41 NGÀY TRÊN BIỂN CHẾT - Người Việt Tự Do

21 Tháng Năm 20229:43 CH(Xem: 1198)

ghe vuot bien 1

41 NGÀY TRÊN BIỂN CHẾT
trích báo Người Việt Tự Do

Lời giới thiệu của Vũ Đăng Khuê:

 

Chuyện vượt biên hay vượt biển thì nhà nào chả có, nhất là vào những thập niên đầu khi việt cộng chiếm được miền Nam. Chuyện thì thiên hình vạn trạng, đủ kiểu, vì có thể bạn ta đã từng là nhân vật chính hoặc đã nghe lại từ gia đình, hoặc người xung quanh về cuộc đào thoát vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam sau ngày “toàn trị”. Có rất nhiều sách vở ghi lại những “trang sử” đau thương đó hoặc cho chính mình, gia đình mình, cũng là những nhắc nhở cho thế hệ sau về những “holocaust” của Việt Nam.

 

Số phận người Việt bị khinh khi như “cùi, như “hủi”, khi chế độ đã đoạt được đích cuối cùng, họ bị gạt ra ngoài cuộc sống, rồi bị lùa vào trại tập trung, và họ đã vùng lên tìm sự sống, đánh đổi cả sinh mạng để tìm được mảnh đất còn dung dưỡng tình người. May thì tồn tại, còn không thì “thà chết trên biển cũng …thú hơn” là sống dưới một chế độ mà bất cứ ai cũng là "tàn dư Mỹ ngụy".

 

Đoàn người đã đi tìm quyền sống: vượt biên và vượt biển. Sau bao ngày lênh đênh khốn cùng trên biển cả, mặc cho những lời van lạy, những sóng gió tung lên vật xuống, từng đoàn tàu vô tình hay cố tình bỏ mặc lướt sóng đi qua.

 

Có chuyến đầy may mắn được tàu “ghé mắt”. Có chuyến hoàn toàn mất xác như chuyến của một người thân trong nhà. Có chuyến vừa may vừa rủi, ngậm ngùi thủy táng từng người từng người một như chuyến vượt biên “41 ngày trên biển chết”.

 

Mấy hôm nay, may mắn tìm lại được bài viết đã đăng trong Nguyệt San Người Việt Tự Do số 76, 77 phát hành 42 năm trước. Tôi đánh máy lại và giới thiệu với bạn ta.

 

Theo tôi thì đây là một trong những hồi ký sống động nhất nói về những chuyến vượt biên mà tôi đã được đọc và đã từng vừa đánh máy vừa hồi hộp, vừa đợi chờ ngay từ lúc bài viết được hoàn thành. Người kể là anh Nguyễn Văn Tuệ và người viết là người ..... có lối viết sôi nổi, sống động, gay cấn, cảm động, có trước, có sau. Người viết là ai (không phải là tôi) chắc bạn ta đã đoán ra.

 

Tất cả những chi tiết và nhân vật trong hồi ký đều là người thật, việc thật.

 

Hôm nay, lắng lòng, xin tâm thành cầu chúc cho những ai được may mắn sống sót và đau xót cắt lòng chia buồn cho những kẻ đã ra đi.

 

Dân tộc ta sao nỡ bị đọa đày!

 

Mời bạn ta vào chuyện.

 

---------------------

 

41 Ngày Trên Biển Chết!

CẢNG OMAHARA, 25 tháng 7/1981 (Người Việt Tự Do)

“Ngoảnh lại nhìn những người thân thuộc lờ mờ trong đêm đen, tôi nhớ đến phim"Chúng tôi muốn sống" và những hình ảnh của 1954 hiện rõ trong đầu tôi lúc đó. Tôi khóc. Nước mắt tôi ứa ra lẫn với mồ hôi rơi sót lại thỉnh thoảng tấp vào mặt tôi. Tôi biết lần đi sẽ mất mát. Mất quê hương”.

Ngồi trong căn phòng của bệnh viện ở cảng Omahara, anh Tuệ đăm chiêu nhìn ra cửa sổ. Trời ngoài kia xám đục, không khí oi nồng như sắp mưa. Hai tháng trước, đêm đó trời không trăng và lúc chập tối trời mưa. Những cơn mưa rào mùa này nặng hạt nhưng chóng tạnh. Khi từ  thuyền trở về trời tối hẳn. Anh chờ ông Hồ hơi lâu. Hẹn 4 giờ chiều mà đến tận 5 giờ hơn ông ta mới ra. Bến Phước Hòa lúc đó thật lạ dưới mắt anh. Nó mang vẻ kỳ bí, chung quanh anh có vẻ vẫn vậy. Dăm ba người trong những khoang thuyền ngó mông lung, những người khác đang hút thuốc. Những đứa trẻ nhôm nhếch đùa cợt. Một chiếc ghe đi te về đang thu vén lưới và lo đưa mấy rổ cá lên. Hình như chẳng ai để ý đến anh. Nhưng có vẻ như ai cũng đang nhìn anh, rình rập anh. Tên du kích nghênh ngang đi đi lại làm anh khó chịu. Hay nó sắp sửa lên khám ghe.


Anh ngó ra phía xa. Rừng Sát này trông thê lương vì thiên hạ chặt củi dữ quá, những cây bần cây đước như không kịp mọc lên. Ôi cái chế độ đã từng vẽ khắp nơi cái khẩu hiệu “Trồng cây 10 năm, trồng người 100 năm" sao có thể phá hoại cây cỏ thiên nhiên đến như vậy. Anh bâng khuâng. Nếu những loại cây nước mặn tiếp tục bị phá hủy, tiêu diệt như cái đà này, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra?

Cả một vùng Rừng Sát vốn như một cản lực thiên nhiên khiến biển không lấn sâu vào đất liền nay bỗng bị hủy hoại. Anh lắc đầu. Đến cái câu khẩu hiệu trồng cây trồng người mà ông Hồ Chí Minh còn nhận vơ của mình thì việc gì mà chế độ này từ nan. “Thập niên chi kế hà như thu mộc, Bách niên chi kế hà như thụ nhân” (Kế sách mười năm gì hơn trồng cây. Kế sách trăm năm gì hơn trồng người). Lãnh tụ cả nước mà khơi khơi lấy lời nói của cổ nhân nhân vơ làm của mình, viết thành khẩu hiệu ký tên mình dán khắp cả nước, coi khinh kẻ sĩ trong thiên hạ đến thế là cùng.

Tiếng cậu em nói khẽ làm anh bừng tỉnh. “Ông Hồ ra kìa anh ". Tiếng nói như thì thầm, như sợ hãi, Dáng ông Hồ đi từ phía bờ đi lại trông có vẻ lật đật. Anh băn khoăn.“Mọi người đã đến cả chưa”? Một nghìn thứ bất trắc có thể xảy ra. Đông trẻ con quá. Và còn những 8 tiếng đồng hồ nữa, 8 tiếng sinh tử. Ông Hồ có nhiệm vụ lái chiếc ghe ra khỏi cửa Cần Giờ.

Rừng Sát như một tấm mạng nhện khổng lồ, đường sông, đường lạch chi chit dọc ngang như một mê hồn trận, không phải là dân thổ cư khó mà ra lọt. Lại còn những cồn cát, bãi lầy, không biết thể nào cũng mắc cạn. Đã có quá nhiều người vượt biển bị bắt vì ghe bị cạn. Ông Hồ sinh sống ở ven Rừng Sát đã lâu, vốn không quen trước, nhưng do sự móc nối, giới thiệu, ông đã đồng ý đứng tên để mua ghe. Phải là dân địa phương mới có quyền mua ghe. “Mua ghe!”. Anh bật cười. Bọn anh đã phải mua một cái ghe mà chỉ có trên giấy tờ. Sau đó xin sửa ghe. Với giấy phép sửa ghe, một chiếc ghe mới hoàn toàn đã được đóng. Máy mua từ Sàigòn nhưng được tháo rời từng bộ phận. Không có cách gì để chở 1 cái máy dầu từ Sàigon ra Láng Cát. Anh nhớ đến bến xe đò Saigòn-Vũng Tàu lúc nào cũng đông nghịt người. Suốt mấy tháng trời đi đi về về lần nào anh cũng mua vé chợ đen. 30 đồng một vé, gần bằng lương của một anh công nhân. Sự tham nhũng đã lên đến mức trắng trợn.

Khi cầm một bộ phận của máy lên xe đò, người lơ xe nhắc nhở: “Cái gì ở trong vậy, 30 đồng hành lý nghe”. Gã lơ xe không cần biết cái gì ở trong, nhưng gã sẽ dấu kỹ cho anh. Công an du kích nhan nhản khắp nơi rình mò, bất cứ chỗ nào dọc đường một trạm kiểm soát có thể dựng lên với dăm ba tên công an mặt mũi vêu vao, hau háu. Có lần anh nhớ chiếc xe đã phải ngừng tới năm lần để công an khám. Cái gì cũng có thể là hàng lậu và cái gì cũng qua nếu biết điều. Anh rùng mình không nhớ là đã đút lót cho những ai, từ cấp ở phường lên đến cấp quận để hoàn thành chiếc ghe. Ai cũng có quyền bắt người và ai cũng có quyền ăn hối lộ miễn là cán bộ, đảng viên. Chế độ như một bàn tay khổng lồ gai góc bóp chặt.

Ông Hồ lần giây neo rồi trèo lên ghe. Mắt ông đăm chiêu, ông hỏi:

-   Có gì không?

Câu hỏi tổng quát chẳng nhắm vào cái gì cả, nhưng anh nghe như ông muốn hỏi: “có bị lộ?”. Nhìn vẻ mặt ông Hồ lòng anh nhũn ra. Sự lo âu là của mọi người. Anh cười trấn an:

-    Yên chí.

Giao ghe cho ông Hồ, anh men theo bờ đê về hướng quốc lộ. Người anh rã rời, đầu óc trống rỗng. Anh bước đi theo sự phản xạ tự nhiên và cảm giác mệt mỏi lan ra khắp thân thể. Suốt mấy tháng trời ngược xuôi Saigon – Ban Mê Thuột – Vũng Tàu. Và những ngày dài lo âu phập phồng, những đêm thao thức trẳn trọc, anh đã vượt qua hết. Hôm nay là ngày quyết định, sao anh như bước vào quãng không. Tuy mới gần 6 giờ nhưng trời gần như tối hẳn. Dãy núi ông Trịnh lờ mờ trong sương mang đầy vẻ bí hiểm. Rất nhiều người nói với anh rằng có Phục Quốc Quân ở trong đó. Thỉnh thoảng anh lại thấy bộ đội Cộng Sản hành quân vào núi và có tiếng súng nổ!

Về đến nhà gần 7 giờ tối, người đầu tiên anh gặp là người anh vợ, anh hỏi:

-   Xong chưa?

Và chợt thấy câu hỏi ngắn quá nhưng anh Ruẫn gật đầu:

-  Rồi! mọi người đến đủ, một phần ở đây, một phần ở nhà bên kia, mấy người nữa lang thang ngoài chợ, chắc một lúc nữa sẽ về. Ngoài đó sao?

-   Ông Hồ sẽ lái ghe ra đi và sẽ lại bãi hẹn đúng 2 giờ sáng. Tôi mệt quá để nghỉ một lát.

Anh cũng chẳng chờ phản ứng của người anh vợ, đi thẳng vào phía trong, để người xuống đi văng gỗ. Từng thớ thịt dãn ra khởi từ bắp chân lan dần lên và người anh như dán xuống tấm phản. Chìm vào giấc ngủ, tai nghe mơ hồ tiếng ếch nhái từ phía ruộng vọng lại.

Và khi thoát khỏi giấc ngủ, tiếng côn trùng vang lên rõ dần. Anh lắc đầu và cố định thần. Anh Ruẫn đang lay anh. Choàng ngồi dậy, anh tỉnh hẳn và thực tế phủ choàng lấy anh:

-   Xong chưa? Mấy giờ rồi?

Anh Ruẫn cười mà như không phải cười. Ánh lửa nhập nhoàng soi gương mặt anh.

-    Chú ngủ say quá nhưng phải dậy để tỉnh chứ! Thế “Đi Te”* rồi,Mình phải tải đồ ra bãi là vừa. 9 giờ rồi.

-    Lấy dầu lên chưa?

-    Gọi chú dậy để xem làm gì trước, làm  gì sau.

-    Vậy, bới dầu lên.

Lố nhố trong căn nhà khá đông, bây giờ anh mới để ý. Mọi người đều im lặng và thì thầm rất khẽ. Anh Ruẫn đi trước, anh theo sau, vài ba người thanh niên đi theo ra chỗ sau vườn. Dầu là mối bận tâm nhất và có lẽ gay go nhất trong mọi chuyến vượt biên. Trong ghe không được quyền chứa quá 10 lít dầu. Và dầu chạy máy bỗng trở nên một thứ quốc cấm. Trong nhà chứa chừng 20 lít là có thể đi tù mọt gông. Khi tính toán về chuyến đi, mọi người đều hiểu cái khó khăn trong việc mua dầu. Từng lít một, dầu được gom lại chôn dấu. Mọi người vững bụng khi số dầu chôn rải rác trong vườn lên tới 15 can, mỗi can 20 lít, vị chi là 300 lít. Chiếc máy F8-12 không lớn lắm và như vậy đủ dầu đi tới Thái. Nhưng khi bới lên thì 5 can đầu thì bị bể. Loại can bằng mủ ni lông không chịu nổi sức ép của dầu từ phía trong cũng như đất từ phía ngoài và cũng đã quá cũ trở nên giòn dễ vỡ. Còn lại 10 can. Nhìn đồng hồ thấy hơn 10 giờ đêm, anh thảo luận với anh Ruẫn. Không thể lùi được nữa. Mọi sự đã sẵn sàng. Ông Hồ sẽ ghé lúc 2 giờ ở bãi. Tất cả đã tề tụ đầy đủ. Anh nhìn anh Ruẫn. Anh Ruẫn nhìn anh. Cả hai cùng gật đầu. Anh nói những người thanh niên vác dầu và lương thực lên và đi băng vườn qua phía ruộng. Cơn mưa hồi chiều đã dứt từ lâu và đêm tối như bưng mắt. Từ phía xa xa ánh đèn của những người đi soi ếch đu đưa sát mặt đất. Thỉnh thoảng có ánh đèn pin loáng lên. Có tiếng khẽ đầy lo lắng:

-    Du kích hả?

-    Im, Bám theo người đằng trước. Coi chừng ngã đấy.

Mọi người lầm lũi theo anh Ruẫn. Có lúc đoàn người băng qua những vườn những người lân cận. Trong nhà đang thắp đèn nhưng có sự thông cảm nào đó, đèn lửa bỗng được tắt đi. Những cánh cửa sổ cũng được khép lại. Ai đi là mừng cho người đó. Một người đạp phải gò đất loạng choạng té xuống ruộng, làm văng thùng dầu và bể. Tiếng anh Ruẫn cương quyết:

-    Bỏ đó! Đi lẹ lên.

Như vậy là còn 9 can dầu. 9 can hay 180 lít cho một cuộc vượt thoát đầy bất trắc. Toán người đầu đến bãi an toàn. Anh Tuệ quay trở lại đón toán thứ hai. Trẻ con đã được cho uống thuốc ngủ với một liều thật nặng. Tụi nhỏ thiếp đi người mểm oặt. Đứa cõng đưa bế, toán thứ hai tiếp tục lên đường. Bầu trời đen xịt mang vẻ đe dọa. Vẳng từ xa tít phía bên kia bờ đê có tiếng du kích nói cười. Mọi người lạnh run nhưng mồ hôi vẫn ứa ra từ chân tóc. Nếu có em nhỏ nào khóc?

Toán này nhiều người ngã lên ngã xuống. Họ là phụ nữ, lội ruộng chưa quen. Nhưng rồi cũng đến được điểm hẹn. Anh Tuệ dừng lại, quay nhìn. Gia đình anh đó, con anh, vợ anh, chị em và bà mẹ vợ đầy can đảm đang bì bõm dưới những hố nước.

1954, gia đình anh đã bồng bế nhau vào Nam. 1981, gia đình anh lại bương bã trong đêm đen giữa những cánh đồng ngập nước để ra đi. Nước mắt anh ứa ra. Anh đi tới đưa tay đỡ bà cụ. Anh nghe tiếng đọc kinh rầm rì. Đôi vai ngang nở, dáng người chắc, bà cụ là một hình ảnh điển hình cho người đàn bà Việt Nam. Bền bỉ, nhẫn nại, nhưng không đầu hàng nghịch cảnh. Di cư vào Nam sau hiệp định Geneve, gia đình bà Mai Thị Khướu được đưa đến vùng dinh điền Kim Châu Phát, cách thị trấn Ban Mê Thuột 20 cây số. Cao nguyên màu mỡ đã từ đồng hoang rừng rậm biến thành ruộng, thành trại. Những người dân chất phác từ vùng đồng bằng nước mặn miền Bác đã gò lưng đổ mồ hội xây dựng Kim Châu Phát thành một trong những vùng dinh điền giàu có nhất của miền Nam. Gia đình bà Khướu đã làm chủ 5 mẫu cà phê. Người con cả, anh Ruẫn đã có vợ hai con và anh đã trở thành sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Bà nhìn đàn con trưởng thành. Nhưng 75 đã biến cuộc sống thành tù ngục. Anh Ruẫn bị đi học tập, ngày cưới em gái không dự được.

Trại Kim Châu Phát đang là một vùng sầm uất bỗng trở nên thê lương, không khí chết chóc bao trùm khắp nơi. Giữa ban ngày, bộ đội vào còng người đi là chuyện thường. Công an nhìn người dân Kim Châu Phát như kẻ thù. Họ là Thiên Chúa Giáo di cư nên Cộng sản lúc nào cũng tìm cách tiêu diệt họ. Chống phá cách mạng. Tiếp tế cho Fulro. (Fulro là danh từ Cộng sản dùng tổng quát chỉ tất cả mọi lực lượng Kháng Chiến Phục Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Chú thích của tòa soạn). Phản động, phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tội danh chỉ là cái cớ. Đàn áp khống chế tiêu diệt mới là mục tiêu. 3 người bị tử hình tại chỗ vì đã bắn chết hai tên công an. Nhiều người khác bỏ vào rừng, gia đình bà Khướu trở thành gia đình Ngụy nặng. Năm mẫu cà phê bị tịch thu. Gia đình bà không được ra khỏi địa danh Kim Châu Phát. Khi anh Ruẫn từ trại học tập ra, anh không dám về nhà với bà mẹ và các em gái. Anh ở Saigon và sau đó xuống ở Láng Cát. Bà cụ đã đồng ý ngay khi biết người con trai và con rể âm mưu vượt thoát.

-------------

*1 Đi Te là một nghề mưu sinh của người dân vùng biển, họ đi trên những chiếc cà kheo cao hơn 1 m và bủa lưới đánh bắt các loại hải sản.

đi te

Ra khơi!

Anh Tuệ dìu bà cụ tới một mô đất khô ráo. Những người khác tản ra dọc bờ nước. Gió lạnh từ cửa Cần Giờ lùa lại xào xạc len lách qua những cây đước khẳng khiu. Mặt nước đục lờ. Ai nấy im lặng chờ đợi. Tiếng ghe máy nổ vang vọng từ ngoài kinh rạch vọng về. Đêm tối thật tối và im thật im. Anh Tuệ nhìn người vợ nhỏ bé. Chị Hường ôm đứa út 8 tháng trên tay ngồi thu vén trông thật nhỏ. Anh Ruẫn đi lại phía anh. Hơn hai giờ đêm sao chưa thấy ghe lại. Mỗi phút dài đằng đẳng. Hay có gì bất trắc xảy ra? Bà cụ vẫn lâm râm cầu nguyện, tiếng đọc kinh lẫn trong gió, anh nhìn đại gia đình lòng nao nao.

Có tiếng máy nổ xình xịch nghe rất gần. Mọi người nhổm dậy nhưng chiếc ghe lại lãng ra xa. Một lúc tiếng máy nổ lại vang lên như ở sát mọi người. Anh Ruẫn quá sốt ruột, lội ra la lớn:

-      Ông Hồ, ông Hồ!

-     Ai đấy?

-     Tôi.

Chiếc ghe giảm tốc độ nhưng vẫn ở xa.

-    Tôi là ai?

-    Ruẫn đây, Ruẫn đây!

-    Sao không nói ngay?

Ông Hồ quá sợ bị du kích đứng giả vờ gọi vào nên chần chờ cho đến khi biết chắc đó là người nhà. Mọi người ùa xuống nước loi nhoi lội ra. Dầu, đồ ăn cũng được chuyển lên. Đàn bà, trẻ con bất kể vừa lên đến ghe là bị ấn xuống khoang, người này đè lên người kia. Chớp mặt mọi sự xong. Ông Hồ hỏi:

-    Thiếu ai không?

-    Đủ cả.


Chiếc ghe quay mũi ra giữa dòng. Nước đang rút, nhờ thế ghe đi nhanh giữa sông. Chỉ có vài người có tên đi đánh cá ngồi trên, tất cả bị lèn trong khoang thuyền.

Ông Hồ thông thạo thủy lộ Rừng Sát cầm lái. Bãi cát vàng rồi sau đó thấp thoáng là ánh đèn của phao Cần Giờ. Mọi người nín thở. Hai bên sông có những chiếc ghe tam bản của dân đi đốn củi nằm neo im lìm. Thỉnh thoảng có chiếc ghe te đêm nổ xình xịch. Đèn Cần Giờ đằng trước rõ dần. Đây là lúc nguy hiểm nhất. Cả một vùng nước mênh mông nhưng thật sự rất nông, chỉ có một thủy lộ độ hơn 100 thước là đi lại được. Lạc ra ngoài là mắc cạn liền. Nguy hơn nữa là trạm kiểm soát đặt sát phao Cần Giờ mà danh từ địa phương vẫn gọi là Nhà Trắng. Hoặc một chiếc PCF hoặc chỉ là một ghe đánh cá tịch thu của dân, thay vì lưới cá thì được võ trang đi tuần. Anh Ruẫn ngồi phía mũi ghe lo lắng nhìn ra phía đằng trước. Trời sáng dần. Phía bên kia, chân trời hiện ra với đường viền sáng nhạt. Phao Cần Giờ đồ sộ nguy nga như một căn nhà lớn hơi ngả nghiêng theo sóng. Không có ghe tuần. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Chiếc ghe nhỏ bé tiếp tục lao về phía cửa biển, mũi ghe nhấp nhô hụp lên hụp xuống.

Khí trời đã sáng hẳn và phía đằng sau mỗi lúc Vũng Tàu một nhạt dần, anh mới biết chắc là đã thoát. Ít ra là bước đầu. Anh Tuệ lắc lắc đầu như xua đuổi những ấn tượng đen tối có thể xảy ra. Cả ghe chỉ có một phuy nước cho hơn 30 người lớn bé và còn dầu nữa. Số dầu này chỉ còn chưa quá 200 lít. Biển động dữ và chiếc ghe gần như cỡi lên sóng mà đi. Mọi người quyết định chặt bỏ hai tấm lưới cao và te cho thuyền nhẹ bớt. Những người ở dưới khoang được moi lên. Chỉ mới ra biển chưa quá nửa ngày mà người nào người nấy ói mửa lung tung vì bị nhồi dữ quá và có lẽ một phần vì bị nhét cá hộp dưới khoang. Có tiếng nói:

-    Không khí ngoài biển ngọt quá.

Mặt mọi người tươi hẳn lên, những đứa nhỏ được chuyền lên trên cabin cùng với đàn bà. Tất cả lo kiểm điểm đồ đạc, thực phẩm.

Ông Hồ đã giao việc điều khiển ghe cho ông Rọt. Anh Ruẫn băn khoăn hỏi nhỏ anh Tuệ:

-   Ông Rọt thế nào?

Trả lời sao đây? Ông Rọt chỉ là một sự vá víu bất đắc dĩ. Một người bạn khác đã nhận lời lái ghe nhưng đến ngày trước khi đi người bạn cho hay vợ ốm nặng thổ huyết nên không tham gia được và giới thiệu ông Rọt đi thế giúp lái ghe. Mọi người chỉ biết ông lần đầu cách đây hai hôm. Biết thêm ông ở Hải Quân và từng đi học tập “trên ba cuốn lịch”. Một trong những điều để tin nhau trong chuyến vượt biên và đó có lẽ là một yếu tố quan trọng: NGỤY.

Và như vậy ông Rọt đã được chấp thuận và nay trên biển mọi người giao sinh mạng cho ông. Anh nhìn anh Ruẫn hỏi tránh sang chuyện khác:

- Mấy đứa nhỏ tỉnh chưa?

-  Tỉnh rồi nhưng có vẻ còn mệt lắm.

Anh Tuệ cũng mệt nhừ người. Anh đã nôn thốc nôn tháo nhiều lần và đau buốt ngang lưng. Anh bị bệnh thận khá nặng và đã phải vào nhà thương nhiều lần. Anh ngồi dựa lưng vào thành ghe thẫn thờ nhìn trời. Bầu trời xám đục thấp lè tè như có thể với được. Biển vẫn sóng dữ dội và chiếc ghe bé nhỏ với 9 lá gỗ dầu, 2 lá gỗ sao làm vỏ vẫn lao đao như chiếc lá giữa dòng sông chảy xiết. Sau một ngày dài và một đêm thức trắng với những căng thẳng tột bực ai nấy như  lả đi.

Khi trời đã tối, ông Rọt quyết định cho thuyền ngưng lại giữa biển vì: “không thể định hướng trong đêm tối”. Mọi người ngơ ngác nhưng không biết làm sao hơn và đành nằm đó, mặc cho sóng dập dình và gió lạnh như buốt quất vào. Trời hừng sáng, mọi người tỉnh dần, có lẽ đã quen với sóng gió.

Ngày đi đêm nghỉ, chiếc ghe bé nhỏ tiếp tục hứng chịu sóng gió mưa bão. Sau này anh Tuệ kể:

-    Trong 41 ngày có lẽ chúng tôi chịu giông gió 30 ngày. Hình như chỉ có độ 5 hay 6 ngày là biển tương đối êm và trời nắng một chút.

-   Như vậy thì trời mưa nhiều?

-   Ồ không, có lúc gió dữ dội và mây đen phủ đầy bầu trời nhưng mưa ở gần ghe. Tổng cộng chúng tôi hứng được 5 hay 6 trận mưa, có những lúc mưa chỉ tạt qua được 5, 10 phút. Suốt hơn một tháng trời, chúng tôi chỉ có một trận mưa gọi là mưa.

Đêm thứ tư mọi người đồng ý bỏ neo để chiếc ghe đỡ bị trôi dạt. Vào khoảng quá nửa đêm, anh Tuệ chợt thức dậy với cảm giác là lạ. Chiếc ghe tròng trành dữ quá. Từ khoang mũi anh bò lên. Neo đứt rồi. Chiếc neo bằng ny lông bị cà vào mạn thuyền nhồi sóng nên bị cứa đứt. Anh ngơ ngẩn nhìn theo đoạn dây còn lại đu đưa theo chiều gió.

Đêm trôi dạt, ngày nhắm hướng Tây đi nhưng thật sự không một ai trên ghe biết mình sẽ tới đâu.  Nhiều chiếc tàu đi ngang qua nhưng chẳng ai chú ý đến họ. Anh Ruẫn nhìn vợ con mỗi ngày mỗi rũ xuống. Bà Hồ và mấy đứa con nằm bẹp dí một chỗ. Tiếng trẻ con khóc suốt ngày vì lạnh, vì mệt, vì thiếu ngủ, vì đói. Đến ngày thứ 10 mỗi ngày khẩu phần mỗi người là 4 thìa nhỏ thính rang trộn với đường và 2 nắp nước. Đến ngày thứ 12 thì trên ghe không còn một chút lương thực nào cả. Anh Tuệ kể:

-    “Ngày thứ 10 hay 11 gì đó, chúng tôi trông thấy dãy núi mờ xa ở phía chân trời. Mọi người mừng rỡ nhưng trên ghe chỉ còn một can dầu 20 lít. Để có thể ghé bờ chúng tôi ước lượng cần đến 40 lít dầu. Sau khi tính toán cùng nhau, chúng tôi quyết định chờ. Có thể đó là đất Thái và như vậy thế nào cũng có nhiều ghe chài lưới nhưng chẳng thấy ghe hoặc tàu và đúng lúc đó khi định nổ máy lại thì máy hư. Con heo dầu không làm việc. Con heo dầu phòng hờ cũng bị nước biển ăn rỉ sét khiến cái ti đầu không lung lay được. Vô phương.”.

Những ngày điêu linh bắt đầu.

Chiếc ghe bé nhỏ với 33 người lớn bé trên đó không đồ ăn thức uống, phó mặc cho sóng gió. Cơn đói khát bắt đầu hành hạ mọi người. Bốn ngày sau trẻ con khóc nhưng tiếng khóc như không thoát ra nổi. Đó là thứ tiếng be be của một cơ thể đã suy tàn. Một lần một bãi rong biển trôi vật vờ ngang ghe, mọi người vớt lấy ăn thử. Nó nhớt và mặn không ai nuốt được. Anh Tuệ sau này nói:

-    “Giá chúng tôi cứ vớt lên để khô chắc ăn được!”

Không ai có thẩm quyền trả lời câu hỏi đó. Mọi người sống dật dờ. Cơn khát làm mọi người như sống ở trong cõi mộng, đầu óc lơ mơ. Cơn đói làm cơ thể suy nhược đến nỗi không ai có thể cất nhắc tay chân. Bà cụ mẹ vợ anh ngồi một góc cabin tiếp tục lẩm nhẩm đọc kinh: “Lạy cha chúng con ở trên trời….”

Mỗi khi có cơn mưa, mọi người nỗ lực hứng nước. Đó không phải là một công việc dễ dàng. Chiếc ghe luôn trồi lên hụp xuống nhất là giữa lúc mưa giông. Có thể vừa hứng được một hớp là bị nước biển đánh bật đi hoặc cơn sóng lớn phủ ghe. Mọi thứ đều được sử dụng, từ những chiếc can được bổ ra làm hai để đựng như cái thau cho đến những chiếc bao cát, mảnh ny lông rộng cỡ hai bàn tay. Nhưng cơn mưa nhiệt đới rất ngắn. Anh Tuệ nói:

-            “Có lúc tôi chỉ hứng được độ một ly là tạnh rồi”.

Mọi phương pháp giữ nước trong cơ thể được áp dụng. Ngâm mình dưới biển, dấp nước vào đầu để đầu lúc nào cũng ướt. Nhưng cơn khát nước vẫn nguyên đó, day dứt. Những đứa trẻ nhai nát đầu vú mẹ. Bà mẹ nằm lả ra đó không còn cảm giác đau đớn nữa. Có những người nằm bò ra liếm từng hạt mưa. Tuy thế, mọi khi hứng được nước là phải tiết giảm tối đa vì có thể ba bốn ngày sau chưa chắc đã có mưa.

Sau lần ăn thử rong biển không được, gần như không còn một chút gì cho mọi người hy vọng. Anh Tuệ kể:

-            “Một lần tôi trông thấy một mảnh ván trôi, bèn chỉ cho ông Rọt. Ông Rọt bơi ra vớt và có 5 con cua bé bằng ngón chân bám trên mảnh gỗ. Ông Rọt đem vào và bỏ 3 con vào mồm nhai lấy nhai để. Tôi được 1 con và 1 người nữa được 1 con. Tôi ăn lấy 2 cái càng to bằng đầu que tăm và phần còn lại đưa cho vợ tôi nhai”.

Những con hầu con bám vào ghe cũng được chiếu cố tới. Nhưng mỗi con khi cậy ra ruột chỉ lớn chưa bằng cái đầu đũa. Không một con nào bị bỏ quên. Anh Tuệ nói:

-     “Có lần Hải nó bắt được 3 con tép. Nó chia cho chú em tôi một con”.

-     Bắt cá?

-     Nó đưa cái ấm xuống múc và múc được 3 con, mỗi con lớn bằng đầu đũa. Tôi nghe thèm muốn chết.

Cái việc mọi người cố tránh rồi cũng có người làm: uống nước biển. Chính anh Tuệ cũng uống hơn một lít. Uống nước biển rất nguy hiểm vì sẽ làm người ta phát điên vì lượng muối trong máu quá cao. Nhiều người sau một hai ngày uống nước biển đã lao đầu xuống biển chết luôn. Mọi người kiệt lực dần. Vợ anh Ruẫn liệt cả hai chân không đi được. Thịt trên người mỗi lúc mỗi teo đi, xương xẩu giơ ra, đầu gối to hẳn lên, hai mắt hõm xuống. Đặc biệt là tóc vẫn mọc ra. Anh Tuệ chỉ  đứa con nằm trong bệnh viện đang vào nước biển.

-    “Tôi tưởng nó chết rồi. Nó nằm không cựa quậy được nữa”.

Nhưng có những trẻ thơ khác chết, không phải một mà ba. Ba đứa trẻ con bà Hồ và bà Tâm đã quỵ trước tiên, Mọi người xúm lại đọc kinh: “Lạy Chúa Tôi, Chúa là đấng trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên tôi và cho con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì tôi…..”. Ngồi, quỳ, nằm lả nhưng mọi người đều đọc kinh Ăn Năn Tội. Tiếng kinh cầu vang lên buồn buồn. Lời kinh thê thiết. Ba đứa bé từ 8 tháng tới 6 tuổi khẳng khiu, hốc hác im lìm nằm sát nhau. Những bà mẹ nhìn con không khóc vì không còn sức khóc. Những người cha nhìn con im lìm. Từng em một, các em được thả xuống biển. Đáng lẽ các em ra đời để ca hát, để làm cuộc đời đẹp hơn, để tiếp nối giòng sống. Nhưng các em nay nằm sấp trên những đợt sóng nhấp nhô. Xác các em dật dờ trôi xa dần xa dần. Mọi người trông theo. Không ai đủ sức khóc.

Đã hơn một tháng trên biển và 20 ngày không ăn không uống. Sự sống có lẽ chỉ còn thoi thóp. Những chiếc tàu đi qua đi lại. Anh Tuệ kể rằng có 3 lần tàu ngừng nhưng xa quá, không làm sao đến được. Những chiếc tàu này sau đó tiếp tục lộ trình để mặc chiếc ghe lênh đênh. Sự tuyệt vọng lên cao.

Thành là một thanh niên 16 tuổi cùng đi với chị là cô Ánh Tuyết và người anh là Nguyễn Quốc Thông. Ba chị em thường ít nói và vẻ mặt luôn đăm chiêu. Thành đã chứng kiến cảnh tàu đi ngang không cứu. Đầu óc Thành lởn vởn ý định và anh đem ra bàn với mọi người. Ai cũng lắc đầu. Cùng chết trên ghe là hơn. Vào buổi trưa ngày thứ 38, Thành quyết định tự ý thi hành ý định. Khi phát giác Thành bơi hơi xa, có người la lên:

-    “Thành sao không cột dây mà bơi xa thế?”.

Bình thường mọi khi tắm hay ngâm người xuống nước, ai cũng cột dây ngang người để phòng bị sóng đánh dạt ra xa. Nhưng Thành ôm chiếc can làm bằng ny lông giơ tay vẫy mọi người. Tất cả ngóc lên nhìn anh. Anh đã quyết định bơi đi tìm tàu với ý nghĩ đơn giản. Nếu thấy một mình anh giữa biển chắc chắn họ sẽ cứu. Anh sẽ năn nỉ, trình bày để họ cứu cả ghe. Sóng đẩy anh xa dần. Mọi người nhìn theo điểm chấm mờ bập bềnh mỗi lúc một mờ nhạt. Thành ra đi và không bao giờ trở lại. Anh Tuệ bực bội nhưng không biết làm sao hơn. Thỉnh thoảng nhìn mông lung ra biển khơi, anh mong chuyện lạ sẽ xảy ra. Thành mệt quá sẽ quay trở lại. Hy vọng mong manh quá. Anh ngước nhìn bà cụ. Kiên trì, bà cụ vẫn thu mình một góc đọc kinh. Rồi ông Hồ, Hải em anh cũng kiệt lực. Mọi người lặng lẽ nhìn xác họ trôi xa dần. Rồi Tâm, Lệ, Hoàng, Tiên….những đứa bé. “Tôi cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa thì tôi lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội tôi trên hết mọi sự, tôi dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa thì tôi sẽ lánh xa dịp tội….” Những tiếng kinh cầu tiễn những người thủy táng. Những tiếng kinh âm vang trên mặt biển như tiếng biệt ly của những người thoi thóp chào những người đã chết.

Anh Ruẫn nằm liệt một chỗ, lồng ngực không còn một chút phập phồng. Người anh mỏng lét như dán xuống mặt thuyền. Anh Tuệ đã cầm chiếc nhẫn cưới một chỉ của vợ mài ra đổ cho người anh. Không hiểu do ai nói cho anh rõ, vàng mài ra có thể làm người hấp hối hồi sinh. Anh Ruẫn tỉnh mở mắt nhìn anh gật đầu, Anh nói:

-    “Chú Tuệ, trước sau gì tôi cũng chết. Tôi biết rõ tôi sắp chết. Khi tôi chết thì cắt gan tim tôi chia cho mọi người. Thịt tôi đem phơi khô có thể dùng được vài ngày. Tôi mong mọi người sẽ thoát”.

Anh Tuệ nhìn người anh: Liệu có thể làm như vậy chăng? Anh lắc đầu, nếu phải hy sinh, người hy sinh sẽ không phải anh Ruẫn mà là anh. Anh đổ chút nước vào mồm anh Ruẫn. Mồm anh Ruẫn hơi hé nhưng nước tràn ra mép. Anh sờ ngực còn hơi ấm nhưng chân tay đã lạnh. Anh lay bà cụ dậy. Rồi mọi người đều biết. Đến lượt anh Ruẫn ra đi. Bà cụ nhìn ngưởi con trưởng rồi nhìn con dâu và 2 đứa cháu nội. Cả ba nằm liệt thoi thóp. Bà nhìn mọi người. Những khuôn mặt hõm xuống trong đêm đen. Bà nhìn trời, bầu trời lờ mờ mây đen phủ. Bà chấp tay lên ngực: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà…Lạy Cha chúng tôi ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến vâng ý cha dưới đất….”

Sáng hôm sau mọi người lại vây quanh xác anh Ruẫn. Những tiếng kinh nguyện vang lên. Ba người nâng anh lên khỏi thành ghe, từ từ hạ xuống nước. Chân anh Ruẫn từ từ chìm xuống và nửa chiếc đầu xỏa tóc nổi trên mặt nước, anh trôi đứng. Mọi người nhìn theo, nhìn theo. Vợ anh, chị Gái cố ngóc lên nhìn hình ảnh người chồng chỉ là một chấm đen trồi lên hụp xuống.

Chiếc ghe vẫn trôi dạt không phương hướng. Gần như không ai cỏn nhúc nhích được. Anh Ruẫn đi ngày thứ 39 của cuộc hành trình. Sáng ngày 40, xác anh được thủy táng và có vẻ như anh đã xuống biển đi dạo. Không phải anh chết. Rồi một đêm nữa trôi qua. Sức sống cạn dần, cơ thể héo đi. Nước trong người khô kiệt. Chân tay mọi người dài ra, teo đi trông như những hồn ma bóng quế. Quầng mắt thụt sâu xuống đẩy hai con mắt lòi ra ngơ ngác.

Phép lạ!

 

Buổi sáng ngày thứ 41 chắc sẽ như những buổi sáng khác. Chiếc ghe lắc lư dập dềnh. Một chiếc tàu nữa lại đi qua. Chiếc thứ mấy chục? Chiếc thứ mấy trăm?  Ai đó trong ghe đưa tay vẫy như một phản ứng tàn lụi. Anh Tuệ tưởng mình nhầm. Chiếc tàu đồ sộ chậm lại, rồi ngừng hẳn. Sự sống bùng lên với hy vọng tột cùng. Nhưng xa quá. Mọi người nhìn nhau. Không ai nói gì nhưng hình như mọi người đang âm thầm cầu nguyện. Chiếc tàu vòng lại, vòng lại…. 

ghe vuot bien Dùng hết những hơi sức của mình bám thang lên tàu cứu tinh KRITY RUBY

Tàu KRITY RUBY đã vớt được 24 người sống sót trên ghe. Họ được đưa vào bệnh viện tại quận Himeji Nhật Bản. Anh Tuệ đi chưa vững. Đứa con 3 tuổi của anh vẫn nằm bẹp một nơi với chai nước biển lủng lẳng trên cao. Chị Gái chưa đi được vẫn phải có người dìu. Bà cụ Khướu luôn luôn nhìn mọi người cười. Bà Hồ ôm con như suy nghĩ đâu đâu. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra dãy núi phía sau, anh Tuệ kể lại câu chuyện bằng một giọng đều đều.

“Chúng tôi đã ở trên biển đúng 41 ngày. Tôi đếm từng ngày một, ngày một…..”

Himeji ngày 29 tháng 7 năm 1981

(Người Việt Tự Do)

--------------------


vuot bien 2

vuotbien

Những khuôn mặt thẫn thờ sau 41 ngày lênh đênh kinh hoàng trên biển chết và Vẻ hãi hùng vẫn còn in hằn trên mặt.

vuot bien 1

vuot bien 3Nguyễn Văn Tuynh (em anh Tuệ) bế một đứa cháu khi tàu vớt

vuot bien 4

Hình chụp lúc rời bệnh viện (không có anh Tuệ vì đang chữa trị). Người mang bụng bầu là chị Ruẫn, đứng bên cạnh là cô Nhuần, vợ Nguyễn Huy).

vuot bien 5

Anh chị Nguyễn Văn Tuệ đại diện cho chuyến ghe lên cảm tạ cha Harrie (người đón 24 người khi tàu đưa 24 người vào Nhật Bản. )

---------------------------------


Qua bài viết trên, Bạn ta đã biết người kể là anh Nguyễn Văn Tuệ và người nghe và viết là một nhà báo tài hoa. Mời bạn ta đọc lại vài giòng tôi đã viết về anh 9 năm trước (7/2013).



“Anh có cái độc đáo mà tôi thấy ít người có, anh nghe chuyện từ một người rồi anh viết lại, nói như anh là “luộc lại”. Anh vung bút múa may chữ nghĩa, nói lên những sự thật bằng ngòi bút độc đáo có một không hai. Có lần anh kể lại cuộc gặp gỡ với anh Nguyễn Văn Tuệ trong nhà thương, một trong những nhân vật còn sống sót qua chuyến vượt biển kinh hoàng 9 phần chết 1 phần sống, lúc còn đang ngất ngư trông giống như xác chết trên giường bệnh, khi vừa được vớt.

Rồi bài viết “41 ngày trên biển chết” ra đời, đăng trên nguyệt san Người Việt Tự Do tháng 8 năm 1981 đã làm nhiều người đọc rùng mình bật khóc.

 

Qua lời kể của nhân vật chính trong tác phẩm ”Chuyện Người Đỗ Lệnh Dũng”, anh “luộc” thật tài tình, anh phối hợp, rút tỉa đầy đủ những kỹ xảo của ngòi bút mà tất cả đều dựa vào sự thật.

Tôi hỏi đùa:

– Có thật như vậy không ?

Anh cười :

– Trí tưởng tượng con người thì có bến có bờ, không thật thì làm sao mà phóng bút từ trang này sang trang khác được.”

 

 le_thiep-contentnhà báo Lê Thiệp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc