ĐI THĂM ĐẤT THỤC HÁN CỦA LƯU BỊ - Phạm Vi Dân

07 Tháng Sáu 201612:00 SA(Xem: 30333)



Đi thăm đất Thục Hán của Lưu Bị


  Phạm Vi Dân


cuu_trai_cau


 

Phần I:



 Trong chuyến đi này( tháng 4/2016) ấn tượng đầu tiên là nhiều hầm! Nhiều đến nỗi làm tôi sực nhớ đến Đài Loan nhiều cau, nhiều đến nỗi mà bác hội trưởng nhà ta phải thốt lên:


  Chưa đi chưa biết Đài Loan,

 Đi rồi mới thấy trồng toàn là cau!!


Tôi vội nổi hứng mà sáng tác nhái hai câu thơ:


 Chưa đi chưa biết Thành Đô,

 Đi rồi mới biết ra vô toàn hầm!!


Mà phải rồi! Tứ Xuyên với diện tích 485.000 Km2 mà rừng núi chiếm hết 77% mà. Tứ Xuyên và một số các vùng phụ cận một thời là quê hương Tây Thục của Lưu Bị cùng với Bắc Ngụy- Tào Tháo và Đông Ngô- Tôn Quyền thời Tam Quốc ( 220-280). Cũng nên nhớ rằng cuộc chiến giữa 3 nước này kéo dài chỉ 60 năm so với lịch sử lâu dài của Tàu đã giết chết nhiều mạng người hơn bất cứ cuộc chiến nào nếu so với dân số : người ta cho biết rằng lúc trước chiến tranh, dân số ba nước khoảng 56 triệu, sau chiến tranh chỉ còn 26 triệu !!


Nhóm chúng tôi gồm 12 người, đa số là đồng hương Ninh Hòa, rồi Nhất C Võ Tánh Nha trang niên khóa 63-64 và thân hữu, sau cùng là bạn tù trại A 30. May mắn là đoàn chúng tôi đi riêng một xe bus chỉ cho 12 người và tourguide là một cô gái Nga Mi Trấn tuyệt vời với tiếng Anh khá lưu loát và xinh đẹp, dễ thương đến nỗi mà một cặp trong đoàn chúng tôi gợi ý thẳng với cô là muốn cưới cô cho thằng con út pharmacist sắp ra trường của ông bà nếu cô đồng ý (?), cô nhã nhặn từ chối vì phải lo cho mẹ và bà ngoại…


Sau 14 giờ rưỡi bay từ LAX đến Quảng Châu-Quảng Đông rồi thêm hơn hai giờ nữa với nhiều gian nan tại phi trường, cuối cùng chúng tôi cũng đến Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên vào giữa trưa và check in vào khách sạn. Sau một đêm với giấc ngủ chập chờn vì trái giờ giấc, chúng tôi thức dậy thật tươi tỉnh vì một ước muốn thám hiểm phiêu lưu: Mọi người đều hứng khởi và sẳn sàng lên đường.

 

hinh_1

hinh_2

Tươi mát, đầy hưng phấn trong sảnh đường khách sạn và sẵn sàng lên đường….




- Thác Zhaga, hồ lưỡng long, hang động trong vùng Mounigou:


hinh_3-content

Từ Thành Đô đến thắng cảnh đầu tiên là Mounigou dài 480 cây số (có chỗ nói 350) mà chúng tôi phải vượt qua quá nhiều hầm! Một người bạn đồng hành cho biết là cô ta phải chống cơn buồn ngủ để đếm hết các hầm : cô cho biết có tất cả là 25 cái hầm, cái dài nhất là 7 cây số rưỡi và cái ngắn nhất chỉ 375 mét!


Thác Zhaga ở cao độ 3270 mét so với mặt biển, thác đổ xuống từ độ cao 104 mét ,chiều rộng là 40 mét. Trong vùng Mounigou này có hồ Double Dragon lake và một hang động rộng 50 mét vuông và trần cao 5 mét, trong đó có nhiều thạch nhủ rất đẹp mang hình rồng bay, gấu trúc,phượng hoàng….. mà thú thật chúng tôi không được đi hết mọi nơi vì không có thì giờ và cũng thú thật rằng hôm đó chỉ có chàng lực sỉ cầu lông của Ninh Hòa chúng ta là bạn Huyên mới lên được thác Zhaga waterfall. Hôm nay chúng tôi đã không đi được nhiều vì đường xa, nhiều đèo, lại khúc khủyu quanh co nên đến nơi đã gần chiều mà trời lại bắt đầu mưa lai rai nên đến giờ lại về check in vô khách sạn mới: Holiday inn. Khách sạn này theo kiến trúc đặc thù Tây Tạng nên rất lạ nhưng rất đẹp mắt.


 

Cữu Trại Câu: tiên cảnh nơi trần thế?


Cữu Trại Câu theo tiếng Tạng là 9 cái làng trong thung lủng lớn (gully) của người thiểu số Tạng và Khương (Qiang), trong chín cái làng này bây giờ chỉ có 7 cái làng còn người sinh sống, tổng cộng chừng 1,000 người trong 112 gia đình. Đây là một thẳng cảnh gồm 3 thung lủng, mỗi thung lủng có rất nhiều hồ và thác nước ( người ta nói có 104 hồ và 17 thác nước) làm thành hình chữ Y, ở độ cao từ hơn 2,000 đến 4,700 mét nhưng thông thường du khách vì an toàn nên chỉ cho đi đến độ cao hơn 3,000 mét mà thôi..

 

 Hôm nay trời mưa, rất lạnh và có tuyết rơi lất phất ( may quá! nhiều người lần đầu tiên thấy tuyết !), buổi tối trước khi đi, tôi check nhiệt độ khoảng 20 độ C=68 độ F, nhưng khi đến nơi nhiệt độ rớt xuống còn 9 độ C=48 F. Trên đường đi, chúng tôi phải dừng lại mua vé vào cổng: chúng tôi thực sự kinh hoàng với luồng du khách ở nơi bán vé vào cửa: xe bus nối đuôi nhau và dài như vô tận, còn người thì như một bạn đồng hành phỏng đoán khoảng…30 ngàn??? Thật là kinh khủng! Họ chen lấn nhau khiếp quá làm chúng tôi bị lạc mất hai người trong biển người khủng khiếp đó nhưng may mắn sau gần hai giờ tìm kiếm với rất nhiều cách khác nhau cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra .

hinh_5hinh_4-content


Phải thú nhận rằng đây là một kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Một tổng thể bao gồm nhiều hồ nước nhiều màu với nhiều thác nước nhiều tầng, rừng xanh nguyên sinh trùng trùng điệp điệp với nhiều đỉnh núi phủ đầy tuyết…Nơi đây còn nhiều động vật hoang giả quí hiếm và hoa lá muôn màu độc đáo…Mỗi mùa đều có nét đẹp riêng biệt không nơi nào sánh bằng…Nhân gian lưu truyền câu chuyện rằng: từ xa xưa lắm nơi đây có vị thần núi tên là Dago đem lòng yêu một tiên nữ tên là Semo.Vị thần si tình ngày đêm kết tụ mây trời và gió núi làm nên một chiếc gương đem tặng người yêu. Nàng vô cùng yêu thích, ngày đêm thường ra ngồi bên bờ suối nhìn dung nhan kiều diễm của mình trong gương…và một ngày nọ, một con quỷ gớm ghiết đi ngang qua sau lưng nàng, hình ảnh của nó hiện ra trong gương, hãi hùng quá, nàng đánh rơi chiếc gương, chiếc gương vỡ thành 104 mảnh và rơi xuống trần làm thành 104 cái hồ muôn sắc bây giờ….Dân làng vốn tôn kính nàng nên gọi những cái hồ này( như là con của nàng –nàng là biển sinh ra hồ) là Haizi = Hải Tử = những đứa con của biển.Thực sự thì tất cả dân chúng ở đây suốt đời chưa bao giờ thấy biển nên tưởng rằng biển cũng đẹp, muôn sắc và bé tý như hồ???

 

 …Đặc điểm của những cái hồ này là trong mỗi hồ có rất nhiều màu sắc là vì trong nước có rất nhiều vôi nên nước rất trong, ngay cả những cái hồ rất sâu nhưng có thể thấy rất rõ ràng mọi vật dưới đáy. Sở dĩ thấy nhiều màu là vì tính chất của những vật trầm tích dưới đáy, độ đậm nhạt của vôi trong nước phản chiếu ánh mặt trời, độ sâu, cường độ của ánh sáng, phong cảnh chung quanh… Người ta nói rằng nước trong hồ không bao giờ đóng băng mặc dầu trời lạnh đến bao nhiêu??


 Đêm cuối cùng ở Cửu Trại Câu, sau bữa ăn tối, chúng tôi được đi xem một buổi trình diễn dân ca Tây Tạng và sau đó viếng gia đình của một người Tây Tạng phía bên kia đường.


tay_tang_1

Khách quý được choàng khăn mầu vàng 


tay_tang_2

Hai vợ chồng chủ nhà giúp vui sau khi cầu nguyện.



- Viện bảo tàng khoáng sản, cổ trấn Tùng Phan….và khách sạn giữa rừng: Maoxian int. hotel.



Chúng tôi ở lại trong vùng Cửu Trại Câu 2 đêm, sau đó trên đường về lại Thành Đô,chúng tôi thăm bảo tàng viện Văn hóa Tây Tạng và đá quí , ghé thăm Songpan ( cổ trấn Tùng Phan ) trước khi ngủ đêm tại khách sạn Maoxian International hotel giữa rừng.


hinh_6-contentTrên đường đi chúng tôi gặp rất nhiều làng, chùa, quán sá treo đầy những lá cờ (prayer banners) nhiều màu, hỏi ra mới biết đây là những cây phướn cầu nguyện. Cô tourguide giải thích là có 5 màu, thường thì họ nguyện cầu sức khỏe, bình an..cho gia đình và muôn loài…sau đó cắm( hoặc giăng) ở những nơi họ cho là linh thiêng. Gió thổi, những lá cờ phất phới bay,mang những lời cầu nguyện của họ rải khắp muôn loài.. Năm màu tượng trưng cho 5 thành phần vật chất , 5 năng lượng vận hành trong vũ trụ và năm mức độ đạt được theo con đường tu tập của những vị xuất gia:


-Màu vàng tượng trưng cho đất,

-Màu xanh lá cây tượng trưng cho nước

-Màu đỏ tượng trưng cho lửa,

-Màu trắng tượng trưng cho gió

-Màu xanh thiên thanh tượng trưng cho không gian.



 Sự trưng bày những cây phướn này phải luôn luôn theo đúng thứ tự: nếu là đứng trên phải là vàng, xanh rồi đến đỏ, trắng, xanh dương; nếu là ngang thì trái phải tùy ý nhưng phải theo đúng thứ tự các màu.


 Thị Trấn cổ Tùng Phan (Songpan) được xây vào đời Đường (Tang dynasty), trước thành Tùng Phan có bức tượng của Hoàng Đế Tây Tạng (lúc đó gọi là Thổ Phồn) tên là Tùng Tán Cán Bố (Songtsan Gampo 604-650) và công chúa Văn Thành (Wencheng). 


Lịch sử Tây Tạng thống nhất bắt đầu từ lúc Tùng Tán Cán Bố lên ngôi, ông là một vị vua đầy tài năng cả về quân sự lẫn ngoại giao. Sau khi sát nhập các nước chư hầu dưới trướng của mình, ông bắt đầu đưa quân đi xâm chiếm các nước tạo thành một đế quốc Tây Tạng rộng lớn và hùng mạnh. Dưới thời của ông,đế quốc Tây Tạng trải dài từ Bengal (đông bắc Ấn Độ) cho đến Mông Cổ. Năm 635, ông gởi một phái đoàn đến Đại Đường, yêu cầu Đường Thái Tông gã công chúa Văn Thành cho ông ( lúc đó ông đã có hoàng hậu là công chúa Bhrikuti của Nepal), bị từ chối ông đưa quân đi xâm chiếm chư hầu Azha chung quanh hồ Koko Nur ( bây giờ là tỉnh Thanh Hải, China) cắt dứt con đường giao thông và buôn bán của Đại Đường. Sau chiến thắng vang dội này Đường Thái Tông đồng ý gả con và sai một phái đoàn hộ tống công chúa Văn Thành sang Tây Tạng vào năm 640. Phái đoàn phải đi mất một năm mới đến Tây Tạng. Lịch sử Tây Tạng nói rằng chính bà và công chúa Bhrikuti của Nepal đã đưa Phật Giáo vào Tây Tạng . Sau đó Phật giáo phát triển mạnh và chia thành nhiều tông phái, mãi đến khi nhà sư Lobsang Gyatso (1617-1682) thuộc phái Geluk là vị Lạt Ma thứ 5, thống nhất các tông phái và biến phật giáo thành quốc giáo cho đến hôm nay.


Kể từ sau cuộc hôn nhân này,Đế Quốc Tây Tạng và Đại Đường cùng hùng manh cùng sống hòa bình bên nhau trong nhiều thế kỷ tiếp theo…

 

hinh_7-content

Tượng Vua Tùng Tán Cán Bố và công chúa Văn Thành

tay_tang_3

Các thần dân của đế quốc Tây Tạng bây giờ ! Ôi đau thương!



 Để kết thúc Phần Một trong bài tường trình này , xin chia xẻ đoạn thuyết minh trong video dưới đây của cô Lê Ngọc Bảo mà tôi rất tâm đắc:


  “Với non xanh nước biếc, với độ cao ngang với trời mây, Cửu Trại Câu ví như tiên cảnh dưới trần, sự bao la kỳ vĩ của thiên nhiên không khỏi ảnh hưởng đến tâm thức của những con người sống quanh đó; đời sống của người Tây Tạng tuy thiếu thốn nghèo nàn nhưng phong phú về tâm linh. Phật giáo khi truyền vào Tây Tạng mang thêm màu sắc huyền bí của Mật Tông, đạt tới tầm cao nhất của tâm thức với Kim Cang Thừa. Gia tài tâm linh đó trở thành báu vật giúp người dânTây Tạng không những vượt qua những thống khổ của một dân tộc dưới ách ngoại xâm, mà còn lan truyền khắp nơi trên thế giới, như những là cờ phất phới trên cao đã theo gió chuyển tải thông điệp của lòng từ bi trí tuệ và sự an lành đến tất cả mọi người..”

( phỏng theo lời thuyết minh của cô Lê Ngọc Bảo, một người bạn đồng hành trong nhóm trong video kèm theo bên dưới)


https://www.youtube.com/watch?v=LHfc-QQSkEk

(Xin xem video trong trang Nghệ Thuật)


 


Phần II:



- Lạc Sơn Đại Phật trên núi Lăng Vân và Nga Mi Sơn


lac_son_phat

Đây là một bức tượng Phật khắc vào đá lớn nhất thế giới: bức tượng cao 71 mét này bắt đầu xây vào năm 713 dưới thời Đường Huyền Tông (685-762) và trải qua nhiều thế hệ mới hoàn thành. Mắt pho tượng nhìn về thánh địa Phật Giáo Nga Mi Sơn ( một trong tứ đại danh sơn của Phật Giáo Tàu) và dưới chân là dòng Mân giang đổ về Trường Giang trước khi xuôi về biển cả.


 Người ta kể rằng khi hòa thượng Hải Thông, trụ trì chùa Lăng Vân( Thê Loan? - chùa đặt tên theo núi này)trên đường khất thực, khi qua bến Mân Giang nghe dân làng kể lại rằng đoạn sông này rất nguy hiểm ( kỳ thực đây là hợp lưu của 3 con sông: sông Mân, sông Đại Độ và sông Thanh Y ), vì dưới sông có yêu quái hay gây sóng to gió lớn giết hại nhiều dân lành vô tội…Ông động lòng, bèn dốc sức cầu nguyện và cổ động dân làng cùng ông quyên góp để khắc pho tượng Phật bên vách núi nhìn ra sông để trấn yểm con quái vật hầu mong dòng sông được hiền hòa. Hòa Thượng đã dành 20 năm quyên góp tạm đủ tiền mới bắt đầu .Công việc ban đầu tiến hành khá tốt đẹp, nhưng đến một lúc các quan chức địa phương nghe ông có khá nhiều tiền nên chúng bắt đầu tìm cách đòi ông hối lộ.., Ông nhìn vào mắt họ và dõng dạt tuyên bố rằng:


  “Quí ông có thể lấy đi đôi mắt của tôi chứ không thể lấy tiền công đức cho Phật và tiền làm lợi cho bá tánh”.


 Nói xong, ôhai_thong-contentng đưa hai tay lên móc đôi con mắt mình đưa cho chúng để tỏ rõ quyết tâm của mình và các quan chức hãi hùng biến mất và từ đó không dám bén mảng tới! Công việc tiến hành đến khi hòa thượng già lớn và qua đời, các đệ tử của ngài tiếp tục cho đến năm 802 vào đời Đường Đức Tông (779-805) mới hoàn thành. Tính ra phải mất gần 90 năm!.. Kể từ đó giòng sông hiền hòa trở lại và dân làng sinh sống bình an. Nhớ ơn to lớn của ông, dân làng cùng góp công xây bức tượng của ông ở vách núi phía sau pho tượng Phật.

Về sau, người ta lý giải rằng nhờ lòng thành của ông và dân chúng nên Phật đã ra tay khuất phục con thủy quái , và cũng có người lý giải rằng vì số lượng đá tách ra từ núi trong khi làm bức tượng quá lớn đổ xuống sông đã làm thay đổi dòng chảy của nó ??


 Người ta nói rằng từ lúc bức tượng hoàn thành đến nay đã có 4 lần pho tượng rơi nước mắt?


Lần đầu tiên là lúc kế hoạch bước đại nhảy vọt vĩ đại 1959-1962 làm 43 triệu người chết đói.

Lân thứ hai là cách mạng văn hóa 1966-1976 làm 2 triệu người chết

Lấn thứ 3 động đất ở Đường sơn năm 1976 làm chết 655 ngàn người

Lần thứ tư là mới đây động đất ỏ Tứ Xuyên chết 69 ngàn người????


Tại địa điểm này chúng tôi chỉ đi thuyền phớt qua để chụp hình mà không có thì giờ để leo lên núi tới pho tượng để đảnh lễ, sau đó buối chiều chúng tôi ghé thăm Nga Mi Sơn rồi về khách sạn.




 
- Nga Mi Sơn


nga_mi_son

 


Nga Mi Sơn,( còn gọi là Đại Quang Minh Sơn) Chu Chỉ Nhược, Diệt Tuyệt Sư Thái cùng với Võ Đang, Nhạn Môn Quan….là những tên quen thuộc của các tín đồ tiểu thuyết Kim Dung. Nga Mi Sơn không những nổi tiếng là một trong tứ đại danh sơn Phật Giáo linh thiêng mà còn là nơi có phong cảnh đẹp như mơ, thảo nào người ta gọi nơi đây là Nga Mi thiên hạ tú. Nga Mi Sơn có nghĩa là những rặng núi thanh tú bên biển mây lững lờ đẹp như lông mày của mỹ nữ (chắc là lông mày của Chu Chỉ Nhược?) .


Nga Mi là đạo tràng của Phổ Hiền Bồ Tát mà điểm cao nhất là Kim Đỉnh hay Vạn Phật Đỉnh cao hơn 3,000 mét, trên đó những người tò mò họ phải đến nhiều lần, thức nhiều đêm để xem cho được 4 kỳ quan thế giới là:


 nhat_xuat

 1- Nhật xuất-mặt trời mọc,

 

 

 bien_may

2- Vân hải= biển mây,

 

 

 phat_quang

3- Phật Quang=hào quang Phật,


 Bức tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi 4 con voi quay về 4 hướng, tượng cao 7,35 mét nặng 62 tấn, bằng đồng mạ 20 ký vàng bên ngoài. (mỗi năm có 70 ngày hào quang xuất hiện như hình trên)

 

 4- Thánh đăng=đèn thánh 


Những đêm không trăng,đứng ở vị trí nào đó sẽ thấy thánh đăng?

Người ta cho là lửa lân tinh, hay sinh vật phát sáng?



Ở Nga Mi Sơn này chúng tôi đi thăm chùa Phục Hổ và chùa Bảo Quốc sau đó một số người cố leo lên trên đỉnh nhưng vì thời gian eo hẹp nên đành bỏ cuộc. thú thực chưa có ai trong nhóm chúng tôi lên tận Kim Đỉnh để ngắm 4 kỳ quan. Tiếc thay!!


 

 - Hoàng Long Bôi ( Hoanglongxi.) và Bành Sơn Lão Tổ.


hoang_long_boi_1



 Cổ trấn Hoàng Long Bôi đã có người sinh sống từ thời xa xưa, họ quây quần lên xuống trao đổi hàng hóa trên bến sông, và bắt đầu xây dựng thành phố vào năm 216, phát triển mạnh vào thời Tam Quốc, củng cố và hoàn chỉnh dưới thời Minh (1368-1644) và thời Thanh (1644-1912) ; cổ trấn và 7 con phố lịch sử vẫn này giữ gần như nguyên vẹn cho đến nay.


 hoang_long_boi 

Vào thời Thục Hán đây là một trung tâm thương mại khá sầm uất vì ở cạnh bờ sông. Thành phố này nằm trên bờ sông Hoàng Long, một chi lưu của sông Mân trước khi đổ về Trường Giang. Nơi này chẳng những thu hút hàng triệu du khách mỗi năm vì vẽ đẹp cổ kính của nó, mà còn là một thỏi nam châm đối với các nhà khảo cổ và các nhà làm phim. Cổ Trấn Hoàng Long Bôi đã là hậu cảnh của hơn 200 phim mà nổi tiểng nhất là các phim : Rabbi Haideng, Zhuo Wenjun&Sima Xiangru,The songstresses…

 

 Trong dân gian lưu truyền câu chuyện rằng: 


Vì phong cảnh tươi đẹp an bình như cõi tiên và rượu ngon tuyệt hảo nơi đây nên dân làng ở đây sống thọ nhất trong nước Tàu: có người thọ đến 800 tuổi: đó là cụ Bành Tổ:


Chuyện xưa kể rằng:

Ngày xưa ở thôn Hoàng Long có một gia đình nông dân sinh được một cậu bé thật kháu khỉnh đặt tên là Bành Nhi. Một ngày nọ, có một ông thầy bói đi qua, lỡ đường vào nhà xin nước uống, thấy thằng bé vội thốt ra: tội nghiệp! thằng bé đỉnh ngộ như vậy mà 10 tuổi đã chết. Cha mẹ hoảng kinh vạn lạy thầy cứu giúp. Thầy ngận lời và dặn ông bà phải bảo thằng bé làm đúng như vầy…như vầy…


banh_to-contentSáng hôm sau, Bành Nhi mang mâm đào theo lời thầy dặn lên núi. Núi biếc, mây bay, hạc vàng đùa giỡn trên mấy cội tùng .. trên tảng đá gần đó có hai vị tiên râu tóc bạc phơ đang chăm chú chơi cờ. Bành Nhi rón rén đến gần, hai vị tiên mãi mê đánh cờ nên chẵng hề hay biết, cậu bé nhẹ nhàng đặt mâm đào xuống và khoanh tay đứng chờ… Mãi mê đánh cờ, thấy mâm đào bên cạnh nên vừa chơi vừa thưởng thức đào tươi… Khi đánh xong bàn cờ, hai ông tiên đứng dậy chợt phát hiện đứa nhỏ dâng đào, hai ông lấy làm thích thú lắm bèn hỏi cớ sự, Bành Nhi bèn kính cẩn tâu hết mọi việc… Té ra hai vị tiên là Nam Tào và Bắc Đẩu giữ sổ tử sinh trên thiên đàng. Giở sổ ra hai ông mới thấy là Bành Nhi đến số 10 là hết. Hai ông bèn thêm một dấu phết trên chữ thập ( là 10) nên thành chữ thiên ( là ngàn).


 Bành Nhi sẽ sống đến ngàn tuổi….


Thế nhưng…..


Bành Nhi( bây giờ gọi là Bành Tổ) sống rất thọ nên có nhiều nàng hầu, mà nàng hầu nhỏ nhất chỉ mới 18 cái xuân xanh, dân làng thấy vậy nên ngạc nhiên hỏi vì sao cô ta lấy người già như vậy ,thì cô ta bảo rằng lấy ông ta để học bí quyết sống thọ của ông…Những lúc gần bên ông, cô ta gặng hỏi nhưng chẳng bao giờ ông hé môi. Một ngày nọ, trong lúc ông ngủ say nẳm mơ, trong cơn mơ ông ta kể hết mọi chuyện, người vợ nằm bên nghe hết và ghi nhớ trong lòng….


 Mấy ngày sau, hai phán quan theo lệnh Diêm Vương lên trần thế để đón những người tới số, khi đi ngang qua con suối nơi cô vợ cụ Bành Tổ đang giặt áo, hai phán quan vội hỏi: nghe nói trong thôn Hoàng Long này có người sống đến 800 tuổi phải không: cô nói dạ phải, đó là Bành quân , phu quân của tôi; hai phán quan vội hỏi sao ông sống thọ như vậy, cô liền kể hết mọi chuyện cho hai ông nghe….


 Về lại Diêm phủ hai ông lật sổ tử sinh ra xem thì thấy là Bành Nhi 1000. Hai ông vôi lấy viết gạch bỏ tên Bành Nhi ra khỏi sổ. Thế là trên dương gian tai thôn Hoàng Long, Bành Tổ lăn đùng ra chết, thọ 800 tuổi. Sau câu chuyện cô tourguide hỏi chúng tôi:


 -Qua câu chuyện này quí vị rút ra bài học gì? Ai trả lời được tôi sẽ thưởng một chai rượu nho hảo hạng.


 Một người trong nhóm chúng tôi trả lời:

 -Đừng bao giờ nói chuyện bí mật với đàn bà.

 -Đúng! 

Cô tour guide tuyên bố. Tiếng vỗ tay vang dội.


Bữa cơm chiều hôm đó, chúng tôi có chai rượu nho ngon lành để nhâm nhi.

 


 -Viếng Panda và xem phim về panda.


 Ngày hôm nay chúng tôi đi thăm trại nuôi Panda và thăm đường phố cổ (Jinly ancient street)

panda_1-content

Gấu trúc con 6 tháng tuổi

panda_2

Gấu trúc vàng


 Đường phố cổ cũng như Hoàng Long Bôi cổ kính nhắc lại sinh hoạt và kiến trúc thời Tam Quốc. Đường phố cổ bán thức ăn đủ loại và các vật lưu niệm phản ảnh thời Tam Quốc, họ còn diễn lại sự tích và chiến công của Khổng Minh và ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi.. và những show thay mặt nạ chớp mắt thật kinh hoàng.


 

thanh_do

 Nói chung trong chuyến đi này mặc dầu mấy ngày đầu trời lạnh, mưa, tuyết..và một vài trục trặc nho nhỏ, nhưng phải nói là một chuyến đi vui vẻ, sinh động, đáng nhớ. Tất cả mọi người thân thiện hòa nhập vào nhau, lo lắng cho nhau như những thành viên trong một gia đình.


Đặc biệt bạn Huỳnh Thọ Huyên của Ninh Hòa chúng ta xuất sắc trong nhiều vai diễn: Thông dịch lưu loát nhuần nhuyễn, phụ tá tourguide xuất sắc, phó nhòm chuyên nghiệp ( cảm ơn những hình ảnh của Huyên), giúp vui trên đường dài và thú thật chúng tôi rất thích thú trong diễn xuất chào hàng: miêu tả món hàng với kỷ năng lôi cuốn, với những lời nói bay bướm và diễn xuất tuyệt vời…khiến du khách không thể không mở hầu bao..


Thành thật cảm ơn tất cả anh chị em chúng ta đã đóng góp chia xẻ lời nói ,vật chất, khuyến khích, động viên nhau..và đặc biệt cảm ơn cô Lê Ngọc Bảo đã cho phép xử dụng hai clips video với nhiều tài liệu hữu ích, giọng thuyết minh vô cùng truyển cảm. Hy vọng một ngày nào đó hữu duyên chúng ta lại gặp nhau.


 Và một điều sau cùng muốn nói thêm là chúng ta có quá ít thời gian. Những nơi như Cữu trại Câu, Hoàng Long Bôi, Nga Mi Sơn….ước gì chúng ta ở thêm mỗi nơi vài ba ngày nữa để có thì giờ đi thăm thú tường tận mọi nơi.


 Phạm Vi Dân



https://www.youtube.com/watch?v=LHfc-QQSkEk

(Xin xem video trong trang Nghệ Thuật)



 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc