KHAI THỊ CỦA ĐẠI SƯ HÁM SƠN - Diệu Huyền dịch

14 Tháng Giêng 20236:19 CH(Xem: 2134)
chua_xua


Khai thị của Đại sư Hám Sơn

(1545-1623)

 

Nói về những chuyện đại sự như là Đạo hay chân tâm Phật tánh, chúng sanh ai cũng đã có sẵn nơi từ nguyên thủy, và lúc nào nó cũng thường trú trong mỗi người chúng ta. Điều khó là từ vô thủy tới nay ánh sáng quang minh kỳ diệu ấy đã bị che lấp bởi những hạt giống tham sân si, những vọng tưởng trùng trùng, những giòng chẩy nối tiếp nhau của các quan điểm, định kiến và tập khí sâu dầy. Vì thế, chúng ta không bao giờ có thể nắm bắt được chân lý hiện tiền, mà vẫn tiếp tục lang thang trong bóng tối huyễn hoặc của những ảo vọng về thân tâm và pháp giới. 

 

Ngày xưa, Phật và Chư Tổ hiện thân nơi thế giới này đã dùng nhiều phương tiện như lời nói và các phương pháp khác nhau để giảng dạy đạo giác ngộ. Giáo pháp của họ không có gì khác hơn là phương tiện để làm tiêu trừ những thói quen chấp trước ảnh hưởng đến tư tưởng con người. Pháp không phải là điều gì cụ thể có thể nhận biết qua giác quan và được các ngài truyền trao lại. Tu tập chỉ là một phương pháp để thanh lọc những bóng đen của tập khí trong cách suy nghĩ theo thói quen và những khởi niệm luân lưu không ngừng.

 

Nỗ lực tập trung hết sức mình cho cứu cánh này được gọi là “tu”. Nếu những tư tưởng vọng động trong tâm bỗng nhiên ngưng lại, ta có thể thấy rõ rằng bản tâm của chúng ta vốn là trong sáng, chân thật, rộng lớn, chiếu sáng, hoàn hảo và không chướng ngại. Đó gọi là “Vô”. Trong tâm “vô” ấy không có gì để mà tu tập, không có gì để giác ngộ. Tuy nhiên, những ham muốn đam mê vị kỷ chất chứa trong tâm chúng ta đã bén rễ sâu dầy rất khó để mà tẩy trừ được.

 

Bước đầu tiên ta tập trong việc tu Thiền là quên hết những kiến thức hiểu biết của mình và chỉ tập trung vào một niệm duy nhất. Tin tưởng vững chắc rằng bản tâm của chúng ta vốn thanh tịnh và trong sáng, không có một dấu vết nào hiện hình – sáng ngời, toàn hảo và hiển hiện khắp nơi trong toàn thể vũ trụ này. Từ nguyên thủy pháp thân ta vốn không có tướng, có tâm, có thế giới hiện hữu, cũng không có những vọng tưởng sai lầm hay những đam mê đắm nhiễm.

 

Hãy quán sát lại những vọng tưởng của ta khởi thủy từ đâu và chấm dứt ở đâu. Chiếu kiến những vọng niệm đến rồi đi. Hãy tập trung vào chỗ khởi điểm này và cố gắng phá bỏ những khởi động, vượt qua với hết sức mình! Nếu những vọng niệm có thể được phá bỏ, tất cả sẽ tan biến vào hư không. Nếu chưa làm được điều đó, hãy tập để không chạy theo vọng tưởng, cũng không tiếp nối lan man theo chúng.

 

Đại sư Yung Chia đã có lần cảnh cáo: “Tư tưởng tiếp nối cần phải bị cắt đứt”.

 

Đó là bởi vì những vọng tưởng điên đảo vốn là không có gốc rễ và không thật. Không bao giờ nên xem vọng tưởng như một điều gì kiên cố. Khi chúng khởi lên, hãy nhận thức ngay nhưng không nên cố dập tắt chúng. Hãy để chúng đến rồi đi như là đang nhìn theo một chiếc lá bồng bềnh trôi theo giòng nước vậy.

 

Điều bạn nên làm là hãy giữ tâm tỉnh giác như đang cầm một thanh kiếm sắc nhọn trong tay vậy. Dù thấy đó là Phật hay là ma, hãy chém nó đi như đang chặt đứt  một cuộn chỉ rối vậy. Hãy chú tâm và dùng hết sức mình kiên nhẫn đưa tâm đến tận cùng của ý thức, cố gắng tiến tới như vậy.

 

Đột nhiên, những điên đảo trong tâm đều chìm lắng

Trong ngoài, tất cả đều quang minh

Khi những cố chấp trong tâm đã phá đổ

Tánh Không bao la được thâm nhập

Ôi! tự nhiên làm sao

Hằng hà sa số những thị hiện

Đến rồi đi trong thế giới này!

 

Những người quyết tâm tu học Phật Pháp phải tin tưởng vững chắc giáo lý về Tâm. Đức Phật nói rằng: “Tất cả ba thế giới đều là tâm, mười ngàn Pháp đều là tâm thức”.

 

Tất cả Phật pháp đều là sự biểu hiện của câu nói này. Vô minh hay giác ngộ, thiện  hay ác, nhân hay quả, tất cả chỉ là ở nơi tâm. Không có một vi trần nào của bất cứ cái gì hiện hữu ở ngoài tâm.

 

Một thiền giả phải hoàn toàn gạt bỏ qua một bên những kiến thức và hiểu biết thu thập trước đây. Học thức hay trí thông minh không thể đem áp dụng được. Thay vào đó, hãy xem thế giới này như là huyễn mộng. Những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là ảo ảnh, những hình bóng trong gương, như bóng trăng phản chiếu trên mặt nước. Những âm thanh nghe thấy chỉ là âm hưởng của tiếng gió thổi qua những hàng cây.

 

Hãy nhìn tất cả những biểu hiện như áng mây bay trên trời – biến đổi và không có thực. Không những chỉ là thế giới bên ngoài mà tất cả những tư tưởng thường ngày, những đam mê, vui thú, và những ước muốn trong tâm cũng đều như thế, chỉ là giả tạm, mong manh, không có gốc rễ và phù du.

 

Bất cứ khi nào có tư tưởng nổi lên, hãy cố tìm gốc rễ của nó; đừng bao giờ để nó đi qua dễ dàng hay bị nó lừa gạt. Nếu có thể tu tập được như vậy, bạn sẽ làm được những điều đem đến kết quả vững chắc.

 

Diệu Huyền dịch từ Daily Zen Journal

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc