I Left My Heart in San Francisco
Paris dáng dấp yêu kiều
Đâu đây vẫn thấy đìu hiu gợn buồn
Còn thành La Mã huy hoàng
Chỉ là dư ảnh vàng son một thời
Tôi người lữ khách đơn côi
Bơ vơ giữa phố đông người Manhattan
Tìm về phố cảng thân thương
San Francisco trót mến thương trọn đời
Lòng tôi đã để lại đây
Đồi cao có tiếng gọi mời tri âm
Sớm mai mờ mịt màn sương
Cable car nhỏ leo lên đỉnh trời
Người thân yêu tôi ở đây
Biển xanh lộng gió ngợp trời San Francisco
San Francisco một trời thơ
Có vầng nắng ấm chan hòa đợi tôi.
Quỳnh Chi phỏng dịch (23/7/2023)
Tony Bennett "I Left My Heart In San Francisco" on The Ed Sullivan Show - YouTube
Khi còn đang học tiểu học, tôi nhớ có lẽ vào khoảng những năm 58, 59 trở đi trong nhà thường có cuốn tạp chí có tên là Tạp chí Thế Giới Tự Do. Hình như tạp chí này không bán ở hiệu sách nhưng gia đình công chức nào cũng có. Vì đọc khi còn bé quá, nên bây giờ tôi không còn nhớ gì về các bài báo trong các tạp chí này. Tuy nhiên có một số báo mà tôi còn nhớ mãi tấm bìa, vẽ một thành phố trong tương lai. Người ta dự tưởng là vào năm 1980 sẽ có những xe và người, thay vì đi lại trên mặt đất, thì sẽ bay trên không trung. Xe thì hình tròn như đĩa bay, cứ thế bay giữa trời. Con người thì lưng đeo hỏa tiễn –như đeo ba lô – phun khói, đầu đội mũ trông như các phi hành gia vừa bay vừa vẫy tay chào những người đi trên cầu vượt giữa thành phố có nhiều tòa nhà chọc trời. Hình như tấm ảnh bìa này sau đó đã khiến tôi nằm mơ, thấy mình đi vào một thành phố có những con dốc dựng đứng cao vời vợi, như thể đi tới được những vì sao. Tôi có ngờ đâu là mấy mươi năm sau khi đi thăm người thân tôi đã gặp lại thành phố trong giấc mơ của mình. Đúng là con dốc ngoằn ngoèo này, và những chiếc xe cable car nho nhỏ leo lên tuyến đường dốc dác cao vòi vọi. Không chỉ có cable car và con dốc cao hay con đường ngoằn ngoèo, thành phố này còn nhiều cái đã thành kỷ niệm thân thương. Tôi nhớ những tối chơi trốn tìm trên phố vắng với chị như ngày bé chơi quanh bờ hồ, hai chị em cùng lên cable car, nhớ khi được cậu em đưa xuống thăm tàu ngầm - đậu gần khu phố có đông du khách-. hoặc cùng cả gia đình ra bãi biển gần chân cầu Golden Gate, có lần nán lại nơi đầu cầu đợi xem đốt pháo bông nhân ngày Lễ Độc Lập, đêm về gió lạnh nhưng đã có rất nhiều người đến từ sớm tụ tập ở đây để chờ xem pháo bông… Từ đó tôi còn trở lại đây nhiều lần và mỗi lần trên chuyến bay trở về Tokyo lại lẩm bẩm trong đầu bài hát I Left My Heart …
Tôi thì đã vậy, nhưng tôi còn biết một người chẳng hề có thân bằng quyến thuộc gì ở thành phố này nhưng cũng để lòng mình lại đó. Đó là ông S. ở ban tiếng Ba Tư trong sở. Tình cờ một lần ông thấy tôi nộp đơn xin phép nghỉ hè để đi sang đó, ông liền dặn tôi nhớ đến hiệu ăn Nhật có tên A…ở đường…Ông bảo hiệu ăn đó dọn món Nhật ngon lắm, nhớ đến, và ông còn hẹn gặp tôi trong quán vào một ngày tháng 7. Rất tiếc là năm đó tôi lỗi hẹn với ông. Sang Mỹ mà tìm ăn quán Nhật ư, thực tình tôi chỉ muốn đến hiệu ăn dọn món Việt thôi. Nhưng rồi những mùa hè sau khi nào ông cũng dặn dò, ghi địa chỉ chỉ đường cho tôi tới quán. Cuối cùng tôi cũng đã tìm tới để giữ lời hứa với ông S. Con đường một chiều nên em tôi đã lái xe vòng vèo đến mấy lần mới tìm ra chỗ đậu xe của hiệu. Đúng là cách bài trí và hương vị không khác mấy so với ở Nhật. Thảo nào mà ông S nhiệt liệt tiến cử. Và thế là nhờ vậy mà gia đình tôi biết được một hiệu ăn Nhật thật ngon ngay trên đất Mỹ. Tên A. thật ra là tên một thành phố biển nổi tiếng trong tỉnh Shizuoka cách Tokyo không xa. Tôi đoán chủ quán là người Nhật quê ở Shizuoka sang đây lập nghiệp. Tôi bèn hỏi thăm nhân viên xin gặp người chủ quán để chuyển lời hỏi thăm của ông S thì rất tiếc nhằm hôm người chủ không đến. Làm tôi khi trở về Tokyo lại phải xin lỗi ông S, nhưng ông S cười bảo không sao, vì năm nào ông cũng sang chơi và tới quán đó, ông chỉ muốn giới thiệu cho tôi một quán Nhật thật ngon ở San Francisco thôi. Phải chờ đến lần sau rồi sau nữa tôi mới có duyên gặp chủ quán. Rất đỗi ngạc nhiên vì đó là hai vợ chồng người Việt chưa từng tới Nhật. Họ cho biết ban đầu làm công cho chủ cũ và cũng là đầu bếp người Nhật quê ở Shizuoka sang đây lập nghiệp, rồi khi ông ta đã có tuổi muốn trở về cố hương, đã nhượng lại quán ăn cho họ. Họ vẫn tiếp tục làm các món ăn Nhật của người chủ trước. Thế rồi một lần tình cờ ông S ghé lại đây, ông bèn đích thân vào bếp tận tình chỉ dẫn cách làm các món ăn sao cho thật đúng cách, từ hương vị đến cách bầy biện đúng theo kiểu Nhật. Không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Rồi chủ quán dẫn tôi vào sau bếp, chỉ cho tôi xem tấm ảnh ông S được dán trên tủ chén. Lần này thì đến lượt họ nhờ tôi gửi lời thăm ông, vì gần đây họ không thấy ông ghé quán như mọi năm. Trở về Tokyo, đến sở tôi tìm ông ngay nhưng phải đến vài tháng sau mới gặp. Thật ra ông đã có tuổi về hưu từ lâu, nhưng sở tôi có chế độ lưu dụng những chuyên gia giỏi như ông, mỗi tuần ông chỉ đến sở vài hôm. Hơn nữa tôi nghe phong phanh là ông mới ở bệnh viện về. Hóa ra gần đây ông không còn nghỉ hè ở bên ấy để ghé quán A là vì vậy. Hôm gặp được ông, nghe tôi tường trình lại cuộc gặg và tấm ảnh chụp lại hình chủ quán đứng cạnh cửa tủ bếp có dán ảnh của ông với lời nhắn “ Chúng tôi đang đợi ông “, ông cười ngượng ngập- nụ cười ngượng cố hữu của đàn ông Nhật- bảo “ Tôi cũng mong chóng khỏe rồi lại sang bên ấy”. Rồi hè qua, thu tới, và đông sang. Một ngày tuyết rơi lạnh lẽo, tôi bàng hoàng nhận được tin ông vừa mới qua đời… Thôi từ nay mỗi mùa hè không còn nghe đồng nghiệp nhắn lại “Kìa lại có ông S bên tiếng Ba Tư sang tìm hỏi thăm chị chừng nào đi đấy.” Chắc là nay ông đã tự đi mà không còn phải nhờ tôi đến thăm hộ ông với lời hỏi thăm nữa. Và rồi từ hôm nay biết đâu ông còn có thể gặp chinh người ca sĩ của bài hát I Left My Heart…
Nếu bạn có dịp ghé một quán Nhật nào trên đường phố (con đường một chiều) San Francisco, hãy thử nhìn vào trong bếp, sau chiếc quầy cao sẽ thấy trên cánh cửa tủ chén bát có dán tấm ảnh một người Nhật hiền hòa tốt bụng vô cùng khiêm tốn …với nét mặt hao hao giống người ca sĩ hát bài hát này đấy ạ.
Quỳnh Chi (23/7/2023)