CŨNG LY RƯỢU MỪNG - Vũ Đăng Khuê

10 Tháng Hai 20249:23 CH(Xem: 252)

Cũng….Ly Rượu Mừng!

Mấy hôm nay, cứ lạc vào chung cư Phây thì chỗ nào cũng gặp, chỗ nào cũng có “Ly Rượu Mừng”. Đây là bài hát về Tết mà nhiều người biết….hát nhất. Chỉ một bài hát, nhưng bạn ta có thể đọc được cả trăm, cả ngàn bài “bình” về bài hát này. Mỗi người mỗi vẻ …viết theo một kiểu, kiểu nào cũng xuôi, cũng hay cả. Có lẽ đây là bài hát Tết mà được nhắc nhiều nhất trong các bài hát về Xuân. Lẽ dĩ nhiên, mình cũng đã đôi lần viết về bài hát.

Vài hàng sau đây viết về đồ dùng để “uống” để “cạn” để “nhấp” cũng phải ké bài hát vài đoạn mới thành bài viết mang hơi hướm xuân. Thực ra lấy ý từ một bài viết cũ nhưng được “tân trang” lại cho hợp tình hợp cảnh. Bạn ta đọc nhé.

Đầu bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có câu: “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi”. Giữa bài hát thì “Rót thêm tràn đầy chén quan san, chúc người binh sĩ lên đường”. Gần cuối bài hát lại có câu: “Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do”. Tôi không bàn đến nội dung hay ý nghĩa bài hát này nữa vì bạn ta đã biết. Tôi chỉ chú ý đến 2 chữ “chén” và “ly” là đồ dùng đựng chất…Cồn, có thể là bia, rượu, chứ không thể là….nước của  tác giả Phạm Đình Chương dùng trong bài hát.

“Chén” và “Ly” đều là những đồ dùng để uống hay….nhấp. Theo nghĩa rộng thì “Chén” còn dùng để ăn cơm theo tiếng Nam, tiếng Bắc gọi là “Bát”. (Mở ngoặc tí xíu thì lại thấy có chút khác biệt: Bạn ta có thể nói “Mới làm một bát phở nóng, lịm cả người”, chứ không thể thay “Chén” bằng chữ “Bát” trong câu này. Thiệt là rắc rối. Cũng quá may lúc còn dạy học, không học trò nào hỏi về sự hơi dị biệt này, có hỏi thì chắc là….ú ớ) đóng ngoặc. Nó là danh từ.

“Cơm ăn ba chén lưng lưng”. (Ca Dao)

 

Ăn một bát cơm,

Nhớ người cày ruộng,

Ăn đĩa rau muống,

Nhớ người đào ao,

(Ca Dao)

 

Nếu là động từ thì “Chén” lại mang ý nghĩa một bữa ăn, bữa nhậu…thoải mái, thường dân miền Bắc hay dùng.

 

“Hôm nào rỗi, gặp nhau “Chén” một bữa cho đã”.

 

Ngoài ra “Chén” còn có nghĩa là một thang thuốc Bắc (một hỗn hợp chung của nhiều vị thuốc Bắc sắc chung với nhau trong một lần thành thuốc uống)

 

“Hôm qua ông Lang mới cắt cho một chén thuốc, mấy ngày nay cái lưng đau quá”

 

Nói tóm lại thì “Chén” mang nhiều ý nghĩa và được sử dụng tùy theo theo trường hợp. Còn “Ly” thế nào?

 

“Ly” thường là đồ dùng làm bằng nhiều loại: thủy tinh, nhựa, giấy v.v… dùng để uống hay…nhấp chứ không lỉnh kỉnh như “Chén”. Tiện lợi thì ta dùng ly giấy, ly nhựa. Ly cũng là Cốc (theo cách nói miền Bắc). Tuy ý nghĩa hẹp hơn “Chén”, nhưng cũng phải được dùng đúng chỗ, đúng nơi, đúng lúc. Sáng thức dậy mà nhâm nhi cà phê nóng với cái ly nhựa thì coi như mất toi...buổi sáng, phải là cái tách làm bằng sành hay bằng sứ mới đúng điệu, mới thấm được trọn vẹn cái “hồn” của cà phê, “đói để” lắm thì ta dùng ly hay cốc bằng thủy tinh. Tại những tiệm fast food họ còn dùng ly giấy, cũng tạm được nhưng Tôi chưa thấy nơi nào dùng ly nhựa uống cà phê nóng, cà phê đá thì….may ra.

 

Nhớ có một lần đi chung với Lê Thiệp và Ngô Chí Dũng gặp một nhà báo Nhật, ông này rủ tụi tôi vào quán. Tôi thì không lạ, nhưng LT có vẻ lạ có lẽ thấy lần đầu. An tọa xong, thì một nhân viên nhà hàng bước đến. Ông nhà báo nói ngay: Cho tụi tôi hai chai bia. 4 cái ly được đưa ra và người này rót cho người kia, nâng ly lên và ….ực. Xong “thủ tục” này, ông nhà báo mới hỏi từng người: “Ông uống gì, whisky, sake hay bia?”. LT chọn sake nóng, tôi thì bia, Ngô Chí Dũng cũng sake nóng. Và mỗi người lại được trang bị thêm một cái “Chén” hay “Chung” theo kiểu Nhật. Uống sake phải nhấp từng ngụm, mới thấm chứ không 100% như quân ta nốc bia (tiếng Nhật gọi là 一気ikki)

Điều này chứng tỏ những chai bia đầu tiên chỉ dùng để “Chào Nhau”, xong rồi mới đi vào nội dung chính và “hồn ai nấy giữ” với đồ uống mình muốn “ực”, hay “nhấp”,

 

Bạn ta nên nhớ từ ngữ “sake” nguyên nghĩa là “Chất Cồn, Rượu”. Nếu là rượu Nhật thì phải nói là Nihon shu (日本酒), nhưng có lẽ dùng riết rồi quen, như quân ta hay gọi xe gắn máy là Honda và người Nhật gọi điện thoại cầm tay là keitai (携帯 có nghĩa là mang theo người), bỏ hẳn 2 chữ điện thoại.

Chợt nghe thấy tiếng click từ cái keitai, nhìn vào thì lại thấy có một lời chúc hiện ra: “Chúc bác và gia quyến hạnh phúc chan hòa”. Giờ này là giao thừa của xứ bạn, còn bên này thì giao thừa đã qua. Tôi chẳng có một “ý thức” gì về đêm giao thừa hay đón giao thừa cả, vì đã rời xa cội nguồn cũng trên 50 năm. Chỉ biết bây giờ đang là “Tết” khi được nghe lời chúc qua bài hát Ly Rượu Mừng từ khắp nơi, khắp chốn. Nhớ lại đầu thập niên 70, lúc mới sang Nhật, thì Tết lại trùng vào mùa đi trường, hoặc thi hậu kỳ nên ít khi được “ngửi” không khí Tết. Trước lúc Sàigon mang tên xác người,  thời gian mà Miền Nam, niềm vui chan chứa đêm mơ hồ . Miền Nam, tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ” như bài “Xuân Miền Nam” của nhạc sĩ Văn Phụng, có đôi lần ngày Tết thường ghé tòa đại sứ ở nhà ga Yoyogi, ông đại sứ với áo dài khăn đống “tiếp” các sinh viên đến thăm, trong phòng khách có một cái bàn thờ nghi ngút khói hương, bên cạnh có vài đĩa bánh chưng, giò chả. Thời đó, muốn ăn đồ Việt Nam chỉ có cách ăn ké từ mấy bạn ở Việt Nam sang, hay ở tòa đại sứ, chứ không như bây giờ, cứ cần là a lô sẽ mang đến tận nhà.


ly rượu mừngxuân miền nam


Để bắt đầu cho năm mới, năm Giáp Thìn có mấy người bạn nhắc nhở: “cẩn thận, năm tuổi của ông đấy”, không biết ra sao đây? Nếu “may” thì tốt mà “rủi” cũng chả sao, vì mấy năm nay “rủi”….suốt hóa thành quen. Thôi, bạn ta hãy và tôi cứ tưởng tượng có ly sake trước mặt và cùng nhau:

 

“Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do”

 



“Quên đi đau thương sầu nhớ
Vui ca tung gieo nguồn sống
Đắp xây tự do….”

 

https://www.youtube.com/watch?v=uNslGBQlFV0

 

nhé!

Đồng ý!

 

V.Đ.K

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc