông mỏng, tôi cũng không bị cóng lạnh. Ngay cả trong những tháng không có một hạt, một quả rừng nào để hái nhặt được, và cũng chẳng có một hạt gạo nào, tôi cũng không chết đói.


Đó tất cả là nhờ phương pháp quán tưởng này.


 Bạn trẻ, bạn đã vừa học được một bí quyết có thể đem áp dụng được trong suốt cuộc đời. Tôi còn có gì hơn để dạy bạn?”


Giã từ Hakuyu


 Hakuyu tiên ông ngồi yên lặng, đôi mắt nhắm lại. Tôi cám ơn ngài thật nồng hậu, những giọt lệ lấp lánh trên mắt, và rồi nói lời giã từ. Những vạt nắng cuối cùng đang vương vấn trên ngọn cây khi tôi ra khỏi động và từ từ tìm đường xuống núi. Đột nhiên, có tiếng guốc gỗ lốc cốc vang trên nền đá và dội lại từ hai bên thung lũng làm tôi dừng lại giữa đường. Nửa lạ lùng, nửa không tin, tôi hồi hộp quay lại và thấy dáng ngài Hakuyu đi đến phía tôi từ đàng xa. 


 Khi đến gần đủ tầm nghe, ngài nói, “Không ai đi những con đường mòn này cả. Dễ lạc lối lắm. Sợ bạn khó tìm đường đi xuống, nên tôi đi tiễn chân một quãng.” Trong tay ngài nắm chặt một chiếc gậy gỗ, chân đi đôi guốc gỗ cao, ngài bước đi phía trước tôi, vừa nói vừa cười. Ngài chuyển động thân thật nhẹ nhàng khéo léo qua những ghềnh đá lởm chởm và sườn núi dốc ngược, đi qua những vùng đất hiểm trở dễ dàng như người đi tản bộ qua một khu vườn khang trang. Sau khi đi chừng một dặm, chúng tôi đến nơi bờ suối. Ngài nói nếu tôi cứ đi theo con suối sẽ không khó khăn gì tìm đường quay về làng Bạch Xuyên. Rồi dường như với nét mặt thoáng buồn, ngài quay lưng lại đi trở về lối cũ.


 Một lần nữa, tôi chắp hai tay lại cúi sát đầu xuống đất tạ ơn. Tôi đứng đó bất động, nhìn theo hình bóng Hakuyu tiên ông đi trở lên con đường núi, thán phục sức mạnh và sự nhanh nhẹn trong những bước đi của ngài. Ngài chuyển động thật nhẹ nhàng, thật tự do không chút trở ngại, như thể ngài là một người đã vượt qua thế giới này, đã mọc thêm đôi cánh và đang bay lên gia nhập vào hàng ngũ của những vị thánh bất tử. Nhìn theo ngài, lòng tôi tràn ngập sự tôn kính ngưỡng mộ, và không khỏi có một chút thèm muốn được như vậy. Tôi cũng cảm thấy lòng se thắt lại luyến tiếc, biết rằng trong cả cuộc đời này có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp gỡ và học hỏi từ một người như ngài nữa.


 

Sự lợi ích ca Ni Quán


 Trở về chùa, tôi dốc tâm thực hành phương pháp Nội Quán, liên tục tinh tấn thực hành. Trong vòng chưa đến ba năm – không cần phải dùng đến thuốc thang, châm cứu hay ống giác – căn bệnh đã hành hạ tôi từ bao nhiêu năm nay đã tự tan biến. Không những thế, cũng trong thời gian ấy tôi đã kinh nghiệm được niềm vui bao la không tả xiết của sáu hay bẩy lần đại ngộ, đâm thủng và xuyên thấu được tới gốc rễ tất cả những công án khó tin, khó hiểu, khó nắm bắt và khó hội nhập mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ có thể gậm được vào. Tôi cũng có được vô số lần tiểu ngộ khiến tôi đã múa may quay cuồng trong một điệu nhẩy vô tâm. Do đó, lần đầu tiên tôi biết được rằng thiền sư Đại Huệ đã nói không ngoa khi ngài viết là ngài đã kinh nghiệm được mười tám lần đại ngộ và vô số lần tiểu ngộ.


 Trong quá khứ, tôi thường phải bao vào hai hay ba lớp vớ tabi, nhưng gót chân tôi vẫn luôn luôn cảm thấy như chúng đang bị nhúng trong nước đá. Bây giờ, ngay cả trong tiết tháng ba lạnh giá nhất trong năm, tôi cũng không cần phải đi đôi nào. Tôi cũng không cần đến lò sưởi để sưởi ấm nữa. Năm nay tôi đã ngoài 80 tuổi, nhưng tới giờ tôi vẫn chưa bao giờ bị đau ốm gì cả. Chắc chắn tất cả những điều đó là lợi ích của bí quyết Nội Quán nhiệm mầu mà tôi đã thực hành bấy lâu nay.”


Ngọc Bảo phóng dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc