NHẤT HẠNH TAM MUỘI - Đạo Tín

13 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 15084)



zen_patriarch-content

Nhất Hạnh Tam Muội

 

Đạo Tín

(580-651)


 

 Những điều giảng dạy của ta đặt căn bản trên đệ nhất nghĩa đế, đó là tâm giác ngộ của chư Phật, dựa theo kinh Lăng Già, và nhất hạnh tam muội có nghĩa là cái tâm tự biết được Phật thì đó chính là Phật, còn cái tâm suy nghĩ lăng xăng giả dối thì đó là phàm nhân. Như trong kinh Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã nói như sau:


 

 Văn Thù hỏi Đức Thế Tôn ý nghĩa của nhất hạnh tam muội. Đức Phật trả lời:


"Pháp giới nhứt tướng, chăm chú theo dõi gọi là Nhất Hạnh Tam Muội. Nếu có thiện nam tín nữ nào muốn thể nhập nhất hạnh tam muội trước hết phải nghe giáo pháp Bát Nhã Ba La Mật, nghe rồi thực hành. Sau đó họ có thể nhập được nhất hạnh tam muội như có tâm tỉnh giác theo dõi pháp giới không thối lui, không hủy hoại, không suy lường được, không bị ngăn ngại, không tướng trạng.


 Thiện nam tín nữ nào muốn thể nhập nhất hạnh tam muội nên ở chỗ thanh vắng xả bỏ những ý nghĩ loạn động, không giữ lại bóng dáng ngoại cảnh, nhiếp tâm chuyên nhất hướng về Đức Phật một lòng xưng danh hiệu ngài, tùy theo phương hướng đức Phật mình hiện xưng danh đang ngự ngồi ngay ngắn lại mặt hướng về phương đó, nếu chuyên chú theo dõi nơi một Phật niệm niệm được liên tục tức trong niệm đó có thể thấy các đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Tại sao như thế? Là vì công đức niệm một đức Phật vô lượng vô biên cùng với công đức niệm vô lượng chư Phật không sai biệt, Phật pháp thật không thể dễ suy lường được, bình đẳng không có sai khác đều nằm trên NHẤT NHƯ, thành tựu chánh giác tối thượng đầy đủ công đức vô lượng, tài hùng biện vô lượng. Người nhập vào Nhất Hạnh tam muội thấu biết tất cả pháp giới các đức Phật nhiều như số cát sông Hằng không có tướng sai khác nhau.


 Tất cả phương diện của thân và tâm, ngay cả việc nhấc chân lên và đặt chân xuống, đều là chỗ thể hiện tánh Phật. Tất cả những hành động của chúng ta đều thể hiện tánh Phật trong đó. Phật không có hình tướng nào hiện ở ngoài cả.


 Kinh Phổ Hiền Quán nói rằng: "Biển nghiệp chướng bao la hoàn toàn khởi lên từ sự suy nghĩ sai lầm. Người nào muốn sám hối phải ngồi thẳng người mà quán chiếu thực tại."


 Đó gọi là sám hối theo đệ nhất nghĩa đế, khiến giải trừ tam độc (tham sân si), nguồn gốc của cái tâm chấp trước, đầy kiến giải sai lầm. Nếu nhất tâm niệm Phật trong từng niệm khởi, đột nhiên tâm sẽ trở nên sáng tỏ, an tịnh, và hơn thế nữa sẽ ở trong trạng thái vô niệm.



 Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói rằng: "Vô sở niệm có nghĩa là niệm Phật."


 Tại sao gọi là vô sở niệm? Có nghĩa là, chính cái tâm đang niệm Phật ấy được gọi là "vô sở niệm". Ngoài tâm ra không có Phật nào cả. Ngoài Phật cũng chẳng có tâm. Niệm Phật, hay nhớ tưởng đến Phật là không hai với cái tâm suy nghĩ. Tìm tâm có nghĩa là tìm Phật vậy.


 Vì sao thế? Vì cái biết là không tướng. Hiểu được như vậy rồi, là đã tự an tâm. Nếu bạn luôn niệm tưởng đến Phật, tâm chấp trước sẽ không khởi, mọi sự đều trở nên không lặng, không tướng, không có những suy nghĩ thiên kiến phân biệt. Ở trong trạng thái ấy, cái tâm niệm Phật cũng biến đi, và hơn thế nữa là cái ý tưởng thấy tâm là Phật cũng sẽ không còn.


 Ngộ tới mức đó thì tâm chính là cái bản chất chân thật, thường hằng của Như Lai. Đó cũng gọi là Chân Pháp, là Phật Tánh, Chân Tánh hay Chân Pháp Tánh; cũng gọi là Tịnh Độ, là giác ngộ, là thân Kim Cang, là sự giác ngộ nguyên thủy, là cảnh giới Niết Bàn và trí tuệ. Dù có vô số tên gọi nhưng tất cả đều chỉ cho một Tánh duy nhất, không có sự phân biệt năng và sở.


 Khi tâm đã bình đẳng, tất nhiên là sẽ trở nên trong sáng, thanh tịnh, và luôn luôn hiện tiền, như thế mọi duyên khởi đều không có chướng ngại. Tại sao thế? Vì tất cả các pháp đều là đồng một thể với Như Lai mà thôi.


 Khi trụ ở trong tâm nhất như, mọi ràng buộc và ảo tưởng đều tự nhiên tan biến. Chỉ trong một hạt bụi nhỏ đã dung chứa vô lượng thế giới. Vô lượng thế giới đều chứa trong đầu một ngọn tóc. Bởi vì bản tánh của chúng là Như Thị, nên không có trở ngại lẫn nhau. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: "Trong một hạt bụi nhỏ đã có cả ba ngàn thế giới". Nói đến những pháp an tâm thật không thể nghĩ bàn được. Ở đây chỉ nói rằng, mọi phương tiện khéo đều từ tâm mà ra.


Diệu Huyền


(trích dịch từ Daily Zen Journal)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc