Cánh cổng thiền viện, con gà, và người bán mì rong

04 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 8813)



Cánh cổng thiền viện, con gà, và người bán mì rong

 


Cánh cổng của một thiền viện ở Kyoto, kinh đô huyền bí của nước Nhật. Tokyo là thủ đô của thế gian, nhưng Kyoto là thành phố cổ kính, là cố đô thiêng liêng cho nên trong thời chiến đã thoát được bom đạn của Mỹ, và ngược lại, thành phố cũng không có một phi đạn phòng không nào. Kyoto có đến cả 8000 ngôi chùa, phần lớn là chùa Phật giáo. Tôi đang đứng trước một trong những ngôi chùa đó, một thiền viện. Tôi đứng đây một mình, 26 tuổi đời, ăn mặc sạch sẽ, tắm rửa và cạo râu gọn gàng, bởi vì hôm nay tôi định xin vào tu viện làm một nhà sư, hay một thiền sinh học đạo. Bấy giờ là một buổi sáng hè nóng bỏng của năm 1958. Tôi đặt cái vali trên tay xuống, trong đó chỉ có vài bộ quần áo, sách vở và một ít đồ dùng vệ sinh. Chiếc taxi chở tôi đến đây đã bỏ đi. Chung quanh tôi là những bức tường vôi mầu xám trắng, cao khoảng 6 bộ Anh, với mái ngói xám ở trên. Đàng sau bức tường là những cây tùng có hình dáng thật đẹp, được cắt tỉa cẩn thận bởi những bàn tay khéo léo, và sau hàng cây là mái chùa cao, bằng phẳng ở phía trên rồi đổ dốc xuống hai bên và cong vút lên ở mé tận cùng.


 Tôi mới chỉ đến Nhật có vài ngày. Từ Hòa Lan tôi đã lên một chuyến tầu hàng đi qua Phi châu rồi ghé Bombay, Singapore, Hong Kong và rồi đổ bộ ở Kobe.



 Không một địa chỉ trên tay, không một người quen biết nào giới thiệu cho một người nào ở đây. Nhưng tôi có tiền, đủ để sống dè sẻn trong ba năm và lâu lâu còn có thể ăn tiêu vung vít nữa. Từ Kobe tôi đi thẳng đến Kyoto, cách khoảng một giờ đồng hồ tầu điện. Dọc đường trải dài những đồng lúa xanh ngát, xanh hơn cả những đồng cỏ xanh ở Hòa lan, chấm phá với những bảng quảng cáo mầu xám lạ mắt trông như có một vẻ siêu thực nào đó. Tôi tò mò quan sát những người đồng hành trong tầu, những người đàn ông trông có vẻ bảo thủ trong những bộ suit kiểu cổ, áo sơ mi trắng, phần lớn không đeo cà-vạt; những người đàn bà trong áo kimono, dáng nhỏ nhắn và nhu mì, đôi mắt ánh lên những tia tò mò. Thấy tôi cũng có vẻ tò mò, họ lấy tay che miệng, cúi đầu xuống cười khúc khích. Tôi biết ở Âu châu tầm vóc tôi cũng chỉ bình thường, nhưng ở đây trông tôi như một người khổng lồ, một ngoại nhân lạ lùng ít thấy. Một sinh viên trong bộ đồng phục làm tôi liên tưởng đến những tấm hình của thời Thế chiến thứ hai, làm quen với tôi bằng một giọng tiếng Anh ngập ngừng. Tôi có phải là một du khách không? Vâng, tôi là một du khách. "Đất nước chúng tôi đẹp lắm," anh ta nói. Vâng, tôi cũng thấy như vậy. Câu chuyện đến đó khựng lại. Chúng tôi mỉm cười nhìn nhau, tôi được tặng một điếu thuốc lá thật ngon. Và rồi lại tiếp tục nhìn ra ngoài cửa sổ.


 Tôi đã biết Kyoto là một thành phố của đền đài. Những ngôi chùa và những tu viện. Những mái nhà huyền bí với những đồ vật lạ lùng, những thiền viện đầy trí tuệ. Và đó là nơi chốn tôi đang tìm đến. Trí tuệ, sự an bình, sự bình thản cao độ. Tất cả mọi thiền viện đều có một cái cổng, một cánh cửa, một chỗ mở ra cho những người muốn đi tìm trí tuệ, miễn là những người ấy thành tâm và chân thực.



 Và bây giờ tôi đang đối diện với một cánh cổng bằng gỗ theo kiểu kiến trúc Trung hoa, với mái cong đầy nghệ thuật, và nhiều nét tô điểm làm đẹp thêm khiến tự nó đã trông như một mái chùa riêng biệt vậy. Cánh cổng dầy vĩ đại lúc đó đang mở rộng.



 Tôi nhìn xuống đường phố chung quanh chùa. Tôi không còn lẻ loi nữa. Một con gà đang đi quanh quẩn gần bên, bận rộn tìm kiếm thức ăn trong cát. Xa xa một người đàn ông đang đi tới, đẩy một xe đồ ăn, phảng phất mùi mì xào trong gió. Ông ta cầm hai thanh gỗ đập vào nhau thành một điệu nhạc, mà có lẽ tôi sẽ thấy vui tai nếu lòng đang không trùng xuống khi nghĩ đến cánh cổng thiền viện kia. Trong chùa không ai biết tôi sẽ đến đây. Đêm hôm trước tôi ngủ ở một khách sạn nhỏ. Người bồi ở đó biết tiếng Anh, và tôi đã hỏi thăm anh ta xem có một thiền viện nào đang hoạt động ở đây để đến đó học thiền. Anh ta nhìn tôi ngơ ngác như không hiểu rõ câu hỏi. Những thiền viện như vậy đâu có mở cửa đón tiếp người ngoài. Tại sao tôi không đi chỗ này hay chỗ kia -- có những hoa viên, những bức tượng cho tất cả mọi người đến xem. Nếu tôi muốn anh có thể giới thiệu một người hướng dẫn, họ rất hãnh diện đưa tôi đi thăm thành phố của họ, viếng nhiều nơi hay lạ. Nhưng tôi chỉ muốn học thiền thôi.



 Anh ta vẫn không hiểu nổi. Trong ý nghĩ anh chắc tôi là một ký giả đang đi tìm đề tài, và muốn đến phỏng vấn một vị thiền sư nào đó. Đầu óc bình thường của anh không thể tưởng tượng được là tôi lại muốn đến sống ở một thiền viện và thành một vị sư ở đó lâu ngày. Nhưng dù sao tôi cũng lấy được một địa chỉ và phương hướng đến đó.



 Cách chỉ đường của anh ta có vẻ rắc rối quá, nên rốt cuộc tôi đã gọi taxi. Và bây giờ tôi đang đứng trước nơi tôi muốn đến. Người bán mì rong đã đến gần tôi. Ông ta dừng xe lại, nhìn tôi mời mọc. Tôi gật đầu. Ông lấy tô ra cho đầy mì và rau vào trong đó. Mùi thơm tỏa ra xực nức. Ông ngần ngừ một chút, rồi đưa tôi một đôi đũa, vì ông không có muỗng. Tôi không biết giá cả, đưa ông một nắm bạc cắc. Ông ta hít hà một cách lễ phép, rồi nhón tay lấy một nắm tiền tương đương với khoảng 6 xu Anh. Khi thấy tôi dùng đũa thành thạo, ông hoan hỉ cúi đầu xuống chào. Một sợi mì rơi xuống đất lúc nẫy đang bị con gà tấn công tới tấp như đang mổ một con giun sống vậy, khiến chúng tôi cùng bật cười. Tôi nghĩ thầm, chà, chắc người ở đây không đến nỗi nào tệ đâu. Có lẽ tôi cứ thử xem sao. Và tôi kéo dây chuông, chiếc chuông bằng đồng xanh vĩ đại treo nơi mái cổng chùa. Người bán mì giật mình, vội vã cúi chào rồi đẩy xe mì đi. Sau này tôi mới biết, chiếc chuông đó là vật thiêng liêng, chỉ được dùng đến trong một vài dịp lễ lạc tôn giáo. Khách đến chùa thường tự động đi vào mà không phải loan báo . Giây phút này đây là một giây phút nghiêm trọng, và để có kinh nghiệm này tôi đã làm một cuộc hành trình, đã từ bỏ đời sống quen thuộc từ trước đến nay. Một đời sống mới sẽ bắt đầu với tôi, mà lúc này tôi vẫn chưa tưởng tượng được sẽ như thế nào. Tôi bây giờ như mới được sinh ra, một trang giấy trắng. Vừa vui mừng, vừa lo lắng, tôi bước vào khuôn viên thiền viện. Qua khỏi bức tường rào, ngôi chùa hiện ra trước mặt tôi toàn diện huy hoàng, với một vẻ tươi mát, vững chãi, như chìm trong một sự an bình bất tận. Giống như một phần của khuôn viên, ngôi chùa như mọc lên từ lòng đất, hài hòa với khu vườn xanh ngắt, không một sắc hoa, với những tảng đá, những cụm cây, những cây xanh và lối đi gọn gàng. Và chung quanh là cỏ rêu mọc tràn đầy, đủ loại cỏ rêu từ mầu xám nhạt cho đến mầu xanh lá cây đậm nhất. Những mầu sắc tĩnh lặng, an bình. Nhưng vị sư đang đi đến phía tôi trông chẳng an bình tí nào. Dáng người thấp lùn, đi lênh khênh trên chiếc guốc gỗ có hai quai chéo, trông ông ta có một vẻ khôi hài, một hình ảnh lạ lùng như không thuộc vào thế giới hiện tại. Cái vạt áo đen của ông vắt lên chiếc thắt lưng trắng, để lộ bắp vế đến đầu gối, mới nhìn giống như một người đàn bà lao động đang giặt đồ hay lau nhà dở tay. Ông ta bước nhanh lại, hai tà áo phập phồng như lộ vẻ bối rối. Đầu ông cạo trọc, và để khỏa lấp sự khích động theo như người Nhật, ông mỉm miệng cười, nhe hàm răng lấp lánh thiếc trắng xóa.


 Khi còn cách tôi một vài bước ông dừng lại gập người xuống chào. Cái chào của ông khác hẳn những cái chào tôi thường thấy xưa nay. Người Nhật cúi đầu chào khi gập ta, nhưng họ chào một cách máy móc theo thói quen, không để ý đến cử chỉ của mình, chỉ cong lưng xuống rồi lại bật lên như thường. Nhưng cái chào của vị sư này có vẻ trịnh trọng, gần như cái chào của nhà binh vậy. Ông để hai tay xuôi theo hông và gập người xuống từ thắt lưng, nên hai cánh tay ông buông thõng xuống tới quá đầu gối. Tôi cố bắt chước chào lại như vậy cho thật giống.


 Bằng tiếng Anh, ông nói. "Chào ông, ông muốn gì?"


 Tôi trả lời. "Tôi muốn gập thầy trụ trì để xin được ở lại chùa."



 Tuy tôi nói thật chậm rãi và rõ ràng, vị sư dường như không hiểu. Tôi lấy tay chỉ vào chiếc vali, rồi chỉ về phía chùa. Ông ta nhìn theo ngón tay chỉ rồi lại nhìn tôi, vẫn còn chưa hiểu. Chúng tôi im lặng nhìn nhau một vài giây rồi vị sư ra hiệu cho tôi đi theo ông.



 Đến thềm vào chùa, ông chỉ vào đôi giầy, tôi biết ý tháo giầy ra. Rồi ông chỉ vào bức tượng Phật nằm giữa hai tấm liếp cửa bằng gỗ và giấy. Tôi cúi chào tượng phật, giống như vị sư đã chào tôi hồi nẫy. Sau đó chúng tôi đi lên bậc thang gỗ, và tôi được đưa đến một căn phòng đợi. Trước khi đến căn phòng này chúng tôi phải đi qua hai lần cửa, và mỗi lần như vậy vị sư lại quỳ trên chiếu, trịnh trọng kéo cánh cửa mở ra, đợi tôi bước vào rồi lại trịnh trọng đóng lại. Đúng là tôi đang ở một nơi thiêng liêng. Trong phòng không có một cái ghế nào, tôi phải ngồi xuống đất một cách không thoải mái. Tôi bỗng thèm châm một điếu thuốc lá, nhưng không có gạt tàn nào ở đây và ở trong khung cảnh này có lẽ sẽ bất lịch sự nếu hút thuốc mà không được phép trước. Đàng sau tôi là một cái bệ gỗ thô sơ, không sơn phết, không được chà cho bóng, tua tủa những thân cây nhỏ hay những cành cây to, trong đó lại có một bức tượng lớn bằng người thật của một vị thiền sư người Nhật hay Trung hoa đang trong thế ngồi kiết già. Đôi mắt thủy tinh của vị thiền sư nhìn xuống đất nhưng không nhắm vào đâu cả, như trụ vào một điểm cách đó chừng 9 bộ Anh. Không có ai ở trong phòng nên tôi tha hồ ngắm pho tượng này. Có một điểm khác biệt rõ rệt giữa tượng Phật ở ngoài thềm trước và tượng vị thiền sư này. Tượng Phật trông có vẻ hiền lành với cái cười mỉm, tỏa ra một niềm an tĩnh hòa với nét từ bi nhẹ nhàng. Vị thiền sư trông khác hẳn, đầy năng lực và ý chí mãnh liệt. Đôi môi mím chặt biểu lộ một sự tập trung tư tưởng cao độ, như nhắm vào một cái gì siêu việt trên thế giới này. Một năng lực siêu nhiên như toát ra từ bức tượng gỗ này, một năng lực thật mãnh liệt. Nhưng cả hai bức tượng đều giống nhau ở một điểm, đó là sự tự do tự tại, không vướng mắc vào một ý tưởng hay cảm giác nào. Sau này tôi mới được biết tượng này chính là tượng của vị sáng lập ra thiền viện này, một thiền sư nổi tiếng sống trong thời Trung Cổ, một trong những nhân vật đặc biệt nhất trong lịch sử của thiền.



 Bức tượng vị thiền sư bằng gỗ này thu hút tôi, nhưng khi đôi mắt thủy tinh của ông bắt đầu làm tôi thấy sợ, tôi quay nhìn ra ngoài. Bên ngoài trời nắng ấm, các cửa trông ra vườn đều mở ra. Đàng sau tôi mùi hương tỏa ra từ những thẻ nhang đã tắt khiến tôi cảm thấy đầu óc nhẹ nhàng. Bên ngoài mái hiên là một vườn cảnh với những tảng đá, một cái ao trong đó những con cá vàng đang bơi lượn một cách nhàn hạ, đớp những miếng bánh mì rải rác trong nước. Đột nhiên một chú tiểu lướt qua, hai tay chà lên miếng giẻ lau nhà, hai chân chuyển động thật nhanh. Chú ta làm tôi liên tưởng đến một phim khôi hài hồi xưa. Một lúc sau chú lại quay lại vẫn trong tư thế cũ, theo chiều hướng ngược lại. Lần này trông chú giống như một con bọ hung thật to. Mặc dù nhìn ra ngoài tôi vẫn cảm thấy được pho tượng đàng sau và khiếp sợ với cái ý lực mạnh mẽ của vị thiền sư ấy. Lúc đó tôi đâu biết rằng, đó chính là vị thiền sư của huyền thoại mà sau nhiều năm công phu đã giác ngộ và từ bỏ danh phận của mình sống lánh đời trong 20 năm. Ông sống lẫn lộn trong đám người cùng đinh nghèo hèn ở dưới chân cầu Kyoto mà không tỏ ra có gì khác biệt với họ cả. Lúc ấy, nhà vua cũng là một hành giả tu thiền, nghe tin đồn có một vị đạo sư đang sống trong kinh thành. Tin đồn còn nói rằng vị đạo sư ấy thích ăn một loại dưa hấu nào đó. Nhà vua bèn hóa trang, xách theo một giỏ dưa hấu đi khắp thành phố cho đến khi ngài gập dưới chân cầu một người ăn mày với đôi mắt sáng quắc. Ngài đưa mời người ăn mày kia một quả dưa, nói rằng: "Lãy quả dưa này đi, nhưng không được dùng đến tay." Người ăn mày trả lời: "Ngài hãy đưa tôi quả dưa mà không dùng đến tay." Sau đó nhà vua bèn cúng dường để xây một ngôi chùa và mời vị đạo sư đến trụ trì ở đó. 


 

Trong lúc ngồi ở phòng đợi của chùa, tôi chợt nhớ đã có lần nghe rằng đi tìm Thượng đế là một tác động hai chiều. Trong khi cố công tìm đường để leo lên cao, thoạt tiên người ta không biết rằng chính khi đang khổ công như vậy họ cũng được kéo lên nữa. Tôi nghĩ, nếu vị đạo sư này chịu nhích tay mà kéo tôi lên vùng trời trên một chút thì hay quá.



 Đang nghĩ ngợi thì vị sư hồi nẫy đi vào. Tôi bối rối cúi đầu xuống chào, vị sư gật đầu và ra hiệu mời tôi đi theo.



 Chúng tôi quay trở ra bậc thềm, tôi đi giầy vào lại, và theo một lối đi hẹp cách đó không xa, có mái che giống như cổng chùa, đến một gian nhà nhỏ. Tôi chắc đây là gian nhà của vị thầy trụ trì. Tôi đã đọc trong sách rằng các vị thiền sư thường sống riêng biệt và không phải lo lắng gì đến việc quản lý ngôi chùa. Họ không làm những việc thường nhật trong chùa, mà chỉ lo việc chính là hướng dẫn tâm linh cho các vị sư và đệ tử khác, thường từng người một đến tham vấn mỗi ngày.


 Chúng tôi lại đến một bậc thềm khác và tôi thấy một đôi giầy to quá khổ của người tây phương nằm cạnh những đôi guốc mộc của người Nhật. Vị sư kéo cánh cửa sang một bên rồi biến mất. Tôi đứng trong một căn phòng trong đó có một lão tăng Nhật bản và một thanh niên tây phương lực lưỡng vai rộng, nhìn tôi chăm chú. Tôi cúi chào lễ phép, và được đón nhận bằng hai cái gật đầu thân thiện.


 "Mời bạn ngồi," thanh niên tây phương nói bằng một tiếng Anh giọng Mỹ. Tôi chắc anh ta độ khoảng ngoài 30, và chợt lấy làm lạ khi thấy bộ quần jean và áo sơ mi kẻ ngang mùa hè của anh không tương phản tí nào với khung cảnh chung quanh. Anh nói, "Tên tôi là Peter. Thật là may cho anh là hôm nay tôi có ở đây, vì chỗ này người ta chỉ dùng tiếng Nhật thôi. Vị thầy đây muốn biết tại sao anh lại đem vali đến chùa như vậy." Sau đó cuộc đối thoại là giữa tôi với vị thầy. Người Mỹ chỉ thông dịch lại mà không góp ý gì thêm.



 Tôi đã đọc khá nhiều các truyện về những vị thiền sư để hiểu rằng họ không thích nói rườm rà và hay dùng những cách để diễn tả mà không bằng lời nói. Theo trong sách, các vị thiền sư thường đột nhiên quát lớn lên, đang đi bộ yên lặng thì quay qua tấn công bạn, lấy gậy đập lên đầu bạn, hoặc nói những câu nghe thật là vô nghĩa. Cho nên tôi nghĩ mình nên nói thật là ngắn gọn và chính xác thì hơn.



 "Tôi đến đây," tôi lựa lời nói một cách cẩn thận, "để tìm hiểu mục đích của đời sống. Đạo Phật biết mục đích ấy, cái mục đích mà tôi đang cố tìm kiếm, và đạo Phật biết con đường đi đến giác ngộ." Trong khi đang cố gắng giải thích ý định của mình, tôi bỗng thấy mình thật là ngớ ngẩn. Đời sống, theo tôi, dĩ nhiên phải có một mục đích nào đó, và thật là ngu khi nhìn nhận mình chẳng biết được mục đích của những điều đang được tạo lập ra chung quanh và ở ngay trong chính mình. Nhưng tôi không biết nói điều gì khác hơn. Và lạ thay, vị thầy trả lời ngay. Tôi đã tưởng rằng ông sẽ im lặng thay cho câu trả lời. Khi Đức Phật được hỏi đời sống có hay không có mục đích gì không, con người sau khi chết đi về đâu, hay vũ trụ này có chấm dứt hay khởi thủy gì không, ngài đã không trả lời, mà giữ một sự "im lặng cao quý". Có thể ngài đã dùng cách đó để ý chỉ rằng những câu hỏi như vậy được đặt ra là không thích hợp. Đầu óc của chúng ta là một cơ năng chỉ có thể làm được những việc giới hạn, chuyên biệt. Khi cố gắng hiểu những gì thật huyền bí, óc chúng ta đứng dừng lại. Trí óc này không thể chứa đựng được những câu hỏi, hay những câu trả lời sâu xa như vậy. Để có được sự minh liễu thực sự, để có được sự giác ngộ, một cơ năng khác phải được dùng đến. Trí tuệ tâm linh chỉ được khai triển qua con đường bát chánh đạo, qua những phương tiện của đạo Phật. Đức Phật muốn rằng các đệ tử của ngài phải dùng những phương tiện mà ngài đã khai sáng và hoàn thiện. Đức Phật là một người thực tế, một người rất sáng suốt và lý trí.



 Nhưng vị thiền sư này, trong bộ đồ mầu xám, với tuổi hạc đã cao, ít nhất cũng phải trên bẩy mươi, với đôi mắt sáng chói rõ ràng, đã không giữ một sự "im lặng cao quý" nào cả.



 "Phải," ông nói, "đời sống là có mục đích, nhưng mục đích ấy thật lạ lùng. Khi bạn đã đi đến cuối con đường và có được cái nhìn thấu suốt bạn sẽ thấy rằng giác ngộ chỉ là một trò đùa." "Một trò đùa thôi," người Mỹ nhìn tôi nói một cách nghiêm trọng. "Đời là một trò đùa, khi đã tu học rồi tới một lúc nào đó bạn sẽ hiểu như vậy -- không phải lúc ấy đến ngay bây giờ đâu, nhưng rồi thế nào cũng đến."



 Tôi hỏi xin làm đệ tử của vị thầy. Ông ta gật đầu ngay. Tôi ngạc nhiên thấy ông nhận lời nhanh như vậy. Rõ ràng là những quyển sách tôi đã đọc là láo lếu, do những tay viết lơ mơ không có kinh nghiệm gì cả. Tôi đã được đoan chắc rằng, các thiền sư không có dễ dàng thu nhận đệ tử đâu. Bao giờ cũng có những trở ngại được đặt ra. Hoặc là người ấy được bảo rằng vị thầy đã quá già, hay quá yếu, hay quá bận để nhận thêm đệ tử mới. Hoặc là người ấy được cho biết là họ không có đủ tư cách để làm một đệ tử nhưng tạm thời cũng có thể được nhận vào làm công việc gánh củi, hay làm rẫy ngoài đồng gì đó chẳng hạn.



 Nhưng không, tôi có thể được nhận, với điều kiện là tôi phải sẵn sàng ở đây ít nhất 8 tháng, bởi vì nếu ở ít hơn tôi sẽ chẳng học được gì cả. "Tôi ở đây 3 năm cũng được mà," Tôi nói. "Không cần thiết phải như vậy," vị thầy trả lời. "Ba năm là một khoảng thời gian lâu dài trong cuộc đời con người. Anh không cần phải tự nguyện hay hứa hẹn điều gì hết, nhưng ít nhất là phải ở đây 8 tháng. Bởi vì nó không dễ dàng như anh tưởng đâu. Chúng tôi dậy từ 3 giờ sáng và đến 11 giờ đêm mới đi ngủ. Chúng tôi thiền nhiều lắm, và phải làm việc ngoài vườn nữa. Sẽ có nhiều áp lực căng thẳng , nhất là anh đi vào một môi trường hoàn toàn khác biệt. Mọi thứ đều sẽ mới lạ đối với anh, từ ngôn ngữ, đến cách ngồi, thức ăn uống. Những gì anh đã học được từ trước tới giờ sẽ chẳng giúp ích gì được cho anh đâu. Nhưng cũng tốt thôi, có thêm một chút tu tập bao giờ cũng tốt cả."



 Vị thầy nói một lúc dài, lâu lâu ngừng lại để Peter có thể thông dịch kịp thời. Khi ông nói xong tôi thấy cần phải lợi dụng dịp này để hỏi một vài câu. Tôi cố nghĩ ra những câu hỏi thông minh nhưng rồi tất cả đều chỉ quay về một điểm: cuộc đời này có mục đích gì không? Vị thầy lắc đầu: "Tôi có thể trả lời câu hỏi của anh nhưng không làm điều đó bởi vì anh sẽ chưa hiểu được câu trả lời. Nghe đây: hãy tưởng tượng là tôi đang cầm một bình trà, và anh đang khát nước. Anh muốn tôi cho anh uống trà. Tôi có thể đổ nước trà ra nhưng anh phải có một cái tách đưa cho tôi mới được. Tôi không thể đổ nước trà lên tay anh vì anh sẽ bị bỏng. Nếu tôi đổ nước lên sàn nhà thì chiếu lót sàn sẽ bị hỏng. Anh phải có một cái tách đưa ra mới được. Cái tách đó anh tự làm nơi bản thân mình bằng sự tu tập anh sẽ nhận được ở đây."


 Nói đến uống trà làm vị thầy thấy khát nước, ông nói một vài lời với Peter. Anh ta cúi đầu kính cẩn rồi đi ra ngoài, và trở lại ngay với một cái khay trên có bình trà, mấy cái tách, và một đĩa bánh ngọt, thuốc lá và gạt tàn.



 Vị thầy thoải mái hơn, và không khí trong phòng thay đổi hẳn. Peter tựa mình vào tường, vị thầy cà lưng vào một trong những cái cột trong phòng. Tôi thay đổi thế ngồi vì từ đó tới giờ tôi quỳ gối đã lâu và chân bắt đầu thấy đau.


 "Anh đến từ Hòa lan hả." Vị thầy nói. "Tôi có đọc về đất nước của anh. Nước anh có mực nước cao hơn mặt đất và người ta phải dùng đê để ngăn cho nước không tràn vào. Đôi khi nước vẫn tràn vào và người ta lại phải dựng lại các đê điều mới."

 


 "Đã có một cuộc chiến giữa hai quốc gia", tôi nói, "giữa nước ông và nước tôi."


 "Phải, đã có một cuộc chiến lớn." Vị thầy nói. "Nhiều đệ tử của tôi đã chết trong chiến trận. Chiến tranh là một sự vận động. Bây giờ hòa bình đã tới và người ta lại vận động với nhau bằng một cách khác. Có nhiều cái đã được xây dựng lên và bị phá hủy đột ngột để rồi lại được xây trở lại. Anh có thù ghét gì người Nhật chúng tôi trong cuộc chiến hay không?"



 "Không," tôi nói. "Tôi đã sống ở Hòa lan trong thời chiến. Tôi liên kết tất cả những gì xấu xa, đáng khinh ghét, những gì tàn bạo, với bộ đồng phục phát xít của người Đức, của binh lính Đức. Tôi mới chỉ thấy được tí chút về đất nước của ông và tôi thấy là rất đẹp, những người dân rất tử tế."



 Vị thầy cười. Tôi được mời thêm một cái bánh ngọt và một tách nước trà xanh đắng. Sau đó cuộc nói chuyện chấm dứt. Vị thầy ngồi thẳng lưng lên. Peter trở lại vị trí quỳ như cũ và tôi đứng lên cúi đầu chào.


 Vị sư hồi nẫy đã chờ tôi sẵn ở ngoài. Ông ta cầm cái vali của tôi. Ông nói: "Phòng của anh ở kia," và chỉ vào một gian nhà nhỏ ở góc vườn bên kia. Gian nhà trông thật hoang tàn: cái phòng để cho tôi ở thật rộng rãi nhưng rất bẩn. Chiếc chiếu lót sàn đã sờn đi nhiều và những tấm liếp bằng giấy và gỗ ở mặt trước rách bươm.



  Vị sư lấy một cái chổi đem lại, với vài miếng giẻ và một cái sô. Ông ta chỉ cho tôi cái máy nước ở ngoài vườn đàng sau nhà. Rồi ông lấy một cuộn giấy và một vài dụng cụ ra, bắt đầu công việc sửa chữa mặt trước. Mất vài tiếng đồng hồ sau, căn phòng trông đã khá sạch sẽ, và khi chúng tôi làm xong vị sư cũng đã sửa luôn cả mấy cửa sổ và cửa chính. Ông ta cười, cúi đầu chào rồi trở lại phía chánh điện. Tôi nằm trên sàn, gối đầu lên chiếc vali. Lấy một cái đĩa nhỏ làm gạt tàn, tôi hút thuốc một cách hài lòng. Tôi nghĩ, tôi đang ở đây, đã đến được một nơi suối nguồn của trí tuệ. Tôi sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi điều gì đó. Nhưng tôi vẫn cảm thấy một cái gì bất an. Khung cảnh ở đây thật là kỳ lạ. Một ngôi chùa đông phương với mái cong đổ dốc, những bức tường bằng giấy, những cái đà nhà thấp dễ làm đụng đầu, và những sinh vật bé nhỏ trong áo tràng đen. Ý nghĩ sau cùng đến với tôi trước khi chìm vào giấc ngủ là có lẽ tôi nên mua lại một cái tầu đánh cá sửa lại để bơi thuyền trên bờ biển nội địa Hòa lan thì hay hơn.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng