TIẾNG CÒI TẦU - truyện dịch Quỳnh Chi

16 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 56064)



train-content



Tiếng còi tầu


Nguyên tác “Kiteki” của Nagasaki Gennosuke

 

 

Là quân nhân tham gia cuộc chiến Châu Á Thái Bình Dương tại chiến trường Trung Quốc, sau khi Nhật Bản thua trận, tôi đã lội trong tuyết gần 400 cây số ra đến bến cảng có tàu để về nước, nên về đến nơi thì tôi đã hoàn toàn kiệt sức. Tôi được tin Yokohama, nơi có nhà của mình, đã bị không kích vào ngày 29 tháng 5, nên cho dù nhà không bị cháy, tôi cũng không biết quanh đó có bệnh viện hay không. Dù muốn gặp mẹ và cả nhà sớm được phút nào hay phút ấy, xong tôi cũng không muốn cứ thế này mà về nhà, sẽ thành gánh nặng cho gia đình, bèn quyết định là nên vào chữa trị ở quân y viện rồi hẵng về nhà sau. 


Tôi đến xin ở Cục Hỗ trợ những người từ lục địa trở về, cuối cùng cũng được giấy phép nhập viện. Họ bảo tôi hãy đến bệnh viện hải quân Omura ở tỉnh Nagasaki.


Tôi tới bệnh viện Omura, đến quầy tiếp tân trình giấy tờ của Cục Hỗ trợ người từ lục địa trở về. Cô y tá bảo:


-Chúng tôi đã được liên lạc trước, và đã dành cho ông một giường ở tầng hai rồi đấy ạ.


Đoạn cô xách hành lý cho tôi và dẫn tôi đi. Tôi đi theo sau cô y tá lên tầng hai thì gặp mấy đứa trẻ từ trên gác đang rầm rập chạy xuống.


Tôi ngửng lên nhìn mặt bọn trẻ mà giật mình. Đứa trẻ nào cũng có những mảng da sần sùi, những vết sẹo bỏng còn đỏ hon hỏn trên mặt. Bọn trẻ trông cứ như là một lũ quỷ con từ dưới địa ngục. Có đứa bé gái bị trọc lóc không còn một sợi tóc, để hở cả mảng da đầu đỏ hỏn bóng láng phía trên trán.


Có đứa mất một cánh tay, có đứa chân kéo lê từng bước, có đứa có vết bỏng ngoằn ngoèo chạy dài từ vai xuống lưng, trông như mô hình rặng núi dùng để giảng bài. Tôi quá đỗi ngạc nhiên không thốt lên lời, đứng nhìn trân trối hồi lâu.


Cô y tá quay lại thấy thế thì nói, cứ thản nhiên cứ như không:


-À, những đứa bé này là bị bom nguyên tử ở Nagasaki đấy ạ


Khi còn ở Trung Quốc tôi cũng đã nghe tin Hiroshima và Nagasaki đã bị thả một loại bom đặc biệt cực lớn, nên đoán có lẽ những đứa trẻ này đã bị bom lúc ấy, nhưng tôi không ngờ được sự khủng khiếp đến dường này. 


Tôi được đưa vào một căn phòng có khoảng bốn mươi giường bệnh. Bệnh nhân là những người bị bom, trong đó khoảng một nửa là những trẻ em bị bệnh. Nghe nói còn có mấy phòng như thế này nữa, thật không ngờ.


Tôi được dành cho chỗ giường ở gần cửa ra vào.

 

-Ông lính hãy đi tắm rồi thay ra áo trắng của bệnh nhân. Bây giờ chắc là nhà tắm chưa có ai vào, ông hãy tắm rửa cho sạch cát bụi ngoài mặt trận đi đã.


Cô y tá bảo tôi thế, rồi cô chỉ cho tôi chỗ nhà tắm.


Tôi làm theo lời chỉ dẫn, theo lối đi giữa các giường bệnh ra đến cửa ở ở phía đối diện, xuống cầu thang, đến cuối hành lang thì mở cửa. Đó là một phòng tắm đơn sơ, không có gì khác ngoài bốn bức tường trát vữa vây quanh, thế nhưng tôi có ấn tượng nhất là phía đối diện có một cửa kính thật lớn, nên trong phòng rất sáng sủa.


Tôi cởi bộ áo nhà binh bám đầy cáu ghét và bụi bậm như thể là mớ giẻ rách. Tôi nghĩ mà ngao ngán cho mình là bộ áo bẩn thế mà lâu nay cũng vẫn mặc trên người được. Trong ánh nắng chan hòa, thân thể tôi đã cởi hết quần áo ra rồi trông gầy còm quá, đến nỗi cho dù chẳng có ai nhìn, xong tôi cũng cảm thấy xấu hổ chỉ muốn co người lại.

 

Nước trong bồn tắm đun vừa đủ nóng. Lại thêm được ngâm mình trong bồn tắm mới đun ngày hôm đó, tôi cảm thấy như đó là một điều gì thật xa xỉ. Thong thả ngâm mình trong bồn tắm chẳng có ai khác, nước nóng từ từ khiến cả người tôi ấm hẳn lên.


 Có lẽ ba tháng rồi tôi mới được tắm rửa. Đi ròng rã ngoài cánh đồng tuyết phủ, đêm đến trải chăn trên tuyết, phải ôm lấy đồng đội để truyền hơi ấm cho nhau mới ngủ được, nên toàn thân tôi đã lạnh buốt. Vì vậy, được ngâm mình trong nước bồn tắm ấm áp thật là hạnh phúc.


Hơi ấm thấm vào đến tận ruột gan, và những đầu ngón tay ngón chân, tôi nghĩ thầm”Ồ, thế là mình còn sống”. Và rồi tôi nghĩ “Còn sống, thật là may”. Ánh nắng xuyên qua cửa sổ sáng lấp loáng trên mặt nước bồn tắm thật đẹp.


Ôi, sự sống thật là tuyệt vời


Tôi vừa nhìn thân hình gầy còm xác xơ của mình, vừa cảm thấy thấm thía rằng mạng sống thật quý.


Tôi thấy mình đi đường trường trong tuyết với cái lạnh khắc nghiệt là thế, mà chịu đựng được, kể cũng giỏi thật.


Tôi đang nghĩ thế thì nghe thấy bên ngoài nhà tắm có tiếng chân trẻ con đang chạy rầm rập xuống cầu thang. Chắc là bọn trẻ bị bom mới gặp lúc nãy sắp xuống tắm.


Tôi đứng lên, định bụng đi ra là vừa. Thế rồi tôi chỉ còn nhớ được đến lúc đang giơ chân bước qua thành bồn tắm, nhưng đúng lúc tôi đang bước qua thành bồn tắm thì trong người bỗng cảm thấy khó chịu và chóng mặt. Sau đó tôi không còn biết gì nữa.

 

Không biết là sau đó bao lâu, khi tôi định thần lại, thấy mình đã được đặt nằm trên nệm trong bộ áo trắng của bệnh nhân. Trần nhà màu trắng, tường trắng, chiếc giường bên cạnh cũng trắng, khiến tôi dần dần nhớ lại là tôi đã trở về đến Nhật, đã vào bệnh viên của hải quân ở Omura, rồi đi tắm và bị ngất vì hơi nước nóng ở bồn tắm.


Chẳng mấy chốc người y tá đến. Cô ta trỏ về phía bọn trẻ con, bảo:


-Ồ, ông lính tỉnh rồi à. May quá, ông bị ngất trong nhà tắm nên bọn trẻ con này đã khiêng ông vào đây đấy.


Nghe đến đây, tôi đỏ cả mặt. Là vì tôi chưa kịp khoác áo thì đã bị ngất. Có lẽ vì là trẻ con, nên chúng đã cứ để tôi trần truồng như vậy mà tinh nghịch vác đi, làm như rước kiệu, leo lên bậc cầu thang, đưa vào phòng có nhiều giường bệnh. Chắc hẳn là bọn trẻ đã thích thú vừa đi vừa hò vang “Dô ta! Dô ta !”


Bọn trẻ đứa nào cũng quấn lấy tôi mà hỏi chuyện, nào là ”Ông lính ở đâu đến thế ạ?”, nào là “Ông lính có phải là người ở Tokyo không?”, và rồi chúng đã trở nên thân thiết với tôi ngay trong ngày hôm ấy.

 

Tôi đã nằm ở bệnh viện ấy khoảng một tháng trời. Bọn trẻ con trông thì bệnh tật ghê gớm là thế, nhưng không ngờ là chúng vẫn chơi khỏe. Khỏe quá là khác.


Chúng chạy đuổi nhau ngay trong phòng bệnh. Bị y tá nạt nộ mà chúng vẫn không thôi.


-Hễ các cháu không nghe lời thì cô sẽ mách bác sĩ tiêm thật đau đấy.


Bọn trẻ nghịch đến độ chúng le lưỡi ra mà cười sau lưng cô y tá đang đùng đùng nổi giận.


Tôi đã chơi với lũ trẻ ấy như chơi ném vòng, hay đi dạo trong sân bệnh viện.


Thế rồi có một hôm, một đứa bé nghịch ngợm nhất trong đám trẻ con và có lẽ là học sinh lớp 6, đã nói với tôi rằng sáng sớm ngày hôm sau, bố của em Yoko, là người lái tàu hỏa, sẽ lái tàu chạy qua cái dốc ở dưới bệnh viện. Thằng bé xin tôi đi cùng với bọn trẻ ra đứng chào ông khi ông lái tàu chạy qua.


Một nửa mặt của thằng bé này đã bị méo xệch vì vết sẹo bỏng, một bên mắt trắng đục ngầu. Dĩ nhiên là bên mắt ấy hầu như không nhìn thấy gì cả. Một bên vành tai không còn, chỉ có lỗ tai ngoác miệng ra. Một vết sẹo bỏng thật khủng khiếp chạy dài từ cánh tay sang ngực. Cũng vì vậy các đoàn thị sát của quân đội Mỹ hay các bác sĩ quân y Mỹ, thỉnh thoảng đến bệnh viện, đều chụp ảnh thằng bé. Nó thường lầu bầu trách rằng:


-Họ cứ chụp ảnh mà chẳng cho mình một miếng sô cô la nào. Bủn xỉn thật. Chụp ảnh thì phải trả tiền cho người mẫu chứ. Thế là mình làm công không cho họ à. 


Yoko là đứa bé gái nhỏ nhất ở bệnh viện này. Có lẽ chừng 5 tuổi. Mẹ nó đã chết vì bom nguyên tử, chỉ có một mình nó được đưa vào bệnh viện này.


 

Sáng sớm ngày hôm sau, tôi được bọn trẻ đánh thức dậy, rồi ra bãi đất phía sau bệnh viện. Gió lạnh như cắt vào da, khiến người ta bất giác co dúm cả người lại. Bãi đất phủ sương giá trắng xóa. Thế nhưng lũ trẻ vẫn khỏe tợn. Thằng bé nghịch ngợm và Yoko dẫn đầu cả bọn chạy ùa ra tận mép bờ dốc. Tất cả bọn trẻ con, chóp mũi và hai má đều đỏ ửng, thở ra làn hơi trắng xóa. Những luồng gió mang hơi nước thủy triều từ cảng Omura thổi vào bờ, ập vào nhau, làm gấu áo tôi bay phần phật.


–Xe lửa chạy qua chỗ đằng kia kìa.


Thằng bé nghịch ngợm đưa ngón tay chỉ về phía mỏm đất chìa ra cảng Omura. Mây xám nặng trĩu từ trên trời buông xuống, vô số làn sóng bạc nhấp nhô trên mặt biển.


Đợi một lát nhưng mãi vẫn không thấy xe lửa hiện ra. Gió lạnh căm như thấm vào tận xương tủy. Tôi lồng tay vào trong ống tay áo, hai chân thay phiên dậm mãi một chỗ trên mặt đất. Đế guốc gỗ ghê- ta dẫm gẫy sương giá lởm chởm mọc trên mặt đất, phát ra tiếng kêu sột xoạt. 


-Ôi, lạnh thật.


Tôi nghiến răng kêu trèo trẹo.


-Mãi mà tàu hỏa không đến, ta về thôi.


Thằng bé nghịch ngợm liền nói như ra lệnh:


-Hẵng đợi nào. Tàu cũng sắp đến rồi mà.


Thằng bé đứng đưa tay ra như thể ôm lấy vai con bé Yoko.


Con bé Yoko nhìn như dán mắt vào mỏm đất. Một mảng tóc của nó đã bị cháy xém vì chất phóng xạ. Chỗ tóc còn lại đen nhánh. Những sợi tóc ấy bay bay trong ngọn gió theo nước triều thổi vào

 

-Ơ! Đến rồi!


Có tiếng ai đó đã reo lên.


Mặt mấy đứa trẻ đều nhất loạt sáng hẳn lên.


Yoko toan chạy bổ tới, nhưng thằng bé nghịch ngợm đã chận tay lên vai nó, giữ lại.


-Nguy hiểm!


Đoàn tàu hỏa đã hiện ra trên bờ mỏm đất, trông như món đồ chơi. Đoàn tàu cứ thế lừng lững tiến lại gần. Đó là loại tàu hỏa có đầu máy chạy bằng hơi nước. Khói tàu theo gió biển thổi bay loang ra trên cánh đồng mùa đông. Đầu máy kêu rầm rầm chạy qua.


Lũ trẻ nhẩy cẫng lên hò reo ầm ĩ.

 

Thằng bé nghịch ngợm nhìn tôi nói


-Tàu sắp kéo còi đấy ạ.


Con tàu mỗi lúc một lớn hơn, tiến gần sát chân dốc rồi khuất vào rừng cây tuyết tùng. Chỉ thấy làn khói đen ngòm bốc lên phía trên rừng cây, và tiếng đoàn tàu chạy rầm rập làm rung cả mặt đất nơi chúng tôi đang đứng.


Thằng bé nghịch ngợm kéo tay bé Yoko chạy tới, theo hướng con tàu đang vòng từ bên phải sang trái. Những đứa trẻ khác cũng cùng chạy theo.


Chẳng mấy chốc đoàn tàu hỏa chui ra khỏi rừng cây tuyết tùng, những toa xe đen ngòm đã hiện ra. Thế rồi tiếng còi tàu vang lên như xoáy vào tai, xé rách bầu không khí lạnh căm.


-Hoan hô !


Thằng bé nghịch ngợm vừa chạy vừa nhẩy cẫng lên. Tất cả đều giơ hai tay lên mà hô “Hoan hô”. Bé Yoko cũng cười toe toét giơ hai cánh tay bé bỏng lên. 


-Đấy, còi tầu kêu rồi đấy nhé. Cháu nói không sai nhé.


Thằng bé nói với vẻ tự hào, hai má ửng đỏ.


“ Toe ... “


Tiếng còi tàu lại vang lên thật dài một lần nữa, rồi con tàu chạy xa dần ra ngoài tầm mắt của chúng tôi.


Tiếng còi tàu ấy phải chăng là lời cổ vũ “Gắng lên con!”, của một người cha gửi cho đứa con nhỏ một mình ở trong bệnh viện này.


Lồng ngực tôi ấm hẳn lên như được truyền hơi ấm của tình thương, muốn ôm chặt lấy con, cọ vào má con, và của sự phẫn uất vì bom nguyên tử ném xuống, đã dồn người ta vào cảnh ngộ này. 

 

Lũ trẻ con vẫn còn hồ hởi nói cười oang oang và huých vào nhau.


Cũng nhờ có chuyện này, hẳn là bọn trẻ con và tôi ngày càng thêm thân thiết hơn .


Thế mà hôm tôi ra khỏi bệnh viện để về nhà, bọn trẻ đã đi chơi đâu đấy, không ra tiễn tôi.


-Lũ trẻ ấy làm sao thế nhỉ. Ông lính thường hay chơi với chúng là thế mà tại sao thế nhỉ.


Người y tá cũng nói vậy. Rồi cuối cùng, cho đến lúc xe buýt đến dừng trước bệnh viện, và tôi lên xe đi, vẫn không thấy bóng dáng của bọn trẻ con đâu cả.


Tôi cảm thấy như có cái gì thiêu thiếu, vì chia tay mà không có lời chào tạm biệt, nên cứ ngoảnh đầu quay lại mãi, xem thử bọn trẻ có từ đâu đó hiện ra hay không, nhưng xe buýt đã đến rồi mà vẫn chẳng thấy bọn trẻ con ở đâu đổ ra.


Tôi thất vọng não nề vì đã tưởng tượng ra cảnh xe buýt chạy đi rồi mà những đứa bé vẫn còn vẫy tay đuổi theo, còn tôi thì quay nhìn lại mà nước mắt đầm đìa. Tuy nhiên, sau này nghĩ lại, tôi mới thấy mình nghĩ thế thật là hời hợt.


Những đứa bé ấy hẳn là không muốn tiễn tôi. Bọn trẻ đã xem tôi như đồng bạn của chúng, vậy mà tôi lại một mình thản nhiên bỏ về ngay, nên chắc hẳn chúng có cảm tưởng như đã bị phản bội. Ông lính thì có nhà để về, có cha mẹ có gia đình. Còn bọn mình thì nhà cửa cũng không, gia đình cũng chẳng còn.


-Như thế thì ai mà tiễn.


Chắc hẳn là chúng đã nghĩ vậy.


Nói thế mới nhớ, là có những đứa bé nửa đêm bỗng khóc thét lên, như thể chúng nằm mơ thấy sự khủng khiếp của bom nguyên tử, mà chúng đã có thể quên được khi chơi đùa vui vẻ. Gia đình của lũ trẻ đã chết hết cả hay sao mà không hề có ai đến thăm chúng. 


 Nghĩ vậy tôi không khỏi tự trách mình, vì chắc là khi đó tôi đã tỏ ra hớn hở vì sắp được về nhà.


Trước đó tôi đã từng bảo lũ trẻ rằng:


-Các cháu bị bỏng, nhưng không bị chết thế là may lắm còn gì.


 Thế nhưng, tôi bỗng thấy lòng buồn nặng trĩu khi chợt nghĩ không biết trong những đứa trẻ ấy, liệu có được mấy đứa là vẫn còn sống. Với vết sẹo bỏng khủng khiếp như thế, không có gì bảo đảm là mấy đứa trẻ ấy còn sống được. Mà cho dù còn sống được chăng nữa, cũng không khó gì để hình dung ra được là số phận của những đứa trẻ ấy trong thời hậu chiến hẳn là sẽ nghiệt ngã biết chừng nào.


Không biết là thằng bé nghịch ngợm và bé Yoko cùng lũ trẻ đã vừa hò “dô ta” vừa khiêng tôi bây giờ ra sao. Liệu là chúng có được hưởng cái cảm giác

Còn sống thật là may.

Sự sống thật tuyệt vời

hay không?


Tôi nghĩ thế mà lòng quặn thắt.


Cho đến tận bây giờ, hễ nghĩ đến bọn trẻ là tôi vẫn còn như nghe thấy tiếng còi tầu.


Toe...oe....oe....


 

Nguyên tác “Kiteki” của Nagasaki Gennosuke


Người dịch Quỳnh Chi (25/7/2014)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc