NGƯỜI SĂN ĐUỔI CÔ ĐƠN - Ngọc Bảo

25 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 52180)


ta_la_ai-content



NGƯỜI SĂN ĐUỔI CÔ ĐƠN


 

 Đã hơn bốn mươi năm trôi qua kể từ ngày tôi bước chân du học nơi xứ Nhật. Như những bức ảnh đã nhạt mầu, kỷ niệm giờ cũng phôi pha như ký ức của một kiếp nào đó còn vương lại. Nhưng người ta nói rằng, đến một lúc nào đó, ký ức của quá khứ sẽ dần dần xâm chiếm ký ức của hiện tại. Có phải vì thế mà lúc này tôi lại trở về với sở thích của những ngày thật xa xưa, từ hồi còn trung học, là thích xem phim Nhật. Cũng vì cái "tội" thích xem phim Nhật đó mà tôi đã nuôi mộng du học bên Nhật, nhưng thường thường thực tế bao giờ cũng phũ phàng hơn mộng tưởng, và khi biết được thì bao giờ cũng đã muộn.

 

 Dù sao, những ngày sống ở Nhật Bản cũng đã góp phần làm nên con người của tôi ngày nay, và dù muốn dù không, trong thâm tâm tôi vẫn xem đó là chốn quê hương của một thời. Gần đây, bà chị lớn của tôi trong dịp về chơi Cali bỗng nói với tôi rằng: "Chắc bây giờ cô thấy qua Nhật học là tốt phải không?" Không hiểu chị tôi vì lý do gì mà nói như vậy, có thể là sau chuyến đi Nhật năm kia chị đã thay đổi cái nhìn về Nhật Bản chăng, vì tôi nhớ hồi xưa chị đã phản đối chuyện đi Nhật của tôi, nói rằng: "Sao không đi Mỹ, đi Âu Châu học mà đi Nhật làm gì?" Vì quả thật, khi về nước lúc ấy, những người đi Mỹ, đi Pháp về thường chiếm ưu thế hơn trong công ăn việc làm, cũng như ngôn ngữ Anh, Pháp thường được xử dụng nhiều hơn.

 

 Nhớ lại buổi sáng đầu tiên ở Nhật, tôi hơi thất vọng vì không thấy cảnh đường phố phồn hoa đô hội, các tòa nhà tráng lệ đẹp đẽ ở đâu cả, mà chỉ toàn thấy những mái nhà thấp, những ngõ hẹp và một mầu xám ảm đạm. Đó là lúc tôi được một anh senpai (tiền bối) khả kính dẫn đi tìm nhà, và đã tìm được "bến đậu" an lành ở Arakawa House, một cư xá cho nữ sinh viên ngoại quốc ở Bunkyo-ku do ông bà Arakawa làm chủ, rất gần trường đại học Tokyo. Khu phố chung quanh cũng chỉ là những dẫy nhà xưa cũ. Chỉ khi được dẫn đi Ginza mua sắm rồi đi dạo phố phường, nhìn thành phố hoa lệ trong màn đêm huyền hoặc với những ngọn đèn xanh đỏ chiếu lập lòe trên các building cao tầng, tôi mới cảm thấy sự huy hoàng của một bầu trời mơ ước trước đây, và đồng thời trong lòng bỗng dấy lên một mối lo buồn khó tả. Giấc mơ ngày nào đã được thực hiện, nhưng con đường trước mặt có lẽ không trải hoa như mong muốn, mà sẽ có nhiều thử thách chông gai, và tôi hoàn toàn bơ vơ, xa gia đình, xa người thân lần đầu tiên trong đời.

 

0001-content

 

 

 Rồi ngày tháng cũng trôi qua trong dòng đời luân chuyển sinh động của Tokyo. Tôi đậu kỳ thi nhập học vào cả hai trường mong muốn, Waseda và Keio, nhưng đã chọn Waseda, một phần vì có các senpai Việt Nam học cùng ngành ở đó. Cũng là một giấc mơ thành tựu, nhưng cuộc đời du học ở Nhật có lẽ cũng như lời của một bản nhạc Việt Nam, "có trăm lần vui mà cũng có vạn lần buồn". Một năm Nhật ngữ ở trường Kokusai, với vốn liếng chữ Hán rất khiêm nhường, quả thật là "thiên nan vạn nan" khi nhập học chung với các sinh viên Nhật. Những ngày đầu tôi nhìn lên bảng mà "mắt ngấn lệ" vì đọc mãi không thể hiểu được những giòng chữ ngoằn ngèo mà ông thầy "vẽ" lên trên ấy. Phần lớn các lớp học của tôi lại rất ít nữ sinh viên, và tuy rằng nhiều lúc tôi thấy mình là "hoa lạc giữa rừng gươm" như trong phim kiếm hiệp ngày nào, nhưng chẳng có anh hùng nào ra tay nghĩa hiệp cả, vì các samurai này người nào cũng nhút nhát và bối rối, và tôi cũng không hơn gì họ. Sau này, tôi "đổi chiến thuật" làm quen với mấy tay "chân chỉ hạt bột" nhất với cặp kính dầy cộm, chuyên môn ngồi bàn đầu ghi note rất cẩn thận. Từ đó tôi không phải chiến đấu vất vả như những ngày đầu nữa, mà ung dung ngồi hưởng nhàn, chờ lớp học xong là có sẵn note để chép lại. Biết đâu có lẽ nhờ vậy mà mấy tay "chân chỉ hạt bột" này viết chữ đẹp và nắn nót hẳn ra, thay vì viết tháu, viết thảo như vẽ bùa?

 

 Mấy năm đầu khó khăn tưởng chừng như dài đằng đẵng nhưng rồi qua mau như chớp mắt. Nhưng chính những điều khó khăn ấy lại là những điều đáng nhớ nhất. Giờ nghĩ lại có thể thấy vui cười được, nhưng năm đầu tiên mỗi lần đến giờ thể dục, môn học bắt buộc trong hai năm đầu, là cả một sự đau khổ đối với tôi. Xưa nay chân yếu tay mềm, chưa từng chơi môn thể thao nào, giờ lại bắt buộc phải chọn một môn thể thao. Vốn không biết bơi và nhát nước, mặc dù cả một thời niên thiếu đã ở thành phố biển Nhatrang, tôi không dám chọn môn bơi lội, mà chọn đại "Soft ball" cho phái nữ, tưởng đó là một môn nhẹ. Ai dè môn đó nói là "soft" mà chỉ là nhẹ hơn dã cầu (yakyu: baseball) thôi, mà tôi hoàn toàn chẳng biết ấp giáp gì về môn này cả. Mỗi lần đi ra tập là cứ như ngáo, không hiểu phải làm gì, đi tới đâu, được thua thế nào cũng chẳng biết. Không kể là trong giờ thể dục lúc đầu, tôi không thể nào bắt kịp được với đám nam nữ sinh viên Nhật khỏe như voi, mỗi lần chạy ba vòng trong stadium là bao giờ tôi cũng chạy lẹt đẹt theo sau, trong khi đám sinh viên kia chạy nhanh như gió cuốn, thoáng một cái đang từ đàng trước bỗng thấy ở đàng sau tôi, bởi vì họ đã chạy hết vòng rồi mà tôi vẫn còn ì ạch chưa tới đâu cả!

 

 Một kỷ niệm đáng nhớ khác là lớp kinh tế sử, môn học hắc búa nhất mà ông thầy cũng nổi tiếng là hắc búa. Môn học này lại là môn bắt buộc. Môn này khó là vì quá nhiều chi tiết và ngôn ngữ khó hiểu, nhất là chữ Hán. Ngay cả các sinh viên Nhật cũng sợ môn này, và nghe nói rất ít người được ông thầy chấm điểm "ưu" bao giờ. Tôi cảm thấy như mình không thể nào qua được, nhưng còn nước thì vẫn còn cố tát. Gần đến ngày thi, tôi đánh bạo lên xin ông thầy cho thi bằng tiếng Anh. Ai ngờ ông thầy lúc thường trông khó đăm đăm nhưng lại rất tử tế với tôi. Ông đưa cho tôi một quyển sách tiếng Anh mỏng để học thi trong đó. Hóa ra ông cũng để ý đến sự hiện diện của tôi trong lớp, lúc nào cũng chăm chỉ đi học, ngồi bàn đầu mà dường như chẳng hiểu mô tê gì cả. Kỳ thi đó tôi được chấm điểm "ưu", và trong những kỷ niệm học trò ngày đó, có lẽ không có gì làm tôi vui hơn!

 

 

 bao-waseda_1-content

 

 

 Người Nhật tuy lịch sự nhưng bao giờ cũng giữ khoảng cách đối với người ngoại quốc. Tuy cũng có giao tiếp với các bạn Nhật, tôi vẫn thấy thoải mái và dễ thân tình hơn với các lưu học sinh khác cùng trường, và đã kết bộ ba với Savitri, một cô bạn Indonesia lai Nhật và Chin, một anh bạn Hongkong, thường hẹn gặp nhau trong những giờ trống hay giờ ăn trưa. Hồi đó ngoài nước Nhật ra, các nước Á Châu khác đều là nhược tiểu nên dễ thông cảm nhau hơn. Chin thường nói với tôi: "Xứ sở của chúng mình đều gặp những hoàn cảnh đáng buồn như nhau!" Chẳng biết bây giờ Chin nghĩ ra sao về tình trạng Hongkong của anh nhỉ?

 

 Điều may mắn là trường Waseda có một bộ phận chuyên lo cho các sinh viên ngoại quốc rất chu đáo, và mỗi mùa hè tôi đều tận dụng chương trình du ngoạn tổ chức cho các sinh viên lưu học, nên đã được đi khắp nước Nhật, từ Hokkaido cho đến Kyushu. Những chuyến đi chơi ấy đã cho tôi thấy những nét đẹp của xứ sở hoa anh đào, từ phong cảnh cho đến con người.

 

 Những kỷ niệm ngày cũ có rất nhiều, nhưng ở giai đoạn này của cuộc đời, cũng chẳng cần nhớ hết làm gì. Tuy nhiên, có một điều không hẳn là kỷ niệm, cũng không phải là điều để nhớ, nhưng tôi cứ nhớ mãi trong đầu cho đến ngày nay. Đó là tựa đề một cuốn phim mà tôi đã đi xem cùng với vài người bạn.

 

 Thú vui đi xem phim ở rạp chiếu bóng là thú vui mà tôi đã có từ hồi nhỏ. Qua đến Nhật, tôi vẫn còn thú vui đó. Tuy nhiên, tôi lại không đi xem phim Nhật như hồi nhỏ từng đam mê, mà chỉ thích xem phim ngoại quốc như Mỹ, Pháp. Phim ngoại quốc chiếu ở Nhật thường nói tiếng ngoại quốc và có phụ đề tiếng Nhật. Lúc đầu có hơi khó khăn đối với tôi, khi vừa nghe tiếng Anh hay tiếng Pháp, vừa đọc tiếng Nhật. Nhưng dần dần, càng ngày tôi càng thấy mình đọc tiếng Nhật nhiều hơn là nghe tiếng Anh. Bây giờ ngược lại, mỗi lần xem phim Nhật tôi lại phải đọc phụ đề tiếng Anh mới hiểu hoàn toàn được.

 

 Ngày hôm ấy chúng tôi đi xem một phim Mỹ có tựa đề là "The heart is a lonely hunter" (Trái tim là một người săn đuổi cô đơn). Đó là một cuốn phim đang nổi tiếng ở Mỹ, nội dung có vẻ đen tối, nặng về tâm lý, khiến người xem cũng cảm thấy một nỗi u uẩn nào đó. Tuy nhiên, tôi không để ý đến nội dung cuốn phim, mà chỉ nhớ tựa đề. Dường như sau khi xem cuốn phim đó, tôi bỗng nhận ra một điều gì thật thấm thía trong tựa đề này. Có phải trái tim tôi cũng là một người săn đuổi cô đơn, không bao giờ bằng lòng với những gì đang có, và lúc nào cũng muốn tìm kiếm một điều gì đó khác hơn chăng? Và không chỉ mình tôi, mà con người nói chung dường như cũng đều như thế, lúc nào cũng tìm kiếm một điều gì đó, và chưa bao giờ muốn ngừng lại trong cuộc hành trình cô đơn của đời người. Khi xưa, tôi đã ôm mộng du học nơi xứ hoa anh đào, nhưng khi đến rồi lại muốn tìm kiếm điều gì khác hơn, lại mơ đến một chân trời nào khác. Lúc thiếu thì mong có đủ, lúc đủ rồi thì lại thấy còn thiếu điều gì đó. Phải chăng đó là bản tính của con người?

 

 Giờ đây, ở nơi chân trời Mỹ quốc, giấc mơ của tôi ngày nào bắt đầu từ Nhật Bản dường như đã ngừng lại và trở về khởi điểm như một vòng luân hồi, qua những cuốn phim Nhật chiếu trên đài truyền hình Nhật Bản UTB phát hình cho vùng Los Angeles-Orange County hay xem trên youtube. Nhưng cũng như vòng luân hồi sau không hẳn sẽ như vòng luân hồi trước, giấc mơ của ngày sau cũng không hẳn là giấc mơ của ngày trước. Tôi đã trở về Nhật trong một chuyến đi du lịch, nhưng có lẽ chỉ một lần cũng đã đủ. Thời đại Showa là thời đại vàng son của Nhật Bản, và có lẽ cũng là thời đại vàng son đối với tôi, khi còn trong lứa tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất. Thời đại đó đã qua, có cố tìm lại chút hương xưa cũng chỉ là mộng ở trong mộng. Nhưng những ngày tháng ở Nhật đã là một gia tài trân quý mà tôi gìn giữ suốt đời. Bởi vì Nhật Bản không chỉ dạy cho tôi thêm kiến thức, mà còn dạy cho tôi những giá trị tinh thần, biết nhẫn nại và nỗ lực vượt qua những khó khăn trong đời. 

 

 Và như bà chị tôi đã nói: "Đi du học ở Nhật quả là điều tốt."

 Nihon de ryugaku shite yokatta.

 

Ngọc Bảo

Tháng sáu, mùa hè 2015

(Viết cho Exryu-Đại Hội 2016)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc