Y LÝ TRONG Y THUẬT TÂY TẠNG

07 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 21538)


phat_duoc_su-content



Y LÝ TRONG Y THUẬT TÂY TẠNG


Cơ sở lý luận của y học Tây Tạng hoàn toàn khác với y học phương Tây, một bộ phận phù hợp với Trung y, nhưng có rất nhiều điểm độc đáo riêng biệt.


Trong y học Tây Tạng miêu tả rất tỉ mỉ quá trình hình thành và phát triển của một bào thai cũng như quá trình một thần thức (linh hồn) đi về thế giới bên kiạ Bởi Lạt ma giáo là tôn giáo chính thống nên y học Tây Tạng chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết học cổ Ấn Độ. Theo đó, mọi hiện tượng vật chất trong vũ trụ đều được cấu thành bởi 5 nguyên tố: địa (đất), thủy (nước), hỏa (lửa), phong (gió), không (rỗng, không). 5 nguyên tố này tuy tiếp xúc với nhau nhưng luôn giữ ở mức độ cân bằng nhất định, nếu chúng hỗn loạn thì vạn vật trong vũ trụ sẽ bị điên đảo, ở con người thì gây nên các loại bệnh tật.


Địa: Là nguồn sức mạnh làm sản sinh ra thực thể rắn chắc có vị trí cố định, như gân xương, da thịt.

Thủy: Là nguồn sức mạnh thúc đẩy sự dung hóa, hấp thu, làm cho vật chất không phân tán, có đặc tính thể hiện là mát mẻ, lưu động, như huyết dịch, nội phân tiết...

Hỏa: Là nguồn sức mạnh làm hoàn thiện sự chuyển hóa của vật chất, đặc tính thể hiện là nguồn năng lượng nóng, bốc lên, như thân nhiệt.

Phong: Là nguồn sức mạnh làm cho vật chất di chuyển, hoán chuyển, thể hiện qua động lực chuyển động, như hô hấp.

Không: Là nguồn sức mạnh có thể dung chứa vạn vật, làm cho 4 nguyên tố kia vận hành tự nhiên, thể hiện qua sức chứa đựng vô hạn, hư không, như không gian chứa đựng cơ thể hoặc những khoảng trống bên trong cơ thể.


Khi mắc bệnh, khởi đầu thì địa tăng mạnh khiến cho thân thể nặng nhọc; tiếp theo là thủy tích khiến nước chứa nhiều, làm chảy nước mắt nước mũi; thứ ba là hỏa phát khiến cho đầu, toàn thân nóng ran; thứ tư là phong động mạnh khiến cho khí ngưng khó thở.

 
Khi một sinh vật chết đi, 5 nguyên tố này rã tan ra, như ở ngừng thở (phong dứt), không còn hơi ấm (hỏa dứt), huyết dịch không còn tuần hoàn (thủy dứt), thân xác rã nát (địa), chôn vùi trong hư không (không).



7 loại chất cơ bản, 3 loại chất ô uế



Theo y lý Tây Tạng, trong cơ thể con người có 7 loại chất cơ bản, đó là: máu, nước bọt, mỡ, tinh, cơ bắp, xương và tủy; và 3 loại chất ô uế là mồ hôi, nước tiểu và phân. 10 loại vật chất này trong cơ thể theo một định lượng cân bằng, bất cứ một chất nào quá nhiều hoặc quá ít, phá vỡ trạng thái cân bằng này, đều dẫn đến bệnh tật. Ngoài ra, y học Tây Tạng cũng có cái nhìn hoàn chỉnh và chính xác về các tổ chức lục phủ ngũ tạng, kết cấu xương khớp, cơ bắp tương tự như y học hiện đại, có điều nó đã đi trước hơn ngàn năm.


Trong y học Tây Tạng, môn học cực kỳ quan trọng là nắm vững hệ thống kinh lạc, điều này tương tự như Trung y. Y học Tây Tạng quy nạp kinh lạc trong cơ thể thành 2 nhóm là mạch đen và mạch trắng. Mạch đen lại chia ra 2 loại là động mạch nhảy và động mạch không nhảy, tất cả đều xuất phát từ tim mà chuyển đi khắp các bộ phận trong cơ thể. Mạch trắng xuất phát từ não phân bổ xuống toàn thân tựa như bộ rễ cây đa. Kinh lạc là mấu chốt của y học Tây tạng, tất cả các bệnh sinh lý và tâm lý đều liên quan trực tiếp đến hệ thống này. Khi trích máu hoặc châm cứu đều căn cứ theo những hiểu biết về kinh lạc mà thực hiện.



3 đại nguyên tố


Công năng sinh lý và tâm lý trong cơ thể là do 3 đại nguyên tố duy trì, đó là: Loong, Tripa và Beygen. Ba nguyên tố này có quan hệ trực tiếp đến việc hình thành 4 đại nguyên tố chính là địa, thủy, hỏa, phong. Ở trạng thái bình thường thì 3 nguyên tố trên vận hành hòa hợp với nhau. Nếu như vì nhân tố nội tại (như tuổi cao, già yếu) hoặc nhân tố ngoại tại (như thời tiết thay đổi, ăn uống, nghỉ ngơi thất thường) thì sẽ làm cho 3 đại nguyên tố trên mất cân bằng, gây rối loạn đến sự vận hành của 7 chất cơ bản, 3 chất ô uế, gây ra thân bệnh hoặc tâm bệnh. Nhiệm vụ của một thầy thuốc Tây Tạng là thông qua dùng thuốc hoặc các phương pháp trị liệu khác để điều chỉnh các nguyên tố trên trở lại cân bằng.


Loong là nguồn động lực làm cho hệ thống cơ năng cơ thể hoạt động, nó tương tự như “Khí” bên Trung y nhưng nếu định nghĩa tỉ mỉ thì có những điểm khác biệt. Mắt thường không thể nhìn thấy loong nhưng nó rõ ràng tồn tại. Nó không hình thái, không màu, không mùi nhưng thông qua phương pháp chẩn mạch có thể thăm dò được. Hình thái nguyên thủy của loong là đại nguyên tố “Phong”, nó tràn ngập khắp mọi nơi, chỉ là nhìn không thấy mà thôi.

 
Khí hiện diện trong các bộ phận cơ thể, tập trung ở não, tim, xương cốt để vận hành hệ thống kinh lạc trong người. Nó duy trì hoạt động của hô hấp, tuần hoàn, bài tiết, tiêu hóa, tư duy, cảm giác. Có 5 loại là :

 - Trì mệnh khí chi phối việc nuốt, hít thở và phản xạ toàn thân, liên quan trực tiếp đến tâm trí;
 - Thượng hành khí chi phối ngôn ngữ và trí nhớ; 
 - Biến chú khí chi phối động tác tứ chi và biểu hiện trên mặt;
 - Hạ tiết khí vận hành ở ruột, bàng quang, cơ quan sinh dục, chi phối việc bài tiết, sinh sản;
 - Bạn hỏa khí vận hành ở dạ dày, gan, chi phối việc tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa dinh dưỡng.


Tripa có công năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và chủ trì tiêu hóa. Nhiều sách phương tây dịch “tripa” là ‘dịch mật” (bile), như thế là không chính xác. “Tripa” là một nguyên tố, một khái niệm, tuy nó có liên quan với dịch mật nhưng hoàn toàn không phải là dịch mật. Theo nhiều nhà nghiên cứu Trung y thì “Tripa” trong y học Tây Tạng tương đương với khái niệm “Hỏa” trong Trung y, như thế chính xác hơn.


Đặc tính của Tripa là có nhiệt, do đại nguyên tố “Hỏa” sinh ra, chia làm 5 loại là:

- Năng tiêu Tripa nằm ở dạ dày, chi phối việc tiêu hóa và sản sinh nhiệt năng;
- Biến sắc Tripa nằm ở gan, chủ việc sản sinh sắc tố trong máu, phân, dịch mật;
- Năng tác Tripa hoạt động nằm ở tim, liên quan đến việc biến đổi trạng thái tình cảm;
- Năng thị Tripa nằm ở mắt, giúp cho mắt nhìn rõ và phân biệt mọi vật;
- Minh sắc Tripa phân bố trên da, chi phối khí sắc cũng như độ bóng của da.

 
Beygen là do 2 đại nguyên tố “Thủy” và “Địa” sinh ra, liên quan đến sự phân tiết thể dịch trong cơ thể. Phương tây dịch “Beygen” nghĩa là “đờm” (phlegm) cũng là không chính xác, Beygen bao gồm tân dịch (nước bọt) và công năng của nó, chia làm 5 loại:

- Năng y Beygen có tác dụng chi phối, điều tiết 4 Beygen còn lại;
- Năng hóa Beygen phối hợp với hỏa khí và Năng hóa Tripa giúp tiêu hóa thức ăn;
- Năng vị Beygen giúp cho lưỡi phân biệt được mùi vị;
- Năng túc Beygen chi phối các phản ứng về tình cảm;
- Năng hợp Beygen làm cho hệ thống xương khớp liền lạc với nhau và hoạt động linh hoạt.


Y học Tây Tạng cho rằng bệnh tật có tất cả 404 loại, mỗi loại lại có các chứng khác, nhưng nguyên nhân gây bệnh không nằm ngoài sự biến đổi khác thường của 3 đại nguyên tố Loong, Tripa và Beygen, dẫn đến mất cân bằng trong 7 loại chất cơ bản và 3 loại chất ô uế. Thông thường, bệnh khởi do nguyên tố Tripa thì gây ra chứng nhiệt (nóng), do Beygen gây ra thì thành chứng hàn (lạnh). 3 đại nguyên tố này có liên quan đến 3 loại tâm bệnh là tham lam, sân hận và ngu si.


 Lòng tham lam là nguyên nhân nội tại gây ra các chứng bệnh về Loong (khí), sân hận là nguyên nhân nội tại gây ra các bệnh thuộc Tripa, sự mê muội là nguyên nhân chính gây các bệnh về Beygen. 3 đại nguyên tố này cũng là nền tảng để xem tướng mạo, đoán bệnh tật.


Chẳng hạn người bẩm sinh có nguyên tố Loong (khí) thịnh thì thường là gầy, da đen, sợ lạnh, thích ăn đồ cay, đắng, dễ bị cảm cúm, khí suyễn… Người có Tripa thịnh thì thường có tầm vóc trung bình, thông minh, dễ nổi nóng. Nhiều mồ hôi, dễ mắc các chứng đau đầu, sốt…Người có Beygen thịnh thì phần lớn hơi mập, da trắng, lười biếng, dễ mắc bệnh thận và chứng hàn…Tuy nhiên, thể chất con người phần đông là kết hợp cả 2 đại nguyên tố với nhau, vì thế để chẩn đoán bệnh phải dựa vào lịch pháp, thời tiết, thói quen ăn uống cùng các thủ pháp riêng biệt để đoán bệnh một cách chính xác.


(s.t)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Nhan nai Lan