BÀI PHÁP VÔ NGÔN - Diệu Huyền dịch

01 Tháng Mười 201712:00 SA(Xem: 6602)



zen_moon



BÀI PHÁP VÔ NGÔN


Rosen Takashina (1876-1968)


Diệu Huyền dịch



 

Người xưa nói rằng: “Thà tu tập chỉ được một lóng tay còn hơn là giảng thuyết đến một sải.” Đây nói đến sự thuyết pháp bằng tự thân, qua hành động, không qua lời nói. Những bài thuyết giảng bằng văn tự và lời nói là ngón tay chỉ mặt trăng, là cú gõ cửa đầu tiên. Mục tiêu thấy là mặt trăng, không phải ngón tay, là làm cho cánh cửa mở chứ không phải là gõ cửa; một khi những phương tiện có thể làm đạt được mục tiêu thì mọi sự đều tốt đẹp. Mục tiêu một đời giảng pháp của Phật không phải chỉ là chuyển những lời nói văn tự. Kinh Kim Cương ví những bài pháp của Phật như chiếc bè, chỉ là phương tiện để đi qua bờ bên kia. Những bài pháp dùng như phương tiện sau một thời gian có thể được buông bỏ, nhưng bài pháp chân chính – không thể buông bỏ- là thân giáo, là sự thuyết pháp qua phong thái và hành động nơi thân. Bài pháp ấy là gì, có thể chân lý ấy rất sâu xa, nhưng nói một cách đơn giản có nghĩa là người ấy gợi lên niềm cảm hứng chính đáng nơi người khác. Có câu nói rằng khi một vị Bồ Tát tu tập không ngừng qua ba a tăng kỳ kiếp, vị ấy sẽ được chánh quả Phật.

 

Sau một trăm năm hiện tướng của các vị ấy sẽ trở thành trang nghiêm đẹp đẽ. Đây không có nghĩa là sự đẹp đẽ bên ngoài, mà có nghĩa là trong sự giúp đỡ người khác, cái cách hành xử để hoàn thành mọi việc là quan trọng nhất, và qua năng lực của trí tuệ và lòng từ bi mà tính cách uy nghi và nhân ái được thể hiện. Khi ngắm nhìn tướng của các vị Bồ Tát như Quan Âm và Địa Tạng, ta cảm thấy êm dịu nơi tâm, nhưng cùng lúc cũng có một cảm giác xúc động không thể chối cãi được. Khi một người luôn giữ được trong tâm những cảm giác của lòng từ bi và trí tuệ, trong tất cả mọi thời, điều đó sẽ tự nhiên phản chiếu ra hiện tướng bên ngoài, thu hút lòng ngưỡng mộ và kính trọng của người khác.


 

Điều gây cảm hứng cho chúng ta là bài pháp về phương cách ứng xử hành động của các vị Bồ Tát. Họ có năng lực làm một điều gì đó mà không cần dùng một câu nói nào, nhưng điều này không chỉ giới hạn cho các vị Phật và Bồ Tát. Cho những vị thầy tâm linh hay những môn nào khác, cho tất cả những người có vị thế quyền lực ở nhiều nơi, như người chủ một gia đình đối với những người trực thuộc ở dưới, một vị chủ nhân đối với nhân viên, tất cả đều quan trọng.


 

Một bài pháp không phải là điều gì Đức Phật nói từ ngàn năm về trước, hay được giảng từ một bục thuyết pháp nào đó trong hiện tại. Bài pháp bằng ngôn ngữ giống như những lời quảng cáo rỗng tuếch, nhưng bài pháp thực sự là khi người chủ hành xử như một người chủ chân chính, người hầu hành xử như một người hầu chân chính, và những người buôn bán hay viên chức chính quyền cũng như vậy. Tất cả mọi sự, từ con chó đến con mèo, cây cỏ, động vật hay tĩnh vật, đều có những lối đi chính đáng của nó, và khi chúng giữ đúng như vậy không dao động, đó gọi là bài pháp của hành động. 

 

Một bài thơ của Sontoku đã diễn tả điều này như sau: “Không cần ngôn ngữ hay hương nhang, trời và đất vẫn luôn lập lại những bài kinh không lời.”

 

Xưa kia Linh Vân khi thấy hoa đào nở bỗng chợt giác ngộ; và Hương Nghiêm cũng thế khi nghe tiếng hòn đá đập vào cành tre. Cũng có câu chuyện của những người đã tu tập đến lúc chín mùi và chợt bừng ngộ khi thấy cánh hoa rơi, hay chiếc lá tàn bay theo gió mùa thu. Ngay cả Đức Phật cũng đã đạt được Đại Ngộ khi ngài thấy những tia sáng lấp lánh của ánh sao mai.

 

Cũng như thế, tất cả núi sông, mặt trời mặt trăng và các vì sao, sáng hay chiều đều vẫn không ngừng thuyết pháp cho ta được giác ngộ.


 

Chúng ta phải hiểu rằng chỉ chê trách người khác là không bao giờ đem đến hiệu quả. Hãy giữ vai trò của chúng ta và thực hiện một cách đúng đắn, rồi thì cái đẹp sẽ được thể hiện một cách tự nhiên, mọi sự từ cao đến thấp sẽ được ảnh hưởng và sự hành xử của chúng ta sẽ chuyển biến thành sự hài hòa và đức hạnh.

 

Bởi vì cái ngã là do tâm tạo lập nên, thiện ác hay tốt xấu cũng do tâm mà ra (có liên hệ đến cái đẹp tâm linh hay cái xấu trong tinh thần con người), điều đầu tiên chúng ta phải làm là tập luyện tâm. Sự tu luyện sẽ làm tỏa ra một hấp lực lôi cuốn và một năng lực hiển hiện ra ngoài có ảnh hưởng đến người khác. Có nhiều cách và phương tiện khác nhau trong sự tu luyện tâm linh, nhưng hiệu quả đầu tiên là niềm tin.


 

Niềm tin của con người có thể chân thực hay giả dối, đúng hay sai, sâu hay cạn, cao hay thấp và v.v.. Khi niềm tin tôn kính nổi lên, tính chất hàng ngày của chúng ta bắt đầu tỏa sáng với ánh sáng của lòng từ bi, và cái đẹp và năng lực của Chân Tâm bừng lên, chúng ta sẽ di chuyển trong sự hài hòa với ánh sáng Phật. Khi điều này xẩy ra, những đức hạnh của Phật sẽ ngự trị trong chúng ta mãi mãi, và từ đầu đến chân những hành động của chúng ta đều phát xuất từ Phật tánh. Đó là một cuộc đời của niềm tin, và trong đó mỗi sự việc đều thể hiện những bài pháp của sự hành động.

 

Người không có niềm tin trong tâm luôn ở trong bóng tối, một bóng tối trong đó có cả trăm con quỷ đến rồi đi. Dưới ảnh hưởng của chúng, cuộc đời từ bóng tối lại chìm thêm vào bóng tối, những quy luật thiên định bị phá vỡ, con đường đi của con người bị vi phạm, và cuối cùng con người bị đau khổ sa đọa.

 

Niềm tin hoàn toàn quan trọng cho con người, và chúng ta nhận được điều đó qua tôn giáo. Có nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng ở Nhật Bản Phật giáo đã trôi chẩy hơn ngàn năm nay qua một giòng không dứt đoạn và đã đi sâu vào lòng dân tộc.

 

Nếu ngày hôm nay những người sống trong niềm tin Phật và trong tinh thần Bồ Tát giảng nói về pháp môn của hành động, chúng tôi xin bầy tỏ bài pháp vô ngôn cho mọi người trên thế giới, và đây là công việc cao thượng nhất cho ngày hôm nay.

 


Rosen Takashina (1876- 1968)


Diệu Huyền dịch



 

Lời bàn (dịch từ Daily Zen):


 

Hành động đúng hay Chánh nghiệp là một nguyên tắc trong Bát Chánh Đạo của đạo Phật. Có những hướng dẫn rất hay cho chúng ta về đời tu của vị nào đó, nhưng, sợ rằng nếu chỉ nói đến những hành động “tốt”, có thể trong một vài trường hợp chúng ta sẽ phân vân tự hỏi không biết thế nào là cách hành động cho tốt và đúng.

 

Khi đọc bài này tôi lập tức nghĩ đến một câu truyện ngụ ngôn được nghe trong khi tu tập nhiều năm về trước, câu truyện “Con rắn từ chối không rít lên”. Có nhiều mặt để ta suy nghĩ thế nào là hành động cho đúng... trong câu truyện ngụ ngôn này ta thấy có một yếu tố khác phức tạp cho việc hành động đúng. Đôi khi một phản ứng nhu hòa không luôn luôn đem lại hiệu quả tốt nhất.



“Một nhóm trẻ chăn trâu thường hay dẫn trâu đến một đồng cỏ trong đó có con rắn cực độc đang ở. Tất cả mọi người đều hãi sợ con rắn ấy. Một ngày nọ có một đạo sĩ đang đi dọc theo cánh đồng. Mấy đứa trẻ chạy đến báo cho ông biết: “Sư phụ, đừng đi theo con đường đó, có con rắn độc lắm.”

 

“Thế thì sao, hở các con?” Đạo sĩ nói. “Ta không sợ rắn. Ta biết vài câu thần chú mà.” Nói xong, ông tiếp tục đi con đường dọc theo cánh đồng. Nhưng lũ trẻ chăn trâu sợ hãi không dám đi theo ông.

 

Trong lúc đó, con rắn buông mình thật nhanh hướng đến vị đạo sĩ, đầu ngỏng thẳng lên. Khi đến gần, đạo sĩ bèn đọc câu thần chú, và con rắn nằm bẹp dưới chân ông như một con giun. Đạo sĩ nói: “Này, tại sao ngươi cứ đi hại người khác thế? Đây, bây giờ ta sẽ cho ngươi một câu chú thật thiêng liêng. Lập đi lập lại câu chú ấy ngươi sẽ biết yêu Thượng đế. Cuối cùng ngươi sẽ ngộ được Thượng đế và trừ được bản tính hung dữ của mình.” Nói xong, ông dạy con rắn một câu chú và làm lễ cho nó gia nhập đời tu đạo tâm linh.”

 

Con rắn đảnh lễ vị đạo sĩ và nói, “Bạch sư phụ, làm sao con tu tập giữ giới tâm linh?” Sư phụ nói: “Chỉ cần lập đi lập lại câu chú ấy và tránh không hại đến ai.” Trước khi đi khỏi, ông còn dặn: “Ta sẽ trở lại đây thăm ngươi”.

 

Vài ngày trôi qua, đám trẻ chăn trâu nhận thấy bây giờ con rắn không còn cắn ai nữa. Chúng bèn chơi nghịch ném đá vào nó. Con rắn vẫn không tỏ vẻ tức giận, nó nằm im như con giun. Một ngày nọ, có một thằng bé đến gần, nắm lấy đuôi con rắn và quay tròn, đập nó lên mặt đất nhiều lần và ném tung nó đi. Con rắn thổ huyết và ngất đi. Nó bị choáng váng tê liệt, không còn cử động được nữa. Tưởng nó chết, bọn trẻ bỏ đi chỗ khác.

 

Mãi đến đêm khuya con rắn mới tỉnh lại. Thật chậm chạp, với rất nhiều khó khăn con rắn mới lê mình vào cái tổ của mình; xương nó bị gẫy, nó gần như không cử động được. Nhiều ngày trôi qua. Con rắn tiều tụy chỉ còn là bộ xương bọc da. Thỉnh thoảng, ban đêm nó mới dám mò ra ngoài tìm thức ăn. Sợ mấy đứa trẻ nên nó không còn dám rời tổ của nó ban ngày. Từ khi nhận được câu chú thiêng từ sư phụ, nó đã giữ giới không còn làm hại đến ai nữa. Nó tiếp tục đời sống nhờ đất, lá và trái cây rụng.

 


Một năm sau vị đạo sĩ trở lại con đường đó và hỏi thăm về con rắn. Lũ trẻ chăn trâu nói với ông rằng con rắn chết rồi. Nhưng ông không tin chúng được. Ông biết rằng con rắn không thể chết trước khi chứng quả của câu chú thiêng liêng mà ông đã truyền lại cho nó.

 

Ông tìm đường đến cánh đồng xưa, xục xạo khắp mọi nơi, gọi pháp danh con rắn mà ông đã đặt cho nó. Nghe tiếng sư phụ, con rắn mới dám ra khỏi tổ và cung kính nghiêng mình đảnh lễ ông. Đạo sĩ hỏi: “Ngươi lúc này ra sao?”

 

Con rắn nói: “Bạch sư phụ, con cũng khỏe”. “Thế sao ngươi ốm yếu thế?” Đạo sĩ hỏi. “Bạch sư phụ, ngài dạy con không được làm hại ai. Vì thế con chỉ ăn lá với trái cây để sống thôi. Chắc vì vậy mà con ốm yếu.”


Con rắn đã khai triển được hạnh bồ tát; nó không còn biết giận ai nữa. Nó đã hoàn toàn quên mất là suýt nữa nó đã chết vào tay lũ trẻ chăn trâu nghịch ngợm kia.

 

Đạo sĩ nói: “Chỉ thiếu thốn thức ăn không thôi không làm cho ngươi đi đến tình trạng tồi tệ như thế này. Phải có một lý do nào khác. Nghĩ lại đi”. Lúc ấy con rắn mới nhớ lại bọn trẻ đã quăng và đập nó xuống đất như thế nào.

 

Nó nói: “Bạch sư phụ, con nhớ rồi. Mấy đứa trẻ kia có một ngày chúng đến ném và đập con xuống dưới đất. Bọn chúng chỉ là vô minh thôi. Chúng không nhận ra rằng con đã có sự thay đổi lớn trong tâm. Làm sao chúng biết được rằng con sẽ không cắn hay làm hại ai nữa?”

 

Vị đạo sĩ la lên: “Thật xấu hổ! Ngươi quả là đứa ngu! Ngươi không biết cách bảo vệ chính mình. Ta bảo ngươi đừng cắn, nhưng ta có cấm ngươi không được rít lên đâu. Sao ngươi không làm chúng sợ bằng cách rít lên?”

 

(trích từ Những truyện ngụ ngôn của Ramakrishna)


 

Trong những thời điểm đòi hỏi hành động đúng, đôi khi ta phải tìm cách đạt được sự chú ý của người khác trước tiên, qua nhiều hình thức khác nhau, như tiếng rít của con rắn chẳng hạn... Đây không phải là bình diện cho những giải pháp dễ dàng và đơn giản; đi tìm một nền tảng chung cho cách hành động đúng đòi hỏi sự ngừng lại – và rồi hành động từ sự tĩnh lặng trong tâm.

 

(Elana)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc