MỖI ĐỘ THÁNG TÁM VỀ - Nguyễn Huy

06 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 49921)


hiroshima_boy-content



Mỗi độ tháng 8 về, tôi cứ nghĩ miên man, cậu bé trong hình nay còn sống hay chết.


Nếu còn sống, chắc chắn người ta đã tìm được ông.


Năm nay, Nhật Bản kỷ niệm 70 năm hai trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8, và Nagasaki 9 tháng 8.


Tôi lên mạng tìm, vẫn không thấy tin tức gì nói về cậu bé cõng em tới lò thiêu năm xưa; có chăng cũng chỉ là những dòng viết cũ: cậu bé mím môi chặt, nén đau thương, cặp mắt hướng về phía trước; đứng với tư thế như vậy khoảng 5, 10 phút… cậu đến gần những người đang mang khẩu trang, tháo cái bọc giữ đứa bé đàng sau lưng xuống, trao cho họ. Lúc đó, người ta mới biết, đứa em cậu đã chết và cậu mang tới để hỏa thiêu….


Chỉ có cậu và đứa em, vậy là bố mẹ và những người thân khác đã chết bởi trái bom tàn khốc!


Bộ đồ xốc xếch, đi chân đất… nhà cửa của cậu đã tan nát… không còn một chút gì!



Tôi ám ảnh tấm hình, đi tìm thông tin của “cậu” bao năm qua.


Đứa con gái tôi cho bố biết, từ tấm hình đó người ta đã viết lên câu chuyện thương tâm và bộ phim hoạt hình có tên… Mộ hầm đom đóm. Tôi đã xem nhưng bỏ nửa chừng vì nước mắt khi nghĩ rằng nếu hoàn cảnh của cậu là ta?


Và hôm nay tôi đã nhận ra… Đó chính là nước Nhật.


Họ đã đứng lên từ cái chết, từ những đổ vỡ, từ bàn chân đất!


Họ đã bắt đầu từ cái mím môi đè nén thương đau,


Và đôi mắt nhìn thẳng vào thực tại...


để hướng đến tương lai.



Nguyễn Huy





Vài lời mạn bàn:


Bức hình một đứa trẻ quần áo tả tơi, đi chân đất, cõng trên lưng xác đứa em gây xúc động không chỉ vì thảm cảnh khủng khiếp của chiến tranh, mà còn vì nét mặt chịu đựng, rắn rỏi của đứa bé trai đó. Một tấm ảnh nói lên sức mạnh nội tại của một đứa trẻ, mà cũng là sức mạnh của cả một dân tộc.


Một quốc gia hùng mạnh không ở nơi sự giầu có hay những tiện nghi vật chất, mà ở nền văn hóa, giá trị tinh thần của người dân trong quốc gia đó. Chính là tinh thần của người dân Nhật đã làm vực dậy một đất nước đã bị tàn phá tan hoang thành một siêu cường mà cả thế giới đều phải nể phục.


Dù hệ quả của chiến tranh có tàn khốc thế nào, dù đang ở trong tình trạng khốn đốn thế nào, đất nước ấy vẫn còn hi vọng khi nếp sống văn hóa và những giá trị tinh thần vẫn được gìn giữ. Vì đó là gia tài duy nhất mà một dân tộc có thể mang theo từ thế hệ này sang thế hệ khác, là linh hồn của một đất nước. Khi cả một nền văn hóa bị sụp đổ chà đạp, những giá trị tinh thần bị phá nát tới mức tối đa, thì dân tộc ấy quả là sẽ đối diện với một tương lai đen tối không thể nói được.


NB





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc