HẦM TRÁNH BOM CỦA EM - Quỳnh Chi dịch

20 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 54254)



tokyo-1945-content


Chiến tranh bao giờ cũng để lại những vết thương đau tàn khốc cho con người. Trong cuộc thế chiến thứ hai, quân đội Thiên Hoàng của Nhât Bản đã gây bao tang tóc khi tiến chiếm các nước Á Châu, để lại những oán hận ngút trời mà cho tới nay vẫn chưa hoàn toàn hóa giải được. Nhưng đời sống là một giòng sông, những giòng nước mới chảy về cuốn đi tất cả những giòng nước cũ, xóa tan đi những rác rến còn vương lại. Không ai có thể quay về quá khứ để sửa chữa những điều sai lầm đã làm, nhưng có thể lấy đó làm bài học để những sai lầm ấy không bao giờ được tái phạm. Nhật Bản có lẽ đã học được bài học này. Nhìn lại quá khứ, trên khía cạnh nhân bản , dân chúng Nhật trong thời chiến cũng đã phải chịu biết bao nhiêu tang thương, hãi hùng và đau khổ. Người dân bao giờ cũng là những nạn nhân đáng thương nhất cho chính sách của một chính phủ. Chúng ta không thê thù ghét một dân tộc, mà chỉ chống đối những chính phủ bạo tàn đã nhận chìm người dân trong những thảm cảnh bắt nguồn từ lòng tham lam, sân hận và ngu si của con người.


NB




Hầm tránh bom của em



Nguyên tác: Boku no Bokugo của Nosaka Akiyuki,


 

Ngày 15 tháng 8 năm Showa thứ 20 (1945).


Nhật Bản thua trận, không còn phải lo chạy trốn đôi cánh của những máy bay như B29 cất cánh từ hàng không mẫu hạm ngoài khơi Thái Bình Dương, bay vào oanh tạc.


Trước sau ngày 20, việc quản chế đèn lửa dần dà được bãi bỏ, quả là đã lâu lắm rồi khi chiều xuống mới lại thấy ánh lửa ấm cúng điểm tô phố phường.


Lâu nay, sắc màu tô điểm cho màn đêm là ngọn lửa thiêu rụi tất cả mọi thứ trên mặt đất, hay ánh đèn hiệu của B29.


Bóng tối trong đống đổ nát sau khi ánh lửa đã tắt thật không gì tối bằng.


Quản chế đèn lửa có nghĩa là cửa sổ phải treo màn đen, bóng đèn cũng phải bịt vải đen, tuyệt đối làm sao cho ánh sáng không lọt ra ngoài.


Vì vậy, thành phố về đêm trong thời chiến quả là tối âm u, phải mò mẫm mà đi. Tuy nhiên nếu đem so với đống đổ nát hiu quạnh, thì dù sao, nhờ có người sống ở đấy, mà ta vẫn cảm thấy là một bóng đêm ấm cúng, còn nếu chỉ có đống đổ nát thì đó là một bóng đêm rợn người tưởng chừng như sắp có ma quái hiện ra.


Khi đã có ánh đèn leo lét lọt ra từ đống đổ nát hay những chòi nhỏ được dựng tạm lên trong tro tàn dổ nát ấy, người ta cũng bắt đầu lấp lại những chiếc hầm tránh bom trước đó đã được đào ở khắp mọi nơi.


Hầm tránh bom hay hầm lánh nạn, như tên gọi của nó, là để khi bị oanh tạc thì người ta chui xuống đấy để tránh những mảnh bom, hay những viên đạn cao xạ, bắn đi từ các máy bay chiến đấu cất cánh từ hàng không mẫu hạm.


Ví dụ như một quả bom rơi từ độ cao 250 ki lô mét xuống, sẽ đào một cái hố sâu đến 10 mét, đường kính miệng hố khoảng 20 mét, làn hơi nóng của bom và những mảnh bom nổ tỏa ra bốn phía rộng cả trăm mét. Lúc ấy mà ở trên mặt đất, bị trúng bom là chết liền, nhưng nếu nấp được dưới mặt đất, nghe thấy tiếng nổ thì kinh thiên động địa là vậy nhưng phần lớn là thoát chết.


Các cuộc không kích xuống các thành phố của Nhật phần lớn dùng loại bom cháy, nên các hầm trú ẩn này không có hiệu quả lắm, ngược lại nhiều khi chui vào hầm rồi không biết là ngọn lửa bom cháy đang lùa vào hầm, không có lối thoát ra, nên bị ngạt thở mà chết.


Nhưng đến năm Showa 18 (1943), cho dù một mặt vẫn cho dân chúng nghe toàn những tin vui “ Thắng trận”, “Thắng trận”, nhưng Bộ chỉ huy quân đội cũng đã đoán trước được rằng Mỹ sẽ không kích, đã giương biểu ngữ đại thể là“ Cứ phòng bị là khỏi lo”, phát động khích lệ dân chúng đào hầm tránh bom.


Hầm tránh bom có nhiều loại, hầm làm dưới nền nhà, hầm làm dưới mặt đất có mái, hay hầm cửa ngang kiểu hang động. Ngoài ra mỗi nhà còn dành ra một căn phòng, kê tủ gỗ kê áp sát tường và che kín tất cả các cửa sổ để làm phòng trú ẩn.

 

Phần lớn các hầm tránh bom thường được đào dưới nền nhà, bằng cách nâng chiếu tatami lát sàn nhà lên, khoét một lỗ vuông trên sàn gỗ phía dưới chiếu để trông thấy mặt đất ở dưới, từ đó người ta mới đào được hố dưới nền nhà.


Nhìn từ trên xuống, miệng hầm phải rẽ ngoặt sang một bên, tạo thành một góc vuông, và hầm còn phải ăn thông ra vườn.


Đó là để sau khi nâng chiếu tatami lên mà chui xuống hầm, nếu nhà bị sập thì có thể thoát ra khỏi hầm được, miệng hầm tạo thành góc vuông là đề giảm bớt hơi nóng của bom phả vào.


Đào hố ở phía dưới gầm sàn nhà như thế thật là vất vả. Là vì dùng xẻng đào đất mà phải ngồi xổm, và không thể buông thang dây xuống hố được. Nhà nào có đàn ông thì còn đỡ, gia đình nào có người chủ gia đình đã bị động viên nhập ngũ, thì những người còn lại ở nhà giống hệt như những tù nhân đang tìm cách vượt ngục trong phim ảnh, ngày ngày dùng chiếc xẻng xúc đất làm vườn trồng cây, mà cào xới mặt đất rắn đanh.


Trong khi mọi người còn chưa biết rõ địch sẽ không kích như thế nào, lại thêm Bộ chỉ huy quân động thì cứ khoa trương rằng “Ta đã canh phòng cẩn mật, không một chiếc máy bay nào của địch có thể lọt vào Thần quốc được”, thi cũng dễ sinh ra lạc quan nghĩ rằng có đời nào mà bom lai rơi xuống nhà mình được. Tuy vậy, có thể là do bản năng tự vệ, nhà nào nhà nấy hễ nghe nói phải đào hầm sâu một mét mà hầm nhà mình chỉ như cái rãnh, thì cũng hoang mang; hoặc nghe nói phải lát ván dưới đáy hầm để phòng hờ có nước phun hay chảy ra, thế là họ liền lấy miếng ván lát trong nhà tắm ra cắt lại theo kích thước đáy hầm mà lát hầm. 


 Trong những nhà như thế, có một căn nhà nọ ở ngoại ô của một cậu bé, có một chiếc hầm tránh bom rất khang trang, vốn đã được đào từ lâu. Cũng phải thôi, là vì bố cậu bé nhập ngũ từ năm Showa thứ 17(1942), đã đào sẵn cái hầm này cho gia đình trước khi lên đường. 


Cậu bé mới vừa đến tuổi đi học, tan học về đến nhà, thấy bố cậu lẽ ra đã đi đến sở như mọi ngày, thì hôm ấy lại ăn mặc như các bác phu làm đường, đang ngồi uống trà với mẹ. Hơn nữa, mấy chiếc tủ trong nhà đã được đẩy đi chỗ khác, còn tấm chiếu tatami lát nền nhà chỗ trước giờ vẫn kê tủ đã được gỡ lên, để dựng tựa vào cột nhà.


Cậu bé hỏi:

-Sao thế ạ?


Bố cậu đáp

-Bố đang đào hầm.

-Hầm à?


Mắt cậu bé sáng rỡ, nghĩ đến những tầng hầm của cửa hiệu bách hóa hay của các rạp chiếu phim chuyên dùng để chiếu phim tài liệu tin tức. Nhưng cậu bé không hiểu tại sao nhà mình lại làm thêm tầng hầm, giống như những nơi ấy như thế.


Cậu rụt rè dòm qua lỗ hổng trên tấm ván sàn nhà đã được cắt thành hình chữ nhật. Một mùi lạ bốc lên, đất mới được đào lên, có lẫn với đất có màu trắng, nhìn kỹ thì hóa ra trên mặt đất có hai vạch kẻ trắng để đánh dấu.


Bố uống một hớp trà xong bèn chui xuống dưới dưới gầm nền nhà, cúi lom khom có vẻ tù túng, và cứ ngồi xổm như thế, miệng vừa hô lấy đà, vừa dùng hai chân ấn lưỡi xẻng cắm phập xuống đất . Cậu bé đứng nhìn hồi lâu cũng muốn giơ tay ra giúp. Cậu đã từng đào đất trên bãi đất bỏ hoang gần nhà, lấy cát đắp đường hầm trên bãi biển, cánh tay của cậu đã quen với chuyện đào đất rồi.


Nghĩ thế rồi cậu muốn làm thật, bèn hỏi:


-Hay để con giúp bố.


Mẹ nghiêm mặt ngăn lại:


-Không được, nguy hiểm con ạ.

 

Chiếc xẻng cắm phập xuống đất kêu sột xoạt, thỉnh thoảng chạm phải viên sỏi lại phát ra một tiếng “cạch “ khô khan sắc lạnh.


Bố đào đất mãi đến tối vẫn không nghỉ tay, mùi đất ở dưới sàn nhà và mùi mồ hôi xộc vào tận mũi cậu bé. Bố ở trần, bắp thịt trên chiếc vai trần trắng trẻo của bố nổi cuộn lên theo từng động tác. Thế nhưng bố đào mãi mà vẫn chưa thành hình căn hầm, mẹ nói có vẻ như chờ lâu đã nản: 


- Thôi mình đừng đào nữa, để tôi làm tiếp sau vậy


 Nhưng bố không đáp. 


Sáng hôm sau, cậu bé vào buồng tắm định rửa mặt thi thấy đường rãnh của gạch men ốp tường hơi có mầu đất, cậu nghĩ bụng: “À, sau đó bố đã vào tắm”, cậu ra chiều đã hiểu, và mùi của đất trở về trong ký ức. 


 Ngày hôm ấy, rồi cả ngày hôm sau nữa, bố lại chui xuống dưới sàn nhà, hì hục đào mãi, căn phòng hình thành dưới đất, nhưng có vẻ giống với chiến hào.


Đất đào lên được vun cao lên quanh miệng hố. Hố đào sâu rồi thì bấy giờ người đào đất đã có thể xoay xở dễ dàng hơn. Đất xúc lên đấy ắp xẻng, được hắt ra chung quanh thành một đống. 


Cậu bé hỏi dò:


-Bố làm chiến hào à?

-Con cũng biết chiến hào là gì rồi sao?


Bố ngừng tay, ngước lên nhìn cậu bé..


-Con biết chứ, chiến hào là nơi binh lính ra vào, bắn súng kêu đùng đùng, để diệt trừ quân địch, phải không bố?

-Ờ nhỉ. Nhưng cái này không phải là chiến hào mà là hầm tránh bom con ạ

-Hầm tránh bom à?


Bất giác cậu bé làm ra vẻ như không hiểu, tuy thật ra cậu đã có lần nghe qua cái tên gọi này rồi, Đúng như là cái gì mà có tường bê tông kiên cố lắm, lại có cái gì giống như cửa thông hơi của nhà vệ sinh, và cậu nhớ là đã xem ảnh chụp nữa rồi.


-Để khi nào bị máy bay oanh tạc, thì mẹ với con sẽ vào đây, khỏi bị bom. mà bảo toàn được tính mạng. 

-Vậy à..


Cậu bé ngơ ngác, không hiểu bố nói gì.


Mất năm ngày đào xong hầm, bố đóng đinh các thanh ngang vào chỗ sàn nhà đã cắt , làm thành cánh cửa nắp hầm. Bố cũng lắp một cánh cửa vào lỗ thoát hiểm trổ bên hông chỗ cởi giầy ra vườn trước.


-Thỉnh thoảng không xem xét thì đất trong hầm bị lở không chừng, nên thuê thợ mộc lấy ván chắn phòng ngừa đất lở.


Bố dặn thế, xong mẹ làm thinh không đáp. 


Cậu bé rất lấy làm hãnh diện vì bố cậu, vì tổ quốc, sắp lên đường đi dẹp tên Mỹ đáng ghét kia, nhưng mẹ của cậu thì rất buồn. Đêm trước ngày bố lên đường tòng quân, họ hàng thân thuộc kéo đến dự tiệc chúc mừng tiễn đưa. Cậu bé ngày thường vẫn phải đi ngủ sớm, mà hôm ấy cũng thức cùng với người lớn, được ăn bao nhiêu là xôi đỏ chỉ dọn trong các tiệc mừng. Hôm bố lên đường, cậu là người đứng hàng đầu trong đám người trong phố đến tiễn đưa. Toàn là những chuyện vui.


Cậu bé không biết rằng hễ ra chiến trường thì mình giết địch, nhưng phía mình cũng bị trúng đạn của địch, cũng bị oanh tạc.


Bố đi ra trận rồi, ở nhà cậu bé cũng không có gì đổi khác. Chỉ có điều là mẹ hay nói hơn trước, hay bảo cậu rằng “ Con phải chững chạc lên, bố đang nhìn kìa ”, nhưng cậu không hiểu gì cả. Cậu đảo mắt nhìn khắp nơi, không biết bố ở đâu mà đang nhìn cậu. Cứ mười ngày hai mẹ con lại lên đền một lần, mẹ bảo cậu với nét mặt nghiêm nghị rằng lên đền để cầu xin cho bố được “võ vận trường cửu” , nhưng cậu chẳng hiểu “võ vận trường cửu” là gì cả.


 

Năm cậu bé lên lớp ba trường Quốc dân Học hiệu, thì ngay sau đó bố đã tử trận quang vinh. Có thư báo gửi về nhà cho biết, bố cậu đã bị vô số địch quân bao vây tại một vùng nào đó trên lục địa Trung quốc, bố cậu đã ôm ghì lấy khẩu súng liên thanh mà bắn xối xả vào quân địch, nhờ vậy đã dành ưu thế cho chiến dịch của quân ta. Cậu bé hơi thất vọng vì hóa ra không phải là bố đã đi đánh Mỹ. Thế nhưng trong lễ chào cờ buổi sáng, ông hiệu trưởng đã tuyên dương rằng “Quỷ thần cũng phải kinh ngạc trước cái chết dũng tráng “ của bố cậu. Sau đó ít lâu , lại có thư đóng triện hẳn hoi của người chỉ huy đơn vị của bố gửi về nhà, truy phong bố cậu là “ Một tấm gương sáng cho quân sĩ của Thiên hoàng “.

 

Dù vậy, cậu bé vẫn không có cảm giác là bố đã mất. Thỉnh thoảng các bà trong xóm, thường quấn chiếc tạp dề trắng, hỏi cậu “ Bé buồn lắm phải không. Bố bị tử trận mà “. Cậu đáp rằng “ Cháu không buồn đâu ạ, vì hễ đến đền Yasukuni là gặp được bố mà”. Nhưng thực ra cậu đã đến đền Yasukuni mấy lần rồi nên cậu cũng biết rằng ngôi đền ấy với bố cậu không có liên quan gì với nhau cả. Chỉ có điều, cậu bé biết rằng cứ nói thế thì mọi người sẽ trầm trồ khen ngợi.


Bố mất được chừng ba tháng sau, dân chúng trong xóm bỗng xôn xao vì tin Saipan một hòn đảo xa của Nhật bản trên Thái Bình Dương bị thất thủ, chắc chắn rồi các thành phố trên đất liền cũng sẽ bị máy bay của địch bay đến oanh tạc. Người ta bỗng cuống quýt lo luyện tập cách phòng chống oanh tạc, bắt đầu chuyển quần áo chăn màn đến nơi sơ tán, các nhà bỗng hối hả lo làm hầm tránh bom, giống như cái hầm mà bố cậu đã làm.


Cái này khác với xe hơi hay máy điều hòa không khí, đã đến nước này, khi hữu sự, nó sẽ là chỗ dựa cuối cùng, nên tất cả đầu ráo riết bỏ công làm hầm có nắp đúng theo qui cách là đắp ụ đất trên nóc hầm lên cao đến 1 mét, mỗi lần tập lánh nạn phải cho trẻ con và người già vào đấy nên họ đem vào hầm cả chăn nệm, và còn chú ý che chắn đề phòng đất lở nữa. 

 

 

Lúc đầu, phải một mình xuống chiếc hầm tối âm u, cậu bé sợ lắm. Nhưng khi đã quen dần, hình ảnh của bố khi đào chiếc hầm này hiện ra thật linh động trước mắt cậu, cậu còn như nghe thấy cả cả đến tiếng xẻng bổ xuống đất kêu sột xoạt.


Ngồi trong hầm tối tù mù lờ mờ, cậu bé nghe thấy rõ tiếng các bà đang chuyền cho nhau những xô nước, tiếng kêu kin kít của chiếc cần bơm nước ở giếng , tiếng hô như lệnh vỡ của ông tổ trưởng trong xóm đang chỉ huy tập phòng không. Nhìn những dấu xẻng còn sót lại trên tường hầm, cậu như trông thấy rõ những bắp thịt nổi cuộn trên vai bố. Khi đã quen với hơi đất ẩm ướt xông lên, cậu còn ngửi thấy rõ mùi mồ hôi của bố còn quyện lẫn trong hơi đất.

 

“ Bố ơi”,cậu bé thử lên tiếng gọi. Tức thì, “Diệt địch!”, cậu nghe thấy tiếng hô của đội trưởng, nghe cả thấy tiếng súng liên thanh nã đạn liên hồi tạch tạch tạch vang lên trong căn hầm. 


Trước lằn đạn của địch quân đang bay tới trong màn mưa, bố từ dưới chiến hào chồm lên, bắn trả lại, không hề nao núng.


“Bố cố lên nhé !”.


Bất giác cậu bé kêu to, cổ vũ. Bố nhoẻn miệng cười nói chở che:


“Đừng lo, bố khỏe mà”


Chẳng biết từ bao giờ cậu bé đã dán mình vào thành hầm tránh bom, trừng mắt mở to trong bóng tối dưới hầm và nín thở, định bụng hễ mà địch tới gần thì cậu sẽ báo ngay cho bố biết.

 

Có tiếng mẹ trên nhà vọng xuống:


-Tập xong rồi, ra khỏi hầm mau, ở dưới ấy nhiều hơi đất ẩm độc lắm!


Cậu bé giật mình, xong vẫn cứ ngồi yên một lát, thì có tiếng cằn nhằn của mẹ, có vẻ như sốt ruột lắm rồi. 


- Đi rửa tay rồi ăn cơm ngay đi, cho mẹ còn phải đi tập phòng không tối nay.


Cậu bé hỏi lại:


- Thế mình có lại xuống hầm nữa không hả mẹ?


Nhưng câu trả lời của mẹ đã làm cậu cụt hứng:


-Buổi tối thì trẻ con không phải tập, mà đi ngủ đi! 

 

Buổi tối, cậu nằm trên nệm rồi, toan tiếp tục diễn lại cảnh ở chiến trường với bố, nhưng trời nóng oi bức khó ngủ làm cậu nhớ hơi ẩm mát lạnh dưới đất, bèn định bụng ngày mai đi học về sẽ chui ngay xuống hầm. Nghĩ ra được như thế rồi lát sau cậu mới ngủ được. 


 

Ngày thường nắp hầm tránh bom ở trong nhà thường đóng chặt. Như đã định từ tối hôm qua, cậu bé đi học về bèn cởi giày ra để bên cạnh, mở nắp hầm rồi chui xuống. Tuy giữa ban ngày mà dưới hầm gần như tối đen như mực, cậu bé liền nằm sấp áp mình xuống đất mà nhích tới từng chút một, tai nghe thấy tiếng đạn của quân địch xé bầu không khí bay tới.


 “Này Bé ! Hình như mình bị địch bao vây rồi, hai bố con mình phải bám chặt trận địa, quyết tử thủ nghe con!”


Bố bảo thế.


“Vâng! “


Cậu bé dõng dạc đáp


“100 mét thì con chạy được trong vòng bao nhiêu giây?” 


“Xem nào.. 22 giây bố ạ.“


Mấy hôm trước thầy giáo ở trường đã đo tốc độ chạy cho cậu bé.


“22 giây à, thế thì chậm quá, biết có chạy qua được lằn đạn này hay không!”


“Bố định làm gì thế ạ?”

“Bố muốn gọi viện quân tới“

“Vậy để con chạy đi gọi..“

“Khoan đã! Để bố xem có cách nào khác. Bố nhờ con giữ khẩu súng liên thanh này nhé!”


Bố dòm vào kính viễn vọng quan sát tình hình của địch, còn cậu bé nghe theo lời bố đã ôm lấy khẩu súng to tướng mà bắn xối xả tạch tạch tạch về phía địch.


 “Này Bé, con đói bụng rồi phải không?” 


Bố lấy sô cô la và kẹo từ trong ba lô đeo sau lưng đưa cho cậu bé, cậu ngậm vào miệng, vị ngọt tỏa ra khắp người. khiến cậu bất giác cất tiếng suýt soa, thì căn hầm bỗng sáng bừng lên.


-Con làm cái gì dưới ấy, lên đây mau!


Mẹ đang ở trên miệng hầm dòm xuống quát. Mẹ lại bảo: 

-Lương thực để dưới hầm là chỉ để phòng khi bị bom, phải trốn ở dưới ấy thôi. Thức ăn sống sót chưa nấu nướng gì ăn vào không tốt đâu.


Hình như mẹ tưởng cậu bé định lục lọi lấy các thứ như hộp sữa đặc với khoai phơi khô, củ cải phơi khô cất dưới hầm. Cậu bé đã không cãi lại rằng không phải thế. Là vì, cậu nghĩ rằng nếu mẹ biết cậu xuống hầm để chuyện trò với bố thì còn xấu hổ hơn.


Từ đó, cậu bé thường đợi lúc mẹ vắng nhà là cậu lén chui xuống hầm, không chỉ chơi trò giao chiến nơi chiến hào với bố, mà còn cùng bố lái máy bay chiến đấu, hay ở trên chiến hạm bắn súng đại bác. Đấy là những giây phút thật vui thích đối với cậu. Thế rồi, đến năm Showa 20 (1945), đảo chính Honshu của Nhật Bản thực sự bị địch quân oanh tạc, mỗi ngày mấy bận cậu bé đã không còn phải lén lút mà đương nhiên xuống hầm, mẹ cũng cùng xuống hầm với cậu,nhưng riêng cậu thì vẫn lén cùng với bố đánh địch.


“Đã có hầm tránh bom này thì cho dù có mấy B29 tới đây cũng không hề gì. Hầm do bố làm mà lại.”

“Ờ, nhưng phải chi đắp thêm đất thì tốt hơn nhỉ.”

“Vâng, mình làm cho kiên cố hơn ạ.”


Cậu bé bèn lấy chiếc xẻng đồ chơi cũ mà nện đất ở mép hầm.

-Không được, không được làm thế!


Bị mẹ mắng, cậu bé bèn lén dùng nắm tay đập lên tường, cố làm cho hầm vững chắc hơn. 


Mỗi khi còi hụ báo máy bay địch đã đi rồi, khi chui trở lên mặt đất, cậu bé thầm lên tiếng chào bố “Thưa bố, con bay đi trinh sát đây ạ“. Còn mỗi khi trở lại hầm , cậu lại chào thưa với bố: “Thưa bố, con mới về”. Cậu đã cùng với bố làm cho máy bay B29 của địch nhiều phen khốn đốn - chiếc máy bay mà thực ra cậu mới chỉ xem trong ảnh - và đã tóm được cả lính của không quân Mỹ nhảy dù xuống chạy trốn. Giữa các trận đánh, cậu đã được bố dẫn đi nào ra biển, nào lên núi. Thế rồi máy bay oanh tạc của địch đã bay đến sát khu phố của cậu, tiếng nổ thực sự của những quả bom từ máy bay thả xuống đã dội vào thành hầm chống bom. Mỗi lần như thế mẹ đều ôm chặt lấy cậu bé, nhưng thật ra cậu chẳng thấy sợ hãi chút nào.


Là vì lời dặn dò đầy sức chở che của bố đã vang lên bên tai cậu::


“ Địch đến khá gần rồi đấy, nhưng Bé ạ, đây là ta dụ cho địch tới gần để rồi sẽ diệt chúng hết sạch luôn một thể đấy.“


 

Chiến tranh kết thúc, khu phố của cậu bé may mắn không bị cháy vẫn còn nguyên. Mẹ cậu thẫn thờ ngơ ngẩn ít lâu, rồi như hoàn hồn trở lại, cho kê cóng lại đâu vào đấy những bàn ghế đã dùng để làm rào cản chống đỡ nhà khi bị oanh tạc, và rồi mẹ chuẩn bị lấp hầm tránh bom.


Cậu bé phản đối:


-Mẹ đừng lấp hầm! 


-Không sao, con cứ yên tâm, từ nay không còn bị oanh tạc nữa đâu con ạ. Con sợ cũng phải, hãi thực.


Mẹ vừa nói vừa lấy xẻng ra xúc đất, nhưng đàn bà làm sao đủ sức mà làm việc ấy. Cậu bé đi học về nhìn chiếc hầm đã bị lấp được phân nửa, thì thầm lên tiếng gọi “Bố ơi!” , thế nhưng mãi không thấy bố trả lời.


Thế rồi đến ngày chủ nhật, hai người đàn ông mà mẹ đã thuê, kéo đến hùng hục ra sức lấp hầm. Lúc đào hầm phải mất năm ngày trời, thế mà bây giờ, chỉ có nửa ngày sau là nền nhà lại chỉ còn là mặt đất bằng phẳng như cũ.


“ Thật là ..hết chỗ nói! Bắt người ta phải làm một cái vớ vẩn như thế này để bây giờ phải lo lấp đi.“


Bọn họ lầm bầm trong miệng như thế, cầm lấy món tiền công mẹ trả, rồi ra về.


Cậu bé cãi thầm:


“Không phải là một cái vớ vẩn đâu đấy.“


Cậu bé nước mắt đầm đìa, cúi dòm xuống qua tấm ván sàn vẫn còn được nâng lê, nhin nền đất vừa được lấp lại dưới sàn nhà, và chợt hiểu rằng bố cậu đã chết thực rồi. Nhìn bài vị hay ảnh bố trên bàn thờ, cậu chẳng bao giờ tin rằng bố đã chết, thế mà nay nhìn nền nhà đã được lấp lại bằng phẳng, và rồi nghĩ từ nay không còn được nghe tiếng bố ở dưới đó nữa, cậu bé buồn và tủi cho mình vì cái ý nghĩ thầm mong phải chi mà chiến tranh và các cuộc oanh tạc cứ tiếp diễn. 

 

Hòa bình đã về, ánh đèn rực sáng trở lại khắp phố phường.


Chỉ riêng cậu bé là bị bỏ rơi, lẻ loi với nỗi buồn của cậu


 

Nguyên tác: Boku no Bokugo của Nosaka Akiyuki


Quỳnh Chi dịch


(28/8/2009)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc