LÀNG HANANOKI VÀ NHỮNG TÊN ĐẠO CHÍCH - Quỳnh Chi dịch

04 Tháng Ba 20246:01 CH(Xem: 215)


Làng Hananoki và những tên đạo chích

 

Hananoki

 

Nguyên tác Hananoki mura to nusubito tachi của Niimi Nankichi.

 

1

 

Ngày xửa ngày xưa có một bọn đạo chích gồm năm tên kẻ trộm đã tìm đến ngôi làng có tên là Hananoki.

 

Đó là một buổi trưa đầu hạ, khi đây đó những ngọn tre non mảnh khảnh nẩy mầm lá xanh non lủa tủa vươn lên nền trời, và trong rừng thông có tiếng ve kêu râm ran.

Bọn đạo chích từ phương bắc theo dòng sông tìm đến. Gần cổng làng, trên cánh đồng xanh mọc đầy cỏ linh lăng, lũ trẻ cùng đàn trâu đang nhởn nhơ chơi đùa.  Nhìn quang cảnh này bọn trộm biết ngay rằng đây là một làng quê thanh bình. Bọn chúng mừng rỡ, chắc mẩm rằng nhất định là trong làng này có những nhà lắm tiền và những bộ áo kimono thật đẹp.

 

Con sông chảy dưới lùm cây, làm quay bánh xe nước đặt ở đó, rồi chảy về tận cuối làng.

 

Khi lần mò tới bụi cây này, tên đầu đảng nói:

-Ta sẽ đợi ở bụi cây này, chúng bay hãy vào dò la tình hình trong làng. Dù sao chúng bay cũng mới vào nghề đạo chích, phải hết sức cẩn thận đừng sơ hở. Hễ thấy nhà nào có máu mặt, thì hãy tìm thật kỹ xem có cửa sổ nào có thể phá được để chui vào, nhà ấy có nuôi chó giữ nhà hay không. Đã nghe rõ chưa hả Kamaemon?

-Dạ!

Kamaemon vội đáp. Tên ăn trộm này hôm qua còn là thợ đúc nồi hay ấm trà gánh đi bán rong.

-Ebinojo, nghe rõ chưa?

-Dạ!

Ebinojo đáp lời đầu đảng. Cho đến ngày hôm qua hắn còn là thợ làm khóa, làm các loại khóa cho các nhà, như khóa cửa kho, khóa rương hòm tủ.

-Thế nào, Kakube?

-Dạ!

 

Kakube còn là một cậu bé con, cất tiếng đáp. Đây là cậu bé múa sư tử tên Kakube từ Etsugo tới. Cho đến ngày hôm qua cậu còn làm các trò như trồng chuối hay lộn người ở trước cửa các nhà để được thưởng một vài xu.

 

-Nghe chưa Kannataro?

-Dạ! Kannataro đáp. Hắn là con trai một người thợ mộc, cho đến ngày hôm qua hắn vẫn còn làm cổng cho các đền miếu chùa chiền.

-Nào, tất cả hãy đi đi. Ta là đầu đảng, nên sẽ ở lại đây hút thuốc mà đợi chúng bay.

 

Thế rồi bọn kẻ trộm đàn em của tên đầu đảng đi vào trong làng Hananoki. Kamaemon thì giả làm người đúc nồi, Ebinojo giả làm thợ khóa. Kakube thổi sáo kêu réo rắt như là tiếng sáo của đoàn múa lân, Kannataro giả vờ làm thợ mộc.

 

Khi bọn đàn em đã đi rồi, tên đầu đảng ngả mình nằm trên cỏ nơi ven bờ sông, phì phèo hút thuốc đúng như hắn đã nói với bọn đàn em, mặt mũi trông đúng là phường đạo chích. Tên này từ lâu đã trộm cắp, phóng hỏa đốt nhà người ta.

 

“Cho đến hôm qua ta là tên trộm đơn thân độc mã chỉ có một mình, hôm nay lần đầu tiên trở thành đầu đảng của một bọn kẻ trộm. Làm đầu đảng thích thật, công việc đã có bọn đàn em, mình chỉ việc nằm dài mà chờ như thế này. “

 

Tên đầu đảng chẳng có việc gì làm, lẩm bẩm nói một mình. Lát sau, đàn em tên Kamaemon quay về.

-Đầu đảng, đầu đảng!

Tên đầu đảng nghe gọi, từ trong bụi hoa azami ngồi bật dậy.

-Đồ phải gió, làm ta giật mình.

Tên đàn em mới vào nghề vội vàng xin lỗi:

-Vâng, xin lỗi đầu đảng.

-Sao..? Tình hình trong làng thế nào?- Đầu đảng hỏi.

Dạ.Thưa đầu đảng, tuyệt lắm ạ. Có, có ạ.

-Có gì?

-Có một ngôi nhà rất đường bệ. Nồi thổi cơm ở nhà ấy to đến có thể thổi được đến ba đấu gạo. Đem đi đúc được khối tiền xu đấy ạ. Rồi còn có chiếc chuông treo ở chùa nữa, cũng khá to, cái ấy đem phá đi thì trước hết sẽ làm được 50 cái ấm trà. Tôi đã nhìn là không nhầm được. Nếu đầu đảng không tin thì tôi sẽ làm cho mà xem.

-Nhảm nhí. Đừng có lên mặt ta đây.- Đầu đảng đe nẹt tên đàn em.

-Mày vẫn không bỏ được máu nhà nghề của tên thợ đúc, hỏng kiểu. Ai lại đi tìm toàn nồi nấu cơm với chuông hả? Lại còn cầm trong tay cái xoong thủng thế kia nghĩa là làm sao?

-Dạ, cái này là khi tôi đi qua trước nhà kia, thấy trên bụi cây hàng rào của nhà ấy có treo cái xoong này. Tôi mới nhìn xem thử thì thấy có lỗ thủng đưới đáy xoong. Thấy thế, tôi đã quên khuấy rằng mình là kẻ trộm, nên đã bảo bà chủ nhà rằng chỉ cần trả 20 xu, là tôi sẽ hàn cái xoong này cho bà.

-Sao mày lại đểnh đoảng đến thế chứ. Chung qui cũng vì không chịu nhập tâm rằng nghề của mình nay đã là nghề đạo chích rồi.

 

Đầu đảng dậy đỗ đàn em thế, rồi ra lệnh:

-Bây giờ hãy đi rà soát khắp làng lại một lần nữa cho thật kỹ vào.

Kamaemon bèn lại đi vào trong làng với cái xoong thủng vung vẩy trên tay.

 

Tiếp tới là Ebinojou quay về.

-Thưa đầu đảng, làng này tệ quá ạ.

Ebinojou nói ra chiều ngao ngán.

-Nhà kho ở đây không có cái khóa nào ra hồn cả. Chỉ toàn là loại khóa đến trẻ con cũng bẻ được. Khóa như thế thì làm ăn gì được.

-Mày bảo làm ăn là làm gì hả?

-Dạ, là làm ..thợ khóa ạ.

-Mày vẫn không bỏ được máu nhà nghề của thợ khóa.-Đầu đảng nạt nộ.

-Dạ, tôi xin lỗi ạ.

-Một làng như thế không phải là đúng chỗ cho bọn ta hành nghề hay sao? Có nhà kho, lại chỉ có loại khóa đến trẻ con cũng bẻ được thì dễ cho ta biết mấy. Đồ đoảng! Đi xem lại một lần nữa đi.

-Ừ nhỉ. Làng như thế này thì mới dễ làm ăn chứ nhỉ.

 

Ebinojou lại đi vào trong làng, vừa đi vừa trầm trồ thán phục lời dậy dỗ của đầu đảng.

 

Người trở về sau đó là cậu thiếu niên Kakube. Kakube vừa đi vừa thổi sáo, nên từ dưới bụi cây đằng xa chưa trông thấy bóng dáng cậu, đầu đảng cũng biết đó là cậu.

-Mày định cứ thổi sáo kêu réo rắt thế mãi đến bao giờ hả? Đi ăn trộm thì phải tránh đừng để phát ra tiếng động mới phải chứ!

Bị đầu đảng mắng, Kakube liền ngưng thổi sáo.

-Mày đã xem xét được gì rồi?

-Dạ cháu đi mãi dọc theo bờ sông thì thấy một căn nhà nhỏ có trồng đầy hoa diên vỹ trước vườn.

-Thế à. Rồi sao nữa?

-Dưới mái hiên nhà ấy có một ông lão râu tóc đều bạc phơ cả.

-Vậy à. Thế có vẻ gì như là ông lão ấy có hũ đựng tiền giấu dưới hàng hiên không?

- Dạ, ông lão ấy đang thổi một chiếc sáo bằng tre ạ. Tuy chỉ là cái sáo tre tầm thường thế mà tiếng sáo hay lắm ạ. Cháu chưa bao giờ nghe có tiếng sáo nào hay như thế, nên mê mẩn đứng nghe, thế là cụ già đã thổi liền đến ba bài thật dài cho cháu nghe. Để đáp lễ lại ông cụ, cháu bèn lộn bảy vòng liên tiếp cho ông cụ xem.

-      Dài dòng quá! Rồi sao nữa?

-Cháu mới khen cái sáo ấy tiếng hay quá, thì ông cụ mới chỉ cho cháu chỗ có bụi tre dùng làm ống sáo được. Ông cụ bảo là đã dùng tre ở đấy để làm sáo. Thế rồi cháu đi đến chỗ bụi tre mà ông cụ đã chỉ cho. Quả thật toàn là loại tre để làm sáo rất tốt, cả trăm gốc tre đều mọc thẳng tắp.

-Có truyện cổ tích kể rằng trong ruột ống tre có tiền vàng sáng chói. Thế.. có cái gì như tiền rơi ra không?

-Rồi cháu lại tiếp tục đi dọc theo bờ sông, đến một ngôi chùa nhỏ của các ni cô. Trước sân có một cái miếu nhỏ có chăng hoa, ở giữa có đặt một bức tượng Phật nhỏ. Có đông người đi lễ chùa đang múc nước trà amacha  của các ni cô mà tưới lên bức tượng Phật (*) nhỏ chỉ bằng ống sáo của cháu. Cháu cũng đến tưới một gáo nước trà lên tượng Phật, rồi được cho uống một chén trà. Nếu mà có sẵn chén uống trà thì cháu đã bưng về cho đầu đảng một chén rồi.

-Hỏng! hỏng! Chưa có đứa ăn trộm nào mà ngờ nghệch như mày. Ở những chỗ đông người như thế, thì phải để ý nhìn vào ngực áo hay ống tay áo của họ, đó là chỗ cất hầu bao, nghe chưa! Thằng ngốc! Đi dò la lại một lần nữa xem nào! Hãy để ống sáo kia lại đây rồi đi đi.

Kakube bị mắng, bèn để ống sáo lại trên bãi cỏ, rồi lại đi vào trong làng. 

 

Người về sau cùng là Kannatarou.  

Chưa gì đầu đảng đã hỏi phủ đầu ngay:

-Mày cũng chẳng dò la được gì phải không?

-Không đâu ạ. Làng này có nhà giàu, có nhà giàu đấy ạ.

Kannatarou hớn hở nói. Nghe nói có nhà giàu, tên đầu đảng mặt tươi hẳn lên. 

-Hả? Có nhà giàu à!  

-Vâng, nhà giàu, nhà giàu ạ. Nhà to lớn đường bệ lắm ạ.

-Thế ư.

-Trần phòng khách của nhà ấy làm bằng một tấm ván gỗ tuyết tùng ở xứ Satsuma. Bố tôi mà trông thấy tấm ván này thì thích phải biết, tôi nghĩ thế nên cứ ngây người ra ngắm.

-Hả? Chuyện của  mày chán chết! Thế mày định đến gỡ cái trần nhà ấy ra hay sao hả?

Bấy giờ Kannatarou mới sực nhớ ra rằng mình đã thành đồ đệ của trùm đạo chích, và hiểu ra rằng làm đồ đệ của kẻ trộm mà như thế thì thật là đểnh đoảng, mặt mày tiu nghỉu, vội cúi gầm mặt xuống. Và thế là Kannatarou lại phải đi vào làng dò la tình hình lại một lần nữa.

 

Đầu đảng một mình ở lại nằm dài trên cỏ, ngửa mặt nhìn trời lẩm bẩm:

- Mệt quá! Đứng đầu một lũ ăn trộm thế này, xem ra cũng chẳng được thanh nhàn.

 

2

Bỗng có tiếng kêu ầm ĩ của một bọn trẻ con:

-Kẻ trộm!

-Kẻ trộm!

-Xông vào! Đánh cho nó một trận đi!

Cho dù đó là giọng trẻ con, nhưng nghe nói vậy tên đầu đảng cũng không khỏi giật mình kinh hãi, bật dậy ngay. Và trong một thoáng hắn liền nghĩ xem nên nhẩy ùm xuống sông, bỏ trốn sang bờ bên kia, hay chui vào trong bụi rậm mà ẩn nấp.

 

Thế nhưng lũ trẻ con vừa quay tít mẩu dây thừng hay đồ chơi giả làm chiếc côn trong tay, vừa chạy ra phía đằng kia. Thì ra bọn trẻ đang chơi trò kẻ trộm.

-Tưởng gì! Hóa ra là trò chơi của trẻ con!- Đầu đảng chưng hửng nói.

“Dù là trò chơi, ai lại chơi trò kẻ trộm, không được. Trẻ con bây giờ càng ngày càng trở nên hư hỏng. Cái điệu thế này thì về sau cũng chẳng làm nên trò trống gì.”

Đầu đảng lẩm bẩm một mình như thế mà quên khuấy rằng mình chính là kẻ trộm, Rồi lại nằm lăn ra trên bãi cỏ. Bỗng từ phía sau lưng có tiếng gọi:

-Bác ơi!

 

Đầu đảng quay đầu nhìn lại thì thấy một đứa bé trai kháu khỉnh chừng bảy tuổi tay dắt một con bê đang đứng đó. Cậu bé mặt trắng trẻo và nhìn thanh tú không có vẻ gì là con nhà nông. Có lẽ đây là một cậu ấm theo thằng nhỏ giúp việc ra ngoài đồng chạy nhảy, và đã xin nó cho cầm sợi dây chăn bò cũng nên. Nhưng lạ một điều là đôi chân nhỏ nhắn trắng trẻo xinh xắn của cậu bé lại đi đôi dép rơm, như những người lữ khách đường xa.

-Bác giữ con bê này nhé!
chăn trâu

 

Đầu đảng chưa kịp nói câu nào, cậu bé đã trao cho hắn sợi dây thừng xỏ mũi bò mầu đỏ. Đầu đảng lúng túng toan nói câu gì ấy, nhưng chưa kịp thì cậu bé đã bỏ chạy, đuổi theo lũ trẻ đang chơi đùa.

 

Cậu bé đi dép rơm muốn làm bạn cùng chơi với lũ trẻ kia, cứ thế mà đi mất, không hề ngoảnh đầu lại. Còn đang lơ đãng chưa làm gì cả thì đã được trao cho một con bê, đầu đảng vừa nhìn con vật vừa cất tiếng cười hí hửng.

 

Bê con là giống vật thường hay chạy nhẩy tung tăng trên đồng, chăn bê cũng vất vả lắm, thế nhưng con bê này có vẻ rất hiền lành, thỉnh thoảng lại mở to đôi mắt mọng ướt chớp chớp mấy cái, lơ đãng đứng yên bên cạnh đầu đảng. Đầu đảng hí hửng cười to, tiếng cười như vang lên từ trong ruột gan và bật ra ngoài, không làm sao kềm giữ lại được.

-Thế là mình lên mặt với bọn đàn em được rồi. Sẽ nói rằng trong lúc chúng bay còn vác cái mặt đần độn đi khắp làng trên xóm dưới mà chưa được tích sự gì, thì ta đã trộm được con bê này. Hí hí hí.

 

Đầu đảng cười hả hê, cười đến chảy cả nước mắt.

-Ơ...Lạ chưa kìa, mình cười quá thành ra chảy cả nước mắt.

Thế nhưng nước mắt hắn cứ chảy ra mãi không ngừng.

-Ơ, quái lạ thật! Sao lại thế này! Sao mình lại khóc? Thế này thì cứ như là đang khóc thật rồi còn gì!

 

Vâng, đúng thế. Tên đầu đảng đang khóc thật. Hắn cảm thấy sung sướng. Lâu nay hắn vẫn bị mọi người nhìn bằng con mắt ghẻ lạnh. Hễ thấy hắn đi qua, ai nấy đều làm như là đang có kẻ gian đi tới mà vội vàng buông rèm hay đóng xập cửa lại. Hễ hắn lên tiếng bắt chuyện với ai, thì những người đang cười nói chuyện trò vui vẻ liền vội quày quả bỏ đi, như thể họ bỗng chợt nhớ ra công chuyện gì vội vàng gấp gáp lắm không bằng. Ngay cả đến cá chép đang nổi lên mặt nước hồ, mà hễ thấy hắn đứng trên bờ hồ là cá liền chao người lặn xuống nước ngay. Có lần hắn thấy con khỉ trong gánh xiếc đang được chủ cõng trên lưng, bèn đưa cho khỉ một hạt hồng, thế mà khỉ ta chẳng thèm ăn, còn ném hạt hồng xuống đất. Ai cũng ghét hắn. Không ai thèm tin hắn cả.

 

Thế nhưng nay đứa bé đi dép rơm này đã nhờ một tên kẻ trộm như hắn trông hộ con bê, đã xem hắn như một người hiền lương. Hơn nữa, cả con bê con cũng không ghét hắn, mà ngoan ngoãn đến gần cọ mình vào người hắn, như thể tưởng hắn là bò mẹ cũng nên.

 

 Từ đứa bé đến con vật đều tin tưởng hắn. Đây là lần đầu tiên trong đời, tên đạo chích được người đời đối xử như thế. Được người khác tin tưởng, mới sung sướng làm sao.

 

Tâm hồn của đầu đảng lúc này đã trở nên đẹp đẽ. Tâm hồn của đầu đảng khi còn thơ cũng đã từng đẹp đẽ như thế, nhưng sau đó qua nhiều năm tháng đã trở nên xấu xa. Đã lâu lắm rồi, đầu đảng mới có lại được một tâm hồn đẹp đẽ như vậy. Một điều thật kỳ diệu, như thể vừa được thay chiếc áo bẩn thỉu đầy cáu ghét, bằng một chiếc áo đẹp lộng lẫy. 

Nước mắt của đầu đảng cứ trào ra mãi cũng chính là vì vậy.

 

Chẳng mấy chốc, màn chiều buông xuống, ve ngừng kêu, sương chiều lặng lẽ tỏa lan ra trên khắp các cánh đồng. Bầy trẻ con đã đi xa, tiếng gọi chơi trò ú tim

-Trốn xong chưa?

-Chưa, đợi đã.

hòa lẫn vào những âm thanh khác, không còn nghe rõ nữa.  

 

Đầu đảng đứng đợi và nghĩ bụng có lẽ cũng đến lúc đứa trẻ quay trở lại, và định sẽ vui vẻ trả lại cho nó con bê.

-Bê của cháu đây.

Để nó không biết rằng hắn là kẻ trộm.

 

Thế nhưng, tiếng của bầy trẻ đã mất hút vào trong làng, mà đứa bé vẫn chưa quay trở lại. Trăng bắt đầu lên trên làng quê, sáng vằng vặc, như soi trên tấm gương bằng đồng mà người thợ làm gương mới vừa đánh bóng loáng. Cánh rừng bên kia đã bắt đầu vang lên tiếng cú kêu.

 

Không biết có phải vì thấy đói bụng hay không, bê con cọ mình vào người đầu đảng. Đầu đảng vừa xoa nhẹ trên sống lưng bê con, vừa lẩm bẩm dỗ dành, nước mắt vẫn lưng tròng:

-Mày cố nhịn đói vậy nhé, chứ ta làm gì có sữa cho mày bú.

 

Đúng lúc ấy, bốn tên đồ đệ cùng về tới.

-Thưa đầu đảng, chúng tôi đã về. Ơ, sao đầu đảng có con bê con này thế? Ồ, thế ra đầu đảng của chúng ta không phải là kẻ trộm tầm thường. Trong lúc chúng ta còn đang sục sạo trong làng thì đầu đảng đã làm một màn thật ngoạn mục rồi.

 

Kamaemon vừa nhìn con bê con vừa nói thế. Đầu đảng thì vẫn quay mặt đi để khuôn mặt đầm đìa nước mắt của mình khỏi bị nhìn thấy, mà nói:

-Ừ…Ta cũng định nói thế để lên mặt tự hào với chúng bay, nhưng thật ra thì không phải thế đâu.

- Ơ, đầu đảng khóc à?

Ebinojou hỏi, giọng trầm hẳn xuống.

Đầu đảng lấy ống tay áo dụi mắt bảo:

-Ừ, hễ mà đã bị chảy nước mắt rồi là nó cứ chảy mãi ra thế đấy.       

Kannatarou hăm hở nói:

-Thưa đầu đảng, xin đàn anh hãy vui lên, lần này bốn đứa chúng tôi đã tỏ ra có bản lĩnh kẻ trộm hẳn hoi, đã sục sạo khắp nơi, thế nên Kamaemon đã tìm thấy năm ngôi nhà có ấm đun nước trà bằng vàng, Ebinojou thì điều tra được năm cái khóa nhà kho, và biết chắc là có một cái khóa đã bị cong có thể mở được, thợ mộc là tôi thì đã dùng cái bào này tìm ra được năm bức vách sau nhà có thể chọc thủng dễ dàng, Kakube thì tìm được năm bức tường rào có thể đi cà kheo bước qua được.

Thế nhưng, đầu đảng chẳng đáp lời, mà chỉ bảo họ:

-Ta được nhờ giữ hộ con bê này. Nhưng bây giờ không biết làm sao, vì đã đến giờ này mà vẫn chưa thấy đứa bé gửi giữ hộ quay trở lại. Chúng bay hãy chịu khó chia nhau đi tìm đứa bé đã gửi con bê này cho ta được không.

 

Kannatarou, với vẻ mặt như vẫn chưa tài nào hiểu được lời của đầu đảng, hỏi lại:

-Thưa đầu đảng, đàn anh định trả lại con bê này à?

-Ừ.

-Kẻ trộm mà cũng làm thế sao ạ?

-Chuyện này có duyên cớ hẳn hoi. Ta phải trả lại con bê này thôi.

     

Kannatarou bèn nói:

-Thưa đầu đảng, đàn anh phải tỏ ra có bản lĩnh kẻ trộm hơn nữa mới được chứ ạ!

Tên đầu đảng dở khóc dở cười, mới bắt đầu kể lại sự tình cho bọn đàn em nghe. Sau khi nghe rõ nguồn cơn, tất cả bốn đồ đệ đã hiểu rõ tâm trạng của đầu đảng. Thế là họ bèn cùng đi tìm đứa bé. Trước khi tản đi, bốn đồ đệ hỏi lại cho chắc:

-Đứa bé chừng bảy tuổi, kháu khỉnh dễ thương, chân đi dép rơm, phải không ạ?

Đầu đảng đứng ngồi chẳng yên, tay dắt bê, cũng đi tìm.

Năm tên kẻ trộm dắt một con bê đi tìm đứa bé khắp làng quê, dưới ánh trăng thấp thoáng có hoa tầm xuân và hoa trắng nở đầy đồng.

 

Đứa bé ấy có thể còn chơi trốn tìm mà nấp ở đâu đấy, nên họ đã tìm kỹ dưới hiên của ngôi đền có chim cú kêu, hay trên cành cây hồng,  trong các kho chứa, dưới bóng cây quýt thơm phức. Họ cũng thử hỏi thăm mọi người. Nhưng rốt cuộc vẫn không tìm thấy đứa bé. Các nhà nông đã thắp đèn lồng lên để soi nhìn con bê của họ, nhưng ai nấy đều bảo rằng khắp vùng chưa hề trông thấy con bê này bao giờ.

-Thưa đầu đảng, có đi tìm suốt đêm cũng uổng công vô ích, thôi chúng ta đừng tìm nữa.

Ebinojou mệt phờ, ngồi xuống trên hòn đá bên vệ đường, nói thế.

Nhưng đầu đảng vẫn không chịu bỏ cuộc.

-Không được, dù thế nào ta cũng muốn tìm cho ra đứa bé ấy để trả lại cho nó con bê này.

Kamaemon bèn thưa:

-Không còn cách nào nữa, ngoài một cách còn lại là đến khai báo với chức sắc trong làng. Thế nhưng, hẳn là đầu đảng đâu có muốn đi đến đó phải không ạ?

 

Chức sắc trong làng là những người cũng có phận sự như trương tuần, canh gác tuần tra trong làng.

-Ừ, ừ nhỉ.

Đầu đảng ra chiều đăm chiêu nghĩ ngợi. Thế rồi, một lát sau, đầu đảng xoa đầu con bê mà bảo:

-Vậy thì ta đi đến đó vậy.

 

Đoạn bước đi. Đám đồ đệ hết sức kinh ngạc nhưng không biết làm sao hơn là đi theo.

Đến nhà chức sắc trong làng, bọn trộm thấy một ông già đeo cặp kính trễ xuống tận sống mũi, bước ra, thì cũng tạm yên tâm. Là vì họ nghĩ bụng rằng, như thế thì hễ có bề gì, họ chỉ cần xô ông cụ ngã mà bỏ chạy.

 

Tên đầu đảng kể lại chuyện đứa bé đã gửi con bê cho mình giữ hộ và nói:

-Chúng tôi không biết phải làm thế nào vì không còn thấy bóng dáng đứa bé ấy đâu nữa.

Cụ già nhìn mặt bọn họ, hỏi:

-Các anh không phải là người trong vùng, mà từ đâu đến vậy?

-Chúng tôi là người từ Edo, đang đi về hướng tây ạ.

-Các anh không phải là kẻ trộm chứ?

Đầu đảng vội vàng chối bay chối biến:

-Không đời nào ạ. Chúng tôi đều là kẻ thợ đang đi tha phương cầu thực thôi ạ. Thợ đúc nồi, thợ mộc và thợ làm khóa ạ.

 

Ông cụ bèn xin lỗi họ:

-Các anh tha lỗi cho lão đã hỏi một câu ngớ ngẩn. Các anh không thể là kẻ trộm được. Kẻ trộm thì không đời nào đem trả lại. Kẻ trộm thì ai gửi giữ hộ cái gì là chúng được dịp lấy luôn của người ta. Các anh đã có lòng tốt, mất công đem đến gửi lại, mà lão lại hỏi môt câu ngớ ngẩn. Cũng tại lão làm công việc canh giữ làng, nên có tật nhìn người bằng con mắt ngờ vực. Nhìn ai cũng nghi ngờ không chừng đó là kẻ lừa đảo bịp bợm hay cướp giật. Các anh đừng buồn nhé.

Ông lão phân trần rồi nhận sẽ giữ hộ con bê, đoạn sai anh người làm dắt bê vào nhà kho.

 

Ông cụ chức sắc trong làng bảo họ:

-Các anh đi đường xa chắc là mệt rồi phải không. Lão có chai rượu ngon của người ta biếu, đang định ra hàng hiên uống rượu ngắm trăng. Các anh tới thật đúng lúc. Hãy ở lại uống rượu với lão nhé.

Thế rồi ông cụ dẫn năm tên kẻ trộm ra ngồi nơi hàng hiên.

 

Rồi họ bắt đầu uống rượu. Năm tên kẻ trộm và ông lão cười nói vui vẻ thân mật như thể họ đã quen biết nhau từ mười năm trước.

Đầu đảng của bọn trộm chợt nhận ra là mắt mình đang đẫm lệ. Ông lão chức sắc trong làng thấy thế thì cười ha hả mà bảo hắn:

- Nhà anh mau nước mắt nhỉ. Lão thấy người nào hay cười đấy rồi lại khóc đấy, thì lão buồn cười lắm, anh đừng giận nhé. 

Rồi ông cụ hả miệng cười vang.

Đầu đảng vừa chớp mắt vừa nói:

-Nước mắt là cái mà dù mình không muốn khóc nó vẫn cứ chảy ra mãi cụ ạ.

Thế rồi năm tên trộm cảm ơn cụ già, và chào từ biệt ông cụ.

 

Ra đến cổng, tới gốc cây hồng, đầu đảng bỗng đứng lại như thể vừa sực nhớ ra điều gì.

Kannatarou hỏi:

-Đàn anh để quên cái gì rồi, phải không ạ? 

-Ừ, ta quên một điều. Chúng bay cũng hãy cùng ta quay trở lại.

 

Đầu đảng nói rồi lại dẫn đồ đệ trở vào nhà ông cụ. Đến bên hiên nhà, hắn quỳ gối hai tay đặt trên nền nhà mà cúi đầu xuống.

Cụ già cười vang, hỏi:

-Gì thế này. Anh làm gì mà cảm động thế. Anh đã hay khóc, lại còn có tài nghệ gì hay hơn nữa hả?

Tên đầu đảng thưa:

- Chúng tôi quả thực là kẻ trộm. Tôi là đầu đảng, còn đây là các đồ đệ của tôi.

Cụ già nghe nói thì hai mắt tròn xoe.

Đầu đảng nói tiếp:

-Vâng, cụ ngạc nhiên cũng phải. Tôi vốn cũng không hề có ý khai thật thế này đâu ạ. Thế nhưng vì cụ là người tốt bụng, đã tin tưởng mà đối xử với chúng tôi như với người lương thiện, khiến tôi càng không thể nào cứ lừa dối cụ mãi được.

 

Nói đoạn đầu đảng thú nhận tất cả những việc làm bất lương của hắn lâu nay. Cuối cùng đầu đảng thưa:

-Thế nhưng mấy đứa này thì mới trở thành đồ đệ của tôi từ ngày hôm qua thôi, chúng chưa làm điều gì xằng bậy. Xin cụ làm ơn tha thứ cho chúng nó.

 

Sáng ngày hôm sau, các anh thợ đúc nổi, thợ làm khóa, thợ mộc, và cậu bé múa sư tử Kakube rời làng Hananoki, mỗi người đi về một hướng. Họ vừa đi vừa hơi cúi đầu vì nghĩ tới người đầu đảng, và nghĩ mình đã gặp được một người đầu đảng thật tử tế. Họ nhủ lòng sẽ phải nghe theo lời căn dặn cuối cùng của đầu đảng: « Từ nay không được làm kẻ trộm nữa »

Kakube nhặt ống sáo nằm trên bờ sông lên, vừa đi vừa thổi réo ra réo rắt.

 

4                                                                                                                                                                

Thế là năm tên kẻ trộm đã cải tà quy chánh, nhưng không biết đứa bé đã thành duyên cớ khiến họ cải tà quy chánh là ai. Dân làng Hananoki đã đi tìm đứa bé giúp dân làng thoát nạn ăn trộm, nhưng cũng chẳng thấy tăm hơi                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                đâu cả, nên cuối cùng họ bèn kết luận rằng có lẽ đó là bức tượng Phật Địa tạng được dựng dưới chân cầu ở làng này từ xưa. Bằng cớ là đứa bé ấy chân đi đép rơm. Là vì người làng này thường hay thay dép rơm cho bức tượng Phật Địa Tạng, mà đúng vào ngày hôm ấy thì người làng cũng vừa mới đi vào chân của tượng một đôi dép rơm còn mới.

Địa Tạng

 

Phật Địa Tạng đi dép rơm và đi được quả là chuyện lạ, nhưng trên đời cũng có thể có những chuyện lạ như thế lắm chứ. Vả lại dù sao đây cũng là chuyện xẩy ra lâu rồi, chẳng rõ thực hư. Nhưng nếu quả là như thế, thì đó là vì dân làng Hananoki ai cũng tốt bụng, nên Phật Địa Tạng đã giúp họ khỏi bị nạn trộm cắp. Và như vậy thì làng quê là một nơi mà mọi người ở đấy ai cũng tốt bụng cả.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           

Quỳnh Chi dịch (25/2/2024)

Niimi Nankichi (1913-1943) nhà văn chuyên viết truyện nhi đồng.

(*) Tục lệ “Quán Phật hội” (Tưới nước lên tượng Phật) vào ngày Phật đản mồng 8 tháng 4.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc