VIẾT CHO PARIS - Ngọc Bảo

15 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 49633)




 

paris_0-content




VIẾT CHO PARIS


 

 Mùa đông đến, không khí bắt đầu tưng bừng với những trang hoàng rực rỡ, những cửa tiệm tấp nập người mua sắm. Một mùa lễ sắp đến với những lời ca vang lừng cầu cho sự an bình trên thế gian. Thế nhưng trong một ngày thứ sáu 13, ngày thường được xem là sẽ đem lại những điều xui xẻo, đã xẩy ra một biến cố kinh hoàng đem lại sự chết chóc tang thương cho Paris, thủ đô ánh sáng, kinh thành hoa mộng của mọi người trên thế giới.

 

 Có lẽ ai cũng mong ước được đi thăm Paris một lần trong đời. Niềm mơ ước của tôi được thực hiện lần đầu tiên vào mùa xuân năm 2005. Trong ánh nắng lung linh, Paris đẹp chan hòa sức sống với những hàng cây xanh mướt của các vườn hoa bách thảo, những tòa nhà nguy nga cổ kính dọc hai bên bờ sông Seine thơ mộng. Paris như bức tranh toàn hảo với những sắc thái đặc biệt vượt giòng thời gian, không thay đổi dù trăm năm trước hay trăm năm sau cũng thế. Nhưng Paris không chỉ là một thành phố với những tòa nhà, công viên và đường phố. Paris không chỉ là Paris, mà là tinh hoa, là hồn thiêng của nước Pháp. Chính cái tinh thần, cái bản chất lịch lãm đầy nghệ thuật của người Pháp đã tạo nên một thành phố hoàn mỹ, với một không khí phóng khoáng vừa trí thức, vừa nghệ sĩ như vậy. Paris là cái nôi của văn minh văn hóa, nơi phát xuất những cuộc cách mạng cho tự do nhân quyền làm thay đổi cả thế giới, nơi tụ tập những danh nhân, nghệ sĩ, những triết gia, tư tưởng gia của nhân loại. Paris không chỉ là vô tri vô giác, mà còn được nhân cách hóa trong tình cảm của những người đã từng đến đó sinh sống, được thương và nhớ như một người được thương và nhớ vậy.


 

 Gần một thế kỷ trước đây, Phạm Quỳnh, một học giả nổi tiếng của Việt Nam, đã viết về Paris như sau:

 

 Cảnh Paris là một cái cảnh rất mến người. Ai đã đến đây không nỡ dứt tình mà đi cho được. Vả mình đến đây đã được quen thân một vài nơi, giao tiếp với nhiều người, càng ở thời lại càng thêm biết rộng ra, có ích lợi cho sự kiến văn nhiều lắm. Tưởng học nhà mấy năm, không bằng qua ở đây một tháng. Cái không khí Paris là cái không khí rất bổ cho tinh thần trí não. Ở đây tựa hồ như thấy trong óc thêm sáng suốt, trong lòng thêm rộng rãi ra. Thật thế, không phải nói ngoa. Tưởng giá mình được ở đây vài ba năm thì tính tình tư tưởng nở nang ra hơn bây giờ nhiều. Không phải một mình mình, bao nhiêu người ở qua Paris, đều có cái cảm giác như thế cả, mà cái cảm giác ấy không bao lâu biến thành ra một cái cảm tình rất đằm thắm.

 

 Có nhà làm sách đã nói: "Các nơi đô thành khác, có người sùng thượng, có người cảm phục. Duy thành Paris mới có người ham mê như ham mê kẻ tình nhân." (G.Le Nôtre). Xét những người ham mê thành Paris xưa nay biết bao nhiêu mà kể, mà phần nhiều là những bậc danh nhân đại trí trong thiên hạ cả. Không nói người các nước, nói ngay nước Đức là nước xưa nay ít có cảm tình với Pháp: văn sĩ Đức Henri Heine mê Paris đến nỗi ở đấy suốt năm không trở về nước mình nữa; ông thường nói rằng: "Nước Pháp là một cái vườn hoa lớn trồng đủ các thứ danh hoa dị thảo để kết thành một bó hoa tuyệt phẩm: bó hoa ấy tức là thành Paris vậy." Bác sĩ Humboltd cũng nói rằng: "Tôi đến Paris mới thật là thấy sinh hoạt được thảnh thơi". Lại bá tước Rostopchin là người công nhiên coi nước Pháp như cừu thù, khi chưa đến Paris thì gọi kinh đô nước Pháp là cái "nhà chứa người điên", thế mà sau khi đến ở được ít lâu rồi, thì phải chịu lỗi là xét lầm, nói rằng: "Tôi xét ra chốn kinh đô này thật là chúa tể cả toàn Âu: bao giờ người lịch sự trong thiên hạ còn nói tiếng Pháp, đàn bà còn thích "mốt" đẹp, người ta còn lấy ăn ngon là một cái thú ở đời, thời thành Paris còn ảnh hưởng đến các xứ khác mãi. Chắc là không có tỉnh thành nào trong thế giới gồm được nhiều người giỏi giang, thông minh, nho nhã phong lưu bằng ở đây."

 

 Nhưng mà cực tả được hết cái văn vẻ thanh tú, phát biểu được hết cái giá trị thâm trầm của Paris thì tưởng không ai bằng ông Goethe, là nhà đại văn hào, đại tư tưởng nước Đức về thế kỷ trước, ông nói rằng: "Muốn biết Paris là gì, phải tưởng tượng ra một cái đô thành kia, bao nhiêu những kẻ giỏi người tài trong một nước lớn học tập cả đấy, hằng ngày giao tiếp với nhau, đua tranh với nhau mà càng ngày lại thêm tài thêm giỏi hơn lên; bao nhiêu những của báu vật lạ của Tạo hoá, những kỳ công kiệt tác của mỹ thuật, sưu la thu thập ở khắp các xứ trên mặt đất, đều tụ họp cả đấy để làm tư liệu cho nhà khảo cứu; mỗi một bước đường, mỗi một nhịp cầu là có kỷ niệm một việc to về đời trước; mỗi một toà nhà, mỗi một góc phố là có di tích một đoạn lịch sử đã xẩy qua; lại tưởng tượng ở đấy, trong một khoảng trăm năm xuất hiện những người như bọn ông Molière, ông Voltaire, ông Diderot, v.v., mỗi người một tay phát minh ra biết bao nhiêu là những tư tưởng lạ, lý thuyết mới, suốt hoàn cầu không có đâu gồm được đủ như thế... Ấy Paris là thế đó."

 

(trích Phạm Quỳnh đi Tây)


 

 Kỷ niệm lần đầu tiên đến Paris của tôi cũng mang một ấn tượng suốt đời, không chỉ về thành phố Paris, mà còn về những diễn biến vô thường xẩy ra lúc ấy, trong sự pha trộn giữa vui và buồn, sum họp và chia ly, giữa sinh và tử. Đời người như một giấc mộng, sống và chết chỉ cách nhau trong một tích tắc, một khoảnh khắc phù du. Niềm vui hội ngộ chưa trọn vẹn bỗng trở thành nỗi đau buồn thương tiếc cho sự ra đi đột ngột của người thân.


 

 Paris là thành phố của tình yêu, của văn hóa nghệ thuật. Không khí ở đấy là không khí tự do, thoải mái, vui hưởng cuộc đời trong sự yên bình. Paris không thích hợp với sự hận thù, chết chóc, với những thảm cảnh kinh hoàng của khủng bố. Thế nhưng, chỉ trong một ngày thứ sáu mười ba, toàn cảnh của Paris đã thay đổi. Hàng trăm người đã mất mạng và mấy trăm người khác đã bị thương tật do sự điên cuồng vô minh của một nhóm người. Ánh sáng đã vụt tắt trên tháp Eiffel, và toàn thể Paris ngập chìm trong đau buồn, bất an, hụt hẫng trước những điều tưởng không thể xẩy ra nhưng đã xẩy ra. Trong phút chốc, một thành phố hiền hòa thoải mái bỗng trở thành căng thẳng, đầy đe dọa của bạo lực. Có người nói: “Paris không còn là Paris nữa”.

 

 Vì đâu nên nỗi? Trớ trêu thay, chính vì Paris là biểu tượng của sự tự do, của sự phóng khoáng thụ hưởng cuộc đời, mà đã trở thành cái đích của những kẻ cuồng tín cực đoan. Một yếu tố khác nữa là dân số nhập cư đông đảo từ các nước Hồi giáo Trung Đông và Phi Châu tại Pháp. Họ ra đi đem theo nếp sống văn hóa và niềm tin tôn giáo riêng biệt, ít hòa nhập với nước sở tại. Một số thanh thiếu niên lớn lên không có chỗ đứng trong xã hội cảm thấy bất mãn, muốn đi tìm một ảo ảnh vinh quang nào đó. Thánh chiến là cái cớ để nguỵ biện cho sự thất bại của chính họ trong một thế giới đầy thử thách của nền văn minh hiện đại.


 

 Trong một lần viếng thăm Paris gần đây, tôi dừng lại nơi một góc phố trên đường đi bộ đến Tháp Eiffel. Ở đó có một toilet công cộng rất tối tân, có hình ống tròn như phi thuyền vũ trụ, và nhiều nút để đóng mở. Toilet này đặc biệt có chức năng tự tẩy rửa, vì vậy mất rất nhiều thì giờ, mỗi khi có người dùng xong đi ra thì cửa tự động đóng lại và tự tẩy rửa từ trên xuống dưới trong vòng mấy phút, (như hệ thống car wash của Mỹ) rồi mới mở cửa cho người mới vào. Trong một thành phố nhiều khách du lịch như Paris, hệ thống toilet công cộng này quả thật là văn minh và cần thiết. Thấy tôi trầm trồ thán phục, giống như “nhà quê lên tỉnh”, một phụ nữ có trạm bán (kiosque) những đồ kỷ niệm (souvenir) gần đó ra vẻ trịch thượng, hỏi tôi người xứ nào. Tôi trả lời không suy nghĩ: “USA”. Bà ta có vẻ nóng nẩy, hỏi lại:


- Tôi không hỏi quốc tịch của bạn, mà hỏi bạn gốc từ đâu.

- Tôi gốc từ Việt Nam.

- Gốc từ Việt Nam thì bao giờ cũng là người Việt Nam, dù mang quốc tịch nào cũng vậy. Cũng như tôi đây gốc từ Syrie, dù ở Pháp nhưng bao giờ cũng là người Syrie; cái vỏ có thay đổi thế nào nhưng cái hồn không bao giờ thay đổi được.

 

 Tôi đồng ý với bà ta phần nào, nhưng cũng có điều không đồng ý. Dù sao, tôi cũng không muốn đứng đó để tranh luận thêm với bà. 


 

 Có thể có một số người cũng có quan niệm như bà ta, nhưng đối với tôi, quê hương không chỉ là nơi chốn sinh ra và lớn lên, mà còn là nơi chốn để trở về. Khi chốn “chôn nhau cắt rún” của mình không còn là nơi để trở về được, khi chính đất nước ta sinh ra và lớn lên đã trở thành xa lạ, thù địch, thì đất nước đã cưu mang, dung dưỡng chúng ta trở thành quê hương trên thực tế. Chúng ta gia nhập vào xứ người mang theo quê hương trong tâm tưởng, đó là cái “Tình” biểu hiện qua nếp sống, cách ăn uống, suy nghĩ, qua sự giao tiếp với những người đồng hương. Nhưng trong thực tại chúng ta không chỉ sống trong quá khứ, mà phải hòa nhập vào thế giới xã hội chúng ta đang sống, phải chung tay đóng góp vào đất nước ấy trong lòng hoan hỷ và biết ơn, đó là cái “Nghĩa” chúng ta thể hiện đối với quê hương thứ hai này. Trải qua bao năm, lá cờ Mỹ đối với tôi cũng thân thương như lá cờ Việt Nam Cộng Hòa ngày nào, và những gì đất nước Mỹ được hay mất cũng đều gắn liền với số mệnh của tôi. Và có lẽ, quê hương là nơi chúng ta thực sự có thể sống hạnh phúc, không phải chỉ là một địa điểm, địa danh nào đó trên trái đất. 


 

 Người ta thường nói tôn giáo nào cũng như nhau, cũng đều dạy những điều tốt đẹp. Trên nguyên tắc thì như vậy, nhưng sự thực không phải đơn giản. Có những tôn giáo không chấp nhận niềm tin khác với mình, chỉ chấp nhận một Đấng Tối Cao duy nhất, và dễ đưa đến sự cuồng tín cực đoan. Chỉ có đạo Phật là chấp nhận mọi sự khác biệt, xem tất cả đều bình đẳng, vì đặt căn bản trên triết lý “Không, Vô Ngã, Vô Thường”. Sự khác biệt chỉ là vô minh hay giác ngộ. Vô minh là sống trong ảo tưởng, và giác ngộ là nhận chân và sống với sự thực. 


 Dù thế nào, trong thế giới toàn cầu hiện tại, các tôn giáo đều phải hòa hợp và sống chung với nhau. Nếu tôn giáo nào bị một số người lạm dụng, lấy danh nghĩa tôn giáo ấy để làm những điều tàn ác, xâm hại đến người khác, thì chính tín đồ trong tôn giáo ấy phải tự thanh lọc, tiêu trừ những ác đảng ấy, không thể chỉ dùng lời nói xuông để chống chế được.

 

 Kẻ thù khó đối phó nhất là kẻ nội thù. Một tôn giáo có lịch sử lâu đời và có nhiều tín đồ nhất trên thế giới không thể chỉ vì một số nhỏ lầm lạc mà mang tiếng xấu, khiến những tín đồ của tôn giáo ấy đi đâu cũng sẵn sàng bị nghi kỵ và chối bỏ. Những người nhập cư Hồi giáo ở Pháp và Âu Châu trước hết phải tỏ thiện chí và lòng biết ơn đối với đất nước đã cưu mang, đã đem lại đời sống ấm no hạnh phúc cho họ, bằng cách hòa nhập vào xã hội của nước sở tại, hợp tác với chính phủ vạch mặt chỉ tên những kẻ phản bội, những thành phần bất hảo điên cuồng.

 

 Có những người Việt tự nhận mình là “Parisien”. Họ tự xem mình là người Pháp, và có lẽ họ cũng yêu nước Pháp, yêu Paris như chính người Pháp vậy. Họ đã thấm nhuần văn hóa Pháp cũng như văn hóa Việt Nam. Nếu đã chọn một nơi nào khác làm quê hương, cần phải có tinh thần và thái độ như vậy. Mong rằng một ngày nào đó, Paris sẽ trở lại là Paris, một nơi chốn an bình và thoải mái, một kinh đô ánh sáng không chỉ trong ánh đèn lấp lánh, mà còn trong ánh sáng tri thức của nhân loại.

 

 

Ngọc Bảo


Rừng Tùng, Cali


15- 11-2015



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc