TỪNG GIỜ CON NHỚ PHẬT - Thích Tánh Tuệ

15 Tháng Mười Hai 20193:21 CH(Xem: 3253)


Niem Phat ADiDa


Niệm Phật liên hệ đến Giới- Định-Tuệ như thế nào?
 
Có người hỏi tôi: 
Niệm Phật liên hệ đến Giới- Định- Tuệ như thế nào ?
 
Tôi nói: Liên hệ rất chặt chẽ. Chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khiến ý không còn nghĩ đến điều ác, ấy là giới. 
Ý không nghĩ đến điều ác, nên miệng không nói lời ác, ấy là giới. 
Ý không nghĩ điều ác, nên thân không làm điều ác, ấy là giới và là tâm giới.
 
Giới là ngăn ngừa điều ác của thân và tâm, niệm Phật A Di Đà, khiến ý không còn nghĩ đến điều ác, miệng không còn điều kiện để nói lời xấu ác và thân không còn điều kiện để làm các điều xấu ác. Do đó, niệm Phật A Di Đà là giới và trì giới.
 
Chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khiến tâm an trú vào một điểm, phiền não lắng xuống và tâm bất loạn, ấy là định.
 Định ấy có khả năng sanh giới mà thuật ngữ Luận tạng gọi là Tịnh lự sanh luật nghi hay Định sanh luật nghi. Nghĩa là giới hay luật nghi sanh khởi từ Thiền định, để phòng hộ điều ác xảy ra từ nơi tâm ý và nơi hành động của thân, ngữ. Nên, trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà đến nhất tâm, không những sanh ra giới (śīla) mà còn sinh ra định (samādhi) và không những sinh ra định mà còn sinh ra giới.
 Không những sinh ra giới, định mà còn sinh ra tuệ (Prajñā). 
Từ định mà sinh tuệ, thuật ngữ Luận tạng gọi là Đạo sinh luật nghi.
 
Nghĩa là do tâm ở vào trạng thái thiền định thuần nhất, các phiền não bị nhiếp phục và đoạn tận, khiến con đường đi vào giải thoát phát sinh và có năng lực phòng hộ các ác pháp,khiến chúng bị chuyển hóa và không thể khởi lên nơi tâm, ấy gọi là Đạo sinh luật nghi.
 
Nên, niệm Phật càng chuyên nhất, tâm càng đi sâu vào định và định đến chỗ tột cùng thì tuệ phát sinh và nhập vào Thánh  đạo vô lậu hay Phật đạo.
 
Tuệ phát sinh, thì thấy rõ tự tánh thanh tịnh nơi tâm mình và tự tánh thanh tịnh nơi tâm Phật A Di Đà không hai, không khác. Thấy rõ tha phương Tịnh độ với tự tâm Tịnh độ là tương tức, tương nhập.
 
Không chứng nhập được tự tâm Tịnh độ, thì không thể chứng nhập được tha phương Tịnh độ. Và không tin vào tha phương Tịnh độ, thì không có điều kiện để chứng nhập tự tâm Tịnh độ.
 
Trong tha phương Tịnh độ có tự tâm Tịnh độ và trong tự tâm Tịnh độ có tha phương Tịnh độ. Nên, tự tâm Tịnh độ và tha phương Tịnh độ, tuy hai mà không phải hai, tuy một mà không phải một.
 
Và do có tuệ, nên thấy Tịnh độ Phật A Di Đà và Tịnh độ của chư Phật mười phương đều cùng một bản thể thanh tịnh, dung thông vô ngại, có khác chăng là do từ nơi bản nguyện hay phương tiện thiết lập Tịnh độ của các ngài.
 
__(())__
 
THIỀN SƯ NHẤT HẠNH DẠY VỀ PHƯƠNG PHÁP NIỆM BỤT
 
🙏Ta phải nắm lấy danh hiệu mà hết lòng thực tập quán niệm. 
Phương pháp này gọi là phương pháp trì danh. Trì danh không phải chỉ bằng miệng của mình, mà còn bằng tâm của mình. 
Nắm lấy là trì, hết lòng là nhất tâm. Nắm lấy danh hiệu, không phải bằng trí năng, hoặc bằng miệng lưỡi, mà bằng trái tim. 
Tâm của mình phải chuyên nhất. Mình phải để tâm vào danh hiệu đó, phải làm cho danh hiệu của Bụt có mặt trong tâm mình.
 
🙏Khi niệm ‘‘Nam mô Bụt A Di Đà’’ mà tâm ta nghĩ đến chuyện khác, thì đó là niệm danh hiệu suông, cũng giống như vỏ trấu không có hạt gạo ở trong. Đó là hạt lúa lép. Niệm Bụt mà không có nội dung, gọi là niệm Bụt không nhất tâm.Vỏ trấu không thể nấu thành cơm được. Vì vậy trong vỏ trấu phải có hạt gạo.
 Cũng vậy, niệm Bụt có nhất tâm thì gọi là niệm Bụt có nội dung.
 Khi mình niệm Bụt:
‘‘Namo Tassa Bhagavato Arahato Samasambu-ddhassa’’ 
(Con kính lạy Đức Thế Tôn, Bậc A La Hán, Bậc ­Ứng Cúng, Bậc Chánh Biến Tri), thì mình biết Thế Tôn (Bhagavat) là Đấng mà người đời tôn kính. ­Ứng Cúng (Arahato) là người xứng đáng được cúng dường. Chánh Biến Tri là bậc có sự hiểu biết chân thực và toàn vẹn.
 
🙏Khi niệm danh hiệu, lòng mình có sự rung động và tha thiết. Giống như mình gọi tên của người thương vậy. Nghe tên người thương mình cảm thấy rung động. Nó làm cho mình khỏe, nó làm cho mình có hy vọng. Niệm Bụt cũng phải như vậy. 
Niệm Bụt không phải chỉ là gọi tên một cách trống rỗng, mà phải làm cho lòng mình tràn đày sự tín kính.

(-Trích "Thiết lập Tịnh độ" - Sư ông Làng Mai)

thay tro

Từng ngày nhớ Phật

Mùa Xuân ngồi niệm Phật
Lượng đất trời rộng thênh
Nghe Xuân về rót mật
Với yêu thương, thanh bình.
 
Mùa Hạ ngồi niệm Phật
Nắng trải vàng tâm tư
Cõi đời dù oi bức
Vẫn thanh lương, khoan từ.
 
Mùa Thu ngồi niệm Phật
Lá u sầu nhẹ buông
Bao muộn phiền nhân thế
Thoáng mây về xa phương..
 
Mùa Đông ngồi niệm Phật
Niệm dần vào lắng sâu
Thân và tâm hợp nhất
Đau thương hóa nhiệm mầu.
 
- Bốn mùa con niệm Phật
Mời Phật vào trong tâm
Rải lòng từ khắp cả..
Tây Phương nào xa xăm.
 
Từng ngày con nhớ Phật
Gỗ mục thành phong lan.
Cùng con ong, cái kiến..
Sẽ thành Phật xếp hàng.
 
Từng giờ con nhớ Phật
Đời bao dung, dịu dàng!
Chợt hiểu tâm là Phật
Phật không rời thế gian. 

Namo Buddhaya
Như Nhiên -Th TanhTue


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật